Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2010

Phúc âm Lễ Chúa Nhật II - Phục Sinh (11/04/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net CHÚA CÓ MẮT KHÔNG Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R. Cách đây đúng 89 năm (1912), vào Chúa nhật thứ nhất sau lễ Phục sinh, tức Chúa nhật Quasimodo, chiếc tàu Titanic đã chìm xuống lòng biển Đại tây dương mang theo trên một ngàn sinh mạng. Rất nhiều chi tiết liên quan đến con tàu định mệnh đã được báo chí đăng tải, nhưng có một chi tiết rất đáng chú ý: ngay phần hông tàu phía dưới mặt nước là dòng chữ “No God, no Pope” (Không Thiên Chúa, không Giáo hoàng). Dường như khi khoa học kỹ thuật càng phát triển con người càng đánh mất niềm tin vào Thượng đế. Lắm kẻ dám nói: không có Thiên Chúa, vì họ có thấy đâu. Họ chỉ tin khi nào khoa học chứng minh điều đó. Nói cách khác, họ muốn tiếp cận với Thiên Chúa qua phương pháp khoa học thực nghiệm, nghĩa là bằng thấy, sờ, lý luận, phân tích, và xác minh. Những đòi hỏi như thế đâu phải chỉ mới xuất hiện sau những tiến bộ vượt bậc của khoa học hôm nay. Đúng ra nó đã xuất hiện cách đây hai ngàn năm rồi. Khi mà người ta đòi phải thấy được Chúa nhãn tiền, sờ được Ngài, thọc tay vào lỗ đinh, xác quyết tường tận Đấng đã chết trên thập giá mà nay sống lại. Đó không phải là một niềm tin đòi được xét nghiệm bằng khoa học à? Nhưng đức tin đâu có nằm trong phạm trù khoa học. Khoa học chỉ nghiên cứu các dữ kiện, định luật và nguyên nhân thuộc phạm vi vật chất. Ngoài đó nó không có chỗ đứng. Nói như thế không có nghĩa là khoa học chẳng dính dáng gì đến niềm tin và niềm tin không cần đến khoa học. Trái lại nếu thành tâm sử dụng thì khoa học vẫn là một phương thế rất tốt giúp con người khám phá sâu rộng sự hiện hữu của Thiên Chúa. Còn càng tự mãn trong khoa học người ta sẽ càng rời xa chân lý tuyệt đối. Chuyện kể về một bác học người Pháp muốn làm một cuộc nghiên cứu trong sa mạc. Ông chọn mấy người Ả rập làm hướng dẫn viên. Một buổi chiều, khi mặt trời sắp lặn, một người trong nhóm dẫn đường trải tấm thảm xuống cát và ngồi lên đó trong dáng điệu trầm tư. Thấy thế nhà bác học buộc miệng hỏi: -“Ngươi làm gì thế?” -“Dạ, tôi cầu nguyện,” người kia trả lời. -“Cầu nguyện à, thời buổi này mà còn cầu nguyện à, vậy ra ngươi còn tin có Thiên Chúa? Mà ngươi đã thấy Chúa chưa,” Nhà bác học như muốn bắt bẻ. -“Dạ chưa.” -“Vậy ngươi nghe Chúa nói chưa?” -“Dạ chưa.” -“Vậy ngươi đã sờ chạm được Chúa chưa?” -“Dạ chưa,” người hướng dẫn khiêm tốn trả lời. -“Nếu thế thì ngươi là một tên điên khi tin vào một Thiên Chúa mà chưa bao giờ thấy, không bao giờ nghe, và cũng chẳng bao giờ đụng đến.” Thế rồi mọi người đi ngủ. Sáng hôm sau, trước lúc hừng đông, nhà thông thái vừa bước ra khỏi lều đã vội kêu lên: -“Ồ, tối hôm qua có một con lạc đà đi qua nơi này!” Người hướng dẫn viên trợn mắt kinh ngạc: -“Vậy chứ Ngài thấy con lạc đà đó đi qua đây à?” -“Không,” nhà thông thái tự đắc trả lời. -“Vậy chứ Ngài đụng phải nó à?” -“Không.” -“Vậy chứ ngài nghe nó kêu à?” -“Không.” Người hướng dẫn reo lên: -“Thế thì ngài là kẻ điên khi tin có một con lạc đà mà ngài không thấy, không nghe, và không đụng đến.” Nhà thông thái đáp lại: -“Nhưng ta biết được qua những dấu chân còn trên cát của nó kia kìa.” Ngay lúc đó mặt trời mọc lên, toả muôn tia sang rực rỡ lung linh. Người hướng dẫn viên liền chỉ tay về phía mặt trời và nói: “Thế thì tôi cũng nhìn vào cái dấu vết kia để thấy rằng có một Thiên Chúa đang đi qua cuộc đời.” Không ít người đã dùng những khám phá của khoa học để tuyên bố không có Thiên Chúa, chỉ có con người là chúa vũ trụ, và niềm tin thượng đế đang bị khoa học bóp chết. Thế nhưng, cùng lúc đó lại có rất nhiều người, qua khoa học, nhìn thấy thế giới này sao có nhiều điều bí ẩn, kỳ lạ, siêu vời mà tài sức con người chỉ mới vén mở được một phần rất bé. Từ đó họ càng nhận rõ dung mạo của một Đấng siêu vượt trên vũ trụ, khoa học, và tất cả-Đấng mà người Kitô hữu tin là nguyên lý siêu đẳng đã tạo nên trời đất bao la. Thế nhưng cũng không ít người đặt vấn đề: nếu Thiên Chúa hiện hữu thì Thiên Chúa không phải là một Đấng yêu thương, vì nếu yêu thương, cớ sao Ngài lại để cho thế giới gặp nhiều bất hạnh khổ đau? Tại sao Thiên Chúa không can thiệp, loại trừ những tác oai tác quái của nó? Nói như thế thì chẳng khác chi tự dưng phủ nhận và khước từ sự sống. Vì có sự sống nào phát sinh mà không có sự đau đớn. Có chồi non nào mọc lên mà nhánh cây hay hạt giống đã không phải chịu nứt toác thân mình. Nhưng điều cần nói không phải là cứ trước những gian nan trắc trở khổ đau của cuộc đời mà cho là không có Thiên Chúa, hay Thiên Chúa độc ác, bất lực, không biết yêu thương. Song điểm đáng ghi nhận chính là: người càng tin tưởng Thiên Chúa càng có sức mạnh để mang vác gánh nặng của cuộc đời; những ai mà tâm càng thành lòng càng trong thì càng dễ cảm nghiệm và tin tưởng vào Chúa hơn, cho dù gánh khổ của cuộc đời không vơi đi chút nào và cảnh chướng tai gai mắt vẫn còn đó. Tôi vẫn thích nhắc đến câu chuyện “Chúa Có Mắt Không” khi nói về những sự ngang trái trong đời: Một buổi sáng đẹp trời nọ, một thầy dòng bước ra vườn cây, vừa dạo cảnh thiên nhiên vừa cầu nguyện. Đứng trước hàng cây chôm chôm, nhìn những chùm trái nho nhỏ xinh xinh, bên cạnh đó là gốc bí với những hàng quả thật lớn bám trên những chiếc dây leo mỏng manh, bất chợt thầy nghĩ: “Chẳng biết Chúa có mắt không! Tại sao những trái chôm chôm bé tí teo kia lại mọc trên những cành cây cứng cáp chắc chắn, còn mấy trái bí khổng lồ như thế này lại bám vào những dây leo tí tẹo? Chẳng hợp tình hợp lý chút nào. Tại sao thứ mình thích thì lại nhỏ xíu, còn thứ không thích thì cứ to ơi là to?” Trưa đó, sau lúc dạo và gặp phải ngày thời tiết nóng nực, thầy nằm hóng mát dưới một gốc cây và thiu thiu ngủ lúc nào không hay. Một làn gió thoảng qua. Cành lá rung động. Chợt một trái chôm chôm khô rơi trúng đầu thầy. Giật mình bật dậy. Rồi như vừa tỉnh khỏi cơn mộng thầy quì xuống cầu nguyện: “Ôi lạy Chúa, may mà Chúa có mắt, chứ để trái chôm chôm to bằng trái bí thì còn gì cái đầu của con.” Thiên Chúa biết rõ những gì tốt nhất cho chúng ta. Ngài luôn làm mọi sự vì yêu thương con người. Vấn đề không phải là có Thiên Chúa không; Ngài có mắt hay có tai không; nhưng vấn đề là con người có mở mắt, mở lòng, mở tai để nhận ra sự hiện diện yêu thương và bàn tay quyền năng của Ngài không thôi. Trước một sự cố trong đời, có kẻ chống Chúa, từ Chúa, nhưng cũng có người tin yêu gắn bó với Ngài hơn. Thử hỏi bạn đang thuộc hạng người nào. Lời của vị tu sĩ “Ôi lạy Chúa, may mà Chúa có mắt” sao nghe giống lời của Tôma quá. Theo sự tường thuật của Thánh Kinh, chẳng thấy Tôma nhìn vào vết đinh trên tay Chúa, cũng không xỏ bàn tay vào cạnh sườn Ngài, nhưng ông lại cảm nghiệm được sự hiện hữu của Thiên Chúa cách rõ ràng. “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” hay “Lạy Chúa, đúng là Chúa có mắt” chính là những lời tuyên xưng đức tin một cách sống động và hùng hồn vô cùng. Thiết tưởng đời người Kitô hữu cũng nên thấm được niềm xác tín vững vàng như thế. Dù đứng trước phong ba bão táp, dù phải khốn đốn vì bao thăng trầm của cuộc đời, hãy cứ tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn hiện hữu bên ta, rất nhẹ nhàng và rất quyền năng: nhẹ nhàng như làn gió lay động nhành lá trong vườn, và quyền năng như lúc cửa đóng kín mà Ngài vẫn đến được với các tông đồ.
TRÁI TIM NGƯỜI THẦY, TRÁI TIM HỌC TRÒ Lm. Minh Anh (Gp. Huế). Các bạn trẻ thân mến, Thiên Chúa là tình yêu, một khi đã yêu, Ngài yêu cho đến cùng. Thật ý nghĩa khi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Đấng Phục Sinh tỏ mình cho các môn đệ nhân Chúa Nhật “LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA”. Trong vài phút, chúng ta thử quan chiêm Trái Tim Đức Giêsu, trái tim người Thầy; đồng thời cũng thoáng qua trái tim Tôma, trái tim học trò; nhờ đó có thể hiểu được đôi chút lòng Chúa, đôi chút lòng ta. Trái Tim Giêsu, một trái tim chan chứa yêu thương mà Tin Mừng không ngừng lặp đi lặp lại. Đã bao lần “Ngài chạnh lòng thương” trước cảnh cùng khốn của con người: Thấy dân chúng tất tưởi bơ vơ như chiên không người chăn, “Ngài chạnh lòng thương”; thấy người ta khiêng đi chôn con trai duy nhất của một bà goá, “Ngài chạnh lòng thương”; thấy những người phong cùi tiến đến từ xa, “Ngài chạnh lòng thương”; thấy hai người mù đang dò dẫm lại gần, “Ngài chạnh lòng thương”... Và chắc hẳn các tông đồ, kể cả Tôma, cũng đã ít nhiều cảm nhận cái thổn thức “chạnh thương” đó nơi Thầy mình. Cũng trái tim đó, bởi đã chạnh thương cho đến cùng nên bị đâm thâu, để giọt máu sau hết và chút nước cuối cùng nhỏ xuống mà có lẽ Tôma đã chứng kiến xa xa hay ít nữa đã nghe thuật lại chiều ngày thứ Sáu hôm ấy vì ông không dám lại gần. Trái Tim Tôma, một trái tim nhát đảm và ngờ vực. Thầy mất, không ai biết vì lý do gì, “Đi Đi Mô” rời bỏ cộng đoàn. Phải chăng trái tim Tôma đang tan nát vì thương tích, vì những vết đau dù không nhìn thấy nhưng là những thương tích có thật và đau thật. Một trái tim ngờ vực khủng hoảng đến tội nghiệp, “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin”. Ôi, còn đâu bao lời tiên báo và giáo huấn của người Thầy khả ái? Còn đâu những cảm nghiệm đầy thán phục khi chứng kiến bao phép lạ của Con Đức Chúa Trời? Thật là mỉa mai, thật là chua xót cho người môn sinh tuyệt vọng. Thật là thất đoạt, thật là vô ích cho người Thầy luống công. Sự ngã lòng của Tôma xúc phạm đến Thầy đâu kém việc bán Thầy hay chối Thầy của hai bạn đồng môn! Có khi còn tệ hơn; bởi lẽ, Juđa và Phêrô tránh né liên luỵ đến một người sắp từ giã cõi sống trong khi Tôma lại đan tâm chối nhận một Đấng vừa trở về từ cõi chết. Vì thế, cũng bởi “chạnh thương”, tám ngày sau, Vị Thầy lại phải hiện ra một lần nữa và trái tim đã yêu dấu loài người quá bội đó đã biết lựa lời khôn khéo nhẹ nhàng trách yêu người học trò. Ngài dỗ dành chứ không mắng mổ, chìu chuộng chứ không phỉ báng, “Hãy đặt ngón tay con vào đây, hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Thôi, đừng cứng lòng nhưng hãy tin”. Lạ thay, Tin Mừng không nói đến việc Tôma có sấn tới thọc tay vào lỗ đinh Thầy, đặt tay vào cạnh sườn Thầy mà trong đó cũng có một trái tim hay không. Nhưng chúng ta có thể đoan chắc, chính Đức Giêsu Phục Sinh đã một lần nữa “chạnh thương chạm đến” và băng bó trái tim thương tích của môn sinh. Tim đụng tim, lòng chạm lòng! Nhờ đó, bình an lại đến với tâm hồn người môn đệ; và thay vì reo lên Magnificat, Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, cách nào đó, Tôma đã phải cất cao Credo, Tôi tin! Bởi lẽ, trước tiên là phải tin, sau đó mới có thể ca khen Đấng mình tuyên xưng. Vậy là tim chữa lành tim, lòng cảm mến lòng. Tim Thầy chữa lành tim trò, lòng Thầy khoả lấp lòng môn đệ. Nhờ lòng Thầy chạnh thương mà từ đây, lòng người môn đệ xác tín thay cho ngờ vực; yêu mến thay cho hững hờ; chứng tá, thay cho trốn chạy; và bình an thay cho bất an. Hơn lúc nào hết, có lẽ mỗi người trong chúng ta hôm nay, dù ở đấng bậc nào, cũng đều cảm thấy cần đến lòng Chúa xót thương hơn bất kỳ ai. Vì chỉ có Chúa mới là Đấng xót thật và thương thật; chỉ có Chúa mới biết được mỗi người cần đến lòng Ngài xót thương biết bao; chỉ có Chúa là Đấng có thể chữa lành, có thể hàn gắn, có thể băng bó, có thể đem về và trao tặng bình an, một sự bình an không ai lấy mất. Vì bình an của Chúa là chính Chúa. Mừng kính Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa trong Năm Linh Mục, chúng ta không quên cầu nguyện cách riêng cho các mục tử của mình và cho cả đoàn chiên được Chúa trao phó cho các ngài. Vì nhiều lúc, cả đoàn chiên lẫn chủ chiên cũng đang “đi đi mô”, bất an vì ngờ vực, hững hờ vì thiếu lòng mến, trốn chạy vì nhát đảm. “Vì sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và các Linh mục”. “Vì sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và các Linh mục”. “Vì sự đau khổ của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và các Linh mục”. ĐỨC TIN CỦA TÔNG ĐỒ TÔ-MA Lm Giacôbê Tạ Chúc . Khi nói đến Tôma, chúng ta nghĩ ngay tới một tông đồ cứng tin, mà mỗi lần nói về ai đó cứng lòng, nghi ngờ về Thiên Chúa thì lập tức chúng ta đưa Tôma ra làm thí dụ . Cũng thật tội nghiệp cho Ngài, đi theo chúa bao năm, cũng vất vả, cũng vô vàn những gian lao thử thách,Tôma được mô tả như một con người sáng suốt, thực tế quả cảm, theo Phúc âm của Gioan, khi cùng với Chúa Giêsu và các tông đồ lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua, Tôma đóan chắc những việc lớn lao sẽ diễn ra ở Giêrusalem nên ngài tuyên bố: “ Chúng ta hãy cùng đi để chết với Người” (Ga 11 ,16). Vậy mà không biết lý do gì, xui xẻo cho Tôma, ông không có mặt trong lần hiện ra của Chúa Giêsu với các Tông đồ (Ga 20,19 – 24) .Lần ấy ông chỉ nghe thuật lại, các tông đồ khẳng định họ đã gặp Chúa Giêsu Phục sinh : “ các môn đệ khác nói với ông : chúng tôi đã được thấy Chúa” (Ga 20 , 25). Thấy Chúa à ? Các anh nói sao chứ, với tôi thì còn kiễm chứng đã, tôi chưa thể chấp nhận. Không phải Tôma không tin Chúa, bởi vì ngài đã làm môn đệ của Chúa Giêsu. Trong con người Tông đồ có biệt danh là Điđymô nghĩa là song sanh có một cái gì đó mời gọi khám phá và bước vào, cho một hành trình đầy những thách đố như các nhà thám hiểm chinh phục các đỉnh núi . Đức cố Giáo hòang Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp: “Đức tin và lý trí” rằng: “Đức tin và lý trí như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý”. Chấp nhận tin Chúa không có nghĩa là thụ động: há miệng đợi sung rụng, mà phải hòai nghi để thăng tiến và đón nhận, dấn thân phục vụ cho tin mừng. Với Tôma niềm tin phục sinh đang ở giả thiết, và con người có quyền chất vấn, đặt vấn đề: “ Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”(Ga 20 , 25) . Có lẽ chúng ta phải tôn Tôma làm thầy của vị thánh tiến sỹ thiên thần là Tôma Aquinô, Ngài đã cho thấy một cái nhìn tổng hợp giữa đức tin và lý trí, siêu nhiên và tự nhiên, triết học và thần học tất cả đều dựa trên đức tin mạc khải. Hai con đường tìm kiếm Thiên Chúa mà Giáo hội vẫn dùng để mời gọi con người đón nhận Mạc khải là yêu mến(Augustinô), và hiểu biết (Aristote). Đức Giêsu chấp nhận đề nghị của Tôma, lần hiện ra này có cả ông cùng các tông đồ khác: “Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa,nhưng hãy tin”(Ga 20 ,27). Lý trí con người luôn có những giới hạn nhất định: không gian, thời gian, môi trương, hòan cảnh … Tôma bị chi phối trong một không gian rộng lớn mà với trí hiểu quá nhỏ bé, ông không thể trực diện với Chúa mọi nơi trong chính con người của mình. Phải có ơn soi sáng và sự trợ giúp tận tình để khai thông trí hiểu và niềm tin nơi ông. Đức Giêsu đã cho chúng ta một câu trả lời đầy đủ nhất : “ Vì đã thấy Thầy nên con tin. Phúc thay những người không thấy mà tin ! “( Ga 20 , 29). Con người ngày nay cũng thích truy tầm chân lý, họ mang trong mình những khát vọng sâu xa nhất, khám phá Thiên Chúa cũng như bơi trong đại dương bao la bất tận, chẳng biết đâu là bến bờ. Cám ơn tông đồ Tôma vì nhờ ông mà mọi người đều có thể gặp được Đấng Phục Sinh, không phải một Đức Giêsu trên sách vở mà ngay trong chính cuộc đời .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét