Trang

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

Cần nghiên cứu, thảo luận thực sự về tục lên đồng để có nhận thức đúng

Trong thời gian vừa qua, tại Việt Nam dư luận đang có rất nhiều ý kiến khác biệt và thậm chí đối lập xung quanh việc Chính phủ Việt Nam ban hành một nghị định cấm lên đồng và đốt vàng mã tại các nơi công cộng, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2010. Lễ hội hầu đồng đền Lảnh Giang (Hà Nam) (23-26/7/2009). Lần đầu tiên nghệ thuật video và performance được đưa vào nghi lễ (DR)Trọng Thành Nghị định cấm lên đồng và đốt đồ mã đã vấp phải sự chỉ trích quyết liệt của một bộ phận những người lên đồng, cũng như nhiều người trong giới nghiên cứu, một mặt như là một quyết định vi phạm đến quyền tự do tín ngưỡng, được Hiến pháp quy định, mặt khác, xúc phạm đến một truyền thống văn hóa của một đa số cư dân trong xã hội Việt Nam. Trong bối cảnh có các phản đối từ một bộ phận dư luận, mới đây (ngày 13/09/2010), ông Lê Anh Tuyến, cục trưởng Cục Pháp chế Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, cơ quan chủ trì việc soạn thảo và thực thi nghị định kể trên, tuy vẫn kiên quyết khẳng định cấm lên đồng là mê tín dị đoan, nhưng đưa ra một giải thích khác, theo đó, không cấm lên đồng nói chung nữa, mà chỉ cấm các hoạt động lên đồng "giả danh thần thánh" để "phán truyền". Sự bất lực của giới lên đồng trong việc giữ cho truyền thống tín ngưỡng này được lành mạnh, cùng với sự bất cập của các quy chế pháp lý hiện hành trong việc xác lập các chuẩn mực rõ ràng, đã tạo ra một bầu không khí mơ hồ, hư hư thực thực kéo dài, khuyến khích một trạng thái thụ động từ phía xã hội dân sự, đồng thời tạo môi trường thao túng cho nhiều người lợi dụng tín ngưỡng. Với tư cách là một nhà nghiên cứu y khoa, chuyên chăm sóc sức khỏe tâm trí tại Việt Nam, bác sĩ Trần Tuấn đã đưa ra một tiếp cận khác, trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh : chỉ có con đường nghiên cứu khoa học thực sự và thảo luận công khai mới có khả năng giúp cho mỗi người có khả năng tự nhận biết được sự thật trong lĩnh vực này, và nhờ thế, "mê tín dị đoan" mới có thể được đẩy lùi. Sau đây là phần phỏng vấn của RFI : Ông Trần Tuấn, nhà nghiên cứu sức khỏe tâm trí (Hà Nội) RFI : Thưa anh, trong thời gian mấy tháng vừa qua, như anh biết, tại Việt Nam, dư luận đang có rất nhiều ý kiến xoay xung quanh vấn đề việc lên đồng nói riêng và sự phát triển thái quá, không thể kiểm soát nổi của một số hoạt động tín ngưỡng trong và ngoài các lễ hội nói chung, gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, đồng thời với việc chính phủ Việt Nam ban hành một Nghị định cấm lên đồng và đốt vàng mã tại các nơi di tích, trong các dịp lễ hội, như là một biện pháp để gia tăng hạn chế hành chính đối với các tệ nạn gắn liền với tín ngưỡng kể trên. Nghị định này đã vấp phải sự chỉ trích quyết liệt của một bộ phận những người lên đồng, cũng như trong giới nghiên cứu. Với tư cách là một bác sĩ và nhà khoa học ngành y, chuyên chăm sóc và nghiên cứu về sức khỏe tâm trí tại Việt Nam, xin anh cho biết các suy nghĩ của anh về vấn đề này ạ ? Trần Tuấn : Trước hết ta xuất phát từ khái niệm văn hóa. Văn hóa như ông Gandhi từng nói, bắt nguồn từ bầu sữa mẹ. Ý muốn nói rằng nó bắt nguồn từ bé, từ tuổi thơ ấu, để tạo những cái niềm tin, những chỗ dựa, về mặt tinh thần, về mặt phán đoán, về mặt suy nghĩ. Nó là những thói quen được hình thành từ bé, được tiếp xúc từ trong gia đình đi ra. Tất nhiên là cái thói quen để tạo nên cái văn hóa đó sẽ bị ảnh hưởng dần dần của môi trường. Bây giờ ta sẽ nói xem cái vấn đề lên đồng ở Việt Nam liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm trí như thế nào ? Một cái hiện tượng nó tồn tại lâu rồi, từ mấy thế kỷ rồi, thì cái hiện tượng đó rõ ràng có những cái cơ sở để cho người dân người ta tin. Bởi vì nếu không, thì theo thời gian bị mai một nó sẽ bị quên đi. Cái cơ sở để người ta tin trong dân gian và trong chúng ta, thường không dựa trên bằng chứng khoa học, mà nó dựa theo lời kể, dựa theo việc nghe, bảo nhau, đây là một hiện tượng xã hội thông thường. Hiện nay chúng ta thấy, đặc biệt là trong xã hội, trong đó chấp nhận sự cạnh tranh, sự vươn lên, chấp nhận sự thua thiệt, có những người được, có những người mất, và chấp nhận những cái mới, thì người dân phải có những cái cơ sở để mà tin. Chúng tôi nhận thấy vấn đề lên đồng là như thế này : cho đến nay, cá nhân tôi thấy, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ lên đồng, hiện tượng thần linh, và hiện tượng tiếp xúc được với « cõi âm » đưa ra những phán truyền cho « người dương », để có thể tin rằng điều đó là sự thực. Đứng về mặt sức khỏe tâm trí thì phải nói thế này : tồn tại trong dân chúng, có một bộ phận tự cho rằng mình nghe được tiếng nói, nhìn thấy được những cảnh vật mà người khác không thấy, hoặc là có những suy nghĩ rằng mình có những năng lực siêu phàm a, b, c, d, hoặc là có những hiện tượng này hoặc hiện tượng kia mà chỉ có họ biết được. Thế thì, những cái vấn đề đó, nếu như trong các xã hội, tạm gọi là tranh luận cởi mở, phân tích cởi mở, thông tin cởi mở, đưa ra và tranh luận nhanh chóng, thì tôi tin rằng nó có cái chỗ để mà sự thực được phơi bày. Ví dụ : nếu ai có khả năng nhìn được những cảnh vật mà người khác không thể nhìn được, hoặc nghe được những tiếng nói mà người khác không nghe được, thì bên sức khỏe tâm trí chúng tôi, trước hết phải xem rằng sức khỏe tâm trí của người đó có bình thường hay không. Bởi vì bình thường đại đa số dân chúng không có những khả năng như thế. Nếu như nó tồn tại thì có nghĩa là nó vượt ra ngoài phạm vi của sức khỏe tâm trí thông thường, thì như thế chúng ta phải đánh giá. Như thế, nếu như trong một sự cởi mở thông tin, thì các nhà khoa học có thể đi vào đánh giá xem, trường hợp này hoàn toàn là trường hợp sức khỏe tâm trí bình thường, là đúng có khả năng thực tế như thế, hay đây là một trường hợp bất thường về sức khỏe tâm trí. Bởi vì trong nhóm bệnh sức khỏe tâm trí, có nhóm loạn thần (nhóm psychotic), trong đó các dấu hiệu ảo thanh, ảo giác, là một trong các dấu hiệu đặc trưng để chẩn đoán là bệnh. Thế thì, thay cho việc, trước khi chúng ta ra một lệnh cấm đoán, tất cả những trường hợp này phải được đánh giá bởi một đội ngũ khoa học chuyên về sức khỏe tâm trí. Chỉ trong một môi trường mà khoa học được nhìn nhận như một động lực để phát triển nhận thức của con người về các hiện tượng xung quanh, cả hiện tượng tự nhiên và hiện tượng xã hội, thì trong trường hợp đó, chúng ta mới chống lại được cái mà người ta gọi là « mê tín dị đoan ». Chính vì thế quan điểm của tôi đứng về mặt sức khỏe tâm trí, tôi cho rằng về hiện tượng lên đồng, cần phải có đánh giá khoa học về sức khỏe tâm trí của những người tiến hành thực hiện các hoạt động lên đồng, kể cả những người tin vào đó rất thành thực. RFI : Thưa anh, hiện nay ở Việt Nam, chắc là về việc nghiên cứu đại trà về vấn đề như anh nói thì chưa có, nhưng với những nghiên cứu trường hợp và các quan sát trực tiếp, thì liệu anh có thể đưa ra được một số đánh giá bước đầu về vấn đề này, tức là ảnh hưởng của văn hóa lên đồng, tín ngưỡng của những người lên đồng đến sức khỏe tâm trí, hay sức khỏe tâm thần của các bộ phận dân cư có thể quan sát được, có được không ạ ? Trần Tuấn : Về vấn đề này, hiện tượng này, có rất nhiều các bài viết khác nhau. Anh biết là ở một đất nước có hậu quả chiến tranh như chúng ta, trong đó có rất nhiều người hy sinh, thì một trong những hiện tượng phổ biến là tìm mộ, rồi là nghe để nhận biết được, tiếp xúc được với « người cõi âm ». Chúng ta biết rằng có nhiều tài liệu xác định rằng về mặt khoa học chứng minh rằng điều đó là có thực, về tâm linh và giác quan thứ sáu v.v. Nhưng có một bài viết mà tôi cho rằng rất tốt, khách quan. Đó là bài viết của kỹ sư Đỗ Kiên Cường, cách đây khoảng 3, 4 năm. Tôi có ấn tượng là bài viết rất rõ. Để nói rằng, cho đến nay những bằng chứng khoa học về việc tìm mộ và những khả năng đặc biệt chưa được khoa học xác định. Thế cho nên tôi vẫn đề nghị như thế này, các hiện tượng lên đồng, tìm mộ, và một số hiện tượng loanh quanh khác, trong cái lĩnh vực tranh tối tranh sáng, giữa cái gọi là « tâm linh », « giác quan thứ sáu » và cả cái gọi là « mê tín dị đoan », cần phải có các nhà khoa học vào cuộc. Nếu khoa học không đứng vào để giải thích, thì nó sẽ tạo cho người dân sự chấp nhận. Cái chấp nhận đó là để cho người ta có niềm tin. Người ta cho rằng, khoa học chưa giải thích nổi, nhưng nó tồn tại thực. Cái chính là người ta cho rằng : đấy là cái có thực mà khoa học chưa giải thích nổi, vì khả năng hạn chế của khoa học. Đối với người dân hiện nay, thì người ta coi như cứ theo một hiện tượng mà chúng ta gọi là « theo nhau ». Ví dụ như trong dân, từ trước đến nay, cứ cái gì báo chí của Đảng đưa ra, cái gì Tivi nói, là cái đấy đúng. Một cách chấp nhận như thế thì nó sẽ dẫn đến một hiện tượng là một người nào đó nói rằng, người thân của mình nói rằng đã nhìn thấy cái này, đã tin vào cái này, thì tức khắc là người ta cũng tin. Thì đấy là hiện tượng mà chúng tôi gọi là « bầy đàn », sẽ là cái đất rất tốt cho cái gọi là « mê tín dị đoan ». Bởi vì « mê tín dị đoan » là cái đưa người dân vào những cái mạch, những cái hướng, mà những người có chủ định đó họ bầy đặt ra với mục đích kiếm lợi. Còn nếu là một sinh hoạt tinh thần đơn thuần, một sinh hoạt văn hóa tâm linh, thì cái đấy là điều cần thiết cho sự phát triển tôi gọi là « lành mạnh » của đời sống sức khỏe tinh thần. Nhưng mà nếu nó trở thành « mê tín dị đoan », thì điều đó rất nên cấm, bởi vì nó tốn thời gian, tốn sức lực, và nó thậm chí đưa đến chỗ, người dân căn cứ vào đó để đưa ra các quyết định, hành động xã hội không đúng với thực tế. RFI : Như anh nói, « mê tín dị đoan » là cái sống bám vào nhiều truyền thống, mà không được cái nhận thức duy lý thẩm định và những cái đó sở dĩ nó phát triển được rất nhiều hiện nay mà không được kiểm soát, chính là bởi các nhà khoa học tại Việt Nam chưa tiến hành được những nghiên cứu « thực sự » hay chưa thiết kế được các nghiên cứu dựa trên các bằng chứng khách quan, và như vậy, đã để lại mảnh đất tốt cho những gì gọi là « mê tín dị đoan » phát triển, ý anh có đúng như thế không ạ ? Trần Tuấn : Cái mảnh đất « mê tín dị đoan » phát triển, nó có hai vấn đề. Một là khi khoa học không phát triển, chúng ta thấy càng đi ngược về xa xưa, cái « mê tín dị đoan » càng phát triển. Điểm thứ hai nữa là khi con người ta sống trong môi trường bất định. Còn nếu trong môi trường mà yếu tố bất định ít thôi, người ta tự tin đối với cuộc sống, lạc quan với cuộc sống thì không dễ gì « mê tín dị đoan » có thể dẫn dắt người ta đi được. Tôi cho rằng, đối với đất nước chúng ta hiện nay, thì phải nói hẳn rằng là cái mảng nghiên cứu về lĩnh vực này còn chưa phát triển mạnh. Nhìn chung trong các khoa học xã hội, và các ngành chuyên về cái gọi là khoa học tâm linh, năng lực nghiên cứu của chúng ta chưa phát triển mạnh. Muốn có năng lực tốt, thì trước hết phải có những con người đam mê với lĩnh vực đó, họ phải thích đi tìm hiểu sự thật. Điểm thứ hai nữa là phải có một môi trường để họ chia sẻ vấn đề này. Cái môi trường để họ chia sẻ vấn đề này là các báo chuyên môn. Bởi vì chỉ trong báo chuyên môn, người ta mới có thể viết kỹ được về mặt phương pháp, về các thông tin thu thập, phê phán đánh giá về vấn đề đó. Chứ còn trên báo chí thông thường hiện nay, thì khi mình nói, mình viết, mình nói để số đông chấp nhận được, thì mình ít có khả năng đi sâu về mặt chuyên môn, cho nên về cái độ khoa học cũng chỉ có mức độ thôi. Tôi cho rằng muốn khoa học phát triển được, bên cạnh những con người say mê những vấn đề này, thúc đẩy họ đi vào, họ say mê tìm tòi, và họ có những điều kiện để họ làm, thì một trong những cái nữa là có được các môi trường để khi những cái nghiên cứu này được đưa ra, đưa lên các tạp chí chuyên ngành và sau đó nổ ra được các cuộc tranh luận, cuộc phê phán, đi tìm sự thật về chuyện đó. Tôi cho rằng các chuyện lên đồng, chuyện tìm mộ, v.v. đều rất có thể trở thành những đề tài nghiên cứu khoa học rất là lý thú. Và nó cần phải có những chương trình nghiên cứu. Thế nhưng cho đến nay, tôi thấy rằng các nhà khoa học chưa thỏa mãn được các vấn đề nghiên cứu đưa ra, có rất nhiều điều kiện làm hạn chế họ. Còn lại trên báo chí hiện nay, thì có rất nhiều nguồn thông tin viết, trên mạng internet nữa cũng vậy, thành ra rất khó có kiểm chứng cho người dân. Chỉ trừ một số nào đã được đi qua các phương pháp học, nghĩa là có những kinh nghiệm nhất định, thì lúc đó nhìn nhận mới có phê phán. Chứ còn lại, người dân cũng không có khả năng phê phán một cách, chúng tôi gọi là « khách quan », để tạo cho mình một niềm tin đúng mức. Tóm lại, khi mà khoa học chưa phát triển, thì nó là mảnh đất tốt cho hiện tượng « mê tín dị đoan » phát triển. RFI : Vâng, thưa anh, cái câu hỏi cuối cùng để trở về cái thực tế của Việt Nam hiện nay. Từ khoảng hơn mười năm nay, có nhiều người đam mê nghiên cứu các hiện tượng gọi là tâm linh, các hiện tượng khả năng đặc biệt này. Cũng có những trung tâm nghiên cứu, hay cũng có những xuất bản về vấn đề này, thì anh đánh giá như thế nào về các sản phẩm đó ? Trần Tuấn : Thực ra tôi chưa có dịp ngồi dự các báo cáo khoa học trình bày về vấn đề này. Nhưng chúng ta biết rằng vấn đề về khoa học tâm linh, về lên đồng, không chỉ có ở Việt Nam. Ở Việt Nam chúng ta các nghiên cứu này chưa đạt được mức độ khoa học cần thiết. Tôi chỉ đọc lại một số bài người ta viết. Ví dụ như một số bài viết của Trung tâm Tiềm năng Con người. Tôi không thấy các bài viết trong đó đủ độ tin cậy. Khi mà họ trích dẫn, người này, người kia, người ở cấp cao này đã từng tin như thế này, nói thế này, người thân với người cấp cao nói như thế này. Đứng trước khoa học thì người cấp cao, hay người cấp thấp, hay là người nước ngoài, hay người nước trong không là cái chính. Cái điểm quan trọng của vấn đề đó là mức độ khách quan của thông tin đến đâu, các sai số nào đã được kiểm soát và cái cách thức nào để kiểm soát được các sai số đó. Chỉ khi nào chúng ta thiết kế một cách khoa học, đưa ra cho dân chúng cùng phê phán, cùng phân tích. Bởi vì, khi anh đưa ra phân tích, phê phán như thế thì người ta mới nhìn được các góc độ khác nhau như thế, thì quá trình đó là quá trình giáo dục người dân. Những quá trình tranh luận đó, thực chất là quá trình giáo dục, lợi cho tất cả các bên, không bên nào thắng, bên nào thua, trong khi đó sự thật lại được bộc lộ ra thông qua những chuyện đó. Cần phải có các nghiên cứu, cần phải đưa ra các cuộc tranh luận, cần phải đưa ra các tạp chí chuyên ngành, sau đó các kết quả cần được đẩy ra lên phương tiện thông tin đại chúng cho những người quan tâm. Quá trình phân tích đó là quá trình tất cả các bên cùng nhận ra vấn đề, hay là sự thật của vấn đề lên đồng được bộc lộ ra, cái giá trị của lên đồng kể cả về mặt văn hóa, mặt xã hội, về mặt tâm linh, về mặt sức khỏe, nó sẽ được bộc lộ ra cho chúng ta. Và khi nó được bộc lộ ra như thế, thì từng mỗi con người một, từ nhà quản lý, hay từ người dân, cho đến các nhà khoa học, họ sẽ rút ra cái bài học cho mình, và như thế nó sẽ cho xã hội cái nhìn nhận chân thực, trả lại giá trị thực của vấn đề lên đồng và vấn đề làm thế nào để quản lý lên đồng, có nên quản lý hay không ? Mời xem clip video một buổi lễ lên đồng giá Tam Tòa Thánh Mẫu và giá Đức Ông Đệ Tam Trần Triều Đông Hải Hưng Nhượng Đại Vương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét