Trang

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Phúc âm Chúa Nhật 33 Q.N.C (14/11/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng chủ đề "LÀM CHỨNG CHO CHÚA" của Linh Mục Phêrô Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R NGÀY CỦA CHÚA Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái * 1. Thời gian Trong kho tàng văn hóa phong phú của Trung Quốc, người ta đọc thấy một câu truyện răn đời sau đây : Ngày xửa ngày xưa có một vị hoàng đế, tuổi đã quá bát tuần, mà vẫn chưa đọc được một quyển sách nào của các bậc thánh hiền. Bộ sách mà nhà vua thèm khát được đọc là Bộ Sách Lịch Sử Loài Người Nhưng khốn nỗi cuộc đời nhà vua, từ mái đầu xanh đến lúc tóc đã bạc phơ, răng đã long, không lúc nào được rảnh rỗi thư nhàn. Cuộc đời nhà vua luôn luôn sống trên lưng ngựa, nằm sương gối tuyết trên bãi chiến trường của thời chinh chiến loạn lạc. Nay chinh phục nước này, mai ngăn chặn nước kia xâm lăng. Đôi mắt của nhà vua chỉ nhìn thấy có gươm giáo và máu lửa. Nhà vua rất ân hận vì trong suốt cuộc đời chưa có hân hạnh được đọc một trang sách của các bậc thánh hiền. Nay chiến tranh đã tạm yên, đất nước đã thanh bình. Nhà vua muốn dành thời gian còn lại để đọc cho kỳ được Bộ Sách Lịch Sử Loài Người, để tìm hiểu xưa nay con người sống để làm gì, chết đi về đâu ? ! Nhưng phiền một nỗi, tuổi của nhà vua đã quá cao, mà bộ sách lại quá dầy. Biết sức mình không thể đọc hết bộ sách, nhà vua ra lệnh cho viên quan ngự sử làm thay mình công việc khó khăn ấy. Với sự giúp đỡ của một ủy ban 50 ngườiø, viên quan ngự sử bắt đầu miệt mài đọc sách. Sau 10 năm cắm cúi đọc, viên quan ngự sử và ủy ban đã có thể tóm tắt Bộ Sách Lịch Sử Loài Người thành 10 cuốn và mang vào triều đình dâng lên nhà vua. Nhưng vừa nhìn thấy 10 cuốn sách và đo lường tuổi tác sức khỏe của mình, nhà vua lại cảm thấy không còn đủ sức đọc hết bộ sách, dù đã được rút ngắn thành 10 cuốn ! ! Nhà vua bèn ra lệnh cho viên quan ngự sử và ủy ban tiếp tục làm việc thêm một thời gian nữa. Sau 5 năm làm việc thêm, viên quan ngự sử và ủy ban đã tóm lược Bộ Sách Lịch Sử Loài Người thành 5 cuốn. Nhưng khi ủy ban và viên quan ngự sử mang 5 cuốn sách vào cung ra mắt nhà vua thì cũng chính là lúc nhà vua đang hấp hối trên giường bệnh. Biết mình không còn sống bao lâu, cũng không thể nào đọc được dù chỉ một trang sách, nhà vua mới thều thào nói với viên quan ngự sử hãy tóm tắt Bộ Sách Lịch Sử Loài Người chỉ trong một câu thôi. Lúc đó viên quan trưởng ban tu sử mới tâu trình nhà vua như sau : " Hạ thần xin vâng mệnh. Lịch Sử Loài Người từ khai thiên lập địa đến giờ là con người sinh ra để khổ rồi chết ! ! " Nhà vua gật đầu… Đôi môi khô héo của nhà vua bỗng nở một nụ cười mãn nguyện rồi tắt thở ! ! Giữa lúc ấy, viên quan ngự sử cũng nấc lên mấy tiếng rồi trút hơi thở cuối cùng ! ! Nhìn lại một năm sắp qua, với biết bao nhiêu biến cố vì khổ đau, bệnh tật, tai nạn, động đất, lũ lụt, chiến tranh, chết chóc đã xảy ra với loài người cũng như cho gia đình và bản thân, có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng muốn đi đến kết luận bi quan như viên quan ngự sử của nhà vua trong câu truyện răn đời trên đây :" Con người sinh ra để khổ rồi chết ! ". Chúng ta có bi quan nhìn đời như viên quan ngự sử không ? Hoàn toàn không ! ! Chúng ta không chối bỏ thực tại của khổ đau, của bệnh tật, của chết chóc. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa tạo dựng nên thế giới, tạo nên chúng ta là để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Cho nên hướng đi lịch sử của loài người không phải là ngõ cụt của sự chết mà là sự sống. Bên kia của thất bại khổ đau, bên kia của bệnh tật chết chóc, cuộc sống vẫn còn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống. Vì thế không có tâm tình nào thích hợp cho chúng ta trong những ngày cuối năm này cho bằng Cảm Tạ và Phó Thác. Cảm Tạ và Phó Thác tất cả cho Thượng Đế, vì Ngài là Cha của chúng ta, luôn yêu thương và quan phòng cuộc đời chúng ta. Cảm Tạ và Phó Thác vì Ngài là Thượng Đế của Tình Thương, của sự Sống. Cảm Tạ và Phó Thác vì Ngài là Đường, là Sự Thật và là Lẽ Sống của chúng ta. Cảm Tạ và Phó Thác cho Thượng Đế, vì nhờ Ngài cuộc sống này vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống. Trong muôn vàn khổ đau của cuộc sống, chúng ta hãy hân hoan lập lại : Thượng Đế Yêu Thương Tôi Như Chỉ Có Một Mình Tôi Trên Cõi Đời Này. Đừng bao giờ chúng ta quên một chân lý căn bản soi sáng cho đời ta : " Chúng ta không chỉ sinh ra cho cuộc sống đời tạm này mà cho cuộc sống vĩnh cửu đời sau ". Đó chính là Niềm Tin của Bạn, của tôi và của mọi người. (Linh mục Trần quý Thiện) * 2. Trắc nghiệm đức tin Một hôm vua Ai Cập đang đứng chiêm ngưỡng những công trình mà ông cho xây dựng tại thành phố Êliôpôli, bỗng có cụ già râu tóc bạc phơ không biết từ đâu tới đã cười ngạo nghễ và thách thức nhà vua : - Hãy bỏ lại tất cả và cút đi ! Nhà vua giận tím gan, nhưng ông ta đã nén giận và hỏi : - Hỡi lão già, ngươi là ai mà dám ra lệnh cho ta cách hỗn xược như thế ? Không lẽ ngươi quyền thế hơn ta ? Ông lão quả quyết : - Đúng thế ! Vì ta là thời gian. Nghe đến tên thời gian, vua Ai Cập tái mặt, té nhào khỏi ngai vàng. Cùng với ông, cả đế quốc Ai Cập cũng sụp đổ. Lão già Thời Gian cũng rảo qua khắp các đế quốc trên địa cầu. Lão đi đến đâu, các đế quốc đều rơi như sung rụng. Nhưng ngày kia, người ta bỗng thấy xuất hiện tại đồi Vatican một cụ già khác. Lão già Thời Gian cũng một giọng điệu vô cùng hách dịch đến trước thành Vatican gầm lớn : - Ta là Thời Gian đây ! Tiếng gầm thét đó làm rung chuyển trái đất, nhưng lại không làm cho cụ già trên đồi Vatican mảy may lo sợ. Cụ bình tĩnh đáp : - Còn ta, ta chính là Vĩnh Cửu ! Xuyên qua các thế hệ ta phải đại diện cho lòng chung thuỷ của Thiên Chúa đối với con người. * Không có gì là vĩnh cửu dưới bầu trời này. Nhiều người Do thái nhìn ngắm và khen ngợi đền thờ Giêrusalem nguy nga tráng lệ, được xây cất bằng đá cẩm thạch nguyên khối, mỗi cây cột cao hơn 12 mét. Đền thờ được trang trí với cây nho lớn bằng vàng ròng, quyên góp từ các tín hữu (2 Mcb 2,13). Mặt tiền đền thờ được dát bằng vàng lá, mỗi khi mặt trời lên, nó phản chiếu ánh sáng chói loà rực rỡ. Nhìn từ xa, đền thờ trông như một núi tuyết khổng lồ vì màu trắng toát của đá cẩm thạch. Chính vẻ huy hoàng lộng lẫy của đền thờ mà người ta tưởng nó sẽ tồn tại vĩnh viễn. Chúa Giêsu đã đánh đổ quan niệm sai lầm đó. Người loan báo đền thờ sẽ bị tàn phá một cách thảm hại, không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Quả thật, tiên báo này đã hoàn toàn ứng nghiệm năm 70 sau Công nguyên, khi vua Titô đem quân bao vây, tàn sát dân chúng, bắt những tù binh, và thiêu huỷ đền thờ thành ra hoang vu tiêu điều. Mọi người kinh hoàng sợ hãi khi nghe Chúa Giêsu loan báo việc đền thờ bị phá huỷ. Họ xin Người cho biết thời gian và điềm báo trước. Nhưng Người không cho biết gì thêm lại còn dựa vào lời tiên báo trên để nói về ngày tận thế. Trước ngày đó, sẽ có những thử thách đức tin. Có thể có những ngôn sứ giả hiệu, mạo danh Chúa để mê hoặc tín hữu, hay loan báo thời gian đã đến gần để làm mất niềm hy vọng nơi những kẻ tin. Có thể có những cuộc bách hại các tín hữu, thậm chí cả sự chia rẽ trong các gia đình. Nhưng Người khuyên họ : "Đừng sợ". Hãy tin tưởng trong phó thác và bền đỗ trong đức tin, vì Thiên Chúa luôn quan phòng chở che cho những ai cậy trông nơi Người. Đối với Chúa Giêsu, bách hại và thử thách không phải là điều đáng sợ mà là một cơ may, để người tin hữu có dịp "làm chứng" : để cho kẻ bách hại hiểu biết đức tin của người tín hữu, và để người tín hữu chứng tỏ lòng tin vào Thiên Chúa trong cơn thử thách. Quả thật, Thiên Chúa muốn niềm tin phải là một hành động tín nhiệm sâu xa nơi Người, một biểu lộ tín thác tuyệt đối vào Người, cho dù có phải chịu thử thách đớn đau nhất, kể cả sự chết. Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen có viết : "Để trắc nghiệm đức tin của ta, cần phải xem phản ứng lúc đau khổ và thử thách, chứ không phải lúc thuận buồm xuôi gió". * 3. Làm chứng trong gian khổ a. Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu nói đến nhiều cảnh gian truân khổ sở như chiến tranh, bắt bớ, thiên tai, chia rẻ v.v. Nhưng cái đáng chú ý là Chúa Giêsu nói rằng "Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy". Tại sao ? Thưa vì : Trong lúc tối tăm người ta mới cần ánh sáng hơn Trong thời buổi đầy dối gian, người ta mới cần sự thật hơn Trong xã hội đầy hận thù, người ta mới cần tình thương hơn Trong chiến tranh người ta mới cần đến hòa bình hơn. Thời đại chúng ta ngày nay là thời văn minh hưởng thụ, người ta chạy theo vật chất, người ta chỉ quan tâm đến đời này. Một bầu không khí thờ ơ với tôn giáo bao trùm khắp nơi. Có thể nói, đây là thời kỳ khủng hoảng đức tin. Nhưng chính trong thời kỳ này, từ tận thâm tâm, con người mới cần đức tin hơn. Vì thế đây là thời gian tốt để tín hữu chúng ta làm chứng về đức tin của mình. b. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng nói đến sự sụp đổ của thành Giêrusalem. Ngày nay cũng có nhiều sụp đổ : không chỉ là sụp đổ một ngôi nhà mà sụp đổ rất nhiều thứ. Chỉ có một điều bền vững không bao giờ sụp đổ thôi, đó là tình thương của Chúa. Vì vậy, đây cũng là cơ hội cho tín hữu chúng ta làm chứng về tình thương của Thiên Chúa. * 4. Kiên trì Cuối bài Tin Mừng này, sau khi nói đến những gian truân thử thách, Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy kiên trì : "Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình". Kiên trì là gì ? Thưa là dù gặp phải gian truân thử thách, ta không lùi bước, không nản lòng, không bỏ cuộc nhưng vẫn luôn giữ vững niềm tin và lý tưởng sống của mình. Anne Frank là một cô bé do thái bị bọn Đức quốc xã bắt giam trong trại tập trung. Nơi đó cô bé đã chứng kiến biết bao cảnh khổ, cô đã thấy rất nhiều người vì quá khổ mà trở thành mất nhân phẩm, mất lý tưởng, mất đức tin. Chính cô cũng khổ và nhiều lần hoang mang tự hỏi : có công lý thật không, có Thiên Chúa không ? Nhưng sau những lúc giao động ấy, cô cương quyết giữ vững niềm tin của mình : cô tin rằng dù biểu hiện bên ngoài của con người có gian ác thế nào đi nữa thì trong thâm tâm con người vẫn tốt ; dù hiện tại có xấu xa đến đâu đi nữa nhưng cuối cùng sự thiện sẽ chiến thắng sự ác ; dù hiện nay xem ra Thiên Chúa vắng mặt, nhưng chính Thiên Chúa là người có tiếng nói cuối cùng. Những suy nghĩ ấy được cô ghi lại trong một quyển nhật ký. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, quyển "Nhật ký Anne Frank" đã được xuất bản, được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, và nổi tiếng khắp thế giới. Điều gì giúp người ta kiên trì ? Trước hết đó là xác tín về lẽ phải của mình ; thứ hai là gương can đảm chịu đựng của những người khác ; và thứ ba, nhưng quan trọng nhất, là đức tin tôn giáo. Gandhi nói : "Người nào tin vào Thiên Chúa thì không bao giờ thất vọng, bởi vì người đó biết rằng cuối cùng thì sự thật sẽ chiến thắng". Chúa Giêsu bảo các môn đệ "Anh em đừng sợ". "Đừng sợ" không có nghĩa là không có cảm giác sợ, mà là không để cho cảm giác ấy đè bẹp mình, nhưng mình phải làm chủ cảm giác ấy và chiến thắng nó. "Anh hùng không phải là người không biết sợ mà là người chiến thắng nỗi sợ" (Solzhenitsyn) * 5. Chuyện minh họa a/ Thời gian Người kia rất tham việc, không dám lãng phí một phút nào. Trên đường ra phố, ông dự định xem sẽ mua sắm ở cửa hiệu nào. Trong cửa hiệu, ông dự định nơi ông sẽ đi dạo. Trong lúc đi dạo, ông dự định nơi ông sẽ đến ăn. Trong khi ăn món chính, ông dự định sẽ ăn món tráng miệng gì. Trong khi tráng miệng, ông nhìn bảng danh mục để chọn xe buýt về nhà. Ông chẳng bao giờ chú ý đến những gì ông đang làm. Ông luôn chuẩn bị cho những sự việc kế tiếp. Một ngày kia ông phải đối đầu với điều mà ông không chuẩn bị là cái chết. Khi sắp chết, ông kinh ngạc về cuộc đời trống rỗng và vô nghĩa của mình. Ông chẳng bao giờ sống với hiện tại. b/ Ngã lòng Nếu bạn cậy vào sức riêng của mình thì chẳng lạ gì bạn sẽ sớm ngã lòng. Kẻ khiêm nhường thực thì không ngã lòng, kẻ ngã lòng không phải là người khiêm nhường thật bởi vì người ấy cậy dựa vào một cái gì đó ngoài Chúa" (J.N.D."Scripture Truth") c/ Kiên trì Một người đưa tin đến một lâu đài cũ kỹ và anh lấy búa gõ cửa. Không ai trả lời. Anh lại gõ và chỉ có tiếng vang dội lại. Nhưng anh biết có người trong nhà, anh nhìn thấy họ qua cửa sổ. Giận sôi lên, anh cầm búa và lấy hết sức giáng mạnh vào cửa hai ba chục lần. Một khuôn mặt cau có ngó qua lỗ then cửa và lịch sự hỏi xem người khách muốn vào không. Vị khách nói như mê sảng : "Này ông, tôi vào được không ? Chẳng lẽ ai muốn vào cũng phải gõ như tôi ?". - Ồ, ông biết đấy : Có nhiều trẻ ở xung quanh đến đây, chúng gõ cửa một vài lần rồi bỏ chạy, nên chúng tôi biết là không cần để ý đến chúng. Nhưng khi nghe ông gõ cửa, tôi thực sự thấy ông muốn vào. Vì thế tôi ra mở cửa. * Lạy Chúa, đức tin không giữ cho chúng con khôi chết, cũng không cứu chúng con thoát đau khổ, nhưng đức tin chính là hiến dâng mạng sống. Xin ban thêm đức tin cho chúng con, để trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng con vẫn luôn kiên trì giữ vững niềm tin vào Chúa. Amen. GIỮ LINH HỒN Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R. “Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con” (Lc 21:19) Vào khoảng năm 538 trước Công nguyên, sau khi được Hoàng đế Ba Tư là Kyrô ban sắc chỉ ân xá, con cái Israen rời đất lưu đầy Babylon, tiến về thánh địa, khởi công tái thiết quê hương xứ sở giữa muôn vàn gian nan khốn khó. Đứng trước cảnh đổ nát hoang tàn của đền thờ, đất đai bị ngoại bang lấn chiếm, tinh thần của dân Do thái hồi hương không khỏi lao đao. May nhờ có sự hỗ trợ của Ezra và Nehêmia là hai người giàu có, thế lực dưới triều vua Artaxerxes, dân Israen đã xây lại được một phần nhỏ đền thờ Giêrusalem và thánh hiến nó vào khoảng năm 516 B.C. Thế nhưng, chưa hưởng trọn niềm vui tự trị và tự do, người Do thái lại bị các quốc gia hùng mạnh như Ai cập và Hy lạp quấy phá. Đến năm 169 B.C., người Xyria do vua Anticô II dẫn đầu, đã tiến vào đánh chiếm và cướp phá đền thờ. Một lần nữa đền thánh Giêrusalem lại rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát. Mãi đến năm 63 trước Công nguyên, sau khi người Rôma chiếm đóng Palestine và đặt Hêrôđê làm qua tổng trấn cai trị vùng đất Giuđê, đền thờ mới được tái thiết nguy nga và được thánh hiến vào năm 19 B.C. Biết bao cẩm thạch, vàng bạc, gỗ quí, và công sức được đổ ra cho việc xây cất một đền thờ lộng lẫy, làm nên niềm tự hào và sức sống của cả dân tộc Israen. Trong cuốn sách “Những Cuộc Chiến của Người Do Thái”, sử gia Josephus đã mô tả về “niềm tự hào” đó như sau: “Mặt tiền của Đền thờ đủ làm choáng ngợp tâm trí và đôi mắt người ta. Nó được bọc bằng những miếng vàng lớn. Khi ánh thiều dương vừa toả sáng ở chân trời, thì cả đền thờ rực lên bởi những tia sáng phản chiếu, khiến những ai muốn nhìn thẳng vào đó cũng bị loá mắt, đến nổi họ phải quay đi. Đối với khách lạ, thì từ đàng xa, Đền thờ nổi bật lên như một núi tuyết trắng xoá. Không có phần nào mà không được chạm trổ hay bọc vàng.” Đứng trên núi Cây Dầu nhìn xuống đền thờ rực rỡ trong ánh nắng huy hoàng, các môn đệ không khỏi buông lời trầm trồ khen ngợi. Nhưng, thay vì hoà điệu với những rung cảm trước vẻ hoa lệ của đền thờ, Đức Giêsu lại tiên báo về một sự sụp đổ không tránh khỏi. Những gì thế gian cho là vững chắc và xinh đẹp chỉ là những thứ mỏng dòn và tạm bợ. Tất cả sẽ bị tàn phá. Ngay như công trình và “niềm tự hào” của Israen đây cũng sẽ bị sụp đổ, “không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào” (Lc 21:6). Đức Giêsu đã tiên báo như thế. Và sự gì đã xảy ra? Năm 70 sau Công nguyên, tướng Titô đem đại quân Rôma đến vây hãm thành Giêrusalem. Dân chúng bị đói khát đến nỗi phải ăn thịt lẫn nhau. Kẻ nào tìm cách trốn khỏi vòng vây đều bị giết chết. Tính ra số người bỏ mạng lên đến 1.100.000, và số người bị bắt sau khi thành thất thủ là 97.000. Đền thờ bị lính Rôma phóng hoả tan tành. Tướng Titô chỉ cho chừa lại một mảng tường thành để sau này con cháu Israen đến đó mà than khóc. Như thế, lời tiên báo của Chúa Giêsu đã ứng nghiệm. Nhưng sự sụp đổ của thành Giêrusalem chỉ là hình bóng của ngày thế tận. Rồi đây, sẽ chẳng còn thứ gì tồn tại. Thời gian sẽ huỷ diệt tất cả. Sự sống, sắc đẹp, sức lực, sung sướng… của cuộc đời này đều mỏng dòn và ngắn ngủi. Mọi sự đều tiến về cái chết, dù nhanh hay chậm. Trước khi chết, người Kitô hữu còn gặp phải bao chiến tranh, loạn lạc, chống đối, bắt bớ, ức hiếp, ngục tù, ruồng bỏ… Tức là mọi nỗi thống khổ khó khăn trên đường đời. Nhưng ai chấp nhận những điều đó “vì Danh Thầy” thì dù tư bề sâu sé, “một sợi tóc trên đầu cũng không bị mất”, thậm chí còn giữ được linh hồn mình khỏi phải diệt vong (Lc 21:19). Đau khổ mà không vì “Danh Thầy” là khổ đau hư luống. Còn khi chấp nhận gian nan, bách hại, thử thách vì Đức Kitô-vì chân lý, khổ đau sẽ trở thành cơ hội minh chứng niềm tin. Niềm tin càng vững chắc, khổ đau càng trở nên phương thế kết hiệp con người với Thiên Chúa. Chính sự chết-nỗi đau khổ tận cùng của một đời người-lại trở nên cửa ngỏ sự sống cho những ai vững tin. Thiếu đức tin sẽ chẳng có hy vọng. Thiếu hy vọng, đời sống có khác gì bể dâu. Nhưng với niềm tin, mọi hoàn cảnh, thăng trầm, thách đố đều mang lại lợi ích thiêng liêng. Và lợi ích lớn nhất là “giữ được linh hồn”; bởi vì thu tích được mọi thứ trần gian mà mất linh hồn thì nào được ích chi (Mt 16:26). Thánh Anphong từng nhắc đi nhắc lại: “Chỉ có một việc ta phải lo là việc rỗi linh hồn, vì mỗi người chỉ có một linh hồn mà thôi”. Thánh Phanxicô Saviê cũng nói: “Mỗi người chỉ có một linh hồn. Nếu được rỗi thì được hưởng thiên đàng, nếu bị mất thì phải sa hoả ngục”. Xưa Vua Đavit suy về điều này mà thốt lên lời nguyện cầu: “Tôi chỉ ước trông một điều, đêm ngày tôi khấn xin, là cho tôi được vui sống trong nhà Chúa trọn đời” (Tv 26:4). Nhưng để được ở trong nhà Chúa, tức là để chiếm được Nước Trời, người ta phải nỗ lực chiến đấu. Chính Đức Giêsu đã nói: “Nước Trời ở dưới sức cường bạo, và những kẻ cường bạo chiếm đoạt lấy” (Mt 11:12). Không gắng công chống trả ba thù, thiếu quyết tâm đi vào cửa hẹp, làm sao có thể tìm được thiên đàng đích thực. Lạy Chúa, xin trợ lực chúng con chống trả ba thù, kiên vững niềm tin, hầu mai kia được hưởng niềm vui trường sinh trong Nước Chúa. Amen. DẤU CHỈ THỜI ĐẠI Giuse Việt, O.Carm. Ắt hẳn tụi mình không xa lạ với những câu hỏi sau đây trong cuộc sống: Tôi phải làm gì? Hành động như vậy có đúng không? Làm sao tôi biết mình cần làm gì? Lúc nào là lúc thuận tiện? Tôi phải bắt đầu từ đâu? Liệu rằng sẽ có hậu quả?... Để trả lời, một trong những cách thông thường là tìm kiếm các dấu chỉ. Chúng rất cần thiết cho việc phân định của ta. Sẽ thật khó chịu, bối rối và thậm chí mạo hiểm nếu mình không tìm được những dấu chỉ rõ ràng, phải không bạn? Thiếu vắng các dấu chỉ tốt lành sẽ gian truân trong việc quyết định khôn ngoan. Nhưng đầy dẫy các dấu chỉ sai lạc thì ta lại rơi vào nguy cơ lẫn lộn giữa ánh sáng và bóng tối. Bạn mến, cho mình chia sẻ với bạn 3 câu chuyện có thật sau đây về việc thể hiện một dấu chỉ nhé. Câu chuyện thứ nhất: Cách đây khoảng hai tuần, mình gặp một chị không phải là Kitô hữu. Trong lúc trò chuyện, chị tuyên bố: “Nói thiệt nha, tôi không tin tưởng bất cứ một người nào đi nhà thờ!” “Tại sao vậy?” mình hỏi chị ấy. “Anh biết sao không? Một người hàng xóm của tôi là người theo đạo Chúa. Cô ta ngày nào cũng đi Lễ. Trước đây tôi rất thán phục lòng sùng đạo của cô ta. Nhưng ngày kia tôi biết được cô ta làm một việc rất hiểm độc đối với một người bạn. Thế là tôi mất hết sự tôn trọng dành cho cô ta và đạo của cô ta từ trước đến nay. Tất cả chỉ là giả dối!” Mình thật sự ngạc nhiên về phản ứng khá dữ dội của chị ấy, nhưng cuối cùng mình chỉ đáp lại thế này: “Cảm ơn chị đã chia sẻ. Chị à, nếu cô ta đi nhà thờ mỗi ngày để học biết rằng Chúa luôn dạy mọi người phải đối xử nhân hậu với nhau bằng một tình yêu thương chân thành tận trong tim mà cô ta vẫn làm một việc xấu như thế. Chị thử tưởng tượng xem nếu cô ta không bao giờ đến nhà thờ thì cô ta sẽ còn kinh khủng đến mức nào?” Câu chuyện thứ hai: Cách đây ít lâu, có một sinh viên gửi cho mình một tin nhắn trên mạng và bộc bạch rằng muốn trở thành một người Công Giáo. Mình hỏi bạn ấy tại sao thì bạn trả lời: “Em thấy những người Công Giáo chung quanh em sống lạc quan và yêu thương người khác. Em muốn đời mình cũng giống như họ.” Câu chuyện thứ ba: Cách đây vài ngày, một người bạn chí thân của mình phát hiện ra trong não có một khối u. Các bác sĩ phải chích thuốc thẳng vào não của bạn ấy mà không được dùng thuốc tê vì lý do chuyên môn cho nên đau đớn vô cùng. Ngay sau khi điều trị cho bạn ấy, có hai bác sĩ – là những người không Công Giáo – đã viết cho mình thế này: “Sáng nay, trước khi nằm xuống để các bác sĩ chích thuốc, H đã làm dấu Thánh Giá bên đạo Chúa và mỉm cười với mọi người. Sau đó, H nhắm mắt lại và phó thác cho chúng tôi. Đau quá H đã cắn đứt cả môi nhưng không hề kêu la một tiếng nào. Rồi H bị ngất đi vì quá sức chịu đựng …. Chúng tôi rất ấn tượng và khâm phục đức tin của H, một cô gái rất bình thường mà lại quá phi thường trong cái bình thường ấy. H dạy chúng tôi về niềm tin vào Chúa. Chúng tôi đã học được một bài học giá trị. Một bác sĩ khác hỏi: H chỉ có giơ tay lên mặt vẽ có 3 cái [= dấu Thánh Giá] mà sao lại giá trị vậy?” Bạn thân mến, ta thấy ở đây một điều kì diệu: Tuy là bệnh nhân mà H đã trở thành người chữa bệnh niềm tin cho các bác sĩ đang chữa trị thể lý cho mình. Xin bạn cùng hiệp lời cầu nguyện cho bạn ấy vẫn đang phải trải qua việc điều trị đau đớn và nguy hiểm này. Bạn biết đấy, cách đây 45 năm, hơn 2.500 giám mục Công giáo trên toàn thế giới quy tụ nhau tại Roma suốt 3 năm trời (10/1962-12/1965) để bàn luận về các vấn đề đương thời của Giáo hội và thế giới. Cuộc họp nghiêm túc này được gọi là Công Đồng Vaticanô II. Một trong những đề tài quan trọng của Công đồng là “phân định các dấu chỉ thời đại” Nói đến đây, ta có thể muốn đặt vấn đề cho cá nhân mình: “Tôi đang có những dấu chỉ nào để giúp tôi quyết định? Làm sao tôi biết chúng tốt hay không?” Cầu mong tụi mình có được nhãn quan sáng suốt để phân biệt các dấu chỉ và có được khôn ngoan để làm theo hướng dẫn của những dấu chỉ chân chính. Bạn mến, nếu ta cần các dấu chỉ tích cực từ người khác để biết hành xử đúng thì ta cũng cần trở ngthành dấu chỉ tốt cho tha nhân. Nếu bạn nghĩ như thế là công bằng thì mời bạn cùng trả lời những câu hỏi sau đây: “Tôi đang là dấu chỉ như thế nào cho anh chị em xung quanh? Tốt hay xấu? Và rộng hơn nữa, trong tư cách là một cộng đoàn môn đệ của Thầy Giêsu, chúng ta đang trình bày cho thế giới dấu chỉ gì?” Bạn à, tụi mình đều biết rằng Hội Thánh được gọi để thi hành một sứ mệnh và chính vì sứ mệnh này mà Hội Thánh hiện hữu cho đến hôm nay. Sứ mệnh nào? Thưa, đó là tiếp nối bước chân Thầy Giêsu trong việc thể hiện dung mạo yêu thương của Thiên Chúa. Nói cách khác, cùng với nhau, ta được mời gọi để trở thành một dấu chỉ của Thiên Chúa. Bằng cách nào bạn nhỉ? Mình nghĩ là có nhiều cách độc đáo và sáng tạo nhưng cách tốt nhất vẫn là cách mà chính Thầy Giêsu đã dạy: “Cứ dấu này mà người ta nhận ra anh chị em là môn đệ của Thầy, là anh chị em yêu thương nhau.” (Gioan 13:35) Nguyện cho những lời này của Thầy Giêsu, Dấu Chỉ Tuyệt Hảo Nhất của Thiên Chúa Yêu Thương, cư ngụ trong trí lòng và chiếu sáng trong tâm hồn tụi mình để tụi mình trở thành dấu chỉ tốt lành cho những anh chị em mình gặp gỡ trên dòng đời này, những người có thể đang đau khổ vì hận thù, chia rẽ và tuyệt vọng. Chúc bạn an vui trong Thầy! Mời các bạn cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét