Trang

Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Lũ đến, lũ qua và lũ sẽ tới

Hai cơn lũ lớn đã hoành hành, cơn siêu bão Megi đang đi vào biển Đông tiếp tục đe dọa không chỉ các tỉnh Bắc Trung phần Việt Nam. Ở một đất nước mà thiên tai hàng năm gây thiệt hại triền miên, trước sức mạnh thiên nhiên gần như không thể đối phó thì liệu xã hội và cộng đồng còn có thể trông chờ gì? Vào thời điểm này, truyền thông Việt Nam hàng ngày vẫn kêu gọi đóng góp sẻ chia với người dân các tỉnh bị lũ tàn phá ở Quảng Bình, Hà Tĩnh… Và mỗi năm, suốt trong lịch sử đương đại Việt Nam luôn lập lại những lời kêu gọi cũng như luôn có những tấm lòng vàng sẵn sàng chia sẻ trong tinh thần "bầu ơi thương lấy bí cùng." Dẫu biết là nhân ái cao cả của dân tộc là không giới hạn, nhưng đã đến lúc cộng đồng phải đặt ra vấn đề là: Liệu cảm xúc nhân ái được giữ gìn và vun bồi ra sao khi mà cứ theo mùa thiên tai lũ lụt là đến "mùa" phát động cứu trợ. Cứ lập lại mãi như vậy mà không nghĩ đến những biện pháp hữu hiệu hơn để khắc phục thảm trạng và dự phòng đối phó trước thiên tai dịch họa mới. Những mong ước đơn giản ở vùng lũ Chúng tôi, vào mùa lũ năm trước có mặt ở vùng bị lũ nặng nhất ở tỉnh Phú Yên. Nơi chúng tôi đến là những căn nhà nằm ven triền núi, vậy mà ngấn nước lũ cao sát tới mái nhà. Một người dân đã chỉ cho chúng tôi thấy những căn gác tạm kê sát mái. Ông cho biết thường nhà nào ở đây cũng có kê gác, đó là kinh nghiệm truyền đời. Ông nói: "Vậy mà vẫn có người chết vì khi lũ về, nhất là người già và trẻ con không kịp đưa lên gác. Phải chi có áo phao thì khi nghe dự báo bão lũ là mặc cho người già với trẻ con hoặc có mấy cái ruột xe hơi kiểu con nít học bơi thì chắc là không đến nỗi chết chìm, có trôi đi thì cũng vớt kịp." Nhiều người đồng tình với người nông dân Phú Yên về cái áo phao và những cái ruột bánh xe của dân tắm biển, vì ít ra khi có những phương tiện tối thiểu đó nhiều dân nghèo vùng lũ cũng giữ được mạng sống. Trong những ngày này, hình ảnh đau lòng nhất mà nhiều người được chứng kiến là những cánh tay, những gương mặt của dân vùng lũ ló ra mái ngói kêu cứu và chờ được cứu. Liệu những người trong ảnh báo chí đó có được cứu kịp thời không và cả những người khác nữa mà ống kính phóng viên không thể nhìn thấy! Nếu họ có áo phao như những vị cán bộ cấp cao đi thăm dân vùng lũ, như những chiến sĩ đang cứu giúp dân thì chắc hy vọng sống của họ sẽ cao hơn. Từ những chiếc áo phao người ta lại nghĩ đến những chiếc xuồng phao. Nước lũ ngập nhà cửa tại Quảng Bình trong đợt lụt đầu tháng 10/2010 Thông tin cho biết rằng có những địa phương ở vùng cao bị lũ không tìm đâu ra được chiếc ghe, chiếc xuồng phao. Có thể những địa phương này ở vùng cao không có những phương tiện như dân vùng sông nước, nhưng ai cũng biết rằng hằng năm bão và lũ không trừ địa phương nào. Qua ống kính truyền hình, nhìn cảnh những người dân can trường dùng những phương tiện tạm bợ để cứu bà con láng giềng, nhiều người cho rằng mỗi địa phương đều dùng tiền thuế, tiền góp của dân để xây cổng văn hoá và những công trình linh tinh khác, vậy thì tại sao không chuẩn bị được những chiếc xuồng phao để cứu dân. Có khi trớ trêu cứu trợ Khi lũ tan, là lúc từng đoàn cứu trợ đến vùng bị nạn với tấm lòng và phẩm vật cứu trợ vô giá nhưng lắm lúc cũng rất trớ trêu. Chúng tôi từng chứng kiến có nhà nhận cả mấy chục chai nước mắm, nước tương, còn muối hàng mấy ký lô… trong khi nhu cầu về những mặt hàng này không cấp thiết lắm. Nhất là lại không có những vật dụnng và phương tiện chuẩn bị dự phòng trước những cơn lũ khủng khiếp mới sẽ tới. Ở những vùng bão khác cũng vậy, năm nào những người mất nhà cửa cũng được tặng tấm lợp rồi che tạm bợ trên khung nhà cũ, để rồi một cơn bão mới lại đến, có khi chỉ là bão nhẹ, mái nhà lại cuốn bay đi. Cứu giúp người trong cảnh thiên tai việc đó chỉ có ý nghĩa trọn vẹn khi giúp họ chuẩn bị đủ phương tiện tối thiểu ứng phó với những thảm hoạ mới sẽ tới. Đã đến lúc không chỉ chính sách nhà nước và ngay cả phương cách của cộng đồng trước thiên tai và dân cư vùng thiên tai cần thiết phải đổi mới. Từ vật liệu nhà ở cho đến những khu trú bão lũ, phương tiện ứng cứu và có khi cần một ngân hàng, cả những công ty bảo hiểm… Bởi vì thiên tai trong thời đại biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ ngày càng khủng khiếp hơn, chính vì vậy lòng tương thân tương ái của dân tộc và cộng đồng cần phải được vun bồi trong những phương thức ứng phó tổ chức cao và hữu hiệu hơn. Theo BBC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét