Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Phúc âm Chúa Nhật Lễ Thánh Gia (26/12/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net THÁNH GIA NADARÉT LÀ GƯƠNG MẪU CỦA MỌI GIA ÐÌNH Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái 1. Vai trò người cha Ðương nhiên người cha và người mẹ là hai vai trò quan trọng nhất trong gia đình. Còn nếu so sánh người cha với người mẹ thì có lẽ vai trò người cha quan trọng hơn: Gia đình nào có người mẹ tốt nhưng người cha xấu thì các con trong gia đình khó mà tốt hết được. Hình như tấm lòng của người mẹ không hữu hiệu bằng sự hướng dẫn của người cha. Gia đình nào có người cha tốt thì hầu như mọi người trong nhà đều dễ trở thành tốt, vì người cha là cột trụ cho cả nhà dựa vào, là vị chỉ huy điều khiển mọi người, là người cầm lái đưa cả gia đình theo một hướng. Gia đình Nadarét có Thánh Giuse làm gia trưởng. Dù Ðức Maria và Chúa Giêsu là những người cao quý hơn thánh Giuse, nhưng Thiên Chúa đã đặt hai vị dưới quyền Thánh Giuse; khi Thiên Chúa muốn nói gì với gia đình này thì Ngài nói với Thánh Giuse; và hai vị kia vâng lời Thánh Giuse như vâng lời Thiên Chúa. Phần Thánh Giuse, có lẽ ngài không thông minh và tài cán bao nhiêu, nhưng ngài rất tận tuỵ trong bổn phận, nhất là ngài điều hành việc gia đình theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay kể: trong hai tình huống nghiêm trọng nhất là trốn sang Ai cập và hồi hương về Nadarét, Thánh Giuse đều làm theo lời Chúa. Bản văn viết rõ: "Giuse liền thức dậy, đưa hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai cập" (hoặc: "về đất Israel"). Dù đang ngủ nhưng mau mắn "thức dậy" và "liền" thi hành ngay lời Chúa dạy. Ðối chiếu với gương thánh Giuse, chúng ta hiểu được lý do khiến cho nhiều gia đình không được tốt: Lý do thứ nhất là vì người cha gia đình không tận tuỵ với bổn phận mình. Lý do thứ hai là vì người cha gia đình không điều hành gia đình theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. 2. Lòng hiếu thảo không phải là bản năng Cha mẹ thương con là do bản năng: dù đứa con xinh đẹp hay xấu xí, ngoan ngoãn hay ngỗ nghịch, cha mẹ vẫn luôn yêu thương và hy sinh tất cả cho nó. Người ta nói "Nước bao giờ cũng chảy xuôi xuống". Nhưng con cái thương cha mẹ không phải là bản năng (con cái bám lấy cha mẹ mới là bản năng): khi đứa con còn cần đến cha mẹ thì xem ra nó "thương" cha mẹ lắm. Ðến khi nó không cần đến cha mẹ nữa, nhất là khi cha mẹ cần đến nó thì nhiều đứa thờ ơ, hất hủi, bất hiếu... "Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày". Nếu là bản năng thì không cần được dạy. Vì không phải là bản năng nên cần được dạy mới biết. Người Việt Nam dạy con cái hiếu thảo cha mẹ cách tiêu cực bằng lời đe dọa: ai bất hiếu ngỗ nghịch với cha mẹ thì sẽ bị "trời đánh". Sách Ðức Huấn Ca dạy cách tích cực bằng Lời Chúa hứa ban cho kẻ thảo hiếu cha mẹ nhiều ơn lành (xem phần giải thích Bài đọc I phía trên) Dù dạy cách tiêu cực bằng lời đe dọa, hay cách tích cực bằng lời hứa, cả hai lời dạy trên đều giống nhau ở điểm quy lòng hiếu thảo về nguồn gốc là Thiên Chúa (hay "Ông Trời"): chính Thiên Chúa muốn con cái hiếu thảo với cha mẹ, do đó Ngài thưởng kẻ hiếu thảo và phạt kẻ bất hiếu. Vì thế những kẻ làm con phải ý thức rằng: Hiếu thảo với cha mẹ không chỉ là một tình cảm tự nhiên được thúc đẩy bởi bản năng, mà còn là một đạo lý nhân bản (đạo làm người: nhân-đạo) hơn nữa, đó còn là lệnh truyền của chính Thiên Chúa (thiên-đạo) 3. Bảo vệ con Ðể bảo vệ Hài nhi Giêsu khỏi sa vào nanh vuốt Hêrôđê, Thánh Giuse và Ðức Maria đã phải vượt qua con đường hiểm trở dài gần 500 cây số xuyên qua sa mạc El-Arish đến Ai Cập, một sa mạc trải dài hơn 200 cây số toàn cát trắng như biển cả mênh mông, không một bóng cây, một cọng cỏ, một giếng nước. Ðoàn lữ hành phải đeo đủ đồ ăn, nước uống để chịu đựng cả nửa tháng rất kham khổ. Năm mươi năm trước Chúa Giáng sinh, đoàn quân Rôma phải vượt qua quãng đường này thấy khủng khiếp hơn đánh nhau với quân Ai cập. Năm 1967, đại quân Ai cập đã sa lầy trong sa mạc này khi chiến tranh với quân Do Thái. Sự khủng khiếp của những đoàn quân hùng mạnh làm ta cảm thấy sự khốn cực của Thánh Gia lúc đi tị nạn. Ngày ngày các ngài phải lê gót từng bước chân trên cát lầy sụp lở, vượt qua các đồi cát dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, giữa biển cát nóng hừng hực, vẫn phải tiết kiệm từng giọt nước và những cơn bão cát khủng khiếp như muốn chôn sống các ngài. Có một số sách hoang đường mô tả cuộc tị nạn của Thánh Gia như thiên đường: những dã thú hiền từ đến lậy dưới chân Chúa Hài Nhi, những cây chà là rợp bóng rũ trái để các Ngài ngủ mát, ăn điểm tâm; nước chảy lênh láng để các Ngài giải khát, tắm rửa giữa sa mạc! (Ricciotti, Vie de Jésus-Christ, p. 268) Ở trần gian, Thánh Gia không được hưởng cảnh thanh nhàn đó. Chúa muốn các ngài phải chịu trăm chiều đau khổ để nêu gương cho ta khi gặp gian nan biết vui lòng hy sinh như các ngài, nhất là khi gặp thử thách để bảo vệ Hài Nhi Giêsu, bảo vệ Hội Thánh, bảo vệ đức tin và các hài nhi con cháu mình. Phải bảo vệ hài nhi khỏi tay kẻ dữ, khỏi không bị hận thù bất công, khỏi bạn bè gian ác, trộm cắp, đồi truỵ. Ðó là nhiệm vụ của cha mẹ, của các vị tinh thần và mọi kitô hữu. Biết bao hài nhi đã bị huỷ hoại trong bào thai, khi chào đời lại bị cha mẹ vô luân liệng bỏ, và bị bao nhiêu tệ nạn xấu xô đẩy. Thật khổ tâm! Cách bảo vệ hài nhi an toàn nhất là hãy tỉnh thức nghe tiếng Chúa trong lương tri, trong Tin Mừng và giáo huấn của Hội Thánh, mới mong tránh khỏi tay những Hêrôđê tàn bạo. Nhất là hãy dắt con em mình đến nương ẩn dưới cánh tay uy quyền và tình thương bao la của Chúa, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. (Lm Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm A) 4. Những bài học của trẻ con Nếu trẻ con sống với những lời phê phán, chúng học được thói hay lên án. Nếu chúng sống với sự hận thù, chúng học được thói thích đánh nhau. Nếu chúng sống với những lời chế nhạo, chúng học được thói nhút nhát. Nếu chúng sống với sự chê bai, chúng học được mặc cảm tội lỗi Nếu chúng sống với sự bao dung, chúng học được tính nhẫn nhục Nếu chúng sống với sự khuyến khích, chúng học được lòng tự tin. Nếu chúng sống với lời khen, chúng học được cách thưởng thức cái hay của người. Nếu chúng sống với sự lương thiện, chúng học được tính công bình. Nếu chúng sống với sự che chở an toàn, chúng học được lòng tin cậy. Nếu chúng sống với sự chấp nhận, chúng học biết yêu thích chính mình. Nếu chúng sống với tình thương, chúng học được cách tìm thấy Chúa trong cuộc đời. (Anon, "Children learn what they live") 5. Bà mẹ thánh thiện và đảm đang thành Luân Ðôn Ðầu thế kỷ XX này, tại Luân Ðôn, có một gia đình công nhân vừa nghèo khó lại vừa đông con: cả thảy 13 đứa! Bố của chúng phải đi làm việc suốt ngày ở xí nghiệp. Bà mẹ ở nhà làm nghề phụ và lo việc nội trợ. Dù đầu tắt mặt tối, bận bịu suốt ngày suốt đêm, nhưng bà Vaughan vẫn vui vẻ thay mặt chồng dạy dỗ con cái học giáo lý, tập luyện chúng có tinh thần đạo đức, khuyên chúng chịu khó học tập, lao động, và đặc biệt trưa nào rửa chén bát xong bà Vaughan cũng đến nhà thờ chầu Chúa một giờ. Láng giềng ai cũng lấy làm lạ và hỏi bà: "Một bầy con 13 đứa, bận rộn sáng tối, mà sao trưa nào chị cũng đi chầu Thánh Thể?" Bà tươi cười bảo: "Thấy một bầy con lúc nhúc, ăn bữa mai chạy gạo bữa hôm, tôi lo lắm. Hơn thế chúng còn đến trước trường học, theo bạn bè rủ rê đi chơi hoặc ra phố phường xa hoa, do đó nhiều nguy hiểm, tôi càng thao thức hơn. Thành thử mỗi ngày dầu bận việc đến đâu, tôi cũng bỏ ra một giờ để chầu Chúa, sốt sắng xin Người ban ơn cho vợ chồng tôi nuôi nấng các cháu hằng ngày dùng đủ và dạy dỗ chúng nên người đạo đức". Chúa đã nhận lời và ân thưởng cho lòng tin cùng sự hy sinh của bà Vaughan: trong 13 người con, một người làm Hồng Y Tổng Giám Mục giáo phận Luân Ðôn, một người khác làm Tổng Giám Mục, hai người làm Linh mục, hai nam tu sĩ, hai nữ tu sĩ, còn 5 người ở thế gian lập gia đình lưu truyền nòi giống, sống cuộc đời đạo đức thánh thiện. (ÐHY NVT, Trên đường lữ hành) TÔI CHẲNG BAO GIỜ ÐƯỢC BỐ TÔI ÔM HÔN CẢ! Cha Mark Link - Lễ Thánh Gia Thất Chủ đề: Chúng ta phải biểu lộ tình thương đối với nhau cả trong lời nói lẫn việc làm Cách đây ít lâu, tạp chí Readers Digest có làm một cuộc "thăm dò gia đình", gồm 12 câu hỏi đặt ra cho các bậc cha mẹ. Tôi chỉ muốn đọc ra đây 3 trong số 12 câu hỏi ấy. Câu thứ nhất: "Nếu trên truyền hình chiếu cảnh một cậu bé khoảng mười mấy tuổi vừa ôm hôn bố mẹ chúc ngủ ngon, thì liệu con cái bạn có cho như thế là chuyện bình thường không?" Bạn sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào? Và đây câu hỏi thứ hai: "Giả như bạn và chồng (hoặc vợ) của bạn đang cùng đọc sách trong một căn phòng, thì liệu con cái bạn sẽ có cùng đến ngồi trong căn phòng ấy không?" Và cuối cùng, đây là câu hỏi thứ ba: "Có bao giờ con cái bạn kể cho bạn rằng chúng mong ước tạo được một mái gia đình giống như gia đình bạn khi chúng bước vào cuộc sống lứa đôi không?" Ðiều đập ngay vào mắt chúng ta là cả 3 câu hỏi trên đều liên quan đến mọi gia đình ở một cấp độ nền tảng nhất của đời sống gia đình tức là cấp độ tình yêu thương. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn cấp độ này. Một trong những câu hỏi bông đùa thú vị nhất của Bob Hope liên quan đến tình yêu ông dành cho Bing Crosby, và cũng không có điều gì mà Crosby lại không muốn làm cho tôi. Nhưng đó mới là điều gây ra rắc rối. Chúng tôi đã tiêu phí đi cả cuộc đời mình mà chả làm gì cho nhau hết. Chủ ý của Hope rất hay. Chúng ta thường có khuynh hướng lơ là biểu lộ tình thương đối với nhau. Khi dừng lại suy nghĩ chúng ta sẽ ngạc nhiên thấy hiếm khi chúng ta biểu lộ tình yêu đối với nhau trong lời nói hoặc trong một thái độ cụ thể nào đó. Chẳng hạn lần sau cùng mà bạn nói với một người nào đó trong gia đình bạn qua một cuộc nói chuyện hoặc trong một lá thư, là bạn yêu quí người ấy, lần ấy cách đây bao lâu rồi? Sự lơ là biểu lộ tình yêu, bằng lời nói hay cử chỉ rõ ràng, đặc biệt đối với đám người trẻ, sẽ có thể gây ra những hậu quả thảm hại. Hơn bất cứ ai khác, những người trẻ khát khao biết rằng họ đang được yêu mến. Họ cần nhìn thấy, cần cảm nếm được điều đó. Trong quyển sách nhan đề Bố Tôi, Con Trai Tôi (My Father, My Son). Bác sĩ Lee Salk đã mô tả cuộc phỏng vấn đầy cảm động dành cho Mark Chapman, tên sát nhân đã bị khép tội giết John Lennon trong ban nhạc Beatles. Giữa cuộc phỏng vấn, Chapman kể lại: "Tôi không hề nghĩ rằng tôi dã từng được ba tôi ôm hôn. Ông ấy chẳng bao giờ nói với tôi rằng ông ấy thương tôi... Tôi cần cảm nhận được tình yêu và sự nâng đỡ, thế mà tôi chẳng bao giờ có được những thứ ấy". Chapman mô tả cách thức anh sẽ cư xử với con anh nếu như anh có một đứa con trai. Ðiều ấy quả thật là bi đát vì có lẽ Chapman chẳng bao giờ được ra khỏi tù để tạo lập được mái gia đình riêng cho mình. Chapman nói: "Tôi sẽ ôm con tôi và hôn hít nó... và làm như thế là để cho nó biết rằng... nó có thể tin cậy tôi và đến với tôi... và tôi sẽ nói cho nó rằng tôi yêu thương nó". Bác sĩ Salk kết thúc quyển sách trên với lời khuyên sau đây gởi đến các bậc làm cha và các cậu con trai. Và lời khuyên này cũng nên áp dụng cho các bậc cha mẹ và các cô con gaí: "Ðừng e ngại biểu lộ xúc cảm của bạn, đừng ngại nói với Bố mình hoặc con trai mình là mình yêu mến và quan tâm đến người ấy. Ðừng ngại ôm cổ hôn hít bố mình hoặc con trai mình. Ðừng chờ cho đến lúc ngồi cạnh giường chết mới nhận ra là mình đã lầm lẫn, thiếu sót". Cách đây ít lâu, Ann Landers có nhận được một lá thư của một bà mẹ hỏi rằng đến tuổi nào thì một ông Bố và cậu con trai thôi ôm hôn nhau và thôi nói với nhau câu nói "Bố yêu con" hoặc "Con yêu bố". Ann Landers liền trả lời cho bà mẹ ấy một chữ gọn lỏn "Never". (Không bao giờ) Sau đó ít lâu, Ann Landers lại nhận được một lá thư khác của một ông bố nọ. Ông ta nói rằng câu trả lời gọn lỏn trên, cho lá thư bà mẹ kia đã làm cho ông cảm động chảy nước mắt. Ông cắt nghĩa lý do như sau: "Cách đây vài tuần, lần đầu tiên tôi ôm hôn đứa con trai và nói với nó rằng tôi yêu nó. Nhưng khốn nạn thay, nó không biết được điều ấy vì nó đã chết mất rồi. Nó đã dùng súng tự sát trước đó rồi!". Người bố này tiếp tục viết: "Niềm hối hận lớn lao nhất trong đời tôi là tôi đã ngại ngùng trong việc biểu lộ âu yếm đối với nhau thì xem ra nhu nhược quá!... Tôi sẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai được nỗi ngu dốt khờ khạo này". Ðiều gì đúng nơi mối tương giao giữa bố và con trai thì cũng đúng y như thế đối với tương giao giữa tất cả con cái trong cùng một gia đình với nhau. Khó có thể hiểu được rằng Chúa Giêsu Người đã từng khóc bên mộ người bạn Ngài là Lazarô, lại không bao giờ ôm hôn mẹ mình và nói với mẹ: "Mẹ ơi, con yêu Mẹ". Và khó có thể hiểu được rằng Chúa Giêsu, Người từng kể lại câu chuyện hai bố con ôm nhau trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, lại không từng ôm thánh Giuse và nói: "Bố ơi, con thương bố". Các bài Thánh Kinh trong lễ mừng kính Thánh Gia hôm nay nêu ra một câu hỏi cực kỳ quan trọng: "Chúng ta với tư cách làm cha, làm mẹ, làm con trai, con gái, chúng ta đã góp phần vào việc biểu lộ yêu thương trong gia đình riêng của chúng ta như thế nào?" Hãy nhớ lại những câu hỏi trong "cuộc thăm dò về gia đình". Nếu trên truyền hình chiếu cảnh một cậu bé khoảng mười mấy tuổi vừa ôm hôn bố mẹ vừa nói lời chúc ngủ ngon thì liệu con cái bạn có cho rằng điều này là chuyện bình thường không?. Nếu câu trả lời của chúng ta là không thì các bài đọc Kinh Thánh hôm nay có thể chứa đựng một sứ điệp quan trọng gởi cho chúng ta đấy. Ðể kết thúc, chúng ta khẩn nguyện suy tư về chủ đề tình yêu trích từ thư thứ nhất của thánh Gioan. Xin vui lòng yên lặng hiệp ý cầu nguyện cùng tôi: "Các con hãy xem Chúa Cha đã yêu mến chúng ta dường nào! Tình yêu của Ngài to tát quá đến nỗi chúng ta được gọi là con Thiên Chúa -- và qủa thực, chúng ta là thế đấy... Hỡi các con của ta, tình yêu của chúng ta đừng chỉ dừng lại ở nơi lời nói mà phải là một tình yêu đích thực biểu lộ ra bằng hành động" (1 Ga 3: 1-18). Xin mời cùng cầu nguyện với 3 phút bằng Thánh Vịnh và Đáp Ca Xin mời thưởng thức một số bản nhạc về mùa Giáng Sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét