Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Phim Mỹ : Xác Ướp 3 - Lăng Mộ Tần Vương



Tên phim : Xác Ướp 3: Lăng Mộ Tần Vương
Đạo diễn: Rob Cohen
Diễn viên:Brendan Fraser, Lý Liên Kiệt, Lương Lạc Thi, Dương Tử Quỳnh
Nhà sản xuất:Universal Pictures
Thể loại:Hành động, Phiêu lưu, Viễn tưởng
Độ dài: 112 phút
Quốc gia:Mỹ
Năm sản xuất: 2008

Giới thiệu:

Phần tiếp theo của series Xác Ướp Ai Cập sẽ theo gót chân hai cha con khảo cổ O'Connell đến đất nước Trung Hoa. Brendan Fraser trở lại trong vai nhà thám hiểm Rick O’Connell cùng với con trai Rick là Alex, vợ Rick là Evelyn và anh trai bà là Jonathan chống lại sự hồi sinh của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Họ có nhiệm vụ ngăn sự thức dậy của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, người sẽ nhấn chìm cả thế giới này trong tàn nhẫn và vĩnh viễn hầu hạ ông.

Bị kết tội bởi mụ phù thủy đã sử dụng năng lượng bất diệt để ngăn sự dịch chuyển, Tần Vương và 10.000 binh lính của ông đã đi vào sự lãng quên vĩnh viễn khi bị chôn vùi trong đất sét. Nhưng khi bị lợi dụng và vướng vào trò chơi mạo hiểm, Alex đã vô tình đánh thức giấc ngủ vĩnh viễn của Tần Vương. Nhà khảo cổ học hậu đậu này phải tìm đến sự giúp đỡ của những người am hiểu về nền văn hóa của Trung Quốc. Khi xác ướp gầm lên để trở lại, Rick đã tìm ra được lời giải để Tần Thủy Hoàng không thể thống trị thế giới...

Mời các bạn xem phim :



Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Phúc âm Lễ Chúa Nhật Thứ XIV MTN (năm B) ngày 08/07/2012



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ XIV Mùa Thường Niên (năm B)

Nguồn:www.40giayloichua.net

SỨ MẠNG NGÔN SỨ Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

* 1. Tiếng nói của những ngôn sứ

Tiếng nói của những ngôn sứ rất lạ thường, vì ngôn sứ không nói tiếng nói của loài người mà là tiếng nói của Thiên Chúa. Loài người thường "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", còn Thiên Chúa thì nói thẳng sự thật để dạy dỗ hoặc sửa lỗi. Mà "sự thật mất lòng" cho nên tiếng nói của Thiên Chúa nhiều khi chói tai.

Ngôn sứ nói tiếng nói của Thiên Chúa, nên nhiều khi chẳng những không được người ta nghe mà còn bị người ta ghét. Ngôn sứ Êdêkien thay mặt Chúa kêu gọi dân Do Thái hãy sám hối tội lỗi chứ đừng ỷ lại vào sự kiện họ có Ðền thờ tại Giêrusalem và cũng đừng nương dựa vào thế lực ngoại bang. Những lời nói này đã khiến dân Do Thái kết ông tội phạm thánh và phản quốc. Và họ đã nhiều lần bách hại ông, ông chỉ thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Gioan Tẩy giả thị bị Hêrôđê chém đầu vì đã dám lên tiếng vạch tội loạn luân của vua. Rất nhiều ngôn sứ khác cũng không thoát khỏi lao đao lận đận do đã thay mặt Chúa nói lên những "sự thật mất lòng".

Ngày nay có biết bao sự thật ê chề trong xã hội cũng như trong Giáo Hội. Thiên Chúa cần những ngôn sứ can đảm nói lên những điều đó. Nhưng buồn thay, đa số kitô hữu, thậm chí những cán bộ Tin Mừng và những tu sĩ, giáo sĩ đã chọn thái độ giả điếc làm ngơ và ngậm miệng. Chỉ vì muốn được yên thân. Như thế là không thi hành chức năng ngôn sứ của mình. Ta có thể nói thẳng bằng những lời bộc trực, hoặc khéo léo hơn bằng lời lẽ từ tốn tế nhị, nhưng không bao giờ nên ngậm miệng không nói.

* 2. Tiêu chuẩn Chúa chọn người

Khi chọn ai, Chúa theo những tiêu chuẩn rất lạ : không cần học thức cao, không cần tài ba lỗi lạc, không cần khả năng khéo làm việc... Thánh Phaolô đã liệt kê 5 tiêu chuẩn Chúa theo :

•những cái yếu đuối,
•những cái ngu dại,
•những cái hèn mọn,
•những cái bị khinh thường
•và những cái hư không. (Sunday School Times).

* 3. "Ơn Ta đủ cho con" (2Cr 12,9)

Thiên Chúa luôn ban cho ta đầy đủ ơn Ngài :

•Khi gánh đời ta nặng hơn, Ngài ban thêm ơn
•Khi công việc ta cực nhọc hơn, Ngài ban thêm sức
•Khi Ngài gởi khổ sầu, Ngài cũng gia tăng lòng thương xót
•Khi Ngài gởi đến thử thách, Ngài cũng gởi đến bình an
•Lúc ta cảm thấy sức mình hầu như cạn kiệt thì đấy là lúc ơn Chúa thực sự tràn đầy.

* 4. Phép lạ

Bài Tin Mừng hôm nay đề cập về Phép lạ: Ở quê hương Nadarét, Ðức Giêsu chỉ làm được một ít phép lạ bởi vì dân Nadarét không tin.

Nhân dịp này, chúng ta hãy tìm hiểu xem : phép lạ là gì? và ngày nay phép lạ còn xảy ra nữa không? Ðiều chúng ta cần lưu ý trước tiên là người ta dùng chữ phép lạ theo nhiều nghĩa khác nhau.

Theo nghĩa rộng, phép lạ là một điều gì có vẻ khác thường, xảy ra lạ hơn bình thường và không giống như người ta dự kiến. Thí dụ như người Do thái ngày nay đã vận dụng nhiều cố gắng lao động, kết hợp với khoa học kỹ thuật mà trồng được những vườn cam ngon ngọt trên miền đất trước đây là sa mạc. Người ta đã coi đó là một phép lạ (theo nghĩa rộng).

Còn theo nghĩa hẹp, nghĩa chính xác, phép lạ là điều không những kỳ diệu khác thường, mà còn xảy ra ngoài những quy luật tự nhiên nữa. Thí dụ: trong khoa vật lý học, chúng ta biết có quy luật là một vật có trọng lượng thì bị rơi xuống do sức hút của trái đất. Nhưng nếu có một người nào đó té từ một nhà lầu cao nhưng không rơi xuống đất mà cứ lơ lửng giữa chừng, thì khi đó sự kiện không xảy ra theo quy luật tự nhiên nữa, nên được coi là phép lạ.

Sau khi đã hiểu phép lạ là gì theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp, bây giờ chúng ta tìm hiểu xem có thể xảy ra phép lạ hay không. Phép lạ hiểu theo nghĩa rộng thì ai cũng nhìn nhận rằng có, kể cả những người không có đạo, kể cả những kẻ vô thần. Người ta nói nhiều đến phép lạ cải tạo ruộng đất, làm theo nghĩa hẹp thì những người vô tín ngưỡng lại không nhìn nhận. Bởi vì muốn có phép lạ theo nghĩa hẹp này thì cần có sự can thiệp của quyền năng thần thánh. Kẻ vô tín ngưỡng không công nhận thần thánh nên cũng không công nhận phép lạ.

Còn đối với chúng ta, những người Công giáo thì sao ? Dĩ nhiên vì tin vào quyền năng Thiên Chúa nên chúng ta nhìn nhận có phép lạ. Tuy nhiên cũng cần lưu ý thêm điều này là: Thiên Chúa không làm phép lạ một cách bừa bãi đâu. Vì như đã nói trên: phép lạ (theo nghĩa hẹp) là điều xảy ra ngoài quy luật tự nhiên. Quy luật tự nhiên ấy ai đã thiết lập ra ? Thưa là chính Thiên Chúa. Vậy nếu Thiên Chúa đã thiết lập những quy luật tự nhiên thì đương nhiên Thiên Chúa cũng muốn cho vạn vật vận hành theo đúng quy luật tự nhiên mà Ngài đã thiết lập. Chỉ thỉnh thoảng khi nào có một lý do thật quan trọng thì Chúa mới cho một sự kiện xảy ra ngoài những quy luật tự nhiên đó (và khi đó là phép lạ).

Vậy lý do quan trọng khiến Chúa làm phép lạ là gì? Thường là Ðức Tin. Phép lạ xảy ra để đáp ứng một lòng tin mạnh mẻ vững vàng - hoặc để mời gọi những người chứng kiến càng tin mạnh mẻ vững vàng hơn. Trong các sách Tin Mừng chúng ta đã đọc thấy nhiều lần trước khi làm phép lạ chẳng hạn trước khi chữa cho một người mà từ thuở mới sinh Ðức Giêsu hỏi "Con có tin không ?" Người đó tuyên xưng đức tin thì Chúa mới làm phép lạ. Ngược lại, đối với vua Hêrôđê không tin mà chỉ muốn có phép lạ để xem cho thoả thích hiếu kỳ thì Ðức Giêsu không làm một phép lạ nào hết.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay cũng thế: những người đồng hương với Ðức Giêsu ở Nagiarét một mặt khinh thường Ðức Giêsu chỉ là con của một bác thợ một nghèo nàn tầm thường, nhưng mặt khác khi nghe biết Ðức Giêsu đã làm nhiều phép lạ ở những nơi khác thì cũng muốn Ðức Giêsu làm phép lạ ở quê hương Nagiarét cho họ hưởng nhờ thì Ðức Giêsu cũng không chịu làm phép lạ chỉ để thoả mãn tính vụ lợi của họ.

Có những người rất nhẹ dạ dễ tin: chuyện gì hơi lạ một chút cũng coi là phép lạ. Có những người rất hay cầu xin phép lạ: phép lạ được trúng số, phép lạ được khỏi bệnh. Không phải chúng ta không nên tin cũng như không nên cầu xin nữa.

Nhưng sau những phân tích nãy giờ, chúng ta hãy lưu ý: điều quan trọng nhất trong các phép lạ không phải là khía cạnh lạ thường, khía cạnh lợi lộc của chúng, mà chính là Ðức Tin: phép lạ xảy ra là vì Ðức Tin: hoặc để đáp ứng đức tin mạnh mẻ của con người, hoặc để mời gọi con người qua đó mà càng tin vững hơn vào Thiên Chúa.

- Ở Lộ Ðức, ở Fatima, ở La Salette v.v.... khi mà những biến cố lạ thường xảy ra làm nhiều người xôn xao thì Giáo Hội vẫn im lặng. Chỉ sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng một thời gian dài rồi thì Giáo Hội mới tuyên bố đấy là phép lạ. Giáo Hội cẩn thận như vậy là để khỏi rơi vào mê tín dị đoan. Thiết tưởng mỗi người chúng ta cũng phải cẩn thận như thế trước những điều xảy ra có vẻ khác thường, bởi vì Ðức Tin của chúng ta không phải là nhẹ dạ, mê tín, mà là một đức tin có nền tảng vững chắc, trong sáng.

- Rồi trong cuộc sống đạo của chúng ta, điều quan trọng mà chúng ta phải chú ý hơn hết là cố gắng rèn luyện cho đức tin của mình càng ngày càng vững mạnh trong sáng hơn. Nói cụ thể:: tôi giữ đạo, tôi làm theo những điều Chúa dạy là vì tôi thực sự tin vào Chúa... chứ không phải vì tôi mong Chúa sẽ làm phép lạ cho tôi giàu có, cho tôi trúng số, cho tôi khỏi bệnh một cách lạ lùng... Những điều đó nếu thấy cần thì chúng ta cứ cầu xin, và Chúa nếu thấy rằng tốt thì sẽ ban cho chúng ta. Nhưng chúng ta không nên chỉ giữ đạo vì những điều đó. Chúng ta giữ đạo vì chúng ta tin vào Chúa. Tin vào Chúa chẳng những khi cuộc sống thoải mái dễ chịu, nhưng dù cuộc đời có gặp lúc gian nan, túng thiếu., bệnh tật, buồn khổ... chúng ta vẫn một niềm tin son sắt vào Chúa. Ðó mới là một đức tin vững mạnh.

* 5. Có tin mới thấy

Tại một vùng của nước Pháp, dân chúng có tập tục rất lạ. Ðó là vào sáng sớm Chúa Nhật Phục sinh khi hồi chuông đầu tiên của nhà thờ vang lên, tất cả mọi người đều trổi dậy chạy ra giếng làng để rửa mắt với giòng nước mát lạnh.

Nhiều bạn trẻ không hiểu vì sao lại chạy ra giếng rửa mắt, trong khi ngày nay gia đình nào cũng có các vòi nước trong nhà. Lúc ấy các vị bô lão mới giải thích : Ðó là hình thức cầu nguyện bằng hành động, qua đó dân làng cầu xin Thiên Chúa ban cho họ đôi mắt đức tin mới, để họ thấy Ðức Giêsu Phục sinh đang hiện diện sống động giữa họ.

*

Với con mắt định kiến, thiển cận và hẹp hòi, những người đồng hương với Ðức Giêsu đã không nhận ra khuôn mặt thật của Người. Họ không tin Người là một tiên tri, lại càng không thể tin Người là Ðấng Cứu Thế, và chắc chắn họ chẳng ngờ mình là người đồng hương với Con Thiên Chúa. Chính lòng ghen tỵ là một trong những nguyên nhân khiến "các tiên tri không được kính trọng ở quê hương mình" (Lc.4,24). Mc. Kenzie nói : "Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người ghen tỵ nhìn bằng kính hiển vi".

•Họ không tin vì họ chỉ nhìn thấy quá khứ rất đỗi bình thường của Người.
•Họ không tin vì họ chỉ nhìn thấy hiện tại của Người không một chút hào quang.
•Họ không tin vì họ chỉ nhìn thấy nơi Người một bác thợ mộc rất mực âm thầm, khiêm tốn.

Chính vì không tin nên họ đã không thấy. Thấy đây là thấy toàn vẹn khuôn mặt của Thiên Chúa. Thấy đây là thấy Người bằng cái nhìn luôn đổi mới. Thấy đây là thấy với con mắt đức tin. Tác giả thư Do thái viết : "Ðức tin là bảo đảm cho những gì ta hy vọng, là bằng chứng cho những gì ta không thấy" (Dt.11,1). James Woodbridge viết : "Ðức tin là con mắt để nhìn thấy Chúa, là bàn tay để nắm lấy Người, là sức mạnh giúp ta tự hiến cho Người". Cho dù Thiên Chúa là Ðấng toàn năng, Người có thể làm được mọi sự. Nhưng Người phải bó tay trước sự cứng lòng của con người. Người đã trở nên bất lực trước những kẻ thiếu niềm tin. Và quả thật, "Người đã không thể làm được phép lạ nào" tại quê hương mình. Thế mới biết con người có khả năng cản trở Thiên Chúa, con người có toàn quyền từ chối quà tặng của Người. Nếu Phép lạ là quà tặng của Thiên Chúa, cần được đón nhận với Niềm tin ; thì chính Niềm tin là ân huệ của Thiên Chúa chỉ có thể nhận được với lời cầu nguyện. Cần phải cầu nguyện để có Niềm tin. Nhà bác học kiêm triết gia Pascal đã nói : "Ðể có niềm tin con người phải quì gối cầu xin".

* 6. Mạnh và yếu

Câu chuyện sau đây có thể giúp chúng ta hiểu được lời của Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay : "Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh" (2 Cr 12,10)

Hai người nghèo đi từ thành phố này đến thành phố khác để xin ăn. Một người rất vạm vỡ khoẻ mạnh và không bao giờ đau yếu, còn người kia thì ốm tong teo và hầu như lúc nào cũng bị bệnh. Anh chàng khoẻ mạnh thường cười chê anh chàng ốm yếu khiến chàng này rất buồn, anh cầu xin Chúa trừng phạt anh kia.

Khi hai người đến thủ đô thì vừa gặp lúc trong triều đình có chuyện buồn, là hai vị quan thân cận nhất của nhà vua vừa mới chết. Một người là cận vệ của nhà vua, người khoẻ mạnh nhất nước ; người kia là thái ý của nhà vua, người chữa bệnh giỏi nhất nước. Nhà vua sai người đi khắp nước để tìm hai người thay thế, và cuối cùng người ta cũng tìm được. Nhưng trước khi bổ nhiệm hai người ấy vào chức vụ, nhà vua bảo họ hãy đưa ra bằng chứng về tài năng của mình. Người ứng cử vào chức cận vệ thưa : "Muôn tâu thánh thượng, hãy mang đến cho hạ thần người nào khoẻ mạnh và to lớn nhất. Thần sẽ giết chết hắn ngay lập tức chỉ bằng một cú đấm". Người ứng cử vào chức thái y thưa : "Xin hãy mang đến cho hạ thần người nào ốm yếu bệnh tật nhất. Thần sẽ chữa người đó hết mọi thứ bệnh chỉ trong vòng một tuần lễ."

Người ta lại đi tìm đối tượng cho hai ứng cử viên ấy thi thố tài năng. Và thật là bất ngờ, chính hai người ăn mày trên được chọn. Chỉ bằng một cú đấm, người ứng cử vào chức cận vệ đã giết chết người ăn mày to khoẻ. Và chỉ trong một tuần lễ, người ứng cử vào chức thái y đã chữa người ăn mày ốm yếu hết mọi thứ bệnh. Thế là sức mạnh của người ăn mày to khoẻ lại khiến anh phải chết, còn sự ốm yếu của người ăn mày bệnh tật lại giúp anh khoẻ mạnh !

Thánh Phaolô đã nói rất đúng : "Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh". Người ta thường không té ngã vì yếu, nhưng vì tưởng mình mạnh. Thánh Phaolô biết mình yếu, nhưng đồng thời Ngài cũng biết bù đắp sự yếu đuối của mình bằng sức mạnh vô địch của Chúa, "vì sức mạnh của Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối (của con người)". (Viết theo Flor McCarthy)

* 7. Dụ ngôn sống động về chung hiệp đại kết

Năm 1940 một thanh niên Tin Lành người Thụy Sĩ dừng xe đạp trước một ngôi làng hẻo lánh trong cảnh hoang tàn. Một bà cụ khẩn khoản nói với người thanh niên ấy : "Xin ở lại đây với chúng tôi vì anh thấy rõ chúng tôi sống trong cảnh cô lập." Người thanh niên ấy nay được cả thế giới biết đến với danh xưng thân thương là Thầy Roger.

Ðối với thầy Roger, lời mời của bà cụ nói lên ý Chúa dành cho thầy. Khi ấy nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh, đất nước bị chia đôi, ranh giới giữa khu chiếm đóng và khu tự do xuyên qua làng Taizé. Thầy Roger đã kiếm cho mình một nơi ở và bắt đầu một đời sống cầu nguyện và suy niệm. Nhưng hoàn cảnh đặt thầy trước những con người cụ thể bị Ðức Quốc Xã truy lùng để tiêu diệt. Thầy đã đón tiếp và che giấu những người Do Thái đáng thương ấy. Một mình thầy đứng ra săn sóc an ủi những người nam và nữ chạy trốn quân đội Hít-le. Nhưng vì quân Ðức Quốc Xã truy lùng đối tượng gắt gao nên thầy buộc phải trở về quê hương Thụy Sĩ.

Năm 1944, thầy Roger trở lại Taizé, lần nầy với 3 đồng chí quyết tâm gầy dựng nên cộng đoàn tu sĩ đại kết rộng mở. Mục tiêu mà cộng đoàn này nhắm thể hiện là trở nên như "bài dụ ngôn sống động về một đời sống chung hiệp". Cộng đoàn chủ tâm dâng lời cầu nguyện để góp phần làm cho các Giáo Hội Kitô được hòa giải. Hai chủ đích ở tâm điểm của sứ mạng theo thầy Roger là : Phải dám liều thân dấn mình vào việc giúp đỡ những người nghèo nhất và hoà giải với đức tin công giáo. Ngay từ ban đầu thầy Roger đã nối kết với Roma bằng những mối dây của niềm tin tưởng. Thầy đã kết thân với 3 vị Giáo Hoàng là Ðức Gioan XXIII, Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II. Thầy nói : "Ðức Gioan XXIII đã là cha linh hướng đích thực cho chúng tôi. Chính ngài đã ủng hộ để cộng đoàn Taizé mà ngài gọi là mùa xuân, được chào đời." Ngày nay cộng đoàn Taizé có cả trăm thành viên Công Giáo cũng như Tin Lành thuộc nhiều truyền thống khác nhau, đến từ hơn 25 quốc gia trên thế giới. Họ không nhận quà tặng nhưng tự mình lao động để góp phần nuôi sống cộng đoàn và chia sẻ với người khác. Họ cũng không nhận cho mình tài sản kế thừa nhưng chỉ nhận làm quà tặng cho người nghèo mà thôi.

Kể từ những năm 50, cộng đoàn Taizé đã phái thành viên của mình đến sống nơi những môi trường nghèo trên thế giới. Riêng về nữ tu, có hội dòng thánh Anrê từng được thiết lập trong Giáo Hội Công Giáo đã 7 thế kỷ nay. Kể từ 1966, hội dòng này đã phái người đến ở một làng kế cận Taizé để tham gia việc đón tiếp khách từ thập phương.

Ảnh hưởng của Taizé về đại kết nhất là với người trẻ ở Âu Châu, thật là rõ nét. Ðể nâng đỡ người trẻ, cộng đoàn này đã khơi động một cuộc hành trình về tin tưởng lẫn nhau trên toàn cầu. Taizé không tổ chức người trẻ thành phong trào qui về Taizé, nhưng khuyến khích họ mang lại bình an, hoà giải, niềm tin tưởng lẫn nhau ngay nơi những thành phố, những đại học, những sở làm việc, những giáo xứ. Và như vậy, người trẻ được khuyến khích sống chung hiệp với mọi thế hệ. Về cuối mỗi năm dương lịch, Taizé có tổ chức một cuộc tập họp người trẻ tương đối lớn trong 5 ngày. Cuộc họp giới trẻ đại kết vào cuối năm 1994, thu hút hơn một trăm ngàn người trẻ từ nhiều nước tới họp tại Paris của nước Pháp.

Mỗi dịp tập họp như vậy, thầy Roger gửi đến tay người trẻ một bức thư được dịch ra trên 50 thứ tiếng. Nội dung thư đó bao gồm Lời Chúa như chất liệu để suy niệm suốt năm cho tới cuộc họp cuối năm tới. Thư đó vị sáng lập cộng đoàn Taizé thường viết từ một nơi nổi tiếng về mức sống nghèo của người dân như Calcutta, Chili, Haiti, Êtiôpi, Phi Luật Tân, Phi Châu....

Bởi đâu thầy Roger thực hiện được những việc có ý nghĩa thiêng liêng như vậy? Có lần thầy cắt nghĩa cho thấy thầy đã nhận sứ mạng góp phần hoà giải giữa các Kitô hữu từ nơi bà ngoại thầy. Ngoại của thầy đã từng trải qua hai cuộc chiến (1870 và 1914-1918) và đã từng dặn dò cháu Roger Schultz khi còn tấm bé rằng: "Cháu đừng trải qua những điều bà đã phải trải qua ! Ðừng chấp nhận nhìn cách bàng quan những điều bà đã mắt thấy tai nghe ! Hãy góp phần chuẩn bị để Âu Châu được bình an nhờ biết sống hoà giải giữa các Kitô hữu." Tuy là tín hữu Tin Lành, ngoại đã chọn đến nhà thờ Công Giáo để kín múc lấy sức mạnh hoà giải từ bí tích Thánh Thể. Thực ra ngoại không chỉ nói cũng không chỉ cầu nguyện, nhưng đã nêu gương sống động nhờ biết dấn thân tiếp đón những người già, phụ nữ và trẻ em, phải chạy giặc dưới làn bom đạn. Ngoại đã kiên trì làm việc thương người đó hầu như tới phút cuối cùng của đời ngoại.

Biến cố quyết định cho việc thầy Roger hiến dâng đời mình cho công cuộc hoà giải xảy ra khi thầy lên 17. Khi ấy thầy mắc bệnh lao phổi và nghiệm thấy cái chết không xa. Thầy đối diện với ý nghĩa cuộc đời và tự hỏi do đâu xảy ra đau khổ, hằn thù khiến các dân tộc sát hại nhau. Hỏi rằng có con đường nào giúp người này hiểu người kia để cùng nhau xây dựng hoà bình chăng ? Ðiều trở nên minh nhiên nơi nội tâm thầy Roger là cần phải chữa trị trái tim con người. Thầy nghe tiếng nói thúc giục thầy rằng: "Nếu quả thật có con đường hoà giải đó thì tôi hãy bắt đầu dấn thân bước theo con đường đó đi." Kể từ ngày thầy Roger nghe thấy lời thúc giục đó, thầy quyết tâm tận hiến cả cuộc đời để đạt cho được mục đích lý tưởng nầy để có được sự hoà giải và đại kết trong cộng đồng nhân loại. Nay thầy đã 84 tuổi và quyết định ấy càng thêm khởi sắc. (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)

Ðức Giêsu đã về thăm quê hương, nhưng những người đồng hương ở Nazaret đã không tin Người mà còn muốn hại Người. Lạy Chúa Kitô, chúng con là Kitô hữu mang tên của Chúa, xin cho chúng con càng ngày càng hiểu biết Chúa đầy đủ hơn, để chúng con có thể giới thiệu Chúa cho mọi người thân cận. Amen!

Thánh Ca : Dấu Ấn Tình Yêu ;


THÀNH KIẾN Lm. Mark Link,

S.J.Bs. Charles Drew là anh cả trong năm người. Ông tốt nghiệp từ McGill ở Gia Nã Đại với bằng Bác Sĩ Y Khoa và Tiến Sĩ Phẫu Thuật. Tại Đại Học Columbia ở Nữu Ước, ông tìm ra một phương cách để gìn giữ máu trong một thời gian dài, sử dụng trong việc tiếp máu.

Trong Thế Chiến II, ông là giám đốc của ngân hàng máu quốc gia, cung cấp máu cho các quân nhân. Trong khả năng của mình, ông đã đặt nền tảng cho thủ tục lấy máu và dự trữ máu của Hồng Thập Tự. Thật cay đắng, ông là người da đen và vì thế ông không được phép hiến máu cho Ngân Hàng Máu Hồng Thập Tự.

Vào năm 1944, ông trở thành trưởng phòng nhân viên và giám đốc y tế tại bệnh viện Freedman tại Hoa Thịnh Đốn. Ông được rất nhiều giải thưởng và được nhiều người trong ngành y khoa nhìn nhận ông là một trong những y sĩ hàng đầu thế giới.  Vào năm 1950, ông bị tai nạn xe hơi trầm trọng và mất rất nhiều máu. Một bệnh viện kỳ thị chủng tộc ở Burlington, North Carolina, đã từ chối không tiếp máu cho ông. Ông từ trần trên quãng đường dài để đến một bệnh viện khác mà họ chấp nhận người da đen. Và vì vậy điều xảy ra là vị bác sĩ trẻ tuổi, thông minh đã từ trần khi mới 45 tuổi - ở đỉnh cao sự nghiệp – chỉ vì một bệnh viện kỳ thị chủng tộc đã từ chối không cho ông được hưởng kết quả của chính sự khám phá của ông.

Câu chuyện thương tâm này đưa chúng ta về với bài Phúc Âm hôm nay. Ở đây chúng ta thấy người dân không thể hiểu được Đức Giêsu, con của một bác thợ mộc, lại có được kiến thức và quyền năng lạ lùng như vậy. Do đó, cũng vậy, người ta không hiểu được ở đâu Bs. Drew, con của người da đen, lại có được kiến thức và khả năng tài giỏi như vậy. Đức Giêsu bị tẩy chay bởi chính người dân mà Người quý mến bất kể những việc lạ lùng mà Người đã thi hành. Tương tự, Bs. Drew bị từ chối quyết liệt bất kể những thành quả đáng kể của ông. Sau cùng, Đức Giêsu, là người chữa lành và cứu được nhiều người, lại bị mất mạng bởi chính những người mà Đức Giêsu đã chữa lành và cứu vớt. Tương tự, Bs. Drew, người đã chữa trị và cứu được rất nhiều người, lại bị mất mạng vì những người mà ông đã chữa trị và cứu giúp. Điều Thiên Chúa nói với ngôn sứ Ê-giê-kien trong bài đọc một hôm nay có thể là câu nói với Đức Giêsu và cả Bs. Drew: Ta sai con đến với một dân mà nó từng phản nghịch Ta. Dù chúng có nghe con hay không, chúng sẽ biết là ở giữa họ có một ngôn sứ. Ez 2:3-5

Làm thế nào những câu chuyện của Đức Giêsu trong Phúc Âm hôm nay và của Bs. Drew có thể áp dụng vào đời sống chúng ta? Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi này khi Người cảnh cáo các môn đệ về những bách hại sắp đến mà nhiều môn đệ sẽ phải chịu. Người nói: “Hãy nghe đây! Thầy sai anh em đi giống như chiên vào đám sói… [Nhiều người] sẽ ghét anh em bởi vì Thầy. Nhưng ai trung thành đến cùng sẽ được cứu… “Học trò thì không trọng hơn thầy; nô lệ thì không cao hơn ông chủ. Vì vậy một học trò phải bị hy sinh để trở nên giống thầy của nó, và một nô lệ giống ông chủ của nó” Mt 10:16, 22, 24

Nói cách khác, Đức Giêsu nói rằng nếu người ta tẩy chay Người khi còn sống, chúng ta cũng sẽ đừng ngạc nhiên nếu người ta cũng từ khước chúng ta, môn đệ của Chúa, trong thời gian chúng ta sống. Thí dụ, chúng ta đừng ngạc nhiên nếu người ta tẩy chay chúng ta vì chống đối việc giết hại mạng sống vô tội qua sự phá thai. Chúng ta đừng ngạc nhiêu nếu người ta tẩy chay chúng ta vì lên tiếng bảo vệ việc khai thác các trẻ vị thành niên. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi người ta tẩy chay chúng ta vì đứng lên bảo vệ những gì chúng ta tin là quyền lợi. Chúng ta đừng ngạc nhiên ngay cả khi các Kitô Hữu khác từ khước chúng ta vì quốc tịch hay tình trạng kinh tế, xã hội của chúng ta. Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi chính gia đình tẩy chay chúng ta. Đức Giêsu nói điều này sẽ xảy ra: “Người ta sẽ nộp chính anh em mình để bị tử hình, và các người cha sẽ thi hành như vậy với con cái; ngược lại, con cái sẽ chống đối với cha mẹ.” Mt 10:21 Thí dụ, một cha mẹ có thể không muốn thật lòng tha thứ cho đứa con. Hoặc một đứa trẻ có thể từ chối không thật lòng tha thứ cho cha hay mẹ. Khi sự khước từ này xảy ra, chúng ta bị cám dỗ bỏ cuộc. Chúng ta bị cám dỗ ngừng yêu thương. Chúng ta bị cám dỗ trở nên hận thù và hằn học. Nếu điều này xảy ra, chúng ta không được khoán trắng cho cảm tưởng. Thay vào đó, chúng ta phải bắt chước Đức Giêsu, Người nói chúng ta phải tha thứ cho kẻ thù và “cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em.” Luke 6:28

Hãy nghĩ đến một thí dụ cụ thể. Vào năm 1861, Jefferson Davis, tổng thống của Liên Bang Hoa Kỳ, đang tìm kiếm ai đó để giữ chức vụ then chốt trong nội các. Do đó ông hỏi Tướng Robert E. Lee về một người nào đó tên là Whiting. Tướng Lee rất khen ngợi người này. Một trong những sĩ quan của Tướng Lee mời ông ra ngoài và hỏi ông có biết về những nhận xét mà Whiting đã xúc phạm đến ông không. Tướng Lee trả lời, “Tôi hiểu rằng Tổng Thống muốn biết ý kiến của tôi về Whiting, chứ không phải ý kiến của Whiting về tôi.” Tướng Lee đã không để sự cám dỗ làm chủ ông vì những tổn thương, thay vào đó ông đã nhìn đến sự thật và tình thương.

Nói tóm lại, các bài đọc hôm nay dậy chúng ta hai điều. Thứ nhất, có khi người ta sẽ tẩy chay chúng ta, cũng như họ đã tẩy chay Đức Giêsu. Thứ hai, chúng ta không thể để sự tẩy chay này khiến chúng ta thù hận, cũng như Đức Giêsu không để sự khước từ khiến Người không còn yêu mến họ nữa. Chúng ta hãy kết thúc bằng cách lắng nghe những lời của Đức Giêsu nói trong Bài Giảng Trên Núi: “Phúc cho anh em khi bị người đời ghét bỏ, tẩy chay, sỉ nhục anh em, và nói đủ điều xấu xa cho anh em, tất cả chỉ vì Con Người! Hãy vui lên khi những điều đó xảy ra và hãy nhảy múa mừng rỡ, bởi vì phần thưởng lớn lao được dành cho anh em ở trên trời.” Amen!

Thánh Ca : Tâm Tình Phó Thác


LẮNG NGHE ĐỨC KITÔ
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Khi mới chịu chức linh mục, tôi đã có mấy mảnh bằng - về Triết Lý, về Thần Học, về Thánh Kinh và những cái khác. Với các kiến thức đó tôi bước vào đời và hình dung ra rằng “Tôi sẽ chữa trị thế giới. Tôi sẽ cứu toàn thế giới.” Khoảng hai tuần sau khi chịu chức, lúc tôi nhận được bài sai, tôi nói, “Có lẽ tôi sẽ cứu Nước Mỹ.” Sau một thời gian tôi hình dung lại, “điều đó không thực hiện được, cho nên tôi sẽ chỉ cứu tiểu bang Virginia. Tôi sẽ cứu bang Virginia.” Rồi sau thêm một thời gian nữa trôi qua tôi nghĩ lại, “nếu có cách nào làm cho giáo xứ của tôi thì tôi có thể làm để chỉ cứu được giáo xứ của tôi thôi.” Bây giờ tôi bước tới giai đoạn suy nghĩ, “có lẽ tôi nên tự tu sửa chính mình,” bởi vì dường như tôi chẳng hoàn tất được gì nhiều ở các lãnh vực khác.

Không Nghe

Các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay cho thấy rằng nhiều khi người ta không đáp theo sự hiểu biết chân thật, không đáp theo lời của Chúa. Trong bài đọc thứ nhất, E-zê-ki-en được Chúa sai đến với dân Is-ra-en và được bảo cho biết trước là họ sẽ không nghe lời ông nói, nhưng ông vẫn vâng lệnh ra đi. Họ đã được Thiên Chúa dẫn ra khỏi sa mạc, ban cho họ vùng đất hứa, và Ngài đã tỏ cho họ các dấu chỉ và các phép lạ. Thiên Chúa đã làm cho dân Is-ra-en nên một dân tộc lớn nhưng họ lại sa vào việc thờ bụt thần và tất cả những sự xấu xa liên hệ khác với dân ngoại. Bởi thế, Thiên Chúa đã sai E-ze-ki-en và nói, “Nó sẽ chẳng có hiệu qủa gì, họ sẽ không lắng nghe ngươi.” Trong bài đọc thứ hai hôm nay trích từ thư thứ hai của Thánh Phao-lô gởi Cô-rin-tô cũng trực diện với những trường hợp tương tự. Phao-lô đã hãnh diện nói, “Thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào . . . tôi rất vui sướng trong sự yếu đuối, khi bị xỉ nhục, hoạn năn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô.” Người ta không lắng nghe lời Phao-lô. Nhưng mặc cho sự chống đối, ngài đã tiến ra và rao giảng Tin Mừng và đã có thể thuyết phục người ta rằng đây mới là Tin Mừng của Chúa Kitô.

Không Tin

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu Kitô đi về quê hương của ngài và bắt đầu giảng dạy dân chúng. Thánh Luca tường thuật lại rằng Chúa Giêsu đã đi vào Hội Đường, mở Sách Thánh và đọc lời các tiên tri nói về sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a. Ngài gấp sách lại và nói lời Kinh Thánh họ nghe hôm nay được ứng nghiệm. Ngài đã nói thẳng với họ chính Ngài là đấng Cứu Thế, nhưng họ không tin. Và bởi vì không tin và không kính nể Ngài, họ không đón nhận những lời Ngài giảng dạy, và họ đã không thể nhận được những ơn lành và các phép lạ của Đức Giêsu Kitô.

Các bạn nhận thấy đoạn văn nói rằng Ngài đã không thể làm phép lạ ở đó, chứ không phải là Ngài đã không làm, nhưng là Ngài đã không thể làm. Lý do Ngài không thể làm bởi vì người ta không có lòng tin. Họ thiếu lòng tin.

Điều đó cũng giống như ở thời đại ngày nay.Các bạn muốn nói cho người ta, bảo họ rằng đây là Tin Mừng của Chúa, đâu là giáo huấn về luân lý sẽ giúp họ sống ngay thẳng và mực thước, nhưng họ không có lòng tin. Họ không tin . Kết qủa là chẳng cái gì có thể được hoàn tất nơi họ bởi vì họ không có lòng tin. Các bạn và tôi rất là may mắn bởi vì khi chúng ta được lãnh phép Thánh Tẩy, Thiên Chúa ban cho chúng ta các nhân đức tin, đức cậy và đức mến. Nhưng nhiều lần người ta không chu toàn bổn phận thực hành lòng tin. Họ không tìm ý của Thiên Chúa trong mọi sự và kết qủa là đức tin của họ trở nên yếu nhược và vô can, hững hờ, cho nên họ không thể thay đổi.

Các bạn có hò hét rao giảng, linh mục và Đức Thánh Cha có kêu gào và Giáo Hội lên tiếng, nhưng người ta cứ tiếp tục đi theo con đường vui thú riêng của họ mà không thay đổi tí gì trong đời sống, bởi vì họ không có lòng tin. Họ đã mất đức tin. Do tự riêng mình, chúng ta không thể đón nhận đức tin. Nó là qùa tặng của Thiên Chúa. Trong bài đọc thứ hai, Chúa nói với Thánh Phao-lô rằng, “Ơn của ta đủ cho ngươi . . .” Ơn của Chúa đủ cho chúng ta với điều kiện là chúng ta hợp tác với Chúa.

Xin và Đón Nhận

Chúng ta được mời gọi hãy đầy tràn đức tin và sự hiểu biết về chân lý. Và cách duy nhất chúng ta có thể hoàn tất được đó là mở lòng đón nhận ơn thánh của Chúa và tin. Tin những điều sẽ dẫn đưa chúng ta đến ơn cứu rỗi và không nổi loạn chống đối. Đây không phải là một việc dễ làm. Chúng ta cần phải cầu nguyện, xin Chúa ban cho chúng ta thêm đức tin, thăng tiến trong đức tin. Để rồi chúng ta có thể mở lòng trí mình ra đối với sự hiểu biết về Đức Kitô và đến với Nước Thiên Chúa.

Xin Chúa chúc lành cho các bạn. Amen!

Thánh Ca : Chúa Thương Con


Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Phim tài liệu : Khám phá Việt Nam - Viet Nam Discovery



Nội dung:

Khám phá Việt Nam - Viet Nam Discovery do Dolphin Media - một công ty thành viên của Hội khoa học kinh tế Việt Nam, thành viên Hội Doanh nghiệp Hà Nội và là thành viên sáng lập Hiệp hội quảng cáo Việt Nam - thực hiện, là bộ phim tài liệu nhiều tập , mỗi tập là một câu truyện nói về những nét đặc trưng nhất, đặc biệt nhất của một vùng miền, một sự kiện hoặc nhân vật trên đất nước Việt Nam.

Các chủ đề của phim trải dài trên khắp các miền đất nước. Với thông điệp "Không ai, không điều gì bị quên lãng", mỗi tập phim ký sự là một câu chuyện đầy xúc động về các vùng đất, con người hùng danh, về những chuyện lạ, đã nhiều năm tháng bị bỏ quên, về những thắng cảnh linh thiêng, về những con người bình dị cả đời phụng sự cộng đồng, những người đã hy sinh vì đất nước.

Là những ký sự bằng hình ảnh trân thực và hàm chứa nhiều cảm xúc, khiến người xem có cảm giác như chính mình đang được trải nghiệm, được nhập vai là một thành viên của đoàn thám hiểm, đang trên đường tìm kiếm và giải mã những điều bí ẩn, kỳ lạ; khám phá những câu truyện chưa từng được kể hoặc những câu truyện đã từng được biết đến nhưng vẫn còn nhiều uẩn khúc và nhiều câu hỏi chưa lời đáp xung quanh nó, tại mỗi một vùng miền mà đoàn làm phim đặt chân tới.

Khám phá Việt Nam - Viet Nam Discovery - là một chương trình ký sự khám phá khoa học, lịch sử, đời sống hấp dẫn và thu hút người xem. Ngoài ra còn truyền tải những nét đẹp, những nét văn hóa độc đáo đặc trưng của từng vùng miền và con người trên khắp đất nước Việt Nam, tới đông đảo khán giả trong và ngoài nước, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Ngoài ra đây cũng là một hình thức quảng bá hình ảnh của Việt Nam tới bạn bè trên thế giới, thúc đẩy những ai yêu thích khám phá, ưa mạo hiểm, khao khát tìm kiếm những điều mới mẻ, những điều vẫn được cho là bí ẩn? nhưng sẽ được nêu ra và gợi ý trong chương trình.

Xin mời các bạn theo dõi bộ phim, xem theo Playlist của YouTube tại đây

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Audio truyện : Tam Quốc Diễn Nghĩa - La Quán Trung (120 tập)



Tam quốc diễn nghĩa, còn có tên khác là Tam quốc, Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (220-280) theo phương pháp bảy thực ba hư (bảy phần thực ba phần hư cấu. Tiểu thuyết này được xem là một trong bốn tác phẩm cổ điển hay nhất của văn học Trung Quốc là : Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký, Hồng lâu mộng.

Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông
Sóng vùi dập hết anh hùng
Được, thua, phải, trái, thoắt thành không
Non xanh nguyên vẻ cũ
Mấy độ bóng tà hồng!
Bạn đầu bạc ngư tiều trên bãi
Đã quen nhìn thu nguyệt xuân phong
Một bầu rượu vui vẻ tương phùng.
Xưa nay bao nhiêu việc
Phó mặc nói cười suông


Mời các bạn xem truyện bằng cách click vào từng hồi, nghe trực tiếp bằng cách click vào mũi tên trên từng tiêu đề , tải về bằng cách click chuột phải trên tiêu đề rồi chọn save target as. Xin lưu ý nội dung truyện xem không khớp 100% so với truyện đọc vì của hai bản dịch khác nhau .

Nội dung :