Trang

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

ASEAN và Mỹ cần nhau để đối phó với Trung Quốc

Phản ứng tích cực của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 43 trong hồ sơ Biển Đông cho thấy các nước Đông Nam Á và Mỹ cần nhau để đối phó với tham vọng của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (Reuters) Mời nghe bài viết trên đài RFI Vào tháng ba năm nay, trong chuyến công du Trung Quốc của hai quan chức Mỹ là Jeffrey Bard và James Steinberg, chính phủ Bắc Kinh tuyên bố không cho phép bất cứ nước nào can thiệp vào vùng Nam Hải, tức Biển Đông, bởi vì vùng biển này đã trở thành một phần trong cái gọi là quyền lợi cốt lõi về chủ quyền của Trung Quốc. Theo giới quan sát, đây là lần đầu tiên, Trung Quốc coi Nam Hải, tức Biển Đông, là vùng quyền lợi cốt lõi, có tầm quan trọng ngang với hồ sơ Đài Loan và Tây Tạng. Trong bối cảnh đó, Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 43, tại Hà Nội, ngày 20/07 vừa qua, đã đưa ra một thông điệp rõ ràng cho Trung Quốc : Cần phải thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới việc hoàn tất một Bộ Quy tắc Ứng xử Khu vực tại biển Đông (COC), mang tính pháp lý, ràng buộc các bên liên quan. Trước những hoạt động của hải quân Trung Quốc nhân danh bảo vệ vùng “quyền lợi cốt lõi” bao gồm gần như toàn bộ Biển Đông, các nước ASEAN đã “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên tôn trọng tự do hàng hải và tự do hàng không bên trên Biển Đông như đã được qui định trong các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế.” Khi ghi nhận phản ứng tích cực của ASEAN trong hồ sơ Biển Đông, giới phân tích nhấn mạnh đến vai trò của Mỹ. Đối với Washington, đã đến lúc phải hiện diện mạnh mẽ hơn trong khu vực, nhắc nhở Bắc Kinh không nên có cách hành xử “cá lớn nuốt cá bé”. Và Tuyên bố của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 43 về vấn đề Biển Đông cũng góp phần tạo thuận lợi cho Hoa Kỳ quay trở lại khu vực này. Sau đây là phân tích của giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Trung Quốc, đại học Maine, Hoa Kỳ. * Xin chào giáo sư Ngô Vĩnh Long, Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 43 tại Hà Nội ra thông cáo chung trong đó dành hẳn một phần nói về hồ sơ Biển Đông. Ở đoạn thứ 28 của văn bản này, các ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông được thông qua năm 2002 và bày tỏ mong muốn cùng với Trung Quốc hướng tới việc thảo luận một bộ luật ứng xử mang tính ràng buộc. Giáo sư bình luận gì về sự kiện này ? GS Ngô Vĩnh Long : Tuyên bố này của ASEAN, tôi thấy rất khả quan. Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002 Tuyên bố ứng xử này nhưng từ đó đến nay, Trung Quốc giả lơ, không chịu làm gì cả và họ nói là chỉ muốn đàm phán song phương, chứ không làm gì trong khuôn khổ đa phương. Tức là Trung Quốc đã ký nhưng không thi hành. ASEAN lần này đẩy mạnh việc trở lại Tuyên bố đã ký và muốn đề ra những luật lệ rõ ràng. Tôi thấy đây là một bước tiến, đẩy mạnh của các nước ASEAN. Trong điều 29 của Tuyên bố chung, các ngoại trưởng ASEAN kêu gọi tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không bên trên vùng Biển Đông. Phải chăng lời kêu gọi này phản ánh được sự đồng thuận của ASEAN đối với với sự bành trướng và đòi hỏi phi lý của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông ? GS Ngô Vĩnh Long : Đúng như thế, bởi vì các nước ASEAN thấy rằng Trung Quốc càng ngày càng lấn át. Cách nay hai năm, khi tàu USNS Impeccable hoạt động cách đảo Hải Nam 75 dặm, Trung Quốc cho thuyền ra quấy nhiễu. Trung Quốc nói rằng trong vòng 75 dặm, tức lãnh hải của Trung Quốc thì phải xin phép. Điều 29 trong Tuyên bố chung của ASEAN đã nhấn mạnh rằng vấn đề thông thương rất quan trọng, phải tuân thủ luật lệ của Liên Hiệp Quốc. Tất nhiên, tại các vùng đặc quyền kinh tế, các nước được quyền tự do lưu thông trên biển, trên không và chỉ cần báo trước thôi. Nhưng Trung Quốc nói là phải xin phép, nếu không, khi đi qua, Trung Quốc dọa là có thể bị tai nạn. Do vậy, điều 29 là một sự đáp lời Trung Quốc và rằng Trung Quốc đã quá lố. Phải chăng ASEAN có thể mạnh dạn đưa ra lập trường chung này là do có sự ủng hộ của Hoa Kỳ ? GS Ngô Vĩnh Long : Vâng đúng như thế, mà lập trường này xuất phát từ việc hồi tháng ba vừa rồi, Trung Quốc có nói với Mỹ là vùng gần như toàn bộ Biển Đông là vùng quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc. Ai đến đó phải xin phép Trung Quốc. Người ta thấy là quá lố. Trước đó, Trung Quốc đã đưa ra đường chữ U chín đoạn, còn gọi là « lưỡi bò ». Rõ ràng, Trung Quốc có ý chiếm hết cả Biển Đông. Các nước Đông Nam Á thấy đây là mối đe dọa thực sự. Gần đây, Trung Quốc có gửi mấy chiến hạm xuống tận vùng Trường Sa. Tôi nghĩ, đây cũng là phản ứng của ASEAN, cho Trung Quốc biết rằng ASEAN thấy Trung Quốc đang đe dọa an ninh trong khu vực. Theo giáo sư thì Trung Quốc có thái độ ra sao trước lời kêu gọi của ASEAN ? GS Ngô Vĩnh Long : Một đằng thì họ sẽ nói chỉ đàm phán song phương và họ sẽ đàm phán song phương để đi đến hòa bình, nhưng đằng khác, họ sẽ bất chấp những kêu gọi giải quyết vấn đề một cách đa phương. Gần đây ASEAN đồng ý với Mỹ là phải giải quyết vấn đề này, nếu không sẽ mất an ninh trong toàn khu vực. Có lẽ cần nói rõ là sự đồng thuận của ASEAN muốn có một bộ luật ứng xử tại Biển Đông, ràng buộc Trung Quốc, chỉ liên quan đến những tranh chấp về chủ quyền trong khu vực quần đảo Trường Sa ? GS Ngô Vĩnh Long : Vâng, bởi vì khu vực Hoàng Sa thì Trung Quốc đã chiếm rồi và tranh chấp là giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vấn đề Trường Sa đe dọa các nước ASEAN khác. Nhưng theo tôi, ở đây, vấn đề rộng lớn hơn Hoàng Sa và Trường Sa, liên quan đến an ninh toàn khu vực Biển Đông, toàn khu vực Đông Nam Á. Vì thế, khi ASEAN đưa ra các đề nghị này thì họ nghĩ đến vấn đề an ninh chung của cả khu vực châu Á, chứ không phải chỉ trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu Trung Quốc tiếp tục nói rằng chỉ tiến hành đàm phán song phương, không chấp nhận đa phương để giải quyết các bất đồng thì ASEAN có cách nào để thuyết phục, gây sức ép buộc Trung Quốc chấp nhận đàm phán đa phương ? GS Ngô Vĩnh Long : Các nước ASEAN tự mình không thể làm được vấn đề này. Đối với Trung Quốc, các nước ASEAN yếu, nhất là về hải quân. Nói chung, an ninh của cả khu vực Biển Đông cũng như an ninh của cả khu vực tây Thái Bình Dương, thì nước chính mà Trung Quốc muốn bắt nhượng bộ là Mỹ. Thành ra, trong mấy năm qua, hầu hết các hành động của Trung Quốc ở vùng mà Việt Nam gọi là Biển Đông, tức là Nam Hải đối với Trung Quốc, phần lớn là để thách thức Mỹ. Nếu Mỹ chịu nhượng bộ phần nào đó, thì việc này sẽ hù dọa, răn đe các nước Đông Nam Á. Các nước Đông Nam Á đến mãi gần đây cũng không dám ho he về vấn đề này. Nhưng sau khi Mỹ tỏ thái độ với Trung Quốc thì các nước này mới đưa ra các yêu sách mà chúng ta vừa đề cập. Thành ra, vai trò của Mỹ ở Biển Đông, Đông Nam Á nói riêng, Đông Á nói chung là vấn đề rất quan trọng. Sự hiện diện của Mỹ không những giúp buộc Trung Quốc nhượng bộ một chút nào đó, xuống thang một chút nào đó vì Mỹ có vai trò điều phối rất lớn, không những đối với các nước Đông Nam Á, mà còn giữa các nước Đông Á với các nước Bắc Á như là Đài Loan, Nhật và Hàn Quốc. Cho nên, nếu không có vai trò tích cực của Mỹ, thì các nước Đông Nam Á, Nhật Bản hay Đài Loan hay Hàn Quốc cũng khó có thể có những động tác riêng rẽ được. Nhờ có sự ủng hộ của Mỹ mà ASEAN mới có thể đồng thuận đối phó với Trung Quốc. Một số nhà phân tích nói đến vai trò đối trọng của Mỹ cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Giáo sư nghĩ gì về cuộc đọ sức hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington thông qua cuộc tập trận Hoa Kỳ-Hàn Quốc. Trước sự phản đối của Trung Quốc, cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 25/07 này sẽ chỉ diễn ra tại vùng biển Nhật Bản thay vì ở Hoàng Hải như dự kiến ban đầu ? GS Ngô Vĩnh Long : Trước hết, phải nói là Mỹ không đóng vai trò đối trọng với Trung Quốc. Mỹ muốn điều phối với Trung Quốc để giữ an ninh trong khu vực. Nhưng gần đây, trong hai năm qua, vì nhiều lý do, Trung Quốc ngày càng có những cuộc diễn tập mà họ gọi là diễn tập thách đố hay là đối đầu với Mỹ. Như vậy, nếu Mỹ càng ngày càng im lặng, thì Trung Quốc càng ngày càng làm tới. Cuối cùng, thì chỉ trong vài tháng qua, Mỹ mới có phản ứng lại. Tôi nghĩ phản ứng này không phải nhằm mục đích đối trọng mà chỉ muốn nói cho Trung Quốc biết là không nên có những hành động thách đố, đối đầu như vậy, gây mất an ninh trong khu vực. Trung Quốc đã diễn tập ở ngoài khơi, cũng đã bắn đạn thật, đe dọa các nước xung quanh. Bây giờ, muốn bảo vệ, muốn chứng minh cho các đồng minh trong khu vực hay là những nước khác trong khu vực thì Mỹ cũng phải đem một số tàu đến đó, để cho Trung Quốc biết là nếu làm như vậy thì Hoa Kỳ sẽ phản ứng lại. Tôi nghĩ Mỹ không muốn đóng vai trò đối trọng với Trung Quốc mà chỉ làm vai trò phối hợp đối với Trung Quốc và các nước khác trong khu vực. Đây không phải là vấn đề chẻ tóc. Tôi nghĩ đó là chính sách thật sự của Mỹ. Nếu ai nghĩ đây là vấn đề đối trọng thì tôi cho rằng rất nguy hiểm. Như giáo sư vừa phân tích, Hoa Kỳ chỉ đóng vai trò điều phối. Nhưng Mỹ sẽ điều phối ra sao trước sức mạnh hải quân của Trung Quốc, lấn át các nước Đông Nam Á ? GS Ngô Vĩnh Long : Thì như ta thấy. Khi Trung Quốc có những cuộc diễn tập như vậy, Mỹ đã có những phản ứng, nhưng đó là những phản ứng bằng lời nói. Do vậy, Trung Quốc càng ngày càng đi tới. Vì thế gần đây, Mỹ gửi một số hạm đội qua và cũng diễn tập ở những khu vực vừa nói đến để cho Trung Quốc biết rằng họ không có thể cứ tiếp tục làm như vậy được nữa. Bởi vì Trung Quốc không những đe dọa các nước Đông Nam Á như là cuộc diễn tập vừa qua ở vùng Trường Sa mà Trung Quốc còn có cuộc diễn tập ở Hoàng Hải và ngay trong vịnh Nhật Bản, làm cho Nhật Bản có lúc sợ và phần nào nghiêng về phía Trung Quốc. Nhưng ngay sau khi Mỹ phản ứng thì có một số thay đổi ở bên Nhật, kể cả chuyện ra đi của một thủ tướng Nhật Bản. Nhưng giáo sư nghĩ gì về phản ứng của Trung Quốc, họ có nhượng bộ hay không ? Một số chuyên gia cho rằng hiện nay, Bắc Kinh rất tin tưởng vào sức mạnh hải quân của họ, đành rằng nhìn trong tổng thể, sức mạnh quân sự của Trung Quốc vẫn thấp kém hơn so với Mỹ, nhưng Trung Quốc là quốc gia trong khu vực còn Hoa Kỳ thì ở xa, từ nơi khác đến ? GS Ngô Vĩnh Long : Vâng, Trung Quốc thì đắn đọ như thế để coi phản ứng của Mỹ như thế nào. Nhưng tôi nghĩ tính toán của Trung Quốc sai, bởi vì hành động của Trung Quốc buộc Mỹ và các nước khác phải phối hợp ngăn cản sự đe dọa của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc cứ làm tới thì có thể gây những bùng nổ rất đáng tiếc. Tôi nghĩ, thường thường, nếu các nước khác im lặng thì Trung Quốc lấn tới. Nhưng nếu các nước tỏ thái độ thì có nhiều khi họ đấu dịu. Có nhiều lần trong lịch sử đã cho thấy như vậy. Hy vọng lần này Trung Quốc cũng vậy. Sau một lúc hùng hổ, la lối thì sẽ đấu dịu lại bởi họ thấy là chưa đủ thực lực để làm như vậy. Thưa giáo sư, như vậy, có thể nói rằng tuyên bố của hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 43 phần nói về Biển Đông cũng giúp Hoa Kỳ quay trở lại khu vực này ? GS Ngô Vĩnh Long : Như tôi đã vài lần nói, thật ra, các nước ASEAN cũng đã hiểu. Mỹ cần sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước ASEAN. Mỹ không thể tự nhiên trở về Đông Nam Á mà không có sự ủng hộ của ASEAN hay là các nước lớn của ASEAN. Do vậy, các tuyên bố lần này của ASEAN giúp cho Mỹ có điều kiện để có thể trở lại Đông Nam Á, để giúp đỡ về an ninh cho vùng. Đức Tâm (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét