Trang

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2010

Sự xác thực của Tấm Khăn Liệm thành Turin

Phỏng vấn giáo sư Pier Luigi Baima Bollone, về sự xác thực của Tấm Khăn Liệm thành Turin. Trong các ngày từ 10/4 cho tới 23/5/2010, Tấm Khăn Liệm xác Chúa Giêsu được trưng bày cho tín hữu kính viếng trong nhà thờ chính tòa Turin, Trung Bắc Italia. Đề tài cuộc trưng bày là "Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, cuộc khổ nạn của con người". Cách đây 10 năm, tức vào Năm Thánh 2000, Tấm Khăn Liệm thành Turin cũng đã được trưng bày cho tín hữu kính viếng. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ kính viếng Tấm Khăm Liệm vào ngày 2/5 tới đây. Đức Karol Wojtila đã kính viếng Tấm Khăn Liệm ngày 01/9/1978 khi còn là Hồng y, và hai lần sau đó ngày 13/4/1980 và 24/5/1998 khi là Giáo Hoàng. Trong cuộc họp báo giới thiệu chương trình cuộc trưng bày Tấm Khăn Liệm ngày 25/3/2010 tại Roma, Đức Hồng y Severino Poletti, Tổng Giám mục Turin, cho biết đề tài "Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, cuộc khổ nạn của con người" có ý nhấn mạnh mối dây nối kết giữa hình người in trên Tấm Khăn Liệm với Cuộc Khổ Nạn của Chúa mà tín hữu sẽ trông thấy trong Tuần Thánh, và nhiều khổ đau của con người ngày nay, để họ tìm thấy nơi Tấm Khăn Liệm một điểm quy chiếu đức tin chắc chắn, hướng con người tới lòng thương xót của Thiên Chúa và việc phục vụ các anh chị em khác. Nó là một lời mời gọi càng ý nghĩa hơn trong tình trạng khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp tại Turin hiện nay. Cùng hiện diện trong cuộc họp báo giới thiệu chương trình trưng bày Tấm Khăn Liệm còn có giáo sư Fiorenzo Alfieri, Phụ tá văn phòng Văn hóa tỉnh Turin và là Chủ tịch Ủy ban tổ chức, Đức Ông Giuseppe Ghiberti chuyên viên Kinh Thánh, Chủ tịch Ủy ban Giáo phận về Tấm Khăn Liệm và ông Maurizio Baradello, Tổng Giám đốc Ủy ban. Sáng ngày đầu tiên của cuộc trưng bày 10/4 được đành cho giới báo chí và truyền thông. Vào ban chiều, Đức Hồng y Severino Poletti - Tổng Giám mục Turin, đã cùng đồng tế Thánh Lễ khai mạc với các Giám mục toàn vùng Piemonte. Hai tuần trước ngày khai mạc đã có hơn 1 triệu 340 ngàn người ghi danh kính viếng trong đó gần 89% ghi danh qua hệ thống liên mạng Internet và hơn 9% qua điện thoại. Hơn 93% những người ghi danh là dân Ý và gần 7% là tín hữu nước ngoài. Đức Ông Ghiberti cho biết đây là lần đầu tiên tín hữu sẽ trông thấy Tấm Khăn Liêm không có dấu vết các mảnh vá, mà các nữ tu Clarét đã khâu sau vụ hỏa hoạn trong đêm mùng 3 rạng ngày mùng 4 tháng 12 năm 1532 tại Chambéry bên Pháp. Các mảnh vá này đã được tháo gỡ năm 2002 theo lệnh của Tòa Thánh là chủ nhân Tấm Khăn Liệm, và Đức Tổng Giám mục Turin là người được Tòa Thánh giao nhiệm vụ giữ gìn Tấm Khăn Liệm. Trong các tháng qua, bà Barbara Frale, nhân viên thuộc Văn Khố Mật của Tòa Thánh Vatican và là chuyên viên nghiên cứu các tài liệu cổ, đã cho ra hai cuốn sách về Tấm Khăn Liệm thành Turin. Cuốn đầu tiên tựa đề "Các Hiệp Sĩ Đền Thờ và Tấm Khăn Liệm". Bà trưng dẫn rất nhiều tài liệu chính xác và đi tới kết luận rằng hình người in trên Tấm Khăn Liệm thành Turin là hình của Chúa Giêsu Kitô. Thánh tích này đã được triều đình Bisanzio trao cho các đan sĩ hiệp sĩ giữ gìn sau năm 1204, tức sau cuộc Thập Tự chinh lần thứ IV, khi thành phố Costantinopoli bị đạo binh Latinh cướp phá do tay quân Venezia và quân Pháp. Bà Frale lấy lại luận thuyết của học giả người Anh Ian Wilson cho rằng tấm khăn, "mandylion" trong tiếng Hy Lạp, được lưu giữ tại Edessa và đem tới Bisanzio vào năm 944 không gì khác hơn là Tấm Khăn Liệm thành Turin. Giả thuyết này được minh xác bởi khám phá của học giả Gino Zanzotto. Vào năm 1997, học giả Zanzotto đã tìm thấy trong Thư Viện Vatican thủ bản một bài giảng của Trưởng Phó tế Vương cung thánh đường Sofia là Gregorio Il Referendario. Phó tế Gregorio đã tham dự việc di chuyển tấm khăn "mandylion" từ Edessa về Bisanzio, tức là Istanbul bên Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Bài giảng miêu tả rằng trên Tấm Khăn người ta trông thấy cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu, và theo truyền thuyết, tấm khăn "mandylion" chỉ có gương mặt của Chúa Giêsu. Mandylion trong tiếng Hy Lạp là khăn lau mặt hay khăn lau tay. Nhưng sự hiểu lầm này có thể được đánh tan bởi các nếp gấp rất rõ của Tấm Khăn Liệm thành 8 phần, và chỉ cho thấy phần có gương mặt in trên đó. Và đây đã là luận thuyết của học giả Ian Wilson. Ngoài ra cũng không được quên rằng các Hiệp sĩ của Đền Thờ nói trên cũng đồng thời là các đan sĩ và là các chuyên viên hiểu biết xuất xứ của các thánh tích. Học giả Ian Wilson gắn liền Tấm Khăn Liện với các Hiệp sĩ đan sĩ của Đền Thờ, vì người tặng Tấm Khăn Liệm cho nhà thờ Lirey bên Pháp hồi năm 1353 là Geoffroy de Charny, người đã xây ngôi nhà thờ này và mang cùng tên với một Hiệp sĩ khác thuộc hàng lãnh đạo các Hiệp sĩ Đền Thờ bị thiêu sống vào năm 1314 với Jacques de Molay, Vị Thầy Lớn của tổ chức này. Sự kiện này chứng minh cho thấy gia đình Charny đã được giữ Tấm Khăn Liệm và các đan sĩ hiệp sĩ đã tôn kính hình in trên Tấm Khăm Liệm ấy hay các bản sao chép khác. Trong cuốn sách thứ hai tựa đề "Tấm Khăn Liệm của Đức Giêsu thành Nagiarét", bà Barbara Frale đưa ra các dẫn chứng khoa học cho thấy Tấm Khăn thuộc thế kỷ thứ I và người ta tìm thấy trên đó các chữ viết chứng thực cái chết của Chúa Giêsu. Người đầu tiên tìm ra các chữ viết này là ông Aldo Marastoni, giáo sư tiếng Latinh thuộc Đại học Công giáo Milan. Năm 1978, giáo sư Marastoni đã trông thấy các chữ viết này với mắt thường chứ không dùng dụng cụ nào. Vấn đề đã được bỏ qua cho tới khi hai giáo sư người Pháp là André Marion và Anne Laure Courage tiếp tục khám phá và nhận ra trên Tấm Khăn Liệm các chữ viết khác bằng tiếng Latinh, Hy Lạp và Do thái. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các bản chụp âm bản của Tấm Khăn Liệm, cả ba giáo sư đều đi tới kết luận là các chữ đó đã không được in trên Tấm Khăn Liệm, nhưng chắc chắn do sự đụng chạm của Tấm Khăn Liệm với giấy chứng tử, thông dụng trong thế giới Hy Lạp, Roma và Ai Cập xưa kia. Các chữ đọc được trên Tấm Khăn Liệm là ”In-nece” (từ tiếng Latinh ”in necem” có nghĩa là chết”) ”neazare” (chắc hẳn là Nazareth), và các mảnh từ ghép lại thành ”issie”, ”esy”, ”snct”, ”i sere”, ”str”, mà theo giáo sư Marastoni chúng là một lời nguyện: ”Iesu sanctissime miserere nostri” (”Lạy Chúa Giêsu rất thánh, xin thương xót chúng con”). Ngoài ra còn có các chữ Do thái nữa. Giáo sư Franco Cardino, chuyên viên nghiên cứu thời Trung Cổ nổi tiếng cho rằng luận thuyết của bà Barbara Frale là nghiêm chỉnh và có các tài liệu chứng minh. Giáo sư Pier Luigi Baima Bollone Sau đây là bài phỏng vấn giáo sư Pier Luigi Baima Bollone, về tính cách xác thực của Tấm Khăn Liệm thành Turin. Tấm Khăn đã được coi là dùng để liệm xác Chúa Giêsu vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh cách đây hơn 2.000 năm. Giáo sư Bollone năm nay 70 tuổi, là một trong các chuyên viên nổi tiếng nhất từng nghiên cứu Tấm Khăn Liệm này. Giáo sư đã từng dạy Y khoa tại Đại học Turin và hiện là Chủ tịch danh dự của Trung tâm quốc tế nghiên cứu Tấm Khăn Liệm. Từ nhiều năm nay, giáo sư đã dùng các dụng cụ tối tân để nghiên cứu Tấm Khăn Liệm xác của một người đã chịu các tra tấn kinh khủng và tuyệt đối ngoại thường. Càng ngày ông càng xác tín hơn về sự trùng hợp của nó với các trình thuật của Phúc Âm. Năm 1996, giáo sư đã viết cuốn sách tựa đề "Mầu nhiệm của Tấm Khăn Liệm" do nhà xuất bản Sperling và Kupfert ấn hành. Hỏi: Thưa giáo sư Bollone, ngày 13/10/1988, các phòng thí nghiệm Oxford (Anh), Tucson (Hoa Kỳ) và Zurich (Thụy Sĩ) đã cho công bố kết quả các nghiên cứu phân tích qua chất đồng vị Carbon-14 và kết luận rằng đây là Tấm Khăn Liệm giả, được làm ra giữa những năm 1260-1390. Nhưng các chuyên viên nghiên cứu Tấm Khăn Liệm đã bài bác các kết quả này. Có thể nói tới một sự nhầm lẫn của các cuộc phân tích hồi năm 1988 hay không thưa giáo sư? Đáp: Nó đã là một kết quả không đầy đủ và không đáng tin cậy. Hỏi: Như thế có nghĩa là nó đã là một nghiên cứu sai lầm trên bình diện khoa học? Đáp: Không còn ai tin vào các kết quả ấy, vì kiểu hướng dẫn việc xem xét phân tích cũng như vì không thể dựa trên một bằng chứng duy nhất được coi như tuyệt đối để đưa ra niên hiệu. Người ra đã chỉ lấy chất liệu từ một phần viền ngoài của Tấm Khăn Liệm, và chỉ lấy một lần duy nhất, phần này lại bị ô nhiễm vì những đụng chạm và có một vết dầu dài vài centimét. Cách đây vài năm, một trong các nhà nghiên cứu ấy là ông Christopher Bronk Ramsey đã phủ nhận các kết quả đó và nói rằng có thể đã có sự sai lầm nào đó. Hồi ấy ông ta còn trẻ, và sau này ông đã trở thành Giám đốc văn phòng nghiên cứu Quang tuyến Carbon tăng tốc Oxford (Radiocarbon Accelerator Oxford). Hỏi: Thưa giáo sư, tại sao Giáo Hội lại chấp nhận làm cuộc khảo nghiệm này? Đáp: Các vị lãnh đạo tôn giáo đã bị đặt vào trong một tình huống mà một sự khước từ sẽ có nghĩa là một dấu hiệu của chủ trương ngu dân, là điều không thể chấp nhận được vào cuối ngàn năm thứ hai. Hỏi: Ngày nay có thể có các thử nghiệm khác hay không thưa giáo sư? Đáp: Chắc chắn rồi. Trên bình diện kỹ thuật thì có chứ, vì giáo quyền cho phép làm điều ấy. Nhưng trước hết phải hiểu tại sao cuộc thử nghiệm hồi năm 1988 đã thất bại, nếu không thì các thử nghiệm khác sẽ vô ích. Hỏi: Mới đây cũng đã không thiếu các vụ phản đối, giáo sư nghĩ sao? Đáp: Trong 10 năm qua kể từ khi có cuốn sách "Mật mã Da Vinci" của ông Dan Brown, thì chính cuộc sống là người của Đức Giêsu Kitô cũng đã bị đem ra thảo luận. Có người cho rằng Leonardo Da Vinci đã tạo ra Tấm Khăn Liêm với một kỹ thuật chưa được biết tới, bằng cách dùng các chất hóa học nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên chúng ta hãy quan sát những con số: Leonardo Da Vinci sinh năm 1452. Tấm Khăn Liện đã được ghi nhận một thế kỷ trước đó: vào năm 1353, người ta tìm thấy Tấm Khăn Liệm tại miền Bắc nước Pháp, trong một thành phố sản xuất rượu Champagne là thành phố Lirey. Ông Leonardo quả đã là một thiên tài không thể tin được, nếu đã sáng chế ra Tấm Khăn Liệm 100 năm trước khi ông chào đời! Hỏi: Giáo sư có nhận thấy có một bầu khi văn hóa bài Tấm Khăn Liệm không? Đáp: Có một lập trường vô thần không chấp nhận dấu vết sự hiện hữu thể lý của điều mà nó chối bỏ do nguyên tắc. Hỏi: Như vậy chúng ta có thể biết gì chắc chắn về Tấm Khăn Liệm thành Turin, thưa giáo sư? Đáp: Chúng ta biết một cách chính xác rằng Tấm Khăn Liệm dài 441cm và rộng 113cm, có dấu vết thân xác của một người, với các vết đánh đòn rất rõ trên toàn thân, và có nhiều vết thương từ chân cho tới đầu. Dấu vết trên Tấm Khăn Liệm là dấu vết của một người đàn ông rõ ràng bị đóng đinh hai chân và hai tay. Hỏi: Tấm Khăn Liệm có cho biết gì liên quan tới việc đóng đinh hay không? Đáp: Có. Người ấy bị đóng bằng ba chiếc đinh. Hỏi: Các đinh đóng vào tay không phải giữa lòng bàn tay như thường thấy trên các thánh giá, có đúng thế không thưa giáo sư? Đáp: Các đinh được đóng trên cổ tay, chứ không phải giữa lòng bàn tay. Hỏi: Thế còn hai chân thì sao thưa giáo sư? Đáp: Hai chân đã bị đóng đinh chồng lên nhau. Hình đằng sau Tấm Khăn Liệm cho chúng ta thấy hai chỗ bị trầy trụa ngang vai: người ta cho rằng chúng đã do việc vác cây gỗ ngang của thập giá gây ra trên đường lên Núi Sọ. Hỏi: Thế còn gương mặt của hình người in trên Tấm Khăn Liệm ra sao, thưa giáo sư Bollone? Đáp: Gương mặt có những nét uy nghiêm và chúng ta trông thấy một vết sưng và một vết rách trên các lông mày, một vết roi, một vết sưng trên gò má bên phải, và dấu vết mất chất lỏng từ môi trên, phía bên phải. Trong số các vết dính vào Tấm Khăn Liệm, vết dính chính giữa mặt có tầm quan trọng đặc biệt, vì nó hằn lên hai vết của một vầng trán nhăn: đây là một trong biết bao khiêu khía cạnh chứng minh cho thấy Tấm Khăn Liệm không phải là một vật làm giả, mà là một sự hình thành tự nhiên do các vết thương thật gây ra. Thế rồi trên trán, tại nhiều chỗ có dấu vết của hai dòng máu chảy xuống cách nhau 15 độ. Điều này chứng minh cho thấy cách thế khác nhau, mà người bị kết án đóng đinh đã có trong cơn hấp hối vì bị nghẹt thở: một thế trĩu người xuống, với sự co thắt của hai tay và ngăn chặn các bắp thịt phụ của bộ máy hô hấp; một kích thích nghiêm trọng khiến cho người bị đóng đinh cảm thấy cần phải tựa trên hai chân bị đóng đinh để nâng cao người lên cho khỏi bị nghẹt thở. Hỏi: Vậy cái gì đã gây ra cái chết của người bị đóng đinh, thưa giáo sư? Đáp: Cách đây 10 năm, tôi đã viết một cuốn sách trình bày về những lý do cái chết của Chúa Kitô tựa đề "Những ngày cuối cùng của Đức Giêsu", mà cố ý không lưu tâm tới Tấm Khăn Liệm. Nhưng ở đây nữa, tất cả để cho chúng ta có thể giả thiết rằng Chúa Giêsu đã chết vì tiến trình của sự nghẹt thở đưa tới chỗ bị đứng tim mà chết. Hỏi: Thưa giáo sư, ngày nay có thể nói rằng Tấm Khăn Liệm này là Tấm Khăn Liệm thật, chứ không phải là khăn liệm giả, có phải vậy không? Đáp: Vâng. Có thể khẳng định trong một cách thế tuyệt đối nhất đây là Tấm Khăn Liệm thật, chứ không phải là đồ giả. Hỏi: Hồi tháng 10 năm ngoái, giáo sư Luigi Garlaschelli, một chuyên viên hóa học, đã được Ủy ban Italia kiểm soát những khẳng định liên quan tới hiện tượng ngoại thường (CICAP) đã làm ra một tấm khăn liệm giống Tấm Khăn Liệm thành Turin. Kết quả đã ra sao thưa giáo sư? Đáp: Kết quả ở dưới mắt của tất cả mọi người. Đã có rất nhiều người thử làm lại Tấm Khăn Liệm. Cách đây 30 năm, ông Vittorio Delfino Pesce đã lấy một bức tượng bằng sắt nung nóng lên, và đã trùm một tấm khăn lên trên và từ 40 năm nay ông ta đã thử làm nhiều cuộc thí nghiệm, nhưng với các kết quả thật là chán nản. Hỏi: Thưa giáo sư, với năm tháng, Tấm Khăn Liệm thành Turin có bị mờ nhạt đi hay không? Đáp: Không. Trái lại là đàng khác, các việc tu sửa hồi năm 2002 đã khiến cho hình in trên Tấm Khăm Liệm càng dễ trông thấy hơn. (L'eco di Bergamo 26-3-2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét