Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Phúc âm Lễ Chúa Nhật Thứ XXVI MTN (năm B) ngày 30/09/2012



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ XXVI Mùa Thường Niên (năm B)

Nguồn:www.40giayloichua.net

Mời nghe Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật 26 MTN (B)

Óc bè phái, cục bộ. "Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta"
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

* 1. Óc ganh tị bè phái... vì danh Chúa!

Những bài Sách Thánh mà phụng vụ tuyển đọc trong Thánh Lễ hôm nay đề cập tới một tính xấu, đó là Óc ganh tị bè phái vì danh Chúa. Tính xấu đó như thế nào, chút nữa chúng ta sẽ phân tích. Bây giờ trước hết chúng ta hãy xem lại những bài đọc nói gì.

- Bài đọc I kể một câu chuyện xảy ra từ thời ông Môsê đang dẫn dân Chúa đi lang thang trong sa mạc, nghĩa là lâu lắm rồi, khoảng năm 1250 trước Chúa Giáng sinh, nghĩa là cách nay đến hơn 3000 năm. Khi ấy Chúa bảo Môsê chọn trong dân ra 72 người để Chúa đổ ơn Chúa Thánh Thần xuống trên họ và nhờ đó họ được ơn nói tiên tri. Môsê đã chọn 72 người, Chúa đã ban cho họ ơn nói tiên tri. Nhưng mà có 2 người khác không ở trong danh sách 72 người kia cũng nói tiên tri. Một đứa bé thấy vậy chạy về báo cáo cho Môsê và người phụ tá của ông là Giôsuê hay sự việc. Giôsuê liền đề nghị ông Môsê ra lệnh ngăn cấm 2 người đó, lý do là vì họ không thuộc danh sách 72 người được chọn. Xin nhắc lại rằng câu chuyện này xảy ra từ thời Cựu Ước, cách đây khoảng 3000 năm lận. Nghĩa là từ thuở rất xa xưa, mà người ta đã có tính ganh tị rồi.

- Cái tính xấu này vẫn còn cho tới thời Tân ước. Bài Tin Mừng kể: Khi ấy có một số người không thuộc nhóm 12 tông đồ. Họ thấy Ðức Giêsu làm nhiều phép lạ, rồi họ thấy các tông đồ tuy không phải là Chúa nhưng nhờ danh Chúa mà cũng làm phép lạ được. Thế là họ cũng nhân danh Ðức Giêsu và họ cũng làm được một số phép lạ. Thấy vậy, tông đồ Gioan bực tức, đã ngăn cấm họ và báo cáo lại cho Ðức Giêsu biết. Gioan tưởng cấm như vậy là đúng, bởi vì những người đó không phải là tông đồ Chúa cho nên họ không có quyền nhân danh Chúa mà làm phép lạ. Nhưng Ðức Giêsu bảo đừng ngăn cấm họ. Và Ðức Giêsu còn nói một câu rất hay mà chút nữa chúng ta sẽ suy gẫm, Chúa nói "Ai không chống lại ta thì thuộc về ta".

Qua hai câu chuyện trên, điều chúng ta nên lưu ý là: cái óc ganh tị đã có sẵn trong con người từ thuở rất xa xưa, nó vẫn còn tiếp tục ở trong con người ngay trong thời Tân ước. Nó ở ngay trong những con người vốn là những người thân cận của Chúa, như Ông Giôsuê sau này sẽ lãnh đạo dân Chúa tiến vào Ðất Hứa, như chính thánh Gioan một tông đồ được Ðức Giêsu yêu thương nhất. Ðó là óc ganh tị bè phái vì danh Chúa. Nói "Óc ganh tị Bè Phái vì danh Chúa" bởi vì ganh tị có tới 3 cấp bực:

•Cấp thứ nhất là Ganh tị: đó là thói xấu khiến cho người ta khó chịu bực bội khi thấy người khác cũng làm được một việc hay việc tốt như mình hoặc còn hay hơn, tốt hơn mình nữa.

•Cấp thứ hai là Ganh tị bè phái: là Ganh tị với người không thuộc phe nhóm của mình.

•Cấp thứ ba là Ganh tị bè phái vì danh Chúa: nghĩa là những người tín hữu Chúa, những người có đạo ganh tị với những người không có đạo khi những người không có đạo này làm được những điều hay điều tốt.

Phải nhìn nhận rằng người có đạo thường mang đầu óc tự tôn. Họ lý luận rằng bởi vì Chúa của mình là toàn năng, toàn thiện cho nên đạo của mình phải là đạo tốt nhất, hay nhất. Do đó chỉ có đạo của mình mới có thể làm được những việc hay việc tốt. Khi thấy những người không có đạo dự tính làm điều này điều nọ thì nghĩ thầm rằng chúng nó sẽ chẳng làm nên trò trống gì đâu. Thế nhưng người ta đã làm việc thành công, thì khi đó những người có đạo tức bực, tìm cách nói xấu, xuyên tạc để hạ giá thành quả của những người kia vì họ không thuộc đạo của mình. Trong quá khứ, chúng ta đã thấy có những vụ thiên tai bão lụt. Các tổ chức bác ái công giáo đã hết lòng quyên góp cứu trợ. Những người công giáo rất hãnh diện với những cuộc cứu trợ do Giáo Hội Công giáo đứng ra tổ chức. Cũng có những nhóm khác cũng làm việc từ thiện cứu trợ như vậy, nhưng một số người công giáo tỏ ra nghi ngờ và khinh chê việc làm của những nhóm kia cho rằng họ sẽ chẳng làm tới đâu, có làm được thì cũng mất mát, tham ô tùm lum, phẩm vật cứu trợ không hoàn toàn tới tay các nạn nhân. Ðó là một thí dụ về cái óc ganh tị bè phái vì danh Chúa.

Nhưng Chúa không chấp nhận như thế đâu. Ðức Giêsu đã đưa ra một nguyên tắc "Ai không chống lại ta thì phải kể như là thuộc về ta". Nguyên tắc này độc đáo vì nó đi ngược lại với nguyên tắc người ta vẫn thường theo từ trước tới giờ. Người ta thường nghĩ "Ai không theo ta tức là kẻ chống ta", hoặc "Ai không phải là bạn ta thì là kẻ thù của ta", hay hơn nữa "Ai làm bạn với kẻ thù ta thì cũng là kẻ thù của ta". Những nguyên tắc vừa kể biểu lộ một tâm lý tự tôn và độc tôn: chỉ có phe nhóm của mình là hay, loại trừ tất cả những ai không thuộc phe nhóm mình. Còn nguyên tắc của Ðức Giêsu là một nguyên tắc cởi mở, rộng lượng, nới rộng vòng tay hợp tác: tất cả mọi người, miễn là họ không chống lại ta, cho dù người đó không thuộc đạo ta, cũng phải coi là bạn của ta; cũng phải hợp tác với họ.

Giữa xã hội ngày nay, con số những người có đạo chỉ là một con số nhỏ. Nếu những người có đạo cứ khư khư với đầu óc tự tôn và độc tôn thì họ sẽ trở thành lẻ loi, sẽ bị cô lập giữa xã hội. Còn nếu những người có đạo biết thực hành nguyên tắc của Ðức Giêsu đề ra thì họ sẽ sống chan hoà với những người khác, sẽ có rất nhiều cơ hội để cùng với những người khác thực hiện biết bao nhiêu điều tốt mà Chúa muốn họ làm.

Vả lại, Chúa đâu phải chỉ muốn cho những người có đạo làm việc tốt, mà Chúa muốn cho mọi người đều làm việc tốt. Chúa cũng đâu có cần những người có đạo chúng ta khi làm được một việc tốt thì phải dán nhãn hiệu đạo lên việc tốt đó, phải ký tên mình lên việc tốt đó. Ðiều mà Chúa muốn là có những việc tốt đã được làm.

Chúng ta hãy cố gắng sống theo tinh thần Tin Mừng Chúa: đừng ganh tị, đừng giữ đầu óc bè phái... nhưng cố gắng sống chan hoà với mọi người, cùng với mọi người thực hiện những việc tốt, những việc làm có ích cho tha nhân, cho xã hội.

* 2. Dịp tội

Phần cuối của bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng những lời rất mạnh mẽ của Ðức Giêsu:

•Nếu tay con nên dịp tội cho con thì hãy chặt nó đi. Thà con mất một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ 2 tay mà phải vào hoả ngục.

•Nếu chân con nên dịp tội cho con thì hãy chặt nó đi. Thà con mất một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ 2 chân mà phải vào hoả ngục.

•Và nếu mắt con nên dịp tội cho con thì hãy móc nó đi. Thà con còn một mắt mà được vào Nước TC còn hơn có đủ 2 mắt mà phải ném xuống hoả ngục.

Dĩ nhiên đây là kiểu nói cường điệu theo thói quen của người Á Ðông. Không ai hiểu những câu đó sát nghĩa đến cả. Ta chưa thấy ai tự chặt tay chặt chân móc mắt để khỏi phạm tội cả. Ngay cả các thánh cũng vậy, các Ngài đã chống trả các cơn cám dỗ rất là quyết liệt, nhưng không bằng cách chặt tay chặt chân móc mắt mình. Có một trường hợp đặc biệt sau đây: Ông Origène, một Linh mục rất thánh thiện và cũng rất thông thái, uyên bác. Các tác phẩm của ông được xếp ngang hàng với tác phẩm của các thánh giáo phụ và tiến sĩ của Giáo Hội. Ông thường bị cám dỗ mạnh về xác thịt, cho nên một hôm ông quyết định tự thiến mình đi để khỏi bị cám dỗ nữa. Hành động này của ông chẳng những không được Giáo Hội khen mà còn bị chê trách nữa, do hành động ấy mặc dù ông rất thánh thiện và thông thái nhưng ông đã không được phong thánh và cũng không được coi là giáo phụ, hay tiến sĩ Giáo Hội, vì ông bị coi là một người bất bình thường.

Vậy, chúng ta không nên hiểu những lời Tin Mừng trên theo sát nghĩa đen. Mà phải hiểu theo tinh thần. Chúa Giêsu muốn căn dặn chúng ta phải hết sức triệt để xa lánh các dịp tội.

Nhưng, dịp tội là gì? Thưa là tất cả những gì có thể khiến ta phạm tội.

•Ðó có thể là một sự vật. Td một chiếc xe đạp để ở chỗ vắng vẻ mà không có khoá.

•Ðó có thể là một người. Td một cô gái đẹp lả lơi ăn mặc hở hang.

•Ðó có thể là một hoàn cảnh, một môi trường. Td một xóm bình khang, một ổ điếm.

Ðể cho rõ hơn nữa, các nhà luân lý phân ra nhiều loại dịp tội:

•Dịp tội gần: là những dịp mà nếu gặp thì hầu như chắc chắn ta sẽ phạm tội. Td người ghiền xì ke khi tới cơn ghiền, không có tiền, hễ gặp đồ đạc ai để hớ hênh thì hầu như chắc chắn sẽ "chôm" liền. Gặp 10 lần thì phạm tội khoảng 7,8 lần.

•Dịp tội xa là những dịp mà có gặp thì cũng ít khi phạm tội. Td một người bình thường gặp một món đồ để hớ hênh. Có thể là anh ta sẽ ăn cắp, mà cũng có thể không ăn cắp.

Dịp tội gần lại được phân làm 2 loại nữa:

•Dịp bó buộc là tuỳ hoàn cảnh đó có nguy hiểm khiến mình phạm tội, nhưng mình bó buộc phải vào, nếu không vào thì bị thiệt hại nặng. Td một cô gái làm việc cho ông chủ có máu dê xồm và thường phải gặp mặt ông ta. Ðây là một dịp nguy hiểm, nhưng nếu cô không gặp thì cô phải mất việc làm, phải thất nghiệp, phải túng thiếu.

•Dịp tự do: là dịp tội cũng nguy hiểm nhưng ta không bó buộc phải gặp. Td không ai bó buộc một cô gái phải đến gặp một người đàn ông không đứng đắn vào buổi tối tại một nơi hẹn vắng vẻ.

Sau khi đã phân biệt nhiều thứ tội khác nhau. Bây giờ chúng ta nghĩ xem mình phải tránh loại dịp tội nào? Xin nhớ 3 nguyên tắc sau:

•Buộc phải tránh dịp tội gần, vì đó là dịp mà nếu ta gặp thì hầu như chắc chắn chúng ta sẽ bị phạm tội.

•Khi gặp dịp tội tự do, ta phải xa tránh: vì đó cũng là một dịp tội gần nguy hiểm hầu chắc sẽ phạm tội nhưng ta không bị bó buộc phải vào dịp đó cho nên phải tránh đi.

•Còn nếu là dịp bó buộc thì ta đành phải gặp, tuy nhiên phải khôn khéo làm cho dịp tội gần và bó buộc đó tành ra dịp tội xa. Td một cô gái phải cặp mắt một ông chủ không đứng đắn, đó là một dịp tội gần và bó buộc. Nhưng nếu cô cùng đến với một người bạn khác nữa, hoặc đến gặp ở chỗ có đông người thì cô không còn nguy hiểm nữa, dịp đó đã trở thành dịp tội xa rồi.

Con người chúng ta có lương tri và có ý muốn hướng thượng, không ai cố tình muốn làm tội. Tuy nhiên con người chúng ta cũng rất yếu đuối và dễ bị lôi cuốn cho nên dễ bị sa ngã nếu gặp dịp tội. Bảng phân loại các dịp tội ở trên tuy hơi tỉ mỉ và có tính cách giáo điều, nhưng rất rõ ràng và hữu ích. Chúng ta hãy cố gắng xa lánh các dịp tội gần, vì Chúa đã dạy: "Nếu tay con nên dịp tội cho con..."

* 3. Giải phẫu.

Người ta đồn thổi rằng: Ăn thịt khỉ, nhất là óc khỉ sẽ trị được bệnh phong thấp. Nên họ tìm cách đánh bẫy khỉ.

Họ lấy trái dừa bổ làm đôi, nhét vào trong đó một trái cam thơm ngon, rồi khoét một lỗ nhỏ vừa bằng nắm tay khỉ, xong cột trái dừa lại như trước. Sau đó đem cột chặt trên cây.

Ngửi thấy mùi thơm của cam, khỉ sẽ chạy đến, leo lên cây, thọt tay vào trái dừa, nắm chặt lấy trái cam và lôi ra.

Thọt tay vào thì dễ, nhưng rút ra thì không được vì bàn tay khỉ bây giờ đã quá lớn so với lỗ dừa. Có một điều rất trớ trêu, là không bao giờ khỉ chịu buông trái cam ra để bàn tay được tự do. Ðã nắm được của ăn rồi thì cứ khư khư giữ lấy. Biết mình bị mắc bẫy nhưng cứ nắm chặt trái cam, dẫy dụa, kêu la chí choé. Và người thợ săn cứ ung dung đến bắt lấy con khỉ dại khờ đáng thương.

*

Thế giới chúng ta đang sống có nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ, nhiều dịp tội làm chúng ta sa ngã. Ngay chính thân xác chúng ta cũng có thể là những dịp tội, khiến chúng ta lỗi luật Chúa. "Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay nó đi" (Mc.9,43). Kiểu nói "chặt tay, chặt chân, móc mắt" chỉ có ý nói theo nghĩa tượng trưng, để diễn tả các dịp tội mà ta có thể tìm thấy trong chính bản thân mình. Hội thánh không bao giờ hiểu đòi hỏi này theo nghĩa đen, nếu cứ áp dụng triệt để theo từng câu từng chữ, thì khó mà tìm được một người Kitô hữu lành lặn.

Ðức Giêsu chỉ có ý đòi buộc chúng ta phải quyết tâm mạnh mẽ để khử trừ các dịp tội, các cơm cám dỗ, chớ coi thường chúng.

Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều người dám cắt bỏ một phần thân thể để cứu lấy sinh mạng của mình. "Từ bỏ một điều quý giá để giữ lại một điều quý giá hơn", đó là lẽ khôn ngoan ở đời. Cuộc sống vĩnh cửu không là điều quý giá đáng cho chúng ta từ bỏ một phần thân thể đã trở nên xấu xa để đổi lấy sao? Nếu cần một cuộc giải phẫu để cứu lấy thân xác, thì cũng cần nhiều cuộc cắt bỏ để cứu lấy linh hồn. Chúng ta có thể "cắt bỏ" một thói hư tật xấu, cắt bỏ một lời nói cay độc, cắt bỏ một ánh mắt căm hờn, cắt bỏ một cử chỉ khinh khi, cắt bỏ một lối sống buông tuồng, cắt bỏ một mối quan hệ bất chính... Cắt bỏ như thế có khi còn đau hơn "móc con mắt, chặt cánh tay". Ðau vì nó quá thân thiết với cuộc đời chúng ta, đau vì nó quá gắn liền với bản thân chúng ta, vì nó quá ăn sâu trong bản chất con người chúng ta. Nhưng nếu can đảm vượt thắng nỗi đau, chúng ta sẽ lớn lên trong tư cách làm người, và trưởng thành hơn trong địa vị làm con cái Chúa. Ludovic Giraud có viết: "Nỗi đau đối với chúng ta như lưỡi cày đối với mặt đất, nó cầy xới nhưng để làm cho đất màu mở, cũng như việc cắt tỉa cây cối: làm cây cối nhẹ nhàng, mạnh khỏe và đẩy nhanh những dòng nhựa lên cao".

Có những người mơ ước hy sinh cuộc đời, nhưng lại không dám hy sinh những tật xấu của mình. Tuy nhiên, giải phẫu không chỉ là cắt bỏ, mà còn là thay thế các bộ phận hư hỏng. Chúng ta có thể thay trái tim sỏi đá căm hờn bằng trái tim dịu hiền yêu thương. Chúng ta có thể thay bộ óc định kiến hẹp hòi bằng bộ óc thoáng đạt hồn nhiên.

* 4. Mảnh suy tư

a/ Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta:

•Chúng ta có quyền nhân danh Ðức Giêsu mà làm việc này việc nọ, nhưng đó không phải là độc quyền của chúng ta.

•Nếu biết suy nghĩ kỹ, ta sẽ hiểu rằng những tài năng và thành công của những người khác không hề làm cho chúng ta bị nghèo đi, trái lại còn làm giàu thêm cho chúng ta.

•Cũng thế, một người khác với chúng ta không hề làm chúng ta nghèo đi nhưng còn làm cho chúng ta giàu thêm.

•Thiên Chúa ban nhiều ơn cho nhiều người. Bổn phận của chúng ta là đón tiếp những ơn ban đó ở bất cứ nơi nào mà chúng ta phát hiện.

b/ Ai cho anh em một chén nước lả thì người đó không mất phần thưởng đâu:

•Chén nước lả là tượng trưng cho việc tốt nho nhỏ. Chúng ta ít có dịp làm những việc tốt lớn lao, nhưng có rất nhiều dịp làm những việc tốt nho nhỏ.

•Một việc làm có khả năng an ủi không nhất thiết phải là một việc lớn, mà chỉ cần là một việc sưởi ấm cõi lòng.

c/ Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn phải sa ngã thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn:

•Cái làm cho trẻ con dễ thương nhất là tâm hồn rộng mở của chúng. Do tâm hồn rộng mở, trẻ con đón nhận một cách ngây thơ tất cả những gì người ta dạy chúng.

•Nhưng cũng do tâm hồn rộng mở mà trẻ con dễ bị tổn thương nhất vì bất cứ điều xấu nào cũng có thể xâm nhập vào đấy.

•Tội làm gương xấu cho trẻ con đáng bị buộc cối đá vào cổ mà ném xuống biển vì tội đó biến cái dễ thương nhất thành cái tổn thương nhất.

Ðức Giêsu đã dạy: "Ai không chống đối chúng ta là ủng hộ chúng ta", và "Ai làm cớ cho tín hữu bé nhỏ sa ngã thì thà buộc cội đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn". Chúng ta hãy sốt sắng cầu xin Chúa: Lạy Chúa, chung quanh chúng con còn nhiều người làm gương xấu và nhiều người là nạn nhân của gương xấu, xin cho chúng con biết rõ những hậu quả ghê tởm của gương xấu, để không bao giờ làm gương xấu cho ai. Amen!

Thánh Ca : Dấu Ấn Tình Yêu ;


CÁI GIÁ NGƯỜI MÔN ĐỆ PHẢI TRẢ
Lm. Mark Link,

Cuốn phim "A man for all seasons" (Người trong mọi hoàn cảnh) được xây dựng dựa theo cuộc đời thánh Thomas More. Khi Kha Luân Bố khám phá ra Mỹ Châu, Thomas More mới là một thiếu niên mười mấy tuổi tại Anh Quốc. Chàng theo học tại Đại học Oxford. Sau khi tốt nghiệp Đại học, chàng dấn thân vào cuộc đời chính trị. Là một viên chức của triều đình, chàng được thăng quan tiến chức rất mau lẹ, năm 1529, vua Henri thứ VIII đã phong chàng lên chức Đại pháp quan của Anh Quốc. Nhưng thảm kịch đã xảy đến cho Thomas More. Khi vua Henri VIII ly dị với hoàng hậu và tái kết hôn không đúng theo luật lệ. Để chống lại bất cứ ai phản đối cuộc hôn này, Henri ra lệnh cho một số quan chức triều đình ký vào một văn bản tuyên thệ rằng sự tái hôn của ông là hợp pháp. Ông truyền cho các vị chức sắc này là nếu họ từ chối không chịu ký vào văn bản ấy họ sẽ bị hạ ngục vì tội phản loạn. Và rồi thảm kịch đã xảy ra khi ngài Norfold mang văn bản ấy đến cho Thomas More. Ông này chẳng chịu ký bất chấp biết bao lời thuyết phục khuyên ông thay đổi ý. Cuối cùng, Norfolk không còn kiên nhẫn được nữa, ông nói với bạn: "Tôi không biết cuộc kết hôn có hợp pháp hay không, nhưng thây kệ nó! Thomas ơi, ông hãy nhìn vào tất cả những kẻ đã ký vào đây! Ông biết rõ những người này mà! Tại sao ông không thể làm như chúng tôi, nhân danh tình bạn của chúng ta?" Thomas More vẫn từ chối. Ông không muốn tuyên thệ điều gì mà tận thâm tâm ông biết là sai trái. Cuối cùng, Thomas More bị tống giam. Vào ngày 6 tháng 6 năm 1535 ngài đã bị hành hình vì tội phản loạn.

***

Câu chuyện thánh Thomas More làm sáng tỏ lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay: "Nếu tay con làm mất đức tin, hãy chặt nó đi!… Nếu chân con làm con mất đức tin, hãy chặt phăng nó đi!… Nếu mắt con làm con mất đức tin, hãy móc nó quẳng đi! vì thà rằng con bị chột mà vào nước trời hơn là còn toàn vẹn hai mắt mà bị ném vào hoả ngục". Chúa Giêsu không bảo chúng ta chặt chân tay, móc mắt, theo nghĩa đen, Ngài chỉ muốn dùng những thành ngữ quen thuộc của thời đại Ngài để nhấn mạnh một điểm quan trọng là: Các môn đệ Ngài phải sẵn lòng hy sinh tất cả sự gì cần thiết để giữ mình khỏi phạm tội, phải sẵn lòng hy sinh cả những gì quí báu nhất đối với ta để được vào nước trời.

Trong trường hợp Thomas More, điều này có nghĩa là hy sinh cả mạng sống mình. Chúng ta chớ vội nghĩ rằng vì Thomas More là một vị thánh nên ngài đã tự hiến dâng đời sống một cách dễ dàng. Chúng ta hãy lắng nghe những lời trong lá thư ngài viết cho cô con gái của ngài ít lâu sau khi ngài bị giam, những lời này sẽ cho ta biết cuộc đấu tranh khủng khiếp xảy ra bên trong tâm hồn ngài như thế nào: "Meg thân yêu, Bố sẽ không bất tín với Chúa, dù bố cảm thấy yếu đuối khi sắp phải đương đầu với nỗi sợ hãi. Bố nhớ lại sự kiện thánh Phêrô bắt đầu chìm xuống nước vì thiếu đức tin, khi thấy gió thổi mạnh, bố sẽ bắt chước ông kêu cầu Chúa Kitô nài xin Chúa giúp đỡ Bố. Bố tin rằng Chúa sẽ đặt đôi tay thánh thiện lên Bố và ngay trong cơn bão biển Chúa sẽ giữ cho bố khỏi bị chìm xuống… vì thế hỡi con gái yêu của bố, con đừng bối rối âu lo về bất cứ điều gì sẽ xảy đến cho bố trong cuộc sống dương trần này, không điều gì xảy ra ngoài ý Chúa, Bố rất xác tín rằng bất cứ điều gì tồi tệ xảy ra, thì chắc hẳn đó là điều tốt nhất đấy".

Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta đặt lại câu hỏi này: chúng ta có biết phòng tránh tội lỗi để đạt nước trời không? Chúng ta có biết canh chừng đối với bất cứ điều gì có thể khiến chúng ta đánh mất nước trời không? T rong một lá thư của mình, một vị thánh danh tiếng người Pháp, Francis de Sales, đã nói về vấn đề cám dỗ và việc canh phòng chống lại tội lỗi như sau; "Mặc cho quân thù gào thét ở ngoài cửa, mặc cho nó gõ, nó la, nó gào, nó làm bậy làm bạ. chúng ta biết chắc rằng nó không thể đi vào nhà trừ khi chúng ta bằng lòng mở cửa cho nó". Vậy chúng ta cần tỉnh thức đề phòng tội lỗi. Khi cơn cám dỗ xảy đến – và chắc chắn nó sẽ đến chúng ta hãy nhớ lại những lời thánh Thomas More đã viết cho Meg con gái ngài: "Bố sẽ nhớ lại sự kiện thánh Phêrô bắt đầu chìm xuống vì thiếu đức tin khi thấy gío mạnh thổi lên, và bố cũng sẽ bắt chước ngài kêu lên với Chúa Kitô và khẩn cầu Ngài giúp đỡ. Bấy giờ bố tin rằng Chúa sẽ đặt tay lên người bố và giữ bố khỏi chìm xuống giữa cơn bão biển".

Tóm lại, sứ điệp của Chúa Giêsu ẩn chứa trong bài Phúc Âm hôm nay như sau; chúng ta phải sẵn lòng chấp nhận mọi hy sinh để tránh tội và để đạt được nước trời. Và chúng ta cũng phải sẵn lòng chấp nhận mọi hy sinh để tránh tội và để đạt được nước trời. Và chúng ta cũng phải sẵn sàng bắt chước Thomas More Người đã hy sinh mạng sống mình vì nước trời.

Chúng ta sẽ kết thúc với những lời rút ra từ bài hát cổ xưa mà Giáo hội thường xử dụng trong Kinh nhật tụng giờ Kinh chiều của một số ngày Chúa Nhật trong năm phục vụ. "Nghe danh hiệu Giêsu, mọi gối phải quì xuống, mọi miệng lưỡi phải xưng tụng Ngài là Vua vinh quang…. Hãy để Ngài ngự trị tâm hồn bạn. Hãy để Ngài chinh phục những gì chưa thánh thiện, những gì chưa đúng. Ước gì bạn biết lên tiếng gọi Ngài trong cơn cám dỗ. Hãy để Ngài che phủ bạn bằng ánh sáng và quyền năng của Ngài. Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang của Cha Ngài, để ngự trị trên trái đất. Ngài là Thiên Chúa cứu độ. Ngài là Đấng Kitô Chủ tế chúng ta". Amen!

Thánh Ca : Tâm Tình Phó Thác
   

 
TRÁNH XẤU XA
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Có chương trình truyền hình tựa đề “Nothing Sacred” (Không Gì Thánh Thiêng). Tôi đã không xem, nhưng ngày hôm sau tôi đọc bài bình luận kiểm phim trên nhật báo xem họ nói gì về truyện của phim đó. Nó là câu truyên về một linh mục cấp tiến, một người có cái miệng phát ngôn bừa bãi (bài báo nói như thế), một người thù ghét Thiên Chúa. Khi linh mục đó nghe xưng tội, ông đã không cho lời khuyên bảo, không hướng dẫn hay làm điều gì giống như thế. Ông chỉ đơn giản bảo người ta “hãy làm bất cứ cái gì họ chọn làm.” Hiển nhiên là có vài điều về vị linh mục này trong truyện phim, “gọi là” đi thăm một người mà trước kia đã sống nhiều năm trong chủng viện, điều tôi không thể hiểu được tí nào. Có rất nhiều những lời phê phán khác về chương trình truyền hình này.

Đáng Tiếc

Chẳng có gì làm tôi ngạc nhiên cả, bởi vì công ty sản xuất chương trình này đã từng làm mọi cái có thể làm trong những năm gần đây để bài bác Giáo Hội Công Giáo, để xúc phạm đến các giáo huấn của Chúa Kitô, để tôn vinh việc đồng tính luyến ái và muôn vàn điều loạn luân và đồi trụy khác. Như tôi đã nói, nó không làm tôi ngạc nhiên để thấy loại loạn luân như vậy bởi vì đấy là chủ trương mà hãng phim đó muốn thực hiện ngày nay.

Trước kia thường là qúi vị đi xem Bambi, Snow White và Seven Dwarfs và các chương trình thuộc phim loại như thế. Nhưng cái làm tôi sững sờ là lời bình luận phim truyện trên nhật báo nói rằng có năm linh mục được mời để cố vấn cho cuốn phim “Nothing Sacred,” và tất cả đều đồng ý với những gì trình bày trong phim. Họ giải thích rằng họ không nghĩ là Giáo Hội thích hợp với thời đại, Giáo Hội qúa thủ cựu về vấn đề tính dục. Điều này thật làm cho tôi kinh tởm.

Năm linh mục! Anh chị em có thể tưởng tượng là năm linh mục, thật là điều qúa xấu xa họ có thể ảnh hưởng đến cộng đoàn giáo dân mà họ giảng dạy, nếu đó là quan điểm suy nghĩ của họ! Đáng lẽ ra họ là những vị chăn chiên dẫn dắt đàn chiên. Thay vì như thế họ lại là những sói rừng phá đàn chiên. Anh chị em có thể tưởng tượng hàng trăm và hàng trăm trăm, và có lẽ hàng ngàn người đã bị dẫn dắt lạc đường bởi những linh mục này trong một cách nào đó? Không phải chỉ có năm linh mục này. Dường như còn sự chống đối và nhiều vấn đề cũng như mọi cái xấu xa khác xâm nhập vào, nhân danh những người Công Giáo thời đại, nhân danh Giáo Hội đa diện hay bất cứ cái tên gọi nào khác. Chúng ta có những người chống đối ở khắp nơi phàn nàn và cắt bỏ.

Những người này là gương mù. Họ đang dẫn nhiều người đi lạc đường. Tôi tin là mọi người trong các bạn đã có lần nghe nói, “Ồ, Giáo Hội không còn thích hợp. Giáo Hội nên thay đổi các giáo thuyết về vấn đề này và vấn đề nọ kia.” Những người này, họ bài bác chống đối các giáo huấn của Chúa Kitô và giáo hội của ngài, là làm gương mù cho những người khác và có thể làm cho họ bị mất linh hồn. Tôi thấy rất kinh hãi nếu tôi khám phá ra rằng chỉ vì tôi mà làm cho ai đó rời bỏ Giáo Hội. Hoặc là có người làm đó bị thiệt mất linh hồn bởi vì tôi đã nói hay không nó điều gì. Điều đó sẽ làm cho tôi sợ đến chết.

Gương Mù

Trong bài Tin Mừng hôm nay, câu truyện liên quan đế hai vấn đề: gương mù và chiến thắng sự dữ ở thế gian này. Có nhiều người làm gương mù. Chẳng có ngày thứ Bảy nào qua đi mà tôi không gặp một em nhỏ đến xưng tội nói là nó đã lâu ngày không đi xưng tội, một thời gian dài đã không đi lễ. Ông hay bà đến thăm cho nên ông bà đã đưa em đi xưng tội. Tôi hỏi các em, “Tại sao không đi?” Các em trả lời, “Thưa cha, vì bố mẹ con không đi, thì sao con lại đi? Bố mẹ con không quan tâm thì sao con phải quan tâm?” Cha mẹ có trách nhiệm rất lớn đối với con cái để đừng có làm gương xấu cho con cái. Anh chị em không thể nói, “Johnny, mày đi học, và Johnny, mày đi xưng tội, và Johnny, mày đi lễ các ngày Chúa Nhật, nhưng bố mẹ không đi.” Đó là gương mù, một điều rất là xấu.

Anh chị em có nghĩ làm như thế là đứa bé sẽ lớn lên tin và thực hành các giáo huấn của giáo hội không?” Các bậc cha mẹ rất quan tâm về việc giáo dục con cái của họ, và lo cơm ăn áo mặc cho con cái của họ, nhưng lại quên sót lo về phần rỗi cho linh hồn của con cái mình. Đó là một điều xấu xa đáng kinh tởm. Tất cả chúng ta phải nên ý thức là mỗi người trong chúng ta có ảnh hưởng trên vài người nào đó. Mọi người chúng ta, cho dù đó là một em bé, hay người hàng xóm, hay gia đình của các bạn, hoặc anh hoặc chị, mọi người trong chúng ta có ảnh hưởng trên một vài người khác. Và nếu ảnh hưởng đó là xấu và là thiệt phần rỗi linh hồn của họ, thì chúng ta ở trong tình trạng rất là nguy. Chúng ta phải sửa lại và thay đổi đời sống của mình.

Cắt Đứt

Vấn đề thứ hai mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay nghe rất là rùng rợn đáng sợ. Nếu con mắt của anh chị em làm cho anh chị em phạm tội, thì hãy móc nó đi. Nếu tay của anh chị em làm cho anh chị em phạm tội thì hãy cắt nó đi. Tôi tin là Chúa Giêsu không có ý nói là anh chị em làm thật như vậy. Ngài có ý nói nghĩa bóng và tượng hình. Nếu mắt của anh chị em là cớ làm cho anh chị em phạm tội, sa vào tình trạng làm phật lòng Thiên Chúa, thì hãy nhắm mắt lại, hãy bỏ cái bối cảnh đó đi.

Có một nỗ lực khá lớn trong số những người tin lành, và có ít người Công Gíao tham dự, để tẩy chay các hãng phim ảnh bởi vì nhiều cái xấu người ta phát hành ở các điã nhạc, phim truyện và radio. Họ muốn tảy chay các hãng sản xuất này. Nhắm mắt lại, tảy chay bất cứ cái gì có liên quan đến các hãng đó bởi vì, như trong bài đọc thứ hai đề cập đến, kẻ giầu có không quan tâm đến anh chị em hay đến bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì khác. Họ chỉ lo sống trong xa hoa. Tất cả những gì họ muốn là được thêm nữa và thêm thêm nữa.

Trong bài đọc của Thánh Giacôbê nói, “Hởi những kẻ giầu . . . Các ngươi đã kết án, đã giết người công chính, vì họ đã chẳng cưỡng lại các người.” Đó là một trong các vấn đề của ngày nay, người ta không chống lại sự dữ được mang vào trần gian. Thật đáng tiếc, người ta không nói, “Tôi phải xa lánh điều này. Tôi sẽ không tham dự vào vấn đề này, tôi phải nhắm mắt lại đối với điều xấu xa này và uốn mình làm theo ý của Thiên Chúa.” Chúng ta phải bỏ qua một bên các điều thiếu hoàn thiện và những yếu đuối khác và không hàng phục. Bổn phận của chúng ta là xếp đặt cuộc sống chung quanh các giáo huấn của Chúa Kitô và bỏ đi những khoái lạc trần thế, điều làm thiệt hại đến phần rỗi linh hồn nhờ đó chúng ta có thể có được đời sống sung mãn và ơn cứu rỗi ở đời sau. Nhiều người bị lừa. Họ nghĩ là họ có thể làm bất cứ điều gì họ thích làm. Thường có nhiều người đến xưng tội, có lỗi về một tội liên quan đến đức trong sạch nào đó. Tôi thường hỏi họ, “Anh đã đọc cái gì? Anh đã xem cái gì?” “Thưa cha, con xem những phim ảnh khiêu dâm và đọc những sách báo đồi trụy.” Và tôi nói, “Anh mong được cái gì từ những thứ đó? Nếu anh buông thả theo những thứ đó thì anh sẽ phạm những tội lỗi đức trong sạch như những thứ đó.”

Tôi nhớ nhiều năm về trước, có một người nghiện rượu đến nỗi ông ta phải bị cầm giam một thời gian, vì đó là cách duy nhất để cho ông ta thắng vượt được tính nghiện rượu. Sau cùng thì ông quyết tâm, coi như ăn năn thống hối, và không còn uống rượu nữa. Nhưng ông ta thường hay đi thăm các bạn của ông ở quán ba. Thử nghĩ xem, nó chỉ không cần qúa hai tuần để cho ông ta quay ngay trở lại cái tật cũ bởi vì ông đã tự đưa mình vào phòng quán ba nơi gặp gỡ các bạn của ông, tự nghĩ là ông có thể chống cưỡng lại được. Nếu chúng ta đặt mình vào nơi dịp tội, chúng ta sẽ sa ngã bởi vì chúng ta là những con người yếu đuối.

Do đó chúng ta phải nhắm mắt cắt không nhìn vào những cái tội lỗi của thế gian, chúng ta phải cắt chân đưa chúng ta đi vào những nơi bất xứng, và cắt tay mà nó sẽ làm những hành vi đối nghịch lại với các huấn lệnh của Thiên Chúa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa bảo chúng ta đừng làm gương mù, hãy loại bỏ những cái xấu xa của thế gian, đừng sao lãng. Tôi nghĩ đó là một trong những điều khó khăn hơn đối với các tín hữu Công Giáo, và với tất cả mọi người. Điều đó thật hiển nhiên. Người ta không nhìn ra, không quan tâm, không thắc mắc. Tôi có nên làm điều này không? Tôi có nên thay đổi lối sống không? Họ quên lãng; họ không quan tâm. Trách nhiệm của chúng ta là không làm gương xấu. Chúng ta dẫn đưa người khác đến việc nhận biết Chúa Kitô, và nếu chúng ta lạc xa các giáo huấn của Chúa Kitô và giáo hội của ngài, thì chúng ta sửa lại, móc mắt, cắt tay, chặt chân đi, bất cứ cái gì phải làm để được cứu rỗi. Quan trọng hơn là chúng ta chịu khổ bây giờ, vác lấy thánh gía của mình ở đời này, để nhờ đó chúng ta có thể có đời sống viên mãn muôn đời.

Xin Chúa chúc lành cho các bạn. Amen!

Thánh Ca : Chúa Thương Con