Trang

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2010

Lịch sử Việt Nam : Khởi nghĩa Bà Triệu



Triệu Ẩu (tức Bà Triệu) là người con gái ở quận Cửu Chân, họp quân trong núi, đánh phá thành ấp, các bộ đều theo như bóng theo hình, dễ hơn trở bàn tay. Tuy chưa chiếm giữ được đất Lĩnh Biểu như việc cũ của Trưng Vương, nhưng cũng là bậc hùng tài trong nữ giới.

Bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Ất Tỵ (225) tại miền núi Quân Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Thủa nhỏ cha mẹ đều mất sớm, Bà Triệu đến ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Quan Yên. Lớn lên, bà là người có sức mạnh, giỏi võ nghệ, lại có chí lớn. Đến độ 20 tuổi gặp phải người chị dâu (vợ ông Đạt) ác nghiệt, bà giết đi rồi vào ở trong núi Nưa (nay thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá), chiêu mộ được hơn ngàn tráng sĩ.

Năm Mậu Thìn (248), thấy quan lại nhà Đông Ngô (Trung Quốc) tàn ác, dân gian khổ sở, Bà Triệu bèn bàn với anh việc khởi binh chống lại. Lúc đầu, anh bà không tán thành nhưng sau chịu nghe theo ý kiến của em. Từ hai căn cứ núi vùng Nưa và Yên Định, hai anh em bà dẫn quân đánh chiếm quận lỵ Tư Phố nằm ở vị trí hữu ngạn sông Mã. Đây là căn cứ quân sự lớn của quan quân nhà Đông Ngô trên đất Cửu Chân. Thừa thắng, lực lượng nghĩa quân chuyển hướng xuống hoạt động ở vùng đồng bằng con sông này. Đang lúc ấy, Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời . Các nghĩa binh thấy bà làm tướng có can đảm, bèn tôn lên làm chủ. Khi ra trận, Bà Triệu mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi và được tôn là Nhụy Kiều tướng quân.

Được tin cuộc khởi nghĩa lan nhanh, vua Ngô là Tôn Quyền liền phái tướng Lục Dận (cháu của Lục Tốn), sang làm thứ sử Giao Châu, An Nam hiệu uý, đem theo 8.000 quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Đến nơi, tướng Lục Dận liền dùng của cải mua chuộc một số lãnh tụ địa phương để làm suy yếu và chia rẽ lực lượng nghĩa quân. Những trận đánh ác liệt đã diễn ra tại căn cứ Bồ Điền . Song do chênh lệch về lực lượng và không có sự hỗ trợ của các phong trào đấu tranh khác nên căn cứ Bồ Điền bị bao vây cô lập, và chỉ đứng vững được trong hơn hai tháng.

Theo Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược, bà chống đỡ với quân Đông Ngô được năm sáu tháng thì thua. Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào ngày 21 tháng 2 âm lịch năm Mậu Thìn (tức ngày 1 tháng 4 năm 248), năm 23 tuổi. Lâu nay sử sách đều biên chép cuộc khởi nghĩa Bà Triệu thất bại, và bà đã tự vẫn năm 248.

Tuy nhiên, GS. Lê Mạnh Thát đã dẫn Thiên Nam ngữ lục và Ngụy chí để kết luận rằng Bà Triệu đã không thua bởi tay Lục Dận, trái lại đã đánh bại viên tướng này. Lục Dận chỉ chiếm được vùng đất nay thuộc Quảng Tây. Và Bà Triệu đã giữ được độc lập cho đất nước đến khi Đặng Tuân được Tôn Hựu sai sang đánh Giao Chỉ vào năm 257 và nước Việt lại bị nhà Đông Ngô đô hộ cho đến 265.

Về sau vua Lý Nam Đế (tức Lý Bí) khen Bà Triệu là người trung dũng sai lập miếu thờ, phong là: "Bất chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân". Hiện nay, nơi núi Tùng (xã Triệu Lộc), vẫn còn di tích lăng mộ của bà. Cách nơi bà mất không xa, trên núi Gai ngay sát quốc lộ 1A (đoạn đi qua thôn Phú Điền, xã Triệu Lộc, cách thành phố Thanh Hóa 18 km về phía Bắc) là đền thờ bà.

Hằng năm, vào ngày 21 tháng 2 (âm lịch), người dân trong vùng vẫn tổ chức tế giỗ bà. Tại nhiều tỉnh thành trong nước Việt Nam, tên bà cũng đã được dùng để đặt tên cho nhiều trường học và đường phố; riêng tại Hà Nội, có một con đường mang tên phố Bà Triệu.

 Mời các bạn theo dõi truyền thuyết về Bà Triệu của Lịch sử Việt Nam. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét