Trang

Thứ Năm, 25 tháng 3, 2010

Khó khăn tài chính Hy Lạp và nguy cơ nổ ra khủng hoảng công trái

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Viễn ảnh nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất để tiếp tục huy động vốn dưới dạng công phiếu, cộng thêm với tình trạng thâm hụt ngân sách công cộng ở nhiều nơi liên tục gia tăng : đó là những nguyên nhân có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính mới, khi các nhà nước không còn khả năng thanh toán nợ. Vào lúc Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục thảo luận về hình thức hỗ trợ Hy Lạp trước nguy cơ nước này không còn khả năng thanh toán, mối lo ngại lớn trên các thị trường tài chính từ Âu sang Á và kể cả ở Hoa Kỳ là nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng trái phiếu. Viễn ảnh nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất để tiếp tục huy động vốn dưới dạng công phiếu, cộng thêm với tình trạng thâm hụt ngân sách công cộng ở nhiều nơi liên tục gia tăng : những nguyên nhân có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính mới, khi các nhà nước không còn khả năng thanh toán nợ. Đe dọa tiềm tàng Trong một bài phân tích dài trên phụ trang báo của tờ Le Monde gần đây, Charles Gave một chuyên gia tài chính trụ trên thị trường quốc tế từ hơn 30 năm qua và cũng là chủ tịch tập cơ quan tài chính GaveKal có trụ sở tại Hồng Kông khẳng định : khủng hoảng trái phiếu đã mở màn với ngòi nổ đương nhiên là Hy Lạp. Trước hết, theo ông có hai nguyên nhân dẫn đến một cuộc khủng hoảng công trái. Một là do lãi suất ngân hàng trung ương gia tăng đột ngột và hai là do giới đầu tư không còn tin tưởng vào khả năng thanh toán của quốc gia ban hành trái phiếu. Hy Lạp hiện đang hội tụ đủ cả hai yếu tố nói trên. Lãi suất tại quốc gia này đã tăng lên gấp đôi, nhảy vọt từ 3 lên thành 6% trong vỏn vẹn vài tháng. Ngân hàng trung ương Hy Lạp tăng lãi suất để huy động vốn : trong tháng giêng vừa qua Athens đã phát hành công phiếu và thu về được hơn 8 tỷ euro. Đầu tháng ba vừa qua thủ tướng Georges Papandreou cũng đã khởi động kế hoạch thứ nhì với trái phiếu có hạn định 10 năm để huy động thêm 5 tỷ euro. Trong bối cảnh Hy Lạp đang thiếu hụt ngân sách trầm trọng (gần 13% GDP), tổng số nợ công tương đương với 115% tổng sản phẩm nội địa, tín nhiệm của các nhà đầu tư quốc tế là một yếu tố quyết định - nếu không muốn nói là một vấn đề sống còn- đối với chính phủ thuộc đảng Xã hội vừa nhậm chức vào đầu tháng 10 năm ngoái. Về nguy cơ không có khả năng thanh toán nợ của Athens thì đây đang là đề tài gây tranh cãi ở Bruxelles : Liên Hiệp Châu Âu còn chia rẽ về kế hoạch trợ giúp tài chính một thành viên khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Kế hoạch này ước tính khoảng 22 tỷ euro. Nguy cơ một nhà nước bị phá sản Vẫn theo phân tích của chuyên gia tài chính Charles Gave : với tỷ lệ thâm hụt ngân sách nhà nước gần 13% trong năm 2009 lãi suất của ngân hàng trung ương là 6% và tỷ lệ tăng trưởng ở số âm, nợ công chồng chất, Hy Lạp là một quốc gia đang bị đe dọa « phá sản ». Điều đó có nghĩa là Hy Lạp lại càng phải tăng lãi suất để còn tiếp tục « hấp dẫn » đối với giới đầu tư. Bên cạnh đó còn phải kể đến chiến lược của các nhà đầu cơ. Song song với đe dọa Hy Lạp bị phá sản thị trường bảo hiểm dành cho giới mua công trái của Hy Lạp càng tăng mạnh (dưới hình thức Credit Default Swap). Nói một cách khác, tình trạng kinh tế Hy Lạp càng có dấu hiệu « đáng lo ngại », thì các tay đầu cơ càng chóng làm giàu. Trái phiếu không người mua Nhưng trong mắt Charles Gave, nguy cơ có thật bắt nguồn từ chỗ trái phiếu của Hy Lạp phát hành không có người mua. Từ trường hợp của Hy Lạp giới tư bản sẽ trở nên thận trọng hơn với các quốc gia đang cần vốn như là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và trong một chừng mực nào đo là cả Pháp tại Liên Hiệp Châu Âu ; của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc. Đó là chưa kể đến nhu cầu cấp bách của Athens phải tiến hành các biện pháp cải tổ để tô điểm lại hình ảnh của Hy Lạp, để tái tạo uy tín với các đối tác châu Âu, với giới tư bản quốc tế. Điều đó có nghĩa là Anthens sẽ áp dụng các chính sách cứng rắn, để giới hạn bội chi trong ngân sách nhà nước, kềm hãm mức nợ công để từng bước trở lại với quy định của hiệp ước Maastricht (nợ công là 6% GDP và thâm hụt ngân sách là 3%), điều kiện tiên quyết để tham gia khối euro. Điều đó có nghĩa lã trong những quý tới, kinh tế của nước này sẽ tiếp tục co cụm lại. Câu hỏi đặt ra khi đó Athens có còn đủ sức thu hút chú ý của giới tư bản quốc tế hay không. Theo đánh giá của Ngân hàng trung ương Hy Lạp, tổng sản phẩm nội địa 2010 dự trù sụt giảm 2% tương tự như trong năm 2009. Khủng hoảng công trái còn xa vời Bên cạnh những lập luận tương đối bi quan kể trên cũng có nhiều tiếng nói bác bỏ kịch bản xảu ra một cuộc khủng hoảng tài chính công cộng. Lý do thứ nhất liên quan đến việc ngân hàng trung ương đột ngột tăng lãi suất để đề phòng lạm phát gia tăng. Về điểm này, ông Nicolas Forest trung tâm quản lý tài chính Dexia AM, văn phòng chính được đặt tại Luxembourg nhìn nhận : một nhà nước cần huy động vốn phải tăng lãi suất chỉ đạo để trái phiếu của họ có tính chất « hấp dẫn ». Nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn chưa thực sự phục hồi sau khủng hoảng tài chính và kinh tế năm 2008-2009 vừa qua, tỷ lệ tăng trưởng còn èo uột, bất chấp hàng trăm tỷ euro mà các quốc gia đổ vào để hỗ trợ kinh tế thất nghiệp vẫn còn gia tăng, thì kịch bản các ngân hàng trung ương tăng lãi suất đề phòng lạm phát là điều phi lý. Không có chuyện lạm phát gia tăng Hơn nữa lo sợ lạm phát do tình trạng dư thừa tiền tệ cũng là một lập luận không có cơ sở. Do phần lớn những khối tiền tệ được tung ra để cứu nguy ngành ngân hàng – để ngân hàng tiếp tục cấp tín dụng cho tư nhân, tránh để xảy ra tình trạng thiếu hụt tiền mặt làm liên lụy đến khu vực sản xuất, đầu tư- hiện còn nằm trong vòng kiểm soát của các cơ quan tài chính. Nói một cách khác, ngoại trừ trường hợp của Trung Quốc, trong suốt thời gian 15 tháng qua, chính sách tín dụng của giới ngân hàng cho tư nhân đã tương đối « dè dặt » và không tạo nên lạm phát ở châu Âu hay Hoa Kỳ. Do vậy, khả năng các giới chức tài chính bất ngờ tăng lãi suất để ngăn ngừa lạm phát như kịch bản đã từng xảy ra vào năm 1994 và 2004 để dẫn đến một cuộc khủng hoảng công trái là điều khó có thể xảy ra. Trích dẫn phát biểu của chủ tịch ngân hàng trung ương Hoa Kỳ và châu Âu, Nicolas Forest của tập đoàn tài chính Dexia AM tin tưởng là chính sách tiền tệ tại hai châu lục này sẽ tiếp tục mềm dẻo trong những quý tới. Nguy cơ duy nhất có thể xảy ra là sự thiếu tin tưởng vào các nhà nước phát hành trái phiếu, cũng như là đe dọa đến từ các tay đầu cơ. Nợ công một mối hiểm nguy ? Liên quan tới vai trò đáng ngại của mức nợ công quá trớn, nhiều nhà phân tích nhìn nhận, mức nợ công quá lớn có thể là một nhược điểm đặc biệt là đối với các nước nhỏ như Hy lạp hay Tây Ban Nha chẳng hạn nhưng đối với những nền kinh tế vững chắc, như Nhật Bản hay Hoa Kỳ thì đây hoàn toàn không phải là một trở ngại trong mắt các nhà đầu tư. Vì xét cho cùng, có thị trường nào đáng tin cậy hơn là Mỹ và Nhật hay không ? Riêng trong trường hợp của Hy Lạp thì khác : quốc gia này theo quan điểm của ông Forest đang đánh mất uy tín của mình và y Lạp đang trở thành nạn nhân của các dịch vụ đầu cơ và « con sâu làm rầu nồi canh » : trường hợp đáng nghi ngại của Hy Lạp có thể khiến giới tư bản thận trọng hơn. Những nước nhỏ khác trong Liên Hiệp Châu Âu đang gặp khó khăn tương tự như Athens sẽ khó thuyết phục khi ban hành trái phiếu. Nhưng theo chuyên gia nói trên, đây sẽ không phải là lý do dẫn đến một cuộc khrung hoảng tài chính công cộng Lý do cuối cùng được Nicolas Forest đưa ra để chứng minh rằng Hy Lạp ít có khả năng trở thành điểm khởi đầu của một cơn bão tiền tệ mới : nước này chỉ có một vị trí khiêm tốn trong khối euro. Nhìn chung, thâm hụt ngân sách của 16 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu không đến nỗi báo động. Trung bình, bội chi ngân sách của khối euro mới tương đương với từ 6 đến 7% GDP tức còn thấp hơn nhiều so với thực tế đang diễn ra tại Hoa Kỳ hay Anh Quốc Còn rất nhiều thận trọng Dù vậy trước mắt Liên Hiệp Châu Âu còn chia rẽ trên câu hỏi nên chăng cứu nguy Hy Lạp, một thành viên khối euro đang bị đe dọa không có khả năng thanh toán nợ. Trong hai ngày 25 và 26 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ họp thượng đỉnh tại Bruxelles để thông qua thể thức hỗ trợ Athens về phương diện tài chính. Đây sẽ là một cuộc trắc nghiệm đối với khối sử dụng chung đơn vị tiền tệ châu Âu Trong các vòng đàm phán vài giờ chót, các bên đang cố gắng tìm ra đồng thuận trên kế hoạch cho chính quyền Hy Lạp vay 22 tỷ euro với lãi suất thấp hơn cái giá mà Athens đang phải trả. Tuy nhiên kế hoạch này đang gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của Berlin, vì trước mắt thủ tướng Merkel không muốn chính phủ Đức đứng ra « bảo đảm » cho nhà nước Hy Lạp Về phần Pháp, Ý cũng như Ngân hàng trung ương châu Âu thì tỏ ý muốn giúp đỡ Athens thoát khỏi cơn hoạn nạn khi mà « số phận tất cả các nước sử dụng đồng euro đã được cột chặt lại với nhau ». Về phần Hoa Kỳ, Washington cũng đang lo ngại truớc khả năng khủng hoảng của riêng Hy Lạp tác động trực tiếp đến nền kinh tế Mỹ qua ba ngả khác nhau. Theo quan điểm của Ngân hàng dự trữ Liên bang, với ca đặc biệt của Hy Lạp, Liên Hiệp Châu Âu siết chặt chính sách chi tiêu của toàn khối euro, để giới hạn mức thâm hụt ngân sách của mỗi thành viên. Hậu quả là tăng trưởng trong khối euro càng thêm yếu kém. Qua đó, xuất khẩu của Mỹ vào khu vực euro sẽ bị sụt giảm. Điểm đáng lo ngại thứ hai đối với Hoa Kỳ là đồng euro đánh mất niềm tin, giới đầu tư quốc tế sẽ bán euro để mua đô la. Đồng đô la tăng giá và sẽ có hại cho ngành xuất khẩu của Mỹ. Kịch bản thứ ba là khủng hoảng ngân sách Hy Lạp dẫn đến một cuộc khủng hoảng công trái phiếu : giới đầu tư mất niềm tin đối với công phiếu của Hy Lạp và của nhiều quốc gia khác, trong đó có cả của Hoa Kỳ. Theo RFI.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét