Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2010

Tiếng chuông trong nhạc và thơ

Trong đời sống hàng ngày, có lẽ chỉ có hai tiếng chuông chúng ta nghe rõ nhất là tiếng chuông chùa và tiếng chuông nhà thờ. Nghe bài hát Tiếng Chuông Chiều Thu của Tô Vũ, chúng ta cũng không thể biết, đó là tiếng chuông vọng từ một ngôi giáo đường hay một ngôi cổ tự nào. Có thể chính Tô Vũ cũng không muốn khẳng định điều ấy. Chỉ có tiếng chuông là đáng kể. Tiếng chuông khơi lại quá khứ, tiếng chuông làm đầy hiện tại. Tiếng chuông báo hiệu một ngày lễ trọng, ghi dấu một khoảnh khắc nào đó trong đời mỗi chúng ta. Nếu nói như nhà thơ Nhã Ca thì: Tiếng chuông rơi đều như hơi thở anh em Tiếng chuông đến Tiếng chuông đi Chỉ mình tôi ngó thấy Chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan Tiếng chuông, mà “chỉ một mình tôi ngó thấy, chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan”, có phải chăng là tiếng chuông chôn dấu hay đánh thức một cuộc tình? Chuông khơi mùa nắng mới Tình xưa đẹp bao nhiêu Hồn ta chìm đắm trong tiếng chuông ban chiều … Mấy giây tơ huyền ngụt khói Dạn dầy đời mới Ngọt ngào đường tơ Quả thật các nghệ sĩ không ngớt làm chúng ta ngạc nhiên. Họ nhìn thấy “tiếng chuông tan, nhìn thấy những giây đàn ngụt khói”. Những điều nghịch lý như thế, họ không thuyết phục chúng ta tin đâu, chỉ kể lại cho chúng ta nghe mà thôi. Và chúng ta… đã bị mê hoặc. Tựa dư vang của những hồi chuông đã thấm nhập vào tâm hồn chúng ta. Đó là sự thật dù khó giải thích. Nhưng thôi… “cứ yêu đi, bạn sẽ thấy trái tim ta biến thành cái chuông trong lồng ngực.” Một nhà văn cũng đã viết như thế. Mùa đông năm ấy Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân Ta còn em một màu xanh thời gian Một chiều phai tóc em bay Chợt nhòa, chợt hiện Em ơi, Hà Nội Phố có tiếng chuông ngân trong thơ Phan Vũ, Phú Quang soạn thành ca khúc.Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Văn Cao cũng có viết về tiếng chuông trong một ca khúc của ông: Làng tôi xanh bóng tre Từng tiếng chuông ban chiều Tiếng chuông nhà thờ rung… Và Phạm Duy cũng trong thời ấy đã ghi lại tiếng chuông buồn thảm, trong một ngày tang tóc. Hình ảnh người mẹ già nghe tin con chết ngoài chiến hào, bà đã nghẹn ngào không nói một câu, mang khăn gói đi lấy đầu. Chiều về trên xóm buồn teo Xa xa tiếng chuông chùa réo… Còn bao nhiêu tiếng chuông nữa trong văn thơ và âm nhạc của chúng ta? Những tiếng chuông chắp nối với tuổi thơ dại, nhắc nhở tuổi già, khua thức kỷ niệm, vang vọng lời réo gọi từ quê hương, xui nhớ lại từng gương mặt người - người sống và người chết. Một trong những người đã khuất ấy là nhạc sĩ Lâm Tuyền. Ông đã qua đời rất âm thầm tại Sài Gòn khoảng cuối thập niên 1990. Lâm Tuyền để lại cho đất nước nhiều tác phẩm giá trị. Lời ca trong nhiều ca khúc của ông là của Dạ Chung, tức Hoàng Vĩnh Lộc, một nhà đạo diễn điện ảnh của miền Nam cũng đã qua đời. Chúng ta vẫn trân trọng Lâm Tuyền và Dạ Chung như những tài năng của đất nước, trong lúc cả hai ông đều lặng lẽ lìa đời ở một hoàn cảnh mà chỉ được xem như là những kẻ vô danh. Nhạc Lâm Tuyền-Dạ Chung luôn toát ra một vẻ trang trọng, thẩm mỹ và quý phái. Trong nhạc Lâm Tuyền cũng có những tiếng chuông ngân. Chúng ta cùng nghe lại tiếng chuông ấy trong bài Tiếng Thời Gian, giọng hát Julie diễn tả… Nghe người hát khúc buồn xưa Nghe luôn cả tiếng gió mưa buổi chiều Khúc buồn xưa, khúc tình yêu Khúc buồn sau, chắc cũng điều ấy thôi… (Trần Vấn Lệ) Mời quý vị nghe chương trình này. Theo VOA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét