Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2011

Phúc âm Lễ Chúa Nhật thứ 5 TN (ngày 06/02/2011)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe chương trình tĩnh tâm và bài giảng với chủ đề " "MUỐI CHO ĐỜI" của Linh Mục GiuSe Micae Nguyễn Trường Luân, CSsR SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI MÔN ÐỆ CHÚA Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái 1. Hướng chiếu của ánh sáng Ánh sáng chiếu ra ngoài nó hay chiếu vào trong nó? Ðương nhiên là chiếu ra. Cây đèn có sức chiếu sáng, nhưng không phải chiếu cho nó mà cho chung quanh nó. Chính Ðức Giêsu đã nói: "Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên giá hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của chúng con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời". Hình ảnh cây đèn rất đơn sơ, nhưng lý giải được rất sâu sắc những bế tắc của đức tin nơi nhiều người môn đệ Chúa: Tại sao đức tin của họ không lớn mạnh lên mà còn nhỏ yếu đi? Tại sao đức tin ấy như không đủ sức nâng đỡ cuộc sống của họ trong những lúc gian nan, chứ đừng nói chi đến nâng đỡ người khác? Câu trả lời của cây đèn rất đơn giản mà rõ ràng: tại vì họ là đèn, thế mà chỉ biết quanh quẩn lo chiếu vào trong mình chứ không chiếu ra ngoài. Nhiều người môn đệ Chúa cứ mãi lo tuân giữ luật Chúa, mãi lo tham dự đầy đủ các ngày lễ, mãi lo những sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội... Họ tưởng mình như thế là sống đức tin rồi đấy. Nhưng họ cứ băn khoăn: Tại sao Giáo Hội không phát triển? Tại sao nội bộ Giáo Hội cứ lục đục hoài? Khi so sánh đức tin của người môn đệ với cây đèn và hạt muối, Ðức Giêsu đã đưa ra một định hướng rất rõ: đức tin là để tỏa ra, đức tin là phải hướng đến người khác. Nếu không tỏa ra, đức tin sẽ là hạt muối lạt, cây đèn sẽ tắt... Chỉ còn ném bỏ. Như thế, cách nuôi lớn đức tin là tập quên mình để sống cho người khác, sống vì người khác. Khi các tín hữu, nghĩa là người có đức tin, biết hướng đến người khác thì Giáo Hội sẽ phát triển, những khó khăn nội bộ của Giáo Hội cũng dần dần biến tan. 2. Sức sáng của tình thương Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy làm ngọn đèn chiếu sáng trước mặt thiên hạ. Còn trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia dạy chúng ta cách nào để cho đời mình thành đèn chiếu sáng: cách tiêu cực là không khinh bỉ người khác, loại bỏ những tranh chấp, hăm dọa, nói xấu...; cách tích cực là chia cơm cho kẻ đói, chia áo cho người nghèo, làm cho người đau khổ được hạnh phúc... Và Isaia bảo đảm: "Như thế, sự sáng của ngươi sẽ tỏa rạng như hừng đông, các vết thương của ngươi sẽ lành mạnh nhanh chóng... ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong đêm tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày". Chúng ta đã biết mình có bổn phận làm gương sáng. Isaia dạy cho chúng ta biết thêm: không gương sáng nào sáng bằng tình thương; không việc làm nào chiếu sáng bằng việc yêu thương. 3. Sứ mạng ướp mặn cuộc đời Thời nay, những sứ điệp nói có một tầm quan trọng rất lớn (Radio, Tivi, sách báo v.v.) Trong Thánh Lễ, bài giảng rất quan trọng. Những nhà thờ có cha giảng chán thì giáo dân thưa thớt, ngủ gục, lo ra... Những nhà thờ có cha giảng hùng hồn, mạch lạc, truyền cảm thì giáo dân đông đúc, sinh động... Tuy nhiên phẩm chất của lời nói và của người nói càng quan trọng hơn. Ðó là kinh nghiệm tâm đắc của Phaolô, vị tông đồ thành công nhất của Giáo Hội: "Lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rủ của sự khôn ngoan loài người", "Tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh", "Tôi đến với anh em trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy"... Xem thế, Thánh Phaolô thành công không phải vì ngài nói hay, mà vì tư cách, phẩm chất và cả con người của ngài thấm mặn Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, đến nỗi ngài có thể nói "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Ðức Kitô sống trong tôi". Nhờ đó, khi ngài đi đến đâu, tiếp xúc với ai thì chất mặn của muối Tin Mừng từ trong ngài tỏa ra và thấm vào mọi người chung quanh. 4. "Chúng con là ánh sáng thế gian" Nên để ý một chút đến văn phạm của câu nói này: Ðức Giêsu không khuyến khích "Chúng con hãy là ánh sáng", mà Ngài khẳng định "Chúng con là ánh sáng". Quả thực, chúng ta là ánh sáng, bởi vì khi tạo dựng chúng ta, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khả năng làm những việc thiện giúp cho người khác: - Chúng ta có đôi mắt để thấy - Chúng ta có đôi tai để nghe - Chúng ta có đôi tay để chăm sóc - Chúng ta có đôi chân để bước tới - Chúng ta có lưỡi để nói - Chúng ta có quả tim để yêu thương Nhưng tiếc thay, vì lười, vì ích kỷ, vì hèn nhát, ngọn đèn của chúng ta dần lu mờ đi và có khi tắt ngấm. Xin Chúa giúp chúng ta dám tin vào ánh sáng của mình và vào khả năng làm điều thiện của mình. 5. Chuyện minh họa Ngày xưa có một nhà nghiên cứu Thánh Kinh suốt ngày ở trong phòng để tìm hiểu Lời Chúa và cầu nguyện, suy gẫm. Một hôm hay tin có một vị thánh nhân đến thành phố mình, nhà nghiên cứu này hăng hái đi tìm. Ông tìm ở các nhà thờ lớn mà không gặp. Ông tìm ở các nhà nguyện nhỏ cũng không gặp. Tìm đến các dòng tu cũng không gặp. Cuối cùng đang khi đi ngang chợ thì ông gặp được vị thánh ấy. Ông liền trình bày thao thức của mình, cũng là lý do chính khiến ông muốn gặp vị thánh: - Xin Ngài chỉ cho con biết làm thế nào để nên thánh. Vị thánh hỏi lâu nay nhà nghiên cứu đã làm gì. Nhà nghiên cứu cũng thành thật kể rõ mọi việc. Cuối cùng vị thánh đưa ra lời khuyên: - Làm thánh trong phòng thì dễ thôi. Hãy ra chợ và cố gắng làm thánh ở đó. TRUYỀN GIÁO Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R. Chúa Giêsu từng khẳng định: “Ta là sự sáng thế gian” (Gn 9:5). Ngài đến để “chiếu soi kẻ ngồi trong bóng tối sự chết và cho dân nằm trong tối tăm được thấy vầng sáng lớn lao” (Mt 4:16). Khi nói với các môn đệ: “Các con là ánh sáng cho trần gian”, chắc hẳn Chúa Giêsu muốn mời gọi họ trở nên giống Ngài. Như thế, những người theo Chúa phải trở nên ngọn hải đăng toả sáng để dẫn lối cho mọi tâm hồn, không phải chỉ cho những tín hữu trong lòng Giáo hội nhưng còn cho những ai chưa biết Đức Kitô, tiến đến với nguồn sống đích thực là chính Ngài. Trước tiếng gọi tha thiết gần như một lệnh truyền đó, tôi băn khoăn tự hỏi: Ánh sáng đời tôi đang toả rạng hay đã tắt ngấm theo các ngọn gió quái ác của giòng đời? Ánh sáng ấy đang soi chiếu trong vùng tăm tối của cuộc sống trần gian hay chỉ rạng tỏ trong bốn bức tường của nhà thờ? Niềm tin vào Chúa Giêsu nơi tôi có đủ mạnh để nung cháy mọi hành vi, thái độ, và quyết định của mình chăng, hay lối sống của tôi lại đang hùa theo thế tục để làm cho bóng tối càng thêm dày đặc và đêm đen xuất hiện ngay giữa ban ngày? Nỗi băn khoăn chân thành đó thúc đẩy tôi một cuộc tra vấn trong thế tương quan giữa mình với xã hội nhân loại hôm nay: Khi xã hội lấy tiền bạc làm thước đo phẩm giá con người để rồi với tiêu chuẩn đó người ta sẵn sàng gian dối, bất công, độc ác, và thu tích tối đa, liệu tôi có cương quyết để sống chân thực, công bình, nhân ái, và trao ban quảng đại không? Khi xã hội đang tìm cách huỷ diệt mầm sống của người này để chữa bịnh cứu nguy cho người kia, bất chấp luân thường đạo lý, liệu tôi có dám giương lên ngọn cờ thập giá, đi vào cuộc chiến hy sinh chính mình cho sự sống tha nhân chứ không phải đè đầu ép cổ tha nhân để sự sống của mình được nâng cao không? Tôi có bảo vệ mầm sống con người hay cũng khử trừ phôi thai vì những lợi lộc và tham vọng riêng tư? Khi có biết bao cảnh phân ly, hận thù, tan vỡ trong xã hội, nhiều đoàn thể xung khắc, nhiều gia đình bất hoà, ly dị, liệu tôi có nỗ lực xây đắp gia đình, xứ đạo được chan chứa tình thương, và nhờ đó ánh sáng cùng hơi ấm của nó sẽ không ngừng lan toả đến với mọi người xung quanh chăng? Khi thế giới đang bị tục hoá, không ít người xông xáo chạy theo tiếng ồn của vật chất bên ngoài, liệu tôi có biết tìm về với cõi lặng thinh của tâm hồn để gặp gỡ Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống cho muôn vật muôn loài không? Khi tự vấn như thế, tôi cảm thấy dường như đời mình chưa sáng đủ. Thảng hoặc có le lói vài ba tia, cũng chỉ là để danh tôi được chú ý và thân tôi được an nhàn. Những việc tốt tôi làm chẳng qua cũng vì tư lợi, chứ không phải để “danh Cha cả sáng” như Đức Giêsu mong muốn: “Sự sáng của các con phải chiếu giải ra trước mắt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành các con làm mà ngợi khen Cha trên trời” (Mt 5:16). Đã có lần Đức Giêsu dạy người ta: khi làm việc thiện, không nên thổi loa; khi bố thí, đừng cho tay phải biết điều tay trái làm, khi thực hành công đức, chớ phô trương trước mặt dân chúng (Mt 6:1-3). Ấy thế mà hôm nay Ngài lại bảo “hãy chiếu giải việc lành của các con trước mặt thiên hạ”? Phải chăng lời Chúa quá mâu thuẫn? Chắc chắn không phải thế. Trái lại, cả hai lời khuyên bảo trên càng làm nổi bật trách nhiệm của người Kitô hữu: phải qui hướng mọi sự tốt lành về cho Thiên Chúa và phải thực thi mọi điều tốt lành để minh chứng Thiên Chúa đang hiện hữu trong vũ trụ này. Sống sao để muôn dân nhìn vào và ngợi khen Cha trên trời phải là hướng đi cho mọi hành vi, thái độ, lời nói, và ứng xử của tôi. Vì đó là sống Tin Mừng, và đó cũng là sống truyền giáo. Một thầy dòng chuyên về giáo dục có kể lại câu chuyện sau: Hai cô gái cùng học một trường, ở chung một phòng. Nhưng một người có đạo, còn người kia lại là ngoại giáo. Các ngày trong tuần, hai cô bận rộn miệt mài với sách vở. Chỉ có thứ Bảy và Chúa nhật mới có thời giờ để đi đó đây. Thường thường, đến ngày cuối tuần, cô ngoại giáo hay rủ cô kia đi chơi xa hoặc mua sắm: hôm thì rủ đi shopping vì đang có “sale” ở Nostrom, Robinson, hay Eastridge; hôm thì rủ đi coi phim hay tham dự party; nhưng hầu như lúc nào cô gái có đạo kia cũng đều từ chối, viện lẽ phải đi tập hát ca đoàn, tham dự tĩnh tâm, hay có công tác đặc biệt gì đó ở nhà thờ. Sau bao lần “bị” cô ngoại giáo kì kèo năn nỉ, cô có đạo vẫn khăng khăng cự tuyệt lại còn trách nhẹ: -“Bạn kì ghê, đã mấy lần người ta từ chối mà cứ rủ hoài. Thật mình không hiểu nổi!” -“Người không hiểu nổi phải là mình chứ không phải bạn”, cô kia đáp lại. -“Tại sao vậy?” Cô có đạo ngạc nhiên. -“Nếu bạn thấy đi lễ, tập hát, tĩnh tâm là điều sung sướng, sao bạn không rủ mình đi với”. Dường như lắm khi người ta giữ đạo chứ không truyền đạo. Làm thật nhiều điều tốt nhưng có lẽ chỉ vì luật buộc hay sợ sa hoả ngục chứ chưa có tinh thần rao giảng Tin Mừng là làm cho “danh cha được ngợi khen” qua việc chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho đồng loại. Nếu chỉ biết tìm đến đạo nơi nhà thờ, hay tệ hại hơn, xem việc sống đạo, giữ luật Chúa, tuân theo giáo huấn Giáo hội như một gánh nặng thì làm sao hồn tôi có được Tin Vui để chia sẻ và loan truyền. Và như thế không chừng cuộc sống tôi đã không làm “rạng danh Cha”, lại còn làm “hổ danh Cha” thì xót xa biết mấy. Thế nên, là người Kitô hữu, tôi cần phải không ngừng chấn chỉnh ý thức sống đạo và truyền đạo của mình. Tôi không thể lên thiên đàng đơn độc và cũng chẳng xuống hoả ngục bơ vơ. Dù đi đến đâu cũng sẽ có một đoàn người, nhiều hay ít, đi cùng. Với niềm tin èo uột lạnh căm, tôi đang đẩy người ta xa rời chân lý yêu thương và cứu độ. Còn nếu niềm tin trong tôi toả sáng nơi ánh mắt, tiếng cười, lời nói, hành vi… chắc chắn sẽ làm lắm kẻ nhận ra Thiên Chúa là Cha của mình. “Vậy dù ăn, dù uống, dù làm sự gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cor 10:31). Xin cùng cầu nguyện với 3 phút bằng thánh vịnh đáp ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét