Trang

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

Lịch sử Việt Nam : Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân

Lý Bí (503-548) xuất thân từ một hào trưởng địa phương do yêu nước thương dân căm giận bè lũ đô hộ tàn bạo đã từ quan đứng lên khởi nghĩa chống nhà Lương. Tháng 2-544, ông tuyên bố dựng nước, đặt Quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội) định niên hiệu riêng, đúc tiền riêng. Ông là người Việt Nam đầu tiên xưng Đế khẳng định chủ quyền và lòng tự hào dân tộc. Ngày nay, ở các địa phương phía bắc có hơn 200 đình miếu thờ Lý Bí và các tướng của ông. Theo sử cũ, quê ông ở huyện Thái Bình (có lẽ ở phía trên thị xã Sơn Tây, trên hai bờ sông Hồng). Một thời, ông có ra làm việc với chính quyền đô hộ, nhận một chức quan nhỏ: giám quận (kiểm soát quân sự) ở Cửu Đức, Đức Châu (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Yêu nước, thương dân, bất bình với bè lũ đô hộ, ông sớm bỏ quan, về quê ở Thái Bình. Vùng quê ông có Tinh Thiều, giỏi văn chương, lặn lội sang kinh đô nhà Lương (Nam Kinh) xin bổ một chức quan. Nam triều Trung Quốc cho đến thời Lương, phân biệt tôn ti chặt chẽ giữa quý tộc và bình dân. Lại bộ thượng thư nhà Lương là Sái Tôn bảo họ Tinh là hàn môn, không có tiên hiền, chỉ cho Thiều làm Quảng Dương môn lang tức là chân canh cổng thành phía tây kinh đô Kiến Khang. Tinh Thiều lấy thế làm xấu hổ, không nhận chức về quê, cùng Lý Bí mưu tính việc khởi nghĩa, chiêu tập hiền tài. Lý Bí, nhân lòng oán hận của dân, đã liên kết với hào kiệt các châu thuộc miền đất Giao Châu (Việt Nam xưa), đồng thời nổi dậy chống Lương. Thủ lĩnh Chu Diên (vùng Đan Hoài, nay thuộc ngoại thành Hà Nội) là Triệu Túc và con là Triệu Quang Phục, phục tài đức Lý Bí cũng đem quân theo ông tiến hành cuộc khởi nghĩa. Đứng trước cuộc khởi nghĩa lớn, có sự liên kết giữa các địa phương , Tiêu Tư thứ sử Giao Châu khiếp hãi, không dám chống cự chạy trốn về Việt Châu (bắc Hợp Phố) và Quảng Châu. Nổi dậy từ tháng 1 năm 542, không quá 3 tháng nghĩa quân đã chiếm được châu thành Long Biên (Bắc Ninh). Tháng 4 năm 542 vua Lương sai thứ sử Việt Châu là Trần Hầu, thứ sử La Châu là Nịnh Cư, thứ sử An Châu là Lý Trí, thứ sử Ái Châu là Nguyễn Hán, từ 2 phía bắc nam Giao Châu cùng tiến đánh nghĩa quân Lý Bí. Cuộc phản kích này của giặc Lương đã hoàn toàn thất bại. Nghĩa quân thắng lớn và nắm quyền làm chủ đất nước. Từ đồng bằng Bắc Bộ, Lý Bí đã kiểm soát được tới vùng Đức Châu (Hà Tĩnh) ở phía nam và vùng bán đảo Hợp Phố ở phía bắc. Sau đó, vua Lương lại sai thứ sử Cao Châu là Tôn Quýnh, thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng điều khiển binh mã đi đánh Lý Bí. Nghĩa quân Lý Bí tổ chức một trận tiêu diệt lớn ngay trên miền cực bắc Châu Giao. Cuộc chiến diễn ra ở Hợp Phố. Quân giặc thất bại hoàn toàn. Sau những thắng lợi cả hai chiến trường biên giới Bắc, Nam, Lý Bí dựng lên một nước mới, với quốc hiệu Vạn Xuân. Đại Việt sử ký đã bình luận rằng, với quốc hiệu mới, người đứng đầu nhà nước Vạn Xuân có "ý mong xã tắc được bền vững muôn đời". Nhà nước Vạn Xuân hình thành không được bao lâu thì đầu năm 545, nhà Lương đã bắt đầu tổ chức những cuộc xâm lược Vạn Xuân. Lúc bấy giờ, quân Vạn Xuân có khoảng vài vạn người giữ thành ở cửa sông Tô Lịch chiến đấu chống giặc. Thành đất, lũy tre gỗ, không mấy kiên cố, Lý Nam Đế buộc phải lui binh ngược sông Hồng, về giữ thành Gia Ninh trên miền đồi núi trung du vùng ngã ba sông Trung Hà - Việt Trì. Đến tháng 2 năm 546, đội quân của Trần Bá Tiên và Dương Phiêu đã hạ được thành Gia Ninh. Lý Nam Đế vào vùng núi rừng Việt Bắc dựng lều trại trong rừng, chiêu mộ nghĩa quân. Sau một thời gian chỉnh đốn lại lực lượng, tháng 10 năm 546, Lý Nam Đế lại kéo quân từ trong núi rừng ra ở vùng hồ Điển Triệt thuộc xã Tứ Yên huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú, nằm bên bờ sông Lô. Tuy nhiên, những trận mưa lũ cuối mùa đã khiến cho nước sông Lô đột nhiên lên to, khu căn cứ nghĩa quân trở thành một vùng cô đảo giữa biển nước mênh mông... Lợi dụng nước lớn, Trần Bá Tiên xua chiến thuyền xông trận, đánh trống reo hò mà tiến vào Điển Triệt. Lý Nam Đế và nghĩa quân bị địch tập kết bất ngờ, không kịp phòng bị, không sao chống đỡ nổi. Đây là trận đánh lớn cuối cùng của Lý Nam Đế. Sau lần thất bại lớn thứ ba này, ông phải vào nương náu trong động Khuất Lão (Tam Nông, Vĩnh Phú). Theo sử cũ của Việt Nam, từ sau khi rút về động Khuất Lão, Lý Nam Đế thường xuyên bị đau yếu. Hai năm sau ông mất (548). Cuộc kháng chiến chống ách Bắc thuộc của người Việt sau đó được tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Triệu Quang Phục, một tướng cũ của Lý Bí với căn cứ khởi nghĩa tại đầm Dạ Trạch. Mời các bạn theo dõi Lịch sử Việt Nam : Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân theo chương trình của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét