Trang

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Công nhân Trung Quốc đòi chia sẻ đồng đều hơn phép màu kinh tế

Các cuộc đình công ở Trung Quốc liên tục xảy ra tại các tập đoàn nước ngoài phản ánh khát khao của lớp lao động trẻ muốn phép lạ kinh tế phải được chia sẻ đồng đều. Phân tích của chuyên gia Valérie Niquet, giáo sư Jean Pierre Cabestan và tổng biên tập tạp chí Marianne Philippe Cohen Foxconn trước đợt biểu tình dữ dội nhất tại Trung Quốc REUTERS/Bobby Yip Mời nghe bài viết trên đài RFI Từ tháng năm vừa qua các cuộc đình công ở Trung Quốc liên tục xảy ra nhưng hầu hết được giới hạn trong phạm vi các tập đoàn được ngoài đến « cơ xưởng của thế giới » hoạt động. Không một ai tin rằng các cuộc đình công lẻ tẻ như vừa qua có thể gây trở ngại cho đà tăng trưởng của một nền kinh tế vừa trở thành siêu cường thứ nhì trên thế giới. Nhưng phải chăng đây là dấu hiệu báo trước mô hình phát triển của Trung Quốc vốn dựa vào nhân công rẻ để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu bị hụt hơi ? Phong trào bãi công đòi tăng lương của nhân viên hãng xe Nhật Honda được khởi động từ ngày 17/5 đã làm tê liệt bốn nhà máy lắp ráp của tập đoàn này tại Trung Quốc. Trong cùng thời kỳ, nhiều vụ nhân viên của tập đoàn điện tử Foxconn ở Thâm Quyến cũng đã làm nổi bật những khó khăn, bức xúc của công nhân Trung Quốc, đặc biệt là thành phần từ nông thôn ra thành thị kiếm sống. Tại Côn Sơn, gần Thượng Hải vào đầu tháng sáu 2000 nhân viên của tập đoàn Đài Loan KOK bãi công trong 5 ngày liên tiếp và có tin đồn là giới chủ đã trả tiền cho công an để dập tắt phong trào nổi dậy của công nhân. Trong tuần lễ đầu tiên của tháng sáu hàng ngàn công nhân làm việc cho một tập đoàn lớn của Hàn Quốc ở tỉnh Quảng Châu phản đối chính sách lương bổng. Công cuộc đấu tranh của giới làm công cho các tập đoàn nước ngoài như Foxconn, hay Honda đã mang lại kết quả khi họ được tăng lương. Trong những ngày kế tiếp làn sóng phẫn nộ của công nhân Trung Quốc tại khu vực đồng bằng Châu Giang đã lan rộng đến các tỉnh thành ở phia trong như Giang Tây và Tây An và đã khiến chính quyền Trung Quốc lo ngại. Bằng chứng là thoạt đầu các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã đề cập đến vấn cuộc đấu tranh của công nhân Trung Quốc tại các doanh nghiệp nước ngoài, song kể từ ngày 28/5 thì các mạng thông tin được lệnh chỉ lấy lại tin từ Tân Hoa Xã khi đề cập đến hồ sơ nhậy cảm nói trên. Kinh tế truởng của ngân hàn Đông Á tại Hồng Kông nhận định « Chỉ cần một chút lửa cũng đủ làm phong trào đình công của công nhân lan rộng ra toàn lãnh thổ và hiện tượng này không chỉ giới hạn ở các tập đoàn nước ngoài như hiện nay ». Đối với một số nhà phân tích khác : « Các vụ xung đột vừa qua giữa giới làm công ăn lương với giới chủ phản ánh những đòi hỏi và khát khao của một tầng lớp công nhân trẻ tại Trung Quốc. Số này đã được hưởng những thành quả đầu tiên của chính sách đổi mới kinh tế, họ đã bỏ lại sau lưng những trang sử đen tối của chế độ xã hội chủ nghĩa Trung Quốc cũng như là cuộc đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh, Giờ đây họ đòi phép màu kinh tế Trung Quốc phải được chia sẻ một cách công bằng hơn". Ngày 28/05/2010, công nhân tại Đài Loan tưởng niệm các đồng nghiệp ở chi nhánh Foxconn tại Trung Quốc đã tự tử. Trên tấm biểu ngữ ghi chữ "điếu". REUTERS/Nicky Loh Đại học Thâm Quyến cuối tháng sáu vừa qua đã cho công bố một công trình nghiên cứu theo đó hiện nay thu nhập trung bình hàng tháng của công nhân Trung Quốc làm việc cho các tập đàn nước ngoài ở Quảng Đông ở vào khoảng 150 euro và số này đòi được tăng lương từ 60 cho đến 90 euro/tháng. Giới lao động mà viện đại học Thâm Quyến gọi là "thuộc thế hệ hai" bất mãn về điều kiện làm việc. Chẳng hạn như họ khó chấp nhận làm thêm những gờ phụ trội với đồng lương rẻ mạt, họ cũng không bằng lòng với mức lương chỉ ở vào khoảng 900 nhân dân tệ tức chưa đầy 100 euro một tháng, và họ cũng không chấp nhận việc lương của một công nhân có hộ khẩu ở thành phố cao gấp đôi so với đồng lương của một người lao động nhập từ nông thôn về thành phố để kiếm sống. Thêm vào đó ba phần tư thu nhập ít ỏi của công nhân Trung Quốc tan thành mây khói khi họ phải trả tiền trọ, tiền ăn và cuối cùng. Một công nhân từ nông thôn lên tỉnh kiếm sống chỉ tiết kiệm được khoảng 20% lương để trợ cấp cho gia đình. Đây chính là lý do vì sao đa số công nhân Trung Quốc đòi xóa bỏ chế độ hộ khẩu để giới lao động nhập cư cũng được hưởng bảo hiểm xã hội như người của thành phố. Thực tế nói trên càng đáng quan ngại hơn nữa khi biết rằng chỉ có 1% người lao động nhập cư Trung Quốc muốn trở về quê sinh sống. Một nhà xã hội học nổi tiếng của đại học Bắc Kinh ghi nhận : Trung Quốc sử dụng nguồn nhân lực dồi dào để phục vụ mục tiêu tăng trưởng, nhưng đồng thời nhà nước lại làm ngơ trước những quyền cơ bản của người lao động do vậy mà giới công nhân trẻ bắt đầu cưỡng lại đường lối áp đặt đó. Nếu chính quyền không sớm thay đổi thì nhà xã hội học này e rằng sự bất mãn trong xã hội đó sẽ trở thành một đợt sóng ngầm với tác hại khó lường. Trở lại với các cuộc đình công liên tiếp vừa qua, từ tháng năm đến nay, 43 doanh nghiệp ngoại quốc hoạt động tại Trung Quốc phải đối phó với làn sóng phẫn nộ của công nhân. Trong số này, có đến ba phần tư là các doanh nghiệp Nhật Bản. Đơn vị đầu tiên phải đương đầu với nạn đình công của giới lao động Trung Quốc là chi nhánh của tập đoàn sản xuất xe hơi Honda ở Quảng Đông. Công nhân hãng Honda tại Quảng Đông đình công ngày 11/06/ 2010 REUTERS/Tyrone Siu Theo nhật báo Asahi Shimbun, số đề ngày 30/7 các công ty Nhật thường dễ dàng nhượng bộ trước những đòi hỏi của công nhân là yếu tố khiến các doanh nghiệp Nhật Bản định cư trên quê hương của ông Đặng Tiểu Bình giải quyết các vụ bãi công nhiều hơn là các công ty ngoại quốc khác. Thế nhưng hiện tượng công nhân Trung Quốc bãi công đòi tăng lương không chỉ giới hạn ở các tập đoàn Nhật Bản. Các hãng của Mỹ, của Hàn Quốc hay Đài Loan cũng đã phải chịu sức ép của giới lao động Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn đài RFI chuyên gia về Châu Á thuộc viện nghiên cứu chiến lược của Pháp, bà Valérie Niquet trước hết nhấn mạnh đến đòi hỏi ngày càng lớn của công nhân Trung Quốc : « Các cuộc đình công liên tiếp tại Trung Quốc phản ánh một số giới hạn của mô hình phát triển kinh tế - ít ra là tại các khu vực ven biển. Từ trước đến nay, phép lạ kinh tế của nước đông dân nhất địa cầu dựa trên những điều kiện như là đồng lương rẻ mạt, các điều kiện bảo vệ an toàn lao động hầu như không có. Tất cả để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đến Trung Quốc hoạt động. Thế nhưng một thế hệ trẻ vừa bước vào thị trường lao động Trung Quốc và họ không còn nhẫn nại chấp nhận luật chơi mà chính quyền đã đề ra. Có nghĩa là họ không còn chấp nhận hy sinh tất cả để có được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao hơn. Nói cách khác nguyện vọng của người dân Trung Quốc bắt đầu xa cách với mô hình phát triển của nhà nước ». Về câu hỏi phải chăng đây là bước đầu để các tập đoàn của phương tây xét lại chính sách di dời cơ sở sản xuất sang Trung Quốc thì theo phân tích của tổng biên tập tạp chí Marianne, ông Philippe Cohen tác giả của nhiều quyển sách về Trung Quốc thì câu trả lời là không. Đơn giản là nguồn nhân lực dồi dào của Trung Quốc vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác : « Tôi quan tâm đến cách thông tin của các phương tiện truyền thông : báo chí nói nhiều đến các cuộc đình công, đến đòi hỏi tăng lương của giới thợ thuyền Trung Quốc, đến sự thay đổi của mô hình tăng trưởng tại quốc gia rộng lớn này, đến việc đẩy mạnh sức mua của người dân trong nước … nhưng hiếm thấy tờ báo nào chú ý đến hiện tượng các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc đang bỏ các vùng ven biển để tiến sâu hơn về phía tây Trung Quốc. Đấy là những vùng còn kém phát triển, nhân công lại càng rẻ hơn nữa so với những tỉnh như là Quảng Đông. Sở dĩ báo chí phương Tây ít đề cập đến hiện tượng « tây tiến » nói trên của Trung Quốc là vì dư luận quốc tế vẫn muốn tin tưởng vào mô hình kinh tế thị trường của Trung Quốc, người ta vẫn nghĩ rằng mô hình đó còn tiếp tục cải thiện đời sống cho người dân và rồi sẽ đem lại dân chủ ». Giáo sư Jean Pierre Cabestan, giám đốc khoa chính trị quốc tế tại đại học Hồng Kông trình bày về mối đe dọa của một xã hội phát triển với hai vận tốc : « Thực ra các phong trào đấu tranh trong giới lao động Trung Quốc không phải chỉ mới nổi lên. Tôi nhận thấy khoảng từ 10 năm nay, đòi hỏi của giới làm công- đặc biệt là trong giới thợ thuyền Trung Quốc- ngày càng lớn, cho dù giới nghiên cứu không thể nêu lên những con số chính xác về số người tham gia các cuộc bãi công vì ở Trung Quốc đây còn là điều cấm kỵ. Điểm thứ nhì đáng chú ý là đợt này, báo chí Trung Quốc thông tin nhiều về các phong trào đấu tranh của công nhân, đòi tăng lương tại các xưởng sản xuất ngoại quốc. Như thể chính quyền bật đèn xanh cho báo giới để nêu lên vấn đề lương bổng với dụng ý sâu xa là khuyến khích các tập đoàn sản xuất di dời cơ sở về những vùng ‘’ở bên trong’’, nơi mà nhân công còn rẻ, đất rộng, người đông. Tại các vùng ven biển ở miền Đông, công nhân không đủ sống với mức lương tháng từ 100 đến 150 euro, thế nhưng ở các vùng còn kém phát triển thì khác. Điểm thứ ba tôi muốn lưu ý đó là chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là ở cấp trung ương rất lo ngại các cuộc đình công rải rác dẫn đến một phong trào phản kháng tương tự như phong trào đấu tranh của giới thợ thuyền ở Ba Lan vào thập niên 1980. Và khác hẳn với Ba Lan trước đây, ở Trung Quốc các công đoàn không có chỗ đứng. Vì vậy theo tôi các cuộc đình công của giới công nhân chỉ là những hành động riêng lẻ, xảy ra tại một vài địa phương mà thôi. Đồng thời, công nhân cũng chỉ đòi được tăng lương, đòi cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn … chứ họ không có tham vọng chính trị. Tuy nhiên, đối với thành phần từ nông thôn lên thành thị kiếm sống, đối với những người lao động nhập cư, thì một khi lên thành phố kiếm việc làm thì họ muốn bám trụ lại đây để được hưởng một số các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội tử tế hơn là so với ở nông thôn. Theo tôi đây mới chính là thách thức lớn đối với mô hình phát triển của Trung Quốc. Thêm vào đó, hiện nay mới chỉ có các công nhân ở các hãng ngoại quốc đình công, nhưng liệu phong trào này có lan rộng ra đến các công ty của Trung Quốc hay không ? khi biết rằng, điều kiện lao động còn ngặt nghèo hơn nữa đối với những hãng của chính Trung Quốc Công nhân TQ đình công ngày 21/7/10 Reuters Về điểm này bà Valérie Niquet nhấn mạnh đến nhu cầu bảo đảm công bằng xã hội như một yếu tố quyết định để duy trì ổn định và sự tồn tại của mô hình phát triển Trung Quốc : « Mọi người đều phải nhìn nhận rằng trong xã hội Trung Quốc ngày nay, bất công ngày càng lớn và lớp trẻ không còn chấp nhận những bất công đó nữa, họ cũng muốn có được đời sống sung túc như mọi người, có những cõ hội làm giàu như mọi người, chứ không chỉ có các thành phần thuộc ‘con ông cháu cha’ mới dễ dàng có một chỗ đứng trong xã hội. Đó là một áp lực lớn đối với chính quyền Bắc Kinh ngày hôm nay ». Điều đó càng cho thấy rõ là chính quyền Trung Quốc theo dõi chặt chẽ diễn biến của các cuộc bãi công hòng đề phòng truớc hiện tượng vết dầu loang. Giáo sư Cabestan phân tích : « Tôi cho rằng chính quyền Trung Quốc hết sức thận trọng trước các phong trào xã hội. Chính vì vây mà Bắc Kinh thẳng tay đàn áp mọi hành vi chống đối, mọi tiếng nói ly khai dưới bất kỳ hình thức nào. Giới lãnh đạo Bắc Kinh ý thức được rằng hố sâu chia cách giàu nghèo càng lớn thì đe dọa bất ổn về phương diện xã hội lại càng nghiêm trọng. Nhưng thực tế cho thấy là chỉ số bất bình đẳng trong xã hội của Trung Quốc hiện nay còn cao hơn cả so với Brazil, và thành phần trẻ không còn nhẫn nại để chấp nhận sự chênh lệch giàu nghèo đó nữa ». Nói tóm lại theo các chuyên gia của Pháp thì thứ nhất công phẫn của giới công nhân Trung Quốc trước mắt không hề ảnh hưởng gì đến sức mạnh kinh tế của nước này. Thứ hai, các cuộc đình công cũng không bắt các tập đoàn ngoại quốc xét lại chính sách di dời cơ sở sang nước đông dân nhất địa cầu, vì Trung Quốc vẫn có một lợi thế áp đảo nhờ với 1.2 tỷ dân số. Thứ ba là giới quan sát không loại trừ khả năng chính quyền Trung Quốc lợi dụng làn sóng phẫn nộ này để cân bằng hóa chính sách phát triển kinh tế về phương diện địa lý, khuyến khích mở rộng địa bàn hoạt động tại các khu vực 'ở bên trong', có nhân công rẻ hơn so với các vùng ven biển Tất cả với điều kiện là các cuộc đình công này chỉ là những hành động lẻ tẻ và phải được nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước. Thanh Hà (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét