Trang

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Trung Quốc đa dạng hóa hợp tác kinh tế tại Mỹ Latinh

Với sự vươn lên mạnh mẽ về kinh tế, trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã mở rộng các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư ở nhiều khu vực trên thế giới. Ngoài vùng châu Á láng giềng và thị trường châu Âu, các tập đoàn của Trung Quốc còn vươn xa hơn, sang cả châu Phi và đặc biệt là đến tận châu Mỹ Latinh. Cổng chào vinh danh cộng đồng người Mêhicô gốc Hoa tại Mehico city, được dựng vào năm 2008 Ảnh Wikipedia Tại đây, các đầu tư của Bắc Kinh không chỉ giới hạn trong các dự án khai thác nguồn tài nguyên mỏ, dầu khí, mà còn mở rộng sang lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đường sắt, luyện kim, qua đó Trung Quốc củng cố và đa dạng hóa sự hiện diện của mình. Gần như thành thông lệ, hàng năm, các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đều viếng thăm một số quốc gia Mỹ Latinh. Theo giới quan sát, những chuyến công du này có mục đích chủ yếu là kinh tế. Nhiều hợp đồng đầu tư, thăm dò dầu khí được ký kết với những nước sản xuất dầu lửa như: Venezuela, Mêhicô, Brazil, Achentina, Ecuador, Colombia. Tháng tư năm nay, Trung Quốc đã chấp nhận cung cấp cho Venezuela, mà Bắc Kinh coi là một nước anh em, 20 tỷ đô la tín dụng để đầu tư vào 19 dự án phát triển tại quốc gia này. Một phần tín dụng đã được tháo khoán ngay trong tháng bẩy vừa qua. Cũng trong tháng tư, tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNPC thông báo sẽ chi 900 triệu đô la cho Venezueal để được quyền tiếp cận với khu vực có trữ lượng dầu lửa rất lớn ở vùng vịnh Orinoco. Trong thời gian này, một quan chức của chính quyền Bắc Kinh cho biết tại châu Mỹ Latinh, Peru là nước tiếp nhận nhiều nhất đầu tư của Trung Quốc, 1,4 tỷ đô la, trong đó có tới 1,1 tỷ đô la đổ vào lĩnh vực mỏ. Thế nhưng, nước có nhiều triển vọng nhất đối với Trung Quốc là Brazil. Quốc gia này hiện có nhu cầu rất cao về tài chính để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng. Chuyên gia Gerardo Mato, trưởng ban châu Mỹ Latinh thuộc ngân hàng HSBC cho AFP biết là hơn 50% cơ hội đầu tư của Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh tập trung tại Brazil. Để chuẩn bị cho Cúp bóng đá thế giới 2014 và Thế vận hội Olympic 2016, Brazil cần từ 60 đến 120 tỷ đô la đầu tư và trong số này, chắc chắn có phần của Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc không dừng lại ở việc nhập khẩu sắt thép của Brazil mà còn sẽ tiến hành sản xuất ngay tại nước này, qua việc ký thỏa thuận giữa công ty LLX và tập đoàn Sắt Thép Vũ Hán nhằm xây dựng một nhà máy luyện kim ở Brazil, trị giá khoảng 5 tỷ đô la. Tuần trước, khi ghé thăm Bắc Kinh, ông Dominique Bussereau, quốc vụ khanh Pháp phụ trách giao thông, cho biết là các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ cạnh tranh với các tập đoàn của Pháp để được quyền xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc giữa Rio de Janeiro và Sao Paulo ở Brazin và tuyến đường Buenos Aires – Cordoba tại Achentina. Mùa hè vừa qua, Trung Quốc đã ký các thỏa thuận đầu tư 10 tỷ đô la vào lĩnh vực đường sắt Achentina. Theo phương châm « đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn », Trung Quốc, hiện có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, luôn tỏ ra hào phóng với các nước đang phát triển giàu có về tài nguyên. Thứ sáu tuần trước, tập đoàn Vale của Brazil, số một thế giới về khai thác quặng sắt, thông báo sẽ vay 1 tỷ đô la của các ngân hàng Trung Quốc, để đóng 12 tàu biển chuyên chở quặng sắt xuất sang Trung Quốc, khách hàng chính của tập đoàn. Cuối năm 2009, tập đoàn dầu lửa Petrobras của Nhà nước Brazil đã ký thỏa thuận vay của Trung Quốc 10 tỷ đô la trong vòng 10 năm nhằm tài trợ cho các chương trình đầu tư. Châu Mỹ Latinh vốn là được coi là « sân sau », vùng ảnh hưởng truyền thống của Hoa Kỳ. Thế nhưng, sự hiện diện của Trung Quốc không làm cho Mỹ lo ngại. Thậm chí, Washington còn tuyên bố ủng hộ Bắc Kinh đầu tư vào khu vực này. Ông Arturo Valenzuela, thứ trưởng ngoại giao Mỹ đặc trách khu vực Tây Bán Cầu, khẳng định với AFP rằng: « chắc chắn đó không phải là một mối đe dọa ». Đây cũng là nhận định của một số chuyên gia. Trong bài « Trung Quốc không thực sự kiểm soát thế giới », đăng tuần báo Newsweek, đầu tháng 8/2010, chuyên gia Gatsiounis Ioannis cho rằng, tổng trao đổi mậu dịch của Trung Quốc với châu Mỹ Latinh tuy tăng nhanh, nhưng vẫn không vượt được Mỹ. Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Hoa Kỳ sang châu Mỹ Latinh đa dạng, cao cấp hơn, so với Trung Quốc, « viện trợ của Mỹ và đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các khu vực này vẫn làm lu mờ các hoạt động tương tự của Trung Quốc, quyền lực mềm và có thể cả sức mạnh quân sự của Mỹ vẫn còn ngự trị, mặc dù có sự lớn mạnh gần đây của Trung Quốc trong khu vực này. » Theo RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét