Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Phúc âm Chúa Nhật - Lễ Hiển Linh (02/01/2011)

Nguồn : www.40giayloichua.net LỄ HIỂN LINH : CHÚA GIÊSU LÀ ÁNH SÁNG CỦA MUÔN DÂN Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái 1. Mặt trời là của ai? Chúa của ai? Chúa Giêsu là Ánh Sáng, ánh sáng huy hoàng hơn cả mặt trời. Nếu mặt trời không phải là của riêng ai, thì Chúa Giêsu cũng là của mọi người, mọi dân. Ngài mang ơn cứu độ đến cho muôn dân. "Không ai thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên giá để soi cho mọi người". Bởi thế, ngay sau khi giáng sinh, tỏ mình ra cho những kẻ chăn chiên nghèo hèn, Chúa Giêsu cũng sớm tỏ mình ra cho các đạo sĩ đại diện cho lương dân. Vì Chúa muốn tỏ mình ra cho muôn dân, cho nên lương dân có quyền được biết Chúa, và những người đã biết Chúa có bổn phận giúp cho lương dân biết Chúa. Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay dùng một hình ảnh vừa rất đẹp vừa rất hay để dạy chúng ta cách giúp cho người khác biết Chúa, đó là Ánh Sáng: Hãy đưa cao Tin Mừng như người ta nâng cao ngọn đuốc sáng để soi chiếu mọi vùng tăm tối. Cách sống của những người đã biết Chúa phải là một ngọn đèn sáng gương mẫu cho những người chung quanh. Chúa Giêsu nói: "Sự sáng của chúng con cũng hãy tỏa sáng trước mặt mọi người. Còn Thánh Phaolô thì nói: "Anh em hãy chiếu sáng như những tinh tú trên bầu trời". 2. Hành trình đức tin Hành trình của các đạo sĩ là hình ảnh minh họa cho hành trình của mọi kẻ tin: a/ Hành trình khởi đầu bằng một điều gì đó lạ lùng khiến người ta chú ý (thí dụ ánh sao lạ đối với các đạo sĩ). Ðiều lạ lùng này mời gọi người ta từ bỏ nếp sống đã quen để dấn thân đi tìm một cái gì đó cao hơn, xa hơn, tốt đẹp hơn. b/ Tiếp theo là những bước thăng trầm trong cuộc hành trình: có khi con đường rất bằng phẳng êm ái, có khi lại quanh co gồ ghề, có lúc ánh sao sáng tỏ trên bầu trời, có lúc nó vụt biến mất. c/ Nhưng miễn là người ta không nản lòng mà cứ kiên trì dấn bước thì cuối cùng người ta sẽ gặp được Chúa. Ðó là cuộc hành trình của kẻ chưa có đức tin tìm đến với Chúa, mà cũng là cuộc hành trình của kẻ đã tin rồi nhưng muốn đến với Chúa một cách gần gũi thân tình hơn. 3. Lên đường Có những người tìm kiếm như các đạo sĩ, lên đường như Abraham. Cũng có những người ngồi một chỗ như Hêrôđê. Muốn biết ư? Ông đã có các chuyên viên. Muốn tiêu diệt đối phương ư? Ông có cả ngàn quân lính dưới quyền. Thiên Chúa hướng dẫn những ai muốn tìm Người cách lạ lùng. Người trốn thoát khỏi những kẻ muốn tìm bắt. Người không hung hãn chống lại những kẻ muốn huỷ diệt Người. Người tự xóa mình đi và biến mất. Người ở đâu, Ðức Giêsu ẩn dấu của thời đại? Trong làng quê heo hút nào, trong gia đình nghèo khó nào có ánh sáng Thiên Chúa mời ta nhận ra Người? "Ta đói các ngươi đã cho Ta ăn... Thực, Ta bảo các ngươi: mỗi lần các ngươi làm cho một trong những kẻ bé nhỏ nhất là anh em Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta" (Mt 25,35-40). Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có lời kinh thánh: Ta đã không bị cám dỗ dùng lời Kinh Thánh để át giọng kẻ quấy rầy ư? Ðức Giêsu đâu để cho ta đền bù. Nếu ta muốn nắm lấy Người để được an tâm, Người sẽ thoát khỏi tầm tay ta. Nếu ta chấp nhận lên đường tìm kiếm Người, ta sẽ như các đạo sĩ, được đầy tràn niềm vui và tìm thấy Người (...) Ðọc kỹ Kinh Thánh thôi chưa đủ, còn phải để Kinh Thánh gợi hứng cho đời ta, để ta đem ra thực hành, để ta đặt mình dưới sự điều khiển của Kinh Thánh. Các luật sĩ và các thầy thượng tế biết lời sấm lắm chứ. Nhưng họ chỉ biết trưng dẫn thôi... Hêrôđê thì dùng Kinh Thánh để tìm cách giết Hài nhi... Còn các đạo sĩ, bản thân chẳng biết Kinh Thánh, chỉ được Hêrôđê chỉ dẫn, đã lên đường tìm kiếm Ðức Giêsu và họ đã gặp Người... (Mgr Lucien Daloz, Le Règne des cieux s'est approché, Trích dịch bởi Fiches dominicales, trang 55-56). 4. Mảnh suy tư Ánh Sáng và Bóng Tối Các đạo sĩ đã đi trong bóng tối nhờ tia sáng của một ánh sao dẫn đường. Các ông đã tìm được Chúa vì không sợ bóng tối nhờ tin vào ánh sáng. Thực ra, ta chỉ thấy được ánh sáng của ngôi sao khi trời tối Trời càng tối thì sao càng sáng. Tất cả chúng ta cũng là những khách lữ hành đi trong đêm tối Nhưng chúng ta đừng sợ vì Ðức Kitô là ánh sáng đã đến trần gian: - Ánh sáng bừng lên trong đêm tối - Ánh sáng xóa tan tăm tối - Ánh sáng mà không sự tối tăm nào dập tắt được. 5. Chuyện minh họa a/ Tôn giáo nào có Chúa? Ngày nọ, Chúa và tôi đến một hội chợ, không phải hội chợ thương mại, mà là Hội chợ Tôn giáo. Nhưng những người tham dự luôn tỏ ra hung bạo và tuyên truyền ầm ĩ. Tại quầy hàng của người Do Thái, chúng tôi nhận được những tờ quảng cáo nói rằng Chúa là Ðấng thương xót và dân Do Thái là dân được Ngài tuyển chọn. Ngoài những người Do Thái, không ai khác được chọn như họ. Tại quầy hàng của người Hồi giáo, chúng tôi học biết rằng Chúa đầy lòng khoan dung và Mohammed là ngôn sứ duy nhất của Ngài. Sự cứu độ đến nhờ việc nghe ngôn sứ duy nhất của Chúa. Tại quầy hàng của người Kitô giáo, chúng tôi khám phá ra Chúa là tình yêu và không có sự cứu độ ở ngoài giáo hội. Hoặc gia nhập giáo hội hoặc phải chịu kết án đời đời. Trên đường trở ra, tôi hỏi Chúa: "Ngài nghĩ gì về những điều nói về Chúa?" Chúa nói: "Ta không tổ chức Hội chợ đó. Ta thấy xấu hổ ngay cả khi đến thăm nó". b/ Các tôn giáo Chúa Giêsu nói rằng Ngài chưa bao giờ xem bóng đá. Vì thế, bạn tôi và tôi dẫn Ngài đi xem một trận. Ðó là trận đấu gay cấn giữa những người Tin lành và những người Công giáo. Người Công giáo ghi bàn thắng trước. Chúa Giêsu reo hò và tung mũ lên. Rồi đến người Tin lành ghi bàn thắng, Chúa Giêsu cũng reo hò và tung mũ. Ðiều này gây khó chịu cho anh thanh niên ngồi sau chúng tôi. Anh vỗ nhẹ lên vai Chúa Giêsu và hỏi: "Này anh bạn tốt, anh ủng hộ bên nào?" Lúc này Chúa Giêsu thấy hứng thú vì trận đấu, Ngài trả lời: "Tôi hả? Ô, Tôi không đứng về bên nào. Tôi chỉ thưởng thức trận đấu". Anh quay sang người bạn bên cạnh, nhếch mép cười: "Hừ, kẻ vô thần". Trên đường trở về, chúng tôi cho Chúa Giêsu biết về tình trạng các tôn giáo trên thế giới ngày nay: "Chúa ạ, thật buồn cười về những người trong các tôn giáo. Dường như họ luôn nghĩ rằng Chúa chỉ đứng về phía họ và chống lại những người khác". Chúa Giêsu đồng ý: "Ðó là lý do tại sao Ta không ủng hộ các tôn giáo. Ta ủng hộ con người. Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người quan trọng hơn ngày Sabát". Một trong chúng tôi nói với vẻ lo lắng: "Ngài phải thận trọng. Ngài biết, Ngài đã một lần bị đóng đinh vì nói như thế". VỊ TỔNG THỐNG NHẢY MÚA Cha Mark Link - Lễ Hiển Linh Một ngày nóng bức tháng bảy năm 1969 trên boong tàu một chiếc hàng không mẫu hạm ở Thái Bình Dương, các thuỷ thủ đang đưa ống dòm tìm kiếm trong vùng bầu trời phía trên chíêc mẫu hạm. Bỗng nhiên họ kêu lên. Có ba chiếc dù màu cam và trắng nở xoè ra trên bầu trời xanh thẳm, đong đưa phía dưới là vật giống như một trái banh. Ðó chính là đầu chiếc phi thuyền Apollo 11. Vài phút sau, chiếc phi thuyền đâm sâu vào dòng nước ấm áp của Thái Bình Dương. Nước biển tung toé lên đánh dấu sự kết thúc thành công của chuyến du hành mang ba người lên mặt trăng. Khi các phi hành gia mỉm cười trồi lên từ chiếc phi thuyền nhỏ, Tổng Thống Nixon nhảy tung tăng trên boong chiếc mẫu hạm. Ông đã bay nửa vòng trái đất đến đây để chứng kiến giây phút làm nên lịch sử này. Tổng thống nói rằng vệt nước tung toé của chiếc phi thuyền đã đánh dấu sự kết thúc tuần lễ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại kể từ cuộc tạo dựng. Trong những tháng đầy phấn khích sau đó, ba phi hành gia đã thực hiện chuyến du lịch thiện chí vòng quanh thế giới. Họ đã thăm viếng 23 quốc gia trong vòng 45 ngày. Phi hành gia Ed Aldrin nói rằng: "Một trong những thời gian phấn khích nhất" của chuyến đi là cuộc thăm viếng Vatican. Các phi hành gia đặc bịêt xúc động khi nhận được những quà tặng khác thường của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI. Ed Aldrin viết trong quyển sách của mình tựa đề: Return to Earth (trở lại trái đất) như sau: Ðức Thánh Cha mở lớp vải gói ba bức tượng ba nhà đạo sĩ làm bằng sứ tuyệt đẹp. Ngài nói rằng ba vị đạo sĩ đã đến được với Chúa Giêsu Hài Ðồng là nhờ nhìn lên những vì sao, còn chúng tôi đã đạt đến đích của mình cũng là nhờ nhìn xem các vị sao như vậy". Khi chiêm ngắm các bức tượng bằng sứ tượng trưng cho ba nhà thông thái, ba phi hành gia liền nghĩ ngay đến câu chuyện họ đọc được trong bài Phúc âm hôm nay. Và chắc chắn, giống như chúng ta, họ cũng suy nghĩ về ý nghĩa sâu xa hơn ẩn giấu trong câu chuyện này. Dĩ nhiên tất cả các học sinh đều biết được ý nghĩa câu chuyện này rồi. Ðây là việc Chúa Giêsu tự biểu lộ mình ra cho dân ngoại. Cho thế giới ngoài Do Thái Giáo. Chính vì thế, chúng ta gọi lễ này là lễ "Hiển Linh" (Epiphany). Từ ngữ Hiển Linh có nghĩa là "Thiên Chúa biểu lộ ra". Bởi vì Hiển Linh mừng kính việc Chúa Giêsu tự biểu lộ mình cho thế giới dân ngoại, nên một số quốc gia mừng lễ này còn trọng thể hơn lễ Giáng Sinh. Thực thế, Lễ Hiển Linh là lễ Giáng Sinh dành cho dân ngoại. Ba nhà thông thái hay ba chiêm tinh gia từ phương Ðông đến ấy đã nhìn Chúa Giêsu thế nào? Họ nghĩ gì về Hài Nhi được hạ sinh trong trường hợp đặc biệt như thế? Thánh Mathêu hình như cũng mang trong tâm trí câu hỏi khi ngài liệt kê những tặng vật mà các vị thông thái này dâng lên Chúa Giêsu. Thánh Matthêu viết: "Khi bước vào nhà và nhìn thấy hài nhi cùng Ðức Maria Mẹ Ngài, họ liền quỳ gối xuống tôn thờ Hài Nhi đoạn mang các tặng vật ra gồm vàng, nhũ hương và mộc dược dâng lên Ngài". Người xưa thường coi vàng là vua của mọi thứ kim loại. Vì thế, vàng là tặng vật lý tưởng cho một vị vua. Vì thế các Kitô hữu cắt nghĩa tặng vật vàng tượng trưng cho vương quyền của Chúa Giêsu. Về vương quyền của Chúa Giêsu, Thánh Phaolô có viết trong thư gởi tín hữu Ephêsô như sau: "Chúa Cha đã Phục Sinh Ðức Kitô từ cõi chết và đặt Ðức Kitô bên hữu Ngài trên Thiên Quốc. Ðức Kitô cai trị trên vạn vật... Thiên Chúa đã đặt mọi sự dưới chân Ðức Kitô". (Ep 1: 20- 22) Từ đó, chúng ta đề cập đến tặng vật thứ hai là nhũ hương. Người xưa thường dùng nhũ hương trong việc thờ phụng. Hương và khói bay lên trời biểu tượng những lời ca tụng và cầu nguyện dâng lên các thần linh. Các Kitô hữu cắt nghĩa tặng vật nhũ hương tượng trưng cho thiên tính của Ðức Giêsu. Khi nói về thiên tính Chúa Giêsu; thư gởi tín hữu Do Thái đã diễn tả như sau: "Chúa Giêsu phản chiếu sự chói lọi vinh quang của Thiên Chúa và là hình bóng bản thể của Thiên Chúa. Ngài lấy lời quyền phép của mình để nâng đỡ vạn vật" (Dt 1:3) Ðiều này dẫn chúng ta đến tặng vật cuối cùng là mộc dược. Người xưa thường dùng mộc dược để ướp xác người chết trước khi an táng. Hãy nhớ lại các phụ nữ đã từng đem mộc dược đến mộ Chúa Giêsu. Vì chết là thân phận của con người, nên các Kitô hữu thường cắt nghĩa mộc dược tượng trưng cho nhân tính Chúa Giêsu. Bàn về nhân tính Chúa Giêsu, Thánh Phaolô đã viết trong thư gởi tín hữu Philipphê như sau: "Chúa Giêsu dù luôn mang bản tính Thiên Chúa, nhưng Ngài đã trở nên... như một con người... Ngài hạ mình vâng phục đến nỗi chịu chết chết trên Thập Giá" (Pl 2: 6-8) Hơn mười lăm thế kỷ trước, Thánh Peter Chrysologus đã nói về lễ hôm nay như sau: "Ngày hôm nay, các vị đạo sĩ đã ngạc nhiên sâu sa trước điều họ chiêm ngắm: đó là trời ở trên đất, đất ở trong trời, con người trong Thượng Ðế, Thượng Ðế trong con người, Ðấng mà cả vũ trụ không thể chứa nổi giờ đang đựơc bó gọn trong một thân xác bé xíu. Khi ngắm nhìn họ đã tin và không hề thắc mắc, vì những tặng vật đầy tính tượng trưng của họ đã làm chứng điều ấy. Nhũ hương để tặng Thiên Chúa, vàng để tặng Vua và mộc dược để tặng cho một người sẽ phải chết. Nói một cách thực tế, tất cả điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta hiện đang có mặt trong giáo đường nay? Nó có nghĩa như sau: Chúng ta phải tiếp tục những gì Chúa Giêsu đã khởi sự khi Ngài còn ở dương thế. Nếu mọi dân tộc nhận biết được sứ điệp của Chúa Giêsu thì đó là nhờ chính nổ lực của chúng ta. Chúng ta phải chia sẻ với họ "tin mừng" là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã mang lấy nhục thể và đã sống giữa chúng ta. Chúng ta phải chia xẻ cho họ "tin mừng" là Chúa Giêsu đã đi vào lịch sử, không chỉ cho riêng dân Do Thái mà là cho tất cả mọi người. Chúng ta phải chia xẻ với họ "tin mừng" là Chúa Giêsu đã đến khánh thành vương quốc Thiên Chúa. Ngài đến để thiết lập nên một trật tự thế giới mới. Một trật tự trong đó sẽ không còn khổ đau phiền muộn, một trật tự trong đó kẻ túng thiếu sẽ tìm được bạn bè thân thương thay vì chỉ tìm thấy những kẻ xa lạ trong đêm tối. Ðó là "Tin Mừng" mà chúng ta phải mang đến cho thế gian... Ðó là sứ điệp thực tế của Lễ Hiển Linh. Ðó là sứ điệp mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta dấn thân vào hành động. Chúng ta hãy kết thúc với những lời do một Kitô hữu vô danh viết ra để tóm tắt sứ điệp thực tế của Lễ Hiển Linh bằng một hình ảnh tuyệt đẹp như sau:
"Khi khúc hát các vị thiên sứ lặng yên, khi sao trời lịm tắt, Khi vua chúa, hoàng tử trở về nhà, Khi mục đồng cùng bầy gia súc về đến chuồng, thì việc Gíang Sinh bắt đầu khởi sự: là cho kẻ đói ăn Thả kẻ tù tội Dựng xây các dân tộc Mang hoà bình đến giữa mọi người và reo ca bằng tâm hồn mình". Xin mời cùng cầu nguyện với 3 phút bằng Thánh Vịnh và Đáp Ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét