Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2010

Phúc âm Chúa Nhật XIII Q.N (27/06/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng chủ đề "Sự chọn lựa" qua Linh Mục Giuse Nguyễn Đình Trung, C.Ss.R NGƯỜI KHÔNG NHÌN LẠI Cha Mark Link, S.J. Chủ đề: "Bí quyết để không nhìn lại là hướng về Đức Giêsu" Vào năm 1924, ông Eric Liddell là lực sĩ chạy bộ 100 thước nhanh nhất nước Anh. Ai ai cũng tin rằng ông sẽ giựt huy chương vàng Thế Vận Hội ở Balê vào năm đó. Nhưng đột nhiên có vấn đề làm xôn xao dư luận. Khi chương trình Thế Vận Hội được quảng bá, cuộc chạy đua 100 thước lại xảy ra vào ngày Chúa Nhật. Với ông Eric, giới răn "giữ ngày Chúa Nhật thánh thiện" có nghĩa ông không được chạy đua vào ngày Chúa Nhật. Ông thật buồn. Khi tin đồn khắp nơi là ông Eric sẽ không dự cuộc đua 100 thước, bao nhiêu áp lực đổ lên ông. Ngay cả Hoàng Tử xứ Wales cũng cố can thiệp vào lương tâm của ông. Khi ông quyết định từ chối tham dự cuộc đua, báo chí Anh quốc gọi ông là kẻ phản quốc. Nhưng ông Eric vẫn từ chối không muốn đi ngược với điều ông tin tưởng. Ông gặp các huấn luyện viên và đề nghị một toán lực sĩ sẽ thay ông chạy đua 100 thước. Còn ông sẽ tham dự cuộc đua 400 thước, dù rằng chưa bao giờ trong đời ông tham dự loại này. Để rút ngắn câu chuyện, không những ông Eric đã đoạt huy chương vàng cuộc đua 400 thước mà toàn đội của ông cũng đoạt huy chương vàng cuộc đua 100 thước. Thay vì chỉ được một huy chương vàng, các lực sĩ chạy đua của nước Anh đã đoạt được hai huy chương vàng. Một vài năm sau Thế Vận Hội, ông Erich làm thế giới ngạc nhiên khi ông tình nguyện sang Trung Quốc truyền giáo. Sau đó, người yêu của ông cùng tham gia với ông. Họ kết hôn và có được ba người con xinh đẹp. Sau đó Thế Chiến II xảy ra, khi nước Nhật tham dự cuộc chiến, ông Eric đưa gia đình sang Gia Nã Đại. Sau đó không lâu, Nhật xâm lăng Trung Quốc. Ông Eric bị bắt và bị đưa vào trại tập trung của Nhật. Ở đây ông tiếp tục sứ vụ, làm việc với các tù binh khác. Một vài năm sau, ông từ trần một cách anh hùng trong trại tù. Sau cái chết của ông, vợ ông nhận được rất nhiều lá thư nói về cử chỉ anh hùng của ông Eric khi ở trong trại. Trong các thư khác, có hai người viết là nhờ ông Eric mà họ đã không tự tử. Vào năm 1980 có người muốn thực hiện cuốn phim về ông Eric và Thế Vận Hội 1924. Khi vợ ông nghe được, lúc ấy bà đang sống ở Toronto, bà nói, "Có ai để ý đến một biến cố xảy ra đã quá lâu về một người không muốn chạy đua vào ngày Chúa Nhật chỉ vì đức tin Kitô Giáo?" Kết quả không ngờ là cả hàng triệu người muốn lưu ý. Cuốn phim, được gọi là Chariots of Fire, không chỉ phá kỷ lục số vé bán mà còn chiếm Giải Academy năm 1982. Câu chuyện của ông Eric Liddell cho thấy khía cạnh tích cực của lời Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay. Chúa Giêsu nói: "Ai bắt đầu cầy cấy mà còn nhìn lại thì không phục vụ cho Nước Trời." Ông Eric Liddel không bao giờ nhìn lại. Một khi ông đã quyết định theo Chúa Giêsu, ông luôn nhìn tới trước. Ông không bao giờ nhìn lại, ngay cả khi phải đương đầu với áp lực của quần chúng. Ông không bao giờ nhìn lại ngay cả khi bị gọi là kẻ phản quốc. Bí quyết nào giúp ông Eric can đảm không bao giờ nhìn lại? Bí quyết nào giúp ông trung thành với Chúa Giêsu, ngay cả khi phải đương đầu với sự chống đối trùm lấp? Bí quyết này nằm trong sự nhận xét của bà quả phụ Eric khi được tờ Toronto Star phỏng vấn. Nói về ông Erich, bà cho biết, "Ông ta luôn luôn dùng giờ phút đầu tiên, thật sớm của một ngày để đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và hoạch định chương trình trong ngày." Đó, chúng ta đã có bí quyết đằng sau sự can đảm của ông Eric. Đó, chúng ta đã có bí quyết đằng sau sự trung thành của ông đối với Chúa Giêsu. Ông Erich Liddell là một người siêng cầu nguyện. Ông đã có thể luôn cầm lấy cái cầy và không nhìn lại đằng sau vì mỗi sáng ông đều gặp Chúa Giêsu trong sự cầu nguyện. Vào năm 1982, cùng năm cuốn phim Chariots of Fire được Giải Academy, có một bài báo đăng trong tờ Reader's Digest. Bài này nói về một giám đốc quảng cáo người Công Giáo, dù rất thành công, bà vẫn cảm thấy cuộc đời trống rỗng. Một sáng kia, trong cuộc họp với ông cố vấn về tiếp thị, bà đề cập đến sự trống rỗng này. Ông cố vấn hỏi, "Bà có muốn lấp đầy nó không?" "Dĩ nhiên là có," bà trả lời. Ông nhìn thẳng vào mắt bà và nói, "Hãy bắt đầu mỗi ngày với một giờ cầu nguyện." Bà nhìn ông và nói, "Này ông Don, ông không đùa đấy chứ. Nếu tôi làm như vậy thì còn thời giờ đâu để nghỉ ngơi." Ông mỉm cười và nói, "Đó cũng là điều mà tôi đã nói cách đây 20 năm." Sau đó ông nói thêm vài điều khiến bà phải suy nghĩ. Ông nói, "Bà chỉ muốn Thiên Chúa phải phù hợp với chương trình của bà. Thật ra, bà phải thay đổi cuộc đời bà theo chương trình của Thiên Chúa." Bà rời cuộc họp trong sự bối rối. Mỗi sáng bắt đầu bằng sự cầu nguyện sao? Mỗi sáng bắt đầu bằng một giờ đồng hồ cầu nguyện sao? Tuyệt đối không thắc mắc! Dù vậy, vào sáng hôm sau bà đã thi hành đúng như vậy. Và kể từ đó trở đi bà luôn luôn cầu nguyện vào sáng sớm. Bà thú nhận là lúc đầu điều đó không dễ. Có những sáng bà cảm thấy bình an và vui sướng. Nhưng cũng có những sáng bà chẳng thấy gì ngoài sự buồn chán. Và chính những sáng mệt mỏi này bà nhớ lại những điều mà ông cố vấn tiếp thị đã nói: "Có những lần khi tâm trí bà không muốn đi vào cung thánh của Thiên Chúa. Đó là khi bà phí một giờ đồng hồ trong phòng chờ đợi Thiên Chúa. Tuy nhiên, bà vẫn cố ở đó, và Thiên Chúa quý trọng sự cố gắng của bà. Điều quan trọng là lời hứa." Câu chuyện của ông Eric Liddell và bà giám đốc quảng cáo đã thách đố chúng ta. Chúng ta không thể chỉ nghe qua những câu chuyện này và không cảm thấy một tiếng nói bên trong mời gọi chúng ta thi hành điều gì đó tương tự trong đời sống chúng ta. Nếu chúng ta có khó khăn khi phải để ý đến Chúa Giêsu, nếu chúng ta có khó khăn nắm chặt cái cầy và đừng nhìn lại đằng sau, nếu chúng ta cảm thấy cuộc đời trống rỗng, có lẽ chúng ta phải nghĩ đến lời hứa hằng ngày với Chúa Giêsu. Lời hứa đó phải là gì? Không ai có thể trả lời câu hỏi đó cho chúng ta. Chúng ta phải tự trả lời. Nhưng chúng ta phải thi hành điều gì đó. Như ông cố vấn tiếp thị đã nói, "Điều quan trọng là lời hứa." Hãy kết thúc bằng lời cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin dạy con biết quảng đại. Xin dạy con biết phục vụ Chúa cách xứng đáng; biết cho đi mà không quan tâm đến giá cả; biết tranh đấu mà không để ý đến thương tích; biết cần cù mà không tìm sự an nhàn; biết lao nhọc và không tìm phần thưởng, ngoại trừ được biết là con đang thi hành thánh ý Chúa." HY VỌNG & QUYẾT TÂM Pt. Giuse Trần Văn Nhật Nghe bài giảng này Có hai thanh niên đi xem đá banh và ngồi đằng sau hai nữ tu. Hai anh cảm thấy khó chịu về sự hiện diện của hai chị và họ than phiền vì bị cản trở bởi khăn chụp đầu của hai chị. Một anh lớn tiếng nói, "Tớ sẽ sang Phoenix. Ở đó chỉ có 15% người Công Giáo." Anh kia nói, "Còn tớ sẽ sang Dallas. Ở đó chỉ có 5% người Công Giáo." Một trong hai chị quay lại, nhỏ nhẹ nói, "Sao các anh không xuống hỏa ngục đi--ở đó không có người Công Giáo nào cả!" Có lẽ mọi người chúng ta đều ao ước lời nhận xét của nữ tu ấy là sự thật. Và chắc chắn sẽ là như vậy - sẽ không có người Công Giáo nào trong hỏa ngục - nếu chúng ta trung thành tuân giữ lời Chúa Giêsu đã nói trong bài Phúc Âm hôm nay, "Ai đã tra tay cầm cầy và còn nhìn lại những gì sau lưng thì không xứng với vương quốc Thiên Chúa" (Lc 9:62). Chúa Giêsu muốn mọi người chúng ta lên thiên đàng! Chúa muốn mọi người chúng ta là tín hữu Kitô gương mẫu, những người sống với một mục đích duy nhất, đó là xây dựng vương quốc Thiên Chúa ngay tại đây và ngay tự bây giờ. Dĩ nhiên, sứ vụ đó không dễ. Nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy được tầm quan trọng của sự quyết tâm. Bài phúc âm hôm nay còn cho chúng ta một cái nhìn rõ rệt về sự quyết tâm và sự hy vọng. Chúng ta trở nên người Công Giáo với hy vọng được cứu độ. Chúng ta đọc Kinh Thánh để tìm kiếm một Thiên Chúa thật. Chúng ta suy gẫm lời Chúa để tìm hiểu ý nghĩa đối với chúng ta. Và thật hạnh phúc dường nào khi chúng ta được rửa tội làm con cái Chúa. Chúng ta cảm thấy ngập tràn ơn sủng với dầu Thêm Sức trên đầu. Chúng ta như ngất ngây khi được rước Mình và Máu Thánh Chúa. Trong những giây phút đó, chúng ta cảm thấy mình giống như một người trong bài phúc âm hôm nay nói với Chúa Giêsu "Con sẽ đi theo Thầy bất cứ đâu" (Lc 9:57). Chúng ta hy vọng rằng Chúa sẽ chào đón chúng ta, ôm lấy chúng ta và cảm ơn thiện chí của chúng ta, nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay đem lại cho chúng ta một điều quan trọng hơn nữa: Người không muốn chúng ta sống trong ảo tưởng. Chúa nói, "Con chồn có hang và chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu." Chúa muốn chúng ta phải cẩn thận nếu chúng ta muốn theo Chúa để được giầu có, hay tiếng tăm, hay quyền bính, bởi vì một khi chúng ta tìm kiếm các giá trị trần tục, chúng ta sẽ mất mục tiêu là vương quốc Thiên Chúa mà nó quá quan trọng đến độ Chúa Giêsu đã nhắc nhở đến hơn một trăm lần trong các phúc âm. Vương quốc Thiên Chúa hay nước trời là một điều rất khó hiểu nên Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để diễn tả nước trời, tỉ như dụ ngôn Kho Tàng chôn giấu trong thửa ruộng, dụ ngôn Hạt Ngọc Quý, dụ ngôn Người Gieo Giống và Hạt Giống, dụ ngôn Men Bột (x. Mt. 13) , dụ ngôn Hạt Cải (x. Mc 4:30-32). Theo các dụ ngôn này, Nước Trời là điều gì đó đã khởi sự ngay trong đời này và sẽ tiếp tục cho đến đời sau, và thật may mắn, Thánh Phaolô đã diễn tả các đặc tính Nước Trời cho chúng ta. Ngài nói với tín hữu Rôma, "Nước Trời không phải là vấn đề ăn uống, nhưng là sự công chính, bình an và niềm vui trong Thánh Thần" (Rom. 14:17). Sự công chính theo tiếng Hy Lạp là "dikaios" và nó có nhiều ý nghĩa, nhưng bây giờ chúng ta chỉ chú ý đến ba đặc tính của nó là sự tương giao, sự trong trắng và sự thánh thiện. Chúng ta phải có sự tương giao tốt đẹp với Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta phải sống không tì ố xứng với phẩm giá là con cái Thiên Chúa, và chúng ta phải trở nên thánh thiện. Khi cố gắng đạt được sự công chính, chúng ta có sự bình an, là đặc tính thứ hai của Nước Trời. Bình an không phải là thiếu vắng chiến tranh, nhưng bình an là "shalom" theo tiếng cổ Do Thái, nó có nghĩa sự no thỏa của linh hồn, tâm trí và thể xác. Khi chúng ta bình an, chúng ta sống hài hòa với Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta không còn ao ước gì khác hơn là Thiên Chúa. Bình an tuyệt đối chỉ có ở thiên đàng. Ở đời này, ai có được sự bình an thì không còn nô lệ cho vật chất vì họ đã được no thỏa về linh hồn, tâm trí và thể xác—tuy không tuyệt đối nhưng phần nào họ đã chế ngự được lòng ham muốn vật chất của mình. Khi làm chủ được con người, đó là niềm vui trong Thánh Thần. Niềm vui trong Thánh Thần không phải là một ảo tưởng, hay thuần túy tâm lý. Chúng ta biết được điều này là nhờ các nhà truyền giáo. Họ phiêu lưu đến các quốc gia xa xôi, dù biết trước là sẽ có nhiều gian khổ đang chờ đợi họ, nhưng họ vẫn cứ đi. Làm thế nào họ có thể sống như vậy? Dĩ nhiên, họ là người can đảm, nhưng trên thực tế, không ai có thể sống mà không có niềm vui, dù là vật chất hay tinh thần, và chắc chắn rằng niềm vui của các nhà truyền giáo không bởi sự tiện nghi vật chất, vậy từ đâu? Câu trả lời duy nhất là từ việc làm chủ được con người của mình, đó là một niềm vui rất thật và rất có giá trị mà Thánh Phaolô nói trong bài đọc hai hôm nay: "Vì sự tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta; vậy hãy đứng vững và đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa. Vì anh chị em đã được mời gọi để hưởng sự tự do. Nhưng đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau" (Gal 5:1, 13). Chúng ta theo Chúa Giêsu với hy vọng được ơn cứu độ, nhưng sự hy vọng đó không lấy đi trách nhiệm của chúng ta. Để chu toàn bổn phận, chúng ta cần sự quyết tâm, và giữa sự quyết tâm và hy vọng có sự khác biệt lớn lao. Chúng ta sẽ minh họa sự khác biệt này bằng câu chuyện có thật của những người đã sống sót trong một tai nạn phi cơ xảy ra vào tháng Mười năm 1972 trong rặng núi Andes —đó là các cầu thủ trung học người Uruguay sang tham dự trận đấu banh bầu dục (rugby) ở Chí Lợi. Chiếc máy bay mang tên là Fairchild và bị rớt vì các phi công đã báo cáo sai vị trí. Họ tưởng đã bay được sang bên kia rặng núi nhưng thực sự thì máy bay vẫn còn ở bên này triền núi, nên thay vì đáp xuống phi đạo, họ đã đâm vào sườn núi đầy tuyết. Chỉ có ba mươi hai người sống sót. Tất cả đều không chuẩn bị cho cao độ này. Ban đêm, nhiệt độ xuống dưới mức đông đá mà quần áo của họ là để dùng cho mùa thu. Chiếc máy bay lại bị đứt đuôi, để hở một khoảng trống thật lớn nên dù ở bên trong lòng phi cơ họ vẫn lạnh cóng. Tuy vậy, họ yên tâm chờ đợi được cấp cứu vì nghĩ rằng đã báo cáo đúng vị trí. Họ tìm được một chiếc rađiô nhỏ để lắng nghe tin tức, và khi biết rằng công cuộc cấp cứu đã bắt đầu, họ hy vọng từng ngày một. Sau mười một ngày, tin tức từ rađiô cho biết việc cấp cứu đã bị chấm dứt vì nhóm cấp cứu không tìm thấy vết tích gì cả. Tất cả nhóm sống sót khi nghe tin này họ đã thực sự tuyệt vọng, ngoại trừ một người là Nando Parrado, 23 tuổi, anh nhất quyết tìm đường trở về. Anh không biết chỗ rớt máy bay là ở đâu, cách thành phố bao xa, hoặc nằm về hướng nào. Anh biết Chí Lợi là ở hướng tây, nhưng giờ đây núi chắn chập chùng. Anh ở một cao độ thường xuyên tuyết phủ và quần áo của anh thật mỏng manh so với giá rét. Ngay sau khi được biết cuộc cấp cứu bị cắt đứt, Nando nói, "Đây là một tin tốt cho chúng ta". Tại sao tốt? Là vì anh không còn trông chờ vào toán cấp cứu mà tập trung vào việc tự cứu lấy mình. Nhưng nhiều người đã thực sự tuyệt vọng, họ không muốn vượt qua đồi núi chập chùng tuyết trắng để đi tìm sự sống. Nando rủ thêm một người bạn nữa là Roberto Canessa, 19 tuổi, lên đường tìm về đồng bằng. Động lực chính thúc đẩy Nando là tình yêu của anh dành cho người cha, đang ở nhà ngóng đợi, vì mẹ và em của anh đã chết trong tai nạn này. Anh biết cha anh cần đến anh. Sau chín ngày, Nando và Roberto đã đến chân núi và họ gặp được một nông dân Chí Lợi, và sau đó họ đã được cấp cứu. Kể từ khi chiếc máy bay gặp nạn cho đến lúc được cấp cứu, những người sống sốt đã phải trải qua 72 ngày kinh hoàng, thiếu thốn đủ mọi thứ. Tất cả là 45 người, bây giờ chỉ còn 16 người sống sót nhờ sự quyết tâm của Nando. Sau này, Nando cho biết, "Khi tôi đứng trên đỉnh núi cao 12,000 bộ với Roberto Canessa, nhìn xuống các ngọn núi trắng xoá đầy tuyết ở chung quanh, tôi biết chúng tôi sẽ chết. Tuyệt đối không còn cách nào khác. Và rồi chúng tôi quyết định phải chết như thế nào: chúng tôi sẽ tiến về phía mặt trời ở phương tây." Hai năm sau, câu chuyện anh hùng của hai người đã được viết thành sách lấy tên là Alive, và vào năm 1994, một cuốn phim được thực hiện với cùng một tên này. Sự quyết tâm thì khác với sự hy vọng. Nó không xinh đẹp. Nó không dễ chịu. Nhưng nó hữu hiệu hơn sự hy vọng. Đó là điểm mà Chúa Giêsu muốn nói trong bài đọc hôm nay. Người không muốn chúng ta chết trong sự hy vọng cứu độ, nhưng phải quyết tâm đạt được điều đó. TINH THẦN SIÊU THOÁT Linh mục Inhaxiô Trần Ngà (Suy niệm Tin Mừng Lu-ca (Lc 9, 51-62) trích đọc vào Chúa Nhật 13 thường niên) Một vị linh sư Ấn-độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông thì có một thanh niên giàu sang đến xin làm đệ tử. Anh ta tiến đến và cung kính đặt dưới chân vị linh sư hai viên ngọc quý như một lễ vật nhập môn. Vị linh sư mở mắt, thấy hai viên ngọc long lanh dưới chân mình, chẳng nói một lời, cầm lấy một viên ném thẳng xuống sông. Hết sức ngỡ ngàng và tiếc nuối, chàng thanh niên vội nhảy xuống sông và lặn xuống đáy cố tìm cho bằng được viên ngọc quý nhưng suốt cả ngày hì hụp ngoi lên lặn xuống hao hơi nhọc công, viên ngọc vẫn biệt tăm. Chiều đến, với vẻ mặt thất vọng, chàng đến gặp vị linh sư để xin chỉ đích xác nơi mà ngài đã ném ngọc xuống để may ra tìm lại dễ hơn. Bấy giờ vị linh sư cầm lấy viên ngọc thứ hai ném thẳng xuống sông và nói: “Ta đã ném nó vào đúng chỗ nầy.” (dựa theo Cha Anthony) Bấy giờ chàng thanh niên chợt hiểu ra rằng bài học đầu tiên mà vị linh sư dạy anh là: muốn trở thành môn đệ của ngài thì điều kiện tiên quyết là phải có tinh thần siêu thoát, phải sẵn sàng dứt bỏ mọi dính bén với của cải thế gian. Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cũng dạy cho những ai muốn trở thành môn đệ của Người cũng phải có một tinh thần siêu thoát tương tự, chủ yếu là siêu thoát đối với ba sự việc sau đây: Thứ nhất: siêu thoát đối với những tiện nghi và của cải “Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Chúa Giê-su: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." Với những lời nầy, Chúa Giê-su cảnh báo rằng: ai muốn theo Người thì trước hết phải lượng sức mình: Có đủ siêu thoát để chấp nhận cuộc sống thiếu thốn như Người, ngay cả chỗ tựa đầu cũng chẳng có chăng? Thứ hai: siêu thoát đối với những trói buộc trần thế để ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng. Rồi Chúa Giê-su lại gặp một người khác và cất tiếng mời gọi: "Anh hãy theo tôi. Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." Đức Giê-su muốn anh siêu thoát khỏi trói buộc nầy nên bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa." Tất nhiên Chúa Giê-su vẫn đề cao việc thờ cha kính mẹ (Mc 7,10), nhưng qua lời dạy nầy, Người đòi hỏi ai muốn trở thành môn đệ của Người phải dành ưu tiên tuyệt đối cho việc loan báo Tin Mừng, còn việc chăm sóc phụng dưỡng ông bà, mai táng cha mẹ tất nhiên đã có anh em họ hàng ở nhà chung lo. Thứ ba: siêu thoát khỏi những tình cảm riêng tư để dốc hết tâm lực cho việc loan báo Tin Mừng. Đi thêm chặng nữa, Chúa Giê-su gặp một người khác tình nguyện theo Người: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã." Đức Giê-su bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa." Với người nầy, Chúa Giê-su kêu gọi phải siêu thoát khỏi những mối tình cảm gia đình để thảnh thơi lo việc xây dựng Nước Thiên Chúa. Đã xông pha lên đường phụng sự Nước Trời mà còn vấn vương những mối tình cảm riêng tư thì chẳng khác chi “đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau”. *** Những mối ràng buộc do của cải tiền tài, do những mối tình cảm riêng tư… như những chiếc vòi của con bạch tuộc khổng lồ huyền thoại, cuốn chặt lấy những chiến sĩ của Tin Mừng, không để cho họ xông pha lên đường phụng sự lý tưởng cao đẹp. Khi kêu gọi người môn đệ siêu thoát đối với của cải tiện nghi và những ràng buộc của những mối tình cảm hẹp hòi, Chúa Giê-su mong muốn những ai dấn thân phụng sự Nước Trời hãy can trường chặt đứt những chiếc vòi quỷ quái đó hầu có thể thảnh thơi thi hành sứ vụ. Cần thật nhiều ơn Chúa, cần có nhiều bản lãnh và nghị lực bản thân mới có thể thực hiện được những đòi hỏi khó khăn nầy. Lạy Chúa, xin luôn ở bên chúng con, đồng hành với chúng con và cùng chiến đấu với chúng con. Amen. HẠNH PHÚC CỦA TỪ BỎ L.m Giuse Hoàng Kim Toan Chắc chắn khi Chúa Giêsu đề nghị những người theo Chúa:” Từ bỏ mọi sự để theo Thầy” là một đề nghị để đi tìm hạnh phúc. Con người muốn sống hạnh phúc nhưng lại tự đeo vào mình quá nhiều ràng buộc làm mất đi hạnh phúc. Hạnh phúc là kết quả của con đường từ bỏ. Trong tâm khảm của con người ước muốn sống hạnh phúc luôn bị những cản trở của cái xấu ràng buộc: “Vải liệm bao thân tôi là khăn liệm bụi bậm và chết chóc, tôi ghét vô cùng, ấy thế mà vẫn cứ yêu thương ôm vào lòng” (28, Lời dâng, R. Tagore). Hạnh phúc ở đâu khi con người đeo đầy trang sức quý mà không gặp được những tình người đích thực, những tình thân không hề tính toán? Hạnh phúc ở đâu khi ngồi trong những nơi sang trọng mà lòng dạ đang tối đen vì những vụ lợi? Những ràng buộc của vật chất ngày càng dầy lên làm teo tóp đi tâm hồn quảng đại. Hạnh phúc của tâm hồn không có ở nơi vật chất chiếm hữu, hạnh phúc chỉ xuất hiện khi đem vật chất phục vụ cho anh chị em mình, những người lầm lũi, nghèo khó. “Suốt ngày vì sống trong chợ đời đông đúc, hai tay tôi đầy lợi tức bán buôn, xin cho tôi luôn luôn cảm thấy là chưa kiếm được gì” (79, Lời dâng, R.Tagore). Hạnh phúc không có, lợi lộc, tay đầy mà làm gì?. Hanh phúc đích thật là khi trao đi. “Vì thương yêu, Người đã trao tôi hết cả thân mình, rồi từ đó trong tôi Người cảm thấy hương ngào ngạt tuyệt vời” (65, Lời dâng, R. Tagore). Hạnh phúc không có ở tâm hồn của những con người chất đầy sầu hận, ghen tuông, ác ý. Hạnh phúc không có ở những nơi cửa miệng ngon ngọt, lòng đầy gian dối; không có trong những lời nói nịnh thần, ton hót. Hạnh phúc xa tầm tay với những người chất đầy điêu ngoa. Hạnh phúc sẽ đến khi “Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi mọi biển lận tầm thường… Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng tâm hồn lên khỏi những ty tiện hàng ngày” (36, Lời dâng, R.Tagore). Hạnh phúc cận kề ngay khi dẹp bỏ những nhỏ nhen. Hạnh phúc, thật đơn giản khi với tâm hồn bình an chiêm ngắm: “ngày lại ngày Người làm cho tôi xứng đáng với tặng vật lớn lao đơn giản. Người ban mà chẳng cần để tôi xin hỏi. Này bầu trời, này ánh sáng, này xác thân, này trí tuệ, này cuộc đời. Cứu tôi khỏi những hiểm nguy của vũng lầy ước muốn” (14, Lời dâng, R. Tagore). Hạnh phúc thật khi lòng không còn gian dối. Hanh phúc không có ở nơi lý trí u mê vì dục vọng, chẳng có ở những lý trí mù quáng, lầm lạc, cũng không có ở nơi lý trí của kẻ kiêu căng. Hạnh phúc trong lý trí tự do của những con người hướng về Thiên Chúa. “Nơi ấy suối lý trí trong veo lượn khúc không lạc lối vào bãi cát ủ dột, hoang vu của tập quán khô cằn, cứng nhắc. Nơi ấy, Cha dẫn tâm trí con vào hành động, vào suy tư mở rộng” (35, Lời dâng, R.Tagore). Hạnh phúc khi lý trí vượt khỏi giới hạn của trần thế để vào trong ý muốn của Thiên Chúa. Hạnh phúc qúa khi hôm nay tôi bắt đầu con đường từ bỏ, từ bỏ như vứt khỏi nơi mình cành cây bị sâu đục không kết trái, hạnh phúc quá khi từ bỏ những ty tiện hằng ngày để gọi những người chung quanh là anh chị em thân tình. Hạnh phúc tràn ngập ngay khi ra khỏi căn nhà tù tráng lệ của mình để đi đến với anh chị em nghèo khó. Hạnh phúc ngay bên mình khi tâm hồn không còn chai cứng, không còn tất bật giữa chợ đời, lấm lét thỏa đầy túi tham. Hạnh phúc khi biết sống đích thực giữa cuộc đời này, mỗi người được là “cây sáo rỗng để Thiên Chúa thổi vào đó giai khúc dịu êm của Người” (R. Tagore) . Tận hưởng hạnh phúc ngay khi từ bỏ. Xin cho con biết từ bỏ mỗi ngày để theo Chúa là nguồn cội mọi bình an và hạnh phúc. “Chỉ mong tôi chẳng còn gì để gọi Người là tất cả của tôi. Chỉ mong ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế trói buộc thân mình vào ý muốn của Người” (34, Lời dâng, R. Tagore). Mong Người lấy đi và mong chẳng còn gì là của con. Amen. XÁC THỊT-THẦN KHÍ Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R. Trong một cuốn sách nói về tu thiền tại Nhật, có thuật lại câu truyện sau: Một sư phụ dạy thiền có rất nhiều đồ đệ. Một lần kia, trong một cuộc tụ tập an cư nhập định, một anh đệ tử đã bị bắt quả tang về tội ăn cắp. Việc này được trình lên cho sư phụ với lời yêu cầu trục xuất tên tội phạm. Nhưng vị sư phụ lờ đi, làm như không có gì sảy ra. Mấy hôm sau, người đệ tử kia lại bị bắt tại trận đang khi giở trò chôm chỉa đồ vật của người khác. Vụ việc lại được trình lên, nhưng dường như sư phụ cũng chẳng bận tâm. Điều này làm cho các đệ tử nổi nóng. Họ họp nhau lại, cùng soạn ra một tờ kiến nghị, trình bày hành động xấu xa của tên ăn cắp, và tuyên bố rằng nếu sư phụ không xử tội hắn thì bọn họ sẽ bỏ theo thầy khác hết. Đọc qua tờ kiến nghị, vị sư phụ cho gọi tất cả mọi người đến và nói:”Các anh là những người khôn ngoan. Các anh biết việc nào nên làm và việc nào không nên làm. Các anh có thể đi học với bất cứ vị thầy nào các anh muốn. Còn người anh em đáng thương này, anh ta u mê lầm lạc và thiếu can đảm tránh xa điều xấu. Nếu tôi không dạy thì ai sẽ là người dạy anh ta đây? Nếu tôi từ chối thì ai sẽ là người đón nhận anh ấy? Thế cho nên, tôi sẽ giữ người anh em này lại cho dù tất cả các anh có bỏ đi hết.” Một dòng nước mắt tuôn xuống trên khuôn mặt của người đệ tử ăn cắp. Tất cả lòng tham muốn của cải người ta tự dưng biến mất khỏi lòng anh. Nhờ cảm được tấm lòng xót thương mà dòng nước mắt thống hối đã tuôn trào. Thế ra tiến trình hoán đổi con người không nhất thiết là cứ phải kết án, khước từ, hay trục xuất. Sức mạnh có khả năng tái sinh và thăng tiến tâm hồn nhất chính là sức mạnh của tình thương. Chỉ có tình thương, với lòng quảng đại bao dung, cùng sự cảm thông nhân ái mới làm tái sinh và phục hồi những nét đẹp cao quí của tâm hồn con người. “Tình thương thì hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn” (1 Cr 13:7). Đó chính là giáo lý của Đức Kitô. Yêu thương là thứ lửa Ngài mang xuống từ trời cao để đốt lên trong tâm hồn mọi người dương thế, chứ không phải thứ lửa của hận thù trả đũa. Giáo lý thương yêu này bàn bạc nhiều nơi trong Tân Ước, từ dụ ngôn Tình Cha (Lc 15) cho đến Hiến Chương Nước Trời (Mt 5), từ Bài Ca Đức Mến của Thánh Phaolô cho đến lời khuyên muôn thuở của Thánh Gioan. Nhưng nổi bật nhất vẫn là câu chuyện sảy ra nơi một thành dân ngoại. Số là khi biết gần đến ngày rời khỏi thế gian, Đức Giêsu đã quyết định lên đường đi Giêrusalem. Con đường thẳng từ Galilê đến Giuđêa băng ngang thành Samari, nơi những người Do thái tạp chủng cư ngụ. Mối bất hoà giữa người Samari và dân Do thái đã kéo dài từ bao thế kỷ, không chỉ vì lý do đồng chủng, nhưng còn vì quan niệm về nơi thờ phượng: một bên thì bảo chỉ có Giêrusalem mới là nơi thờ phượng chính đáng, bên kia lại cho rằng trên núi Samari cũng là nơi thờ phượng chân thật. Không ai chịu thua ai. Rốt cuộc, người Samari đã tìm mọi cách ngăn cản, có khi còn đã thương những người hành hương đi ngang lãnh thổ của họ. Thế nên chẳng lạ gì khi dân thành Samari “không đón tiếp Đức Giêsu, vì Ngài hướng tới Giêrusalem” (Lc 9:53). Nhưng điều hơi lạ là hai môn đệ thân cận của Chúa Giêsu là Giacôbê và Gioan đã nổi nóng khi bắt gặp thái độ “vô lễ và ngoại đạo” của dân Samari: họ xin Chúa cho phép khiến lửa từ trời xuống tiêu diệt cả thành. Chắc hẳn hai ông đã tức giận vì Chúa. Họ nhớ lại hình ảnh của ngôn sứ Êlia trong cuộc biến hình trên núi Tabor ít ngày trước đó, nên muốn bắt chước ngài xin lửa từ trời thiêu sạch những kẻ thù nghịch. Nhưng Đức Giêsu đã quở trách: “Không biết thần khí nào đã xúi dục các ngươi? Vì Con Người đến không phải để huỷ diệt, nhưng là để cứu sống” (Lc 9:55-56). Chúa Giêsu không đến để kết án, sát phạt, hay loại bỏ, nhưng để tha thứ, chữa lành, và giải thoát. Thái độ của Giacôbê và Gioan có lẽ cũng là thái độ của một vài Kitô hữu, khi vì quá “sốt sắng việc đạo” mà sẵn sàng bất khoan dung với những kẻ chống đối hay trái nghịch lập trường. Họ muốn có biện pháp mạnh, thậm chí cả bạo lực để giải quyết những rào cản bước chân. Nhưng đó không phải là thái độ của Tin mừng. Thái độ của Tin mừng chính là thái độ cao thượng của Đức Giêsu đối với dân thành Samari: nhân hậu với mọi người, ai chưa hiểu mình thì vẫn khoan dung và đối xử tử tế. Đường lên Giêrusalem của Chúa Giêsu là đường tiến đến đỉnh cao của yêu thương cứu độ. Nhưng yêu là khổ và cứu độ tất phải bỏ mình. Từ bỏ cách dứt khoát và quyết liệt là điều kiện rất yếu dành cho những ai muốn trở nên đồ đệ chân chính của Đức Kitô. Chấp nhận số phận bị khước từ đến nỗi không có nơi gối đầu, hết lòng lo việc Nước Trời đến nỗi hy sinh những liên hệ tình cảm gia đình, và can đảm từ bỏ mọi sự để tiến vào con đường thánh giá, hầu mang lại ơn tha thứ và giải thoát, chính là nẻo đường Thầy trò Đức Giêsu đang đi qua. Ngày xưa, khi được ngôn sứ Êlia kêu gọi đang lúc cày ruộng, Êlisê đã lấy ngay chiếc cày của mình để đốt lửa thui các con bò làm bữa tiệc lên đường. Hành động tiêu huỷ tất cả những phương tiện làm ăn sinh sống chứng tỏ một thái độ từ bỏ dứt khoát: quyết không vướng bận để từ nay chỉ sống cho lý tưởng. Đây phải là mẫu gương cho người theo Chúa. Không có sự từ bỏ nào lớn lao và khó khăn cho bằng sự từ bỏ chính mình cũng có nghĩa là tháo cởi những đam mê xác thịt và mặc lấy thần khí mới của tình yêu. Tôi nhớ đến lời nhắc nhở của Thánh Phaolô: “Anh em đừng thoả mãn các đam mê xác thịt… như dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, ma thuật, hằn thù, kình địch, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè đảng, ganh tị, say sưa, chè chén… Nhưng hãy sống theo thần khí với những gì là mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực, hiền từ, tiết độ” (Gl 5:19-23). Nhìn tới trước và bước đi trên nẻo đường do Thần khí dẫn lối là ta đang đắp xây cho đời nền an bình và tình hiệp nhất mà Đức Kitô hằng mong ước. Amen. Mời cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh đáp ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét