Trang

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2010

Loài diệc lông xám: Dấu hiệu của hệ sinh thái lành mạnh

Có người nói rằng sự xuất hiện của các con chim cổ đỏ là dấu hiệu báo trước mùa Xuân. Thế nhưng có một loài chim khác cũng thường xuất hiện vào lúc thời tiết bắt đầu ấm áp trở lại tại các nước Bắc Bán cầu. Đó là loài diệc lông xám, một động vật được bảo vệ vì trong một thời gian, số lượng loài này đã sụt giảm mạnh. Các chuyên gia cho rằng sự xuất hiện trở lại của loài chim chân cao này là dấu hiệu của một hệ sinh thái lành mạnh hơn. Hôm nay , xin được để gửi đến các bạn bài tường trình của biên tập viên đài VOA Stephanie Hemphill về loài động vật này và tầm quan trọng của việc bảo vệ tính đa dạng sinh học. Một con diệc lông xám bắt cá ở Florida Mời nghe bài viết của đài VOA. Trên một cù lao ở thượng nguồn sông Mississipi, dáng dấp một hàng cây bông vải nổi bật lên trên nền trời màu xám. Những cành cây trụi lá đầy những tổ chim, được xây bằng những nhánh cây con. Gần tổ chim, những con diệc màu xanh đứng thẳng như lính canh đang gác cổng một tòa lâu đài. Những con diệc cao có đến hơn một mét. Hơn một trăm con đứng gác giang sơn của chúng trên những cây bông vải ở một khu vực trên thượng nguồn sông, không xa trung tâm thành phố Minneapolis là bao nhiêu. Khi một con cất cánh rồi bay lượn ra xa, đôi cánh giang dài đến 2 mét của nó che khuất những con vịt trời và những loài chim cùng sống trên cù lao. Khó có thể nhận ra được con nào là con đực hay con cái, bởi vì chúng đều có bộ lông màu xanh xám giống nhau. Bà Sharon Stitler, một nhà nghiên cứu các loài chim nơi sống trong hoang dã, giải thích: “Thường thì những con chim đực đến trước, chúng dàn xếp với nhau xem con nào phải gác tổ nào. Thông thường nếu ta thấy một con chim đang đứng một mình, thì y như rằng nó là chim đực. Nó đứng đấy canh là bởi vì các con chim đực khác có thể bay ngang qua và lấy trộm những nhánh cây con lòi ra từ tổ của nó đem về xây tổ cho đẹp hơn để dụ các con cái.” Trên một số tổ chim, chúng ta có thể trông thấy những con diệc cái đang ấp những quả trứng màu xanh nhạt lớn bằng trái xoài nhỏ. Tuy nhiên bà Stiteler nói các con diệc không phải lúc nào cũng là loài chim thương con. “Nếu các con chim non rơi khỏi tổ và rớt xuống mặt đất, thì kể như con chim ấy đã đến thời mạt vận: cha mẹ nó sẽ không tiếp tục nuôi nó nữa, và vì thế chúng ta thường thấy những con gà tây lượn qua lượn lại quanh các tổ chim. Chúng đang chờ các con chim non rớt xuống đất để trở thành những miếng mồi ngon cho chúng xơi.” Nhưng ít nhất trên cù lao này, không có nhiều loài thú ăn mồi sống như chó sói hay con cáo. Con diệc là một loài chim chân cao, cổ và mỏ dài, lông xám hoặc nâu hung, thường kiếm êăn ở các đồng lầy hoặc ruộng nước. Loài chim này từng bị con người đe dọa. Người ta thường săn bắn những con cò bạch, cùng họ với loài diệc, để lấy những bộ lông trắng tuyệt đẹp. Số lượng diệc và cò bạch nơi hoang đã sụt giảm đáng kể, cho tới khi thuốc diệt sâu DDT bị cấm sử dụng. Giờ đây, người ta lại thấy chúng xuất hiện gần các dòng suối và các sông, hồ ở khắp mọi nơi. Chúng sinh sản ở Canada và phía Bắc vùng Trung Tây Hoa kỳ. Mùa đông, chúng bay đến bất cứ nơi nào có lương thực để kiếm ăn. Các con diệc thường săn mồi, như lời giải thích của bà Stiteler sau đây: “Chúng rất là kiên nhẫn. Chúng cứ nhìn chăm chăm vào một điểm nào đó thật là lâu, thế rồi bất thình lình dùng mỏ chộp lấy một con cá. Cái mỏ con diệc có hình thù tương tự như một đôi đũa thật bén nhọn. Đôi khi tóm được một con cá thật lớn, nó phải xoay sở làm sao để con cá đang vùng vẫy được dựng đứng theo chiều dọc của cổ nó, để rốt cuộc bị nuốt trọn và trôi xuống cái cổ thật ốm và dài ngoằng”. Bà Sharon Stiteler là một nhà tự nhiên học làm việc bán thời cho Dịch Vụ bảo tồn Công viên Quốc gia, bà cũng là tác giả của một blog về các loài chim, trên trang mạng bird-chick-dot-com. Ngày hôm nay, mấy con diệc không mấy ồn ào như mọi khi, nhưng chiếc máy Blackberry của bà Stiteler đã thâu đủ loại âm thanh của loài diệc, kể cả tiếng kêu quác quác của nó khi nó giật mình. Bà Stiteler nói những âm thanh mà những con diệc con phát ra khi đòi ăn, nghe rất lạ: Sau khi nuôi con cho lớn, những con diệc sẽ ở tại chỗ trên sông, cho tới khi sông đông thành đá và chúng không còn bắt cá được nữa. Đến lúc đó thì chúng đồng loạt cất cánh bay đi tìm các vùng đất lành mới. Bà Stiteler nói: “Chúng ta trông thấy những con diệc lông xám mỗi ngày, thế rồi qua đêm, chúng biến mất, không còn một con nào.” Bà Stiteler nói sự xuất hiện trở lại của loài diệc chân cao lông xám, cùng với các loài chim khác như bồ nông, đại bàng và các loài chim khác nơi hoang dã, là một dấu hiệu của một hệ sinh thái lành mạnh hơn. Theo VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét