Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Phúc âm Lễ Chúa Nhật IV Mùa Vọng (19/12/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe chương trình tĩnh tâm và bài giảng với chủ đề "EMMANUEL - THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA" của Linh Mục Phê Rô Bùi Quang Tuấn . CSsR ĐỨC GIÊSU CHÍNH LÀ EMMANUEL Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái 1. Chỉ cần một so sánh tầm thường Ðức Giêsu là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chỉ cần một so sánh rất tầm thường, chúng ta sẽ thấy đó là một ơn rất to lớn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta: Tôi có một người bạn vừa tốt vừa đa tài đa năng. Mỗi khi có chuyện gì cần, tôi gọi thì anh đến và anh giúp tôi giải quyết rất tốt đẹp. Tôi sung sướng lắm. Nhưng nhiều khi tôi đang cần mà anh lại đang đi vắng xa nên không giúp gì cho tôi được. Khi đó tôi ao ước: phải chi người bạn ấy luôn ở với tôi! Chúa Giêsu hơn người bạn ấy rất nhiều: Ngài không chỉ là một con người mà còn là Thiên Chúa. Ngài không chỉ đa tài đa năng mà còn là toàn tài toàn năng. Ngài nói "Này Ta ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế". Ngài đúng là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Còn gì quý hơn! 2. Thế nào là một Tin Mừng? Một tin chỉ là Tin Mừng khi nó đáp ứng một ước mong mà người ta chờ đợi. Thí dụ chén cơm là tin mừng cho người đang đói, mùa gặt bội thu là tin mừng cho người nông dân đã khổ công cấy cày. Nếu không ước mong đợi chờ thì chẳng có tin mừng: chén cơm không phải là tin mừng cho người đã no, mùa gặt cũng chẳng là tin mừng cho người không làm ruộng. Thánh Phaolô nói với tín hữu Rôma rằng ngài mang đến cho họ một Tin Mừng, đó là Thiên Chúa đã ban Con của Ngài cho loài người. Và tín hữu Rôma đã vui mừng vì họ có được một Ðức Chúa cao cả quyền năng hơn các thần thánh nhan nhãn trong các đền thờ ở Rôma. Lẽ ra sống trong Mùa Vọng thì phải mong chờ Chúa. Nếu ta không mong chờ Chúa thì việc Chúa Giáng sinh không là Tin Mừng cho ta gì cả. 3. Chúa ở cùng chúng con Lạy Chúa, tên Chúa là Emmanuel, Chúa ở cùng chúng con. Nhưng đã có biết bao người lấy danh thánh Chúa khắc vào dây lưng, hùng hùng hổ hổ xông ra trận để chém giết anh em đồng loại! Biết bao người đã nhân danh Chúa để đi giết người, tuy họ không xâm tên Chúa vào ngực hay khắc vào dây nịt. Chúa ở với chúng con để kéo chúng con ra khỏi tội lỗi, chứ không phải làm cớ cho chúng con bênh vực mình, bênh vực những hành vi tội lỗi của mình. Chúa ở với chúng con để giúp chúng con vượt qua những chướng ngại trên con đường đi tìm công lý và tình huynh đệ, chứ không phải để dẫn chúng con đến những quần đảo thoát ly. Chúa hãy ở với chúng con những khi vì sợ hãi, chúng con ngừng bước hay lui bước. Chúa hãy ở với chúng con khi vì lơ đễnh chúng con đi lạc đàng chính nẻo ngay. Thân lạy Emmanuel, xin Chúa hãy luôn ở cùng chúng con! (Trích Công giáo và Dân tộc, số đặc biệt giáng sinh 1998) 4. Chuẩn bị Lễ Giáng sinh Ngày nay thói quen mừng lễ Giáng sinh có thể nói là rất phổ biến: hầu hết mọi người trên thế giới, dù là người có đạo hay không có đạo, cũng đều quen mừng lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, hầu như ai ai cũng coi đây là một dịp lễ vui, có nhiều hoa đèn, nhiều tiếng thánh ca. Trong dịp lễ Giáng sinh người ta cũng sáng tác nhiều tiêu phẩm văn nghệ rất cảm động nhưng qua đó ta thấy được khía cạnh mỉa mai là lễ Giáng sinh đã không được mừng đúng ý nghĩa. Có một tiểu phẩm kể chuyện một em bé gái nghèo, đêm Giáng sinh phải co ro lặn lội trong sương tuyết để bán từng hộp que diêm, trong khi đó thì xa xa vọng lại tiếng hát thánh ca réo rắt; một tiểu phẩm khác kể chuyện một tên ăn trộm coi lễ Giáng sinh là dịp tốt để hành nghề, nó biết đêm đó nhà giàu nào cũng có nhiều bánh trái, cho nên nó đợi đến lúc người ta di dự lễ ở nhà thờ để lẻn vào ăn trộm, và xa xa vọng lại cũng những hồi chuông giáng sinh rộn rã. Cũng có một tác phẩm tuy không nói về lễ Giáng sinh nhưng cũng mang cùng một ý nghĩa. Ðây là một chuyện phim tưởng tượng. Ðạo diễn tưởng tượng có một giáo hoàng vì chán cảnh lễ nghi rườm rà trong Tòa Thánh Vatican nên nhân một dịp đi lạc khỏi Tòa Thánh, đã đi luôn vào sống ở một ngôi làng nghèo. Làng này đang bị bệnh dịch hoành hành nên bị cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài, lương thực khan hiếm. Trong làng có một cái cối dùng sức gió để cung cấp nước, nhưng cối gió đã hư và không ai sửa. Nếp sống quá khổ cực khiến người ta không đến nhà thờ nữa, nhà thờ bị hoang phế, và chính vị linh mục coi sóc nhà thờ đó cũng chán nản hồi tục đi làm nghề chăn cừu. Ðức giáo hoàng đã cùng với dân làng đi moi đống rác, tiếp xúc với những trẻ em lang thang bụi đời, và động viên người ta cùng ngài sửa lại cái cối xay nước. Sau một thời gian làm việc vất vả với rất nhiều khó khăn, cái cối xay gió ấy đã được sửa chữa và hoạt động lại. Cho tới lúc đó dân làng mới biết ngài chính là giáo hoàng. Và ngài giã từ họ trở về Tòa Thánh. Cuốn phim kết thúc với cảnh Ðức Giáo Hoàng chủ tọa một Thánh lễ có rất đông người tham dự, đặc biệt trong số đó có dân chúng của cái làng nghèo khổ kia và cả vị linh mục nữa, vị linh mục này đã trở về với đoàn chiên giáo dân của mình. Chắc chúng ta hiểu được ngụ ý của đạo diễn: Nếu giáo hội chỉ thu mình trong các lễ nghi ở nhà thờ thì dần dần Giáo hội sẽ xa lìa quần chúng và quần chúng cũng xa lìa Giáo hội. Còn Giáo hội dấn thân phục vụ những nhu cầu thiết thực của quần chúng thì quần chúng sẽ đến vây quanh Giáo hội. Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh là Emmanuel, nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta". Giáo Hội cũng phải là Emmanuel. Và mỗi tín hữu cũng phải là Emmanuel. AI CẦN ÔNG GIÀ NOEL? Cha Mark Link - Chúa Nhật 4 Mùa vọng-A Chủ đề: Chuẩn bị Mừng lễ Giáng Sinh là chuẩn bị đón mừng sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài. Trong tác phẩm nhan đề Beyond East and West (Vượt khỏi Ðông và Tây), John Wu có một đoạn mô tả rất hay, tôi xin đọc cho anh chị em nghe: "Trước đám cưới vợ tôi và tôi chả bao giờ thấy mặt nhau. Cả hai chúng tôi đều được giáo dục theo đường lối cổ xưa của người Trung Hoa. Bố mẹ đã đính hôn chúng tôi với nhau khi chúng tôi mới có 6 tuổi đầu: đến năm mười mấy tuổi tôi mới bắt đầu biết được nhà nàng ở đâu. Tôi rất khao khát được thoáng nhìn nàng thử xem, nên thỉnh thoảng tan học về tôi thường đi một vòng ngang qua cửa nhà nàng... thế mà chả bao giờ tôi được may mắn nhìn thấy nàng". Tác giả nhận thấy hệ thống hôn nhân Trung Quốc thời xưa quả không thể tin nổi dưới cái nhìn của độc giả phương Tây. Thoạt tiên, một số bạn bè phương Tây của ông hầu như chả tin nổi điều ấy. Ông rất ngạc nhiên khi thấy bè bạn mình cho rằng hệ thống hôn nhân như thế không thể nào tin được. Ông bèn hỏi đám bạn là họ có lựa chọn bố mẹ, anh chị em của họ không. Và có phải vì không được lựa chọn mà họ đã yêu thương bố mẹ anh chị em mình ít đi không? Ðoạn văn của John Wu giúp chúng ta đánh giá rõ hơn mối tương giao giữa thánh Giuse và Ðức Maria trước lúc Chúa Giêsu chào đời. Theo tập tục Do Thái mỗi cuộc hôn nhân được trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn đầu là đính hôn. Việc này thường do bố mẹ hay do một người mai mối Do Thái. Ðôi bạn trẻ thường chẳng hề biết nhau trước cuộc đính hôn. Bài hát "Match-maker" (người mai mối) trong phim Fiddler on the roof (đàn ca trên mái nhà) dùng để chúc mừng lễ đính hôn này. Giai đoạn hai là lễ hứa hôn. Giai đoạn này kéo dài một năm để đôi bạn có dịp quen biết nhau. Khi đã có lễ hứa hôn thì mọi người đều xem đôi bạn như là vợ chồng dù họ chưa thực sự sống với nhau như vợ chồng. Lễ hứa hôn này rất long trọng nên chỉ có sự ly dị mới xoá bỏ nó được. Giai đoạn ba là lễ kết hôn theo đúng nghĩa. Thánh Giuse hay tin Ðức Maria có thai khi hai người ở trong giai đoạn hai của truyền thống Do Thái và kết hôn này (tức sau khi đã hứa hôn). Tuy nhiên, trong các bài đọc hôm nay còn có một điểm khác đáng được chúng ta chú ý hơn nữa. Ðó là việc Thánh sử Matthêu ám chỉ về lời tiên tri "Chúa ở cùng chúng ta" của Isaia. Tôi xin đọc lại lời ám chỉ này: "Tất cả sự việc này xảy ra để lời Thiên Chúa qua miệng vị tiên tri được nên trọn: 'Một Trinh Nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai mà họ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là: 'Thiên Chúa ở cùng chúng ta'". Việc ám chỉ lời tiên tri "Chúa ở cùng chúng ta" của Isaia tìm được trọn vẹn ý nghĩa khi chúng ta ghi nhận thánh sử Matthêu đã kết thúc Phúc Âm của ngài với lời hứa của Chúa Giêsu: "Ta sẽ ở cùng các ngươi". Chúng ta hãy nhắc lại thời điểm ấy: ngay trước khi về cùng Cha mình, Chúa Giêsu tụ họp các môn đệ lại và phán với họ: "Anh em hãy đi khắp muôn dân... Dạy dỗ họ vâng giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em. Và Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28: 19-20). Qua cách khởi đầu và kết thúc Phúc Âm với chủ đề: "Chúa ở cùng chúng ta", thánh sử Matthêu, muốn nêu bật một chủ điểm quan trọng đó là: qua việc Chúa Giêsu giáng sinh, Thiên Chúa trở nên hiện diện với dân Ngài một cách mới mẻ đặc biệt. Ðể đánh giá được tính cách hiện diện mới mẻ này, chúng ta cần nhắc lại ba cách Chúa dùng để hiện diện với chúng ta. Trước hết, Thiên Chúa hiện diện với chúng ta trong tạo vật của Người, nhất là bởi quyền năng duy trì của Người. Thiên Chúa không chỉ tạo dựng mọi sự nhưng còn duy trì tạo vật hiện hữu. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong tạo vật có thể so sánh như máy chiếu phim phóng hình ảnh lên tấm màn. Máy chiếu phim phóng hình ảnh lên tấm màn. Và hình ảnh ở trên tấm màn chỉ khi nào máy chiếu phim còn hoạt động. Với Thiên Chúa cũng như vậy. Thiên Chúa có trách nhiệm đưa tạo vật vào sự hiện hữu. Và tạo vật hiện hữu chỉ khi nào Thiên Chúa còn giữ nó trong tình trạng đó. Thứ hai, Thiên Chúa hiện diện trong lời của Người trong Kinh Thánh. Có người diễn tả Kinh Thánh như một lá thư đầy thương yêu của người Cha gửi cho các con. Cũng giống như một người cha tỏ lộ ý nghĩ của mình cho con cái trong một lá thư thì Thiên Chúa cũng tỏ lộ tư tưởng của Người cho chúng ta trong Kinh Thánh. Do đó, trong một ý nghĩa đích thực, Kinh Thánh giúp tâm trí của Thiên Chúa hiện diện với chúng ta trong một phương cách thực tế và hiển nhiên. Sau cùng, Thiên Chúa hiện diện trong Con của Người là Đức Giêsu. Với sự giáng trần của Đức Giêsu, sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta vươn lên một bước lớn lao. Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta không chỉ qua tạo vật, qua lời trong Kinh Thánh nhưng còn qua con người. Sự giáng sinh của Đức Giêsu giúp Thiên Chúa hiện diện với chúng ta trong một phương cách mà chúng ta có thể trông thấy, có thể chạm đến và có thể nghe được. Đây là điều chúng ta đang chuẩn bị để mừng lễ Giáng Sinh: Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta trong thân xác của Đức Giêsu. Một vài năm trước đây, khoảng thời gian Giáng Sinh, có xuất hiện một tranh hài Peanuts. Trong đó, chú bé Charlie Brown đọc cho cô bé Linus nghe về câu chuyện giáng sinh của Đức Giêsu. Khi chú chấm dứt, Linus quay sang Charlie Brown và nói, Đó mới là ý nghĩa Giáng Sinh phải không Charlie? Và chú nói thêm, Vậy thì có ai cần đến ông già Noen? Chúng ta hãy chấm dứt bằng im lặng suy nghĩ về đoạn mở đầu thư thứ nhất của Thánh Gioan. Chúng tôi viết cho anh chị em về Lời sự sống, mà Lời ấy đã có ngay từ khởi đầu. Chúng tôi đã từng nghe, và chúng tôi đã từng thấy tận mắt, phải, chúng tôi đã từng thấy, và tay chúng tôi đã từng chạm đến... Những gì chúng tôi từng nhìn thấy và nghe biết, chúng tôi cũng loan báo cho anh chị em, để anh chị em sẽ cùng hiệp thông với chúng tôi như chúng tôi đã được hiệp thông với Chúa Cha và với Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Chúng tôi viết ra điều này để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn. Gioan 1:1-4 EMMANUEL THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R. John P., một linh mục Ái nhĩ lan, sau nhiều năm tận tâm thuyết phục một thanh niên bỏ đạo trở về với Giáo hội, đã phải hoài công vô vọng. Bao giờ khuyên răn cứ như “nước đổ lá môn”. Một lần kia, Mẹ Têrêsa Calcutta được mời đến thăm Ái nhĩ lan. Ban tổ chức có thu xếp một buổi nói chuyện thân mật giữa Mẹ với các bạn trẻ. Mẹ chỉ nói giản dị về tình yêu Thiên Chúa: Chúa yêu thương các bạn; Ngài luôn đồng hành với các bạn. Sau đó Mẹ rời thành phố. Ai về nhà nấy. Trời mỗi lúc mỗi khuya! Khi mọi vật đang chìm vào tĩnh mịch, chợt một hồi chuông điện thoại reo vang phá tan giấc ngủ của cha John. Ngài nhấc vội chiếc điện thoại, và đầu giây bên kia là giọng nói của chàng thanh niên năm nào: -“Alô, con muốn xưng tội với cha. Con muốn trở về cùng Giáo hội”. -“Chuyện gì xảy ra cho anh vậy?” Vị linh mục hỏi lại, tưởng chừng chàng thanh niên đang bị tai nạn hiểm nghèo nào đó nên vội dọn mình ra đi. Nhưng anh ta trả lời: -“Thưa cha, vì chiều nay Mẹ Têrêsa đã nói với con một lời rất đánh động”. Vị linh mục ngạc nhiên: -“Mẹ nói lời gì, và nếu tôi không lầm thì nhà thờ chật ních. Mẹ lại đâu có cơ hội để gặp riêng anh?” -“Vâng thưa cha, Mẹ không gặp riêng con, nhưng Mẹ đã nói với mọi người, trong đó có con. Mẹ nói rằng: ‘Chúa ở với các con’. Nghe thế, vị linh mục càng ngạc nhiên hơn nữa: -“Ủa, đã nhiều lần tôi cũng nói với anh như thế, nhưng sao hôm nay anh lại bị thuyết phục bởi lời nói ấy của Mẹ Têrêsa?” Anh thanh niên chậm rãi giải thích: -“Thưa cha, vì Mẹ đã nói câu đó từ thẳm sâu của tâm hồn. Mẹ đã nói với con bằng tất cả con tim của mình”. Một câu nói không phát ra từ một công thức có sẵn hay do một thói tục xã giao thông thường thúc đẩy, nhưng khởi đi từ chốn thâm sâu của một tâm hồn yêu thương mới có khả năng thuyết phục, hoán cải, và truyền đạt được ý nghĩa chân thực nhất của danh hiệu Emmanuel-Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Trong một Thánh lễ, biết bao lần vị linh mục đọc lời cầu chúc: “Chúa ở cùng anh chị em”, nhưng thử hỏi có mấy lần lòng tôi bồi hồi xúc cảm vì sung sướng trước sự kiện này? Rất nhiều lần tôi nghe, đáp, hát, đọc những lời kinh nguyện có cùng một nội dung như thế, nhưng có mấy lần tôi cảm nhận được Thiên Chúa hiện hữu thật sự trong cuộc đời của mình? Tôi không có, phải chăng vì đã chưa đọc và nghe với tất cả tâm hồn? Nếu thấu hiểu được thế nào là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, chắc chắn sẽ không có một tác nhân gì có thể làm cho con người phải run sợ bất an hay ưu sầu lo lắng. Ngày xưa, khi Môisen đang chạy trốn người Aicập, tránh né bàn tay ác độc của Pharaô, Giavê đã hiện ra và bảo ông trở về đất Aicập để giải thoát dân Israel. Trước một trách nhiệm lớn lao cùng bao hiểm nguy cho tính mạng như thế, Moisen can đảm lên đường, vì Thiên Chúa đã nói với ông: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3:12). Rồi khi Giêrêmia được Giavê kêu gọi ra đi làm tiên tri cho các dân tộc, ông đã tìm cách thoái thác: “Tôi đâu có biết nói năng gì. Tôi chỉ ú ớ như một đứa trẻ con”. Nhưng Chúa nói: “Đừng sợ, vì Ta ở cùng ngươi” (Gr 1:8). Với lời hứa ấy của Giavê, Giêrêmia lên đường. Trong Tân ước, khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi vào thế gian rao giảng Tin mừng. Sứ mạng chất đầy gian nan, không khác chi như chiên con đi giữa sói rừng. Ấy thế mà sự bảo đảm lại chỉ là một lời hứa: “Ta sẽ ở cùng các ngươi mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Vậy rồi các ông ra đi. Sẽ không lời hứa nào bày tỏ trọn vẹn nỗi lòng yêu thương của một con người cho bằng lời hứa “ở cùng người yêu”, và sẽ không có nỗi lòng khát khao nào mãnh liệt cho bằng được “sống chung với người yêu”. Một chàng thanh niên có thể hứa với người con gái: “Anh sẽ mua cho em một chiếc nhẫn kim cương làm quà Giáng sinh; anh sẽ cố học thành tài để em không phải lam lũ sau này…”, nhưng nếu không có lời hứa “ở cùng em” thì vô ích hết. Cao điểm hạnh phúc trong ngày thành hôn của hai người nam nữ không phải nơi chiếc áo cưới soirée lỗng lẫy, cũng chẳng phải nơi chiếc áo cưới hay lời chúc tụng của thân hữu đôi bên, nhưng là nơi giao ước tình yêu đã được thiết lập. Trong giao ước đó họ hứa “ở cùng nhau suốt đời”. Một linh mục đã nhận xét: ở cùng chính là ngôn ngữ của tình yêu, vì chỉ có yêu ai người ta mới nghĩ đến “ở cùng”. Vì yêu nên mới có việc Thiên Chúa đến “ở cùng” con người, mới có danh hiệu Emmanuel, mới có cảnh Giavê mang kiếp lầm than để thông chia nỗi đau của con người, và chưa hết, mới có danh hiệu Giêsu, nghĩa là Giavê cứu thoát. Vì yêu thương con người nên Thiên Chúa muốn cứu thoát. Để cứu thoát, Ngài đã đến ở cùng. Có lẽ không nỗi đợi chờ hay một thoả mãn nào đáng giá hơn hình ảnh của Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ, hiện thân của tình yêu cùng nhân gian. Danh hiệu Emmanuel không chỉ gợi lên trong tôi ý thức về ân phúc tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, về những lời cầu chúc được lập đi lập lại trong các Thánh lễ đang cần được nói và nghe với tất cả tâm hồn, nhưng còn là lời mời gọi bạn và tôi hãy ở cùng tha nhân, hãy xích lại gần nhau và sống thân ái hơn trong tình người. Như Thiên Chúa đã phá đổ bức tường ngăn cách, dù đó là sự ngăn cách vô biên-giữa Tạo hoá và loài thụ tạo, giữa trời cao với đất thấp, giữa vô hình và hữu hình-chúng ta cũng được mời gọi hãy phá đổ những ngăn cách giữa con người với con người, để việc tôi “ở cùng” tha nhân trong an hoà sẽ là một phản chiếu rõ nét khuôn mặt của Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Xin mời cùng cầu nguyện với 3 phút bằng Thánh Vịnh và Đáp Ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét