Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

Gotan Project khuynh đảo khuôn thước dòng nhạc tango

Trong tiếng Pháp, từ verlan có nghĩa là nói lái, dùng chữ l’envers nhưng lại đổi âm. Một cách tương tự, Gotan là cách nói đảo ngược của chữ Tango. Dòng nhạc truyền thống của người Achentina đã tìm được một luồng sinh khí mới nhờ tài soạn nhạc của Astor Piazzola. Nối bước bậc thầy, ban nhạc Pháp Gotan Project khuynh đảo các khuôn thước, hầu đưa dòng nhạc tango vào một kỷ nguyên mới. Mời nghe bài viết trên đài RFI Ra đời cách đây 10 năm, nhóm Gotan Project khá nổi tiếng ở Pháp, gồm hai thành viên sáng lập là Philippe Cohen Solal (người Pháp, sinh năm 1962) và Christoph H.Müller (người Thụy Sĩ, sinh năm 1968). Cả hai quen biết nhau tại Paris và bắt đầu làm việc chung từ năm 1995. Xuất thân từ ngành điện ảnh, tác giả Solal chuyên viết nhạc phim, và từng hợp tác với các đạo diễn tên tuổi như Bertrand Tavernier và Lars Von Trier. Còn nhạc sĩ Müller thì thiên về hoà âm phối khí. Đôi bạn khá tâm đầu ý hợp trong lãnh vực thử nghiệm tìm tòi dòng nhạc điện tử, họ lập ra hãng đĩa Ya Basta, kết hợp âm thanh electro với nhịp điệu Brazil. Vào năm 1999, cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ người Argentina Eduardo Makaroff (sinh năm 1955), cũng chuyên soạn nhạc phim, đánh dấu một sự chuyển hướng rõ rệt. Cả ba lao vào dự án Gotan Project, tận dụng nhạc khí điện tử để cách tân dòng nhạc tango. Không phải ngẫu nhiên mà bản ghi âm đầu tiên của nhóm này là bài Vuelvo al sur, một nhạc phẩm kinh điển để đời của tác giả Astor Piazzola (1921-1992), một cách để bày tỏ sự ngưỡng mộ của họ đối với bậc thầy, để tiếp tục con đường mà Piazzola đã khai phóng từ nửa thế kỷ về trước. Sinh thời, Astor Piazzola được mệnh danh là cha đẻ của dòng nhạc Tango mới (Tango Nuevo). Ông sinh tại Buenos Aires, nhưng lại theo gia đình sang New York sinh sống từ thuở ấu thơ. Thời còn nhỏ, ông đã có nhiều năng khiếu về âm nhạc, học đàn phong cầm bandoneon từ năm lên 8. Đến khi trưởng thành, ông sang Paris tầm sư học đạo, tu nghiệp trong vòng 3 năm trong lãnh vực nhạc cổ điển. Vào thời đó, thầy của ông là nhạc sư Nadia Boulanger, người đã từng gầy dựng tên tuổi của nhiều nhạc sĩ đẳng cấp quốc tế như Quincy Jones, Leonard Bernstein hay Philip Glass. Trở về Achentina, Piazzolla sáng tạo ra thể loại Tango Nuevo, cộng hưởng lối biến tấu của jazz với cách phối hợp cung bậc của bộ đàn dây, giúp cho dòng nhạc Tango đạt đến một tầm vóc mới. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người mệnh danh Astor Piazzola là kẻ đập phá khuôn phép, khuấy đảo mực thước, vì ông cởi trói các ràng buộc của dòng nhạc truyền thống, lột bỏ hết tất cả những hình ảnh rập khuôn gắn liền với vũ điệu tango. Nhiều người cho rằng, cách sáng tác phóng khoáng, lối biến tấu tự do trong nhạc của Piazzola không còn là nhạc Tango nữa. Nhưng nói như vậy thì lại quên rằng, Piazzola tuy phá cách nhịp điệu nhưng vẫn giữ cái hồn của tango. Phải nghe Vuelvo al sur để hiểu được nỗi niềm của một kẻ tha hương, dạo khúc Balada para mi muerte là một lời trăng trối về thân phận con người, suốt đời thăng trầm, trọn kiếp nổi trôi. Hầu hết các nghệ sĩ sau đó thuộc dòng nhạc Tango mới đều đi theo trường phái của Piazzolla. Từ nhạc sĩ Gerry Mulligan của Mỹ cho đến Richard Galliano của Pháp. Về phần mình, ban nhạc Gotan Project vay mượn rất nhiều từ bậc thầy, nhưng với ảnh hưởng của dòng nhạc điện tử. Nhóm này thành danh vào năm 2000 nhờ vào nguyên tác Santa Maria. Album đầu tay với tựa đề La Revancha del Tango, được cho ra mắt một năm sau đó và được bán hơn 2 triệu bản trên thế giới. Khi làng phim Hollywood chọn bài hát của nhóm làm nhạc nền cho bộ phim Shall We Dance, với cặp diễn viên Jennifer Lopez và Richard Gere trong vai chính, tên tuổi của Gotan Project thẳng đà chính phục các thị trường đĩa nhạc quốc tế. Tập nhạc La Revancha del Tango đã giúp cho Gotan Project đoạt hàng loạt giải thưởng các liên hoan quốc tế, chủ yếu là các festival chuyên về âm nhạc thế giới (world music), cho dù nhóm này gần hơn với thể loại nhạc điện tử của Pháp (French Touch). Tính đến nay, ban nhạc đã cho ra mắt ba album. Album thứ nhì là Lunático được phát hành vào tháng tư năm 2006. Còn album gần đây nhất, mang tựa đề Gotan 3.0 ra mắt đầu mùa hè năm nay. Một mặt, ban nhạc mở rộng việc thử nghiệm âm thanh, ngoài tango còn kết hợp thêm milonga và chacarera với nhiều luồng nhạc như hip hop, blues jazz và pop rock. Mặt khác, mỗi thành viên trong nhóm đều có dự án solo, hợp tác với một số nghệ sĩ khác, khi thì đơn thuần sáng tác nhạc phim, lúc thì hoà âm lại cho các bài hát từng thành công trước đó, chẳng hạn như bài Libertango, sáng tác của Piazzola, nhưng ăn khách qua giọng ca của Grace Jones, hay nhạc phẩm Whatever Lola wants, một ca khúc nổi tiếng của Sarah Vaughan. Tuy được khoác với nhiều lớp áo khác nhau, nhưng nhạc của Gotan Project trong nguyên cốt vẫn là nhạc Tango (mà nhóm này gọi là electrauthentica). Nhịp điệu có thể sôi động và nhanh hơn tango truyền thống, sử dụng nhiều âm thanh bộ gõ, như trống conga và bongo, thường ít được dùng trong tango cổ điển. Nhạc khí điện tử thường được dùng để lồng khớp, hoà quyện nhiều tầng lớp âm thanh để tạo ra một bầu không khí riêng biệt. Ở đây, ta có thể nhận thấy là lối sáng tác của Gotan Project mang nhiều ảnh hưởng của nhạc phim, nhưng không phải là loại nhạc để minh họa một hình ảnh cụ thể, mà là nhạc để gợi lên một bối cảnh, rộng mở và trừu tượng hơn. Philippe Cohen Solal, một trong những thành viên sáng lập của nhóm công nhận là trước khi soạn ra một giai điệu, ban nhạc thoạt đầu liên tưởng đến một hình ảnh, chẳng hạn như một con ngựa hoang (trong album Lunático), và tiếng nhạc của họ sẽ tìm cách diễn đạt cái ý tưởng vó ngựa dồn dập phi bay giữa gió trời lồng lộng. Ý tứ ban đầu là như vậy, nhưng liệu ban nhạc Gotan Project có thể nào diễn tả được hết để rồi truyền đạt đến đối tượng. Cho dù một số bài của nhóm này được đặt thêm lời hát, và như vậy người nghe dễ hiểu hơn nhờ ca từ, nhưng không phải bài nào của Gotan Project cũng thành công cả. Làm thế nào để đạt tới tầm diễn đạt của Richard Galliano trong bài Libertango, không một lời mà vẫn nói lên được nỗi ám ảnh của cái chết, bóng tối giữa đêm khuya không đáng sợ bằng những góc khuất của linh hồn. Làm thế nào để đạt tới tầm mức của bài Adios Nonino, mà Astor Piazzola đã viết ngay sau cái chết của thân phụ, tưởng nhớ người vừa khuất bằng cách gợi lại những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn giữa hai cha con. Tựa như bàn tay phù thủy, tiếng đàn của Astor Piazzola trở nên thần sầu, từ điệu thứ trầm buồn da diết chia phôi, chuyển sang cung trưởng yêu đời đầm ấm yêu thương. Qua tiếng đàn, Astor Piazzola không khóc một người cha đã mất, mà lại mừng vì đã được sống gần gũi với một con người đáng quý. Làm thế nào để diễn đạt cho thấu bài Milonga triste của Sebastian Pina với những câu như : Muôn vì sao vời vợi đêm trắng Nỗi cô đơn bật khóc dây đàn Tàn tiếng chuông nguyện hồn hoang vắng Chìm khuất xa trăng khuyết vỡ tan Với dòng nhạc tango mới, sỏi đá chai lỳ còn biết thổn thức rung động, huống chi là con tim người phàm. Astor Piazzola đã dẫn đường đi trước, nhưng chưa chắc gì đã để lại những viên đá làm dấu cho các thế hệ đi sau. Cũng từ đó mà nhiều người mãi mê nối bước bậc thầy, hầu tìm cho ra cái bí quyết của những điệu ru mê hồn, khúc nhạc thôi miên. Mời nghe một số bản nhạc Tango của Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét