Trang

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Phúc âm Lễ Chúa Nhật thứ IV-Mùa Chay (14/03/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net NGƯỜI CHA PHUNG PHÍ Ba câu mở đầu bài Tin Mừng là lời dẫn nhập cho “ba dụ ngôn về lòng thương xót”: con chiên lạc tìm được, đồng tiền đánh mất tìm được, đứa con đi hoang tìm được. Như thế, ba câu chuyện này đã được Đức Giêsu kể để tự biện hộ về những quan hệ chướng tai gai mắt (đối với phái Pharisêu) mà Người có với những “kẻ tội lỗi”. “Một người kia có hai con trai…” Ta thường có thói quen xấu là chỉ nghe nửa đầu của dụ ngôn, phần nói về đứa con thứ. Thế nhưng, ông cha mới là người hùng của câu chuyện. Chúng ta sắp nghe không phải dụ ngôn “Người con phung phá” song là “Người cha phung phí”, một vở kịch hai màn: cuộc “tranh chấp” giữa một người cha với 2 đứa con, cả hai đều được yêu mến như nhau, yêu mến điên cuồng, mặc dầu chẳng có đứa nào xứng đáng với tình yêu đó cả! Một câu chuyện tình cảm động nhất (Charles Dickens), một hình ảnh đẹp nhất của Cha trên trời! 1- Thái độ của người cha đối với đứa con thứ Đứa con này chỉ là một tên trục lợi: nó đòi tiền bạc, rất nhiều tiền bạc. Nó chỉ nghĩ tới mình. Nó nhận tất cả từ cha, nhưng chẳng hề biết ơn cha, mà chỉ nghĩ một chuyện: đòi hỏi, yêu sách… Phần người cha thì hoàn toàn trái ngược. Ông chỉ là cho không, chia sẻ vô vị lợi, tôn trọng tự do người khác, tóm lại chỉ là tình yêu! Hình ảnh Thiên Chúa! Đứa con thứ chính là hình ảnh Biệt phái vẫn thường vẽ lên về tội nhân: a/ Là đứa con nổi loạn, đòi độc lập tự chủ, y quả tượng trưng chủ nghĩa vô thần của mọi thời: hưởng dùng các “ân huệ” của Thiên Chúa nhưng chẳng thừa nhận Thiên Chúa, còn sống xa Người, muốn làm mọi chuyện mà chẳng bị ai kiểm soát cả: “không Chúa không chủ”. Điều đó đặc biệt đúng với hôm nay! b/ Hơn nữa, đối với Biệt phái, đứa con Israel này đã xuống tới đáy ti tiện đê hèn. Nó đã bán thân làm nô lệ cho một người ngoại, thành thử chẳng còn giữ ngày sabát cũng như các tập tục về thanh sạch: nó chăn heo, con vật nhơ bẩn, ghê tởm, bị cấm đoán. c/ Hơn nữa, dẫu chỉ xét về mặt con người, sống như thế cũng không hợp luân lý: đây là một tên phóng đãng, một loại người hạ đẳng, biến chất, trở lùi lại thú tính. Nó sống như một loài heo: kiếm tiền, ăn nhậu, làm tình… chỉ biết đến cái tôi, thuần mơ chuyện hưởng thụ… Ta quả là tô vẽ nó khi ca ngợi sự hoán cải của nó. Không, đứa con thứ vẫn chẳng có thần nào khác ngoài tư lợi ích kỷ: đổ cho đầy bụng! Việc nó trở lại nhà chỉ là một tính toán đê tiện nhằm tìm lại chỗ trú và bàn ăn. Câu nói hoa mỹ, nghe rất lâm ly bi đát, chỉ là một màn kịch soạn sẵn nhằm làm mủi lòng người cha mà nó nghĩ là sẽ la rầy, trừng phạt nó đích đáng và… chính đáng. Có đứa con nào đi xa nay trở về thăm cha mẹ mà lại chuẩn bị trước những câu nói vốn sẽ tự nhiên trào ra tận đáy lòng một khi trông thấy quê nhà dấu yêu? Đứa con thứ xót bụng hơn đau lòng! Nó đúng là một tên khốn khiếp, nạn nhân của các bản năng, của lũ bạn bè quý hóa: nó đã đánh mất tập quán yêu thương, chỉ còn biết nghĩ tới chính mình. Lạy Chúa, đó là hình ảnh của con. Con thường sống như vậy! Thằng con trở về với ý đồ đê tiện. Nhưng khi “nó còn ở đằng xa”, còn chưa mở miệng thì người cha đã làm tất cả. Bốn cử chỉ: “ông đã trông thấy nó”, “ông chạnh lòng thương…”, “ông bổ nhào ra…”, “ông ôm cổ nó và hôn lấy hôn để”. Cử chỉ chạy bổ nhào ra có lẽ là cử chỉ mạnh nhất của toàn thể dụ ngôn. Trong tập quán của mọi thời, không có chuyện một người trên chạy tới với một người dưới, nhất là khi kẻ dưới này có một thái độ đáng trách. Đây lại là một ông già đông phương đường bệ, lúc nào cũng ăn nói và đi đứng khoan thai từ tốn. Vâng, ta bóp méo hoàn toàn dụ ngôn của Đức Giêsu khi trình bày cuộc trở về của đứa con này như mẫu gương “hoán cải”. Nếu Đức Giêsu chỉ mô tả sự “thống hối” của một tội nhân, giáo huấn này đã chẳng gây khó chịu cho người Biệt phái. Tại Israel, người ta đã biết từ lâu, toàn thể Kinh Thánh làm chứng, là Thiên Chúa tha thứ cho tội nhân hoán cải. Nhưng thái độ của người cha ở đây còn đi xa hơn nhiều: ông không mảy may lưu ý xem thằng con biểu lộ một lòng thống hối đích thực hay giả tạo. Ngay khi nó còn ở đằng xa, ông đã chạy ra gặp nó. Đức Giêsu không nhấn mạnh đến thái độ của đứa con hoang đàng, trên những cử chỉ thống hối đền tội của nó, nhưng trên tình yêu vô vị lợi của người cha… một người cha đã tha thứ vô điều kiện, trước khi đứa con thú lỗi! Đức Giêsu nói cho ta biết “làm con” là gì: trước hết đó không phải là có thái độ thế này thế kia với cha hay mẹ… nhưng là được cha và mẹ thương yêu, cho dù mình xứng hay bất xứng! Đó đã là mạc khải của ngôn sứ Hôsê: Thiên Chúa tiếp tục yêu thương cô vợ bất trung bất tín của Người (Hs 3,1; 11,1-9; 14,5-9). Hỡi những ai tự nhận là vô thần, những ai sống như kẻ vô thần, những ai đã xa lìa Thiên Chúa vì tội lỗi, Đức Giêsu nói với quý vị: “Cho dẫu bạn không tin Thiên Chúa lẫn yêu mến Người, Người cũng chẳng bao giờ ngừng tin và yêu bạn!”. Ta hiểu vì sao những kẻ tội lỗi đã chạy đến cùng Đức Giêsu. Trong vòng tay cha, thằng con bắt đầu tụng lên câu nói đã dọn sẵn, nhưng ông không để nó kết thúc. Ông chẳng cần biết nó dối trá hay chân thành. Ông chỉ biết nó là con ông và ông là cha nó. Trái tim tràn tình yêu của ông khiến ông đổ đầy nó bằng tặng phẩm! Đây quả thực là một lễ cưới: áo, nhẫn, giày, tiệc, ca nhạc, quả thực là nghi lễ phục hồi chức vị làm con. Ông lăng xăng chạy từ nhà trên xuống nhà dưới, từ đầu sân đến cuối sân, hối thúc gia nhân dọn tiệc. Niềm vui ông thật vỡ bờ. Nếu có hình dung sự hoán cải của thằng con đểu giả thì chính là lúc này đây, khi nó đứng giữa sân như trời trồng rồi khóc lên sung sướng vì nhận thấy tất cả tình thương bao la vĩ đại của cha. Nhưng đó không phải là điều tác giả dụ ngôn muốn đề cập. Tình thương của người cha được cô đọng trong câu: “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã thất lạc mà nay lại tìm thấy”. Đây là điệp khúc chấm dứt màn nhất của vở kịch. Lát nữa ta sẽ gặp lại nó cuối màn hai với vài từ thay đổi. Chết-sống… Thất lạc-tìm lại… Cái chết nào đối với Đức Giêsu đây? Mạc khải nào Người muốn đưa ra cho nhân loại đây? Thưa rằng: xa Thiên Chúa, đó là chết, đó là đánh mất chính mình! Con người chỉ hiện hữu thật sự trong mối tương quan với Thiên Chúa thôi. Người ta có thể tưởng mình sống, thế mà đã chết trong thực tế. Nhưng khi phàm nhân trở về, thì “cuộc liên hoan” của Thiên Chúa bắt đầu, “niềm vui” của Thiên Chúa nở rộ! Hoán cải, đó đơn giản là đi vào niềm vui của Thiên Chúa. Đấy chính là chuyện mà anh con cả sắp khước từ. 2- Thái độ của người cha đối với đứa con cả Đối với đứa con cả, người cha cũng biểu lộ một lòng tốt như thế: “ông ra gặp chàng trước…”, “ông năn nỉ chàng…”. Kinh Thánh thường trở đi trở lại trên chủ đề này, chủ đề về tính nhưng không tuyệt đối của các hồng ân Thiên Chúa, qua hình ảnh con thứ thay thế con cả (St 27,36; 2Mcb 4,26; Cn 30,23; Hs 12,4), hình ảnh “những người thợ giờ cuối cùng” cũng được trả công bằng “những người thợ giờ thứ nhất” (Mt 20,8), hình ảnh “những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu” (Lc 13,30), hình ảnh “lương dân” sẽ thay thế “tuyển dân” (Rm 9,30). Tất cả đều nói lên tự do cao vời và tính cách nhưng không của tình yêu Thiên Chúa. Đối với đứa con thứ, người cha đã không muốn nghe gì hết. Nay đối với anh con cả, ông để cho chàng mặc sức trút lên đầu ông bầu tâm sự đầy cay đắng, phẫn nộ. Có lẽ anh cũng có lý của mình. Anh ta chính là chân dung của người Biệt phái mà Đức Giêsu muốn khắc vẽ. Câu quả quyết của anh: “Ông coi, đã bao năm trời tôi làm tôi ông, cũng chưa hề lướt lịnh ông” quả là đúng với sự thật, làm nổi bật hình ảnh phái Pharisêu tự hào vì đã giữ trọn luật (x. Lc 18,9). Thái độ của anh không kể gì đến tương quan anh em nữa (“thằng con của ông”) và nói về em một cách khinh bỉ đúng là thái độ của phái Pharisêu đối với hạng mà họ gọi là tội nhân. Bản dịch Anh ngữ câu nói của người con cả này còn cho ta một chi tiết lý thú: “thì ông lại giết con bê chúng ta đã cùng vỗ béo” (you kill the calf we had been fattening). Đúng là chua chát và ghen tức đến cực điểm! Riêng đối với cha, anh đã biến mình thành tôi tớ, biến tình thương thành nô dịch. Như thế, người con cả cho ta thấy chính trọng tâm của dụ ngôn: anh ta đã không nhận rõ tất cả tình yêu đang bao phủ anh: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, mọi sự của cha đều là của con hết thảy. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, vì em con đây…” Người cha sửa lại lối nói của người anh một cách tế nhị (“em con đây” đối lại “con ông đó”). Qua dụ ngôn hai màn này, thành thử chúng ta được mời đi vào trong tình yêu của Thiên Chúa, trong niềm vui của Người được gặp lại các tội nhân. Đây là lời loan báo sự hoán cải của lương dân sẽ đi vào trong “dân mới của Thiên Chúa” hàng loạt. Một ngày kia, Luca sẽ đặt trên miệng Phêrô câu nói này khi nhận ra ân sủng ban cho viên bách quản ngoại đạo: “Vậy nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa” (Cv 11,17). Không, không có ưu đãi: hết thảy đều được Cha trên trời mến yêu. Và dụ ngôn “đứa con thất lạc tìm thấy” (hay đúng hơn “người cha phung phí”, phung phí tình yêu) kết thúc với cùng một điệp khúc vui tươi như hai dụ ngôn trước (xin xem Chúa nhật 24 thường niên năm C). Màn hai của dụ ngôn lấy lại câu kết luận của màn đầu, với việc đổi từ “con ông” bằng “em con” như đã ghi nhận. Thiên Chúa là Cha, điều đó chắc chắn: Người yêu hết thảy con cái của mình. Nhưng nhân loại có là anh em với nhau không? Phải chăng anh con cả sẽ để mình bị thuyết phục và “đi vào chung hưởng niềm vui với cha”? Chúng ta không biết. Dụ ngôn vẫn bỏ ngỏ. Vì chính người Biệt phái, chính chúng ta phải cho nó một kết luận: đi vào cuộc liên hoan với Thiên Chúa, cuộc liên hoan mừng kẻ tội lỗi trở về. Viết theo Nil Guillemette SJ, Parables for today LÀM HÒA Gs 5, 9a.10-12; 2Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32 Đại Lễ Vượt Qua đã đến gần và niềm vui của ngày Đại Lễ ấy sắp đến. Tâm trạng của chúng ta như thế nào trong trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe. Trang Tin mừng này hết sức quen thuộc, hết sức gần gụi với mỗi người chúng ta. Trang Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện hết sức đời thường trong gia đình. Gia đình ấy được kể ra với hình ảnh của người cha và hai người con, không hề nhắc đến người mẹ và mỗi người chúng ta được mời gọi vào vai của cả ba người. Ta có thể là người cha giàu lòng thương xót bao dung, ta có thể là người con út ngỗ nghịch và ta cũng có thể là người anh cả trong gia đình ấy. Như dân Do Thái ngày xưa trong cái hành trình vượt qua sa mạc để về Đất Hứa, cũng đã đôi lần ta ngỗ nghịch như người con út, ta ganh tỵ như người con cả và ta cũng bao dung như một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Qua hồi tâm, qua hối hận, qua ăn năn, qua thanh luyện, qua tái tạo, qua tha thứ, qua cử chỉ làm hoà với Chúa, với anh chị em đồng loại ta sẽ được trở thành con người mới tốt hơn như lòng Chúa mong muốn. Làm hoà với anh em chính là bước đầu tiên để có thể đến hòa giải với Thiên Chúa. Trong mỗi Thánh Lễ chúng ta cử hành, trước khi để tiến dân Thánh Lễ cho xứng đáng, chúng ta xin ơn tha thứ của Chúa, của anh chị em đồng loại. Trong các từ ngữ chỉ đức tin Kitô giáo, thì ngôn từ tha thứ, làm hoà đóng một vị trí hết sức quan trọng. Không phải tình cờ mà nó nằm trong kinh Lạy Cha nhưng nó có ý giúp con người chạy đến với Thiên Chúa là Cha nhân lành tha thứ cho mình những yếu đuối của phận người. Điều quan trọng để đón nhận ơn tha thứ, ơn làm hoà với Thiên Chúa là con người phải biết tha thứ, làm hoà với anh chị em đồng loại đã xúc phạm đến mình. Con chiên lạc, người con đi hoang, người phụ nữ ngoại tình, Dakêu trên cây sung, người bại liệt được ròng xuống từ trên mái nhà ... Chúa Giêsu đã gặp tất cả nhưng người này. Họ là những người tội lỗi, lầm lạc, hư mất. Nhưng, Thiên Chúa tha thứ cho họ trong Chúa Giêsu mà không cần một điều kiện tiên quyết nào. Người không đòi hỏi gì. Chúa Giêsu không bảo: "Làm cái này rồi tôi tha thứ cho". Không ? Người tha thứ rồi mới nói: "Hãy về và đừng phạm tội nữa ". Người ta có thể chất vấn: tại sao tha thứ lại là một điều thần thiêng như vậy? Tại sao tha thứ lại đưa người ta đến gần Thiên Chúa thế? Câu trả lời có lẽ nằm trong chính từ ngữ: tha thứ vì tha thứ là một ân huệ ở trên cao, siêu việt. Ơn huệ thứ nhất ta được là hiện hữu của ta như một tạo vật. May mắn là chúng ta vẫn là vậy. Nhưng cách cư xử, phong tục, lỗi lầm của chúng la có thể phá hủy ơn huệ đầu tiên này nơi ta, làm chúng ta bị "tha hóa " Chính lúc đó ơn tha thứ đến, một loại ơn tái tạo. Chúng ta đã chết mà nay sống lại. Chúng ta không còn phải chịu đựng lẫn nhau nữ, chúng ta lại chấp nhận lẫn nhau và lại thương yêu nhau. Đó là một cuộc tái sinh, một sự Phục Sinh, một bước dẫn vào đời sống mới. Thật tối đẹp nếu như chúng ta được tha thứ. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, liệu chính chúng ta có thể tha thứ được không? Tha thứ đây không phải là quên, cũng không phải là chối bỏ những xác tín của chúng ta, mà là tìm đến với kẻ xúc phạm ta. Và không cần để mất một chút gì về chân lý, hoặc về lương tri phân biệt tốt xấu, để nói với kẻ phạm lỗi: bạn là anh, là chị tôi. Và có thể thêm một lời phi thường này: chính bạn hãy tha cho tôi, vì bạn đã không xúc phạm đến tôi nếu trước đó tôi đã không xúc phạm đến bạn. Trang tin mừng hôm nay hết sức hấp dẫn, dụ ngôn hôm nay chúng ta nghe không phải là lần đầu mà nghe đi nghe lại quá nhiều lần. Dụ ngôn về người cha và hai người con vẫn để ngỏ! không ai xác định được câu chuyện sẽ kết thúc thế nào. Chúng ta bắt đầu vào vai. Cả hai người con cùng hiện diện trong ta. Chúng ta có thể nhận ra mình trong những ảo tưởng của họ. Cả hai cùng hiểu lầm về bản chất của mối tương quan giữa họ với cha và không biết tình yêu của cha mình. Hãy theo dõi tâm tính của người con khi trở về. Anh đã sống lại nhờ người cha hân hoan loan báo sự tha thứ. Nhưng cũng có thể chúng ta cũng là người anh, xơ cứng trong kiêu căng vì đã trung thành với cha. Anh sẽ cải mở là chọn một chỗ ngồi trong bàn tiệc tập thể vì những kẻ mời đến, những kẻ từ xa trở về. Còn đối với chúng ta, ai sẽ là "những người khác" mà cộng đoàn chúng ta phải mở rộng cửa đón tiếp ? Khuôn mặt của người con thứ khá cường điệu được vẽ nên trong cảnh một của dụ ngôn này. Anh ta đòi cha chia gia tài ngay khi cha anh còn sống để anh ta được sống tự do hoàn toàn. Với cuộc sống buông thả và phóng đãng thì chẳng chóng thì chầy, tiền núi cũng phải hết. Tiền hết thì anh ta rơi vào tình cảnh hết sức bi đát. Chẳng đặng đừng nên anh ta phải làm công cho một người ngoại giáo ở đất khách quê người, và miễn cưỡng phải "chăn heo " cho chủ - đối với một người Do Thái, đây là công việc hèn hạ - vì heo là một con vật dơ nhớp đối với Do thái giáo. Bị dằn vặt bởi ý nghĩ: ở nhà cha thì đồ ăn dư thừa, người làm công ăn không hết, thế mà ở đây anh đói khát, chỉ mong được "tống đầy bụng những thứ heo ăn" mà không được. Anh đã ân hận, sau khi suy nghĩ hết sức cẩn thận anh quyết định trở về nhà sau khi cảm thấu được sự đói khát, thiếu thốn. Để chuẩn bị cho cuộc trở về, anh ta đã vẽ lên trong đầu anh ta những lời thống thiết nhất để xoa dịu cơn giận của người cha: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đón trời và đến cha, con thật không xứng đáng được gọi là con cha nữa. Hãy coi con như một người làm công trong nhà thôi". Khác với những gì anh nghĩ trong đầu, khi trở về, chưa kịp thốt lên một lời, người cha đã giang rộng vòng tay xiết chặt lấy anh. Cho tới bây giờ, anh chưa một lần nghi ngờ tình yêu vô bờ bến của cha anh. Con tim anh rộn ràng những nhịp đập thổn thức. Không phải đứa làm thuê ? Con ta chứ! Hãy mặc áo đẹp ngày đại lễ. Đeo nhẫn vào tay, biểu hiệu quyền uy. Xỏ giầy vào chân, biểu hiệu người tự do. Hãy ngồi vào bàn tiệc. Mọi thành phần gia đình đang quây quần bên bàn ăn cùng chia sẻ niềm vui của người cha. Chúng ta chuyển sang vai diển của người anh. Đại tiệc đang diễn tiếng thì người anh "từ ngoài đồng" về đến nhà. Nghe trong nhà có nhạc vui, anh hỏi xem có chuyện gì? Hiểu ra, tâm trạng anh chuyển từ ngạc nhiên sang "giận dữ". Lại có thể cư xử như vậy với thằng con hư đốn ư? Như phản ánh thái độ của các kinh sư và những người Pharisêu luôn chỉ nghĩ đến phụng sự Chúa không sai một lời, nên, anh cằn nhằn với cha mình: "Đã bao năm con phụng dưỡng cha, không bao giờ bất tuân hay trái lệnh, mà chẳng bao giờ cha cho con một con dê để vui với bạn bè". Để ở lại nhà cha, anh đã cư xử thật không khác một người làm công, cần mẫn, nhưng vô tình, xa lạ. Anh không thể hiểu được ngôn ngữ của Giao ước mà cha anh nói với anh: "Con ơi! Con luôn ở bên cha, mọi sự của cha là của con mà". Anh chỉ nói bằng ngôn ngữ của quyền lợi và nghĩa vụ, của mệnh lệnh và phần thưởng. Như các kinh sư và những người Pharisêu đối với tội nhân, anh cũng giữ khoảng cách với đứa em mới trở về mà mọi người đang ăn mừng. "Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo để ăn mừng". Nếu chỉ để tâm coi hình ảnh của hai đứa con mà không nhìn đến hình ảnh người bố trong nhà này quả là điều thiếu sót thật lớn. Chúng ta bước sang một bên để nhìn đến chân dung người cha. Người Cha trong dụ ngôn này chính là nhân vật trung tâm, nhân vật chính. Ông là một người cha sống nặng tình cảm hơn lý trí, ông là một người cha mà tình yêu luôn thôi thúc ông hướng về các con. Ông không chỉ ngồi chờ. Phải "chạy ra" coi, và ông phải chạy ra đến hai lần. Ông chạy ra. hấp tấp, một thái độ đặc biệt đối với người Đông phương. Ôm lấy cổ đứa con hoang đàng. Hôn nó tới tấp Nâng nó lên, ngắt quãng những lởi nó định nói, đưa nó vào nhà. Nhà của nó mà. "Mau lên!" ông nói với các đầy tớ không chần chừ một giây. Phải mặc cho cậu chiếc áo đẹp nhất đúng với cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay cậu, mang giầy vào chân cậu. Giết bê béo. Dọn tiệc ăn mừng. "Mau lên!" vì một niềm vui đang trào ngập lòng ông: "Con ta đây đã chết nay sống lại đã mất nay lại tìm thấy”. Ông lại chạy ra để nài người anh vào nhà, để người anh nhìn nhận đứa em mà anh ta đã miệt thị, để dự tiệc chung vui với mọi người. Dụ ngôn người con hoang đàng mà chúng ta vừa nghe mang đậm chất thần học. Dụ ngôn của ân huệ Chúa ban tặng con người. Dụ ngôn này diễn tả tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, tình yêu nhưng không không Cha ban cho mọi người, dầu tội lỗi mấy đi nữa. Cha muốn họ tham dự niềm vui, muốn mời họ khám phá ra : anh huynh đệ chân chính. Làm sao không nhìn ra qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn trao cho chúng ta bí mật trong cách cư xử và đời sống của Ngài ? Ngài là Người Con được Cha sai đến loan báo sự hòa giải cho các tội nhân. Đó là những người mà Chúa Giêsu khắc họa hình ảnh nơi người em và đó cũng là những người được mời gọi nhận ra chính mình nơi hình, ảnh của người anh ! Thật ra, dụ ngôn còn để ngỏ đó. người anh cả có thuận theo lời khuyên dụ của cha anh không? Anh có bằng lòng vào chung vui không? Anh có ưng thuận chung bàn với người em đã trở nên "dơ" không? Hay anh vẫn giận dữ... Tường thuật của Tin Mừng không trả lời... Có lẽ mục đích của Tin Mừng là để chúng ta tự phác họa cách chúng ta sẽ đối xử với anh em mình. Chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của người anh: chính tôi sẽ ưng thuận lời thỉnh cầu của người cha hay không. Thuận thì không dễ đâu, có khi khổ nữa. Dụ ngôn cho thật sự đáp ứng ý cha không tự đến cách dễ dãi. kết thúc của dụ ngôn đặt chúng ta vào vị thế người anh. Phụng vụ Mùa Chay như chẳng hoan hỉ đặt chúng ta vào vị thế này mà trái lại, như muốn chúng ta thấy mình trong tâm trạng người em. Thánh Luca thì chắc chắn nhấn mạnh hơn đến thái độ người anh. Dẫu sao, qua suốt câu chuyện, chúng ta vẫn thấy nổi bật lên tình yêu là lòng cảm thương của người cha đối với từng người. Chính nhờ tình thương này mà tội nhân hối cải, là chúng ta vui vì họ trở về dù đôi khi rất khó mà vui được." Thánh Phaolô vừa nhắc nhở chúng ta : “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải. Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, chậm bất bình và đầy tình thương, chúng ta hãy chạy đến với Ngài như đứa con thứ ngày hôm nay trong Tin mừng để xin Cha tha thứ, xin Cha bỏ qua những lầm lỗi của ta trót phạm đến Cha và chúng ta cũng xin cũng hãy bớt đi một chút sự xét đoán, hơn thua của người anh để tha thứ cho những đứa em ngỗ nghịch trong đời ta. Chúng ta hãy chạy đến Chúa, chạy đến và xin Chúa tha thứ tất cả để ta được làm hoà cùng Chúa và anh chị em đồng loại. Ôi Thần Linh Thánh Ái, xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí : Ơn An Bình. Xin Chúa thương tha thứ những lầm lỗi ta đã xúc phạm đến Chúa cũng như anh chị em để chúng ta có được sự bình an thật trong tâm hồn để chờ đón ngày Chúa lại đến trong Vinh Quang của Ngài. Anmai CSsR CHÚNG TA PHẢI VUI MỪNG Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy (Lc 15,32) Câu này lấy từ phần cuối dụ ngôn người con trai hoang đàng, dụ ngôn bạn chắc chắn đã biết, dụ ngôn cho ta thấy sự vĩ đại của Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Nó cũng kết thúc cả một chương Phúc Âm Luca trong đó Đức Giêsu còn kể hai dụ ngôn khác để diễn giải cùng một chủ điểm. Bạn có nhớ câu chuyện con chiên bị mất và người chủ đã để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang để đi tìm cho kỳ được không? Và hẳn bạn cũng còn nhớ câu chuyện đồng bạc bị đánh mất và niềm vui của người đàn bà khi đã tìm được rồi, mời bạn bè, hàng xóm lại để chung vui với bà ấy? Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy. Với lời này, Thiên Chúa mời gọi bạn và mọi Kitô hữu hãy vui vẻ, hãy ăn mừng và chia sẻ niềm vui với Người vì người tội lỗi đã mất mà nay lại tìm thấy. Trong dụ ngôn người cha nói lời này với người con cả vốn ở với ông suốt đời, sau một ngày làm lụng vất vả, không chịu vào nhà nơi vừa bắt đầu mở tiệc để mừng cậu em trở về trong tiếng đàn ca nhảy múa tưng bừng. Người cha đi ra để đón người con trung thành, cũng như ông đã đi ra để đón đứa con đã mất, và ông tìm cách thuyết phục cậu con cả, thế nhưng giữa cha và con thái độ thật khác biệt: cha thì yêu vô bờ bến và vui mừng hớn hở, còn con thì đầy những khinh bỉ và ganh tị đối với cái thằng em mà cậu không còn nhìn nhận. Thật vậy, cậu nói về người em của mình thế này: "Thằng con của cha đó, đã nuốt hết của cải của cha". Tình yêu và niềm vui của người cha đối với đứa con đã trở về tương phản rõ rệt với sự cay đắng của người con kia, sự cay đắng bộc lộ một mối quan hệ lạnh lẽo, và ta có thể thêm, cả giả dối nữa với người cha của mình. Người con cả này chí thú làm lụng, thực hiện nhiệm vụ, nhưng không yêu cha mình như một người con chân chính. Đúng hơn, ta có thể nói rằng cậu ta yêu cha như một ông chủ. Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy. Khi nói lời này, Đức Giêsu chỉ ra một mối nguy hiểm mà bạn nữa có thể cũng mắc phải: nguy cơ muốn sống một cuộc đàng hoàng và khả kính, nhưng lại dựa lên việc tìm kiếm sự trọn hảo, xét đoán người khác còn lầm lỗi. Thật vậy, nếu bạn “gắn bó” với sự trọn hảo, bạn đang tự xây dựng đời mình không cần Thiên Chúa, bạn đầy cái tôi, bạn đầy những sự thán phục bản thân. Bạn như người con ở lại nhà và kể lể với cha về mọi công trạng của mình. "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh". Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy. Khi nói lời này, Đức Giêsu chống lại cái thái độ chủ trương rằng mối tương quan với Thiên Chúa đặt cơ sở trên việc tuân giữ các điều răn. Giữ các điều răn thì không đủ. Truyền thống Do thái cũng ý thức rõ điều này. Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu đề cao Tình Yêu thần linh và cho thấy Thiên Chúa, là Tình Yêu, đã đi bước trước đến với mọi người, không xem xét liêu họ có xứng đáng hay không, nhưng yêu cầu họ mở ra với Người nhằm thiết lập một mối hiệp thông yêu thương đích thực. Dĩ nhiên, bạn dư hiểu cái trở ngại lớn nhất đối với Thiên Chúa – Tình Yêu, chính xác là một sự sử dụng cuộc sống trong đó người ta thu tích hoạt động và công trạng, trong khi Thiên Chúa thì muốn tấm lòng của họ. Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy. Khi nói lời này, Đức Giêsu mời gọi bạn hãy có cũng cùng tình yêu vô biên mà Chúa Cha có đối với những người mà các Kitô hữu khả kính phán xét nghiêm nhặt, coi họ là quân tội lỗi. Người đang yêu cầu bạn đừng đo lường tình yêu của Chúa Cha dành cho mỗi một người theo khả năng yêu thương của bạn. Bằng cách mời gọi người con cả hãy vui với mình vì đứa con được tìm lại được, Chúa Cha cũng còn yêu cầu bạn hãy thay đổi cách nhìn: trong thực tế, bạn cũng phải chào đón các anh chị em mình kể cả những con người mà cứ bình thường bạn đâm ra đem lòng ghen ghét và xem mình như ở trên họ. Điều này sẽ đem lại một sự cải hoán tự tân thực sự trong người bạn bởi vì nó thanh luyện bạn khỏi cái tự đắc là mình còn hơn chán vạn người khác, nó ngăn bạn khỏi rơi vào thái độ bất khoan dung tôn giáo, và giúp bạn ôm chầm lấy ơn cứu độ mà Đức Giêsu đã đoạt lấy cho bạn, như một món quà tặng không biếu không cho bạn, như một món quà tình yêu của Thiên Chúa. Chiara Lubich Đan Quang Tâm dịch Mời các bạn lắng nghe bài Phúc âm nêu trên theo phong cách cải lương Nam bộ : CẢI LƯƠNG NGƯỜI CHA NHÂN HẬU Thuận Phát MySpace Video

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét