Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Phim TQ : Thần Thoại 2010 - 50 tập



Tên phim : Thần Thoại 2010
Đạo diễn: Tưởng Gia Tuấn , Đường Quý Lễ
Diễn viên:
Hồ Ca vai Dịch Tiểu Xuyên / Mông Nghị
Bạch Băng vai Công chúa Ngọc Thấu
Nhâm Tuyền vai Dịch Đại Xuyên
Trương Manh vai Cao Lam / Ngu Cơ / Tiểu Nguyệt
Trương Thế vai Cao Yếu / Triệu Cao
Kim Sa vai Lữ Tố
Trần Tử Hàm vai Lã Hậu
Tang Kim Sinh vai Tần Thuỷ Hoàng
Đàm Khải vai Hạng Vũ
Đinh Tử Tuấn vai Mông Điềm
Lý Tường Nghi vai Lưu Bang
Mã Văn Long vai Phù Tô
Lý Tiêu Hi vai Lý Tư
Nhà sản xuất:Thành Long
Thể loại:Hành động, Phiêu lưu, Viễn tưởng
Độ dài: 45 phút/Tập - 50 tập
Quốc gia: Trung Quốc
Năm sản xuất: 2010

Giới thiệu:

Thần Thoại là một bộ phim truyền hình sản xuất năm 2010 dựa trên bộ phim điện ảnh cùng tên sản xuất năm 2005. Thành Long người đóng vai chính trong Thần Thoại (2005) đóng vai trò tổng giám chế, Đường Quý Lễ là đạo diễn của phim. 50 tập của phim đã được trình chiếu trên kênh CCTV - 8 của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc từ ngày 2 tháng 1 đến ngày 18 tháng 1 năm 2010. Chi phí sản xuất bộ phim vào khoảng 40 triệu nhân dân tệ.

Năm 2010, có một chàng trai trẻ tên Dịch Tiểu Xuyên là nhà nhiếp ảnh tự do. Trong 1 lần đi ngao du anh nhặt được 1 văn vật cổ, sau đó, anh đến hiện trường khai quật khảo cổ của cha và vô tình bị cuốn vào một sự kiện tranh giành các văn vật. Cơ duyên tình cờ khiến anh đụng nhầm vào hộp báu, cùng đầu bếp Cao Yếu của đoàn khảo cổ vượt qua không gian, thời gian, đi ngược hơn 2200 năm trước trở về triều đại nhà Tần.

Một lòng muốn quay lại năm 2010, nhưng họ nhận ra làm thế nào may mắn sống sót trong thời đại đầy những biến động bất ngờ mới là điều cấp thiết. Hết lần này đến lần khác, trải qua nhiều kỳ ngộ và hiểm nguy, sự lựa chọn không giống nhau đã khiến hai người đi theo những con đường khác biệt. Dịch Tiểu Xuyên trải qua mối tình khắc cốt ghi tâm với Công chúa Ngọc Thấu, kết giao với bằng hữu trung can nghĩa đảm, trở thành một Mông Nghị nhân tâm tề thế; còn Cao Yếu, vốn là một kẻ nhát gan, sau những đòn đả kích trí mạng liên tiếp, hắn bị quyền lực cám dỗ và trở thành một kẻ tàn ác, tham lam, bất chấp thủ đoạn.

Ở năm 2010, anh trai của Dịch Tiểu Xuyên là Dịch Đại Xuyên cùng cha vẫn không từ bỏ hy vọng tìm kiếm tung tích Tiểu Xuyên. Hai cha con một mặt đối phó với sự ngăn cản phá rối của thế lực thần bí, một mặt tháo gỡ từng nút thắt liên quan đến sự mất tích của đứa con trai nhỏ. Cuối cùng, họ đã mở ra kho tàng trong truyền thuyết, tìm được tung tích của chàng trai trẻ Tiểu Xuyên. Một gia đình đã từng chịu cảnh chia lìa rốt cuộc cũng được đoàn viên.

Mời các bạn xem phim theo Playlist YouTube tại đây, xem theo Phimmoi.net tại đây




Mời bạn xem bộ phim cùng tên : "Thần Thoại" sản xuất năm 2005 tại đây


Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Phúc Âm Chúa Nhật thứ XXXIV Mùa Thường Niên (năm B) ngày 25/11/2012



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ XXXIV Mùa Thường Niên (năm B)

Nguồn:www.40giayloichua.net

Mời nghe Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật 34 MTN (B) do Đức Cha Phê Rô Nguyễn Văn Khảm thuyết giảng năm 2006

LỄ ĐỨC KITÔ VUA
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

* 1. Ðức Kitô là Vua

Một triết gia đã đưa ra một nhận định rất bi quan: "Homo homini lupus": con người là lang sói của con người. Lang sói là một loài thu dữ, bản tính thích tấn công, cắn xé và giết chóc. Thế mà loài người lại giống với loài thú dữ đó, luôn luôn tấn công nhau, cấu xé và giết chóc nhau.

Bởi vậy một sử gia đã đưa ra một kết luận tương tự với nhận định bi quan của triết gia trên: lịch sử loài người là một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau. Từ khi có loài người trên mặt đất này cho đến nay, có mấy khi mà loài người được hưởng thái bình? Hầu hết thời gian lịch sử của loài người đều là chiến tranh. Gần đây nhất là 2 cuộc thế giới đại chiến, cuộc thứ nhất kéo dài từ năm 1914 đến 1918, làm cho 8.700.000 người chết; cuộc thứ hai từ năm 1939 đến năm 1945, giết chết thêm 40 triệu sinh mạng nữa. Và hiện nay cả loài người đều phập phòng lo sợ sẽ xảy ra một cuộc đại chiến lần thứ 3 với những vũ khí hạt nhân. Lần này không phải chỉ có 8.700.000 người chết, hay 40 triệu người chết mà là tất cả mọi người, trái đất sẽ nổ tung, toàn thể loài người sẽ bị tiêu diệt.

Tại sao loài người chúng ta, một loài người có trí khôn, biết suy nghĩ, một loài cao hơn tất cả mọi loài vật khác mà lại cư xử với nhau một cách ngu xuẩn như vậy? Tôi nghĩ rằng trong con người chúng ta vừa có tính thú vừa có tính người: tính thú thì giống như loài lang sói hung dữ cấu xé lẫn nhau, còn tính người là có trí khôn biết suy nghĩ biết tính toán. Khi buông trôi theo tính thú thì loài người chiến tranh với nhau; và nếu con người lại dùng cái trí khôn ngoan của tính người để phục vụ cho cái tính thú kia thì con người lại càng dã man hung dữ làm hại nhau còn hơn loài sang sói đích thực nữa. Ðiều đáng tiếc là trong hầu hết lịch sự quá khứ, con người đã buông theo cái tính thú đó. Vì thế mà lịch sử loài người đã là lịch sử của một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau.

Cho nên trong bối cảnh giữa 2 cuộc chiến tranh thế giới làm chết hàng mấy chục triệu sinh mạng con người như thế, ngày 11.12.1925, Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập Lễ Chúa Kitô Vua, mục đích là để cầu nguyện cho loài người thôi đừng buông theo tính thú mà cấu xé lẫn nhau, các nước đừng nuôi mộng bá chủ hoàn cầu mà chinh chiến với nhau; nhưng mọi người hãy suy phục vương quyền Chúa Kitô và xây dựng vương quốc của Ngài, ÐGH coi đó là chấm dứt chiến tranh

Vương quyền của Chúa Kitô không xây dựng trên sức mạnh, không củng cố bằng bạo lực theo kiểu các nước trần gian. Bởi thế Chúa Giêsu đã nói: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị bắt như thế này". Nói cách khác, Chúa Giêsu không thích chiến tranh, không muốn có phe phái, phe này chiến đấu chống lại phe kia. Vương quyền của Chúa xây dựng trên sự thật, như Lời Chúa nói "Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật". Nhưng sự thật là gì? Là cái làm cho con người đúng là con người chứ không phải là lang sói. Con người phải phát huy cái tính người của mình và đồng thời dần dần loại bỏ đi cái tính thú trong mình. Con người cố gắng sống cho ra người, mọi người biết tôn trọng nhân phẩm nhân quyền của nhau, mọi người nhắc nhở nhau và giúp nhau làm những việc tốt mà lương tâm chân chính của con người dạy phải làm. Người nào sống như vậy thì là người sống trong vương quốc của Chúa; người nào, cố gắng làm cho nhiều người khác cũng sống như vậy thì là đang xây dựng vương quốc của Chúa.

Nhưng xin được nói thêm cho rõ kẻo có người hiểu lầm: để làm công dân của Nước Chúa, điều cốt yếu là cố gắng theo Lời Chúa dạy để sống cho đúng là một con người, sống theo tính người chứ không phải theo tính thú. Do đó, xây dựng Nước Chúa, hay mở mang Nước Chúa cũng là cố gắng làm cho có thêm nhiều người biết theo Lời Chúa dạy mà sống theo tính người như vậy. Không nhất thiết người ta phải rửa tội, phải theo đạo, phải gia nhập Giáo Hội. Ðiều cốt yếu là người ta phải theo những giá trị mà Tin Mừng Chúa đã đề ra: sống theo lương tâm ngay chính, sống hoà thuận, thương yêu, làm những việc lành... Càng có thêm nhiều người sống như thế thì Nước Chúa càng mở rộng; và khi nào tất cả loài người biết sống như thế thì là lúc Nước Chúa đã trị đến. Và khi đó là thời thái bình, hạnh phúc.

Sở dĩ loài người cứ luôn làm hại làm khổ lẫn nhau là vì loài người còn sống theo cái tính thú trong mình. Vậy nếu muốn cho loài người hoà thuận với nhau để cùng nhau chung hưởng thái bình thì loài người phải sống theo cái tính người, gồm có những đức tính mà Chúa đã dạy chúng ta trong Tin Mừng. Con người sống đúng là con người. Ðức Giêsu gọi đó là Sự Thật; còn ngôn ngữ phụng vụ hôm nay thì gọi đó là vương quyền, vương quốc của Chúa Kitô. Nước Chúa. Ai sống theo những giá trị Tin Mừng để thành người hơn thì người đó thuộc về Nước Chúa; ai giúp cho người khác sống theo những giá trị Tin Mừng ấy thì người đó đang mở mang Nước Chúa; và khi mọi người, dù có đạo hay không có đạo, đều sống theo những giá trị Tin Mừng ấy, thì đó là thời Nước Chúa đã trị đến.

Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Tuần sau là Mùa Vọng, bắt đầu một năm Phụng vụ khác rồi. Giáo hội đặt lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối cùng này, cũng có ý nghĩa: đó là ước nguyện sao cho cuối cùng tất cả mọi người đều ở trong Nước Chúa, một nước chỉ có hoà thuận yêu thương, một nước thái bình hạnh phúc.

Phần mỗi người chúng ta, hãy cố gắng xứng đáng là một công dân Nước Chúa, nghĩa là biết sống đúng tính người, sống theo lương tâm, sống hoà thuận, yêu thương, làm việc lành theo lời dạy của Tin Mừng. Chúng ta cũng hãy cố gắng mở mang Nước Chúa bằng cách làm cho thêm nhiều người khác cũng biết sống hoà thuận yêu thương sống theo lương tâm và làm việc lành như vậy.

* 2. Một tước hiệu không xứng hợp

Trong số những tước hiệu mà ta có thể gọi Ðức Giêsu, có lẽ tước hiệu "vua" là không xứng hợp nhất.

Khi nói tới "vua" là ta nghĩ đến ngai vàng, vương miện, hoàng cung, quyền lực, kẻ hầu người hạ, quan quân, vũ khí v.v. Thế mà khi nhìn vào Ðức Giêsu ta chẳng thấy có gì cả. Ngược lại, ta chỉ thấy Ngài lang thang trên những nẻo đường bụi bậm xứ Palestine, với một nhúm môn đệ ít ỏi, vây quanh là những người nghèo nàn, tật bệnh, tội lỗi và những người bị xã hội loại trừ.

Tuy nhiên, nhìn trên bình diện siêu nhiên thì Ðức Giêsu đúng thật là vua. Ngài là vua và là Vua trên tất cả các vua, bởi vì Ngài là Thiên Chúa, Ðấng thống trị vũ trụ.

Ngay cả trên bình diện tự nhiên, Ðức Giêsu cũng xứng đáng là Vua, Vua của mọi người: Ngài là con người tuyệt vời nhất với đầy đủ những đức tính hoàn hảo nhất. Ngài đến với ai là vận mạng của người đó được thay đổi thành tốt hơn. Có những người tưởng rằng mình là người lớn bằng cách khiến cho mọi người cảm thấy nhỏ trước mặt mình. Nhưng người lớn đích thực là người làm cho ai nấy đều cảm thấy lớn lên. Theo nghĩa này, Ðức Giêsu đích thực là Vua.

Chúng ta nên phân biệt quyền lực và ảnh hưởng. Philatô có quyền lực trên dân, nhưng kẻ có ảnh hưởng trên dân chính là Ðức Giêsu. Ảnh hưởng của Ngài đem lại cho con người ơn tha thứ, sự phục hồi nhân phẩm, bình an, yêu thương, hạnh phúc. (Viết theo Flor McCarthy)

* 3. Ðức Giêsu Kitô, vua vũ trụ

Ðại Hội Trẻ Thế giới tại Pháp, hàng trăm ngàn thanh niên nô nức, tiến về thủ đô Paris dự đại hội để gặp gỡ, lắng nghe, và hiệp thông với Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đấng thay mặt Ðức Kitô ở trần gian.

Hệ thống xe điện ngầm Métro nổi tiếng của Paris dường như lúc nào cũng chật ních người. Hôm ấy, một cụ già ăn xin mù loà cũng cố chen lên một toa xe nhờ chú chó dẫn đường. Cụ vừa đi, vừa chìa cái đĩa nhôm để kêu gọi lòng hảo tâm của giới trẻ. Tuy ồn ào nhưng người ta cũng nghe được những tiếng kêu loảng xoảng của những đồng cắc rơi vào đĩa.

Ði ngược chiều với cụ, một cô bé xanh xao gầy còm cũng ngửa nón xin mọi người giúp đỡ. Khi hai người bất hạnh gặp nhau, cô bé tránh qua một bên cho người hành khất mù loà tiến bước. Và đầy kinh ngạc, các bạn trẻ không thể tin vào mắt mình, cô bé đã dốc hết số tiền kiếm được của mình đổ tất cả vào cái đĩa nhôm kia.

*

Mừng lễ Ðức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, chúng ta được mời gọi nhìn ngắm thế giới: gồm 6 tỷ người đang sống trên đó. Với bao cảnh thất nghiệp, nghèo đói, lạc hậu, bất công. Với bao tệ nạn tham nhũng, ma tuý, mafia, sida. Với bao nhiêu thiên tai lũ lụt, động đất, cháy rừng... Thế lực của sự dữ và tội lỗi đang tung hoành khắp nơi.

Mừng lễ Ðức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, chúng ta được mời gọi nhìn lên Vua của chúng ta. Một vị vua không ngồi trên ngai vàng, nhưng treo trên thập giá. Một vị vua không cai trị bằng quyền uy vũ lực, nhưng dựa trên tình yêu thương. Một vị vua không có lãnh thổ trên bản đồ thế giới, nhưng nằm sâu trong trái tim mọi người.

Vương quốc của Vua Giêsu là vương quốc của Sự thật: "Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi" (Ga.18,37). Sống theo sự thật chẳng dễ dàng chút nào, vì người thành thật thường thua thiệt, và kẻ dối trá lại được coi là khôn ngoan. Nhưng chỉ có những ai dám nói sự thật, chấp nhận sự thật, và sống theo sự thật mới được sống trong vương quốc của Người.

Vương quốc của Vua Giêsu còn là vương quốc của Tình yêu: "Con người không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ hiến mạng sống cho nhiều người" (Mc.10,45). Yêu mình, yêu thân nhân bạn bè thì dễ dàng; yêu người xa lạ, yêu kẻ thù, mới thật là khó. Nhưng Chúa chính là vua Tình yêu, nên chỉ những ai sống yêu thương mới đích thực là thần dân của Người.

Cô bé ăn xin trên xe điện ngầm trong câu chuyện trên đây, đã biết cho đi tất cả những gì mình có, những gì cần thiết nhất để sống mà không tính toán so đo. Ðó mới thật là công dân của Nước Trời, là thần dân đích thực của Giêsu, Vua Tình yêu.

Ðối với người tín hữu, công dân tương lai của Nước Trời, thì yêu thương là lẽ sống của mọi cá nhân, gia đình, và cộng đoàn. Dường như sống yêu thương sẽ thấy đời đơn giản, cuộc sống nhẹ nhàng thênh thang. "Ðâu có tình yêu thương ở đấy có Ðức Chúa Trời". Có Chúa trong tâm hồn họ luôn cảm thấy bình an, hạnh phúc. Còn mọi thứ khác chỉ là kiểu cách, rườm rà, câu nệ, phô trương, là thanh la, não bạt, là tiếng muỗi vo ve.

*

Lạy Chúa, chúng con là đôi tay và đôi chân của Chúa, là miệng lưỡi và trái tim yêu thương của Người.

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa, xây dựng một thế giới yêu thương và chân thật, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến trong vinh quang là một ngày vui trọn vẹn, một ngày hội lớn cho toàn thể nhân loại. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

* 4. Vua tình yêu

Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa...

Lê Quang Ðộ (Ricardo Conelo) từ nhỏ vẫn được ba má yêu quí, đến trường tỏ ra là người học trò xuất sắc. Nhưng bầu khí nơi trường học không được lành mạnh. Ở tuổi lên 10, em Ðộ đã ghiền xì ke. Em nhớ không có lý do gì để ghiền cả ngoài tính tò mò.

Khởi sự em hút cần sa. Kế đến em nhập băng nhóm đi cướp giật. Lên 12 tuổi Ðộ đã được cảnh sát thành phố Sao Paolo của nước Braxin biết đến. Bố em tưởng có thể nhốt em trong phòng nhưng vô ích vì Ðộ luôn tìm ra cách thoát khỏi bàn tay của bố, với những gì có thể ăn cắp được nơi gia đình để tiếp tục hút. Chưa thất vọng, bố em dời gia đình đi nơi khác, nhưng Ðộ vẫn tìm cách nhập vào một băng nhóm ghiền Cocaine và những thứ nặng hơn nữa. Bố em hết chịu nỗi đành phải đuổi em đi để cứu nguy cho gia đình.

Không chỗ tựa, Ðộ càng sa lầy. Nhưng nếu người thiếu niên đáng thương này có cơ may làm lại cuộc đời thì nhờ sức mạnh nào? Ai là người cuối cùng sẽ hoán cải được em để em nên người hữu ích cho xã hội?

Bị đuổi khỏi gia đình, Ðộ trở nên mồi ngon cho tổ chức buôn ma tuý bất hợp pháp trong vùng. Tối đầu tiên đến với nhóm, Ðộ được mời tới dự bữa ăn, trong đó kẻ tố cáo bạn với cảnh sát đã bị bắn ngay nơi bàn ăn khiến Ðộ cũng bị bắn lây vào cẳng. Chàng liền chạy vào bệnh viện. Tưởng thoát khỏi sự truy lùng nhưng cảnh sát đã xuất hiện ngay bên giường. Họ chuyển Ðộ sang nhà tù dành cho thanh thiếu niên.

Chính ở đây Ðộ may mắn nhận sự giúp đỡ của Trung Tâm Hy Vọng, là tổ chức thiện nguyện giúp phục hồi niềm hy vọng nơi người ghiền ma tuý. Sau này Ðộ mới biết đó là tổ chức do linh mục Hoàng Tâm Phú (Haus Stapelp) là thân hữu của phong trào Focolare điều khiển. Ðộ được an ủi nhiều do bầu khí đón tiếp nồng hậu của Trung Tâm ngay tối hôm đầu tiên đến đó.

Ðộ sống chung với mười hai người trẻ khác, mà Ðộ là người trẻ nhất, nhưng lại là kẻ cứng đầu nhất, luôn gây chuyện và chơi khăm người khác, luôn hành động thiếu đắn đo.

Hãy còn có Chúa đón nhận con

Ba tháng sau người ta phải đưa Ðộ tới trung tâm dành cho thanh thiếu niên ghiền nặng hơn. Chính ở đây Ðộ khám phá những điều cơ bản nhất về bản thân. Lần đầu tiên Ðộ thốt lên lời than thở với Ðấng em gọi là Thiên Chúa nhưng thực ra chưa bao giờ em được học biết Ngài. Cha mẹ em chỉ là người Công Giáo theo danh xưng mà thôi vì chưa bao giờ họ đi nhà thờ. Vậy em đã xin Chúa cho em cơ hội để bỏ hút xì ke, đổi mới cuộc đời và nên giống những người trẻ mà Ðộ biết là đã thành công theo lý tưởng sống vì người khác.

Quả thật, em đã được ban cho cơ hội giúp người khác là Lâm Ðình Ái (Claudio). Ðó là một bạn trẻ mắc bệnh AIDS ngủ cùng phòng với Ðộ. Bệnh nhân chỉ còn chờ chết, không thể tự mình lo lấy mình nữa. Ngày kia Ðộ đã xin Chúa để được thấy dung mạo Chúa nơi dung mạo bệnh nhân trẻ này. Thế rồi em được giao việc tắm rửa, cạo râu và giúp người bệnh này ăn uống. Ðiều em không thể cắt nghĩa được là em nghiệm thấy sự sống mới đang lớn lên nơi tâm hồn em nhờ mối tương quan sống động giữa em và Thiên Chúa.

Từ từ em khám phá ra nơi bản thân một tấm lòng quảng đại như thuộc bản năng đang được triển nở. Những người chung quanh em khó lòng tin được rằng điều gì đó thực sự đang xảy ra khiến em trở nên con người khác trước kia. Chẳng hạn, buổi tối hôm ấy em muốn đưa lời Tin Mừng ra thực thi, lời Tin Mừng mà Trung Tâm này sử dụng để chữa trị bệnh nhân, là "Hãy làm cho người khác điều bạn muốn người khác làm cho bạn." Vậy tối hôm ấy em sắp bàn tử tế, đặc biệt để mừng sinh nhật một bạn trẻ ở Trung Tâm. Khi bạn ấy xuất hiện, em Ðộ đã niềm nở đưa bạn ấy ra ngoài và tặng chiếc áo mà chính Ðộ rất thích mặc để diện.

Người nhận được quà cảm động đến rơi lệ khiến Ðộ cũng rưng rưng hai hàng lệ. Ðó là những con người chưa bao giờ nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, nay khám phá ra điều đó qua cử chỉ cho và nhận quà.

Em Ðộ nghiệm thấy ơn bình an như được gia tăng mỗi khi em làm điều này điều kia cho người khác. Tự nhiên em sốt sắng tham dự thánh lễ mỗi ngày.

Khi ấy em lên 17 và được giao việc chăm sóc bệnh nhân mới được Trung Tâm tiếp nhận để chữa trị. Trong nhóm này có một người đã 40 tuổi mà ai cũng nhìn nhận là người khó tính. Thế mà Ðộ đã thành công trong việc chinh phục người ấy.

Nhiều lần Ðộ trở về thăm gia đình nhưng chưa ai tỏ ra chú ý tới sự kiện là em không còn như trước nữa, kể cả mẹ em là người đã quá khổ vì em. Nhưng lần kia người anh của Ðộ đã trách mắng Ðộ cách thậm tệ trước mặt mọi người trong một cuộc họp mừng của gia đình. Người anh ấy rất ngỡ ngàng thấy Ðộ điềm tĩnh khác thường. Hơn nữa, còn xảy ra là khi Ðộ dọn đồ mà người anh ấy tỏ dấu ưa thích thứ thuốc thơm thoa xức sau khi cạo râu, em liền tặng lọ thuốc đó cho anh ấy!

Cứ như vậy Ðộ tìm lại được tình thương của gia đình để không còn phải trở về với Trung Tâm nữa. Nhưng quan trọng hơn vẫn là ơn Chúa thúc đẩy lòng em khiến em được thanh lọc khỏi những đam mê hầu sống sự sống hoàn toàn mới của Tin Mừng, để trở nên người hữu ích cho xã hội. Hiện em sống bình thường trong nghề giáo viên.

Cuộc hoán cải của Lê Quang Ðộ làm nổi bật tình thương của Thiên Chúa và sự ưu ái của Ngài dành cho những kẻ bé mọn. Thiên Chúa không bỏ rơi một ai, ngược lại, kẻ càng bị người đời khinh chê và gạt sang bên lề, thì Ngài càng ưu ái tìm kiếm và đưa vào Vương Quốc của Ngài.

Cựu Ước không thiếu lời khẳng định về tình yêu trước sau như một của Thiên Chúa đối với thọ tạo. Thánh vịnh gia nói: "Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con" (Tv 26,10). Tác giả sách Huấn Ca còn nói "Thiên Chúa nhân từ và biết vật Người nắn lên. Người không huỷ, không bỏ, nhưng dung tha" (17,21). Còn sách Khôn Ngoan dạy: "Quả thật những gì có trong vạn vật, Người đều yêu mến. Vì Người nắn nên gì Người không ghét bỏ. Vả lại có gì tồn tại được nếu Người không muốn? Làm sao nó được bảo tồn điều Người đã không gọi (đến tên)? Với mọi vật, Người xử khoan dung vì chúng là của Người, lạy Chúa Tể hiếu sinh!" (12,24-26).

Thực ra Nước của Thiên Chúa là Nước mang lại cảnh hoà bình cho trăm họ, nhưng sự công chính của Thiên Chúa chủ yếu không khởi đi từ việc phân phối của cải để ai nấy nhận được những gì thuộc về mình. Tất cả những gì mà con người có cũng đều do Thiên Chúa ban nhưng không, dù là ngang qua cha mẹ hay do chính mình làm nên, cuối cùng cũng do chính Chúa là cội nguồn. Vậy sự công chính của Thiên Chúa khởi đi từ lòng ưu ái của Người dành cho dân nghèo. Cho nên Thánh Vịnh gia khi nói tới việc xét xử dân theo công lý thì nói ngay tới việc bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn và ra tay cứu độ kẻ nghèo khó (x. Tv 71,1-4)

Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên

Với Ðức Giêsu trong Tân Ước, sự ưu ái của Thiên Chúa dành cho người nghèo càng khiến ta phải ngỡ ngàng. Một trăm con chiên chỉ có một con bị lạc, chủ chiên cũng tập trung hết sự chăm chú của mình vào chiên lạc đó cho tới khi tìm được; người đó sẽ vác nó lên vai đưa về và mở tiệc mừng. Mười đồng bạc mà một đồng bị mất thì người mất cũng thắp đèn tìm cho kỳ được; người đó còn mời bạn bè xóm ngõ tới mừng vì đã tìm thấy. Phương chi người cha có hai con mà một đứa đi bụi đời này về, nào người cha đó lại không mở tiệc ăn mừng con trở về hay sao? Ðó là ba dụ ngôn trong Tin Mừng Luca (15,1-32) về lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với tội nhân, là người nghèo cần Chúa thương xót. Tin Mừng Gioan cũng cho thấy lòng thương xót đó của Thiên Chúa, nhưng nhấn mạnh về cái giá Người sẵn sàng trả là chính mạng sống của Con Thiên Chúa làm người. Sau khi chữa người bại liệt, Ðức Giêsu bị người Do Thái tìm cách giết (x. Ga 5,18). Khi người mù từ tuổi mới sinh được Ðức Giêsu chữa lành, người đó liền bị cha mẹ bỏ rơi và giới lãnh đạo Do Thái giáo trục xuất (x. Ga 9,21 và 34) Nhưng Ðức Giêsu đã không bỏ rơi anh, Người đã tìm đến với anh và tự mạc khải bản thân Người cho anh (cc 35-38). Người còn tuyên bố "Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên" (Ga 10,11). Ðó chính là ý nghĩa mà Tin Mừng Gioan hiểu về lời tuyên bố của thượng tế Caipha khi nói "thà một người chết thay cho dân còn hơn toàn dân bị tiêu diệt" (Ga 11,50).

Bài Tin Mừng hôm nay với lời tuyên bố của Ðức Giêsu là "Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi." (c.37). Tin Mừng Gioan cho biết phản ứng của ông Philatô là nêu câu hỏi "Sự thật là gì?" (c.38). Nhưng ông đã không muốn nghe Ðức Giêsu trả lời. Ông đã ra ngoài để gặp người Do Thái nên ông đã không đứng về phía sự thật là chính Ðức Giêsu Vua Tình Yêu, hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với cả loài người. (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)

*

Hội thánh suy tôn Ðức Giêsu Kitô là Vua vũ trụ, vua hiền hậu, vua mà uy quyền là tình yêu tự hiến. Chúng ta cùng dâng lên Người lời cầu nguyện khiêm tốn sau đây:

1. Ðức Giêsu là Vua đến trần gian để làm chứng về sự thật, là chính Thiên Chúa / xin cho Hội thánh luôn tuân lệnh Người để làm chứng cho mọi người rằng Thiên Chúa là tình yêu.

2. Ðức Giêsu là Vua nhưng Nước Người không thuộc về thế gian này / Xin cho các nhà lãnh đạo các nước trần gian hiểu rằng: Nước Chúa không cạnh tranh với nước của họ / nhưng đem lại sự thật, công lý và hòa bình cho các nước trần gian.

3. Ðức Giêsu là Vua tự hiến để cứu độ mọi người / Xin cho những người đang bị áp bức, bóc lột, tù đày / và những người nghèo đói, dốt nát / sớm được Người giải thoát để sống như công dân trong Nước Chúa.

4. Ðức Giêsu là Vua tình yêu, Người cai trị bằng phục vụ / Xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta là công dân Nước Chúa / biết noi gương phục vụ của Người.

Lạy Ðức Giêsu, chúng con đã được Chúa mời gọi vào Nước Chúa, làm công dân của Nước Chúa, Xin giúp chúng con luôn hăng say hoạt động để Nước Chúa mở rộng đến mọi tâm hồn. Amen!

Thánh Ca : Tình Con Yêu Chúa ;



CHUYỆN NGỤ NGÔN CỦA KIERKEGAARD
Cha Mark Link
(Pt Giuse TV Nhật lược dịch)

Soren Kierkegaard là một triết gia và thần học gia sống ở Đan Mạch khoảng 150 năm trước đây. Trong một cuốn sách của ông có câu chuyện về một vị vua rất yêu thương một cô gái nhà quê.

Vị vua này biết rằng đó là điều hầu như không thể nào xảy ra được để ông kết hôn với cô gái này. Các vua chúa thì không bao giờ lấy dân quê. Họ thường kết hôn với người hoàng tộc.

Nhưng vị vua này rất quyền thế đến độ ông có thể kết hôn với cô gái này và không ai có thể làm gì được.

Nhưng một ý tưởng khác lại nảy ra trong đầu ông. Nếu ông kết hôn với cô gái quê này và vẫn là vua, có thể có những điều gì đó thiếu vắng trong sự tương giao.

Có thể cô gái này luôn luôn thán phục vị vua, nhưng cô không bao giờ thực sự yêu thương ông. Khoảng cách biệt giữa hai người quá lớn. Có thể cô luôn luôn nghĩ đến sự kiện rằng ông ta thuộc hoàng tộc và cô ta chỉ là một dân quê tầm thường.

Do đó nhà vua quyết định một kế hoạch khác. Ông quyết định từ bỏ vương quyền của ông và chính ông trở nên một người dân quê tầm thường. Sau đó ông sẽ tỏ tình với cô như một người dân quê khác.

Dĩ nhiên nhà vua nhận thức rằng nếu ông thi hành điều này, hoàn cảnh có thể trái ngược. Không những ông mất vương quyền mà còn có thể mất cả cô gái này nữa. Cô ta có thể khước từ ông, nhất là khi cô nghĩ rằng ông thật điên rồ khi làm điều mà ông đang làm.

Và như thế, vị vua này có vấn đề. Ông phải làm gì?

Sau cùng nhà vua quyết định rằng vì tình yêu của ông dành cho cô này quá lớn đến độ ông liều mất tất cả để có thể biến tình yêu ấy trở nên đích thật giữa hai người.

Kierkegaard không cho biết câu chuyện này kết thúc như thế nào. Ông không cho biết cô gái ấy có chấp nhận hay từ chối tình yêu của nhà vua. Ông không cho biết họ có lấy nhau hay không và có sống hạnh phúc suốt đời không.

Kierkegaard có hai lý do để không cho biết câu chuyện ấy kết thúc như thế nào.

Thứ nhất, đó không phải là điểm chính của câu chuyện. Điểm chính của câu chuyện là tình yêu của nhà vua dành cho cô gái quê tầm thường. Tình yêu ấy quá lớn đến độ ông khước từ vương quyền và ngai vàng vì cô gái này.

Lý do thứ hai tại sao Kierkegaard không cho biết câu chuyện kết thúc như thế nào bởi vì câu chuyện ấy chưa chấm dứt. Nó vẫn còn tiếp tục. Đó là một câu chuyện thật mà đoạn kết chưa được viết xuống. Đó là câu chuyện thực về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Vị vua trong câu chuyện là Thiên Chúa; cô gái trong câu chuyện là mỗi người chúng ta.

Tuy nhiên, có hai sự khác biệt. Trước hết, Thiên Chúa thì hơn cả hoàng gia; Người đáng được tôn thờ. Thứ hai, tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta thì vô tận; Người yêu chúng ta nhiều hơn tình yêu của một ông vua dành cho cô gái nhà quê.

Nhưng phần còn lại của câu chuyện thì giống nhau. Thiên Chúa đã có thể yêu thương chúng ta và giữ địa vị thần thánh của Người. Nhưng điều đó sẽ tạo nên khoảng cách giữa chúng ta quá lớn. Sẽ thật khó cho chúng ta yêu thương Thiên Chúa cách tự do.

Do đó Thiên Chúa quyết định trở nên một con người sống giữa chúng ta. Trong con người của Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa quyết định trở nên một con người tầm thường. Người quyết định nói lên một tình yêu dành cho chúng ta theo một phương cách mà tình yêu ấy không trùm lấp chúng ta. Người quyết định nói lên một tình yêu cho chúng ta theo một phương cách mà chúng ta có thể hiểu một cách tuyệt hảo và đáp trả một cách tự do.

Và điều này dẫn đến lý do thứ hai tại sao Kierkegaard không cho biết câu chuyện kết thúc như thế nào. Bởi vì chuyện tình giữa Thiên Chúa và chúng ta vẫn còn tiếp diễn. Bởi vì chuyện tình giữa Thiên Chúa và chúng ta chưa kết thúc.

Mỗi một người chúng ta đang viết phần kết thúc của câu chuyện đó một cách cá biệt. Mỗi một người chúng ta đang quyết định là chúng ta sẽ chấp nhận hay khước từ tình yêu của Thiên Chúa. Mỗi một người chúng ta đang quyết định là chúng ta sẽ sống hạnh phúc với Thiên Chúa cho đến đời đời hay không.

Đức Giêsu Kitô quả thật là một vị vua quyền thế đã trở nên giống như chúng ta để Người có thể yêu thương và phục vụ chúng ta. Đức Giêsu nói, “Con Người không đến để được phục vụ; Người đến để phục vụ và hiến mạng sống mình để cứu chuộc nhiều người” (Mc 10:45).

Thánh Phaolô đề cập đến mầu nhiệm lạ thường này trong Thư gửi tín hữu ở Philípphê như sau:

“Đức Giêsu Kitô… luôn luôn có bản tính Thiên Chúa, nhưng … Người tự ý khước từ tất cả những gì Người có, và mặc lấy bản tính của một người tôi tớ. Người trở nên một con người….

“Vì lý do này Thiên Chúa đã nâng Người lên ở chỗ cao hơn hết và ban cho Người danh hiệu vĩ đại hơn bất cứ danh hiệu nào khác.

“Và như thế, để tôn vinh danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ, và mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa Cha.” (Philipphê 2:5-11)

Làm thế nào chúng ta áp dụng tất cả những điều này vào thực tế đời sống?

Ngay sau khi chúng ta được rửa tội, vị chủ tế lấy dầu thánh và xức trên đầu chúng ta, đọc lời cầu nguyện này:

“Như Đức Kitô được xức dầu tấn phong là Tư Tế, Ngôn Sứ và Vua, để như thế con có thể trở nên một phần tử của dân Người, được chia sẻ sự sống đời đời.”

Nói cách khác, mỗi một người chúng ta, qua bí tích rửa tội, được chia sẻ vương quyền của Đức Kitô, là đầu của chúng ta.

Và như thế, chúng ta có thể áp dụng điều này vào thực tế. Đức Kitô không còn sống trên trần gian này, không còn dậy bảo dân chúng và chữa lành cho họ như trước đây. Người chỉ có thể thi hành điều đó qua chi thể của Người. Chúng ta là đôi tay, đôi chân của Đức Kitô; chúng ta là miệng lưỡi, và con tim của Chúa.

Nói cách khác, vương quốc Thiên Chúa, được Đức Giêsu thiết lập trong khi Người ở thế gian, phải được hoàn tất bởi chúng ta trong thời gian chúng ta sống.

Và vì thế, lễ Đức Kitô Vua, mời gọi chúng ta hãy tự hỏi chính mình, Chúng ta phải làm gì, một cách cá biệt và cụ thể, để giúp vương quốc Thiên Chúa được hoàn tất ở trần gian này?

Khi kết thúc thời gian, Đức Giêsu sẽ trở lại như một vị vua. Mátthêu nói trong Phúc Âm:

"Khi Con Người đến như Đức Vua… Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người và các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người.

“Người sẽ tách biệt họ thành hai nhóm…Người sẽ đặt người công chính ở bên phải Người và những người khác ở bên trái.

“Sau đó Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng, ‘Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến đây… Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc…

“Bất cứ khi nào các ngươi làm như thế cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." (Mt 25:31-36, 40)

Thánh Ca : Dấu Ấn Tình Yêu

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Xem và nghe audio truyện hoặc xem phim về Sherlock Holmes

Sherlock Holmes là một nhân vật thám tử hư cấu vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, xuất hiện lần đầu trong tác phẩm của nhà văn Arthur Conan Doyle xuất bản năm 1887. Ông là một thám tử tư ở Luân Đôn nổi tiếng nhờ trí thông minh, khả năng suy diễn logic và quan sát tinh tường trong khi phá những vụ án mà cảnh sát phải bó tay. Nhiều người cho rằng Sherlock Holmes là nhân vật thám tử hư cấu nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học và là một trong những nhân vật văn học được biết đến nhiều nhất trên toàn thế giới.

SherlockHolmes

Sherlock Holmes đã xuất hiện trong 4 tiểu thuyết và 56 truyện ngắn của nhà văn Conan Doyle. Hầu như tất cả các tác phẩm đều được viết dưới dạng ghi chép của bác sĩ John H. Watson, người bạn thân thiết và người ghi chép tiểu sử của Holmes, chỉ có 2 tác phẩm được viết dưới dạng ghi chép của chính Holmes và 2 tác phẩm khác dưới dạng ghi chép của người thứ ba. Hai tác phẩm đầu tiên trong số này, 2 tiểu thuyết ngắn, xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Beeton's Christmas Annual năm 1887 và tờ Lippincott's Monthly Magazine năm 1890.

Thám tử Holmes trở nên cực kì nổi tiếng khi loạt truyện ngắn của Doyle được xuất bản trên tạp chí The Strand Magazine năm 1891. Các tác phẩm được viết xoay quanh thời gian từ năm 1878 đến năm 1903 với vụ án cuối cùng vào năm 1914. Nhân vật Sherlock Holmes còn được xuất hiện trong loạt tác phẩm trinh thám về Arsène Lupin của Maurice Leblanc

Theo như các tác phẩm của Conan Doyle, Holmes sinh năm 1854. Ông bắt đầu sống ở 221B phố Baker, Luân Đôn cùng bác sĩ Watson, bạn thân và người viết tiểu sử cho Holmes. Holmes có một người anh trai, Mycroft Holmes, một viên chức chính phủ đã từng xuất hiện trong ba truyện The Adventure of the Greek Interpreter (Người thông ngôn Hy Lạp), The Adventure of the Final Problem (Vụ án cuối cùng) và The Adventure of the Bruce-Partington Plans (Kế hoạch của Bruce-Partington).

Trong tập Người thông ngôn Hy Lạp, Sherlock Holmes cũng tiết lộ cho bác sĩ Watson biết bà nội của Holmes là em gái của họa sĩ người Pháp nổi tiếng Claude Joseph Vernet. Phụ giúp Holmes điều tra, ngoài bác sĩ Watson, còn có đám trẻ con ở phố Baker. Những nhân viên cảnh sát thường làm việc với Holmes trong các vụ án là thanh tra Lestrade, thanh tra Gregson, thanh tra Stanley Hopkins và thanh tra Jones thuộc Scotland Yard. Ngoài ra còn có thanh tra Francois Le Villard của cảnh sát Pháp.

SherlockHolmes

Kẻ thủ không đội trời chung của Sherlock Holmes là giáo sư James Moriarty (người được mệnh danh "Napoléon của tội ác"), hai người đã đụng độ và cùng rơi xuống thác nước Reichenbach. Conan Doyle đã dự định dùng cái kết này cho tập Vụ án cuối cùng để kết thúc chuỗi tác phẩm về Sherlock Holmes của ông, nhưng độc giả đã gửi vô số thư tới Doyle buộc ông phải trở lại sáng tác tiếp tiểu thuyết The Hound of the Baskervilles (Con chó săn của dòng họ Baskervilles), tuy nhiên vụ án trong tác phẩm này xảy ra trước khi Holmes gặp Moriarty. Holmes thực sự trở lại trong truyện The Adventure of the Empty House (Bí mật ngôi nhà trống), trong đó Conan Doyle giải thích rằng chỉ có Moriarty rơi khỏi vách đá còn Holmes thì chỉ giả chết để tiếp tục điều tra về tổ chức của Moriarty.

Nhân vật Moriarty được cho là lấy từ hình ảnh của tên tội phạm người Mỹ gốc Đức Adam Worth. Là một thám tử có phương pháp điều tra rất khoa học nhưng trong cuộc sống riêng Holmes lại rất bừa bộn, theo như ghi chép của bác sĩ Watson, Holmes vứt bừa bãi mọi thứ ra phòng từ ghi chép vụ án đến sản phẩm của những phản ứng hóa học mà ông đã thực hiện. Holmes cũng có một thói quen xấu đó là sử dụng cocaine và morphine. Ngoài ra, ông cũng là người nghiện thuốc lá nặng và nổi tiếng với hình ảnh vừa suy luận về vụ án vừa ngậm tẩu thuốc. Trong các tác phẩm, Holmes luôn tỏ ra là một người lạnh lùng và thờ ơ với mọi thứ không liên quan đến vụ án.

Trong khi điều tra, ông luôn giữ chuỗi suy luận của mình mà chỉ nói ra những kết luận hoặc những nhận xét khó hiểu, chỉ sau khi vụ án đã được phá Holmes mới tiết lộ tất cả những lập luận dẫn tới việc phá án. Holmes cũng là người rất can đảm, ông luôn bình thản xem xét hiện trường các vụ án tàn bạo và kinh khủng, ông không cho phép những điều mê tín dị đoan (như trong tiểu thuyết Con chó săn của dòng họ Baskervilles) hay những tình huống kỳ dị làm mình khiếp sợ.

Tuy có vẻ là người cô độc, lạnh lùng và vô cảm, Holmes thực ra lại rất giỏi trong việc nhận xét về cảm xúc của người đối diện, ông có thể xoa dịu và làm an lòng những khách hàng đang gặp khủng hoảng về tâm lý. Holmes cũng chơi rất thân với bác sĩ Watson và có lẽ cũng từng có tình cảm với một người phụ nữ, đó là bà Irene Adler trong truyện ngắn A Scandal in Bohemia (Vụ tai tiếng xứ Bohemia).

SherlockHolmes

Trong các tác phẩm tiếp theo, có thể thấy danh sách trên là không chính xác, ví dụ bác sĩ Watson cho rằng Holmes ít hiểu biết về chính trị đương thời, nhưng trong truyện ngắn Vụ tai tiếng xứ Bohemia thám tử đã ngay lập tức nhận ra địa vị thật của người giả làm Công tước von Kramm.

Ngoài ra Holmes nghiên cứu rất sâu những môn cần thiết cho việc phá án. Ông rất giỏi trong việc giải các loại mật mã. Ông cũng là bậc thầy về cải trang, Holmes có thể biến thành một thủy thủ như trong The Sign of Four (Dấu hiệu bộ tứ), người nghiện thuốc phiện trong The Man with the Twisted Lip (Người đàn ông môi trề), hay một linh mục già trong Vụ án cuối cùng. Với một chiếc kính lúp, Holmes có thể suy đoán nhân dạng của thủ phạm từ những dấu vết để lại như vết chân, vết giày dép, vết bánh xe và tàn thuốc (Holmes có thể phân biệt hầu hết các loại thuốc được hút chỉ từ tàn thuốc để lại).

Hơn nữa, độc giả còn được biết, Sherlock Holmes là người gan dạ, và đặc biệt là rất mạnh khỏe. Ông luôn dám đối mặt với những hiểm nguy, tự mình khám phá các bí ẩn chết người mà không mảy may nao núng. Trong một tập "Dải băng lốm đốm", Sherlock Holmes đã tỏ ra không e dè gì trước một gã đô con đến dọa nạt và bẻ cong thanh cời than vốn rất cứng trong văn phòng của Holmes. Nhưng ông vẫn tươi cười, và sau khi vị khách đi khỏi, ông dễ dàng "vuốt" thẳng lại thanh cời than.

Trong tập Chiếc nhẫn tình cờ, Holmes có viết một tiểu luận theo đó "Từ một giọt nước, một người suy luận logic có thể nêu được khả năng đó là một giọt nước Đại Tây Dương hay một giọt nước từ thác Niagara".

Những vụ án do Holmes điều tra thường bắt đầu với việc ông thể hiện khả năng suy luận tuyệt vời của mình như đoán ra thân thế và nghề nghiệp của khách hàng mà không cần hỏi thông tin từ họ. Phương pháp suy luận của Holmes thường là đi từ những chứng cứ quan sát được đến ý nghĩa của những chứng cứ đó, tức là "Nếu có A thì có B".

Ví dụ trong truyện ngắn Vụ tai tiếng xứ Bohemia, sau khi nhìn thấy Watson, Holmes suy luận được rằng ông này mới bị ướt sũng và có một cô hầu gái vụng về và bất cẩn nhất trên đời, ông giải thích cho lập luận của mình như sau: Phía bên trong lớp da chiếc giầy bên trái của bác sĩ Watson có sáu vết xước gần như song song. Rõ ràng là những vết xước đó gây ra do một người bất cẩn khi chà xát xung quanh mép gót giầy để lau bùn. Người lau giầy cho bác sĩ chỉ có thể là người hầu gái của ông. Người lau bùn mà để lại những vết xước như vậy hẳn phải là người bất cẩn và vụng về. Đôi giày có nhiều bùn đến mức phải lau như vậy chỉ có thể là người mang nó vừa phải đi trong thời tiết giá lạnh và ẩm ướt. Ở đây "A" là những vết xước nhìn thấy trên đôi giày của bác sĩ Watson, còn "B" là việc ông này bị ướt và người hầu gái bất cẩn.

Sự thành công trong suy luận của Holmes cũng còn do ông có phương pháp nghiên cứu hiện trường vụ án rất khoa học và cẩn thận, và do ông rất am hiểu những lĩnh vực liên quan như pháp y hay chất độc. Theo Holmes, những kết luận logic của ông thực ra là "đơn giản" và "hiển nhiên". Điều quan trọng trong những suy luận của Holmes là phải triệt tiêu được càng nhiều khả năng xảy ra càng tốt. Bác sĩ Watson đôi khi cũng thử áp dụng phương pháp này nhưng ông thường sai trong hầu hết các trường hợp. Do Sherlock Holmes đã trở nên rất nổi tiếng với độc giả thế giới, đã có rất nhiều vở kịch và bộ phim được sáng tác dựa trên những tác phẩm của Conan Doyle về Holmes, về mặt này có thể so sánh Holmes với những nhân vật hư cấu nổi tiếng khác như Hamlet hay Dracula.

Sách Kỷ lục Guinness đã thống kê Holmes là nhân vật điện ảnh xuất hiện nhiều nhất, với sự diễn xuất của 70 nam diễn viên khác nhau trong trên 200 bộ phim. Sherlock Holmes được độc giả hâm mộ tới mức đã có rất nhiều hội những người hâm mộ ông được thành lập, hội đầu tiên được thành lập năm 1934 ở Mỹ, sau đó là ở Anh và Đan Mạch.

Năm 1990 người ta đã mở Bảo tàng Sherlock Holmes ở phố Baker, đây là bảo tàng cho một nhân vật hư cấu đầu tiên được mở trên thế giới. Sự nổi tiếng của Sherlock Holmes đã làm nhiều người lầm tưởng rằng những tác phẩm của Conan Doyle là mở đầu cho dòng văn học trinh thám. Thực ra thì tính cách của Holmes và phương pháp điều tra của ông đã được Doyle lấy cảm hứng từ hai nhân vật thám tử C. Auguste Dupin và Monsieur Lecoq trong các tác phẩm của Edgar Allan Poe và Émile Gaboriau.

Sau Holmes, rất nhiều nhân vật thám tử trong văn học cũng có phương pháp nghiên cứu tương tự ông hoặc là trích dẫn những câu nói của Holmes trong quá trình điều tra của mình. Nhân vật truyện tranh Shinichi Kudo trong bộ truyện Thám tử lừng danh Conan thường xuyên trích dẫn những câu nói của Holmes và thậm chí còn lấy tên giả theo tên của Conan Doyle (Edogawa Conan).

Sau đây là một số tác phẩm về nhà thám tử tài ba Sherlock Holmes , các bạn có thể tải về hoặc xem trực tiếp tại đây hoặc tại đây .

Mời các bạn nghe đọc một số truyện theo các file audio dạng m4b về Sherlock Holmes , các bạn có thể tải về máy và nghe bằng Iphone .

1/ Sherlock Homes (Tải về) - (Audio-M4b)

2/ Chiếc Nhẫn Tình Cờ (Sherlock Holmes) - Conan Doyle (Tải về) - (Audio-M4b)  (Google-MP4)
 
3/ Con Chó Của Dòng Họ Baskerville (Sherlock Holmes) - Conan Doyle (Tải về) - (Audio-M4b)

4/ Dấu Bộ Tứ (Sherlock Holmes) - Conan Doyle (Tải về) - (Audio-M4b) - (Google-MP4)

5/ Những Cuộc Phiêu Lưu Của Sherlock Holmes - Conan Doyle (Tải về) - (Audio-M4b)

6/ Nghe qua YouTube: Những vụ kỳ án của Sherlock Holmes tại đây 

7/ Nghe qua YouTube: Sherlock Holmes Toàn Tập (Phần 1) tại đây  (Google-MP4)
 
8/ Nghe qua YouTube: Sherlock Holmes Toàn Tập (Phần 2) tại đây  (Google-MP4)

Mời các bạn xem bộ phim về Sherlock Holmes trên YouTube , xem theo Playlist tại đây.



Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Phúc Âm Chúa Nhật thứ XXXIII Mùa Thường Niên (năm B) Ngày 18/11/2012



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ XXXIII Mùa Thường Niên (năm B)

Nguồn:www.40giayloichua.net

Mời nghe Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật 33 MTN (B) do Đức Cha Phê Rô Nguyễn Văn Khảm thuyết giảng năm 1997

THẾ GIỚI NÀY SẼ QUA ÐI
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

* 1. Ngày cuối cùng - Ngày Chúa đến

- Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là một trong những đoạn Thánh Kinh khó hiểu nhất. Nó thuộc văn thể Khải Huyền, là một loại văn thể bóng gió, nghĩa là không nói thẳng ý tưởng ra, nhưng diễn tả ý tưởng một cách gián tiếp qua trung gian những hình ảnh. Những hình ảnh này không quan trọng vì chỉ là phương tiện diễn tả, cái quan trọng chính là ý tưởng mà những hình ảnh ấy muốn diễn tả.

Vậy ý tưởng chính của bài Tin Mừng này là gì? Thưa là nói về ngày cùng tận.

Ngày cùng tận ấy sẽ đến vào lúc nào? Có nhiều người không biết đã học giáo lý kiểu nào, hoặc đã đọc ở những sách nào mà dám quả quyết rằng ngày ấy sẽ đến vào năm 2000. Quyết toán như vậy là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi vì trong bài Tin Mừng này, chính Chúa Giêsu đã nói "Còn về ngày hay giờ đó thì dù các thiên sứ trên trời, hay cả Chúa Con đi nữa cũng không ai biết được, trừ một mình Chúa Cha mà thôi".

Ngày cùng tận ấy sẽ xảy ra như thế nào? Bài Tin Mừng hôm nay mô tả "Khi ấy mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống. và các tinh tú bầu trời bị lay chuyển". Những hình ảnh ấy khiến cho nhiều người cho rằng ngày ấy sẽ là một ngày khủng khiếp. Có người còn tô vẽ thêm rằng ngày đó sẽ có nắng lửa mưa dầu. Có người khác lại giải nghĩa rõ hơn nữa, rằng mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao rung chuyển và nắng lửa mưa dầu ấy là hậu quả của một cuộc chiến tranh nguyên tử; rằng thế giới này sẽ tận diệt bằng một cuộc chiến tranh nguyên tử. Thế nhưng, như tôi đã lưu ý ngay từ đầu: đây là văn thể Khải Huyền, trong đó những hình ảnh không quan trọng vì chúng chỉ là phương tiện để diễn tả một ý tưởng. Thực ra ngay cả những hình ảnh được dùng trong bài Tin Mừng này cũng không phải là do chính Chúa Giêsu đưa ra, mà Chúa chỉ lấy lại những hình ảnh mà các tiên tri quen dùng để nói về ngày cùng tận. Mà theo các tiên tri thì những hình ảnh trên mang một ý nghĩa rõ ràng. Ý nghĩa đó là gì? Ðây ta hãy nghe một đoạn trong sách tiên tri Isaia: Ngày ấy sẽ không cần mặt trời soi sáng ban ngày, cũng không cần mặt trăng soi sáng ban đêm, cũng không cần ánh sáng của các ngôi sao hoặc ánh sáng của đèn đuốc, vì chính Chúa Cứu Thế sẽ là Ánh Sáng soi chiếu khắp nơi. Nghĩa là các tiên tri và cả Ðức Giêsu đều không quan tâm ngày cùng tận ấy sẽ xảy ra như thế nào, chỉ quan tâm đến sự kiện quan trọng nhất trong ngày ấy, đó là Chúa sẽ đến. Tới ngay cùng tận thì Chúa sẽ đến. Ngày Chúa đến có thể là một ngày khủng khiếp đối với những kẻ tội lỗi, mà cũng là một ngày hân hoan vui mừng cho những người công chính.

Tại sao Phụng vụ lại chọn bài Tin Mừng này để đọc trong ngày hôm nay? Hôm nay là Chúa nhật áp chót của năm Phụng vụ. Tuần tới sẽ là Chúa nhật cuối cùng. Sau đó là qua Mùa Vọng bắt đầu một năm Phụng vụ khác. Vậy trong ngày chúa nhật áp chót, Phụng vụ chọn đọc bài Tin Mừng nói về ngày cùng tận thì cũng là hợp lý.

Thời giờ thắm thoát thoi đưa, nói đi đi mãi có chờ chờ ai!
Thế giới này không phải là vô tận, thế nào rồi cũng có ngày tận cùng.

Cuộc đời con người cũng không phải là vĩnh cửu, thế nào rồi cũng có ngày chấm dứt. Một năm trôi qua là thế giới càng tiến gần đến ngày tận cùng của nó. Một năm trôi qua, đời người cũng càng tiến gần đến ngày cuối cùng của mình. Ngày cùng tận ấy sẽ đến lúc nào? Không ai biết. Nó sẽ diễn ra như thế nào? cũng chẳng ai biết trước được. Chỉ biết chắc là ngày đó Chúa sẽ đến. Chúa sẽ đến với mọi người để kiểm điểm đời sống mỗi người, để đánh giá xem mỗi người đã sử dụng thời gian Chúa ban như thế nào.

Người ta thường ví cuộc đời như một chuyến đi, thời gian như một con đường, và con người như một kẻ lữ hành. Người lữ hành thực hiện chuyến đi cuộc đời trên con đường thời gian. Và cũng như con đường phải dẫn đến một đích điểm, thì người lữ hành phải biết tận dụng thời gian để nhanh chân tiến bước đến đích điểm ấy. Không thể là một người lữ khách lang thang, cứ vô tình bước những bước vô địch, không biết đã đi qua đâu mà cũng chẳng biết sẽ đi về đâu.

Hết một năm là hết một đoạn đường. Giáo Hội muốn chúng ta hôm nay tạm dừng chân lại để kiểm điểm cuộc hành trình của mình.

Một năm qua, thế giới đã có những bước tiến tốt đẹp: Nhiều nước thù nghịch nhau đã tiến gần tới nhau để hoà giải hoà hợp với nhau. Một năm qua, đất nước chúng ta cũng có nhiều bước tiến, có đổi mới nhiều mặt để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Còn cuộc đời mỗi người chúng ta, một năm qua có tiến bước gì không?

. Ðối với bản thân: con người chúng ta có trở nên tốt hơn không.
. Ðối với tha nhân: liên hệ giữa chúng ta có công bình hơn, bác ái hơn?
. Ðối với Chúa: sau một năm chúng ta có đến gần Chúa hơn không? Có thuộc về Chúa, gắn bó với Chúa nhiều hơn không? Ðức tin của chúng ta có vững vàng hơn không? Ðức cậy chúng ta có chắc chắn hơn không? và đức mến của chúng ta có nồng nàn hơn không?

Hôm nay Giáo hội muốn chúng ta tạm dừng chân để suy nghĩ về những điểm trên, để nếu cần thì điểu chỉnh lại cho cuộc hành trình của mình được vững bước hơn. Có như vậy chúng ta mới có thể sẵn sàng và vui mừng hân hoan đón Chúa khi Ngài đến.

* 2. Ngày tận thế

Khi Ađam bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, ông phải khổ cực vất vả tìm kiếm miếng cơm manh áo.

Một lần kia, trên đường lao dịch, Ađam vấp phải cái xác bất động của Abel. Ông nâng con dậy, vác trên vai, đem về đặt trong lòng Eva. Ông bà lay gọi, nhưng Abel không đáp lại. Trước đây, Abel đâu có trầm lặng như vậy! Eva nâng tay đứa con yêu quý lên, bàn tay lại rơi xuống vô hồn. Trước đây không hề thấy như thế bao giờ! Ông bà nhìn vào đôi mắt trắng đã vô tư một cách bí mật. Trước đây đôi mắt của Abel có vô tình như thế đâu? Ông bà rất đỗi kinh ngạc. Nỗi kinh ngạc càng tăng dần cho đến lúc ông bà chợt nhớ lại lời Ðức Chúa Trời: "Ngày nào ngươi ăn trái cây này, ngươi sẽ chết". Ðó là cái chết đầu tiên trên thế giới.

*

Cái chết của Abel là cái chết đầu tiên trên trái đất. Còn cái chết cuối cùng của nhân loại sẽ là ai? Ở đâu? Vào lúc nào? Ðiều đó không ai được biết, và cũng không cần biết. Sách Tông đồ Công Vụ có viết: "Anh em không cần phải biết thời gian và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt" (Cv.1,7). Tin mừng hôm nay, Ðức Giêsu cũng quả quyết: "Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các Thiên sứ trên trời hay người Con cũng không hề biết, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi" (Mc.13,32). Khi được hỏi bao giờ đến ngày tận thế? Thánh Augustinô đã trả lời dứt khoát: "Việc này hoàn toàn nằm trong quyền năng của Chúa Cha". Nói khác, ngài còn nói: "Ðức Giêsu không cho biết ngày cuối cùng của ta, để ta luôn cảnh giác chờ đợi Người".

Ðứng trước các tin đồn về ngày tận thế, thái độ sống thích hợp nhất của chúng ta là: Vì thân phận con người mỏng dòn và yếu đuối, chúng ta hãy sống trong "tỉnh thức và cầu nguyện", trong niềm mong chờ "ngày Chúa đến sẽ xảy ra bất cứ lúc nào".

Chúng ta không biết ngày tận cùng của thế giới nhưng chúng ta biết chắc ngày ấy phải đến. Ðó không phải là tai nạn trong chương trình của Thiên Chúa, nhưng đó là một ngày mà Thiên Chúa dọn sẵn chỗ ở mới, một thế giới mới cho nhân loại. Nơi đó, công bằng sẽ ngự trị, hạnh phúc sẽ ngập tràn, và niềm vui sẽ trọn vẹn cho những ai "bền đỗ đến cùng". Với cái nhìn đầy tin tưởng, Seneca đã nói "Ngày mà bạn cho là cùng tận của mọi sự, lại là ngày khởi đầu của vĩnh cửu".

Chúng ta không biết ngày nào Chúa sẽ đến trong vinh quang, nhưng chúng ta biết chắc: để được vào vương quốc ấy, con người phải nhìn lại chính mình, sắp xếp lại cuộc sống, và tích cực xây dựng một gia đình nhân loại đầy yêu thương, công lý và hòa bình. Cha Mark Link viết: "Khi Chúa đến, Người không cân đo trí khôn chúng ta thông minh thế nào. Nhưng Người sẽ cân đo trái tim chúng ta yêu thương ra sao".

Vì tình yêu là ngôn ngữ của thiên đường, nên chỉ những ai biết yêu thương mới được bước vào. Chính lòng nhân ái là tấm thẻ căn cước không thể thiếu của những công dân Nước Trời.

*

Lạy Chúa, Xin hãy đến, cho những người được tuyển chọn tập họp chung quanh Người. Xin hãy đến, để trong mọi biến cố kinh hoàng, chúng con vẫn một niềm cậy tin: Chúa là Ðấng cứu độ chúng con. Trong giây phút định mệnh của mỗi người, xin cho chúng con nghe được tiếng Chúa: "Con sắp trở về cùng Cha". Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

* 3. Hãy dựa vào Thiên Chúa

Một bà kia vừa kết thúc một ngày làm việc chạy vội về nhà. Ðêm nay bà sẽ đi đánh bài. Nhưng vừa chạy tới cửa nhà, bà gặp một thanh niên cầm một tấm bảng ghi dòng chữ "Ngày tận thế gần đến rồi". Bà hỏi:

- Cậu nói là ngày tận thế gần đến rồi hả?
- Thưa bà đúng vậy.
- Nhưng cậu có chắc không?
- Thưa bà chắc chắn.
- Cậu nói nó gần đến?
- Ðúng vậy.
- Gần như thế nào?
- Rất gần.
- Cậu có thể nói rõ hơn không?
- Thưa bà, ngay đêm nay.

Người đàn bà dừng lại suy nghĩ một lúc. Rồi với giọng lo lắng, bà hỏi tiếp: "Nó đến trước hay sau ván bài vậy?".

Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới không ổn định. Hết cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng khác. Tình trạng không ổn định như thế khiến người ta sợ hãi lo âu. Và giữa cái thế giới không ổn định đầy lo âu sợ hãi như thế, người ta cần có một cái gì đó vững chắc để dựa vào.

Ðối với kitô hữu, chỗ vững chắc nhất có thể dựa vào là Thiên Chúa. Bài đáp ca trong Thánh lễ hôm nay có câu: "Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ". Còn trong bài Tin Mừng, Ðức Giêsu nói: "Trời đất sẽ qua đi, nhưng Lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu".

Tất cả những gì vững chắc mà chúng ta có, và tất cả những gì chúng ta cần là bấy nhiêu đó: ta an tâm vì biết rằng mọi sự đều nằm trong bàn tay Chúa, biết rằng chương trình Chúa vạch sẵn cho cuộc đời chúng ta và cho thế giới sẽ được hoàn thành. Ðức Kitô sẽ thống trị. Thiên Chúa sẽ thống trị. Chúng ta sẽ cùng ngự trị với Thiên Chúa mãi mãi. (Viết theo Flor McCarthy)

*

Hội thánh nhắc ta nhớ ngày Ðức Giêsu Kitô sẽ đến trong vinh quang để xét xử toàn thể nhân loại. Chúng ta hãy vui mừng và tin tưởng dâng lời cầu nguyện:

1. Ðức Giêsu Kitô sẽ trở lại để đem tất cả những người được cứu độ vào hưởng hạnh phúc Nước Trời với Người / Chúng ta hãy cầu xin cho Hòa Bình luôn vui mừng loan báo niềm hy vọng hạnh phúc ấy cho mọi người.

2. Trời đất và thế giới này sẽ qua đi như lời Chúa phán / Chúng ta hãy cầu xin cho các nhà lãnh đạo các dân tộc hiểu biết rằng quyền bính của họ cũng sẽ qua đi / để họ biết xây dựng công lý và hòa bình cho mọi người / là những việc sẽ không qua đi.

3. Thiên tai, chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói, đã làm cho biết bao người đau khổ và phải chết / Chúng ta hãy cầu xin cho mọi người biết tin tưởng và hy vọng vào ơn cứu độ do Ðức Giêsu đem đến / để không tuyệt vọng với những tình trạng bi đát đó.

4. Không ai biết ngày giờ Ðức Giêsu sẽ đến / chúng ta hãy cầu xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta luôn tỉnh thức và cầu nguyện / để sẵn sàng đón chờ Chúa đến.

Lạy Ðức Giêsu, chúng con không biết ngày giờ nào Chúa trở lại, xin cho mỗi người chúng con luôn chuẩn bị sẵn sàng để đón Chúa, bằng một đời sống thật tình mến Chúa yêu người.Amen!

Thánh Ca : Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ;



MAY MẮN ĐƯỢC SỐNG SÓT
Cha Mark Link
(Pt Giuse TV Nhật lược dịch)

Bộ phim Occurrence at Owl Creek Bridge (biến cố xảy ra ở cầu Owl Creek) kể lại chuyện một người đàn ông sắp bị treo cổ. Bọn lính địch của anh dẫn bộ anh ra một chiếc cầu bắc ngang qua sông Owl Creek. Chúng lấy một tấm ván đặt một phân nửa lên cầu còn phân nửa kia để lòi ra khỏi thành cầu. Đoạn một tên lính đứng lên nửa tấm ván trên thành cầu, còn người tử tội bị dẫn ra đứng trên nửa tấm để lòi ra khỏi thành cầu. Kế đó, người ta cột chặt tay chân người tử tội, đoạn thòng một sợi dây từ đỉnh cầu xuống quấn vào cổ anh ta. Khi mọi sự đã sẵn sàng, viên chỉ huy sẽ ra hiệu lệnh thì người lính sẽ nhảy ra khỏi tấm ván, lập tức người tử tội bị hất xuống phía dưới với sợi dây siết vào cổ anh.

Ngay bấy giờ một điều kỳ lạ đã xảy ra. Sợi dây bị đứt và người tử tội rơi tỏm xuống lòng sông. Anh ta chìm sâu dưới nước. Lúc bấy giờ anh ta ý thức được mình vẫn còn sống và anh cố gắng tháo gỡ dây trói nơi tay và chân ra. Thật kỳ diệu thay, anh đã tự cởi trói cho chính mình được. Thế rồi khi nhận ra mình có cơ may sống sót, anh ta bắt đầu lặn sâu xuống. Sau đó, anh bơi ngang qua một cành cây đang bềnh bồng trên mặt nước. Anh xúc động vì vẻ đẹp của những tàu lá cây. Anh sững sờ vì những đường gân phức tạp nơi tàu lá. Một lúc sau, anh nhìn thấy một chú nhện đang giăng lưới. Anh lại xúc động trước vẻ đẹp của nàng nhện và những giọt nước bám vào đó lấp lánh không khác gì những hạt kim cương. Anh cảm thấy mình sũng nước, anh liền ngước lên nhìn vào bầu trời xanh biếc, đối với anh, chưa bao giờ thế giới lại xinh đẹp thế!

Bỗng nhiên đám lính đứng trên đầu cầu bắt đầu nhả đạn xuống. Anh liền cố gắng lướt tới dưới làn mưa đạn, bơi nhanh nhẹn như một chú rắn nước băng qua nhiều ghềnh thác. Cuối cùng, anh cũng bơi được vào bờ và hoàn toàn kiệt sức. Anh ngã xuống cát, lăn qua lăn lại. Khi ngước nhìn lên anh trông thấy một bông hoa. Anh liền bò tới đưa mũi ngửi và thầm nhủ: Ôi! Mọi sự sao mà đẹp thế! Được sống sót quả là một điều vĩ đại biết bao! Nhưng ngay sau đó có tiếng đạn rít qua các tàng cây; anh vội đứng lên và bắt đầu co giò chạy tiếp. Anh chạy hoài chạy mãi tới khi đến được một căn nhà có hàng rào trắng bao quanh. Những cánh cổng bỗng mở ra một cách kỳ diệu. Anh không thể nào tin vào mắt mình: thế là anh đã về được đến nhà bình an. Anh gọi tên vợ anh và nàng vội chạy thật nhanh ra cổng giang tay chào đón anh.

Ngay khi họ vừa ôm nhau, máy quay phim mang chúng ta trở lại chiếc cầu Owl Creek. Bây giờ, chúng ta lại không thể tin được vào mắt mình khi nhìn thấy xác của chính anh ta bị treo thòng xuống đang đong đưa qua lại với sợi dây siết quanh cổ. Thì ra anh đã chết rồi!

Quả thực ai cũng cảm thấy sững sờ: thế là mọi nỗ lực trốn chạy và cơ may được sống sót chỉ là sản phẩm thuần tuý của trí tưởng tượng thôi. Người đàn ông ấy không chạy thoát được. Anh ta chỉ tưởng tượng ra điều ấy trước giây phút cảm thấy cái chết cận kề. Anh mơ thấy mình có cơ may được sống lần thứ hai. Và bỗng dưng anh cảm nhận sự sống ấy bằng đôi mắt hoàn toàn mới lạ.

Lần đầu tiên, người tử tội cảm thấy thế giới này quả là một nơi tuyệt hảo. Lần đầu tiên anh ta thấy cuộc sống quả là món quà quí báu mà anh và những người thân yêu của anh cũng được hưởng. Phải chi anh đã thực sự trốn thoát được và có một dịp may được sống sót lần thứ hai. Lúc đó chắc hẳn anh sẽ sống cuộc sống mới này một cách khác thường biết bao!

Điều này gợi lên cho ta một câu hỏi. Tác giả bộ phim đã nghĩ gì trong trí ông dựng một câu chuyện này. Ông muốn nói gì với khán giả? Nói cách khác tại sao tác giả đã cố ý phỉnh gạt chúng ta? Tại sao ông lại dựng nên một sự thất vọng khủng khiếp đến thế? Tại sao ông lại làm cho chúng ta tưởng rằng người tử tội ấy có được cơ may sống sót?

Theo tôi, điều nằm trong tâm trí tác giả bộ phim cũng chính là điều nằm trong tâm trí Chúa Giêsu qua bài Phúc Âm hôm nay. Tác giả cuốn phim nói với chúng ta: "Người tử tội trong câu chuyện của tôi là chính các bạn. Anh ta đã không có may mắn được sống sót, nhưng nhờ chia xẻ kinh nghiệm của anh ta mà các bạn chắn chắn sẽ có được cái cơ may đó". Tác giả nói tiếp: "Rồi một ngày nào đó các bạn cũng sẽ phải chết giống như người tử tội trên. Không ai biết được bao giờ mình sẽ chết, nhưng chắc chắn giờ đó sẽ đến cũng như nó đã đến với người tử tội trên".

Cách đây vài năm, bà bác sĩ Kubler-Ross thuộc trường Đại học Chicago có viết cuốn sách nhan đề: Chết và Hấp Hối (Death and Dying). Cuốn sách được viết ra là vì bà thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân sắp chết. Bàn về những cảm nghĩ của những bệnh nhân ấy về cuộc sống lúc họ nhìn ngược lại quá khứ khi đối diện với cái chết, bà viết: "Khi phân tích mọi sự cách tận cùng, họ thấy rằng chỉ có hai điều này là quan trọng thôi: Tình yêu đối với tha nhân, và tinh thần phục vụ tha nhân. Tất cả những gì khác mà ta đã từng cho là quan trọng, chẳng hạn như danh tiếng, tiền bạc, uy tín, quyền lực, thì đều là vô nghĩa". Nhận xét này hoàn toàn phù hợp với điều Chúa Giêsu dạy bảo lúc Ngài còn ở dương trần. Ngài nói: "Con Người không đến để được phục vụ, mà Người đến để phục vụ" (Mc 10: 45) và Ngài cũng nói: "Các con hãy yêu thương nhau như ta yêu thương các con" (Ga 15: 12)

Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ đến lúc chúng ta sẽ phải gặp Chúa Giêsu vào cuối đời chúng ta hoặc vào lúc tận cùng thế giới - bất kể lúc nào xảy ra trước. Bài Phúc Âm này mời gọi chúng ta tự vấn chính mình xem liệu vào lúc ấy, tinh thần phục vụ và tình tình yêu của chúng ta có được kể là thoả đáng không?

Không giống như người tử tội trong câu chuyện, chúng ta có được dịp may còn sống để chuẩn bị cho giờ phút ấy, bắt đầu ngay từ bây giờ. Chúng ta sẽ làm gì với dịp may này của chúng ta? Chúng ta có chân thành nỗ lực yêu thương như Chúa Giêsu đã làm không? chúng ta có chân thành nỗ lực phục vụ tha nhân như Chúa Giêsu đã làm không?

Chỉ chúng ta mới có thể tự trả lời cho câu hỏi ấy, câu trả lời rất quan trọng, có thể là quan trọng nhất trong tất cả những câu trả lời của con người.

Trước khi kết thúc, tôi xin đọc một đoạn văn trích trong tác phẩm God's Trombones (Tiếng Kèn Của Chúa) của tác giả Weldon Johnson, trong đó ông mô tả cái chết của một phụ nữ thánh thiện.

"Chị đã thấy những gì mà chúng ta không thấy được. Chị đã thấy Thần Chết. Chị đã thấy ông ta đến như một ngôi sao băng. Nhưng cái chết đâu có làm cho chị nữ tu Caroline sợ hãi. Chị đã nhìn Thần Chết như một người bạn thân, như một vị khách qúi. Chị đã thì thầm nói với chúng tôi: 'Tôi đang trở về nhà tôi'. Rồi chị mỉm cười nhắm mắt lại".

Thánh Ca : Lịch Sử Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Audio truyện và xem phim: Tình sử Võ Tắc Thiên



Võ Tắc Thiên (17 tháng 2, 625 – 16 tháng 12 năm 705) , tên thật là Võ Chiếu . Bà là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, và để lại nhiều tranh luận về công tội giữa các nhà sử học. Bà đã trải qua các vị trí tài nhân, chiêu nghi, hoàng phi, hoàng hậu, hoàng thái hậu, hoàng đế, thái thượng hoàng, nhưng cuối cùng trước khi qua đời đã quay lại với vị trí hoàng hậu của nhà Đường. Việc bà nổi lên nắm quyền cai trị bị các nhà sử học Khổng giáo chỉ trích mạnh mẽ nhưng các nhà sử học từ sau thập kỷ 1950 đã có cái nhìn khác về bà. Bà là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc đã lập ra triều đại của riêng mình, nhà Võ Chu , và cai trị dưới danh hiệu Thánh Thần Hoàng Đế từ 690 đến 705.

Gia đình bà có nguồn gốc ở huyện Văn Thuỷ , thuộc quận Tinh Châu ( hiện nay là thành phố Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây). Cha bà là Võ Sĩ Hoạch (577-635), một thành viên thuộc một gia đình quý tộc danh tiếng ở Sơn Tây. Mẹ bà là Dương Thị (579-670), một phụ nữ thuộc gia đình quý tộc hoàng gia nhà Tuỳ. Võ Tắc Thiên không phải sinh ở Văn Thuỷ, bởi cha bà đảm nhận nhiều chức trách ở nhiều nơi trong suốt cuộc đời. Bà được cho là sinh ở Lợi Châu hiện là thành phố Quảng Nguyên, phía bắc tỉnh Tứ Xuyên, cách Văn Thủy khoảng 800 km về phía tây nam, nhưng một số nơi khác cũng được cho là nơi sinh của bà gồm cả thủ đô Trường An. Bà được đưa vào hậu cung Đường Thái Tông nhà Đường vào khoảng năm 637 và là một Tài Nhân, tức là một trong chín người thiếp cấp thứ năm. Thấy tên Võ Chiếu không đẹp, Đường Thái Tông đặt tên cho bà là Mị, có nghĩa là "duyên dáng, xinh đẹp", và vì vậy còn được người Trung Quốc gọi là Võ Mị Nương. Có thể thời gian này bà đã gặp thái tử Lý Trị và đã có quan hệ thân thiết với vị vua tương lai này.

Năm 649, Đường Thái Tông băng hà, theo luật lệ, Võ Mị Nương phải rời cung để vào chùa Cảm Nghiệp xuống tóc. Thái tử Lý Trị lên ngôi, tức là Đường Cao Tông. Năm 651, Đường Cao Tông đưa bà trở lại hoàng cung sau khi đi cúng tế cho cha tại chùa Cảm Nghiệp. Hoàng hậu họ Vương của Cao Tông đã chủ động hỗ trợ đưa bà về để vì khi đó Cao Tông đang sủng ái Thục phi họ Tiêu, và muốn dùng Võ Tắc Thiên trong việc tranh giành quyền lực. Có thuyết lại cho rằng bà chưa từng rời hoàng cung. Tiêu phi bị thất sủng, tháng 5 năm 651, bà được phong Chiêu Nghi, việc này bị các nhà nho chỉ trích nặng nề vì đã từng là vợ của vua trước. Năm 654, Võ Tắc Thiên sinh một con gái, nhưng đứa trẻ bị chết sau khi sinh vài ngày. Trước khi đứa trẻ chết, Vương hoàng hậu có đến thăm, do đó Cao Tông nghi ngờ hoàng hậu đã hạ thủ. Truyền thuyết cho rằng chính Võ Tắc Thiên đã giết con để vu tội cho hoàng hậu. Võ Chiêu nghi được phong làm Thần phi.

Năm 655, Vương hoàng hậu và mẹ mời đồng cốt yếm bùa mong gia hại Võ Tắc Thiên, nhưng việc bại lộ. Đường Cao Tông phế bỏ Vương hoàng hậu, dù rất nhiều các đại thần can ngăn, nhất là quốc cữu Trưởng Tôn Vô Kỵ. Tháng 10 năm 655, Đường Cao Tông phong Võ Thần phi làm hoàng hậu trước sự phản đối của nhiều đại thần. Vương hoàng hậu và Tiêu thục phi bị kết trọng tội, và bị Võ hậu giết hại một cách dã man. Năm 659, Võ hậu vu tội cho Trưởng Tôn Vô Kỵ, cách chức đuổi khỏi triều đình, gạt được chướng ngại vật lớn nhất của mình.

Năm 660,Đường Cao Tông bị trúng gió đột quỵ, Võ hậu liền tham gia chính sự từ phía sau rèm cùng vua, nên gọi là Nhị thánh lâm triều. Cao Tông nhất nhất đều nghe theo lời Võ hậu, tuy nhiên nhận thấy sự nguy hiểm của bà, nên đã ngầm ra lệnh cho Thượng Quan Nghi tìm cách phế truất. Việc bại lộ, Thượng Quan Nghi bị Võ hậu xử tội chết, Cao Tông cũng mất hết quyền lực, hoàn toàn phụ thuộc vào Võ hậu. (Tuy nhiên Võ hậu về sau lại rất trọng dụng Thượng Quan Uyển Nhi, là cháu nội của Thượng Quan Nghi).Thái tử Lý Trung (con của Cao Tông và một người thiếp thấp kém, Vương hoàng hậu nhận làm con) bị giáng và bị giết. Con cả của Võ hậu là Lý Hoằng được phong thái tử. Năm 667, Cao Tông quá yếu, giao cho thái tử Lý Hoằng giám quốc, thực ra vẫn do Võ hậu làm chủ. Năm 674, triều đình tôn Cao Tông là Thiên hoàng, Võ hậu là Thiên hậu.Võ Tắc Thiên thích dùng tôn xưng Thiên hậu cho đến tận khi làm hoàng đế.Võ hậu phế Thái tử Lý Hoằng, đưa con thứ hai là Lý Hiền lên làm thái tử, rồi lại giáng Lý Hiền, đưa con thứ ba là Lý Hiển lên thay.

Trong giai đoạn này, Võ hậu đã có nhiều chính sách chính trị đổi mới, được đánh giá cao. Năm 683, Đường Cao Tông băng hà, thái tử Lý Hiển lên ngôi, tức là Đường Trung Tông, Võ Tắc Thiên làm Hoàng thái hậu, nắm toàn bộ chính sự. Một tháng sau, với lý do Đường Trung Tông để vợ là Vi hoàng hậu lộng quyền, Võ hậu phế vua xuống làm Lư Lăng Vương, lập con trai thứ tư (Lý Đán) lên làm vua, tức Đường Duệ Tông. Trong các năm tiếp theo, Võ hậu lần lượt ra tay với các vương gia là con của Đường Thái Tông như Việt vương Lý Trinh, Lang Nha vương Lý Trọng. Đồng thời Võ hậu cho xây dựng nhiều cung điện, lớn nhất là tòa Minh Đường cao gần ba trăm trượng, sau đổi là Vạn Tượng Thần cung. Minh Đường hoàn thành, có kẻ dâng viên đá trên có chữ "Thánh mẫu lâm nhân, Vĩnh xương đế nghiệp" nên Võ hậu đổi tôn hiệu của mình là Thánh mẫu thần hoàng. Năm 690, sư Pháp Minh dâng bốn quyển Đại Vân kinh ca ngợi Võ hậu là Phật Di Lặc xuống trần, là chủ của thiên hạ. Võ hậu sai in rồi phát ra khắp nơi, đề cao Phật giáo trên Đạo giáo.

Tháng 9 năm 690, Võ hậu lên ngôi Hoàng đế, đổi quốc hiệu là Chu với ý kế tục sự nghiệp nhà Chu xưa kia, quốc tính là họ Võ, tôn Chu Văn Vương làm Thủy tổ Văn hoàng đế. Giáng Đường Duệ Tông xuống làm Hoàng tự, rồi sau đó phế bỏ, lại phong cháu là Võ Thừa Tự làm Ngụy vương, Võ Tam Tư làm Lương vương. Trước đó, Võ hậu đổi cách viết chữ Chiếu trong tên của mình với hình Mặt trời, Mặt trăng trên không, để tỏ quyền tối thượng. Cùng với đó là 11 chữ khác gọi là Võ hậu tân tự Lý thuyết chính trị Trung Quốc truyền thống không cho phép một phụ nữ được lên ngôi, Vũ hậu quyết định dẹp yên chống đối và đưa các quan lại trung thành vào triều.Thời cai trị của bà để dấu ấn về sự xảo quyệt tài tình và chuyên quyền hung bạo.Dưới thời cai trị, bà lập ra Cảnh sát mật để đối phó với bất kỳ chống đối nào có thể nổi lên, với cái tên khét tiếng Lai Tuấn Thần, Chu Hưng, nhưng đồng thời cũng có những hiền tài như Địch Nhân Kiệt. Khi về già, Võ hậu sủng ái hai anh em Trương Dịch Chi và Trương Xương Tông là hai kẻ bất tài nhưng đẹp trai, khiến triều đình rất bất bình.

Tháng 10 năm 695, sau nhiều lần thêm chữ, tên của bà được đổi thành Thiên Sách Kim Luân Thánh Thần Hoàng Đế, làm lễ phong thiền ở Tung sơn. Võ hậu phân vân khi chọn người truyền ngôi, giữa con ruột họ Lý và cháu ruột họ Võ. Cuối cùng với sự khuyên giải của Địch Nhân Kiệt, bà quyết định lập Lý Hiển làm thái tử. Tuy nhiên bà bắt các con thề độc rằng không được làm hại họ Võ . Đến năm 705, Võ hậu ngoài 80 tuổi đã rất ốm yếu. Tháng 2, tể tướng Trương Giản Chi lãnh đạo cuộc đảo chính giết hai anh em họ Trương, xông vào cung buộc Võ hậu truyền ngôi cho thái tử Lý Hiển. Đường Trung Tông Lý Hiển lại lên làm vua lần nữa, Võ hậu trở thành Thái thượng hoàng, rồi qua đời vào tháng 11 năm 705.

Khi lâm chung bà yêu cầu dùng thụy hiệu là Hoàng hậu chứ không phải Hoàng đế, do đó không có miếu hiệu.Bà được chôn tại Càn Lăng, cùng chỗ với Đường Cao Tông. Bia mộ của bà là một tấm bia để trống hoàn toàn (Vô tự bi), với ý là để đời sau phán xét. Mặc dù chỉ tồn tại một thời gian ngắn, theo một số nhà sử học, nhà Võ Chu đã có được một hệ thống bình đẳng xã hội về giới tốt hơn so với nhà Đường giai đoạn tiếp sau nó. Nhìn vào các sự kiện trong cuộc đời bà theo ám chỉ trong văn chương có thể mang lại nhiều ý nghĩa: một phụ nữ đã vượt qua những giới hạn của mình một cách không thích hợp, thái độ đạo đức giả khi thuyết giáo về lòng trắc ẩn trong khi cùng lúc ấy lại tiến hành mô hình tham nhũng và hành xử một cách xấu xa, và cai trị bằng cách điều khiển từ phía hậu trường.

Một tác giả nổi tiếng người Pháp là Shan Sa (tức Sơn Táp), sinh tại Bắc Kinh, đã viết một cuốn tiểu thuyết mang tính tiểu sử tên là Impératrice (tên tiếng Việt là Nữ hoàng, do nữ dịch giả Lê Hồng Sâm dịch, sách được xuất bản tại Việt Nam vào tháng 2 năm 2007) dựa trên cuộc đời của Võ hậu.



Mời xem truyện  “Tình sử Võ Tắc Thiên” - Lâm Ngữ Đường tại đây :
  • Hồi 00 - Mở đầu

  • Hồi 01 - Biết kể thế nào

  • Hồi 02 - Vua Thái Tôn và Mị Nương

  • Hồi 03 - Mị Nương trở lại Hoàng cung

  • Hồi 04 - Củng cố địa vị

  • Hồi 05 - Mị Nương làm Chánh Cung Hoàng Hậu

  • Hồi 06 - Võ Tắc Thiên

  • Hồi 07 - Thanh trừng những kẻ chống đối

  • Hồi 08 - Những điều sợ hải

  • Hồi 09 - Những người kín miệng nhất

  • Hồi 10 - Thành tích của bà nội

  • Hồi 11 - Nhà tiên đoán thời tiết

  • Hồi 12 - Thật tuyệt diệu khi chồng chết

  • Hồi 13 - Những cuộc khởi nghĩa

  • Hồi 14 - Hệ thống mật thám vĩ đại

  • Hồi 15 - Đại Vân Kinh

  • Hồi 16 - Tôn thất nhà Đường bị tiêu diệt

  • Hồi 17 - Thánh Mẫu xuống trần

  • Hồi 18 - Triều đại mới : Nhà Chu thứ hai

  • Hồi 19 - Định luật bất di dịch

  • Hồi 20 - Khổng giáo hay hơn hết

  • Hồi 21 - Bộ óc lớn nhất thời đại

  • Hồi 22 - Viện Chim Hạc

  • Hồi 23 - Cuộc xung đột bắt đầu

  • Hồi 24 - Sướng một ngày là hơn thiên hạ rồi

  • Hồi 25 - Phải chăng đây là ác giả ác báo !


Mời các bạn nghe audio truyện "Tình Sử Võ Tắc Thiên" , tải về tại đây (theo mediafire), nghe theo YouTube tại đây



Mời các bạn xem bộ phim "Tình Sử Võ Tắc Thiên", xem theo Playlist YouTube tại đây



Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Phúc Âm Lễ Chúa Nhật thứ XXXII Mùa Thường Niên (năm B) ngày 11/11/2012



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ XXXII Mùa Thường Niên (năm B)

Nguồn:www.40giayloichua.net

Mời nghe Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật 32 MTN (B) do Đức Cha Phê Rô Nguyễn Văn Khảm thuyết giảng năm 1994

TẤM GƯƠNG BÀ GÓA
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

* 1. Hình thức và tâm tình

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy 2 mẫu người:

. Mẫu thứ nhất là các luật sĩ: bề ngoài họ rất đạo đức: họ giữ luật chín chắn, họ đọc kinh nhiều và đọc thật dài. Vì thế họ được người ta kính trọng: ra ngoài đường ai gặp họ cũng kính chào, khi họ dự một buổi hội họp thì ai cũng nhường cho họ những chỗ danh dự nhất. Nhưng thực ra bên trong họ chẳng đạo đức chút nào: họ chỉ làm ra bộ đạo đức như thế để được người ta kính trọng và dâng cúng tiền bạc.

. Mẫu người thứ hai là người đàn bà goá: bề ngoài bà rất nghèo nàn, hèn hạ. Không ai tôn trọng bà, thậm chí chẳng thèm để ý tới bà. Nhưng tâm hồn bà rất cao quý: mặc dù nghèo nàn, bà cũng không tiếc lấy ra phần tiền tuy nhỏ nhưng rất cần thiết để dâng cúng vào đền thờ.

Như thế, bài Tin Mừng này đặt ra vấn đề Hình thức và Tâm Tình. Đó là 2 mặt của 1 thái độ. Nhưng mặt nào trọng hơn? Theo cách đánh giá của CG thì mặt Tâm tình trọng hơn mặt Hình Thức: Chúa đã gọi các môn đệ đến chỉ cho họ thấy thái độ của bà goá, và nhận xét: "Thầy nói thật với các con: trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa. Còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống".

Cách đánh giá của CG thật là đúng: bởi vì nếu có hình thức mà không có tâm tình thì cũng giống như có một cái đèn mà không có dầu không có điện, giống như có một chiếc xe gắn máy mà không có xăng, giống như có một cái xác mà không có hồn... tất cả sẽ vô ích, vô dụng.

. Một người giáo dân đeo ảnh Thánh Giá thật đẹp, ngày nào cũng dự lễ rước lễ... nhưng trong lòng không mến Chúa không yêu người... thì cũng đáng xếp vào loại giả hình như bọn luật sĩ trong Tin Mừng mà thôi.

. Một công nhân viên giỏi nhất phát biểu hùng biện, giỏi viết những bản báo cáo thành tích nghe rất kêu... nhưng làm việc thì lờ đờ, biếng nhác... thì chẳng ích lợi gì cho việc phát triển xã hội.

Cho nên cái tâm tình, cái thực chất, cái bên trong thì quan trọng và quý giá hơn cái Hình Thức, cái dáng vẻ bề ngoài,. Trong việc sống đạo cũng vậy: đọc kinh, dự lễ... không quý giá, không quan trọng bằng tâm tình mến Chúa yêu người.

Nhưng từ nhận định rất đúng đắn, rất căn bản trên, có nhiều người đi đến chủ trương bất cần hình thức. Họ bảo rằng: "Đạo Tại Tâm": sống đạo cốt là ở tâm hồn, chẳng cần đọc kinh, dự lễ, xưng tôi gì hết.

. Một ông nọ, nhà ở sát bên nhà thờ nhưng không bao giờ đến nhà thờ. Ông bảo "Tôi thờ Chúa trong lòng".

. Một cặp vợ chồng kia tuy đều có đạo nhưng cưới nhau chẳng có phép hôn phối chi hết. Họ bảo "Chẳng cần đến hình thức bên ngoài".

Có lẽ đôi khi chúng ta cũng có những ý nghĩ tương tự. Bây giờ xin đặt ra một số trường hợp để chúng ta cùng suy nghĩ xem sao:

. Trường hợp thứ nhất là chuyện làm đẹp, chưng diện: quần áo cốt yếu chỉ là để che thân, mặt mày tóc tai cốt yếu chỉ là đủ sạch sẽ thôi. Nhưng chúng ta đâu chỉ muốn cái cốt yếu đó, mà còn muốn sao cho đẹp, cho đúng thời trang nữa. Vì thế chúng ta chọn lựa màu áo, kiểu quần, kiểu tóc.... đó là chưa kể đến son phấn, sơn móng tay móng chân nữa... Như thế có phải là chúng ta bất cần hình thức bên ngoài không?

. Trường hợp thứ hai là chuyện tình yêu: Nếu thực sự yêu nhau chỉ cốt yêu trong lòng là đủ thì cần gì người ta phải hẹn nhau đi chơi, cần gì phải viết thư cho nhau, cần gì phải tặng quà cho nhau, cần gì phải âu yếm nhau?

Hai trường hợp như thế đủ cho chúng ta thấy rằng tuy hình thức không quan trọng bằng tâm tình, nhưng nó cũng rất cần. Chính Hình Thức biểu lộ Tâm Tình và nuôi dưỡng tâm tình. Những lời nói, những nụ cười biểu lộ cho người ta biết rằng mình yêu thương người ta, và cũng những lời nói nụ cười đó làm cho tình yêu giữa 2 người ngày càng lớn lên, thắm thiết hơn. Không có hình thức thì tâm tình sẽ dần dần héo khô, chết dần mòn đi.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, CG mặc dù coi trọng tâm tình hơn hình thức nhưng cũng không chủ trương bất cần Hình Thức. Vì thế, bà goá trong Tin Mừng này không phải chỉ có lòng đạo đức bên trong, bà còn biểu lộ lòng đạo đức ấy qua cử chỉ dâng cúng đồng tiền nhỏ mọn của bà trong hòm tiền.

Ngày nay không ít người chủ trương "Đạo Tại Tâm" và coi thường những hình thức đạo đức như đọc kinh cầu nguyện dự lễ, dự các Bí tích... Những suy nghĩ của chúng ta nãy giờ dựa vào bài Tin Mừng cho thấy đó chỉ là một thứ ngụy biện: ngụy biện của những kẻ ghét đạo và muốn phá đạo; ngụy biện của những người có đạo nhưng lười biếng thi hành những bổn phận đạo đức. Chúng ta đừng để thứ ngụy biện ấy ám ảnh tâm trí chúng ta và làm hại cho lòng đạo đức của chúng ta.

* 2. Hai bà goá - Thương là cho

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cao 2 bà goá: Một bà trong bài Tin Mừng một bà trong bài Sách Thánh, một bà Đức Giêsu gặp trong sân Đền Thờ Giêrusalem một bà tiên tri Êlia gặp ở xứ Serepta, một bà đã dâng vào thùng tiền Đền thờ một đồng xu và một bà đã cho tiên tri Êlia một chiếc bánh nhỏ.

Do đâu mà 2 bà goá này được đề cao? Có phải vì cái mà 2 bà đã cho không? Hiển nhiên là không, một đồng xu thì có đáng là bao, cũng như một chiếc bánh nhỏ thì có thấm tháp gì! Nhưng đề cao là vì cái của cho ấy tuy nhỏ mọn mà gói ghép cả tấm lòng người cho: đồng xu của Bà goá bỏ vào thùng tiền Đền thờ là cả một tấm lòng của một bà già nghèo, là cả tài sản của bà; còn chiếc bánh nhỏ mà bà goá xứ Sarepte cho tiên tri Êlia, là cả một cuộc sống - đúng hơn là cả hai cuộc sống - của 2 mẹ con trong lúc chết đói đến nơi.

Đúng vậy, của cho không bằng tấm lòng người cho, bởi vậy tục ngữ ta có câu "của ít lòng nhiều". Và nếu chúng ta xem kỹ lại bài Sách Thánh thì chúng ta còn thấy tấm lòng của bà goá xứ Sarepta là một tấm lòng dằn co ray rứt vì tiếc rẻ: khi ấy cả xứ đang bị hạn hán, đồ ăn trở thành khan hiếm. Trong hoàn cảnh đó người giàu còn khổ nữa huống chi là người nghèo như bà goá này. Bà chỉ còn có một nhúm bột và chút dầu. Bà đi kiếm một mớ củi định về nhà làm một chiếc bánh nhỏ cho 2 mẹ con bà ăn lần chót rồi sao đó là nằm chờ thần chết dần dần tiến tới. Khi đó tiên tri Êlia đến và xin bà chiếc bánh ấy. Bà thành thật nói: "Đây là chiếc bán cuối cùng". Nhưng sau đó vì biết Êlia là tiên tri của Chúa nên dù rất tiếc Bà cũng đem chiếc bánh cuối cùng ấy ra cho. Thật là một tấm lòng ray rứt dằn co vì tiếc rẻ. Sự tiếc rẻ ấy có làm giảm giá trị của tấm lòng không? Nếu tiếc mà không cho thì chẳng còn giá trị gì. Nhưng đàng này dù tiếc mà vẫn cho, cho nên sự tiếc rẻ ấy chẳng những không làm giảm giá trị mà còn tăng thêm giá trị của một tấm lòng quảng đại. Cho của mình dư thừa thì chẳng quý gì; cho cái mình đang cần mới là quý; và cho cái mình vừa cần vừa tiếc thì là quý nhất.

Chúng ta có thể coi những bài đọc trong Chúa nhật hôm nay là nối tiếp bài Tin Mừng Chúa nhật vừa qua. Tin Mừng Chúa nhật vừa qua dạy rằng Đạo Chúa là đạo yêu thương: thương Chúa trên hết mọi sự và thương người như chính mình. Còn Lời Chúa hôm nay giải thích rõ thêm Thương thì phải làm sao?

. Thương thì phải cho. Thương ít thì cho ít, thương nhiều thì cho nhiều. Nhưng nhất thiết thương là phải cho, nếu không cho là dấu không thương. 2 bà goá này đã thương nên đã cho, đã cho vì đã thương.

. Nhưng của cho không bằng tấm lòng người cho. Của nhiều mà lòng ít thì không quý cho bằng của ít mà lòng nhiều. Chính vì thế mà tuy bà goá ở Giêrusalem dù chỉ cho có một xu nhưng được Đức Giêsu coi là cho nhiều hơn tất cả những người khác đã bỏ tiền vào thùng hôm đó. Vì những người kia đã cho cái mà họ dư thừa, còn bà goá này cho tất cả tài sản của bà.

. Và của cho quý nhất là cho chính cái mình đang tha thiết, tiếc rẻ. Như bà goá xứ Sarepta rất tiếc chiếc bánh, vì đó là chiếc bánh cuối cùng của 2 mẹ con bà, nhưng dù vậy bà cũng đem cho.

Đó là nội dung giáo huấn của những bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay. Có cần phải nhắc lại không? Giáo huấn gồm 3 điểm chính:

•Thương thì phải cho.
•Nhưng của cho không bằng tấm lòng người cho.
•Và cho chính cái mình quý nhất mới là cái cho lớn nhất, giá trị nhất.

Chúng ta nói rằng mình thương Chúa. Nhưng có thương thật hay không? Hãy xét mình xem ta có cho Chúa gì không? Mỗi ngày vài phút buổi tối trước khi đi ngủ mà có khi ta cũng không cho. Mỗi tuần chừng một tiếng đồng hồ ngày Chúa Nhật mà có k hi ta cũng không cho hay có cho thì cũng cắt đầu cắt giữa cắt đuôi, nghĩa là đi lễ trễ, chia trí lo ra, về sớm. Thỉnh thoảng Chúa xin ta một chút hay sinh, một chút cố gắng, chúng ta có cho Chúa hay không? Hay là chúng ta cho Chúa thì ít nhưng xin Chúa thì nhiều, cầu nguyện thì chỉ toàn là xin, xin cho con... xin cho con... Có người xin ơn mà không được Chúa ban thì giận, họ kể lể nào là đã đọc kinh cầu nguyện, nào là đã hy sinh hãm mình thế này thế nọ, vậy mà Chúa không nhậm lời họ cầu xin. Như thế là dựa vào một ít việc lành mình đã cho Chúa để làm áp lực với Chúa, bắt Chúa phải ban ơn trả lại cho mình. Như vậy cũng chưa phải là thương Chúa thật.

Chúng ta nghĩ rằng mình thương người. Nhưng có thương thật hay không? Thì cũng hãy xét mình xem ta có cho người cái gì không? Đừng vội tự biện minh rằng tại vì tôi không có nhiều tiền. Một khi đã thương ai thật thì người ta không thiếu gì cái để cho và cũng không thiếu gì cách để cho. Đâu nhất thiết là phải cho tiền mới là thương. Thí dụ như cho cảm nghĩ tốt (thương ai ta sẽ không nghĩ xấu về người đó), thí dụ như cho sự quan tâm (thương ai ta không thể nào lơ là dửng dưng với người đó được), thí dụ như cho sự chăm sóc, giúp đỡ, cho những lời an ủi khuyến khích chân thành, cho lời cầu nguyện v.v.

Người không thương thì chỉ biết nhận mà không biết cho. Còn người thương thật thì vừa nhận mà cũng vừa cho, và coi cho là quý hơn nhận. Chúa dạy chúng ta yêu thương: thương Chúa và thương người, thương bằng cách cho.

* 3. Giá trị của của cho

Giá trị của của cho không phải ở nơi số lượng được cho mà là sự mất mát mà người cho phải chịu.

Chúng ta phải cho cái mà chúng ta quý chuộng. Vì thế không phải chỉ cho cái mà chúng ta có thể sống mà không có nó, mà là cho cái mà chúng ta không thể sống nếu thiếu nó. Cách cho như thế này đòi phải hy sinh, nhưng đó mới thật là cho với cả tấm lòng.

Mẹ Têrexa kể rằng một hôm Mẹ đang đi trên đường phố thì gặp một người ăn xin. Người này nói: "Thưa Mẹ Têrêxa, ai nấy cũng cho Mẹ hết. Hôm nay tôi cũng xin được cho mẹ. Trọn ngày hôm nay tôi chỉ xin được 30 xu. Tôi muốn cho mẹ hết". Mẹ Têrêxa suy nghĩ một lúc: "Nếu tôi lấy 30 xu này thì người ăn xin này sẽ không có gì để ăn đêm nay, nhưng nếu tôi không lấy thì ông sẽ đau lòng. Vì thế tôi đưa tay ra nhận số tiền. Quả thực tôi chưa từng thấy một khuôn mặt nào rạng rỡ niềm vui như gương mặt người ăn xin này khi ông nghĩ rằng anh cũng có cái gì đó cho Mẹ Têrêxa".

Và Mẹ Têrêxa kể tiếp: "Thật là một hy sinh lớn đối với người nghèo này. Ông đã phải ngồi ngoài nắng suốt ngày mới kiếm được 30 xu. 30 xu chẳng là bao và cũng chẳng làm được gì cho đáng. Nhưng khi ông đưa cho tôi và tôi nhận lấy thì nó trở thành hàng ngàn bởi vì nó được cho với biết bao tình. Thiên Chúa không nhìn đến tầm vóc lớn lao của việc ta làm, Ngài nhìn tấm lòng của ta khi làm việc đó."

* 4. Quà tặng dốc cạn túi

Báo New York Times vừa đưa tin bà Oseola Mc Carty: Biểu tượng "Lòng Từ Thiện" của nước Mỹ, vừa qua đời ngày 3-10-1999 ở tuổi 91.

Vào một ngày của tháng 7-95, ông hiệu trưởng đại học phía Bắc Missisippi đã vô cùng ngạc nhiên, khi biết có một phụ nữ xa lạ tên Osenola Mc Carty xin được tặng 150.000 đôla làm quỹ học bỗng cho các sinh viên nghèo của trường, mà không cần được ghi danh tưởng niệm hay tuyên bố công khai. Nhà trường còn sững sốt hơn khi biết người phụ nữ ấy làm nghề giặt ủi, và số tiền kia là tiền dành dụm cả một đời người.

Ngay khi biết câu chuyện bà Mc Carty tặng tất cả tiền bạc của mình có làm quỹ học bổng cho trường, ông tỷ phú Ted Turner, trùm ngành kinh doanh cáp truyền hình Mỹ, đã tuyên bố góp thêm một tỷ đôla cho quỹ. Ông nói: "Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã dám ban tặng tất cả những gì bà có, thì tôi thấy mình cũng phải đóng góp phần của tôi là một tỷ đôla".

*

Tin mừng hôm nay thuật lại chuyện bà góa nghèo đã bỏ vào thùng tiền đền thờ "tất cả những gì mình có để nuôi sống" (Mc.12,44). "Của ít lòng nhiều". Bà góa này tuy dâng cúng ít tiền nhưng lại hy sinh rất nhiều, và hy sinh quí giá nhất là hy sinh chính mạng sống mình, vì bà đã dâng "tất cả những gì mình có để nuôi sống". Quà tặng đẹp nhất là quà tặng dốc cạn túi. Quà tặng quý giá không phải chỉ ở giá trị món quà, mà còn ở tấm lòng của người tặng quà nữa.

Đức Giêsu đã khen nghĩa cử cao đẹp ấy: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết" (Mc.12,43) Cũng vậy, bà Mc Carty chỉ dâng tặng 150.00 đôla không thể so với tỷ phú Ted Turner bỏ ra 1 tỷ đôla, nhưng đó là tất cả kết quả chắt chiu từng đồng suốt một kiếp người. Nghĩa cử cao đẹp ấy đã mở đầu cho gần 300 nhà từ thiện khác tham gia đóng góp cho quỹ học bổng này.

Nếu bà góa nghèo được Chúa khen ngợi, thì bà Mc Carty cũng được chính Tổng Thống Bill Clinton bắt tay thăm hỏi, được vinh dự cầm ngọn đuốc Olympic chạy trên đường băng qua khu vực Mississippi, được trao tặng Huân chương người công dân danh dự Hoa Kỳ, và được cấp bằng tiến sĩ danh dự của đại học Harvard.

Văn hào John Powell viết: "Thiên Chúa sai mỗi người đến thế gian với một sứ điệp đặc biệt để loan báo, với một bài ca đặc biệt để hát lên, với một nghĩa cử yêu thương để ban tặng".

*

Hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta tránh xa thói đạo đức giả của người Biệt phái và Luật sĩ: Lạm dụng việc đạo đức để khoe khoang, mưu cầu hư danh, ham hố chức quyền, trục lợi vật chất. Người muốn chúng ta có ý hướng ngay lành khi làm bất cứ việc gì. Đức Giêsu dạy: "Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh" (Mt.6,3-4).

Người ta chỉ cho đi cái mình có. Nhưng chính vì cho mà người ta mới có, và người ta có chính vì những gì mà họ đã cho. Cha Mark Link viết: "Những điều duy nhất ta còn giữ lại được là những gì ta đã cho đi". Bàn tay tặng hoa hồng vẫn còn vương lại hương thơm.

Lạy Chúa, Chúa thấu suốt tận đáy lòng mỗi người chân thực hay giả dối. Chúa khen ngợi bà góa nghèo dâng hiến tất cả những gì mình có.
Xin dạy chúng con biết âm thầm dâng hiến cho tha nhân, đang cần sự trợ giúp quảng đại của chúng con. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

* 5. Cho mà không mất

Từ câu chuyện bà goá trong bài đọc I, chúng ta có thể rút ra được ý tưởng này: có những thứ có thể cho đi mà không bị mất, ngược lại còn được thêm. Người cho không bị nghèo đi, lại giàu thêm. Dĩ nhiên đó không phải là những thứ vật chất.

Một thầy giáo cho đi những kiến thức của mình, học trò được giàu thêm kiến thức nhưng kiến thức của ông thầy không hề vơi.

Một người mẹ cho con cái mình tình thương cũng vậy.

Một người vui tính mang niềm vui đến cho người khác cũng thế.

Kiến thức, tình thương, niềm vui, hoà thuận v.v. là những thứ có cho đi cũng không bị mất, trái lại cả người cho và người nhận đều được giàu hơn.

*

Đức Giêsu là Đấng thấu suốt mọi tâm hồn, Người không bị lừa gạt bởi những vẻ bề ngoài. Chúng ta hãy dâng lên Chúa những ý nguyện của chúng ta:

1. Hội thánh phải nêu gương về lòng mến Chúa yêu người chân thật / Xin cho mọi thành phần trong Hội thánh luôn tránh xa những thói quen giả hình và máy móc / đối với Chúa cũng như đối với mọi người.

2. Trên thế giới còn nhiều nơi không có công lý / hoặc chỉ có công lý giả hiệu bề ngoài / Xin cho các nhà cầm quyền biết tôn trọng sự thật và công lý / để dân chúng được sống an ninh và hòa bình.

3. Chung quanh chúng ta còn nhiều người giàu cũng như người nghèo, đang làm nô lệ tiền bạc, danh vọng và quyền thế / Xin cho họ được ơn khôn ngoan của Chúa để biết sống quảng đại và chia sẻ / theo gương bà góa trong Tin mừng hôm nay.

4. Bà góa trong Tin mừng hôm nay đã nêu gương quảng đại với Chúa / Xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta / dù túng thiếu cũng vẫn rộng rãi với Chúa và với mọi người.

Lạy Đức Giêsu, Chúa đánh giá mọi người theo sự thật trong lòng họ chứ không theo hình thức bề ngoài, xin giúp chúng con biết sống thành thật và quảng đại với Chúa cũng như với mọi người, để luôn xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen!

Thánh Ca : Ngồi Nghĩ Lại Cuộc Đời ;



BA LOẠI NGƯỜI CHO
Cha Mark Link
(Pt Giuse TV Nhật lược dịch)

Một đêm kia, trận bão tuyết đã làm cho đôi vợ chồng mới cưới bị kẹt ở một con đường quê hẻo lánh. Vì không thể đi thêm được nữa, họ xuống xe và đi bộ về hướng ngôi nhà có ánh đèn leo lét.

Khi đến nơi, đôi vợ chồng già, tay cầm chiếc đèn dầu ra mở cửa. Sau khi giải thích tình cảnh khó khăn, anh chồng hỏi: "Xin hai cụ giúp chúng cháu qua đêm nay được không? Chỉ cần một chỗ trên sàn nhà hoặc một vài cái ghế cũng đủ."

Ngay lúc ấy, một vài hạt gạo từ mái tóc bồng bềnh của người vợ trẻ rơi xuống đất. Hai vợ chồng già liếc mắt trông thấy và họ nhìn nhau có vẻ thông cảm cho đôi tân hôn đang trên đường đi tuần trăng mật ngay sau đám cưới.

Bà lão lên tiếng, "Không sao. Chúng tôi cũng vừa mới có một phòng trống. Hai cháu ra xe lấy đồ đem vào đây. Để vợ chồng chúng tôi sửa soạn đôi chút."

Sáng hôm sau, đôi tân hôn thức dậy sớm và chuẩn bị lên đường để khỏi làm phiền hai chủ nhà, họ lặng lẽ mặc quần áo và đặt tờ giấy mười đô la lên bàn rồi nhón chân đi xuống cầu thang.

Khi mở cửa phòng khách, họ thấy hai ông bà cụ ngủ trên bộ ghế sa lông. Thì ra hai ông bà đã nhường căn phòng ngủ duy nhất của họ cho đôi tân hôn.

Anh chồng trẻ ra dấu cho cô vợ rồi nhón gón đi trở lại lên lầu và để thêm năm đô la nữa lên trên bàn.

Câu chuyện này là một minh họa điển hình cho câu chuyện trong bài phúc âm hôm nay.

Cũng như bà goá trong phúc âm, đôi vợ chồng già đã không cho đi những gì dư thừa. Nhưng họ đã cho đi từ nhu cầu thiết thực của mình.

Hơn thế nữa, trong cả hai trường hợp, họ không chỉ độ lượng cho đi mà còn cho đi một cách vui vẻ, thật lòng.

Người ta thường nói có ba loại người cho đi: người cho cách miễn cưỡng, người cho vì bổn phận, và người cho vì muốn cảm tạ.

Người cho miễn cưỡng nói rằng, "Tôi không muốn cho"; người cho vì bổn phận nói rằng, "Tôi phải cho đi"; và người cho vì cảm tạ thì nói, "Tôi muốn cho đi."

Nói cách khác người cho miễn cưỡng thì cho đi một cách do dự và với ít nhiều oán giận.

Người cho đi vì bổn phận cũng do dự cho đi nhưng với một cảm nhận đúng đắn về bổn phận.

Người cho vì cảm tạ, ngược lại, họ cho một cách thoải mái và thật lòng.

Câu chuyện của bà goá trong phúc âm hôm nay và câu chuyện của hai vợ chồng già trong nông trại là những thí dụ tuyệt vời của sự tạ ơn.

Không ai cho đi với sự ép buộc. Không ai cho đi vì bổn phận. Cả hai đã cho đi từ tấm lòng.

Hai câu chuyện này mời chúng ta tự hỏi về cách chúng ta cho. Chúng ta cho đi cách miễn cưỡng? Chúng ta cho vì bổn phận? Hoặc chúng ta cho chỉ vì đó là điều chúng ta muốn?

Và ở đây, chúng ta không chỉ nói về cho tiền. Chúng ta còn nói về việc cho đi chính mình và thời giờ của mình.

Thí dụ, chúng ta cho đi chính mình và thời giờ như thế nào cho Thiên Chúa vào ngày Chúa Nhật và trong sự cầu nguyện hàng ngày?

Chúng ta cho đi chính mình và thời giờ như thế nào cho người thân trong gia đình, để hỗ trợ và yêu mến họ?

Chúng ta cho đi chính mình và thời giờ như thế nào cho người lân cận, để nói lên sự lưu tâm và phục vụ họ?

Chúng ta có cho miễn cưỡng không, vì chúng ta phải cho, vì nếu không cho chúng ta sẽ bị chỉ trích và bị hình phạt cách nào đó?

Chúng ta có cho vì bổn phận không? Đó là, lẽ ra chúng ta không cho nhưng cảm thấy bó buộc phải làm như vậy?

Hay chúng ta cho đi một cách hân hoan vì chúng ta muốn cho? Đó là, chúng ta cho đi với sự quảng đại và hết lòng như bà goá trong phúc âm và như đôi vợ chồng già trong câu chuyện trên?

Còn một điểm nữa về việc cho đi chính mình mà chúng ta cần suy nghĩ.

Đó là chúng ta có thể cho đi chính mình trong nhiều phương cách khác nhau cho nhiều người khác nhau. Chúng ta có thể nói như thế này: "Quà tặng tốt nhất cho kẻ thù là sự tha thứ, cho người bạn là sự trung thành, cho một đứa trẻ là tấm gương sáng, cho một người cha là niềm vinh dự, cho một người mẹ là tâm hồn, và cho người lân cận là bàn tay của chúng ta".

Nếu sự cho đi của chúng ta ít hơn là phải có--nếu ít hơn của bà goá trong phúc âm, hoặc nếu ít hơn đôi vợ chồng già trong câu chuyện--thì Chúa Giêsu đang nói với chúng ta trong một phương cách đặc biệt, trực tiếp và cá biệt, trong bài phúc âm hôm nay. Vì Người đã nhắc nhở chúng ta đâu đó trong Phúc Âm: "Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy" (Luca 6:38).

Chúng ta hãy kết thúc với sự suy nghĩ về việc Thiên Chúa đã rộng lượng ban cho chúng ta:

Chúng ta xin một bông hoa; Người cho cả một bó.
Chúng ta xin một giọt nước; Người ban cho cả đại dương.
Chúng ta xin một hạt cát; Người ban cho cả bãi biển.
Chúng ta xin một nhánh lúa; Người ban cho cả cánh đồng.
Chúng ta xin chút gì để ăn; Người đã ban chính Mình và Máu Người.

Thánh Ca : Công Đức Sinh Thành