Trang

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

Mất điện ở Việt Nam: nhìn thẳng vào độc quyền của EVN

Tình trạng mất điện kéo dài ở Việt Nam làm nổi cộm trở lại tranh cãi chung quanh quy chế độc quyền của Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN. Bộ Công Thương đề nghị tái cơ cấu ngành điện lực trong nước và xét lại quy chế độc quyền của công ty điên lực Việt Nam. Tại sao Việt Nam bị thiếu điện ? Kỹ sư Đặng Đình Cung, chuyên tư vấn về các vấn đề chiến lược công nghiệp của Việt Nam phân tích. Nhà máy thủy điện Hòa Bình Wikipedia Nghe bài viết trên đài RFI. Trong hai tháng năm và sáu/2010 tình trạng mất điện ở Việt Nam đã kéo dài, từ Hà Nội đến Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác trên toàn quốc. Theo giải thích của phía Việt Nam, tình trạng thiếu điện vừa qua một phần do « các doanh nghiệp sử dụng điện một cách kém hiệu quả ». Thêm vào đó tình trạng khô cạn sông hồ ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn cung cấp thủy điện. Việt Nam thiếu đến gần một tỷ kWh. Tổng công ty điện lực Hà Nội nêu ra những lý do khác như là cắt điện để trùng tu thiết bị trước mùa mưa bão. Bên cạnh đó « lưới điện Hà Nội liên tục bị sự cố ». Báo chí trong nước không ngần ngại nêu lên câu hỏi tại sao công ty điện lực Việt Nam ở khu vực TP Hà Nội lại chọn thời điểm nắng nóng và nhất là lúc bà con theo dõi các trận tranh tài trong mùa Cúp bóng đá Thế giới để trùng tu thiết bị ? Cuối cùng Tổng công ty điện lực thủ đô đã phải thừa nhận là « Hà Nội bị thiếu điện tới 25% so với nhu cầu phụ tải cần có vào những ngày nắng nóng ». Hà Nội không phải là một ngoại lệ. Tại khu vực TP Hồ Chí Minh, công ty điện lực đã cam kết kể từ ngày 1/7 không cắt điện do điện không thiếu. Nhưng nhiều nơi vẫn bị mất điện mà không được báo trước. Nhiều cơ quan phải cho ngân viên tạm nghỉ việc. Nạn mất điện cũng gây nhiều hậu quả cho các khu vực công nghiệp, sản xuất của Việt Nam đó là chưa kể đến những xáo trộn trong đời sống hàng ngày của người dân. Hiệp hôị các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đang đòi Tập đoàn điện lực Việt Nam bồi thường thiệt hại. Trong ấn bản đề ngày 28/6, nhật báo tài chính Financial Times, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã khẳng định hiện tượng « thiếu điện ở Việt Nam sẽ kéo dài, trừ khi Tập đoàn điện lực EVN được cải cách”. Để giải thích về tình trạng thiếu điện, Chủ tịch hội đồng quản trị EVN ông Đào Văn Hưng nêu lên hai lý do : một là điện lực Việt Nam không thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và hai là do hai nhà máy điện Hải Phòng và Quảng Ninh chưa hoạt động ổn định. Về điểm thứ nhất giới đầu tự ngoại quốc trả lời rằng, chính vị thế độc quyền của EVN là rào cản để họ bỏ vốn vào ngành điện lực Việt Nam. Thêm vào đó, giá điện tại Việt Nam vẫn do Nhà nước áp đặt và được duy trì ở một mức rất thấp khiến đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam không có lời. Về trách nhiệm của phía các tập đoàn Trung Quốc nhận đấu thầu cho Việt Nam để xây dựng hai nhà máy điện ở Hải Phòng và Quảng Ninh : theo đánh giá của một số nhà quan sát thì khó có thể đổ lỗi 100% lên các công ty Trung Quốc đã trúng thầu với Việt Nam. Trung bình mỗi năm, nhu cầu về điện của Việt Nam tăng 15% và sẽ tăng đến 18% trong năm nay . Theo tin của báo chí trong nước, trong một bản báo cáo gửi đến Thủ tướng chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam ghi nhận tình trạng thiếu điện xuất phát từ những hạn chế của cơ cấu tổ chức ngành điện hiện tại, và với một cơ cấu thích hợp, ngành điện lực Việt Nam sẽ có sức thu hút cao hơn trong mắt các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài. Tóm lại, để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nguồn điện trong tương lại, Bộ Công thương Việt Nam đề nghị « xem xét thông qua kế hoạch tái cơ cấu ngành điện, tách khâu phát điện ra khỏi khâu truyền tải, mua bán và điều độ hệ thống điển, để hình thành cạnh tranh trong khâu phát điện, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng » Vấn đề tái cơ cấu Tập đoàn Điện Lực Việt Nam sẽ đề cập đến trong một kỳ tới. Trước mắt đâu là những nguyên nhân khiến Việt Nam bị thiếu điện ? Kỹ sư tư vấn Đặng Đình Cung giải thích : Ba lý do thất thoát điện Lý do thứ nhất là nơi sản xuất ở xa nơi tiêu thụ. Những nhà máy điện lớn ở ngoài Bác và Tây Nguyên còn những trung tâm công nghiệp thì ở các châu thổ sông Hồng và sông Đồng Nai. Lý do thứ hai là những đường tải điện và những trạm biến áp không tốt hay không được bảo trì kỹ lưỡng làm cho điện thất thoát khi qua những thiết bị hạ tầng đó. Lý do thứ ba là chất lượng tần số và điện áp giao đến nhà tư nhân và các cơ sở sản xuất không ổn định làm cho những thiết bị tiêu thụ điện không đạt hiệu suất tối đa và có khi lại còn bị hỏng. Theo lối nói người Việt "mất điện" cũng có nghĩa là đang dùng một thiết bị chạy bằng điện thì bỗng nhiên điện bị cắt mà không được thông báo trước. Theo những tin nhận được từ trong nước thì tình trạng "mất điện" xẩy ra thông thường. Lý do thứ nhất là người tiêu dùng sử dụng một thiết bị chạy bằng điện nhưng quên thời biểu cắt điện của công ty điện. Lý do thứ hai là lịch cắt điện đã có nhưng không phù hợp với thực tế làm cho chương trình tin học của trung tâm điều phối mạng điện quốc gia tự động cắt điện ở một vùng có nguy cơ quá tải để bảo vệ sự cung cấp điện ở những vùng khác. Những vụ cắt điện bất chợt này chỉ làm phiền phức người dân thường nhưng làm cho những xí nghiệp bị tổn thất nặng vì không thể sản xuất hài hòa và máy móc chạy bằng điện có thể bị hỏng. Ngoài ra ít ai nói đến những cuộc giải phẩu ở bệnh viện bị gián đoạn làm bệnh nhân tử vong. Có thực sự Việt Nam bị thiếu điện hay không ? Điện là một thương phẩm không thể lưu trữ được. Ở mọi thời điểm, công suất cung cấp bao giờ cũng được tiêu thụ hết. Vì thế mà khó có thể nói được rằng chúng ta thiếu hay thừa điện. Tuy nhiên, khi cắt điện thì tư nhân kêu không có điện để dùng và xí nghiệp kêu phải ngưng sản xuất vì không có điện để sản xuất. Những than phiền này biểu hiện sự thiếu điện. Nói là thiếu bao nhiêu thì phải điều tra hiện địa mới biết được. Theo những dự báo tăng trưởng kinh tế vĩ mô so với kế hoạch xây thêm nhà máy điện của chính phủ thì mười năm tới chúng ta sẽ vẫn còn thiếu điện. Cũng phải nói là thời tiết năm nay ở bên nhà khô và nóng khác thường. Dư luận trong nước cho rằng « lỗi » tại hai nhà máy điện do Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam chậm đi vào hoạt động. Năm 2006, khi khởi công hai nhà máy Hải Phòng và Quảng Ninh thì tổng công suất các nhà máy điện là 11.400 MW. Hai nhà máy Hải Phòng và Quảng Ninh tổng cộng 3.900 MW, nghĩa là có thể đóng góp vào hơn một phần tư công suất điện của cả nước. Việc hai nhà máy chưa đi vào hoạt động là một thiệt hại rất lớn cho ngành điện và tất cả các ngành kinh tế. Thái độ hung hăng của chính phủ Trung Quốc về Biển Đông làm nhiều người Việt chúng ta có tinh thần bài Hán và có chuyện gì không hay là đổ lỗi cho người Trung Quốc. Thực ra phía Việt Nam cũng không vô tội. Tổng công suất các nhà máy thủy điện ở nước ta là 4.200 MW. Vào mùa lũ thì các nhà máy này đã quay ráo hết nước chứa trong những hồ tích trữ. Đến muà hạn thì hết nước để sản xuất điện. 3.900 cộng với 4.200 là 8.100 MW. Chúng ta thiếu hai phần ba công suất đáng lý ra ngành điện có thể cung cấp. Thêm vào đó, ngành điện lại còn sai sót về vận hành hàng ngày. Chúng tôi xin nêu ba thí dụ : 1. Nhà máy nhiệt điện Cà Mau, với 750 MW công suất lắp đặt, chạy cầm chừng vì thiếu khí nhiên liệu và nhà máy điện Uông Bí mở rộng, 300 MW công suất lắp đặt, cũng vẫn chưa chạy ổn định. 2. Ngành điện không có chương trình bảo trì phòng ngừa cục bộ làm cho nhiều cơ sở sản xuất điện và mạng phân phối quốc gia phải ngưng hoạt động vì hỏng hóc đúng vào mùa hạn, 3. Khi bảo trì phòng ngừa, thay vì làm việc này vào mùa mưa, thì chọn ngưng sản xuất để bảo trì vào mùa khô lúc người dân và các ngành kinh tế cần đến tất cả công suất điện có thể vận động được. Tại sao ? Việc những nhà máy nhiệt điện Hải Phòng và Quảng Ninh bị chậm trễ không có liên hệ gì với những múa may ngoại giao và quân sự của Trung Quốc. Chúng ta phải tìm những giải thích khách quan hơn. Tôi không biết chi tiết của sự việc nên chỉ nêu một số giả thuyết dựa trên những khó khăn thực hiện những dự án khác trong nước. Một công trình bị chậm trễ hay thiếu chất lượng vì bất cứ lý do gì sẽ gây thiệt hại cho cả hai đối tác, chủ đầu tư cũng như nhà thầu. Vậy mọi nhà thầu đều mong muốn mau chóng kết thúc một hợp đồng đúng quy định của điều kiện sách. Ở Phi Châu, các nhà thầu Trung Quốc thường bàn giao những công trình hạ tầng đúng kỳ hẹn. Tại sao ở nước ta thì lại chậm chễ đến thế ? Một công trình công nghiệp như một nhà máy nhiệt điện thì phức tạp hơn những hạ tầng giao thông vận tải bên Phi Châu vì có thêm những hạng mục cơ khí, điện cơ và điện tử. Chất lượng những hạng mục này của Trung Quốc không nhất thiết được bảo đảm vì trình độ văn hóa công nghiệp các xí nghiệp Trung Quốc chưa đồng nhất như ở các quốc gia công nghiệp khác. Về phía chúng ta thì thiếu người có đủ kỹ năng để thi hành những hợp đồng thầu phụ. Điều này dẫn tới những vấn đề chất lượng lắp ráp những thiết bị. Ngoài ra, nhà thầu phụ Việt Nam thường không có đủ nhân lực để cung cấp theo tiến độ của công trình làm cho các dự án tiến triển chậm hơn dự định. Những nhà máy Quảng Ninh lại xây theo dạng EPC, nghĩa là chìa khóa trao tay. Nếu loại suy từ nhiều dự án trong nước thì chủ đầu tư chắc đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy trước khi được cam đoan sẽ có đầy đủ tài trợ. Nhà thầu Trung Quốc xây nửa chừng rồi ngưng vì phía Việt Nam không còn tài chính để thanh toán những hóa đơn của họ. Vì những chậm chễ đó giá vật liệu tăng theo thời gian làm chúng ta lại càng kẹt hơn nữa. Nhưng, như chúng tôi vừa nói, hai nhà máy nhiệt điện Hải Phòng và Quảng Ninh chỉ là một nửa của vấn đề thiếu điện hiện nay. Nguyên nhân chính của tình trạng này là ngành điện thiếu người có tầm nhìn xa hơn là đối phó với những khó khăn hàng ngày và Tổng Công Ty Điện Lực thiếu người có tinh thần đồng đội muốn hợp tác sản xuất điện với những ngành khác như là ngành than và ngành dầu khí. Nếu như Việt Nam thực sự thiếu điện thì chính sách năng lượng của Việt Nam cần phải đi theo hướng nào ? Nếu chúng ta tiếp tục ì ạch xây và vận hành những nhà máy điện như hiện nay thì sẽ vĩnh viễn thiếu điện với nguy cơ các công ty quốc tế sẽ đóng cửa nhà máy của họ để sang các nước khác. Nếu có chính sách cung cấp điện thích nghi thì nạn thiếu điện sẽ tuần tự giảm cường độ để chấm dứt trong mười năm nữa. Những giải pháp như là tái cơ cấu ngành điện, lập một sàn giao dịch điện hay tăng giá điện nhiều người đã đưa ra đều vô hiệu vì chúng không làm tăng tiềm năng sản suất điện. Mùa lũ đã đến từ mấy hôm nay. Nhưng có một số việc ngắn hạn cấp bách không thể chờ mùa hạn năm tới mới làm : 1. Thực hiện và hoàn tất tất cả những chương trình bảo trì phòng ngừa trước mùa hạn tới, tốt nhất là trước tháng ba năm tới, 2. Tháo gỡ những khó khăn gây ra chậm trễ xây dựng hai nhà máy điện Hải Phòng và Quảng Ninh và những công trình xây dựng khác. Về dài hạn chúng ta phải 1. Lập và thực hiện một chương trình đào tạo nhân lực có khả năng chỉ huy việc xây dựng nhà máy và nhân lực có khả năng vận hành một nhà máy, 2. Tận dụng những tiềm năng điện phụ phẩm của các ngành công nghiệp khác như là các ngành than, dầu khí và hóa chất, 3. Thiết kế một kế hoạch sản xuất điện đa nguồn với tầm nhìn nửa thế kỷ hay hơn nữa. Nhà máy thủy điện Sơn La REUTERS Phải chăng Việt Nam sẽ lệ thuộc vào thủy điện ? Thủy điện chỉ có thể đóng góp tối đa 80 TW h mỗi năm. Năm 2015, nghĩa là năm năm nữa, nhu cầu điện đã là khoảng 110 TW h và năm 2020 sẽ cần đến khoảng 160 TW h. Dù muốn dù không chúng ta sẽ phải chuyển sang nhiệt điện cổ điển hay hạt nhân và thủy điện sẽ dần dần là một nguồn điện dùng để điều chỉnh cân bằng mạng phân phối điện quốc gia. Tóm lại theo ông Đặng Đình Cung, kỹ sư tư vấn về chiến lược công nghiệp Việt Nam thì trước Việt Nam chưa thể tính tới việc phát triển năng lượng hạt nhân và cũng không thể chỉ trông đợi vào nguồn thủy điện mà trong một thời gain dài, Việt Nam còn phải trông cậy vào các nguồn nhiệt điện truyền thống. Thanh Hà (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét