Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2010

Việt Nam nhiều ngoại tệ nhưng thiếu thanh khoản

Các chuyên gia của Ngân Hàng Thế Giới nhận định rằng quĩ ngoại tệ dự trữ của Việt Nam thấp, nhưng luợng ngoại tệ mà ngân hàng nhà nước không kiểm soát được lại rất nhiều. Nghe bài viết của Nam Nguyên, phóng viên RFA Nền kinh tế ngầm Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 36 tấn vàng trong nửa đầu năm 2010. Đây là một sự kiện đáng chú ý khi các sàn giao dịch vàng đã chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên lượng vàng xuất khẩu chỉ là một phần quá nhỏ so với tổng lượng vàng mà Hiệp hội kinh doanh vàng cho rằng nằm trong tay người dân và chỉ mang ý nghĩa gọi là ‘của để dành’. Theo các chuyên gia, vàng trong nhà dân cùng với lượng đô la lưu hành trong nền kinh tế ngầm, có thể gấp đôi quĩ dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu huy động được kho tài sản ‘của để dành’ thì nền kinh tế Việt Nam sẽ sáng sủa hơn nhiều. Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội nhận định: “Ở Việt Nam hiện nay ước đoán có khoảng 500 tấn vàng ở trong dân tương đương 20 tỷ USD, ngoài ra còn một lượng ngoại tệ tiền mặt chủ yếu là đồng đô la ở trong dân cũng không phải là ít. Riêng năm 2009 số ngoại tệ vào Việt Nam sau đó không xuất hiện ở các tài khoản ngân hàng đã vào khoảng 9,4 tỷ USD. Như vậy tổng số ngoại tệ có ở trong dân vào khoảng 15 tỷ USD nữa, nếu như số tiền đó mà xuất hiện lên tài khoản thì dự trữ ngoại tệ và số ngoại tệ có được của chúng ta sẽ lớn hơn và có thể yên tâm. Cho nên có thể nói Việt Nam không phải là nước thiếu ngoại tệ mà là thiếu thanh khoản ngoại tệ. Tại sao như vậy thì ở đây có liên quan tới kỳ vọng của người dân và niềm tin của người dân vào tỷ giá đồng Việt Nam và đồng đô la, nếu như người ta nghĩ rằng tỷ giá ổn định thậm chí đồng Việt Nam sẽ mạnh lên thì họ không giữ đồng đô la làm gì. Nhưng nếu người ta nghĩ rằng đồng Việt Nam sẽ được điều chỉnh thì họ vẫn giữ đồng đô la, chờ đến khi tỷ giá cao hơn thì sẽ được lợi. Đấy là sự tính toán của người ta, biết vậy nhưng chưa có cách để huy động đồng đô la từ trong người dân vào trong tài khoản ngân hàng.” Ông Huỳnh Bửu Sơn, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng về cải tổ kinh tế và cải cách hành chánh trong thập niên 1990, cho rằng lượng đô la rất lớn thực ra không ngủ yên trong nền kinh tế ngầm ở Việt Nam: “Lãi suất tiền gởi USD ở ngân hàng vào khoảng 4% tới 5%, khá cao so với các nước khác. Cho nên nói đô la ở trong dân nhưng nó cũng quay vòng ghê lắm, nếu họ không làm gì thì sẽ gởi ngân hàng còn không thì họ sẽ làm phương tiện thanh toán trao đổi mua bán những tài sản có giá trị cao như xe cộ nhà cửa… Tôi nghĩ rằng đồng đô la nó có vai trò chứ không nằm yên, nói không tham gia vào hoạt động kinh tế theo tôi là không đúng. Kinh tế Việt Nam trong quá trình hình thành đã có hiện tượng đô la hóa, xu hướng người ta cất giữ đô la và sử dụng làm phương tiện thanh toán trở nên phổ biến. Giải quyết vấn đề đô la hóa, phải tập hợp một số biện pháp hết sức kiên quyết và đồng bộ, đây là một vấn đề khó đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới.” Vàng, ngoại tệ trong dân? Được yêu cầu nhận định về khả năng huy động lượng vàng tích cốc phòng cơ của dân chúng đưa vào phục vụ nền kinh tế, chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn phát biểu: “Chuyện người dân giữ vàng dự trữ hay nữ trang là một tập quán thông thường, mỗi người dân có thể giữ một vài chỉ, một vài lượng, dân số gần 90 triệu thì lượng vàng đó là lớn, những người giữ đơn thuần hàng chục kg vàng hay hàng ngàn lượng vàng mà không sử dụng gì hết là rất hiếm. Thực ra người dân khi cần cũng có thể bán vàng ra để chi dùng hoặc đầu tư. Không thể nghĩ rằng có thể làm cách nào thu hút hết số vàng ấy bán ra thành một lượng ngoại tệ để thanh toán.” Đối với giới doanh nhân, dân địa ốc, câu chuyện trong dân tồn trữ tới 500 tấn vàng và hàng chục tỷ USD tiền mặt không là chuyện ngạc nhiên. Bởi vì chỉ một căn biệt thự có những lúc hai bên mua bán thanh toán cho nhau hàng mấy ngàn cây vàng. Tuy vậy, nhiều người dân bình thường tỏ ra nghi ngờ về điều họ cho là vàng với đô la ai có mà nhiều như vậy. Một phụ nữ đứng tuổi ở TP.HCM nhận xét: “Người ta không có tiền dư để mua vàng, đám trẻ thì tiêu xài kinh lắm chúng để tiền mua sắm và đi du lịch,chứ không chí thú để dành như người xưa. Tụi trẻ sẵn sàng mua một cái ví 100-200 đô, bộ quần áo bảy tám trăm ngàn. Có dư thì gởi ngân hàng chứ không khi nào đi mua 5 phân hay 1 chỉ vàng đâu.” Con số ước tính 500 tấn vàng là của để dành trong dân chúng có thể còn cao hơn nữa, vì chưa cộng lượng vàng mà người dân Nam Việt Nam tích lũy trước 1975. Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam là người phổ biến thông tin 500 tấn vàng nhàn rỗi. Tính toán của nhân vật vừa nói là có cơ sở, vì được lấy số liệu nhập khẩu và xuất khẩu vàng của Việt Nam từ Hội đồng vàng thế giới. Người Việt Nam có câu ‘đồng tiền liền khúc ruột’, nếu ngừơi dân tin tưởng giá trị đồng nội tệ người ta chẳng giữ vàng hay đô la làm gì. Huy động đô la để dành có thể có kết quả nếu lãi suất tiền gởi ngoại tệ đủ hấp dẫn, trường hợp vàng khó hơn nhiều vì không dễ có đầu ra, các sàn giao dịch vàng đã bị cấm. Khi có chênh lệch giá với thế giới xuất khẩu vàng đem về lợi nhuận, nhưng nhà nước chỉ cho phép xuất khẩu vàng nữ trang hoặc sơ chế cấm xuất vàng miếng. Nhà xuất khẩu đã phải tốn phần chi phí không nhỏ khi phải nấu chảy vàng miếng để sơ chế theo một dạng nào đó. Câu chuyện 500 tấn vàng của để dành và 20 tỷ USD trong dân sẽ vẫn còn đó như một giai thoại mà thôi. Theo RFA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét