Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 17 - Tôi Tin Phép Tha Tội (Trình bày: Giám Mục PhêRô Nguyễn Văn Khảm)



Bài 17. TÔI TIN PHÉP THA TỘI

I.PHÉP RỬA THA TỘI
1.Kinh Thánh
-Ga 20, 22-23 : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ”.
-Mc 16, 15-16 : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa, sẽ được cứu độ”.
-Rm 6, 3-4 : “Anh em không biết rằng khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết, nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”.
2.Giáo lý
-Bí tích Rửa tội là bí tích đầu tiên và chính yếu để tha tội. Nhờ Phép Rửa, chúng ta được tha thứ tất cả : tội tổ tông, tội riêng, không còn phải chịu hình phạt nào để đền tội.
-Tuy nhiên, sau khi chịu Phép Rửa, các Kitô hữu vẫn phải chiến đấu chống lại những quấy nhiễu của dục vọng, không ngừng xúi giục chúng ta phạm tội. Trong cuộc chiến đấu, không ai có thể tự hào là tránh được mọi vết thương của tội lỗi.
-Vì thế, ngoài bí tích Rửa Tội, còn có bí tích Thống Hối, nhờ đó “tội của mọi hối nhân có thể được tha thứ, cho dù họ có phạm tội mãi đến ngày cuối cùng của cuộc đời”.

II.QUYỀN CHÌA KHÓA
1.Kinh Thánh
-Mt 16, 18-19 : “Con là Phêrô, nghĩa là Đá, trên Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời : dưới đất, con cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc; dưới đất, con tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.
-2Cor 5, 17-18 : “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được giao hòa với Ngài, và trao cho chúng tôi chức vụ giao hòa”.
-Mt 18,21 : “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Chúa Giêsu đáp : Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy”.
2.Giáo lý
-Đức Kitô Phục sinh sai các Tông đồ đi rao giảng, kêu gọi người ta hối cải và tin, truyền thông cho họ ơn tha thứ tội lỗi nhờ bí tích Rửa Tội, giao hòa họ với Thiên Chúa và với Hội Thánh nhờ quyền chìa khóa các ngài đã lãnh nhận từ Đức Kitô. Vì thế Hội Thánh có sứ vụ và quyền năng tha thứ thật sự các tội lỗi, nhờ thừa tác vụ của các Tông Đồ và những vị kế nhiệm các ngài.
-Không có tội lỗi nào, dù nặng nề đến mấy, mà Hội Thánh không thể tha thứ. Cánh cửa tha thứ luôn rộng mở cho bất cứ ai từ bỏ tội lỗi để trở về.

Phút hồi tâm
“Nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Ngài biết hết mọi sự”.

Cầu nguyện
“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhận hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm,
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Xin dùng cành hương thảo
rẩy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền.
Xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.
Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51).

Mời nghe audio theo sự trình bày của Giám Mục PhêRô Nguyễn Văn Khảm


Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 16 - Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội Thánh (Trình bày: Giám Mục PhêRô Nguyễn Văn Khảm)



Bài 16. ĐỨC MARIA, MẸ ĐỨC KITÔ, MẸ HỘI THÁNH

I. TÌNH MẦU TỬ CỦA ĐỨC MARIA ĐỐI VỚI HỘI THÁNH
1. Kinh Thánh
- Ga 19,26-27: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng : Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Người nói với môn đệ: Đây là mẹ của anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình”.
- Cv 1,12-14: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu”.
2. Giáo lý
- Đức Maria hợp nhất trọn vẹn với Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Sự liên kết này được biểu lộ từ lúc Mẹ thụ thai Đức Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa chịu chết.
- Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Mẹ đã trợ giúp Hội Thánh sơ khai bằng lời cầu nguyện. Mẹ khẩn cầu hồng ân là Thánh Thần, Đấng đã phủ bóng trên Mẹ trong ngày truyền tin. Cuối cùng Mẹ được đưa lên trời cả xác và hồn, hưởng vinh quang thiên quốc.
- Trong giờ khổ nạn của Chúa Giêsu, chính Chúa đã ban Mẹ là mẹ người môn đệ bằng những lời này : “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Đức Maria là gương mẫu về đức tin và đức mến của Hội Thánh. Hơn thế nữa, Ngài là Mẹ của chúng ta trong lãnh vực ân sủng.
- Tình mẫu tử của Đức Mẹ kéo dài không ngừng. Sau khi Mẹ được lên trời, qua việc liên lỉ chuyển cầu của mình, Mẹ tiếp tục đem lại cho chúng ta những hồng ân của ơn cứu độ vĩnh cửu: “Chúng tôi tin Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, bà Eva mới, Mẹ Hội Thánh, giờ đây ở trên trời, vẫn tiếp tục nhiệm vụ làm mẹ đối với các chi thể của Đức Kitô” (Đức Phaolô VI, Bản Tuyên xưng đức tin trọng thể).
- Từ những thời xa xưa, Đức Trinh Nữ Maria đã được tôn kính với danh hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, và các tín hữu đã khẩn cầu, ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó. Mẹ đáng được Hội Thánh tôn vinh bằng một phụng tự đặc biệt. Tuy nhiên, việc này vẫn khác biệt với phụng tự tôn thờ mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Lòng tôn kính Đức Trinh Nữ Maria phải dẫn chúng ta đến chỗ tôn thờ Chúa Ba Ngôi.

II. ĐỨC MARIA, HÌNH ẢNH CÁNH CHUNG CỦA HỘI THÁNH
1. Kinh Thánh
- Lc 1,46-56: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn”.
- Lc 1,45: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.
2. Giáo lý
- Chiêm ngắm Đức Maria, chúng ta hiểu được Hội Thánh là gì trong mầu nhiệm của mình, và Hội Thánh sẽ như thế nào trong quê hương tương lai: Mẹ Maria là hình ảnh và là khởi đầu của Hội Thánh sẽ được hoàn thành ở đời sau.
- Trong cuộc lữ hành trần thế của Hội Thánh, Mẹ là dấu chỉ của niềm hi vọng vững chắc và niềm an ủi cho dân lữ hành của Thiên Chúa.
“Lạy Mẹ Thiên Chúa, khi sinh con, Mẹ vẫn khiết trinh;
Khi yên nghỉ, Mẹ vẫn không lìa bỏ trần gian : Mẹ đã đến với Đấng là nguồn mạch sự sống.
Mẹ đã cưu mang Thiên Chúa hằng sống,
và chính Mẹ sẽ cứu linh hồn chúng con khỏi chết, bằng lời khẩn cầu của Mẹ”.

Mời nghe audio theo sự trình bày của Giám Mục PhêRô Nguyễn Văn Khảm

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 15 - Hội Thánh Công Giáo và Tông Truyền



Bài 15. HỘI THÁNH CÔNG GIÁO VÀ TÔNG TRUYỀN

I. HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
1. Kinh Thánh
- Eph 1,22-23: “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô, và đặt Người làm Đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn”.
- Mt 28,19-20: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
2. “Công giáo” và “Hội Thánh công giáo”
- “Công giáo” có nghĩa là phổ quát, toàn vẹn. Hội Thánh là công giáo vì (1) trong Hội Thánh có Đức Kitô hiện diện cùng với đầy đủ các phương tiện cứu độ; và (2) Hội Thánh được Đức Kitô sai đến với toàn thể nhân loại, để quy tụ toàn thể nhân loại dưới quyền Đức Kiô là Đầu.
- “Giáo Hội địa phương” trước hết được hiểu là giáo phận, một cộng đoàn tín hữu sống hiệp thông trong đức tin và các bí tích, cùng với giám mục của họ là người đã được phong chức trong sự kế nhiệm tông truyền. Mỗi Giáo hội địa phương cũng là “công giáo”.
- Các Giáo hội địa phương có đặc tính công giáo đầy đủ nhờ hiệp thông với Giáo Hội Rôma, được coi như căn bản và nền tảng vững chắc duy nhất.
- Mọi người đều được kêu gọi tới sự hợp nhất mang tính công giáo của Dân Thiên Chúa, nhưng bằng những cách khác nhau : (1) Người công giáo chấp nhận cơ cấu trọn vẹn của Hội Thánh và tất cả các phương tiện cứu độ trong Hội Thánh; (2) Các Kitô hữu đã được rửa tội nhưng không tuyên xưng đức tin toàn vẹn, hoặc không duy trì sự hiệp thông dưới quyền Đấng kế vị thánh Phêrô; (3) Những người chưa đón nhận Tin Mừng cũng quy hướng về Dân Thiên Chúa bằng những hình thức khác nhau.
- “Ngoài Hội Thánh không có ơn cứu độ”: Khẳng định này có nghĩa là toàn bộ ơn cứu độ xuất phát từ Đức Kitô; tuy nhiên khẳng định này không nhắm tới những người không biết Đức Kitô và Hội Thánh của Người mà không phải do lỗi của họ.
3. Truyền giáo
- Lệnh truyền giáo: phát xuất từ chính Đấng Sáng lập Hội Thánh (Mt 28,19-20), vì thế Hội Thánh cố gắng loan báo Tin Mừng cho mọi người.
- Nguồn gốc và mục đích: Lệnh truyền giáo bắt nguồn từ Tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Mục đích là dẫn đưa con người vào sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Động lực của truyền giáo: Chính tình yêu là động lực “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2Cor 5,14). Tình yêu thúc đẩy rao truyền chân lý Tin Mừng, và rao truyền bằng tình yêu thương.

II. HỘI THÁNH TÔNG TRUYỀN
1. Kinh Thánh
- Mc 3,13-14: “Người gọi đến với mình những kẻ Người muốn…Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng”.
- Ga 20,21: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”.
- Eph 2,19-21: “Anh em không còn là người xa lạ hay tạm trú, nhưng là đồng hương với những người thuộc dân thánh và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn Đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu”.
2. Giáo lý
- Hội Thánh “tông truyền” nghĩa là: (1)Hội Thánh được xây dựng trên nền móng các Tông đồ; (2) Hội Thánh gìn giữ và lưu truyền giáo huấn các Tông đồ; (3) Hội Thánh được hướng dẫn và thánh hóa nhờ những vị kế nhiệm các Tông đồ.
- Sứ vụ của các Tông Đồ: Chúa Giêsu thiết lập Nhóm Mười Hai để các ông tiếp nối sứ vụ của Người, sứ vụ mà chính Người lãnh nhận từ Chúa Cha: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,22). Vì thế các Tông đồ là “những sứ giả thay mặt Đức Kitô” (2Cor 5,20), “những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm Thiên Chúa” (1Cor 4,1). Sứ vụ thần linh này sẽ tồn tại mãi cho đến tận thế.
- Các giám mục là những vị kế nhiệm các Tông đồ: Để sứ vụ đã đã ủy thác cho các ngài vẫn được tiếp tục sau khi các ngài qua đời, các Tông đồ đã trao cho những người kế vị nhiệm vụ phải hoàn thành. Hội Thánh dạy rằng “Chính Chúa đã thiết đặt các giám mục kế nhiệm các Tông đồ làm các mục tử của Hội Thánh, nên ai nghe các ngài là nghe Đức Kitô, còn ai khinh miệt các ngài là khinh miệt Đức Kitô và Đấng đã sai Đức Kitô đến”.
- Việc tông đồ: Mọi thành viên trong Hội Thánh đều tham dự vào tính chất “tông đồ - được sai đi” của Hội Thánh, tuy bằng những cách thế khác nhau. Trong công việc tông đồ, phải ý thức rằng “có sinh hoa kết quả hay không đều tùy thuộc vào sự kết hợp sống động của chúng ta với Đức Kitô”. Vì thế, phải vun trồng đời sống nội tâm chứ không chỉ là những hoạt động bên ngoài.

Mời nghe audio theo sự trình bày của Giám Mục PhêRô Nguyễn Văn Khảm

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 14 - Hội Thánh Duy Nhất và Thánh Thiện (Trình bày ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm)



Bài 14. HỘI THÁNH DUY NHẤT
VÀ THÁNH THIỆN

I. HỘI THÁNH DUY NHẤT
1. Kinh Thánh
- “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng Tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).
- “Điều đó, ông (Caipha) không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,51-52).
- “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21).
- “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hi vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép Rửa” (Eph 4,4-6).
2. Giáo lý
- Hội Thánh duy nhất vì khuôn mẫu tối cao và nguồn cội của Hội Thánh là sự hợp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Hội Thánh duy nhất nhưng có sự đa dạng trong Hội Thánh: đa dạng về các hồng ân, chức năng, hoàn cảnh và cách sống.
- Sự đa dạng này làm cho Hội Thánh thêm phong phú, và đức Mến là mối dây liên kết tuyệt hảo. Đồng thời, sự duy nhất trong đa dạng được nâng đỡ và bảo vệ bằng sự hiệp thông hữu hình: tuyên xưng cùng một đức tin, cử hành chung việc phụng tự, sự kế nhiệm tông truyền.
- Trong lịch sử Hội Thánh, do tội lỗi của con người, đã có những chia rẽ và đoạn tuyệt, làm tổn thương sự duy nhất của Thân Mình Đức Kitô: những lạc giáo, bội giáo, ly giáo.
- Để góp phần vào việc tái lập sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, mỗi người cần canh tân đời sống cho phù hợp với Tin Mừng, cầu nguyện, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác với nhau trong việc phục vụ con người.

II. HỘI THÁNH THÁNH THIỆN
1. Kinh Thánh
- “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,38).
- “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Eph 5,25-27).
2. Giáo lý
- Hội Thánh thánh thiện vì Đức Kitô đã thánh hóa Hội Thánh và kết hợp Hội Thánh với Người như một Thân Thể, ban cho dư đầy những hồng ân của Chúa Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa.
- Nhờ Đức Kitô, Hội Thánh cũng có khả năng thánh hóa. Mọi công việc của Hội Thánh đều hướng đến mục đích là thánh hóa con người và tôn vinh Thiên Chúa.
- Hội Thánh thánh thiện nhưng lại mang trong lòng mình những tội nhân, vì thế phải sám hối và canh tân liên lỉ. Mọi người trong Hội Thánh đều được kêu gọi nên thánh, đạt tới sự trọn lành như Chúa Cha là Đấng trọn lành. Sự phát triển đích thực và bền vững của Hội Thánh là nhờ vào sự thánh thiện của các tín hữu. Các thánh nam nữ luôn là nguồn mạch và khởi điểm của sự canh tân trong Hội Thánh.
- Đức Mến là linh hồn của sự thánh thiện : “Hội Thánh có một trái tim và trái tim ấy bừng cháy Tình Yêu” (Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu).
- Khi phong thánh cho một số tín hữu, Hội Thánh tuyên bố những tín hữu này đã thực hành các nhân đức cách tốt đẹp và nêu gương cho mọi người.

Phút hồi tâm
“Tôi hiểu rằng chỉ có Tình Yêu khiến các chi thể của Hội Thánh hoạt động. Nếu tình yêu bị tàn lụi, các Tông đồ sẽ không loan báo Tin Mừng, các vị tử đạo sẽ không chịu đổ máu mình ra… Tình Yêu là mọi sự” (Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu).

Cầu nguyện
Cầu cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu.
Hát “Xin hiệp nhất chúng con”.

Mời nghe audio theo sự trình bày của Giám Mục PhêRô Nguyễn Văn Khảm

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 13 - Tôi Tin Hội Thánh (Trình bày ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm)



Bài 13. TÔI TIN HỘI THÁNH

Trong ngôn ngữ Kitô giáo, từ Ecclesia (Hội Thánh - tiếng Hi Lạp ekklesia có nghĩa là triệu tập) dùng để chỉ cuộc tập họp phụng vụ, nhưng cũng để chỉ một cộng đoàn các tín hữu ở một địa phương, và toàn thể cộng đoàn các tín hữu trên khắp thế giới. Ba nghĩa này gắn kết chặt chẽ với nhau: Hội Thánh là Dân được Thiên Chúa quy tụ từ khắp nơi; Hội Thánh ấy hiện diện trong những cộng đoàn địa phương; Hội Thánh ấy được cụ thể hóa trong cộng đoàn phụng vụ, nhất là khi cử hành Thánh Thể.

I. HỘI THÁNH LÀ DÂN THIÊN CHÚA
1- Kinh Thánh
- Xh 19,3-8: “Nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh”.
- Mc 3,13-19: “Người lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ”.
- 1Pr 2,9: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, là dân thánh”.
2- Giáo lý
- Thiên Chúa không muốn cứu độ và thánh hóa con người cách riêng rẽ, không liên kết với nhau, nhưng Ngài muốn thiết lập họ thành một Dân, là dân nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài cách thánh thiện.
- Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm dân của Ngài, thiết lập với họ một Giao Ước, giáo huấn họ dần dần.
- Tất cả những điều trên chỉ là chuẩn bị và hình bóng của Giao Ước mới và hoàn hảo, sẽ được ký kết trong Đức Kitô bằng chính máu của Người.
- Toàn thể Dân Thiên Chúa đều tham dự vào ba chức năng tư tế, tiên tri, vương đế của Đức Kitô, bằng những cách thế khác nhau.

II. HỘI THÁNH LÀ THÂN THỂ ĐỨC KITÔ
1- Kinh Thánh
- Ga 15,5-8: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”.
- Ga 6,56: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”.
- 1Cor 12,12-17: “Tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hi Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể”.
2- Giáo lý
- Việc so sánh Hội Thánh với một thân thể làm nổi bật sự gắn bó thâm sâu giữa Hội Thánh và Đức Kitô. Hội Thánh không chỉ được quy tụ quanh Đức Kitô, nhưng còn được nên một với Người và trong Người.
- Trong Hội Thánh là Thân Thể Đức Kitô, mọi chi thể được hợp nhất với nhau nhờ kết hợp với Đức Kitô. Vì thế cần vượt lên trên những khác biệt và chia rẽ để sống tình liên đới.
- Đức Kitô là Đầu của Thân Thể (Colosse 1,18). Vì thế, Đức Kitô và Hội Thánh là “Đức Kitô toàn thể” (Christus totus). Hội Thánh là một với Đức Kitô.
- Hội Thánh là hiền thê của Đức Kitô. Người đã hiến mạng sống mình vì Hội Thánh “để thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh” (Ep 5,26).

III. HỘI THÁNH LÀ ĐỀN THỜ CHÚA THÁNH THẦN
1- Kinh Thánh
- 1Cor 3,18-20: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?”
- 1Cor 12,4-11: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung”.
2- Giáo Lý (xem bài trước: Chúa Thánh Thần Trong Hội Thánh).

Phút hồi tâm
Đức tin Kitô giáo mời gọi chúng ta đồng cảm với Hội Thánh (sentire cum Ecclesia).
Tôi đã sống sự đồng cảm ấy như thế nào?

Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa đã nói với các tông đồ rằng:
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”.
Xin đừng chấp tội chúng con nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa.
Xin đoái thương ban cho Hội Thánh ơn hiệp nhất và bình an.
Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Mời nghe audio theo sự trình bày của Giám Mục PhêRô Nguyễn Văn Khảm

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 12 - Tôi Tin Kính Đức Chúa Thánh Thần (Trình bày ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm)



BÀI 12 - TÔI TIN KINH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN

I. DANH XƯNG VÀ BIỂU TƯỢNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
1. Danh xưng
- Chúa Thánh Thần là danh xưng để chỉ Ngôi Ba Thiên Chúa, Đấng chúng ta phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con.
- Từ “Thần Khí” phát xuất từ ruah trong tiếng Do thái, có nghĩa là hơi thở, không khí, gió (x. Ga 3,5-8). Chúa Thánh Thần là Hơi thở của Thiên Chúa, là Thần Khí.
2. Danh hiệu
- Đấng Bào Chữa (Paracletus-Advocatus), cũng được dịch là Đấng An Ủi.
- Những danh hiệu khác: Thần Chân lý (Ga 16,13), Thần Khí của lời hứa (Eph 1,13), Thần Khí nghĩa tử (Rm 8,15), Thần Khí vinh quang (1Pr 4,14).
3. Biểu tượng
- Nước: biểu tượng của sự sống và sinh sản, “Chúng ta được chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí” (1Cor 12,13).
- Sự xức dầu: dấu chỉ bí tích của phép Thêm Sức. Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng-Được-Xức-Dầu của Thiên Chúa cách trọn vẹn và độc nhất vô nhị.
- Lửa: biểu tượng của sức mạnh biến đổi. Dưới hình ảnh lưỡi lửa, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ vào lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3-4).
- Áng mây và ánh sáng: vừa mặc khải vừa che khuất sự siêu việt của Thiên Chúa (Lc 1,35).
- Chim bồ câu: Khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu (Mt 3,16).

II. CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC KITÔ
1. Gioan, Vị Tiền Hô
- Gioan được đầy Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ (Lc 1,15). Nơi thánh Gioan, Chúa Thánh Thần hoàn tất việc “chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,17).
- Gioan làm chứng về Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng làm Phép Rửa trong Thánh Thần (Ga 1,33-36).
2. Đức Maria, Mẹ đầy ân phúc
- Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho Đức Maria: được thụ thai trong ân sủng thuần túy.
- Chúa Thánh Thần thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa nơi Đức Maria: thụ thai và sinh hạ Con Thiên Chúa.
- Chúa Thánh Thần làm cho Đức Maria trở thành Eva mới, Mẹ của chúng sinh, Mẹ của Đức Kitô toàn thể (Ga 19,25-27).
3. Đức Giêsu Kitô
- Trong sứ vụ công khai, Chúa Giêsu gợi ý dần dần về Chúa Thánh Thần (Ga 3,5-8; 4,23-24).
- Khi sắp bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu hứa rằng Chúa Thánh Thần sẽ ngự đến. Ngài là Thần Chân lý, Đấng Bào Chữa khác, được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Giêsu. Thánh Thần sẽ ở cùng chúng ta mãi mãi, nhắc cho chúng ta nhớ những gì Chúa Giêsu đã nói, dẫn chúng ta đến chân lý trọn vẹn (x. Ga 14,16-17; 16,7-15).
- Cuối cùng, Giờ của Chúa Giêsu đã đến, Người phó thác thần khí trong tay Chúa Cha (Ga 19,30). Khi sống lại, Người “thổi hơi” ban Chúa Thánh Thần trên các môn đệ (Ga 20,22). Kể từ Giờ đó, sứ vụ của Đức Kitô trở thành sứ vụ của Hội Thánh: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).

III. CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH
1. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Hội Thánh: “Tinh thần hay linh hồn chúng ta có tương quan với các chi thể thế nào, thì Chúa Thánh Thần cũng như thế đối với các chi thể của Đức Kitô, đối với Thân Thể Đức Kitô là Hội Thánh” (Thánh Augustinô).
2. Chúa Thánh Thần thánh hóa Hội Thánh, Ngài là “nguyên lý của mọi hành động tác sinh và thật sự có giá trị cứu độ trong mỗi phần của Thân Thể” (Đức Piô XII). Chúa Thánh Thần hoạt động bằng nhiều cách:
- Bằng Lời Thiên Chúa;
- Bằng bí tích Rửa Tội và các bí tích;
- Bằng các nhân đức giúp các tín hữu hành động theo sự lành;
- Bằng các đặc sủng.
3. Các đặc sủng là những ân sủng của Chúa Thánh Thần nhằm xây dựng Hội Thánh và mưu ích cho con người. Đức Mến là thước đo đích thực của các đặc sủng (x. 1Cor 13). Trong thực tế, cần phải phân định để nhận ra đâu là những hồng ân thật sự phát xuất từ Chúa Thánh Thần, và được thực thi hoàn toàn do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Không có đặc sủng nào được miễn trừ sự tuân phục các mục tử trong Hội Thánh. Các ngài có thẩm quyền đặc biệt, không phải để dập tắt Thần Khí, nhưng để giữ lại những gì tốt lành và đem lại lợi ích chung cho Thân Mình Chúa Kitô (x. 1 Cor 12,7).

Phút hồi tâm
“Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, vui tươi, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gal 5,22-23).
Những hoa quả này có mặt trong đời sống chúng ta không?

Cầu nguyện
Lạy Chúa Thánh Thần,
Chúa là hi vọng và là sức mạnh của con.
Xin đổ tràn tình yêu Chúa vào lòng chúng con.
Xin canh tân đức tin và đổi mới tâm hồn chúng con.
Lạy Chúa Thánh Thần,
con yêu mến Chúa, con khao khát Chúa. AMEN.

Mời nghe audio theo sự trình bày của Giám Mục PhêRô Nguyễn Văn Khảm