Trang

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

Phúc âm Chúa Nhật XXVIII Q.N.C (10/10/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng chủ đề "VÔ ƠN HAY TRI ÂN" của Linh Mục Phêrô Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R MỘT ÔNG THÁNH NGOẠI ÐẠO (Lc 17:11-19) Như Hạ Còn niềm vui nào bằng tấm lòng tri ân cảm tạ Thiên Chúa ? Vì thương xót con người, Thiên Chúa đã thi ân giáng phúc. Con người cũng làm ơn cho nhau. Nhưng tại sao nhiều khi làm ơn mắc oán ? Nhìn kỹ vào việc Ðức Giêsu làm ơn cho người bị bệnh phong cùi hôm nay mới có thể học cách Chúa đối xử với những người chịu ơn ra sao. MỘT CÁI NHÌN SÂU SẮC. Từ xưa đến nay những người phong cùi vẫn bị tách biệt khỏi hoàn cảnh sống chung quanh. Nhất là người Samaria phong cùi hôm nay bị cô lập gấp đôi chín người kia, vì thành kiến của người Do thái. Nhưng tất cả đều chung một số phận. Tình trạng khốn khổ đến nỗi tất cả đều kêu lên : "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi !" (Lc 17:13) Như vậy, tất cả đều đặt niềm hi vọng nơi Chúa. Khi gặp bước khốn cùng con người đều có chung một khát vọng. Khát vọng đó là mong được cứu thoát. Ðức Giêsu xuất hiện kịp thời như hiện thân lòng xót thương của Thiên Chúa. Nghe thấy tiếng kêu thảm thiết đó, chắc chắn Ðức Giêsu phải động lòng trắc ẩn. Người lợi dụng ngay cơ hội này để thi thố tất cả quyền năng Thiên Chúa trong việc cứu độ con người. Người sai cả mười người đến trình diện các tư tế (Lc 17:14), để họ được trở lại với cộng đồng. Nhưng dù trình diện, người Samaria cũng chẳng bao giờ được diễm phúc ấy. Thế nhưng khi ông ta "thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa," (Lc 17:15) Ðấng đã thi thố quyền năng nơi Ðức Giêsu Kitô. Ðây chính là dịp Chúa muốn cho thấy chiều kích phổ quát của ơn cứu độ. Bởi thế Người mới nói : "Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?" (Lc 17:17) Không có gì có thể ngăn cản quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Quyền năng đó không phải chỉ để chữa lành, nhưng còn để cứu độ. Ðằng sau những phúc lộc trần gian, Thiên Chúa muốn che dấu một hồng ân trọng đại hơn. Ðó là hồng ân cứu độ. Chỉ những con mắt tinh đời mới thấy được ! Bởi thế Chúa mới nói : "Phúc cho mắt nào được thấy điều anh em thấy !" (Lc 10:23) Từ việc cảm nghiệm hồng ân, "anh ta sấp mình dưới chân Ðức Giêsu mà tạ ơn." (Lc 17:16) Hành vi này đã quyết định cả vận mệnh cuộc đời anh. Anh đã được cứu độ, chứ không phải chỉ được chữa lành. Tuy không được nhận vào cộng đồng Do thái với những tập tục và luật lệ chằng chịt, nhưng anh được giải thoát và gia nhập cộng đồng Dân Chúa. Số ít được cứu độ (Lc 13:23-24) không phải vì Thiên Chúa muốn thế. Bằng chứng khi chữa lành cho mười người, Ðức Giêsu đã không đối xử phân biệt. Trái lại, Người tôn trọng mười người như nhau. Trong khi họ bị gạt ra bên lề xã hội và bởi đấy mất tất cả quyền làm người, Ðức Giêsu vẫn coi họ là người : "Không phải cả mười người được sạch sao ?" (Lc 17:17) Thánh Luca cũng tế nhị gọi họ là "mười người phong hủi" (Lc 17:12), chứ không gọi là bọn phong cùi. Dù bị bại liệt (Lc 5:18) hay bi quỉ ám (Lc 8: 27), họ vẫn luôn được gọi là người. Nhân phẩm vẫn còn nơi những người bị gạt ra ngoài lề xã hội đó. Nhưng hơn nữa, giá trị của họ còn là chính niềm tin nơi Thiên Chúa. Bởi đấy Chúa nói : "Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." (Lc 17:19) Chỉ một mình Chúa mới nhận ra giá trị tuyệt đối đó mà thôi. Chính vì được Chúa tôn trọng, người Samaria mới cảm thấy lớn lên trong tình yêu Thiên Chúa và đủ khả năng tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn Người. Ðồng cảnh ngộ, tướng Naaman nước Aram cũng nghiệm thấy sự thật lớn lao đó sau khi được ngôn sứ Êlia chữa khỏi bệnh phong hủi : "Tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Ðức Chúa." (2 V 5:17) Nếu Ðức Giêsu cũng có một thái độ như mọi người, chắc chắn không bao giờ được ghi ơn như thế. Người rất thấu hiểu tâm lý con người. Người không muốn con người bị lệ thuộc đến nỗi phải đánh đổi nhân cách lấy lợi lộc vật chất. Nói khác, Người muốn dùng hồng ân để giúp con người lớn lên, chứ không muốn đè bẹp con người. Thế mới biết của cho không bằng cách cho ! GIEO GIÓ GẶT BÃO. Ðức Giêsu đã dạy một bài học rất sâu sắc về mối tương quan giữa người và người. Tiền của đã chia nhân loại thành hai hạng người thi ân và thụ ân. Những người thi ân nhiều khi không phải vì thương những người nghèo khổ, nhưng chỉ vì ham danh lợi. Họ có thể tạo ra những bất công lớn lao ngay khi làm những việc bác ái, một thứ bác ái chỉ nhằm khoe cái tôi ! Chính sách viện trợ nhân đạo của Mỹ là một điển hình. Dân Mỹ nổi tiếng vì đã viện trợ các nước nghèo trên thế giới. Thế nhưng tại sao họ vẫn bị nhiều dân tộc căm thù ? Biến cố 11/9/2001 chỉ cụ thể hóa lòng căm ghét đến tột độ đó mà thôi. Biến cố này là một cơ hội lớn cho người Mỹ nhìn lại chính sách bất công của mình. Cần phải có một cuộc cách mạng văn hóa thay đổi não trạng những người Âu Mỹ. Chính sách bất công cũng bắt nguồn từ cái nhìn và lối sống cao ngạo của người Tây Phương trước những dân tộc khác. Chính Thủ tướng Ý cho rằng văn minh Kitô giáo cao hơn Hồi giáo. Có phải đó là cách giải thích hay nhất chính sách "cái gậy và củ cà rốt" Mỹ đang áp dụng trong cuộc chiên Afganistan không ? Theo Ðức Thượng Phụ Nasrallah Sfeir thuộc Nghi Lễ Ðông phương Maronite, "cuộc tấn công quân sự có lẽ không ổn định được tình hình quốc tế. Sẽ có nhiều cuộc khủng bố cho tới khi nào đưa ra những cội rễ phát sinh bạo động. Cuộc chiến này chỉ có một lý do duy nhất : sự bất công trong hoàn cảnh Palestine và Israel." (CWNews 12/10/2001) Nhiều khi Hoa Kỳ quá thiên vị Israel, bất chấp cả lương tri, chỉ nhắm tới quyền lợi riêng. Ðức Giêsu không bao giờ thủ lợi. Cả khi cứu chữa mười người phong cùi, Người cũng quên chính mình. Người không hề đòi hỏi phải nhìn nhận quyền bính tối cao nơi mình. Trái lại, Người cho đó chỉ là do sức mạnh của niềm tin mà thôi. Ðường lối của Hoa Kỳ khác hẳn. Họ bắt mọi người phải cúi đầu khi nhận lãnh viện trợ. Có phải vì thế mà tại Peru, "trong thời kỳ Tổng thống Alberto Fujimori, hơn 300,000 phụ nữ, phần đông là nông thôn đã bị buộc phải triệt sản thông qua một chương trình giải phẫu triệt sản tự nguyện, thực tế là một chương trình bắt buộc. Giờ đây những phụ nữ này là những người vô cùng đau khổ. Ða số những ông chồng của những người đàn bà không có khả năng sinh sản này ruồng rẫy họ để kết hôn với người khác. Những phụ nữ này còn chịu nhiều bệnh tật và gia đình họ phải tốn tiền chạy chữa" (VietCatholic 10/10/2001) ? Từ đó, bao nhiêu vấn đề gia đình và xã hội đang phá hủy hạnh phúc con người ! Ai đã dính líu trong việc triệt sản này ? Chỉ biết "dưới áp lực của chính phủ Clinton và của Liên Hiệp Quốc, các khoản viện trợ kinh tế cho các nước thường đi kèm với những điều kiện kế hoạch hóa gia đình." (VietCatholic 10/10/2001) Chắc chắn chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ không thể tránh khỏi áp lực những tay tài phiệt. Họ đặt quyền lợi lên trên tất cả. Chủ nghĩa Duy Lợi này đã khuynh đảo đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ, tạo ra nhiều kẻ thù chưa từng thấy. Cụ thể, Pax Christi Hoa Kỳ đã can đảm "đưa ra danh sách những siêu thế lực dân sự đáng bị tiêu diệt trong xã hội Hoa Kỳ." (VietCatholic 10/10/2001) Ngày nào còn bị các tay tài phiệt đó chi phối, ngày đó còn bất công, nghèo đói và loạn lạc khắp nơi. Chẳng hạn, "vì quyền lợi dầu hỏa, Hoa Kỳ xúi giục Iraq tấn công Iran và cố duy trì cuộc chiến của hai nước này bằng cách bán vũ khí cho cả hai nước để họ đánh nhau đến kiệt quệ. Cũng vì quyền lợi mà Hoa Kỳ đã tiếp tay với các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Trung Á để in ra hàng mấy chục triệu cuốn Kinh Koran và các tài liệu cực đoan trong thời gian chống Liên Sô." (VietCatholic 10/10/2001) Ðúng là gieo gió gặt bão ! TÂM TÌNH BIẾT ƠN : NGƯỜI CÙI XỨ SAMARIA TRỞ LẠI VÀ LỚN TIẾNG TÔN VINH THIÊN CHÚA Lm. Carolô Hồ Bạc Xái * 1. Suy nghĩ về lòng biết ơn a. Chi tiết đánh động nhất trong bài Tin Mừng này là trong số 10 người cùi đã được Chúa Giêsu chữa khỏi, chỉ có một người biết quay lại tạ ơn Ngài, mà người này lại là một người Samaria ngoại đạo. Tại sao thế? Thưa vì tâm lý thông thường của những kẻ "ở trong nhà" là nghĩ rằng mọi điều tốt mà người nhà làm cho mình là đương nhiên. Còn những "kẻ ở ngoài" thì nghĩ rằng mình chẳng có lý do nào để được những điều ấy, cho nên khi nhận được thì rất biết ơn. Câu chuyện của bài đọc I minh chứng điều đó: Tướng Naaman không phải là người Do Thái mà là một người Aram. Bởi đó khi ông được Thiên Chúa của Israel và ngôn sứ Êlisê chữa cho khỏi cùi thì ông vô cùng biết ơn. Ông mang nhiều lễ vật đến tạ ơn Êlisê, và ông lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. b. Chúng ta muốn người chịu ơn ta phải tỏ lòng biết ơn ta, thế nhưng khi chịu ơn người khác chúng ta lại ít tỏ lòng biết ơn. Điều này bộc lộ khuynh hướng ích kỷ của chúng ta: chúng ta làm ơn là để được biết ơn. Nói cách khác, chúng ta làm vì mình chứ không vì người khác. Chúa Giêsu thì ngược lại: Ngài muốn chúng ta tỏ lòng biết ơn Ngài không phải vì Ngài mà vì ích lợi của chính chúng ta. "Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa?" Khi nói thế, Chúa Giêsu không nghĩ cho bản thân Ngài mà nghĩ cho những người cùi: Ngài muốn họ có tâm tình tốt đối với Thiên Chúa, từ đó sẽ có một liên hệ tốt với Thiên Chúa, và liên hệ tốt này lại phát sinh nhiều ơn lành khác nữa. c. Biết ơn Thiên Chúa là một điều rất tốt, không phải tốt cho Thiên Chúa, mà tốt cho chính chúng ta: do bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta sẽ ý thức hơn về tình thương của Thiên Chúa; do bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta sẽ nhận thức rõ hơn về thân phận nghèo nàn của mình; hai ý thức ấy sẽ giúp chúng ta gắn bó với Chúa và nương tựa vào Ngài nhiều hơn. d. Kẻ nào không biết cám ơn trong những việc nhỏ thì cũng không biết cám ơn trong những việc lớn. Vì thế ta cần phải tập cám ơn trong từng việc nhỏ. e. Cám ơn Chúa vì những điều vừa ý mình thì rất dễ, nhưng cám ơn Chúa vì những điều trái ý mình mới khó. Vì thế ta cần phải tập cám ơn Chúa về mọi điều xảy đến cho mình: chuyện vui cũng như chuyện buồn, thành công cũng như thất bại, sức khoẻ cũng như bệnh tật. Sự biết ơn về tất cả mọi điều xảy đến cho mình như thế còn phát sinh một ích lợi nữa là khiến ta biết nhìn đời mình một cách toàn diện, thấy cả hiện tại và quá khứ, từ đó ta sẽ nhận ra rằng đời mình được dẫn dắt bởi bàn tay yêu thương kỳ diệu của Chúa như thế nào. Thực vậy, khi nhìn lại quá khứ, ta sẽ thấy rằng những điều làm ta thích và những điều làm ta khổ không tách rời nhau, nhưng liên kết với nhau, đan xen nhau và đều góp phần dẫn ta đến cái hiện tại tốt đẹp ngày nay, từ đó ta có thể nói như Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng "Tất cả đều là hồng ân". * 2. Suy nghĩ về 9 người cùi vô ơn Chín người cùi Do Thái không cảm thấy tâm tình biết ơn có lẽ vì trước đó họ chỉ thấy tình trạng khốn khổ của họ chỉ là ngoài da, và sau đó họ cũng coi tình trạng được khỏi của họ chỉ là ngoài da. Nói cách khác họ chẳng thấy gì khác ngoài một chứng bệnh da liễu: Họ bị da liễu, Chúa Giêsu chữa họ khỏi da liễu, thế là xong. Họ trở về với nếp sống cũ, với những thói quen cũ, những tật xấu cũ, những suy nghĩ cũ... Chẳng có gì thay đổi trừ ra một làn da hết bệnh. Còn người cùi xứ Samaria, cũng như Naaman xứ Aram đã ý thức thân phận mình khốn khổ sâu xa như thế nào: đau đớn phần xác, mặc cảm tâm lý, tủi nhục tinh thần, cuộc đời như đã bị bỏ đi. Bởi vậy sau đó, cùng với sự khỏi bệnh ngoài da, họ còn được cứu chữa về tâm lý, tinh thần và đạo đức nữa. Họ trở thành những con người mới hẳn. * 3. Suy nghĩ từ chuyện ông Naaman a. Chuyện tướng Naaman mắc bệnh cùi rồi được chữa khỏi cho ta thấy từ đau khổ người ta có thể rút ra nhiều sự lành như thế nào. Naaman là một con người có nhiều quyền hành và thế lực vì ông là tướng chỉ huy quân đội nước Aram. Ông rất tự tin vào chính mình, chẳng cần gì đến Thiên Chúa. Thế rồi chứng bệnh cùi khủng khiếp đã làm ông mất tất cả, đầy ông từ chóp đỉnh xuống vực sâu của xã hội. Ông biết mình khốn khổ, ông cần ai đó cứu ông à Ông trở thành khiêm tốn hơn. Nhờ có người mách bảo, Naaman tìm đến với ngôn sứ Êlisê với hy vọng vị này chỉ nói một lời hay làm một việc gì đó thôi thì ông sẽ khỏi bệnh ngay. Nhưng Êlisê bảo ông đi tắm trong dòng sông Giođan nhỏ bé và phải tắm đến 7 lần. Ban đầu ông không chịu, nhưng sau đó ông chấp nhận à Ông đã biết chịu đựng và kiên nhẫn. Khi khỏi bệnh, Naaman ngoại đạo ấy còn khám phá một điều quan trọng hơn tất cả, đó là có một Thiên Chúa thực sự và quyền năng. à Ông có đức tin. b. Cũng như Naaman trước khi bị bệnh, chúng ta ít nghĩ tới Chúa khi đời mình đang thuận buồm xuôi gió. Chúng ta cho rằng đời mình hoàn toàn tùy thuộc vào khối óc và đôi tay của mình. Khi gian truân khốn khổ ập đến, ta chợt ý thức rằng mình quá nghèo nàn và yếu đuối. Mắt ta được nhìn thấy mặt trái của cuộc đời, đầu ta biết cúi xuống, chân ta biết quỳ xuống, và lòng ta biết hướng lên cao. Như thế, đau khổ có rất nhiều lợi ích: nó đem ta đến gần Chúa hơn, nó khiến ta bớt duy vật hơn, nó còn cho ta thấy những khía cạnh tốt lành ẩn giấu trong những điều trái ý. * 4. Dòng suối ân tình Trong một chuyến bay từ Rôma về Nữu ước, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen chăm chú nhìn cô tiếp viên hàng không đang đi lại phục vụ quí khách. Thấy cử chỉ lạ của Đức Tổng, cô tiếp viên mạnh dạn đến gần và hỏi: - Thưa Đức cha, có chuyện gì mà Đức Cha lại nhìn con như thế? Vị Tổng Giám Mục nhoẻn miệng cười đáp: - Vì đôi mắt của con rất đẹp! - Vậy con phải làm gì để cám ơn Chúa đây? - Con ạ! Chúa đã lấy tất cả sắc đẹp của từng người phong trong trại cùi Di Linh mà đem tặng cho con. Vậy con hãy đến đó chăm sóc cho họ mà đền đáp ơn Chúa. Quả thật, chỉ ít lâu sau người ta đã thấy người phụ nữ xinh đẹp này ngày đêm tận tuỵ băng bó những vết thương lở loét cho các bệnh nhân phong, tại trại cùi Di Linh dưới lớp áo dòng nữ tu. * Phong cùi là một bệnh nan y khó trị, ai cũng ghê tởm và run sợ nếu mắc phải bệnh này. Vào thời Chúa Giêsu nó còn khoác vào người bệnh nỗi nhục nhã trong tâm hồn, vì người ta cho rằng họ là những người bị Thiên Chúa phạt. Những người mắc bệnh cùi bị ruồng bỏ, bị coi là nhơ nhớp, phải sống cách ly trong một làng cùi xa mọi người, xa cả người thân. Phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và phải hô lên rằng mình có bệnh truyền nhiễm và nhơ nhớp để cho người lành biết mà tránh xa (x. Lv 13, 1-44). Thế mà, trong bài Tin Mừng hôm nay kể lại chỉ một lời Chúa Giêsu phán ra thì vết thương của thể xác và nỗi đau trong tâm hồn bao năm đè nặng bỗng tan biến hết. Căn bệnh quái ác mà họ cứ tưởng phải gánh chịu suốt cả cuộc đời, nỗi ô nhục mà họ cứ tưởng sẽ vĩnh viễn theo họ sang bên kia thế giới, thì nay đã được hoàn toàn tẩy xoá. Chỉ nhờ quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa mà họ như đã chết nay được hồi sinh, niềm vui rộn rã như vỡ oà trong tim. Trớ trêu thay trong mười người được hưởng ơn chữa lành vô cùng lớn lao ấy, chỉ có một người biết dâng lời tạ ơn, mà người ấy lại là người Samari ngoại đạo. Còn những người vẫn tự hào là dân Thiên Chúa, dân riêng Chúa chọn lại sống vô ơn. Chúa Giêsu phải thốt lên lời quở trách: "Không phải cả mười người được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" (Lc 17, 17-18). Sở dĩ Chúa Giêsu xem trọng lòng biết ơn cũng là vì ích lợi của kẻ được ơn mà thôi. Người Samari trở lại tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho anh ơn phần xác, thì Người lại ban thêm cho anh ơn phần hồn là củng cố niềm tin và xác định tư cách tôn giáo của anh. Người nói: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh" (Lc 17, 19). Như thế, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn. Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp theo nhau. Những ân huệ này đan xen với những ân huệ khác. Có những ơn do nơi Thiên Chúa, và cũng có những ơn đến từ con người. Vậy nếu cuộc sống là lãnh nhận thì người ta sẽ như thế nào nếu không hề biết nói hai tiếng cám ơn, hoặc chẳng bao giờ bày tỏ tấm lòng tri ân! Thú vật còn biết vẫy đuôi cám ơn khi ném cho nó cục xương, còn người vô ơn khi nhận được ân huệ chỉ biết trố mắt nhìn và câm lặng. Một đứa trẻ mới bập bẹ tập nói trong một gia đình có giáo dục, thì tiếng "cám ơn" luôn nằm sẵn trên bờ môi. Một người có nhân cách thực sự là một người có lòng biết ơn. Một người luôn thể hiện lòng biết ơn mới đích thực là con người. Lòng biết ơn là nét cao đẹp nhất của con người. Biết ơn là nhận ra thân phận bất toàn của mình. Biết ơn là ý thức về tình liên đới với người khác. Biết ơn là thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa yêu thương và quan phòng. Vì thế, lòng biết ơn chính là bông hoa rực rỡ, điểm tô cho cuộc sống con người. Một tiếng nói "cám ơn" với tất cả chân thành, một cử chỉ biết ơn sâu xa sẽ làm cho chúng ta nên người hơn, và thể hiện niềm tin sâu sắc hơn. Cả cuộc sống của Chúa Giêsu là một "bài ca tạ ơn". Người tạ ơn Cha trước khi cho Ladarô sống lại, trước khi làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, trước khi lập phép Thánh thể. Người không chỉ là mẫu mực về lòng biết ơn mà còn dạy chúng ta thể hiện lòng biết ơn ấy: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy". Kể từ đó, mỗi thánh lễ mà Giáo Hội cử hành được gọi là Thánh lễ Tạ ơn. Thánh Phaolô luôn dâng lời tạ ơn lên Chúa: "Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô" (1 Cr 1, 4). Ngài cám ơn tất cả những ai giúp ngài trong công việc mục vụ: "Quà anh em tặng cho tôi đó, chúng khác nào hương thơm, lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Người chấp nhận" (Pl 4, 10). Như vậy, câu ngạn ngữ Anh nói rất chí lý: "Cho người có lòng biết ơn chính là cho vay". * 5. Chuyện minh họa David đang đi đường thì gặp một người ăn xin. Anh cho người ấy một số tiền rồi tiếp tục đi, lòng rất sung sướng. Nhưng chỉ một sau, anh cảm thấy bực bội khi chợt nhớ hồi nảy người ăn xin kia không cám ơn anh. Anh đem chuyện ấy kể cho một Rabbi nghe. Vị Rabbi chăm chú lắng nghe, rồi hỏi: - Khi anh cho tiền người ăn mày, anh cảm thấy sao? - Con thấy rất vui. - Thế đó không phải là phần thưởng cho con rồi đó sao? - Nhưng con nghĩ rằng dù sao thì người ấy phải cám ơn con mới phải. - Thế sao con đã không cám ơn Chúa? - Tại sao phải cám ơn Chúa? - Vì Chúa đã ban cho con cơ hội làm dụng cụ cho Chúa thực hiện tình thương của Ngài cho một con người khốn khổ. (FM) * Lạy Chúa, suốt cuộc đời chúng con ngụp lặn trong đại dương ân huệ của Chúa, suốt đời chúng con được tắm mát trong dòng suối ân tình của anh em. Xin cho chúng con luôn biết sống có tình nghĩa. luôn thế hiện lòng biết ơn, luôn quí trọng những hồng ân mà Chúa đã thương ban, và những gì mà anh em đã làm cho đời chúng con thêm tươi đẹp và hạnh phúc hơn. Amen. BIẾT ƠN Cha Mark Link, S.J. Chủ đề: "Sự biết ơn phải chân thành và được thành tâm bày tỏ " Bà Dorothy Day là một người trở lại Công Giáo khi đã lớn tuổi. Cuộc đời bà đáng được Hollywood dựng thành phim. Khi bà từ trần năm 84 tuổi, tờ New York Time đã không do dự gọi bà là người có ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử Công Giáo Hoa Kỳ. Sau cái chết của bà, đã có một phong trào vận động để phong thánh cho bà, nhất là vì những gì bà đã làm cho người nghèo và người tuyệt vọng ở Nữu Ước. Cách đây không lâu, tờ America đã phỏng vấn bà Eileen Egan, một người bạn thân của bà Dorothy. Một trong những câu hỏi mà người phóng viên đặt ra với bà Eileen là "Điều gì đặc biệt nhất khi bà nghĩ đến bà Dorothy?" Không chút do dự, bà Eileen đáp, "Đó là tinh thần biết ơn." Và bà đã đưa ra một thí dụ. Vào một ngày trời lạnh, cả hai đang ở trên xà lan. Bà Dorothy chỉ mặc chiếc áo khoác mỏng. May mắn, bà có mang theo tờ báo nên bà lấy quấn quanh người bên dưới áo khoác. Khi làm như vậy, bà mỉm cười và nói, "Tôi cám ơn những người vô gia cư đã dạy tôi cách này để giữ người cho ấm." Bà Eileen nói thêm, "Bất cứ ở đâu, bà Dorothy đều tìm lấy lý do nào đó để cảm tạ. Thí dụ, có lần bà nói, tôi biết ơn Chúa Giêsu đã đến sống trên mặt đất này đến độ đôi khi tôi cảm thấy muốn quỳ xuống hôn đất, chỉ vì chân của Chúa đã chạm đến nó." Trên mộ bia của bà Dorothy ở Staten Island, hai chữ đi liền với tên của bà là: Deo Gratias, đó là "Tạ ơn Chúa." Chính bà đã yêu cầu khắc dòng chữ này. Câu chuyện của bà Dorothy đã dẫn chúng ta đến câu chuyện của mười người phong hủi trong bài Phúc Âm hôm nay vì câu chuyện của bà nhấn mạnh đến hai điểm quan trọng về sự biết ơn. Thứ nhất, nó phải chân thành. Thứ hai, nó phải được thành tâm bày tỏ. Thái độ biết ơn người vô gia cư vì đã dạy bà cách giữ người cho ấm, và bà biết ơn Chúa Giêsu vì đã xuống thế làm người, cả hai đều chân thành và được thành tâm bày tỏ. Trong Phúc Âm hôm nay sự biết ơn của chín người phong hủi không trở lại cám ơn có lẽ thành tâm. Chúng ta không biết. Nhưng chúng ta biết chỉ có một người trở lại bày tỏ sự biết ơn trong một phương cách chân thành. Ông ta phủ phục dưới chân Chúa Giêsu. Một lớp học sinh trung học đang chuẩn bị thảo luận về bài Phúc Âm hôm nay. Để bắt đầu, thầy giáo yêu cầu họ trả lời trên giấy hai câu hỏi sau: Thứ nhất, đã bao lâu bạn chưa cám ơn cha mẹ vì điều gì đó? Thứ hai, bạn cám ơn các ngài vì điều gì? Tôi muốn chia sẻ với các bạn hai câu trả lời của hai học sinh. Câu trả lời thứ nhất viết: Lần sau cùng tôi nhớ đã cám ơn cha mẹ vào khoảng một tuần trước đây. Tôi cám ơn mẹ tôi đã giúp tôi làm bài tập. Tôi nhớ là bà đã tốn vài giờ đồng hồ. Một tuần sau khi tôi đã nộp bài, bà còn đem về nhà các tài liệu liên quan đến đề bài và nói, "Những cái này cốt để cho con biết thêm." Câu trả lời của học sinh thứ hai như sau: Tôi nhớ lần sau cùng cám ơn cha mẹ thì cách đây vài tuần. Tôi sửa soạn đi chơi tối thứ Bẩy và để cha tôi ở nhà một mình, vì mẹ tôi đã từ trần hồi mùa hè qua. Trước khi rời nhà, tôi đến với ông và đặt tay lên vai ông một cách thân mật. Tôi không nói gì, nhưng tôi biết ông hiểu là tôi cám ơn ông vì đã cho phép tôi đi chơi. Tôi không biết các bạn nghĩ sao, nhưng tôi thấy hai câu trả lời này thật cảm động. Cả hai trường hợp, sự biết ơn của các học sinh thật chân thành. Và trong cả hai trường hợp, sự biết ơn được bầy tỏ trong một phương cách nồng hậu và thành tâm. Điều đó đưa chúng ta đến việc cử hành Thánh Lễ hôm nay. Các câu chuyện của bà Dorothy Day, của các học sinh, và mười người phong hủi đã mời gọi chúng ta kiểm điểm lại thái độ biết ơn của chúng ta và cách bày tỏ sự biết ơn ấy. Thí dụ, có một chi tiết đáng kể trong câu chuyện Phúc Âm khiến chúng ta phải để ý. Đó là nhận xét của Chúa Giêsu về người phong hủi trở lại cám ơn lại là người Samaritan. Qua chi tiết này, Chúa Giêsu muốn nói chín người kia là Do Thái. Có thể nói, họ là người đồng hương của Chúa. Bạn mong đợi họ tỏ lòng biết ơn nhau, nhưng họ đã không làm như vậy. Điều này cũng thường đúng với chúng ta. Khi cần phải biết ơn gia đình, chúng ta thường cho đó là hành động đương nhiên khỏi phải nói lên. Và, thật không may, chúng ta cũng thường hành động như vậy khi đối với Thiên Chúa. Có người nói khi coi sự biết ơn là đương nhiên--không bày tỏ ra bên ngoài--thì cũng giống như chúng ta nháy mắt ra hiệu cho nhau trong bóng tối. Bạn biết khi bạn nháy mắt với họ, nhưng họ không thấy điều đó. Và vì thế, khi chúng ta trở về với bàn thờ, có lẽ chúng ta cần dành thời giờ để cảm tạ Thiên Chúa vì đã sai Con của Người xuống trần gian. Và chúng ta có thể tỏ lòng biết ơn qua việc cử hành Thánh Lễ một cách sốt sắng, một cách thành tâm. Chúng ta hãy kết thúc bài giảng hôm nay với lời của ngôn sứ Isaia: "Hãy cảm tạ Thiên Chúa!... Hãy nói với mọi dân tộc về những điều Người đã thực hiện. Hãy nói với họ Người thật vĩ đại dường bao! Hãy hát lên ca tụng Thiên Chúa vì những việc trọng đại Người đã thực hiện." Is 12:4-5 Mời các bạn cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét