Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2010

Phúc âm Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa (06/06/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng Lễ Mình Máu Thánh Chúa qua Linh Mục Đaminh Phạm Trọng Phúc,C.Ss.R LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA (CORPUS CHRISTI) Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R. Nguồn Gốc Ngày Lễ: Vào năm 1246, tại Toà giám mục Liège của Bỉ quốc, người ta thấy có cuộc gặp gỡ bất thường giữa Đức Cha Rôbectô de Thorate và sơ Juliana, một nữ tu khiêm hạ và thánh thiện của Dòng Augustinô. Sơ Juliana đến xin yết kiến vị Giám mục sở tại để dâng lên một lời thỉnh cầu: xin giáo quyền cho thiết lập ngày lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu. Lẽ đương nhiên, vị Giám mục thánh thiện và khôn ngoan Rôbectô đã hỏi vị nữ tu về nguyên nhân hay động lực thúc đẩy làm nên lời thỉnh cầu. Sơ Juliana thành thật trình bày với Đức Cha rằng hồi nhỏ sơ có thấy hình một vầng trăng rằm với một đốm đen trên đó. Mãi về sau, trong một lần hiện ra, Chúa Giêsu đã giải thích cho Sơ Juliana về ý nghĩa của giấc mơ ngày xưa: vầng trăng rằm tượng trưng cho chu kỳ phụng vụ trong năm; đốm đen là vì trong chu kỳ đó vẫn còn thiếu một ngày lễ để vinh danh Thân Mình Cực Thánh của Chúa Giêsu. Theo Sơ Juliana, ngoài Thứ Năm Tuần Thánh, ngày tưởng niệm việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu còn muốn Giáo hội có một ngày khác để tôn kính Mình Máu của Ngài. Kèm với lời giải thích và tỏ bày ý muốn, Chúa Giêsu còn nêu lên ba lý do của việc làm này: thứ nhất, Ngài khát khao niềm tin vào Bí tích Thánh Thể được càng ngày càng vững vàng mạnh mẽ nơi mỗi người Kitô hữu; thứ hai, Ngài ao ước mọi tín hữu múc được sức mạnh thiêng liêng nơi Bí tích Thánh Thể để có thể can đảm thực thi các nhân đức; và thứ ba, Ngài mong muốn người tín hữu có cơ hội sửa chữa cho những phạm thánh và bất kính mà loài người đã gây nên. Dường như được ơn Chúa soi sáng và sắp xếp, nên Đức Cha Rôbectô de Thorate đã lắng nghe và tin tưởng những điều Sơ Juliana nói. Thế rồi, chẳng bao lâu sau, ngài cho thiết lập trong địa phận một ngày lễ kính Mình Thánh Chúa hay còn được gọi là Corpus Christi (tiếng Latinh). Đức Cha cũng đã trình cho Đức Giáo hoàng Ubanô IV về những gì ngài đang thực hiện trong địa phận. Và rồi, đến năm 1264, Đức Ubanô đã cho công bố với Giáo hội hoàn vũ việc chọn ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi làm ngày kính Mình Thánh Chúa cách đặc biệt. Tập quán trên đã được nắm giữ từ thế kỷ 13 cho đến những thập niên gần đây. Sau Công đồng Vaticanô II, một vài sửa đổi đã được thực thi, trong đó lễ Corpus Christi được dời vào ngày Chúa Nhật sau Lễ Chúa Ba Ngôi. Suốt hơn 8 thế kỷ trôi qua, cứ đến ngày lễ Kính Mình Thánh Chúa, khắp nơi, trong nhiều giáo xứ, người ta tổ chức chầu lượt, lôi cuốn biết bao nhiêu giáo hữu đến kính thờ suy tôn Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể. Tuy cũng có những người chống đối và tìm cách loại trừ ngày lễ này khỏi lòng tín hữu, nhưng những cố gắng đó cũng chỉ hoài công. Lịch sử có ghi nhận: trong cuộc Chiến tranh Ba Mươi Ngày bên Châu âu, quân đội Thuỵ Điển đã bao vây một làng Wuerzburg tại Bavaria. Vị quan chỉ huy đã đưa ra nhiều nghiêm lệnh nhằm khống chế dân chúng. Trong đó có lệnh cấm tổ chức rước kiệu trong ngày lễ Corpus Christi sắp đến. Các thầy Dòng Camêlô đang cư ngụ trong làng đã phải đối diện với tình hình tiến thoái lưỡng nan: trong khi Thiên Chúa Cha muốn cử hành ngày lễ tôn kính Con Ngài thì vị chỉ huy quân đội Thuỵ Điển lại ngăn cấm, nếu không muốn bị tử hình. Nhưng cuối cùng các vị tu sĩ đã chọn vâng theo ý Thiên Chúa. Thế là một cuộc rước long trọng với linh mục kiệu Thánh Thể từ nhà thờ qua cổng làng đã diễn ra. Lập tức quân đội được phái đến. Súng ống, gươm giáo dàn ra đe doạ. Không sợ hãi, thầy Agapytus hiên ngang rẽ đám đông tiến lên. Đứng trước hàng quân đang lăm le vũ khí, thầy bảo họ hãy quỳ gối xuống trước Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá. Lạ lùng thay, cả đoàn binh đã đồng loạt quỳ xuống, không ai dám thi hành lệnh phá hoại cuộc rước của quan chỉ huy! Thế là dân chúng lại tiếp tục hồ hởi cung nghinh Mình Thánh Chúa qua các nẻo đường đã định. (x. Homilies, Thomas L. Kemp) Ý Nghĩa Lễ Corpus Christi: Lễ Corpus Christi được lập ra để nhắc nhở với người giáo hữu về một tình mến bao la vô tận. Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban người Con yêu dấu của Ngài, để mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Sự hạ mình từ một Thiên Chúa cao sang xuống mang kiếp người để chia sẻ thân phận khốn cùng và cứu chuộc nhân loại đã là một lối tỏ tình quá sức tưởng tượng. Ấy thế mà, làm như chưa thoả, Thiên Chúa lại còn hạ mình trở thành tấm bánh, vật vô tri vô giác, còn thấp hơn bất cứ một loài thụ sinh nào. Lắm người cảm nhận mình như là quả banh, cây chổi, viết chì trong tay Chúa. Quả là những tâm tình khiêm hạ đáng quí. Nhưng khi so với sự khiêm hạ của Thiên Chúa khi trở nên tấm bánh nuôi dưỡng tâm hồn người ta thì vẫn là một cách biệt không thể đo lường. Thánh Bênađô từng nói: “Tình yêu không phân biệt giai cấp.” Còn Thánh Phêrô Kim khẩu thì viết: “Khi yêu, người ta bất luận giàu nghèo, cũng không màng cân xứng, không ngại khó khăn, nhưng miễn sao thoả lòng ao ước là được.” Một linh mục khác cũng nhận xét rằng khi yêu chẳng ai nói với nhau: “Tôi là con nhà giàu, có bằng tiến sĩ vật lý, còn em chỉ là con bé nhà quê ít học, cho nên em phải biết thân biết phận của mình”. Không thế được! “Không thể có thái độ kênh kiệu như thế trong tình yêu chân thật” (Lm. Nguyễn Khảm, Nghe Trong Thinh Lặng). Đúng hơn, người ta sẽ khiêm tốn hạ mình để chỉ thấy người yêu chính là đối tượng duy nhất và tất cả. Thế ra, vì yêu thương nên Thiên Chúa đã khiêm tốn hạ mình làm người, và hơn thế nữa, Ngài lại còn hạ mình làm thành tấm bánh đơn sơ bé nhỏ cho người ta dễ ăn, hầu được nên một với con người. Nên một là đặc tính của tình yêu. Có yêu nhau người ta mới muốn nên một và sợ bị chia ly. Thánh Anphong từng suy gẫm rằng: “Vì Chúa khao khát ta rước lấy Ngài trong phép Thánh Thể, nên Ngài mời gọi: ‘Hãy đến ăn bánh Ta ban và uống rượu Ta dọn’ (Cn 9:5). ‘Ăn đi hỡi các bạn. Uống đi! Say đi hỡi các bạn yêu dấu’ (Dc 5:1). Chúa mời gọi ta chưa đủ, Ngài còn ra luật buộc ta nữa: ‘Hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Ta’ (Mt 26:26). Và Ngài hứa ban sự sống đời đời cho những ai chịu lấy Ngài: ‘Ai ăn bánh này, thì sẽ được sống đời đời’ (Ga 6:51). Nếu ta không vâng giữ lời Ngài, thì Ngài ngăm đe: ‘Nếu các ngươi không ăn thịt và uống máu Con Người, các ngươi sẽ không có sự sống nơi mình các ngươi’ (Ga 6:53). Tất cả những lời mời gọi, những lời hứa ban, và những lời khuyên răn hiệp cùng ta trong bí tích Thánh Thể, để tình yêu thương được mật thiết hơn”. Kỳ lạ làm sao tình Chúa yêu nhân thế trong Bí tích Thánh Thể! Nhưng có lẽ cũng kỳ lạ không kém khi con người dửng dưng, lạnh lùng và xem thường việc rước Chúa. Không ít người cảm thấy nguội lạnh, chẳng xứng đáng được Chúa ngự vào. Nhưng những người đó hãy ghi nhớ lời Thánh Catarina Xiêna: “Kẻ nói mình nguội lạnh, không dám rước lễ cũng giống như người biết mình bị cảm lạnh mà không chịu đến lò sưởi ấm, ấy thật là dại dột.” Thế nên, càng biết mình nguội lạnh, khô khan, hay hèn yếu, ta càng phải siêng năng đến gần với lò lửa tình thương đang bừng cháy. Các thánh khuyên ta hãy siêng năng rước lễ vì “một lần rước lễ được nhiều ơn ích hơn một tuần ăn chay” (T. Vincentê Phêriê). Nếu không thể rước Chúa cách trực tiếp thì cũng hãy rước lễ cách thiêng liêng. Với lòng ước ao rước Chúa cũng đủ để khử trừ mọi tội nhẹ và giữ gìn ta khỏi các tội trọng rồi. Nếu không thể đi dâng Lễ hàng ngày, thì hãy đọc lên lời nguyện “Rước lễ Thiêng liêng” sau đây để lửa mến Chúa được bừng cháy luôn trong tâm hồn: “Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu. Bởi Chúa hằng muốn kết hợp cùng con trong phép Thánh Thể, nên lòng con khát khao rước Chúa ngự vào lòng con lắm. Song bây giờ con chẳng được rước thật Mình Máu Thánh Chúa, thì ít nữa lại xin Chúa hãy ngự vào lòng con cách thiêng liêng. Lạy Chúa xin hãy ngự vào lòng con”. Xin cho ngày Lễ Corpus Christi đốt lên trong ta ngọn lửa kính mến và lòng khát khao được kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể, hầu sức sống luôn chứa chan và bình an hằng tuôn tràn trong cuộc đời chúng ta. Amen. THÁNG SÁU THÁNH TÂM TÌNH THƯƠNG Linh mục Giacôbê Tạ Chúc. Truyền thuyết dựng nước và giữ nước của Đất Việt với biết bao trang sử hào hùng, nhưng cũng không thiếu những tình cảnh éo le, bi đát trong từng phận người. Nhắc đến chuyện tình gián điệp của Triệu Đà, chúng ta hẳn không quên công chúa Mỵ Châu, với bốn câu thơ quặn xé lòng người: “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu Trái tim lầm lẫn để trên đầu Nỏ thần vô ý trao tay giặc Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”. Trái tim Mỵ Châu đặt sai chỗ, tin nhầm người nên đất nước rơi vào tay giặc. Còn Trái Tim của Đức Giêsu có lầm lẫn không khi Ngài trao cho cả nhân lọai này, với những con người đầy phản bội, vô ơn và vong ân bội nghĩa? Những lần hiện ra với Thánh nữ Margaret Mary Alacoque, sau khi tỏ cho bà thấy Trái Tim rất thánh, Chúa đã phán những lời tha thiết, nung nấu lòng sốt sắng của nhiều linh hồn: “Con hãy xem Trái Tim này yêu dấu lòai người quá bội, không giữ lại gì cho mình, đến nỗi đã hòan tòan cạn kiệt để chứng tỏ cho họ thấy lòng yêu. Đáp lại, Ta chẳng nhận được gì ngòai sự vô ơn tệ bạc, vì những thái độ bất kính và phạm thánh của họ, vì sự nguội lạnh và khinh dể họ dành cho Ta trong Bí Tích tình yêu. Nhưng điều làm cho Ta đau đớn nhất là trái tim của những người tận hiến cho Ta cũng xử với Ta như thế. Vì vậy, Ta xin con dùng ngày thứ sáu sau tuần bát nhật kính Mình Máu Thánh làm ngày tôn vinh Thánh Tâm, hãy rước lễ đền tạ, cùng với một hành vi khổ chế…” Nếu đọc lại các trang Tin mừng của bốn Thánh sử, khi kể lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta dễ dàng nhận ra những lời tâm sự trên của Chúa. Trên con đường ra pháp trường, Chúa Giêsu đã nếm đủ những mùi vị đắng cay, những nhục nhã đầy nước mắt của phận người. Người ta dành cho Chúa không phải là những vinh quang phú quý, mà là những lời thóa mạ, đòn vọt, khạc nhổ, vòng gai và Thập giá, cùng với cái chết giữa những người trộm cướp. Thế nhưng trong Trái tim đầy nhân từ và nhân ái, Chúa vẫn dành cho mỗi người một chỗ, dù là nhỏ bé thôi, nhưng cũng đủ chỗ cho cả con người trên trái đất này. Trên cây Thập tự, giữa những đớn đau về thể xác, cơn đói khát của con người, Chúa vẫn cầu xin sự tha thứ cho những ai xúc phạm đến Ngài. Vâng quả là một tình thương bao la và trên hết mọi tình yêu, Trái tim Chúa, Máu và nước chảy ra từ ngọn giáo vô tình của một anh lính đã như dòng sông dạt dào bao la cuồn cuộn từ trái tim của một Thiên Chúa có tên gọi là TÌNH YÊU. Tháng sáu với những cơn mưa vào hạ, như nhắc nhở cho mỗi người nhớ đến mọi Nguồi mạch và Ân sủng từTrái tim dịu hiền của Chúa Giêsu, một trái tim yêu cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây Thánh Giá để đem ơn cứu độ cho con người. THÁNH THỂ, CON ÐƯỜNG GIẢI THOÁT Linh Mục Đỗ Lực , viết ngày: 10.06.2007 (Lc 9:11b-17) Vấn đề nghèo đói muôn đời vẫn ám ảnh nhân loại. Hiện nay, tình trạng nghèo khổ còn gắn liền với bất công và bất an toàn cầu. Bởi vậy, trong cuộc họp Thượng Đỉnh từ ngày 06.đến 08.6.2007 tại Heiligendamm, vùng biển đông của Đức quốc, các nước G-8 (gồm Đức, Pháp, Anh, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Canada và Nga) đã đặt nặng vấn đề phát triển và tiêu diệt nạn nghèo đói, nhất là tại các nước Phi Châu. Người nghèo cũng là mối quan tâm hàng đầu của Chúa Giêsu và các môn đệ. Họ quan trọng đến nỗi Chúa nhấn mạnh : “Tin Mừng được rao giảng cho người nghèo.” (Mt 11:5) .Không giải quyết được vấn đề nghèo đói, thế giới không thể có hòa bình và tự do đích thực. Nhưng vấn đề lớn lao đó không thể chỉ giải quyết nhờ các giải pháp chính trị và kinh tế thuần túy. Cần đến một giải pháp toàn bộ mới mong giải thoát và nâng con người khỏi nỗi khốn cùng của kiếp nghèo hôm nay. Con người chỉ thực sự làm người khi vươn tới chiều kích Nước Thiên Chúa. CHIỀU KÍCH NƯỚC THIÊN CHÚA Trước khi làm phép lạ hóa bánh nuôi đám đông, Ðức Giêsu đã nuôi họ bằng Lời Chúa : “Người nói với quần chúng về Nước Thiên Chúa,” (Lc 9:11b) vì “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4:4) Lời Chúa xoay quanh “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14:17) Ðó là chiều kích của Nước Thiên Chúa. Chiều kích này vượt qua biên giới trần thế và đi sâu vào nội tâm. Chủ yếu là phải công chính như Cha trên trời (x. Lc 6:36). Ðó là một chiều kích siêu việt, nhưng không siêu thực. Chiều kích ấy trở thành một đòi hỏi khẩn thiết cho bất kỳ kế hoạch cứu đói giảm nghèo nào. Ðể có thể nhìn thấy chiều kích đó, người môn đệ Chúa Kitô phải nhận ra trách nhiệm của mình đối với đám đông. Ðó là lý do tại sao trong phép lạ hóa bánh hôm nay Ðức Giêsu đã truyền các môn đệ phải đích thân đảm trách việc phục vụ quần chúng : "Chính anh em hãy cho họ ăn." (Lc 9:13) Mặc dù đã nghe báo cáo đầy đủ tình hình quần chúng và khả năng hiện tại của các tông đồ, Đức Giê-su vẫn tin tưởng “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.” (Lc 9:16) Người nhận thức đó là những ân huệ Thiên Chúa. Ðức Kitô “cầm lấy,” “ngước mắt lên trời,” “chúc tụng” và “bẻ ra.” Ðó là những dấu chỉ một lương thực khác Chúa Giêsu sẽ làm trong tối Thứ Năm Tuần Thánh. Mỗi cử chỉ đều lặp lại trong đêm lập bí tích Thánh Thể. Như thế, trong phép lạ hóa bánh, Chúa muốn hướng người ta tới một chiều kích siêu việt là chính Mình và Máu Chúa, lương thực cần thiết cho sự sống vĩnh cửu. Như Ðức Giêsu cầm lấy bánh, chúng ta cũng có thể đang nắm chắc những thực tại cuộc sống trong bàn tay. Thế rồi, cùng với linh mục dâng của lễ trên bàn thờ, chúng ta dâng những thực tại đó lên Thiên Chúa. Khi được Thiên Chúa đón nhận, tất cả sẽ mang chiều kích toàn vẹn theo hướng của Người. THÁNH THỂ : TÌNH YÊU GIẢI THOÁT Tấm bánh từ cuộc đời chúng ta chỉ trở nên thân mình Chúa Kitô, khi được trao cho anh em. Chúng ta hãy dành chút thời giờ nhìn Ðức Kitô đang bẻ bánh – Mình Chúa – và ban cho ta. Tấm bánh – Mình Chúa – truyền từ tay này sang tay kia. Tấm bánh được phân phát, chia sẻ, nhân lên gấp bội. Thiên Chúa như bị tổn thương khi được trao vào tay con người. Chúa Giêsu dấn thân. Người chấp nhận chết đi cho anh em mình được sống : chết vì tình yêu … vì tình yêu giải thoát ... Người đã hiến mình. Từ đó, mọi người có thể nhận được sự sống nơi Người. Ðó là trung tâm của mầu nhiệm vượt qua. Khi đón nhận Mình Chúa Kitô, chúng ta trở nên một với Người. Con người đang hiện diện trong tấm bánh trên bàn thờ cùng với Ðức Kitô. Ðó là động lực thúc đẩy ta dấn thân. Cũng như Chúa, cuộc sống chúng ta chỉ đạt tới chiều kích viên mãn, nếu chấp nhận cho tha nhân chiếm hữu hay làm một « tấm bánh bẻ ra cho mọi người. » Làm sao có thể hy sinh như thế, nếu không kết hiệp thực sự với Chúa Giêsu Thánh Thể ? ÐGH Gioan Phaolô II tâm sự : “Thời gian ở lại với Chúa thật là vui thú, được nghiêng mình vào lòng Người như môn đệ yêu dấu (x. Ga 13 :25) và cảm nhận tình yêu vô hạn trong trái tim Người. Nếu trong thời đại này, điểm nổi bật nhất của Kitô hữu là ‘nghệ thuật cầu nguyện,’ từ tình yêu chân thành làm sao chúng ta không cảm thấy một nhu cầu canh tân để ở lại lâu giờ với Chúa Kitô đang hiện diện trong Bí Tích Cực Thánh này ? Anh chị em quý yêu, tôi rất thường có kinh nghiệm nầy và tôi đã múc lấy từ đó sức mạnh, niềm an ủi và sự nâng đỡ.” Nơi Thánh Thể, Ðức Giêsu đích thực ngự giữa chúng ta, như xưa Người hiện diện giữa các môn đệ tiên khởi. Người hiện diện vì yêu chúng ta và muốn chúng ta hiệp nhất với Người trong tình yêu, để tha thứ tội lỗi chúng ta và để cuộc sống mới của chúng ta thăng tiến trong Người. “Bởi đấy, Giáo hội liên lỉ hướng về Chúa đang hiện hiện trong Bí Tích trên Bàn thờ, nơi Giáo hội thấy Người tỏ bày trọn vẹn tình yêu vô biên,” để “Giáo hội múc lấy sự sống từ Chúa Kitô Thánh Thể. Giáo hội được Chúa nuôi dưỡng và soi sáng.” Phải, trong Thánh Thể, mỗi người chúng ta được cải biến nên hình ảnh Ðức Kitô rõ nét hơn, để trong gia đình, xóm giềng, công sở và cộng đoàn, chúng ta có thể chiếu tỏa Chân Lý và Tin Mừng Sự Sống, Tình Yêu và Hy Vọng cho mọi người. Qua chúng ta, chắc chắn Chúa Kitô đến cứu chữa và tác thánh, hiệp nhất và kiện cường tất cả những ai đang sống sát chúng ta. Trong Thánh Thể, chúng ta càng trở nên Thân Thể Ðức Kitô tức Giáo Hội Người, một Giáo hội được sai đi làm Ánh sáng muôn dân, Cột trụ chống đỡ Chân lý và Ánh sáng chiếu soi niềm Hy vọng cho trần gian. Trên đường trần thế, nếu không tham dự bữa tiệc của Chúa, làm sao người Kitô hữu có thể nuôi dưỡng đức tin, chữa lành thương tích, và trung tín đến cùng ? Chỉ có Mình Máu Chúa mới đẩy con người tới mức công chính như Thiên Chúa. Nếu không có lương thực thiên thần, chúng ta sẽ không thể tồn tại và tiến bước trên trần gian. Thực tế, ngày nay có nhiều người khinh thường trước lời mời tham dự bàn tiệc thánh của Chúa. Giáo hội lo ngại trước tình trạng giáo dân không tham dự thánh lễ nữa, nhất là tại Âu châu. Thực ra, mỗi lần dâng thánh lễ, chúng ta hiểu biết kỳ công Ðức Giêsu thực hiện “cho chúng ta và đám đông” được cứu độ. Ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa kêu gọi chúng ta canh tân đức tin. Càng nỗ lực canh tân, chúng ta càng có khả năng đem Tin Mừng đến cho người nghèo. Ðó không phải chỉ là nỗ lực cá nhân nhưng cả cộng đoàn. CHIỀU KÍCH XÃ HỘI TRONG THÁNH THỂ Như thế, ngoài chiều kích thiêng liêng, Thánh Thể còn có tầm ảnh hưởng xã hội. Thực vậy, “trong mỗi Thánh lễ, Chúa mời gọi chúng ta hãy theo sát lý tưởng hiệp thông mà Công vụ Tông Ðồ mô tả như mô hình Giáo hội trong mọi thời đại. Ðó là Giáo hội quy tụ xung quanh các Tông đồ, được Lời Thiên Chúa mời gọi, có thể chia sẻ cả của cải thiêng liêng lẫn vật chất (x. Cv 2:42-47).” Hơn nữa, “không những Thánh Thể là một hình thức diễn tả đời sống hiệp thông trong Giáo hội, nhưng còn là một kế hoạch xây dựng tình liên đới cho toàn thể nhân loại. Trong khi cử hành Thánh Lễ, Giáo hội không ngừng canh tân ý thức mình không những là một “dấu chỉ và khí cụ” giúp cho sự hiệp thông thân mật với Thiên Chúa, mà còn cho sự hiệp nhất toàn thể nhân loại. Khi tham dự thánh lễ, Kitô hữu tìm cách trở nên người cổ động tình hiệp thông, hòa bình và mối liên đới trong mỗi hoàn cảnh. Hơn bao giờ, thế giới đầy nhiễu nhương hôm nay, bắt đầu kỷ nguyên mới với bóng ma khủng bố và chiến tranh bi thương, đang đòi hỏi Kitô hữu học hỏi về hòa bình từ một ngôi trường vĩ đại là mầu nhiệm Thánh Thể. Dù đang nắm trách nhiệm gì trong đời sống xã hội, văn hóa và chính trị, họ đều được đào tạo nên những người cổ động công cuộc đối thoại và hiệp thông từ ngôi trường đó.” Qui tụ và hiệp nhất Giáo hội vẫn còn là bổn phận căn bản và hàng đầu của các môn đệ Chúa Kitô, hôm nay cũng như hôm qua. Chú ý tới những người yếu đuối và nghèo khổ nhất phải là ưu tiên số một. Những người này phải nằm ở trung tâm cộng đoàn, chứ không bị những người khỏe mạnh đẩy ra ngoài lề Giáo hội. Làm sao một cộng đoàn có thể là Giáo hội Chúa Kitô, khi những phần tử chỉ biết tiêu xài và sống cho mình, mà không quan tâm đến những người nghèo của Thiên Chúa ? Người nghèo gồm đủ mọi thành phần hỗn tạp, lạc lõng, rải rác, và vô định hướng. Ðức Giêsu muốn biến họ thành những khách được mời tham dự một đại hội. Từ một “đoàn chiên không có người chăn dắt,” Người muốn làm thành một cộng đoàn tương tự dân Chúa trong sa mạc sống với manna. Người còn muốn qui tụ họ thành một Giáo hội phục vụ và loan báo Tin Mừng, một cuộc hiệp thông vào tiệc cưới Con Chiên thời cánh chung, khi nhân loại vui vẻ quây quần trong bàn tiệc Nước Thiên Chúa. Giáo hội không phải là một tập thể vô tổ chức. Khi muốn nuôi sống muôn dân, Chúa qui tụ các môn đệ và truyền cho họ làm việc có tổ chức : «Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.» (Lc 9 :14) Chúa sai các ông phân phát lương thực cho dân chúng. Các môn đệ đúng là những đầy tớ phục vụ dân Chúa. Khi làm bánh hóa nhiều, Chúa như sai từng tín hữu đi phục vụ, chứ không phải tìm cách hưởng thụ. Ðôi khi họ bị thử thách vì thiếu phương tiện chu toàn những trách nhiệm nặng nề. Nhưng, càng có tổ chức, càng dễ vượt qua những khó khăn trong công cuộc phục vụ. Làm việc bác ái cũng thế. Nếu không có tổ chức, không thể đi xa được. Không phải bất cứ ai thiếu thốn về vật chất đều có thể gộp thành một nhóm với nhãn hiệu «người nghèo» để được trợ cấp như nhau. Nói khác, không nên phát chẩn hoàn toàn cho hết mọi người. Làm thế, công cuộc bác ái sẽ phí phạm rất nhiều. Nên nhớ, khi bữa ăn sắp kết thúc, Chúa truyền các môn đệ đi lượm những vụn bánh vung vãi khắp nơi (x. Lc 9 :17). Kết quả được mười hai thúng đầy, để có thể để bắt đầu một công cuộc khác. Việc bác ái cũng tương tự. Cần thu vén khéo léo, mới có thể cứu nhiều người. Như các tông đồ tổ chức quần chúng theo lệnh Chúa , chúng ta cần phân hạng người nghèo. Có những người nghèo cần được giúp đỡ hoàn toàn. Nhưng cũng có những người nghèo vẫn còn khả năng sản xuất. Chỉ cần được cấp vốn, họ có thể tự nuôi mình và giúp đỡ người khác. Thực tế, người nghèo có thể nâng đỡ người nghèo. Cần khuyến khích họ dùng «số vốn» đã nhận đầu tư vào việc mưu ích cho mình và tha nhân. Ðể có thể vực dậy số lớn người dân nghèo đang chìm đắm trong cảnh túng cực về mọi mặt, cần thành lập một quỹ tín dụng bác ái cho người nghèo. Ðây là công cuộc bác ái thực sự, vì làm cho con người lớn lên trong sự tự tin và tin tưởng lẫn nhau. Từ đó, tinh thần trách nhiệm liên đới nảy sinh. Công cuộc bác ái phải nhằm nâng cao cả thể chất lẫn tinh thần mới thực sự là bác ái. Thực thế, sau mỗi lần Chúa chữa bệnh hay làm phép lạ hóa bánh hay hóa cá, dân chúng đều tôn vinh Thiên Chúa và nhận ra quyền năng lớn lao nơi Ðức Giêsu. Họ vang lời ca tụng Chúa, vì không phải chỉ được thỏa mãn nhu cầu vật chất, nhưng còn được hoàn toàn giải thoát về tinh thần nữa. Chỉ có bác ái toàn vẹn mới làm thay đổi cuộc sống và hướng con người lên tới Chúa. Ngày xưa, khi làm phép lạ hóa bánh, không những Chúa nhằm nuôi dân chúng, nhưng còn đón tiếp, chữa lành và nói cho họ về Nước Trời nữa. Quỹ tín dụng cũng thế, không những giúp dân chúng có kế sinh nhai, mà còn làm cho họ có cơ hội thực tập đức công bình, bác ái, thành thật, trách nhiệm, tương trợ v.v. cần thiết cho công cuộc xây dựng quê hương phồn thịnh và dân tộc hạnh phúc. Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tìm thấy con đường giải thoát trong Bí tích Thánh Thể. Xin Thánh Thể Chúa trở nên nguồn sống, tình yêu và sức mạnh cho chúng con trong cuộc sống hôm nay. Amen. Mời cùng cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa GiêSu qua 3 phút bằng Thánh vịnh đáp ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét