Trang

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2010

Mỹ thoát khỏi khủng hoảng nhanh hơn châu Âu

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner (trái) và đồng nhiệm Đức Wolfgang Schaeuble trong cuộc họp báo tại Berlin, 27/05/2010 Ảnh: REUTERS
Những số liệu kinh tế vừa công bố hôm 01/06/2010 cho thấy kinh tế Hoa Kỳ vẫn nuôi hy vọng phục hồi từ vụ tổng suy trầm toàn cầu năm 2008-2009, trong khi đó châu Âu lại chìm sâu trong vụ khủng hoảng đồng Euro.Vì sao lại có sự khác biệt ấy trong các nền kinh tế công nghiệp hóa của Tây phương ? Sau đây là phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ. Chúng ta đang chứng kiến một chuyện lạ là trong khi thị trường cổ phiếu Mỹ vẫn điêu đứng vì nhiều yếu tố như vụ biến động của khối Euro hay vụ khủng hoảng tại bán đảo Triều Tiên và tại Trung Đông thì sinh hoạt sản xuất thực ở bên dưới lại có vẻ khởi sắc. Trong các thống kê mới công bố có loại "hậu kiểm", chỉ ghi nhận chuyện đã xảy ra trong quá khứ; nhưng hóa đơn đặt hàng chế biến là loại "tiên báo" vì cho thấy trước sinh hoạt sản xuất trong những tháng tới để đáp ứng các đơn đặt hàng này. Nếu theo dõi kỹ thì ta còn thấy lượng sản xuất cho tồn kho đã giảm mạnh và sinh hoạt sản xuất tăng liên tục trong suốt 10 tháng vừa qua. Tuy nhiên, cuối tuần này, thống kê về nhân dụng có thể vẫn còn ảm đạm dù số người có việc làm tạm thời đã tăng do kế hoạch kiểm tra dân số đang tiến hành. Dù thống kê về thất nghiệp là chỉ số hậu kiểm thay vì tiên báo, nó vẫn cho thấy là kinh tế Mỹ có phục hồi thì thất nghiệp vẫn chưa giảm, tương tự như đợt phục hồi của trận suy trầm trước, vào năm 2001. Nói chung thì kinh tế Mỹ đã đụng đáy và bật lên, nhưng còn chậm và còn có thể gặp nhiều bất trắc vì dân Mỹ chưa hoàn hồn, vẫn sợ mất việc và vòi nước tín dụng chưa chảy bình hòa. Tại sao Mỹ phục hồi nhanh hơn Âu Châu ? Nước Mỹ bị vụ khủng hoảng tài chính dồn trong một vụ khủng hoảng chính trị vì cuộc tranh cử lại xảy ra ở giữa một chu kỳ suy trầm cứ sáu bảy năm lại có một lần. Kinh tế Mỹ ra khỏi suy trầm cuối năm 2001 và lại trôi vào suy trầm vào cuối năm 2007 như mọi người đều có thể chờ đợi. Nhưng Mỹ lại bị nạn bể bóng đầu tư và khủng hoảng tín dụng thứ cấp trong năm 2008 khi đang có tranh cử nên các chính trị gia mị dân khai thác để gây hốt hoảng là... bị Tổng khủng hoảng như thời 1929-1933. Vì vậy mới bị suy thoái nặng và lâu hơn nhiều đợt trước, nhưng rồi cũng đụng đáy từ đầu quý ba của năm ngoái. Tai họa chính trị sau đó là chủ trương lợi dụng suy thoái kinh tế mà tiến hành cải tạo xã hội kiểu Obama khiến Mỹ hồi phục chậm hơn và thất nghiệp kéo dài hơn vì tâm lý bất an của thị trường và dân chúng. Một yếu tố quyết định của sự phục hồi là Ngân hàng Trung ương Mỹ đã linh động và táo bạo hạ lãi suất tới số không và thực tế in tiền bơm bạc vào kinh tế tới hai ngàn tỷ đô la, gọi đó là "gia tăng mức lưu hoạt có định lượng", hay quantitative easing, như nhiều ngân hàng trung ương khác cũng đã áp dụng sau đó tại Âu Châu, kể cả Ngân hàng Trung ương Âu châu BCE. Vì sao Âu Châu vẫn chìm trong khó khăn và đồng Euro còn có thể bị khủng hoảng ? Nói chung, kinh tế Âu Châu cũng bị các chứng tật tương tự kinh tế Hoa Kỳ, như bong bóng đầu tư về gia cư địa ốc và cả khủng hoảng tín dụng loại thứ cấp. Sau hai chục năm hồ hởi nhờ Chiến tranh lạnh kết thúc, các ngân hàng tại Tây Âu cũng đã đầu tư với nhiều rủi ro vào các thị trường mới nổi ở Đông Âu và Trung Âu. Trong khi ấy, nhiều nước Nam Âu cũng nương vào đồng Euro mà bành trướng chính sách kinh tế bao cấp với bội chi rất nặng và mắc nợ rất nhiều. Khi nội vụ bùng nổ tại Hoa Kỳ, người ta cứ tưởng Âu Châu bị vạ lây mà không thấy ra những nhược điểm ngay trong nội tạng của mình, nhất là các nước ở miền Nam. Nhìn về lâu dài, ta còn thấy Âu Châu có nhiều tốc độ tăng trưởng khác nhau với các nền kinh tế ở miền Bắc, từ Đức trở lên, đều có kỷ cương về ngân sách và tiến vào giai đoạn hậu công nghiệp. Còn các tỉnh miền Nam thì lạc hậu hơn và tiêu xài vô trách nhiệm. Khi tổng suy trầm toàn cầu xảy ra, Âu châu lại không có cơ chế ứng phó độc lập và linh động như Hoa Kỳ vì mọi quyết định đều phải có sự nhất trí của 27 hội viên Liên hiệp Âu châu hoặc 16 thành viên của khối Euro. Một thí dụ là Ngân hàng Trung ương của Âu châu không thể có quyền xoay trở táo bạo như của Mỹ. Khi Hy Lạp bị nguy cơ vỡ nợ, việc phối hợp giữa toàn khối Euro hay cả Liên Âu lại bị trở ngại vì từng quốc gia đều tính đến quyền lợi của mình và lãnh đạo thì nghĩ tới cử tri ở nhà. Vì vậy mà khủng hoảng tại Hy Lạp gây khủng hoảng cho cả khối Euro lẫn Liên hiệp Âu châu mà cơ chế luật lệ của cả Liên Âu lẫn khối Euro lại không có điều khoản ứng phó cần thiết. Thí dụ như có thể đẩy xứ này hay xứ khác ra khỏi khối Euro không? Hoặc từ nay các nước có phải đệ nạp ngân sách quốc gia cho một cơ chế siêu quốc gia duyệt xét như nước Đức đề nghị không? Một trường hợp rất tiêu biểu là cuộc tranh luận tuần qua giữa Pháp và Đức: giới ngân hàng Đức kết án Pháp là dùng ảnh hưởng trong Ngân hàng Trung ương Âu châu - vì Thống đốc Jean Claude Trichet là người Pháp! - nhằm ưu tiên lấy tiền chung để mua trái phiếu Hy Lạp. Lý do là các ngân hàng Pháp nắm nhiều trái phiếu này nhất nên có thể bị thiệt hại nặng nếu không có sự can thiệp của Ngân hàng Âu châu. Nói nôm na là chính trị quốc gia chi phối khả năng ứng phó quốc tế trong khi các nước miền Nam như Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha đang chìm trong nợ. Hậu quả là Âu châu phải giảm chi mạnh và thị trường tín dụng bị co cụm sẽ càng khó thúc đẩy kinh tế phục hồi trong những tháng tới. May mà giá thương phẩm toàn cầu nói chung là đang hạ, nếu không, Âu châu còn bị tai họa nặng hơn nữa. Trọng Nghĩa (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét