Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2010

Lạm dụng máy móc điện tử làm suy yếu tế bào thần kinh

Hiện nay, điện thoại di động, smartphone, hay các máy nghe nhìn điện tử khác ngày càng được dùng phổ biến trong giải trí hay trong công việc. Theo một bài báo của The New York Times được Le Figaro trích lại, các chuyên gia lưu ý đến một hậu quả phụ thường không được chú ý đến của hành động này. Khi một người làm bộ não mình liên tục tràn ngập các tín hiệu, thì cũng là lúc người đó sẽ không có được những thời khắc im lặng quý giá giúp cho bộ não có khả năng hồi sức và nhờ đó nắm bắt tốt hơn và ghi nhớ tốt hơn các thông tin, hoặc các ý tưởng mới đang hình thành. Khi chúng ta tưởng là có thể giải trí, hay thư giãn, với việc cùng một lúc nghe nhạc và tập thể thao, hay xem video ở điểm dừng xe bus, nhưng thực tế, lúc đó, bộ não của chúng ta đang bị lạm dụng. Trong nền công nghiệp giải trí điện tử, các nhà soạn thảo phần mềm đã liên tục phát triển nhiều loại ứng dụng khác nhau để cạnh tranh chiếm lĩnh từng giây, từng phút thời gian rảnh rỗi của khách hàng. Ví dụ như các phần mềm trò chơi để tạo ra những trải nghiệm hết sức hấp dẫn. Rất nhiều người không thể nào rời được chiếc iphone và ipod mới sắm để gửi email, nghe nhạc, hay xem truyền hình với độ phân giải cao. Khá nhiều người sử dụng điện thoại di động Blackberry có một cảm giác stress thường trực. Điều này không hẳn xuất phát từ đòi hỏi từ bên ngoài, mà là một sức ép từ bên trong buộc bản thân người sử dụng phải liên tục sống trong trạng thái giao tiếp. Mặc dù cho rằng các bất lợi gắn liền với việc não mất nghỉ ngơi không đáng kể gì so với những ích lợi thu được từ các công nghệ giải trí mới, John Ratey, giáo sư tâm thần học thực hành và tác giả cuốn « Spark : The Revolutionary New Science of Exercise and the Brain », vẫn khuyên mọi người trong khi luyện tập tập thể thao, không nên nghe nhạc và xem video. Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học California ở San Francisco đã phát hiện ra rằng, trong bộ não các chú chuột, khi được đưa đến khám phá một vùng đất mới, đã phát triển các hình thức xử lý thông tin chưa từng có. Nhưng với điều kiện là nếu được nghỉ ngơi trong quá trình này, thì các chú chuột mới có thể có được một ký ức bền vững về những kinh nghiệm đã trải qua. Các nhà khoa học cho rằng cơ chế này ở loài chuột cũng diễn ra tương tự ở người. Các máy nghe điện tử với các loại hình âm nhạc giải trí khác nhau không chỉ làm cho não mệt mỏi, mà chúng còn có thể làm lệch các sóng não và tạo ra một trạng thái phụ thuộc đặc biệt. Le Figaro (03/09/2010) nói đến một mối lo mới về việc nghiện nghe các loại âm nhạc, hứa hẹn tạo nên nơi khách hàng, các hiệu ứng đặc biệt như xuất hồn, trạng thái như khi dùng chất ma túy, hay khi lên đến cực điểm trong giao hợp. I-doser một trong các địa chỉ hàng đầu của không gian ảo hứa hẹn các hiệu quả như vậy. Từ tháng 6 năm 2007, i-doser đã sử dụng một phần mềm đặc biệt gọi là SbaGen cho phép nghe được các « liều thuốc » âm nhạc này. « Alcohol » và « Content », là hai liều miễn phí. Theo quảng cáo của i-doser, liều đầu mang lại hiệu ứng như sau khi uống năm chén rượu gin, liều thứ hai tạo nên trạng thái thư giãn cơ bắp ngay lập tức. Còn các liều mang lại các hiệu quả giống như khi dùng các chất ma túy như LSD hay cocain thì phải trả tiền. Theo Le Figaro, nghe các liều này rõ ràng là có cảm giác, nhưng các mô tả của i-doser là mang tính phóng đại quá mức. Những người có thẩm quyền trong lĩnh vực này tại Pháp cũng muốn trấn an công chúng. Ông Étienne Apaire, chủ tịch Ủy ban Liên bộ chống ma túy và nghiện, cho rằng việc giới thiệu một mặt hàng như là ma túy không phải là lý do để buộc tội người bán. Mặt khác, trang i-doser nằm tại Hoa Kỳ, không chịu sự chi phối của luật nước Pháp. Tuy nhiên, ông Étienne Apaire vẫn thận trọng nhận xét : việc sử dụng loại âm nhạc này làm cho người nghe đau đầu và tạo nên một thói quen sống cô lập. Ông khẳng định, chính lối sống cô lập dẫn người ta đến chỗ cần phải viện đến các cảm giác tự tạo này, bằng mọi phương tiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét