Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Tìm hiểu cấu trúc căn bản nơi 1 ca khúc trong Tân Nhạc

Chương trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện xin kính chào quý vị! Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau thử tìm hiểu về cấu trúc căn bản của một bài hát phổ thông trong Tân Nhạc để qua đó quý vị có thể so sánh rồi đánh giá được cung cách sáng tác ca khúc xưa và nay! Mời nghe bài viết trên đài VOA. Quý vị thân mến, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau thử tìm hiểu về cấu trúc căn bản của một bài hát phổ thông trong Tân Nhạc để qua đó quý vị có thể so sánh rồi đánh giá được cung cách sáng tác ca khúc xưa và nay! Và cũng xin thưa ngay là chúng tôi sẽ tránh sử dụng các loại thuật ngữ chuyên môn về nhạc để những vị nào quan tâm đến đề tài này nhưng không chuyên cứu về nhạc thì chúng tôi vẫn truyền đạt được một số ý chính muốn trình bày! Trước hết chúng ta cùng nhau coi xem viết một bài hát thì nó khác so với việc viết một bài thơ như thế nào. Ta không so sánh việc viết một ca khúc với một bài văn vì văn với nhạc không gần nhau bằng nhạc với thơ, tuy cả ba thứ đó đều có một điểm chung nhất về mặt đề tài và cách thể hiện, tức người đọc, ở chỗ là người nghe người ta trước hết muốn biết đích xác xem tác giả họ muốn nói cái gì, rồi kế đó là điều muốn nói ra đấy nó hay dở ra sao! Một bài thơ và một bài hát có những nét rất gần gũi với nhau. Biết bao bài hát được người đời nhớ đến trong Tân Nhạc từ xưa đến giờ không gì khác hơn là những bài thơ có giá trị được các nhạc sĩ tài hoa người ta lồng vào đấy những nét nhạc khiến những bài thơ ấy đang nằm yên giữa những trang sách thì lại như được chắp cánh bay bổng ra khắp các đường phố ngõ ngách. Cũng lại có những bài hát mà tác giả của chúng viết lên được những lời ca óng chuốt chẳng khác gì những vần thơ. Một bài thơ có câu có cú, có vần có điệu thì một bài hát, dưới những hình thức tuy có khác đi đôi chút, nhưng cũng có câu có cú đâu vào đấy để giải quyết một yêu cầu đặc biệt chủ chốt đối với nó là làm thế nào cho người ta có thể dễ nhớ, dễ thuộc để mà hát hoặc để sau khi nghe rồi thì nó mới có thể đọng lại được trong tâm trí mình. Thơ Kiều hàng mấy nghìn câu mà người đời vẫn nhớ được những đoạn thật dài là bởi cấu trúc của thể thơ Lục Bát, cách gieo vần của nó, giúp người ta nhớ được như thế! Nhưng nếu thơ có thể loại gọi là “thơ tự do” thì những bài hát lại không thể có loại bài hát làm theo kiểu tự do muốn làm ra sao đấy thì làm! Hay nói như thế này cho chính xác hơn: Muốn làm một bài hát theo kiểu tự do, bất cần quy tắc khuôn phép gì thì cũng được đấy, thế nhưng ai làm xong thì tự mình lo liệu mà hát lấy hoặc tập luyện cho một vài cá nhân nào đấy hát, chứ còn tính chuyện đưa một tác phẩm kiểu như thế đến với đại chúng rồi hy vọng là nó sẽ sống còn thì ấy là chuyện không tưởng! Là bởi ta có lập dị mà viết một bài thơ với số câu bất nhất, với số dòng bất nhất, chẳng cần vần viếc gì hết, chẳng cần dấu chấm dấu phẩy gì hết thì cũng chẳng sao; bởi ai nhắm đọc được thì đọc, thích được thì thích, thế nhưng người hát một bài hát thì mỗi câu hát không thể nào kéo dài quá một làn hơi. Viết lách đã có phép chấm câu của nó thì viết một bài hát lại càng phải tôn trọng đến phép chấm câu theo kiểu của nó, vì khác với viết lách có thể chấm câu không đúng chỗ hoặc quên chấm câu, viết một bài hát mà không sắp xếp cách chấm câu được thể hiện ở những quãng nghỉ để lấy hơi cho chặt chẽ thì người hát không thể hát được. Những ca sĩ có được học hát cho đến nơi đến chốn thì đều biết là một trong những bài căn bản đầu tiên là luyện nhịp thở, luyện cách thở! Cũng vì thế mà một người không có cái tạm gọi là “chất thơ” ở trong người nhưng có học những phép căn bản về làm thơ thì hóa ra lại khó viết một bài thơ – cho dù là xoàng xĩnh – so với một người không có chất “nhạc” ở trong người nhưng biết sử dụng qua loa một nhạc cụ nào đấy và có học qua loa về “solfege” để ghi ký âm thì lại dễ sáng tác ra một bài hát hơn, cho dù là một bài hát không sống được với người đời được bao năm! Dễ hơn là bởi cứ theo hứng mà âm ư giai điệu mình ghép cho câu nhạc ra sao thì đàng nào theo phản xạ tự nhiên của lá phổi thì nó cũng tự biết đường để nghỉ lấy hơi, tức đã có biện pháp rất tự nhiên để phân câu, ngắt câu. Nếu cạnh đó lại có thiên khiếu về “nhạc cảm” trời ban cho nữa thì ta có những tác phẩm như các tác phẩm nổi tiếng của không ít nhạc sĩ thuở phôi thai của nền Tân Nhạc mà nhạc sĩ Tô Hải trong Hồi Ký của ông đã ghi lại rằng các vị ấy – xin nhắc rõ lại là một số nào đấy – hoàn toàn không có căn bản sâu rộng gì về mặt nhạc lý chứ chưa nói gì đến mặt kỹ thuật sáng tác! Sau khi đã xác định được vai trò của việc ngắt câu ở một bài hát, để từ đó sắp xếp các câu hát, thì độ dài ngắn của các câu nhạc đi liền với nhau cũng không thể tùy tiện, bởi càng tùy tiện bao nhiêu thì càng khó nhớ, khó thuộc bấy nhiêu. Không những giai điệu các câu nhạc cần có một mức độ lập đi lập lại cơ bản nào đấy mà ngay độ dài độ ngắn những câu hát cũng phải noi theo nhau như một thứ khuôn để người ta, dễ nhớ dễ thuộc! Vậy thì về mặt cấu trúc, các câu nhạc nên rập khuôn cỡ nào, tránh rập khuôn cỡ nào để người ta vẫn dễ thuộc dễ nhớ? Xin tạm ví von như thế này để ai nấy đều cùng dễ hình dung: Ta lấy 4 câu Ca dao: “Áo tứ thân em treo trên mắc” “Đêm anh nằm anh đắp lấy hơi” “Nhớ em em vẫn ở đời” “Quên em em đã ra người kiếp xưa” Hẳn quý vị cũng nhận ra thể thơ “Song Thất Lục Bát”! Đọan thơ đó vừa có cấu trúc của thể Song Thất, vừa có cấu trúc của thể Lục Bát, nhưng ghép vào với nhau nghe ra vẫn hài hòa, êm ái như thường. Nếu xưa kia người viết nên mấy câu Ca Dao đó sử dụng thể Lục Bát cho cả 4 câu thì vẫn có thể viết: “Áo em trên mắc em treo” “Đi xa anh nhớ mang theo bên người” “Nhớ em em vẫn ở đời” “Quên em em đã ra người kiếp xưa” thì cũng chả có sao cả về mặt vần điệu thế nhưng nghe vẫn đơn điệu hơn nếu như viết theo kiểu “Song Thất Lục Bát” như nơi nguyên tác, và không những thế bài Ca Dao theo nguyên tác còn có được cái ý rất thân thương và đàm thắm ở mấy chữ “Đêm anh nằm anh đắp lấy hơi”! Nơi một bài hát được coi như “cân đối” về mặt sáng tác, quý vị cũng khó thấy nó vượt ra ngoài cái mô hình thật là tổng quát như chúng tôi vừa minh họa qua mấy câu thơ vừa rồi về mặt sắp xếp những câu hát. Đến đây thì thiết tưởng quý vị đã có thể nghe những bài hát quen thuộc với một ý niệm tương đối cụ thể hơn trong cách người ta viết một bài hát. Ta hãy cùng nhau nghe một bài hát có giai điệu đẹp đẽ cũng như lời lẽ rất dung dị nhưng đầy tình cảm chân thật của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông khi xưa; bài “Về mái nhà xưa” qua giọng ca Lưu Bích. ( Trích “Về mái nhà xưa” ) Chúng ta đang cùng nhau nghe Lưu Bích hát bài “Về mái nhà xưa” của Nguyễn Văn Đông. Ta hãy cùng nhau phân tích cấu trúc của các câu hát nơi bài này: “Về đây ngơ ngác, chim bay tìm đàn”, 8 chữ tức 8 nốt nhạc, hát xong thì nghỉ 4 nhịp “Về đây hoang vắng, lạnh buốt cung đàn”, cũng 8 chữ, cũng nghỉ như câu vừa rồi “Tôi lắng nghe tâm tình nhân thế”, thay đổi số chữ tức nốt nhạc, chỉ còn 7 chữ, nghỉ 1 nhịp “Qua đáy tim chưa đọng song mê”, lập lại cấu trúc theo 7 chữ, nghỉ 1 nhịp “Qua ước mơ duyên tình đơn sơ”, lập lại cấu trúc theo 7 chữ, nghỉ 4 nhịp Và trở lại với cấu trúc về câu hát cũng như giai điệu như ở phần vào đầu bài hát: “Về đây đâu phút vui xưa xum vầy Thềm hoang thêu nắng, phượng thắm rơi đầy Anh có nghe trong lòng thu chết Bao lá khô phai nhạt hương đêm Tan tát bay phiêu bạt giữa trời quê” Sau đấy thì có một đoạn biến tấu với cấu trúc các câu hát cũng như giai điệu để tránh sự đơn điệu: “Nơi xưa quê nghèo,Nhà tranh nát tiêu điều Tình xưa khôn hàn gắn”, gồm tất cả 12 chữ tức 12 nốt nhạc, xong rồi nghỉ 4 nhịp. Rồi tiếp với: “Người đã đi rồi, người về đâu có hay Đâu vòng tay đắm say”, gồm cũng 12 chữ, xong rồi nghỉ 4 nhịp. Để lập lại cấu trúc của đoạn đầu với: “Về đây mây nước đêm thâu lạnh lùng Vườn dâu thưa lá ngại nỗi tương phùng Em ái yêu trong chiều Đông giá Mang áo xanh theo chồng sang sông Quên mái tranh, quên con đò xưa” Đây là một hình thức cấu trúc cho ca khúc rất phổ biến trong Tân Nhạc Việt Nam. Nhưng vấn đề tất nhiên không ở mặt cấu trúc, ở cách ghép câu hát. Đói với một bài hát thì cái hay cái đẹp của nó bao giờ cũng nằm nơi giai điệu. Bài “Về mái nhà xưa” thuở nay được nhiều người biết đến là bởi cấu trúc bài hát tuy đơn giản như thế, nhưng giai điệu của hàng trăm bài hát khác tuy cũng có cấu trúc như thế nhưng giai điệu lại không được như thế! Trong Tân Nhạc, ngoài những bài hát có cấu trúc phổ biến kiểu như vừa nêu về mặt giai điệu thì cũng lại có những bài hát mà cách thể hiện giai điệu còn đặc sắc hơn một bực nữa là ở chỗ không có bất cứ một sự lập lại nào từ đầu đến đuôi! Chả khác gì một bài thơ nhưng được nói lên bằng tiếng nhạc. Trong âm nhạc cổ điển Tây Phương có một bản nhạc nổi tiếng mà thế hệ yêu nhạc khi xưa rất quen tai là bài “Sérénade” của Franz Schubert. Bản nhạc này là loại có phong cách mà tác giả của nó coi như một hình thức “ca khúc nghệ thuật” – dịch theo tiếng Anh là “art song” – tuy ca khúc đặc sắc nào mà chẳng mang tình nghệ thuật, thế nhưng ông Franz Schubert gọi nó như thế bởi ông coi đấy như một hình thái khúc không có những đoạn lập lại như những ca khúc thông thường, mà thay vào đó thì nguồn cảm hứng của người nhạc sĩ cứ rải ra chẳng khác gì như khi người ta làm thơ! Tân Nhạc Việt Nam có một số bài mang săc thái như thế. Bài cũ kỹ nhất là bài “Làng tôi” của Chung Quân vào thời cuối thập niên 40 mà chúng tôi xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe sau đây qua giọng ca Quang Linh! ( Trích “Làng tôi” ) Qúy thính giả thân mến! Ta vừa cùng nhau nghe bài hát “Làng tôi” của Chung Quân qua giọng ca Quang Linh. Bài hát này cũng đã kết thúc chương trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện buổi nay; xin gửi đến quý vị lời chào thân ái và xin hẹn nhau lại đến tuần sau! Theo VOA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét