Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Giáo Lý Thánh Kinh: Bài 4 – Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành Trời Đất (Trình bày: ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm)



BÀI 4. THIÊN CHÚA TẠO THÀNH TRỜI ĐẤT

I. ĐẤNG TẠO THÀNH
1. Các bản văn Kinh Thánh
- Sáng Thế, 1-3 : Giáo huấn quan trọng nhất về tạo dựng.
- 2 Macabê 7,22-23.28 : Người mẹ dạy con về đức tin vào Đấng Tạo Hóa.
- Do Thái 11,1-3 : Vũ trụ được hình thành bởi Lời của Thiên Chúa.
2. Gợi ý giáo lý
- Câu hỏi về nguồn gốc và cùng đích của đời người cũng như của vũ trụ là những câu hỏi quan trọng nhất. Vấn đề không chỉ là tìm hiểu thế giới vật chất phát sinh khi nào và cách nào, nhưng còn là khám phá ý nghĩa của nguồn gốc đó.
- Với người Kitô hữu, ba chương đầu của sách Sáng Thế chứa đựng những giáo huấn quan trọng về công trình tạo dựng, về nguồn gốc và cùng đích của công trình đó, về ơn gọi của con người, về thảm kịch tội lỗi cũng như về niềm hi vọng cứu độ.
- Thiên Chúa tạo dựng mọi sự từ hư vô (ex nihilo) : Ngài không cần một thứ gì đã có trước, cũng không cần sự trợ giúp nào.
- Thiên Chúa tạo dựng bằng sự khôn ngoan và tình yêu. Vũ trụ này không phải là sản phẩm của tất yếu hay định mệnh mù quáng nào, nhưng phát xuất từ tình yêu khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì thế, vũ trụ này được tạo dựng cách hài hòa và trật tự.
- Thiên Chúa không chỉ tạo dựng rồi thôi, nhưng Ngài tiếp tục gìn giữ chúng hiện hữu và dẫn đưa chúng đến cùng đích. Con người cần ý thức sự lệ thuộc này để sống đúng với ơn gọi làm người của mình (Kn 11,24-26).

II. TRỜI VÀ ĐẤT
1. Các bản văn Kinh Thánh
- Sáng Thế 3,24 : Các thiên thần đóng của vườn địa đàng.
- Matthêu 18,10 : Các thiên thần bản mệnh.
- Do Thái 1,14 : Vai trò các thiên thần.
2. Gợi ý giáo lý
- “Trời và đất” vừa phân biệt trời với đất vừa diễn tả toàn bộ những gì hiện hữu : muôn vật hữu hình và vô hình.
- Các thiên thần là những thụ tạo hoàn toàn thiêng liêng, có trí tuệ và ý chí, có ngôi vị và bất tử. Trong suốt lịch sử cứu độ, các ngài hiện diện để phục vụ ý định cứu độ của Thiên Chúa, ví dụ thiên thần Gabriel loan báo việc chào đời của thánh Gioan và của chính Chúa Giêsu (Lc 1,11.26).
- Trong cử hành phụng vụ, Hội Thánh kết hợp với các Thiên thần để tôn thờ Thiên Chúa (Kinh “Thánh, Thánh,Thánh”). Hội Thánh khẩn cầu các Thiên thần trợ giúp. Mỗi tín hữu đều có một Thiên thần làm đấng bảo trợ và hướng dẫn đến sự sống.
- Trong thế giới hữu hình, mỗi thụ tạo đều có sự tốt lành và hoàn hảo riêng. Thiên Chúa muốn các thụ tạo lệ thuộc và liên đới với nhau, để bổ túc cho nhau và phục vụ lẫn nhau. Chúng ta cũng có thể nói đến phẩm trật các thụ tạo, nghĩa là có những cấp bậc hoàn hảo hơn và những bậc kém hơn, ví dụ Chúa Giêsu nói : “Anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Lc 12,6-7). Con người là tột đỉnh của công trình tạo dựng.

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Giáo Lý Thánh Kinh: Bài 3 – Thiên Chúa Là Cha Toàn Năng (Trình bày : ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm)



BÀI 3. THIÊN CHÚA LÀ CHA TOÀN NĂNG

I. THIÊN CHÚA LÀ CHA

1. Các bản văn Kinh Thánh
  • Hôsê 11,1-5 : Thiên Chúa yêu thương Israel như Cha yêu thương con.
  • Isaia 49,13-17 : Thiên Chúa yêu thương Israel còn hơn mẹ thương con thơ.
  • Matthêu 6,7-13 : Chúa Giêsu dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha.
  • Matthêu 6,1-16 : Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.
2. Gợi ý giáo lý
  • Tuyên xưng Thiên Chúa là Cha hàm chứa hai ý nghĩa : (1) Thiên Chúa là cội nguồn và siêu việt trên mọi sự; (2) Thiên Chúa nhân hậu, yêu thương, chăm sóc con cái mình.
  • Tuyên xưng Thiên Chúa là Cha không có nghĩa là xác định phái tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa vượt lên trên sự phân biệt phái tính, nhưng để diễn tả về Thiên Chúa, ngôn ngữ đức tin vận dụng kinh nghiệm nhân loại để diễn tả.
  • Tuyên xưng Thiên Chúa là Cha là tuyên xưng tình yêu của Thiên Chúa : tình yêu mà Dân Chúa trong Cựu Ước cảm nghiệm (x. Đnl 4,37; 7,8; 10,15), tình yêu trung tín (x. Hôsê 11), tình yêu vĩnh hằng (x. Isaia 54,10; Giêrêmia 31,3). Tình yêu ấy được bày tỏ trọn vẹn khi Thiên Chúa ban tặng Đức Giêsu Kitô (Ga 3,16).

II. THIÊN CHÚA TOÀN NĂNG

1. Các bản văn Kinh Thánh
  • St 1,1 : Thiên Chúa tạo dựng mọi sự từ hư vô.
  • Tv 115,1-8 : Thiên Chúa muốn làm gì là Ngài làm nên.
  • Lc 1,37 : Không có gì mà Thiên Chúa không làm được.
2. Gợi ý giáo lý
  • Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng vì Ngài đã tạo dựng mọi sự và sắp đặt công trình ấy theo thánh ý Ngài. Ngài là Chúa cả trần gian và là Chúa của lịch sử, Ngài điều khiển các biến cố theo thánh ý Ngài.
  • Sự toàn năng nơi Thiên Chúa không mang tính độc đoán và độc ác, vì Đấng Toàn Năng cũng là Thiên Chúa Tình Yêu. Người Kitô hữu tuyên xưng Thiên Chúa là Cha toàn năng, nghĩa là tình phụ tử và sự toàn năng kết hợp với nhau nơi Thiên Chúa.
  • Kinh nghiệm về sự dữ và đau khổ trong cuộc sống là thử thách lớn, có thể khiến chúng ta nghi ngờ Thiên Chúa là Cha toàn năng : Hoặc Chúa là Tình Yêu nhưng không toàn năng, hoặc Chúa toàn năng nhưng không có tình yêu!
  • Kinh Thánh bày tỏ đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa. Ngài bày tỏ quyền năng không phải theo cách nhìn của người đời nhưng bằng đường lối của tình yêu. Chính vì thế, Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá chính là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, trong khi thế gian coi đó là ngu xuẩn và điên rồ (x. 1Cor 1,25).
Phút hồi tâm:
Có khi nào tôi nghi ngờ tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa? Tôi đã làm gì để vượt qua?

Cầu nguyện:
“Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin cất khỏi con những gì làm con xa Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin ban cho con những gì đưa con đến với Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin giải thoát con khỏi chính mình con, và ban cho con được hoàn toàn thuộc về Chúa” (Thánh Nicôla).

Trình bày: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Giáo Lý Thánh Kinh - Bài 2 : Tôi Tin Kính Một Thiên Chúa (Trình bày: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm)



BÀI 2. TÔI TIN KÍNH MỘT THIÊN CHÚA

I. THIÊN CHÚA DUY NHẤT
1. Các bản văn Kinh Thánh
- Xh 20,1-17 : Mười điều răn. Điều răn đầu tiên nhấn mạnh Thiên Chúa duy nhất.
- Đnl 6,4-5 : Kinh Shema mà người Do Thái tụng niệm hằng ngày.
- Mc 13, 28-34 : Điều răn trọng nhất.
2. Gợi ý giáo lý
- Tầm quan trọng của niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất trong lịch sử Cựu Ước. “Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta thì các ngươi sẽ được cứu độ, vì Ta là Thiên Chúa, chẳng có chúa nào khác… Chỉ một mình Đức Chúa mới cứu độ và làm cho mạnh sức” (Is 45,22-24).
- Chúa Giêsu tiếp tục nhấn mạnh niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất.
- Sống niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất : nhận biết quyền năng vĩ đại của Thiên Chúa - sống trong tâm tình cảm tạ tri ân – nhận biết phẩm giá con người là hình ảnh Thiên Chúa – sử dụng các thụ tạo cách đúng đắn – luôn tin tưởng vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.

II. THIÊN CHÚA LÀ CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN
1. Các bản văn Kinh Thánh
- Mt 28,16-20 : Mệnh lệnh truyền giáo.
- Ga 14,15-20 : Lời cáo biệt của Chúa Giêsu.
- 2Cr 13,13 : Lời chào chúc của thánh Phaolô.
2. Gợi ý giáo lý
- Chúa Giêsu nhấn mạnh niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất, đồng thời Người từ từ vén mở cho chúng ta mầu nhiệm Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần.
- Trong những thế kỷ đầu, để đào sâu đức tin cũng như để bảo vệ đức tin khỏi những sai lầm, Hội Thánh đã dùng những thuật ngữ riêng để trình bày đức tin vào Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần : bản thể, ngôi vị, tương quan.
- Đối với Kitô hữu, tin vào Thiên Chúa là : (1) Hoàn toàn tin tưởng ở Thiên Chúa và những điều Ngài dạy; (2) Tin vào Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và là Đấng Thiên Chúa sai đến; (3) Không thể tin vào Chúa Giêsu Kitô mà lại không thông phần vào Thần Khí của Người.
- Sống niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi : Thiên Chúa ở trên con người, ở với chúng ta, và ở trong chúng ta.
3.Phút hồi tâm :
Tôi thực sự yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn?

III. CẦU NGUYỆN :
“Lạy Thiên Chúa của con, lạy Ba Ngôi con tôn thờ, xin giúp con quên hẳn mình đi để an trú trong Chúa, bất động và thanh thản, như thể linh hồn con đã ở trong cõi vĩnh hằng… Ước chi không bao giờ con bỏ mặc Chúa một mình, nhưng con sẽ ở đó với trọn vẹn bản thân, hoàn toàn tỉnh thức trong đức tin, hoàn toàn thờ lạy, và hoàn toàn phó thác cho hoạt động sáng tạo của Chúa” (Chân phước Elisabeth Chúa Ba Ngôi).

Trình bày: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Giáo Lý Thánh Kinh - Bài 1 : Tôi Tin (Trình bày: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm)



GIÁO LÝ – THÁNH KINH

Mục đích:
- Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong Năm Đức Tin (2012-2013): Học hỏi Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo;
- Tiếp nối chương trình Thánh Kinh 100 Tuần: Trình bày mối liên kết chặt chẽ giữa Thánh Kinh và Giáo Lý.
Nội dung: Mỗi đề tài được trình bày theo lược đồ sau:
- Giới thiệu các đoạn Thánh Kinh làm nền tảng;
- Gợi ý suy nghĩ từ Thánh Kinh, liên kết với chủ đề giáo lý và đời sống đức tin;
- Cầu nguyện chung.

BÀI 1. TÔI TIN

I. Giới thiệu các đoạn Thánh Kinh
1. Tổ phụ Abraham dâng Isaac làm lễ tế (St 22,1-18)
- Hãy đặt trình thuật này vào bối cảnh cuộc đời tổ phụ Abraham : Thiên Chúa gọi Abraham (St 12,1-9); Thiên Chúa hứa ban cho Abraham một người con (15,1-20); Hagar và Ismael (16,1-15); Sinh hạ Isaac (21,1-20).
- Để thấy rõ hơn thử thách mà tổ phụ Abraham phải đối diện, và để thấy lòng tin mạnh mẽ của ông (22,15).
2. Truyền Tin cho Đức Maria (Lc 1,26-38)
- Tìm hiểu phong tục trong xã hội Do Thái thời xưa để thấy được mối nguy hiểm mà Đức Maria phải đối diện trong ngày Truyền Tin (x. Mt 1,18-25; Đnl 22,23-24).
- Để thấy rõ hơn sự dấn thân của Đức Maria trong chương trình cứu độ.

II. Gợi ý giáo lý
1. Tin là thưa “Vâng” với Lời Chúa, sự phó thác của con người toàn diện cho Thiên Chúa: lý trí, tâm hồn, cuộc sống. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể đòi hỏi nơi chúng ta niềm tin tuyệt đối như thế.
- Tổ phụ Abraham: đòi hỏi vượt lý trí, hi sinh tất cả (Dt 11,8-18)
- Mẹ Maria: đòi hỏi vượt lý trí, chấp nhận phiêu lưu.
2. Những đặc tính của đức tin Kitô giáo
- Đức tin là một ân sủng (Mt 16,17): Ân sủng Thiên Chúa đến trước và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: thúc đẩy con tim, mở mắt lý trí.
- Đức tin và lý trí: không phủ nhận lý trí nhưng vượt trên lý trí. Nền tảng đức tin là Lời của Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối và là Đấng toàn tri. Lý trí con người có giới hạn nên nhiều khi thấy khó hiểu.
- Đức tin và sự tự do: đức tin phải hoàn toàn tự nguyện, không cưỡng ép. Đức Kitô mời gọi mọi người hoán cải và tin vào Tin Mừng, nhưng không bao giờ ép buộc.
3. Đức tin của mỗi cá nhân và đức tin của Hội Thánh
- Tin là hành vi cá nhân. Cá nhân không đồng nghĩa với đơn độc: người ta không sống một mình, cũng không ai tự ban sự sống và đức tin cho mình.
- Đức tin của Hội Thánh: ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa nhưng tôi đón nhận đời sống đức tin nhờ Hội Thánh, nên Hội Thánh là Mẹ của chúng ta.
4. Những khó khăn trong đời sống đức tin
- Khó khăn về lý trí vì tin là chấp nhận những chân lý vượt trên lý trí.
- Khó khăn về ý chí vì tin đòi hỏi sự dấn thân, hi sinh, trung thành, kiên nhẫn.
- Khó khăn do môi trường sống không thuận lợi cho việc sống đức tin.
5. Để củng cố đức tin
- Vì đức tin là ân sủng nên cần cầu nguyện.
- Vì đức tin tìm kiếm hiểu biết nên phải học hỏi.