Trang

Thứ Ba, 4 tháng 5, 2010

Các sự kiện nổi bật trên thế giới tháng 4/2010

Nhiều biến cố liên tiếp xảy ra trên thế giới trong một tháng qua, từ sự ra đi thảm khốc của ban lãnh đạo Ba Lan đến trận động đất dữ dội ở Trung Quốc.

Thảm kịch rơi máy bay Ba Lan

Người Ba Lan bàng hoàng khi hay tin chiếc phi cơ chở Tổng thống Lech Kaczynski và phu nhân cùng đoàn quan chức cấp cao chết trong tai nạn máy bay ở Nga hôm 10/4. Họ đang trên đường tới một lễ tưởng niệm hàng nghìn binh sĩ Ba Lan bị giết ở Katyn, gần Smolensk, thì mất mạng. Nguyên nhân tai nạn được cho là do máy bay cố hạ cánh trong sương mù dày đặc.

Cả một thế hệ lãnh đạo Ba Lan ra đi khiến nước này chìm trong cảnh tang tóc suốt một tuần. Đám tang của ông Kaczynski trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới, cho dù nhiều nguyên thủ không thể đến dự như dự kiến.

Người Ba Lan thắp nến trên đường phố thủ đô Warsaw để tưởng niệm tổng thống và những người thiệt mạng trong thảm kịch máy bay rơi. Ảnh: Mai Liên.

Vốn là một người không ưa gì nước Nga, nhưng cái chết của Kaczynski bỗng nhiên khiến hai dân tộc xích lại gần nhau trong nỗi buồn chung. "Katyn là một vết thương đau trong lịch sử Ba Lan, nó đã đầu độc mối quan hệ giữa người Ba Lan và người Nga suốt nhiều thập kỷ. Nhưng chúng tôi hoan nghênh những việc làm của Nga trong mấy năm gần đây", bài phát biểu mà ông Kazynski chưa kịp đọc có đoạn.

Ngày 8/4 tại Czech, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama ký hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân tiến công chiến lược, theo đó mỗi bên giảm khoảng 30% kho vũ khí triển khai hiện có. Văn bản mới thay thế cho hiệp ước START I đã hết hạn cuối năm ngoái.

Hai tổng thống Nga và Mỹ ký hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân thay thế START I. Ảnh: AP.
Hai tổng thống Nga và Mỹ ký hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân thay thế START I. Ảnh: AP.

Sự kiện này là "dấu mốc quan trọng trong tiến trình chống phổ biến và đảm bảo an ninh hạt nhân, và trong mối quan hệ giữa Mỹ và Nga", ông Obama ca ngợi. Còn ông Medvedev đánh giá đây là "một sự kiện lịch sử" trong quan hệ giữa hai nước cũng như cả thế giới.

Ngày 10/4 sẽ được nhắc đến trong lịch sử Thái Lan, bởi có 25 người đã chết trong các cuộc biểu tình chống chính phủ của Liên minh dân chủ chống độc tài (UDD) - tức phe áo đỏ.

Áo đỏ khẳng định họ luôn theo đuổi các phương cách hòa bình, phi bạo lực. Chính phủ và quân đội Thái Lan cũng bác bỏ mọi ý kiến cho rằng họ đã ra tay trấn áp. Trách nhiệm về những cái chết được quy cho "nhóm áo đen" - những tay súng bí ẩn xuất hiện trong cuộc bạo loạn. Cho đến giờ, cũng chưa ai xác định được một cách rõ ràng "áo đen" là ai.

Một người áo đỏ ôm cánh tay bị thương, khi bạo lực nổ ra hôm 10/4 ở Bangkok. Ảnh: Reuters.

Cuộc biểu tình của phe áo đỏ đã gần 8 tuần, không khí ở Bangkok và các tỉnh phía bắc ngày càng căng thẳng bởi không bên nào nhượng bộ. Giờ đây, các loại áo khác - vàng, hồng, trắng, xanh - cũng có mặt trên đường phố. Các nhà phân tích cho rằng nếu không nhanh chóng tìm ra một giải pháp chấp nhận được với tất cả các bên, bạo lực có thể tái diễn.

Sau cuộc đụng độ đẫm máu giữa các phần tử bạo loạn chống chính phủ với cảnh sát khiến gần 100 người chết đêm 7/4, phe đối lập ở Kyrgyzstan tuyên bố làm chủ đất nước. Tổng thống Tổng thống Kurmanbek Bakiyev phải chạy ra nước ngoài và bị cáo buộc gây ra thảm sát.

Đây là lần thứ hai trong vòng 5 năm, Kyrgyzstan chứng kiến cảnh bạo loạn kéo theo sự ra đời của một chính phủ mới. Chính Tổng thống Bakiyev từng lên nắm quyền theo cách này năm 2005.

Kyrgyzstan có một vai trò quan trọng về địa chính trị ở Trung Á. Đây là quốc gia duy nhất có cả căn cứ không quân của cả Mỹ và Nga, chỉ cách nhau chừng 30 km. Kyrgyzstan là điểm trung chuyển hậu cần quan trọng của Mỹ cho chiến dịch ở Afghanistan. Nước từng thuộc Liên Xô này cũng là đối tượng mà Nga muốn tranh thủ để gây ảnh hưởng.

Một em bé sống sót trong trận động đất ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Một em bé sống sót trong trận động đất ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Huyện Ngọc Thụ tỉnh Thanh Hải ở tây bắc Trung Quốc hôm 14/4 rung chuyển bởi một cơn địa chấn mạnh 6,9 độ Richter, khiến hầu hết nhà cửa và chùa chiền đổ sập. Động đất làm 2.000 người chết, hàng chục nghìn người bị thương và hàng trăm nghìn người mất nhà cửa.

Quân đội và lực lượng cứu hộ Trung Quốc được huy động nhanh chóng đưa lên vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ở độ cao hơn 4.000 mét so với mặt biển. Các nhân viên cứu hộ cùng các nhà sư áo đỏ sẫm dùng tay không đào bới các đống bê tông để cứu người. Một em bé mặt mày xây xát, một phụ nữ bị chôn đến nửa người được cứu ra khỏi ngôi nhà sập là những hình ảnh khó phai về trận động đất dữ dội này.

Giao thông hàng không châu Âu tháng này trải qua một biến cố chưa từng có trong lịch sử. Chỉ trong vài ngày từ 15/4, hàng chục nghìn chuyến bay đến và đi châu Âu bị hủy, khiến ít nhất 6 triệu hành khách bị kẹt ở các sân bay. Ngay cả phi cơ của nhiều nguyên thủ quốc gia cũng không dám cất cánh.

Tro bụi và hơi nước từ núi lửa bốc lên tạo thành những đám mây dày đặc, có thể trông rõ từ mặt đất ở Iceland. Ảnh: BBC.

Nguyên nhân của tình trạng này là khói bụi từ núi lửa Eyjafjallajokull trên sông băng ở Iceland. Giới chức các nước lo ngại tro bụi núi lửa có thể chui vào và làm hỏng các động cơ máy bay nên đã đóng cửa không phận. Tuy nhiên trước sức ép giải tỏa hành khách, các hãng hàng không quyết định bay thử, thành công, và sau đó đòi được mở cửa bầu trời.

Hàng triệu hành khách thở phào nhẹ nhõm khi được về nhà, trong khi chính phủ nhiều nước đang đối mặt với lời kêu gọi đòi bồi thường thiệt hại hàng trăm triệu USD mỗi ngày từ các hãng hàng không.

Việc tàu hải quân Hàn Quốc Cheonan chìm gần biên giới Triều Tiên xảy ra từ tháng ba, nhưng vẫn phủ bóng đen lên nước này trong cả tháng qua. Tàu đã được trục vớt, tang lễ cho các thủy thủ thiệt mạng đã xong. Câu hỏi được chờ đợi trả lời nhất giờ đây là: nguyên nhân nào khiến tàu chìm.

Một thủy quân lục chiến Hàn Quốc thả hoa trên biển để tưởng niệm các thủy thủ tàu Cheonan thiệt mạng. Ảnh: Reuters.

Chính phủ Hàn Quốc đã đi từng bước thận trọng trong việc điều tra và công bố kết quả. Dù trên báo chí có những thông tin nghi ngờ Triều Tiên dính dáng đến vụ chìm tàu, giới chức Hàn Quốc không khẳng định. Giới phân tích cho rằng dù có bằng chứng đầy đủ, Seoul cũng sẽ không trả đũa bằng quân sự bởi điều đó có hại lớn cho nền kinh tế. Có thể nước này sẽ đưa kết quả điều tra ra trước Hội đồng Bảo an LHQ để phán xử.

Thanh Mai http://vnexpress.net/GL/The-gioi/Phan-tich/2010/05/3BA1B534/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét