Trang

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

Phá giá đồng tiền để thúc đẩy xuất khẩu: bài toán hóc búa cho Việt Nam

Tiền đồng trên quầy của Ngân Hàng Việt Nam VIB ở Hà Nội. Trong tuần lễ qua, giới chức tài chánh Việt Nam và các chuyên gia kinh tế trong nước đã liên tục lên tiếng trấn an dư luận là đồng tiền quốc gia sẽ không bị phá giá một lần nữa. Chiến dịch trấn an đã được tung ra sau khi hãng tin kinh tế Bloomberg, ngày 10/05/2010, đã dự đoán khả năng chính quyền Việt Nam sẽ phải phá giá thêm đồng tiền với tỷ lệ 4% trong vòng năm nay. Lý do là để thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời hạn chế mức thâm hụt của cán cân thương mại. Nghe bài viết trên RFI. Ngày 13/05, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản bác nhận định kể trên và xác định sẽ tiếp tục duy trì tỷ giá ổn định cho đồng tiền quốc gia. Trong một bản thông cáo đăng trên tranh web của mình, Ngân Hàng Nhà Nước còn cho biết thêm là các định chế tài chánh Việt Nam không những đủ ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mà lại còn có dư để bán ra. Theo hãng tin Bloomberg, trong bối cảnh khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang diễn ra, áp lực giảm giá trên đồng tiền của các nước đang vươn lên càng lúc càng mạnh, « có thể là Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam không muốn là đơn vị tiền tệ của mình sụt giá quá trớn ». Được Bloomberg trích dẫn, ông Hideki Hayashi, kinh tế gia tại Công ty Chứng khoán Mizuho ở Tokyo nhận đinh: « Hiển nhiên là Việt Nam mong muốn có một đơn vị tiền tệ không mạnh lắm, nhưng họ cũng không muốn là đồng tiền Việt Nam bị tấn công quá dữ trong tình hình khủng hoảng hiện nay. » Đối với chuyên gia này, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam sẽ không phá giá đồng tiền chừng nào mà cuộc khủng hoảng nợ công tại Châu Âu còn dai dẳng. Cùng một quan điểm như trên, ông Thomas Harr, chuyên gia ngoại hối cao cấp tại Singapore, làm việc cho Standard Chartered cũng cho rằng trước mắt, Việt Nam sẽ không phá giá đồng tiền vì tình hình thanh khoản đã được cải thiện. Nguy cơ, theo chuyên gia này là trong vòng từ 6 đến 9 tháng tới đây, đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá thêm so với đô la Mỹ vì thâm thủng mậu dịch sẽ gia tăng, trong lúc lạm phát đe dọa. Theo Ngân hàng Standard Chartered, cho đến cuối năm, tỷ giá đồng Việt Nam và đô la Mỹ sẽ sụt xuống còn 1 đô la ăn 20.000 đồng Việt Nam. Về các nguồn tin cho rằng đồng tiền Việt Nam sắp bị phá giá thêm, Tiến Sỉ Nguyễn Quang A, chuyên gia kinh tế tại Hà Nội, cho rằng các dự báo này xuất phát từ một thực tế là trong nhiều năm gần đây, đồng tiền Việt Nam đã lên giá so với đồng đô la. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam bị lạm phát đe dọa, chuyên gia Nguyễn Quang A cho rằng Ngân Hàng Nhà Nước và chính quyền Việt Nam cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn thiệt nếu quyết định phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu. Nguyên nhân, theo ông, đó là vì Việt Nam nhập khẩu rất nhiều, khi phá giá, tất nhiên giá hàng nhập tăng lên, và điều này gây áp lực mạnh lên lạm phát. Hơn nữa, trong các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu, như hàng vải sợi, may mặc, điện tử, tỷ trọng linh kiện, thành phần phải nhập khẩu cũng rất lớn. Trong tình hình đó, nếu trên lý thuyết thì phá giá đồng tiền sẽ giúp tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu, nhưng trong trường hợp cụ thể của Việt Nam, theo Tiến Sĩ Nguyễn Quang A, vấn đề hoàn toàn không phải là đơn giản như vậy. Sau đây, mời quý vị nghe toàn văn bài phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Quang A do Đức Tâm thực hiện. Nghe phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Quang A Trọng Nghĩa / Đức Tâm (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét