Trang

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt ( Lê Hữu )

Tiểu sử Như Thương: Như Thương tên thật là Phạm Kim Hương sinh năm 1956 Đến với Ban mê Thuột từ năm 1962 và rời xa năm 1975 Yêu thơ, nhạc và nhiếp ảnh Tác phẩm đã xuất bản: Thơ: Thơ Như Thương (2004) Thơ: Đàn Cho Biển Hát (2005) Thơ: Tháng Sáu, Yêu Em (2006) CD Nhạc: Dấu Chữ Tình (2006) - Nhạc sĩ Nguyễn Tất Vịnh phổ thơ Như Thương Thơ: Đa Tình Khúc (2009) Mời nghe bài viết này trên đài VOA Trầu ơi, xanh lá cho mau cho duyên con gái thắm màu vôi yêu Nghe câu lục bát ấy, nghe lời tỏ bày ẩn chứa những tình ý yêu đương ấy, chúng ta dễ dàng đoán biết được, đấy phải là thơ của một nhà thơ nữ. Bên dưới câu lục bát đầy nữ tính ấy, người ta đọc thấy tên Như Thương. Thơ em là giọt nắng của chiều hoàng hôn rơi Thơ em là giọt mưa của đêm buồn rưng rức Nàng thơ Như Thương từng giới thiệu về thơ mình như vậy. Những giọt nắng vàng phai của buổi chiều tàn và những giọt mưa đêm lặng lẽ rơi xuống thành phố nhỏ êm đềm ở Florida–quê hương thứ hai của nhà thơ–cũng đánh thức những nhớ thương dịu dàng về thành phố nào xa xôi trong trí tưởng ở chốn quê nhà. Ban-mê-thuột, với biệt danh “Buồn-muôn-thuở” nghe thật là… buồn, và với vẻ đẹp của những bông dã quỳ hoang dại mọc lên khắp miền đồi núi, như tấm áo màu vàng rực khoác lên thành phố miền cao nguyên đất đỏ ấy, từ thuở nhà thơ còn là cô nữ sinh hay mơ hay mộng và… chớm biết yêu. Hôn em, vàng nụ dã quỳ Nụ tình thơ, độ xuân thì năm xưa Sân trường áo trắng sớm trưa Lối mòn đất đỏ, cho vừa yêu em Ngoan ngoan cặp sách êm đềm Trang thơ tình bỗng… chợt mềm trái tim Chân ai cuống quýt đi tìm Một thời hoa bướm đã chìm nơi nao Cô bé “ngoan ngoan cặp sách êm đềm” ấy, cô nữ sinh áo trắng Như Thương ấy từng sống những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người. Dường như cô bé rất hiền Tay ngoan cặp sách, mắt viền ngây thơ Dường như ai đó tình cờ Theo chân guốc nhỏ bất ngờ sau lưng Thế rồi…, một ngày kia cô bỏ trường bỏ lớp, bỏ lại sau lưng thành phố đầy ắp những kỷ niệm, bỏ lại sau lưng những cánh đồng dã quỳ màu vàng rực hoang dại. Cô đã đi biệt, đi mãi không về, để… một người mỏi mắt trông chờ. Thôi ta như cánh hoa vàng đợi em về lại ngắm hoàng hoa xưa Nhiều lắm, những câu lục bát đẹp như thế, mượt mà như thế người đọc dễ dàng bắt gặp đâu đó trong những trang thơ của Như Thương. Dường như em áo quỳ vàng Kiêu sa, góc phố rộn ràng theo em… Hình như ngày tháng mượt xanh Hình như em lại... nhớ anh vô cùng Những… “hình như, có lẽ, chắc là, dường như” ấy là những bày tỏ thầm kín, và cũng là ngôn ngữ của tình yêu trong thơ Như Thương. Vẫn chưa hết, ta còn gặp những “phải chi”, “giả dụ”, “giá mà”… Phải chi mưa chẳng là mưa chỉ phơn phớt nhẹ cho vừa nhớ nhau… Phải chi lá chẳng nhuộm vàng mùa đông quên bẵng dịu dàng môi em… Phải chi quá khứ về gần tháng năm đã chẳng bâng khuâng bốn mùa Thơ tình Như Thương vẽ lên những khuôn mặt khác nhau của tình yêu. Dẫu là khuôn mặt nào, người ta vẫn nhận ra thơ Như Thương, vẫn nghe ra lời mời gọi thật quyến rũ của tình yêu. Có khi là thầm lặng, là khép kín như tình riêng: Lạ chưa ánh mắt vô cùng Lặng im, nhưng đã nghìn trùng có nhau Nên duyên e ấp má đào Gót chân em chợt lao đao hồn người Có khi là bâng khuâng, là vấn vương như tình đầu: Em, hồn cánh mỏng. Lòng ta men theo lối cỏ một tà áo vương Có khi là đằm thắm, là dịu dàng như tình cuối: Thôi như chiếc lá vàng rơi Áo bay theo gió hát lời bình yên Lại có khi là háo hức, là giục giã như nhắc ta phải gấp gáp, phải vội vàng lên để mà chạy đua với chiếc kim thời khắc của tình yêu. Lại có khi là mê đắm, là cuồng nhiệt như bàng hoàng khám phá được bộ mặt khác của tình yêu: Anh đôi mắt tình mù rẽ tìm đường hoan lạc Xác thân em ngơ ngác khi chợt biết thiên đàng Liệu đấy có phải là khuôn mặt đích thực và trọn vẹn nhất của tình yêu? Liệu loài người có tìm đến tình yêu như tìm đến những thiên đàng ái ân, như tìm đến những hoan lạc của cuộc sống? Chắc không ai biết rõ câu trả lời hơn nàng thơ của chúng ta. Trong những trang thơ của Như Thương, ta còn gặp những câu thơ liêu trai, những câu thơ chập chờn giữa mộng và thực, như tình yêu vẫn luôn luôn là điều gì bí ẩn. Tưởng em ở chốn này ngờ đâu là kiếp trước để áo em tha thướt về gối mộng đêm nay Những câu thơ như được phủ lên một lớp sương mù huyền hoặc. Huyền hoặc tựa hồ những bông hoa hạnh phúc mà ta chỉ có thể ngắm nhìn từ xa chứ không sao lại gần được. Huyền hoặc tựa hồ những kẻ yêu nhau có vươn tay về phía nhau nhưng không sao chạm tay vào nhau được. Thật kỳ lạ, tình yêu dường như không bao giờ cũ, không bao giờ già, không bao giờ có tuổi. Sau bao mùa tang thương dâu bể, sau bao nhiêu giông tố dập vùi, người ta vẫn luôn luôn muốn được đi lại từ đầu, muốn được sống thêm một lần nữa “một thời để yêu”, muốn được yêu thêm một lần nữa bóng hình nào đã đi qua đời mình. Như là câu hát trong một tình khúc nào, “Tôi sẽ về lại để yêu em thêm một lần nữa”... * * * Thôi thì, anh – cánh chim bay Em tà áo mỏng theo mây nghìn trùng Ngắm trong gương lược ngỡ ngàng Nhìn theo mây tóc vội vàng chia xa… Cho em giữ tóc tơ mềm buộc tình xưa ấy êm đềm bên anh Biết đâu vạt cỏ thiên thanh mai kia lặng lẽ hoá thành vàng thu Những câu lục bát ấy ở trong bài “Vàng thu” của Như Thương. Nghe những tình ý và âm điệu của bài thơ, chúng ta như nghe đọng lại một chút vấn vương, một thoáng ngậm ngùi. Ngậm ngùi như cánh chim đã bay mất, như ngày vui qua mau, như những khoảnh khắc hạnh phúc thật ngắn ngủi. Dẫu sao cũng cám ơn Như Thương, cám ơn những câu thơ tựa hồ những khúc nhạc êm dịu làm lay động những trái tim, làm đẹp thêm cho những mối tình. Cầu cho tình yêu không còn là nỗi cách chia, để cho những đôi tình nhân trên đời này có đủ bốn mùa yêu nhau, và mãi mãi được gần bên nhau… (Lê Hữu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét