Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Phúc Âm Lễ Chúa Nhật thứ XXXI Mùa Thường Niên (năm B) Ngày 04/11/2012



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ XXXI Mùa Thường Niên (năm B)

Nguồn:www.40giayloichua.net

Mời nghe Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật 31 MTN (B) do Đức Cha Phê Rô Nguyễn Văn Khảm thuyết giảng năm 1994

ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

* 1. Giới luật yêu thương, điểm độc đáo

Có một giáo lý viên kia đang dạy đạo cho một người dự tòng. Một hôm, người dự tòng hỏi "Ðiểm đặc biệt nhất của Ðạo Công Giáo là gì?". Giáo lý viên đáp: "là Yêu Thương". Người dự tòng là một thanh niên, nghĩa là đang ở tuổi yêu đương, nên gật gù tỏ ra rất thấm thía với câu trả lời của giáo lý viên. Nhưng sau một lúc suy nghĩ, anh lại đặt vấn đề: "Yêu thương thì tôi đã nghe nói rất nhiều, và rất nhiều người nói: Những cặp tình nhân luôn miệng nói yêu nhau; những đạo khác, đạo nào cũng dạy người ta sống yêu thương; và ngay cả những tổ chức không có đạo cũng dạy người ta yêu thương nhau". Rồi anh này đưa ra 2 kết luận hết sức bất ngờ: 1/ Ðạo Công giáo chẳng có gì hơn những đạo khác, mà cũng không hơn không có đạo; 2/ Chẳng cần vào đạo Công giáo mới biết yêu thương". Và giáo lý viên bí!

Chúng ta phải công nhận rằng người dự tòng trên đã nhận xét rất đúng. Yêu thương là tình cảm cao đẹp nhất trong con tim mọi người. Yêu thương là nhân đức cao trọng nhất trong mọi nhân đức. Vì thế không cần đạo công giáo dạy, không cần Ðức Giêsu dạy, mọi người cũng đều biết trân trọng tình cảm và nhân đức yêu thương. Nhưng chẳng lẽ đạo Công giáo của chúng ta không có gì hơn các đạo khác, cũng không có gì hơn các nền luân lý không có đạo sao? Chẳng lẽ Ðức Giêsu từ trời xuống thế làm người mà chẳng dạy gì hay hơn điều mà mọi người đã biết hết rồi sao? Chúng ta phải tìm hiểu kỹ lại bài Tin Mừng hôm nay mới được.

1/ Ðoạn Tin Mừng mà chúng ta nghe trong Thánh Lễ hôm nay là do thánh Marcô chép. Marcô thì quen chép ngắn gọn, nên đôi khi không đủ ý. Muốn đầy đủ hơn, chúng ta phải đọc thêm đoạn Tin Mừng của Thánh Mathêu, cũng chép về câu chuyện này, nhưng đầy đủ hơn. Theo bản chép của thánh Matthêu, để trả lời cho câu hỏi của một người luật sĩ xem điều luật nào trọng nhất, thì Chúa Giêsu sau khi đưa ra luật mến Chúa, đã nói "Còn điều thứ hai cũng giống như điều trước" và Chúa Giêsu đưa ra luật yêu người. Nghĩa là Ðức Giêsu đã xếp luật Yêu thương người nặng với luật mến Chúa. Nói cách khác, Chúa Giêsu đã nâng luật yêu người lên cao bằng luật mến Chúa.

Phía trên đã nói rằng mọi người, không phân biệt là có đạo hay không có đạo, đều trân trọng tình cảm yêu thương. Tuy nhiên tình thương của người ta có nhiều cấp bực khác nhau: thương một người bạn thì không bằng thương anh em ruột, thương anh em cũng không bằng thương cha mẹ, và thương ai cũng không thể nào bằng thương người tình của mình. Ðối với một người có đạo, thì họ nghĩ phải thương yêu Chúa trên hết, kế đó mới là tình thương đối với những người khác. Còn Chúa Giêsu thì dạy phải đặt tình thương người và tình thương Chúa ngang nhau. Nghĩa là ta thương Chúa bao nhiêu thì cũng phải thương người bấy nhiêu. Nói cách khác, ta phải coi người ta như Chúa vậy, và phải thương người ta như thương Chúa vậy. Ðó chính là điểm độc đáo thứ nhất của Tình Thương Công Giáo.

2/ Nhưng thương người là thương ai? Về điểm này, chúng ta lại đọc thêm đoạn Tin Mừng của Thánh Luca để bổ túc cho đoạn của thánh Marcô quá ngắn gọn. Thánh Luca chép thêm rằng người luật sĩ ấy sau khi nghe Chúa Giêsu nói về luật thương người, thì hỏi một câu tương tự như câu hỏi tôi vừa đặt ra: Nhưng thương người là thương ai? Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn về người xứ Samaria tốt bụng đã tốn công tốn tiến cứu giúp một người Do thái, tức là một kẻ thù của dân Samaria. Ý nghĩa dụ ngôn ấy là: ta phải coi mọi người là người thân, do đó phải biết thương tất cả mọi người, cho dù đó là một người chưa hề quen biết, cho dù đó là một kẻ thù của chúng ta.

Thiết tưởng cũng cần giải thích về bối cảnh của đoạn Tin Mừng này. Người Do thái cũng có luật thương người, luật ghi rõ phải thương người thân cận. Theo lối hiểu của người Do thái, thì người thân cận tức là người cũng dân tộc, cùng tín ngưỡng với mình. Còn những kẻ thuộc dân khác, thuộc đạo khác thì không phải là người thân cận nên không buộc phải thương. Bấy giờ Chúa Giêsu qua dụ ngôn về người Samaria đã thương yêu giúp đỡ một người Do thái khác dân tộc và khác tín ngưỡng, đã phá bỏ hàng rào ấy. Theo Chúa Giêsu, tình yêu thương không có biên giới. Ta phải thương yêu mọi người, phải coi mọi người đều là kẻ thân cận. Nói cách khác đi, ta không chỉ thương người đồng bào, đồng đạo, đồng chí mà phải thương bất cứ ai ta gặp trên đường đời, bất cứ ai đứng bên cạnh ta trong cuộc đời, ta đều phải thương hết. Người ta thường vẽ ranh giới cho tình thương, người ta thường đặt hàng rào cho tình thương: ai ở trong ranh giới và trong hàng rào đó thì thương hết là thương, còn ai ở ngoài thì là người dưng, người lạ khỏi thèm thương. Ðức Giêsu khi phá bỏ mọi hàng rào, mọi biên giới, tức là thêm một điểm độc đáo nữa cho Tình Yêu thương Công giáo.

3/ Và điểm độc đáo thứ ba, chúng ta thấy ngay trong đoạn văn của Thánh Marcô. "Yêu thương người thân cận như chính mình thì hơn là dâng mọi lễ toàn thiêu và hy lễ". Chúng ta hãy chú ý đến hai chữ Hơn Là. Cho người nghèo một lon gạo, và dâng cho Chúa một bó bông huệ. Việc nào quý hơn. Nếu chưa đọc câu Tin Mừng này, chắc hẳn ai cũng bảo dâng bông huệ cho Chúa là quý hơn. Nhưng câu Tin Mừng này đánh giá ngược lại: cho người nghèo một lon gạo quý hơn. Ðó là điểm độc đáo thứ 3 của Tình thương Công giáo.

Xin trở lại với câu chuyện ban đầu. Người Giáo lý viên đã bí không trả lời được khi người dự tòng cho rằng Tình yêu Thương của Ðạo Công giáo chẳng có gì khác hơn tình yêu thương của các đạo khác, kể cả của người không có đạo. Lý do có lẽ là vì Giáo lý viên ấy không thấy 3 điểm độc đáo của Tình yêu Tin Mừng, mà nhất là đã không thực hiện 3 điểm ấy. Chắc chúng ta cũng vậy thôi. Nếu chúng ta không thực hiện 3 điểm ấy thì danh nghĩa công giáo của chúng ta cũng là vô ích, dù là công giáo nhưng chúng ta chẳng hơn gì một người ngoại đạo. Xin nói rõ hơn để tóm lại và cũng là để kết thúc:

•Chúng ta yêu mến Chúa nhiều lắm. Nhưng nếu chúng ta không yêu thương người bằng Chúa thì chúng ta không hơn gì người ngoại đạo.

•Chúng ta cũng rất yêu thương những người thân của chúng ta, như vợ chồng, cha mẹ, anh chị em, con cái... Nhưng nếu chúng ta không coi tất cả mọi người cũng là người thân và không yêu thương họ như yêu thương người thân, thì chúng ta cũng không hơn gì những người ngoại đạo.

•Chúng ta thường dâng lễ vật cho Chúa như dâng hoa, xin lễ, dâng việc hy sinh hãm mình, những việc lành phúc đức v.v... Nhưng có một thứ lễ vật mà Tin Mừng nói còn quý hơn những lễ vật kể trên, mà Chúa rất thích chúng ta dâng, đó là lễ vật tình thương mà ta đối xử với mọi người. Mỗi lần đến Nhà thờ dự lễ, chúng ta đừng quên mang theo những lễ vật tình thương ấy.

* 2. Hai giới răn đi đôi          

Các tín đồ Hồi giáo rất coi trọng luật buộc hành hương thánh địa Mecca vì đây là nơi sinh của đức giáo chủ Mahomet.

Ngày xưa vua các loài mèo cũng đi hành hương thánh địa Mecca. Khi vua mèo trở về, vị vua các loài chuột nghĩ rằng mình có bổn phận phải đến chúc mừng. Tuy nhiên các bề tôi chuột ái ngại cho tính mạng của vua mình. Họ tâu: "Mèo là kẻ thù của chúng ta. Không thể tin cậy được". Nhưng vua chuột đáp: "Ông ta đã đi hành hương thánh địa, cho nên chắc là tâm tính của ông đã thay đổi".

Thế là vua chuột tìm đến hoàng cung của vua mèo. Mới tới cửa thì vua chuột đã thấy vua mèo đang nằm mọp cầu kinh rất là sốt sắng. Vua chuột thấy an tâm, tiến vào gần hơn chút nữa. Ðột nhiên vua mèo chồm lên định vồ lấy vua chuột. Rất may là nhờ nhanh hơn nên vua chuột kịp phóng ra ngoài thoát thân.

Khi vua chuột trở về nhà, các bề tôi hỏi: "Phải chăng là sau khi hành hương thánh địa trở về, vua mèo đã thay tâm đổi tính?" Nhưng vua chuột đáp: "Các ngươi đã đoán đúng, còn ta thì sai".

Câu chuyện tưởng tượng trên muốn giúp ta thấy rằng thật là nguy hiểm nếu tách riêng hai giới răn mến Chúa và yêu người.

Thiên Chúa là tình yêu và là nguồn của mọi tình yêu. Vì thế nếu yêu Chúa thật thì cũng phải yêu người. Một tôn giáo chỉ lo yêu Chúa mà không biết yêu người là một tôn giáo không hợp ý Chúa và không phải là tôn giáo thật.

Nơi nào không có tình yêu, ta hãy gieo tình yêu và ta sẽ gặt được tình yêu
Nơi nào không có tình yêu, ta hãy đặt tình yêu vào đấy và ta sẽ tìm thấy tình yêu
Tôi đi tìm Chúa nhưng tôi không gặp được Ngài
Tôi đi tìm linh hồn tôi nhưng linh hồn trốn né tôi
Tôi đi tìm người láng giềng, và tôi gặp được cả ba.
(Viết theo Flor McCarthy)

* 3. Mến Chúa yêu người
         
Trong báo Los Angeles ngày 13-13-1997 có đăng lá thư của một độc giả ở Sun City, California gởi cho nữ ký giả Ann Landers - người phụ trách mục "Giải đáp thắc mắc" như sau:

Bà Ann thân mến

"Ba tôi đi làm sáu ngày một tuần, còn mẹ tôi lúc nào cũng bận rộn với việc lau chùi nhà cửa, giặt giũ, nấu ăn. Cả hai người đều lớn lên trong những gia đình không bộc lộ tình cảm. Ông bà tôi không bao giờ bộc lộ tình cảm dành cho cha mẹ tôi và chẳng bao giờ nói với họ rằng họ được yêu thương. Vì vậy, cũng dễ hiểu là tại sao ba mẹ tôi đã không bộc lộ tình cảm hay nói những lời thương mến với chúng tôi.

Cuộc đời tôi đã thay đổi khi tôi lên chín tuổi. Hôm ấy có dịp ở lại qua đêm ở nhà một cô bạn. Mẹ cô hôn cả hai chúng tôi khi cho chúng tôi lên giường ngủ. Cử chỉ ấy đã biến đổi đời tôi. Tôi quá cảm động vì hành vi yêu thương ấy, đến nỗi tôi không thể ngủ được. Tôi nghĩ: "Ðây mới thực là cách lẽ ra ba mẹ phải làm cho mình". Khi về nhà, tôi đã giận ba mẹ một thời gian. Nhưng vì không thể giận ba mẹ hoài vì tính tình sẵn có của họ.

Ðây là điều tôi đã làm để thay đổi tình hình: Tôi bắt đầu hôn mẹ tôi thường xuyên đến nỗi mẹ tôi phải bật cười. Tôi đã kết hôn khi lên 17 tuổi và đã có hai con khi chưa đầy 20. Tôi thường hôn chúng đến khi má chúng ửng hồng. Khi nói chuyện với mẹ tôi trên điện thoại, tôi nói: "Mẹ ơi! Con thương Mẹ!" Sau một thời gian, cuối cùng mẹ tôi cũng đã nói được với tôi: "Mẹ cũng rất thương con". Tôi chưa được nghe như thế bao giờ. Sau lần ấy vài tuần khi tôi đến thăm mẹ, bà hỏi tôi: "Những cái hôn của mẹ đâu?" Khi tôi sắp về mẹ tôi bảo: "Mẹ thương con. Con biết mà phải không?"

*

Ðạo Do thái dựa trên 10 điều răn. Nhưng qua các thế hệ, họ chú giải thêm thành 613 luật. Trong đó có 248 luật khuyên làm và 365 luật cấm làm. Họ không đồng ý với nhau về điều luật nào trọng nhất, nên hôm nay một luật sĩ đã đến hỏi Ðức Giêsu: "Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?" Người đáp: "Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn giới răn thứ hai: Hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi" (Mc.12,30-31). Giới răn thứ nhất trích trong sách Ðệ Nhị luật đoạn 6, câu 5. Giới răn thứ hai rút trong sách Thứ luật đoạn 19, câu 18. Vậy Ðức Giêsu đã nâng luật mến Chúa ngang với luật yêu người. Người đã kết hợp thành một luật duy nhất: "Mến Chúa yêu người". Nó như hai mặt của một đồng tiền, không thể tách rời nhau được. Thánh Gioan quả quyết: "Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là một kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Ðấng mà họ không thấy" (1Ga.4,20).

Vậy bắt đầu yêu thương từ đâu? - Trước tiên, hãy yêu thương những người trong gia đình mình, những người gần gũi thân thiết nhất trong trái tim ta. Không yêu được các thành viên trong gia đình, chúng ta không thể yêu thương người khác. Không yêu thương người khác, chúng ta cũng không thể yêu mến Thiên Chúa.

Người đàn bà ở Sun City bằng những lời nói yêu thương, những cử chỉ âu yếm, những đón tiếp chân thành đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người thân yêu trong gia đình. Từ đó, như vết dấu loang tình yêu lan tỏa ra bên ngoài. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: "Hãy tử tế khi còn gần nhau để sau này khỏi hối hận khi đã xa nhau".

Cũng thế với những lời nói yêu thương, những nghĩa cử chân thành, chúng ta sẽ làm tươi mát biết bao cuộc đời. Lúc đó, chúng ta sẽ ra khỏi sự hạn hẹp của tình yêu con người, để vươn cao tới tình yêu Thiên Chúa. Bởi vì, thước đo tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa là tình yêu của chúng ta đối với nhau. Thánh Augustinô mô tả: "Tình yêu có đôi chân đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy nỗi bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở và nỗi buồn phiền của tha nhân". Thomas Merton nói: "Không yêu thương và nhân từ với kẻ khác, thì tình yêu chúng ta dành cho Ðức Kitô chỉ là tưởng tượng". Rosalie còn khẳng định: "Nước thiên đường không dành cho những người cằn cỗi yêu thương".

*

Lạy Chúa, để gặp gỡ tha nhân chúng con phải mở to đôi mắt, để đón tiếp tha nhân chúng con phải dọn dẹp cho trống trải lòng mình, để yêu thương anh em chúng con phải biết quên mình.

Xin cho chúng con luôn xác tín: Chúng con chỉ kính mến Chúa khi thực sự yêu thương anh em. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

* 4. Thứ tội phạm nhiều nhất

Thứ tội mà chúng ta phạm nhiều nhất là tội không yêu thương. Tuy nhiên chúng ta lại không coi đó là tội, vì chúng ta vẫn nghĩ cái gì làm hại đến người khác mới là tội.

Một người kia bán một chiếc xe "dỏm" cho một người khách lạ. Một hôm anh vừa đi nhà thờ xưng tội ra thì gặp một người bạn. Người bạn nói: "Chắc là anh có kể cho Cha giải tội nghe chuyện anh bán chiếc xe dỏm?" Anh đáp lại: "Tôi chỉ xưng các tội thôi. Còn chuyện buôn bán thì có ăn thua gì tới ông cha đó"

Một nguy hiểm lớn cho những tín hữu thường đi nhà thờ là không thấy sự liên hệ giữa điều họ làm ở nhà thờ ngày Chúa nhật với điều họ làm trong tương quan với người khác vào những ngày trong tuần.

Nhiều người xét mình theo đủ mọi điều răn nhưng không hề xét tới những tội thiếu sót; thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ngay thẳng trong việc làm ăn, thiếu tôn trọng những người cùng sống chung với mình v.v. Ðối với những người đó, đạo và đời hoàn toàn tách biệt nhau.

Ðức Giêsu nói với người kinh sư "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Ông đã biết liên kết hai giới răn mến Chúa và yêu người thành một, đó là một bước. Ông chỉ cần bước thêm bước thứ hai nữa là vào được Nước Thiên Chúa, bước đó là thực hành điều ông biết. (Viết theo Flor McCarthy)

* 5. Các bậc thang yêu thương

Maimonides là một thầy giáo người Do Thái rất nổi tiếng ở Tây ban nha trong thế kỷ 20. Ông đã liệt kê 8 bậc thang yêu thương như sau:

•Bậc thứ nhất và cũng thấp nhất là cho, nhưng cho một cách miễn cưỡng.

•Bậc thứ hai là cho cách vui vẻ, nhưng không tương xứng với nhu cầu của người nhận.

•Bậc thứ ba là cho vui vẻ và tương xứng với nhu cầu người nhận, nhưng đợi người ta xin mới cho.

•Bậc thứ tư cho vui vẻ, tương xứng và không chờ người ta xin.

•Bậc thứ năm là cho một cách nào đó khiến người-nhận nhận được của cho đồng thời biết được người-cho, nhưng người-cho không biết người-nhận.

•Bậc thứ sáu là người-cho biết người-nhận nhưng người-nhận không biết người-cho.

•Bậc thứ bảy là cho, nhưng cả người-cho và người-nhận đều không biết nhau.

•Bậc thứ tám cao nhất, là thấy trước nhu cầu người-nhận nên cho để người-nhận khỏi rơi vào cảnh nghèo khổ.

* 6. Chuyện minh họa

Một người nghèo kia đi từ nhà này sang nhà khác để ăn xin. Nhưng chẳng ai cho ông một đồng hay một mụn bánh, trái lại ông còn nhận được rất nhiều lời xua đuổi, thậm chí chửi rửa.

Một ngày mùa đông, ông bị trượt té gãy chân. Có người đi ngang thấy thế đưa ông vào bệnh viện. Khi dân chúng hay tin có người nghèo bị té gãy chân và đang phải nằm bệnh viện, họ kéo đến rất đông, họ an ủi ông, họ đem thức ăn đến cho ông. Khi ông rời bệnh viện, họ còn cho ông những quấn áo ấm và cả một số tiền nữa.

Trở về nhà, người ấy nói với vợ: "Ngợi khen Chúa vì đã làm một phép lạ là cho tôi được gãy chân!"

Sớm giúp cho người ta khỏi té còn tốt hơn là khi người ta té rồi mới giúp.

*

Ðức Giêsu đã dạy rằng: Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như chính mình; không có giới răn nào khác quan trọng hơn hai giới răn này. Cầu xin Chúa giúp chúng ta hiểu và sống đúng lời dạy của Chúa:

1. Xin cho mọi thành phần trong Hội thánh luôn thực thi đúng lời Chúa dạy / để chứng minh cho mọi người hiểu rằng: người công giáo mến Chúa là để yêu người / và yêu người là để chứng tỏ lòng mến Chúa.

2. Xin cho mọi nhà cầm quyền trong xã hội hiểu biết rằng / lòng mến Chúa của người Công giáo không gây thiệt hại gì cho tình yêu đồng loại / trái lại còn giúp họ yêu thương đồng bào trọn hảo hơn.

3. Xin cho mọi người đang thiếu tình thương, thiếu sức khỏe, không có công ăn việc làm / gặp được những người thật tình giúp đỡ vì lòng mến Chúa và vì lòng yêu thương họ.

4. Xin cho mọi người trong cộng đồng họ đạo chúng ta / biết bày tỏ lòng mến Chúa yêu người một cách thành thật và cụ thể / để loại trừ thói giữ đạo bề ngoài và giả hình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con sau khi được bồi dưỡng lòng mến Chúa yêu người nhờ Thánh lễ, biết thực thi lòng mến Chúa yêu người đó với mọi người chung quanh trong cuộc sống hằng ngày. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô. Amen!

Thánh Ca : Dòng Đời Ngược Xuôi - Vân Khánh ;



YÊU THƯƠNG CHÚA & YÊU THƯƠNG THA NHÂN
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Tôi cảm thấy có lý để tin là nếu anh chị em hỏi bất cứ một người Công Giáo nào đã đến tuổi khôn, “Hai giới răn cao trọng nhất là gì?” thì họ sẽ nói, “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và hết linh hồn mình và yêu thương tha nhân như chính mình.”Hãy hỏi một người, “Ông/Bà có yêu mến Thiên Chúa không?” “Chắc chắn là có chứ. Tôi yêu mến Thiên Chúa. Tôi yêu mến Thiên Chúa, tôi tin Chúa và tôi yêu mến Chúa.”

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa hỏi, “Làm thế nào các ngươi nói là yêu mến Thiên Chúa Đấng các ngươi không nhìn thấy, nhưng lại không yêu thương tha nhân, con người mà các ngươi nhìn thấy?” Mệnh lệnh của Thiên Chúa rất rõ ràng. Chúa Giêsu Kitô nói, “Nếu anh em yêu mế thầy, anh em sẽ tuân giữa lời Thầy.” Anh chị em thấy trong Mười Giới Răn thì ba giới răn đầu tiên liên quan đến Thiên Chúa và bẩy giới răn sau liên quan giữa anh chị em với tha nhân. Thiên Chúa truyền cho chúng ta yêu thương tha nhân. Đó là cách chúng ta bày tỏ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Chúng ta không thể nói là chúng ta yêu mến Thiên Chúa nếu chúng ta không yêu thương tha nhân. Tôi nghĩ là ai cũng hiểu điều đó.

Yêu Thương Tha Nhân

Anh chị yêu thắc mắc, “Được, vậy thì tôi sẽ phải làm gì cho tha nhân?” Tha nhân có mặt ở khắp nơi trên thế giới, bởi thế mà anh chị em gởi qùa cứu trợ cho những người tị nạn ở Rwanda, anh chị em giúp những người ở Somalia, và sẽ lo cho những người khác ở đất nước này. Anh chị em sẽ rất quan tâm đến việc lo cho những người vô gia cư. Qua việc đóng thuế anh chị em giúp hỗ trợ và lo cho những người cần đến trợ cấp an sinh. Đó là yêu thương tha nhân. Anh chị em yêu thương người láng giềng sống ở phía cuối đường và giúp đỡ họ nếu họ gặp trở ngại khó khăn. Anh chị em nói, “Đó là người hàng xóm với tôi.” Anh chị em hiến máu cho hội Hồng Thập Tự bởi vì anh chị em giúp đỡ tha nhân, tỏ tình yêu thương của anh chị em với tha nhân.

Nhưng thỉnh thoảng khi về đến gần nhà, anh chị em lại thấy không có tình yêu thương cho người thân cận. Thí dụ, khi vừa vào đến nhà, các ông chồng, quí ông có yêu thương vợ mình như Chúa Kitô yêu Hội Thánh không? Qúi bà vợ, các bà có yêu thương chồng, sẵng sàng hy sinh cho chồng, ngay cả hiến mạng sống sống của mình cho ông ấy không? Cha mẹ, qúi vị có yêu thương con cái của mình không? Qúi vị có lo cho con cái, hay lại qúa bận rộn đi làm kiếm tiền để có hai nguồn lợi tức cho gia đình? Quí vị gởi con cái vô nhà trẻ và tự hỏi tại sao con cái lớn lên không hiểu biết các giới răn Chúa và không yêu kính cha mẹ như chúng có bổn phận yêu kính. Quí vị có tỏ dấu yêu thương con cái hay không khi qúi vị bỏ bê con cái mình để quan tâm đến những thứ thuộc về thế gian này? Còn về người anh hay người em mà qúi vị đã không thèm nói chuyện suốt mười lăm năm qua thì sao? Qúi vị có yêu thương họ không? Làm thế nào qúi vị có thể nói là mình yêu mến Thiên Chúa nếu qúi vị không yêu người thân cận của mình? Những người thân cận của anh chị em chính là cha mẹ, các anh chị em của quí vị, con cái của qúi vị, vợ hay chồng của qúi vị. Họ là những người thân cận giống như bất cứ người nào khác. Tuy vậy, nhiều lần những người này lại là những người ít được chúng ta yêu thương nhất. Đây là những người ít được yêu thương và ít được quan tâm đến. Hãy để ý nghe cách người ta đôi khi nói chuyện trong gia đình. Khi có khách đến thăm nhà thì họ rất lịch thiệp tử tế và họ ăn nói nhẹ nhàng với nhau, nhưng khi khách không có mặt ở đó thì có nhiều to tiếng, la lối quát tháo om xòm. Như thế thì làm thế nào anh chị em nói là anh chị em yêu thương tha nhân khi mà người thân cận sống ngay trong nhà với anh chị em và anh chị em lại không bày tỏ tình yêu thương mà Thiên Chúa muốn thấy anh chị em thực hiện? Vậy mà anh chị em nói, “Có chứ, tôi có yêu mến Thiên Chúa.” Anh chị em không thể nói anh chị em yêu mến Thiên Chúa nếu anh chị em không yêu thương tha nhân.

Nhận Diện Tha Nhân

Và có người láng giềng khác thì sao, người láng giềng đó là đứa trẻ chưa được sinh ra, đứa trẻ còn đang nằm trong bụng mẹ? Bạn nghĩ sao về người láng giềng đó? Qúi vị có yêu thương người láng giềng đó không? Chúng ta biết là ngay từ lúc thụ thai, đứa trẻ trong bụng mẹ là một con người. Chúng ta, những người Công Giáo, biết điều đó. Đó là một sự thật.

Ngày 8 tháng 12 chúng ta mừng lễ Đức Mẹ Đầu Thai Vô Nhiễm Tội. Đó là một tín điều của Giáo Hội Công Giáo. Tín điều Đầu Thai Vô Nhiễm Tội tuyên nhận rằng ngay từ lúc đầu thai, khi Thiên Chúa đặt linh hồn vào trong thân xác của Đức Mẹ, Đức Maria đã không bị vương nhiễm tội tổ tông. Đức Mẹ được tràn đầy ơn thánh từ lúc đầu thai. Đó là giáo lý của Giáo Hội Công Giáo và nếu anh chị em không tin vào tín điều đó thì anh chị em là người phản đạo. Nếu anh chị em không tin rằng Đức Mẹ, một thụ tạo, đã được đầu thai vô nhiễm nguyên tội, nếu không tin như thế thì anh chị em là người phản đạo.

Khi thiên thần hiện ra với Đức Mẹ và nói với Đức Mẹ là ngài sẽ trở nên mẹ của Đức Giêsu Kitô, chỉ trong vài ngày, ngài đã đi thăm người chị họ là Elizabeth, người đã có thai được sáu tháng. Elizabéh nói, “Khi nghe tiếng nói của em, thì hài nhi trong lòng chị nhẩy mừng,” bởi vì con trẻ Gioan đã biết mình đang ở trước sự hiện diện của Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô. Do đó không có sự nghi ngờ về sự thật là ngay từ lúc vừa thụ thai, đứa trẻ trong bụng là một con người. Và anh chị em tỏ bao nhiêu tình thương cho người láng giềng ấy nếu anh chị em là người phò phá thai? Làm thế nào anh chị em có thể nói là anh chị em yêu thương người láng giềng nếu anh chị em lại muốn giết người láng giềng? Tất cả chúng ta có trách nhiệm bảo vệ và yêu thương người láng giềng vô tội của chúng ta. Người yếu đuối nhất trong các người láng giềng của chúng ta là các thai nhi, và anh chị em có bổn phận đòi buộc yêu thương các em nhỏ đó.

Bảo Vệ Tha Nhân

Chúng ta sẽ có cuộc bầu cử vào vào đầu tháng 11 này và anh chị em xưng mình là người Công Giáo, tuyên xưng là yêu mến Thiên Chúa, anh chị em phải bày tỏ tình thương của anh chị em đối với người láng giềng của mình. Do đó anh chị em phải giúp đỡ, cầu nguyện, và bảo vệ các thai nhi. Khi đến ngày bỏ phiếu, anh chị em không thể nói là anh chị em thích quan điểm về kinh tế của ứng cử viên này, anh chị em thích quan điểm của họ về vấn đề ngân qũi quốc gia, và những vấn đề khác, nhưng nếu ứng cử viên đó là người ủng hộ phá thai, anh chị em không thể bầu cho người đó. Nó là điều phản luân lý để anh chị em bầu cho một người phò phá thái, bởi vì một ứng cử viên cho văn phòng cơ quan chính quyền là người được thuê mướn để đại diện cho anh chị em. Anh chị em bầu cho họ để đại diện cho anh chị em trong chính quyền và nếu người đó ủng hộ phá thai và sẽ làm những gì họ có thể làm để hỗ trợ cho việc phá thai được dễ dàng, tiện lợi và tạo ngân khoải trả phí tổn cho việc phát tai, thì anh chị em tham dự vào việc giết người. Đây là vấn đề anh chị em phải cân nhắc cẩn thận. Anh chị em nói đó là bầu ở một lãnh vực. Nếu anh chị em sẽ bỏ phiếu giết tôi, thì tôi sẽ có một vấn đề bầu phiếu rất tầm trọng. Chúng ta có bổn phận yêu mến Thiên Chúa hết lòng và hết linh hồn mình. Chúng ta có bổn phận yêu thương tha nhân của chúng ta. Từ một đứa trẻ bị đe dọa nhất ngay từ trong bụng mẹ cho đến ngày một người đi vào cõi đời đời, chúng ta phải yêu thương họ. Chúng ta phải yêu thương người láng giềng ngay cả nếu cần chúng ta phải thay đổi chính phủ để cổ võ cho quan điểm này. Chúng ta phải nhận lấy trách nhiệm này cách nghiêm chỉnh. Nếu anh chị em có quyền bỏ phiếu, thì hãy làm mọi cách để đi bỏ phiếu. Và hãy bảo đảm là anh chị em sẽ không bầu cho người nào ủng hộ phá thai bởi vì nếu anh chị em làm như thế có nghĩa là anh chị em thuê mướn một kẻ giết người. Anh chị em tạo cơ hội cho việc giết người. Phá thai là giết người. Anh chị em không thể nói mình yêu mến Thiên Chúa nếu anh chị em không yêu thương tha nhân. Nếu anh chị em không yêu thương tha nhân từ lúc thụ thai cho đến lúc chết, thì ah chị em không yêu mến Thiên Chúa. Hãy yêu Thiên Chúa hết lòng và hết linh hồn, hãy yêu thương tha nhân như chính mình. Người láng giềng của anh chị em là tất cả nhân loại.

Nếu anh chị em yêu tất cả nhân loại, thì anh chị em có thể thẳng thắn nói, “Đúng, tôi có yêu mến Thiên Chúa.”

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.Amen!

Thánh Ca : Sự Sống Thay Đổi Mà Không Mất Đi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét