Trang

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2010

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cảnh báo Việt Nam về mức thâm hụt ngân sách cao

Vào hôm nay, 09/06/2010, tại Rạch Giá (Kiên Giang), Các Nhà Tài Trợ đã khai mạc Hội Nghị Nhóm Tư Vấn Giữa Kỳ nhằm góp ý kiến cho Việt Nam trên Chiến Lược Phát Triển Kinh Tế Xã Hội 2011 - 2020 và Kế Hoạch Phát Triển 2011 - 2015. Nhân dịp này, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã lưu ý Việt Nam về mức thâm hụt ngân sách quá cao, trong lúc Ngân Hàng Thế Giới yêu cầu Việt Nam minh bạch hơn trong vấn đề thông tin kinh tế. Theo Ngân Hàng Thế Giới ngày 09/06/2010, đồng tiền Việt Nam đang khôi phục uy tín. Reuters Trong bản thông cáo kết thúc ngày họp, Các Nhà Tài Trợ cam kết ủng hộ Việt Nam và hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục "cải cách sâu rộng để hoàn thành chương trình cải tổ của một nước phát triển thấp và trở thành một quốc gia thu nhập trung bình một cách vững chắc". Ngân Hàng Thế Giới, thay mặt Nhóm Tư Vấn, công nhận những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong việc hỗ trợ tăng trưởng và đảm bảo ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, theo Ngân Hàng Thế Giới, các nhà tài trợ " cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công khai kịp thời các thông tin kinh tế chính và diễn giải rõ ràng các định hướng chính sách nhằm củng cố niềm tin của thị trường". Riêng Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đă yêu cầu chính phủ Việt Nam giám sát chặt chẽ các khoản chi tiêu công. Theo Đại diện của IMF, thì thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong năm 2009 đã lên tới 9% GDP, theo cách tính của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức Việt Nam công bố chỉ là 6,9% GDP. Đối với IMF, rõ ràng đó là một mức thâm hụt "lớn" và "không bền vững". Trên cơ sở đó, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế "khuyến nghị Chính phủ cam kết bám sát kế hoạch chi ngân sách 2010 để đảm bảo chính sách tài khóa bền vững". Về phần Ngân Hàng Thế Giới, định chế này ghi nhận sự kiện đồng tiền Việt Nam đang được tín nhiệm trở lai, nhưng lại tiếc rằng lẽ ra việc đó có thể đến sớm hơn nếu chính quyền minh bạch hơn trong thông tin kinh tế. « Lòng tin vào đồng bạc Việt Nam đang dần trở lại ». Ngân Hàng Thế Giới đã nhận xét như trên trong bản báo cáo chuẩn bị cho Hội Nghị giữa kỳ Các Nhà Tài trợ cho Việt Nam. Sự kiện này diễn ra sau một năm đồng bạc Việt Nam bị áp lực nặng nề, và tin đồn về việc đồng tiền này tiếp tục bị phá giá được tung ra liên tục. Đối với Ngân Hàng Thế Giới, việc đồng tiền Việt Nam được tín nhiệm trở lại sẽ giúp giá trị đồng Việt Nam gia tăng so với đô la và thu hút giới đầu tư trong nước. Một hệ quả tich cực là tỷ giá đồng bạc Việt Nam và đồng đô la Mỹ trên thị trường tự do không còn quá chênh lệch so với hối suất chính thức. Xin nhắc lại là Chính quyền Việt Nam đã phá giá đồng bạc bốn lần trong vòng hai năm qua, và tỉ giá ngoài thị trường tự do trong thời kỳ vừa qua có khoảng cách khá xa so với mức sàn được ấn định cho các ngân hàng. Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, đồng bạc Việt Nam đang ổn định ở mức thấp hơn 5% so với mức đỉnh một đô la đổi được 20.000 đồng trên thị trường tự do trước đây. Tỷ giá không chính thức hôm nay (09/06) chẳng hạn ngang ngửa với hối suất chính thức trên thị trường liên ngân hàng là 18.960 đồng ăn 1 đô la. Hối suất bình quân từ lần phá giá hồi tháng hai đến nay là 18.544 đồng. Nhìn chung, báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới đánh giá là Việt Nam đã xoay sở « tương đối tốt » trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, theo định chế tài chánh quốc tế này thì những mối hoài nghi, hiểu lầm về chính sách kinh tế của Việt Nam vẫn tồn tại và tác hại đến phát triển. Vấn đề, theo Ngân Hàng Thế Giới, là thái độ nghi ngại lại chủ yếu xuất phát từ chính sách thông tin chưa thỏa đáng của chính phủ. Chính vì vậy mà Việt Nam đã không hưởng lợi được qua việc nguồn vốn quốc tế quay trở lại khu vực, như tại một số nước khác. Cũng theo Ngân Hàng Thế Giới, lòng tin vào đồng tiền Việt Nam lẽ ra đã được khôi phục sớm hơn nếu có thông tin tốt hơn về các chính sách, và nếu chính quyền minh bạch hơn về dự trữ ngoại hối của Việt Nam, vốn đã cạn bớt phần nào do các biện pháp kích cầu, nhưng lại được giữ kín như là bí mật quốc gia. Liên quan đến dự trữ ngoại hối của Việt Nam, hôm nay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã xác đinh rằng lượng ngoại tệ của Việt Nam, dù đã tăng thêm 1 tỷ đô la, nhưng vẫn chỉ bảo đảm được khoảng 7 tuần lễ nhập khẩu mà thôi. Thụy My / Trọng Nghĩa (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét