Trang

Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

Nghe đọc truyện "Ai Làm Ðược" (1912 / 1922) của Hồ Biểu Chánh



Hồ Biểu Chánh bỏ hết những dư thừa trong lời nói, chỉ giữ lại những gì cốt yếu. Ông mô tả những chi tiết mà các tác giả trước ông không chú ý tới. Nói cách khác, Hồ Biểu Chánh mô tả một khung cảnh hiện thực, một con người hiện thực đang đứng trước mắt ta, người ấy ăn mặc như thế nào, nói năng ra làm sao. Trong khi các tác giả trước chỉ đưa ra một hình bóng từ chương qua lời văn biền ngẫu, kiểu «tuổi mới trăng tròn», «hình dung yểu điệu », «bá mị thiên kiều» ... Hồ Biểu Chánh là người đã khai sinh ra tiểu thuyết hiện thực ở Việt nam. 

Bình luận của Thụy Khuê
 
"Ai làm được" của Hồ Biểu Chánh - tiểu thuyết hiện thực đầu tiên của Việt Nam



Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Hồ Biểu Chánh nhan đề Ai làm được viết năm 1912 tại Cà Mau, nhưng mãi đến 1922, mới được ông sửa lại và in tại Sàigòn. Về bước đầu này, ông kể lại như sau: « Đổi xuống làm việc tại Cà Mau, mới thử viết quyển «Ai làm được» là quyển tiểu thuyết thứ nhứt viết văn xuôi tại Cà Mau với nhơn vật cũng ở Cà Mau. Đổi lên Long Xuyên năm sau [tức là năm 1913] viết quyển thứ nhì, cũng văn xuôi, nhan đề «Chúa tàu Kim Quy», phỏng theo quyển Le Comte de Monte-Cristo của Alexandre Dumas, viết điệu phiêu lưu, nghĩ có lẽ hấp dẫn hơn.» (trích hồi ức Đời của tôi về văn nghệ, bản đánh máy).

Vì sao Hồ Biểu Chánh ngừng viết trong chín năm? Ông cho biết lý do: « Kế thế giới chiến tranh thứ nhứt bùng nổ, công việc đa đoan, không viết tiểu thuyết được nữa... chỉ viết mấy hài kịch nho nhỏ cho mấy thầy hát đặng kiếm tiền giúp cho chiến sĩ Việt Nam ngoài mặt trận Âu Châu. Năm 1917 làm «Đại Việt tạp chí» ở Long Xuyên. Năm 1918, dời về Gia Định, phụ bút cho mấy tờ báo Quốc Dân Diễn Đàn, Nông Cổ Mín Đàm, Công Luận Báo, Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Pháp Thời Báo. Năm 1922, vì kiểm duyệt gắt gao, nghĩ viết báo vô ích, mới bỏ mà chấn chỉnh lại 2 quyển tiểu thuyết viết hồi 1912 tại Cà Mau và 1913 tại Long Xuyên, cho xuất bản và viết thêm 8 quyển mới nữa. Từ năm 1927 tới 1932 làm chủ quận Càng Long, viết thêm 8 quyển mới nữa, cộng trước sau dưới 18 quyển». (trích hồi ức Đời của tôi về văn nghệ, bản đánh máy). Như vậy, Hồ Biểu Chánh đã ghi rõ: Ai làm được là tác phẫm đầu tiên do ông sáng tác, năm 1912 và Chúa tàu Kim Quy do ông cảm tác, năm 1913, nhưng mãi đến 1922 ông mới «chấn chỉnh» lại để in.

Thanh Lãng khi đọc Ai làm được thấy cốt truyện có hơi giống André Cornélis của Paul Bourget. Vậy sự giống này chỉ là tình cờ mà thôi. Bởi nếu là cảm tác thì Hồ Biểu Chánh đã nói rõ. Ngoài ra, trong danh sách 12 tác phẩm cảm tác, không thấy ông ghi Ai làm được. Nhưng có một khó khăn về văn bản, như Thanh Lãng đã nêu ra: ngày nay chúng ta chỉ còn bản in năm 1922, không biết được bản gốc viết năm 1912. Vì vậy không rõ Hồ Biểu Chánh đã «chấn chỉnh» tác phẩm như thế nào, cho nên không thể biết được trong chín năm kỹ thuật tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh có thay đổi gì không? Nhưng nếu căn cứ vào những tác phẩm sau này, thì có thể nói, về cách viết, cách dựng truyện, cách mô tả hiện thực, trong gần 50 năm, Hồ Biểu Chánh không thay đổi. Ông chỉ đổi đề tài, đổi thể loại từ xã hội, lịch sử đến phiêu lưu, trinh thám, trong những bối cảnh khác nhau của vùng Lục tỉnh Nam kỳ.

Vì vậy, có thể xác định năm sinh của tác phẩm Ai làm được là 1912. Như thế, 1912 cũng là năm ra đời cuốn tiểu thuyết quốc ngữ hư cấu đầu tiên của Việt Nam, viết theo lối Tây phương : Ai làm được. Đọc Ai làm được điểm đáng chú ý đầu tiên nằm trong cái tựa, đó là một câu hỏi : Ai làm được. Tác giả lôi cuốn ta vào vòng bí mật, với một câu chưa kết thúc, một nghi vấn chưa đặt ra, một thách thức, nôm na và cụt ngủn. Lối viết như thế, trong tiếng Việt, thời đó, chưa có. Chưa ai viết một câu có cấu trúc nước đôi, nước ba như thế. Hồ Biểu Chánh là một nhà nho. Tư tưởng chủ yếu bao trùm toàn bộ tác phẩm của ông là trọng nghĩa khinh tài của đạo nho và từ bi hỉ xả của đạo Phật. Nhưng ông còn là học sinh trường Pháp Chasseloup-Laubat nữa. Vì vậy, tiểu thuyết của ông mang hình thức Tây phương trong tâm hồn Đông phương. Chính cái dấu ấn Tây phương trong ngôn ngữ và cách mô tả ấy, đã tạo sự khác biệt và chứng tỏ ông là tiểu thuyết gia đã Việt hoá những phương pháp tiểu thuyết của Tây phương sớm nhất, và thành công nhất. Sớm và thành công hơn tất cả những người cùng thời với ông, trong Nam cũng như ngoài Bắc.

Cái mới của tiểu thuyết Tây phương mà ông đem vào, trước tiên là cách viết và cách mô tả, Hồ Biểu Chánh vào truyện như sau: «Ông Bạch Khiếu Nhàn tuổi đã quá lục tuần mà sức hãy còn mạnh khoẻ. Từ khi con gái ông bất hạnh, tủi phận thon von nên ít muốn đi chơi, cứ lui cui ở nhà hoặc sửa kiểng xem hoa, hoặc uống trà đọc sách (...) Mặt trời chen lặn, gió càng thêm mát mẻ, Khiếu Nhàn đi lần tới quán cơm chú Lỳ, tuy chưa mỏi chơn, song ông khát nước. Chú Lỳ ngó thấy ông lật đật chào mừng và mời ông vào quán nước. Khiếu Nhàn bước vào kéo ghế mà ngồi, ngó quanh ngó quất không thấy khách ăn uống» (trích Ai làm được, trang 3). Không cần phải dài dòng biện luận về cái mới cái cũ, chỉ cần nhớ lại văn phong «Lần hồi ngày lụn tháng qua» của Nguyễn Chánh Sắt, hoặc «Những khi trăng tà giăng xế» của Hoàng Ngọc Phách, là ta thấy ngay sự khác biệt. Cụ thể hơn, những khác biệt ấy là gì?

Thứ nhất : Hồ Biểu Chánh bỏ hết những dư thừa trong lời nói, chỉ giữ lại những gì không thể bỏ được. Thứ hai : Ông mô tả tất cả những chi tiết mà những người thuật truyện trước ông, không chú ý tới. Nói cách khác, Hồ Biểu Chánh mô tả một khung cảnh hiện thực, một con người hiện thực đang đứng trước mắt ta, người ấy ăn mặc như thế nào, nói năng ra làm sao. Trong khi các tác giả khác chỉ đưa ra một hình bóng từ chương qua văn chương biền ngẫu, kiểu «tuổi mới trăng tròn», «hình dung yểu điệu », «bá mị thiên kiều» v.v... Hồ Biểu Chánh là người đã khai sinh ra tiểu thuyết hiện thực ở nước ta là một xác định có cơ sở. Trở lại câu hỏi : Ai làm được. Ai làm được cái gì ? Thì câu trả lời từ tác phẩm vọng lên, sẽ có thể là : Ai làm được như Khiếu Nhàn ? Ai làm được như Bạch Tuyết ? Ai làm được như Chí Đại ? Ai làm được như bà Phủ ? Bởi mỗi nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này đều có những thách đố về thân phận và về cách giải quyết các vấn đề. Với cuốn tiểu thuyết đầu tay, tác giả đã trình bày triết lý Trọng nghiã khinh tài của mình và ông đã đi theo quan niệm ấy trong suốt hành trình văn học: truyện của ông luôn luôn phân biệt chính tà và kết có hậu: chính thắng tà thua. Khiếu Nhàn, Bạch Tuyết, Chí Đại là mẫu người tốt. Ông Phủ, bà Phủ, nhất là bà Phủ thuộc loại người chẳng ra gì, thậm chí là một kẻ sát nhân. Cả hai loại người này đều được đẩy đến cùng trong những đối chất của hoàn cảnh. Người nhân hậu như Khiếu Nhàn, lúc nào cũng sẵn sàng tha thứ. Người tàn ác như bà Phủ không bỏ một dịp nào để thi hành độc thủ. Người quyết tâm trả thù cho mẹ như Bạch Tuyết luôn luôn tìm mọi cách để lật mặt thủ phạm đã giết mẹ mình dù có phải sống cuộc đời ba chìm bẩy nổi.

Tính chất đơn giản trong tâm lý nhân vật, ở đây, vừa gắn bó với thời kỳ phôi thai của tiểu thuyết, vừa hợp với tâm lý người bình dân, nhưng không phải vì thế mà không có tác dụng cho sự khảo sát xã hội đương thời : cá tính độc lập, tự do và dấn thân của người phụ nữ ở trong Nam được nhấn mạnh qua những nhân vật như Bạch Tuyết trong Ai làm được, như Phi Phụng trong Nhơn tình ấm lạnh, như Đoàn Thu Vân trong Chút phận linh đinh, như Yến Tuyết trong Tỉnh mộng, Bạch Yến trong Từ hôn... Mỗi người đều chịu một hoàn cành khắc bạc, nhưng đều tìm cách đứng lên, đối chọi, để tìm lối thoát. Tính chất độc lập, tự do và dấn thân này đã đưa những nhân vật nữ của Hồ Biểu Chánh phần lớn là những cô gái con nhà, ra khỏi quỹ đạo kín cổng cao tường. Khác hẳn với những nhân vật trong tiểu thuyết Bắc của Hoàng Ngọc Phách hay sau này của Tự Lực văn đoàn. Những nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, mặc dù bị sự kiềm toả của một nền luân lý nho phong, nhưng nhiều người đã vượt vòng lễ giáo, tự ý lấy người mình yêu, chứng tỏ những năm đầu thế kỷ XX, người phụ nữ trong Nam đã Âu hoá hơn người phụ nữ ngoài Bắc. Hồ Biểu Chánh còn đưa ra những mẫu người phụ nữ ỷ giàu ăn hiếp chồng, chửi chồng, như trong truyện Thày thông ngôn. Một mô típ rất hiếm trong tiểu thuyết Bắc.

Ngoài ra, trong giai cấp trưởng giả ở miền Nam, vợ chồng khi xung đột, có thể mày tao thẳng thừng và nếu cần có thể đi đến thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Ngược lại, trong xã hội Bắc, thường là chồng đánh vợ và người vợ luôn luôn nhịn nhục, trừ trường hợp hạn hữu trong một vài truyện ngắn của Tô Hoài hay Nam Cao. Hồ Biểu Chánh sáng tạo ra một thứ «tổ hợp đối lập» các giá trị, thiết lập quan hệ xung đột giữa những cặp phạm trù: giàu-nghèo, tốt-xấu, may-rủi, đẹp-xấu, v.v... Tính bi kịch trong tiểu thuyết của ông luôn luôn mạnh mẽ, nhưng không bi thảm. Tinh thần tiểu thuyết của ông gắn liền với khát vọng thoát ly, phiêu lãng dưới đủ mọi hình thức, như Bạch Tuyết trong Ai làm được, Thủ Nghiã trong Chúa tàu Kim Quy, Lê Hiển Vinh và Đoàn Thu Vân trong Chút phận linh đinh, Tất Đắc trong Từ hôn...

Những yếu tố đó nhắc nhở lý do tại sao Hồ Biểu Chánh viết tiểu thuyết, ông viết chỉ vì «kiểm duyệt gắt gao - nghĩ viết báo vô ích». Điều đó cũng giải thích lý do: tại sao trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh không có các yếu tố thời sự hoặc chính trị như một số người đã đặt câu hỏi. Sự đàn áp tư tưởng dưới thời Pháp thuộc được Hồ Biểu Chánh thể hiện trong vô thức thoát ly, phiêu lưu của các nhân vật, và thường sau mỗi thoát ly, trở về, họ sống hạnh phúc trong cuộc đời còn lại. Trái ngược với những nhân vật trong tiểu thuyết Bắc của Hoàng Ngọc Phách, của Khái Hưng, Nhất Linh, dù muốn thoát ly nhưng không thể thoát ly được, những cố gắng của họ, thường đưa đến cái chết hoặc án mạng. Điều này một phần do tính lạc quan của Hồ Biểu Chánh, nhưng cũng phản ảnh thực tại xã hội miền Bắc có quy định xã hội gò bó hơn xã hội trong Nam.

Về mặt ngôn ngữ tiểu thuyết, không những người đọc tìm thấy ở Hồ Biểu Chánh một thứ văn nói, khác hẳn thứ văn viết theo khuynh hướng Bắc, mà ông còn là nhà văn tả chân đầu tiên của Việt Nam. Hãy xem ông tả một vài nhân vật, với một số ngôn từ hoàn toàn mới lạ đối với độc giả Bắc : « Cách một hồi, Tú Phan trở ra mình mặc một cái áo tố xanh, bộng thêu chỉ bạc, lót lãnh màu hường, trong lại mặc thêm áo trắng dài, bâu ủi cứng mà nút lại cài chặt, nên cổ day qua day lại coi không được thong thả, quần nhiễu Bắc thảo mới may chưa mặc lần nào, mà bởi tại không ủi nên có mấy lằn ngang coi không được thẳng thắn. Giầy bót chinh vàng cũng còn mới chưa mang lần nào nên đi trên gạch bông muốn trợt lại kêu tiếng trèo treo. Khăn đen bịt thật khéo, song vì lớp nhiều quá nên chần vần một đống trên đầu coi không được thanh bai cho lắm» (Nhơn tình ấm lạnh, 1925, trang 20) « Hội đồng Yên bịt khăn đen, mặc áo sa ten lót màu trứng diệt mặc quần Châu xá trắng, đi giày bót chinh đen đi trước, còn Thủ Thiệp mặc bộ đồ Tây nỉ xám mỏng, trong áo lá cũng nỉ xám, ngực lòi áo lót mồ hôi trắng có thêu bông nho nhỏ, bâu áo cứng mà lại láng ngời, cổ thắt nơ đen, đầu đội nón rơm, chân mang giày su-đê lòi vớ lụa mầu tím thủng thẳng đi theo sau » (Nhơn tình ấm lạnh, trang 22).

Tiên phong trong lối văn tả chân và làm hình nổi, trước Hồ Biểu Chánh chưa ai viết những câu như: «Thằng nhỏ vỗ trên lưng con chó vài cái rồi đi lại chỗ khạp nước để trước cửa đứng mà kêu heo: «Quắn, quắn ột! Quắn ột, ột, ột... Con heo núc ních đi lại, thằng nhỏ mới lấy gáo múc nước trong khạp xối mà kỳ rửa bùn đất sạch sẽ rồi lùa vô nhà». (Cay đắng mùi đời, 1923, trang 7) Những âm thanh và động tác của con chó, con heo, lần đầu tiên được đưa vào tiểu thuyết. Hồ Biểu Chánh phát huy lối văn trực tiếp mà Trương Vĩnh Ký đã khai trương. Lối văn trực tiếp này biểu lộ tâm tình cởi mở, trực tính của người miền Nam, dưới hình thức có gì thì nói phứt ra cho rồi. Lối văn trực tiếp này, đối chất với lối văn gián tiếp, có văn chương của người Trung và người Bắc. Không phải là Hồ Biểu Chánh không có khả năng viết văn «có văn». Ông giao hoà giữa hai lối văn trực tiếp và gián tiếp, nói cách khác, ông thường viết văn «không có văn» nhưng khi cần, ông vẫn có thể viết văn «có văn», nghiã là vừa bình dân vừa bác học, trong cùng một tác phẩm, đặc biệt trong các truyện dài cảm tác.

Dường như mỗi tiểu thuyết gia có một nỗi ám ảnh lớn, từ đó khởi điểm nhân sinh quan của họ, và xây dựng cái nhìn của họ trong tiểu thuyết. Nếu đúng như vậy thì nỗi ám ảnh thứ nhất của Hồ Biểu Chánh về con người là Tiền. Tiền làm cho con người tha hoá. Tiền là đầu mối thương đau, là sự trầm luân của con người. Cũng từ mối ám ảnh đó nhà văn phóng bút thảo ra những hoạt cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX mà tiền như một phương tiện sống, và như một phương tiện khuynh đảo cuộc sống, cản lực của hạnh phúc, cản lực của nhân phẩm, cản lực của nghĩa tình. Chủ đề chính trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh là sự hủy hoại nhân phẩm của đồng tiền. Tiểu thuyết Tiền bạc, bạc tiền là cao đỉnh. Tác phẩm mô tả cơ cấu tâm lý xã hội dựa trên sự hám danh, háo lợi mà gia đình Trần Bá Vạn vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của mọi thủ đoạn tranh chức hội đồng Quản hạt. Những việc mua chức bán quan gả vợ gả chồng môn đăng hộ đối trong xã hội miền Nam hồi đầu thế kỷ XX được Hồ Biểu Chánh mổ xẻ, phô bày trong tiểu thuyết cặn kẽ và đa diện. Ông có một địa bàn sâu về các giai tầng xã hội và rộng về mặt địa lý vùng Lục tỉnh Nam kỳ, cho nên ông nắm rõ đời sống xã hội và tâm tình ngưòi Việt, phương Nam. Cùng một cảnh xung đột mẹ chồng nàng dâu, nhưng cảnh xung đột trong Nam không giống lối xung đột mẹ chống nàng dâu ngoài Bắc. Một mặt vì người phụ nữ trong Nam tương đối được bình đẳng hơn người phụ nữ ngoài Bắc, một mặt, họ ít phải sống chung với mẹ chồng hơn.

Tính chất di động trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh không chỉ ngừng ờ chừng mức tiếng động phát ra từ âm thanh của ngôn ngữ miền Nam mà còn cả trong sự di động của mỗi nhân vật trong trong miền đất Lục tỉnh. Điều này chứng tỏ miền Nam có một hệ thống giao thông, sông rạch và đường xá đặc biệt hơn miền Bắc, xã hội miền Nam chuyển mình nhanh hơn xã hội miền Bắc, tất cả tính chất động đó có thể nằm trong một câu văn như : « Bàn kia năm ba người ăn rồi, nên ngồi chơi, người hút thuốc, kẻ xỉa răng, nói chuyện om sòm, chửi thề vang rân, coi tự do mà lại tự đắc lắm. Phiá trong có một tốp, chừng mười mấy người, dụm nhau lại trên một bộ ván nhỏ mà đánh bài cào, đàn ông có, đàn bà có, con trai có, lời qua tiếng lại, cãi cọ inh ỏi. Chị Năm Tiền đang xới nồi cơm, chị nghe rầy lộn thì day vô, tay cầm đũa bếp mà chỉ và nói rằng : «Nè, tôi lập quán đặng buôn bán, chớ không phải lập ra cho mấy người tựu bài bạc rồi rầy lộn đa. Cha chả ! Bộ đánh bài có mua thuế hay sao mà lên chữ dữ vậy hử! Dẹp đi, nếu cãi tôi, đố khỏi tôi kêu lính bắt hết cả đám cho mà coi» (trích Ông Cử, 1935, trang 11)

Tính chất động như một quan niệm cấu trúc tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, bằng ngôn ngữ bạch thoại, bằng đối thoại đốp chát, dẫn người đọc đi từ từng lớp bình dân đến giai cấp trưởng giả; mỗi gia đình, mỗi chân dung, đều được mô tả sống động kỹ càng. Nếu hình ảnh xã hội miền Bắc nằm trong toàn bộ các tác giả Bắc qua nhiều thế hệ, từ Hoàng Ngọc Phách đến Tự Lực Văn Đoàn, từ Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, đến Nguyên Hồng, Nam Cao, vv.. thì có thể nói trong Nam, tất cả tình hình xã hội, đẳng cấp, giàu nghèo, thành thị và thôn quê đều nằm trong tay Hồ Biểu Chánh, với 64 cuốn tiểu thuyết.

Một nhà văn có thể thay mặt cho cả một dòng văn học, thì nhà văn đó phải có một tầm vóc lớn lao. Và chính cái giá trị lớn lao đó, đòi hỏi chúng ta phải chứng minh và tìm hiểu tới tận ngọn nguồn.

Tóm tắt nội dung truyện


Chuyện xảy ra ở Cà Mau năm 1894. Ông Bạch Khiếu Nhàn là người giàu có, sanh được một cô con gái và gả cho Tri phủ sở tại, nhưng sau khi sanh Bạch Tuyết cô ta lại qua đời một cách lạ lùng.

Tình cờ ông Khiếu Nhàn gặp Phan Chí Ðại từ Vĩnh Long xuống kiếm việc làm, thấy chàng là người hiếu nghĩa nên mời về ở nhà mình và xin cho chàng làm thầy ký tại dinh Tri phủ. Chí Ðại được ông phủ trọng dụng. Vợ sau của ông phủ là người tham lam. Bà ta biết nếu ông Khiếu Nhân chết thì Bạch Tuyết là người cháu duy nhứt sẽ hưởng trọn gia tài của ông, bèn nghĩ kế gả nàng cho cháu ruột của bà.

Bạch Tuyết vốn nghi ngờ dì ghẻ đã giết mẹ nàng để giựt chồng và lại thầm yêu Chí Ðại, nên không bằng lòng. Bà Phủ tìm cách nói quan Phủ đuổi Chí Ðại đi khỏi Cà Mau để chia rẽ. Trong thời gian ông ngọai đi xa, Bạch Tuyết bỏ nhà trốn theo Chí Ðại và nuôi chí báo thù cho mẹ. Bạch Tuyết gặp Chí Đại và cùng lên Sài Gòn tìm việc làm. Cuộc sống của hai người gặp nhiều khó khăn, đứa con sanh ra vì không đủ tiền mua thuốc phải chết.

Ông Khiếu Nhàn lên Sài Gòn tìm được Bạch Tuyết, đem nàng về ở với mình và ngầm giúp đở Chí Ðại. Ông cho Chí Đại đi coi việc vớt ngọc điệp ở Ấn Ðộ dương để chàng có dịp lập thân. Lúc đầu Bạch Tuyết ở với ông ngoại nhưng lo sợ dì ghẻ hại nên bỏ trốn lên Sài Gòn. Bạch Tuyết tạo dựng được cuộc sống qua ngày và giúp Băng Tâm, một cô gái quê vừa lên Sài Gòn, thoát khỏi bọn lường gạt. Sau cùng Bạch Tuyết bị ông bà phủ lên bắt về. Bà Phủ tìm cách giết Bạch Tuyết nhưng Chí Đại về kịp lúc và cứu được vợ ...

Mời các bạn xem truyện tại đây, nghe đọc truyện tại đây



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét