Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Phúc âm Chúa Nhật 3 TN (23/01/2011)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe chương trình tĩnh tâm và bài giảng với chủ đề " THEO CHÚA VÁC THẬP GIÁ" của Linh Mục Phê Rô Bùi Quang Tuấn . CSsR BÌNH MINH CỦA MỘT THỜI ÐẠI MỚI: NƯỚC TRỜI ÐÃ ÐẾN GẦN Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái 1. Cuộc phiêu lưu vĩ đại từ một vùng đất bị khinh khi Ðối với dân thủ đô, Galilê chỉ là tỉnh lẻ. Ðối với người mộ đạo sùng tín, miền Bắc thật đáng ngờ vực. Ðó là miền hầu như thuộc ngoại bang, nơi hội tụ dân ngoại. Một dân cư pha tạp, nông dân và ngư dân có giọng nói nặng chịch vốn là đề tài phong phú cho các câu chuyện diễu cợt hằng ngày... Trong khi những tín đồ chính thống ở kinh đô nghiền ngẫm sự khinh khi, chiêm ngưỡng sự siêu việt của mình, chế diễu và tránh xa những người bị loại trừ ở phía Bắc, thì Ðức Messia, Cứu Chúa, Ánh Sáng muôn dân, tới cư ngụ tại Capharnaum, bên bờ hồ. Xa khỏi kinh đô vĩnh hằng, khỏi thói ngạo mạn, tự tôn, và sự mù quáng của họ... Chính trên bờ hồ chứ không phải trên các bậc cấp của đền thờ, giữa đám ngư phủ bận rộn chứ không phải nơi những vị tư tế chuyên lo phụng tự mà Ðức Giêsu sẽ chọn các môn đệ của Người. Ðúng là một nước cờ ngược lại mọi logic. Chính những người ít khả năng nhất, ít được chuẩn bị nhất lại là những người đầu tiên nhận được ánh sáng và đi theo Ðấng là "đường, sự thật và sự sống". Ngay tức khắc, thành phần lao động đơn sơ chất phác nhưng có trái tim nhạy bén đã tin tưởng vào ngôn sứ... Những người tội lỗi bỗng nhiên bị chất vấn, đã cảm thấy ánh sáng mà ngay những kẻ rắc rối khó tính nhất cũng phải nhượng bộ... và họ đã đi theo Người. Cuộc phiêu lưu vĩ đại đã khởi đi từ một miền đất bị nguyền rủa. Thế giới mới đã ăn rễ sâu vào vùng đất nhơ uế nhưng cởi mở đón tiếp mọi bất ngờ của Thánh Thần, của Thiên Chúa... (F. Delectos, được trích bởi Fiches dominicales, trang 169-170). 2. Con đường sáng Cuộc đời chúng ta đầy dẫy bóng tối: tối tăm về sự thật: cho dù có nhiều phương tiện truyền thông, Nhưng khó mà biết sự thật. tối tăm về tương giao: ngay cả những người sống cạnh nhau cũng chưa hiểu nhau. tối tăm do tội lỗi, do mù quáng, do cố chấp hẹp hòi... tối tăm do hoàn cảnh bên ngoài nhiều bất công, gian dối, thù hận... Trong khung cảnh tối tăm ấy, chúng ta hãy nhớ những lời của Ðức Giêsu: "Ta là ánh sáng thế gian" (Ga 9,12); "Hãy tin vào ánh sáng và các ngươi sẽ trở thành con cái sự sáng" (Ga 12,36). Nhưng tin vào ánh sáng là gì? Là tin vào mặc khải của Ðức Giêsu, cũng như 4 môn đệ đầu tiên trong bài Tin Mừng hôm nay. Họ đã nghe tiếng gọi của Ngài, đã từ bỏ tất cả để đi theo Ngài. Ngài sẽ giải đáp cho tất cả những băn khoăn thắc mắc của chúng ta; Ngài sẽ cho ta biết ý nghĩa cuộc đời ta là gì; Ngài cho chúng ta biết chúng ta có một người Cha trên trời hết lòng yêu thương chúng ta; Ngài sẽ dạy cho chúng ta biết sống yêu thương như thế nào; và cuối cùng Ngài sẽ dẫn chúng ta về nhà Cha trên trời. 3. Sự hiệp nhất các kitô hữu Chúa nhựt hôm nay nằm trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các kitô hữu. Các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay cung cấp nhiều chất liệu cho chúng ta suy nghĩ về sự hiệp nhất này: Bài đọc 1: Ðức Giêsu là ánh sáng bừng lên giữa thế gian. Ngài muốn soi sáng tất cả mọi người, kể cả các anh em ly khai, những người lạc giáo, những người lương và những người vô thần... Bài đọc 2: Ðức Giêsu đã chịu chết vì mọi người và cho mọi người. Nếu các kitô hữu chia rẽ nhau thì chẳng khác gì Ðức Giêsu bị chia năm xẻ bảy sao! Bài đáp ca: "Ðiều tôi tìm kiếm khấn xin, là luôn được ở trong nhà Chúa tôi". Tại sao những anh em cùng tin Ðức Kitô lại không sống hòa thuận với nhau trong cùng một ngôi nhà của Chúa? Bài Tin Mừng: "Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần". Tất cả mọi người, dù là công giáo hay tin lành, chính thống v.v. đều phải sám hối về những tội lỗi của mình để có thể được vào Nước Chúa. 4. Chuyện minh họa "Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng" a/ Làm phép nhà Một bà kia mời linh mục đến làm phép nhà mình. Bà hướng dẫn cha đi rảy nước thánh mọi nơi trong nhà: phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, phòng ăn... Cha thấy chỗ nào cũng sạch sẽ và ngăn nắp. Cho nên chỗ nào cha cũng rảy nước thánh, kể cả cầu thang. Ngay cả hai con mèo đang nằm ngủ trên một bậc thang cũng được cha rảy nước thánh, khiến nó giật mình thức dậy kêu meo meo và chạy vội đi nơi khác, và mọi người hiện diện phải phì cười. Sau khi làm phép xong mọi nơi ở nhà trên thì đến hầm kho. Bà chủ nhà chần chừ không muốn dẫn cha xuống. Vị Linh mục hỏi: - Sao thế? - Dưới đó dơ lắm. - Càng dơ thì càng phải làm phép chứ. - Nhưng nó lộn xộn lắm. - Càng lộn xộn càng phải làm phép. - Và nó tối tăm lắm. - Cho nên phải mang ánh sáng đến cho nó. Lời bàn: Con người chúng ta cũng giống như một gian nhà. Những nơi mình muốn che giấu nhất chính là những nơi tối tăm xấu xa nhất. Nhưng đó cũng là những nơi cần mang ánh sáng tới nhất. b/ Mang ánh sáng đến chỗ tối tăm Một ngày kia Mẹ Têrêsa Calcutta đến Melbourne, Australia. Mẹ đi thăm một người nghèo không ai biết đến. Ông sống trong một căn phòng rất tồi tệ, đồ đạc dơ bẩn ngổn ngang. Phòng không có cửa sổ mà cũng chẳng có lấy một bóng đèn. Mẹ Têrêsa bắt tay vào thu dọn đồ đạc. Ông gắt lên: "Cứ để yên mọi thứ cho tôi". Nhưng Mẹ cứ tiếp tục. Sau khi mọi thứ đã ngăn nắp, Mẹ Têrêxa tìm thấy một chiếc đèn trong một góc phòng. Ðèn bám đầy bụi, chứng tỏ lâu lắm rồi không ai đụng đến. Mẹ lau chùi sạch sẽ rồi hỏi: - Sao lâu nay ông không thắp đèn lên? - Thắp làm chi. Có ai đến thăm tôi đâu. Tôi đâu cần thấy mặt ai. - Thế ông có hứa sẽ thắp đèn lên khi một nữ tu của tôi đến thăm ông không? - Vâng, nếu tôi nghe có tiếng ai đến thì tôi sẽ thắp đèn lên. Từ đó, mỗi ngày, hai nữ tu của Mẹ Têrêxa đều đến thăm ông và giúp đỡ ông. Một hôm ông nói với một trong hai nữ tu ấy: - Bây giờ tự tôi đã biết thu dọn phòng tôi rồi. Nhưng xin làm ơn về nói với nữ tu đầu tiên rằng ngọn đèn mà Bà đã thắp lên đến nay vẫn sáng. ÁNH SÁNG GIỮA ÐÊM ÐEN Lm. Mark Link Một số du khách đang đi viếng thăm các hang động Carlsbad nổi tiếng ở Mễ Tây Cơ. Họ đang ở trong một cái hang khổng lồ thì đèn bỗng nhiên bị tắt ngúm. Trong đám người đang quờ quạng trong tăm tối này. Có hai đứa bé: một đứa trai 8 tuổi và đứa em gái của nó 5 tuổi. Tình trạng này thật là khủng khiếp nhất đối với trẻ con. Vì thế cô bé đột nhiên khóc thét lên. Lúc đó người ta nghe thằng anh 8 tuổi của nó lên tiếng: "Ðừng lo, Amy, đằng kia sẽ có người bật đèn sáng trở lại bây giờ!". Câu chuyện trên là một minh hoạ tuyệt vời cho lời tiên tri của Isaia trong bài đọc thứ nhất. Thánh Matthêu đã áp dụng chính lời tiên tri này vào việc Gíang lâm của Chúa Giêsu trong bài Phúc âm hôm nay: "Dân chúng đang sống trong tăm tối sẽ nhìn thấy ánh sáng vĩ đại. Ánh sáng đó sẽ toả chiếu trên những kẻ sống trong vùng tối tăm chết chóc". Thực vậy, trước khi Chúa Giêsu giáng lâm, thế gian ở trong tình trạng tối tăm và đáng sợ y hệt như tình trạng các hang động Carlsbab sau khi đèn đuốc tắt ngúm. Bóng đêm dữ dội và kinh khiếp quá đến nỗi nhiều người phải than khóc. Nhưng ngay giữa tình trạng hãi hùng này đã vọng lên tiếng nói trấn an của Isaia, là vị tiên tri đã hứa với dân chúng rằng chẳng bao lâu nữa một ánh sáng vĩ đại sẽ xuất hiện để phá tan màn đêm tăm tối. Và lời hứa của Isaia đã được thực hiện viên mãn khi Chúa Giêsu giáng lâm. Các tác giả tu đức bảo chúng ta rằng điều đã xảy ra đến với Israel trên bình diện một dân tộc thì cũng sẽ xẩy đến với mỗi người chúng ta xét trên bình diện cá nhân. Nói cách khác, trong đời sống chúng ta có những lúc ánh sáng vụt tắt khiến chúng ta rơi vào tăm tối y hệt như dân chúng phải sống trong tối tăm trước khi Chúa Giêsu giáng lâm. Hoặc nói theo hình ảnh các hang động Carlsbab, cuộc sống chúng ta có những lúc ánh sáng vụt tắt bỏ mặc chúng ta rơi vào tăm tối giống như cô bé 5 tuổi đầy sợ hãi. Những lúc như thế, chúng ta cần biết rằng vẫn có người biết bật ánh sáng lên trở lại. Một ví dụ rất tuyệt vời minh hoạ điều chúng ta đang bàn là trường hợp Darryl Stingley. Cuối thập niên 1970, Darryl Stingley, một cầu thủ thuộc hàng đầu thế giới, là thành viên của đội bóng New England Patriot. Một buổi chiều tháng tám nọ, trong một trận đấu trước mùa bóng, Daryl đã bị cầu thủ Jack Tatum của đội Oakland Raiders chơi xấu rất nặng. Cú va chạm mạnh vào xương do Tatum gây ra khíên chàng vận động viên 27 tuổi đời này bị tê liệt từ ngực trở xuống. Hiện nay Darryl chỉ có thể sử dụng được một bàn tay và suốt ngày phải quanh quẩn với chiếc xe lăn chạy bằng điện. Ðối với Darryl Stingley, chiều hôm tháng tám ấy, ánh sáng đã tắt lịm rồi. Thế nhưng, Darryl không bao giờ đầu hàng. Chàng biết rằng đằng kia vẫn có một người có thể bật ánh sáng lên trở lại. Chàng tin vào lời tiên tri Isaia: "Dân chúng đang sống trong tăm tối sẽ nhìn thấy ánh sáng vĩ đại. Ánh sáng đó sẽ chiếu dọi trên những kẻ đang sống trong tối tăm chết chóc". Và khi Ánh sáng đã bùng lên trở lại cho Darryl thì Ánh sáng ấy lại rạng rỡ hơn bao giờ hết. Darryl hiện vẫn phải ngồi xe lăn và không bước bộ được nhưng chàng đã có được một tầm nhìn hoàn toàn mới mẻ về chính mình và cuộc sống. Trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Newsweek Darryl nhấn mạnh rằng về một số phương diện, cuộc sống hiện nay của chàng tốt đẹp hơn lúc trước. Chàng nói về những ngày còn chơi bóng với đội Patriots như sau: "Tôi đã từng có một thị kiến lờ mờ. Tôi chỉ muốn được trở thành một vận động viên giỏi hết sức có thể, nên rất nhiều sự việc vào thời gian đó đã bị lơ là bỏ qua. Giờ đây tôi đã trở về lại với dân chúng." Stingley còn nói rõ hơn với phóng viên tờ Chicago Tribune rằng tấn thảm kịch đã biến cuộc sống của chàng nên tốt hơn một cách mới mẻ lạ lùng: "Ðối với tôi đây là một cuộc tái sinh. Không chỉ về mặt thể lý mà còn về mặt tâm linh nữa... Hiện nay, tôi đã thực sự tìm được nhiều ý nghĩa và mục đích hơn cho cuộc sống hơn bất cứ thời điểm nào trước đây". Ðó là những lời thật khó tin thốt ra từ miệng một chàng thanh niên mà giấc mơ trở thành ngôi sao bóng đá đã bị lịm tắt và chôn vùi trong chiếc xe lăn. Tuy nhiên, quý vị còn nghe được những lời tương tự nơi hàng trăm con người đã từng trải qua những thời kỳ tăm tối như thế trong cuộc đời họ. Một khi ánh sáng bừng lên trở lại, thì ánh sáng ấy lại chói lọi hơn bao giờ hết. Và điều ấy cũng đúng với trường hợp chúng ta. Cái chết của một vị hôn thê sau bao năm dài chung sống, sự ruồng rẫy của một tình nhân, giấc mơ thành đạt trong kinh doanh bị tan vỡ, sức khoẻ bị tiêu tán... Tất cả những điều này có thể quẳng chúng ta vào bóng đêm tăm tối tạm thời. Tuy nhiên, một khi thảm kịch như thế đổ xuống cho mình, chúng ta chỉ cần nhớ lại lời tiên tri Isaia: "Dân chúng đang sống trong tăm tối sẽ nhìn thấy ánh sáng vĩ đại. Ánh sáng ấy sẽ chiếu dọi trên những kẻ đang sống trong vùng tối tăm chết chóc". Chúng ta chỉ cần nhớ lại lời cậu bé trong hang trấn an cô em gái nhát sợ của mình: "Ðừng lo! Anny, đằng kia sẽ có người bật đèn sáng trở lại bây giờ". Hoặc chúng ta chỉ cần nhớ lại những lời tương tự mà Darryl Stingley đã từng nói với phóng viên tờ Chicago Tribune "Ðối với tôi, đây là một cuộc tái sinh... Thực sự tôi đã tìm ra được nhiều ý nghĩa và mục đích hơn cho cuộc sống hơn bất cứ lúc nào trước đây". Và một khi ánh sáng đã trở lại với chúng ta điều này chắc chắn sẽ xảy ra -- chúng ta sẽ thấy Ánh sáng ấy rạng rỡ hbao giờ hết. Chúng ta hãy kết thúc với bài ca phổ biến do Ðức Hồng Y Newman sáng tác. Bài ca này diễn tả cuộc tìm kiếm chính lộ của Ngài để bước theo Chúa Giêsu. Hồng Y Newman viết bài ca này khi còn là một thanh niên từ Ý vượt biển trở về cố hương của Ngài là Anh Quốc. Trong lúc con tàu nán lại ở Sicile, chàng trai Newman bị ngã bệnh suýt chết. Trong thời gian bình phục, chàng đã viết lại những dòng sau: Ôi ánh sáng yêu thương, Xin dẫn con đi giữa cơn tăm tối mịt mùng. Xin hãy dẫn dắt con, Vì bóng đêm quá dầy đặc, Mà con lại đang xa nhà. Xin hãy dẫn dắt con, Hãy điều khiển bước chân con. Con không xin đựơc trông thấy Cảnh tượng từ đằng xa, Mà chỉ xin được dẫn đi từng bước, Từng bước một thôi! HIỆP NHẤT TRONG ĐỨC KITÔ Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R. Chuyện kể một nhà buôn nọ rất sùng đạo. Mặc dầu vất vả làm ăn nhưng anh ta không bao giờ bỏ việc khấn vái với thần thánh. Gặp kỳ cạnh tranh gay gắt trong công việc, anh ta càng gia tăng lời khẩn cầu gấp bội. Động lòng trắc ẩn, một hôm thần tiên hiện ra với anh và nói: “Thấy nhà ngươi thành tâm cầu xin nên ta không nỡ chối từ. Thôi bây giờ cứ cho ta biết ngươi muốn gì, ta sẽ ban cho… và đồng thời để tỏ cho nhân gian biết lòng quảng đại của ta thì hễ ban cho ngươi điều chi, ta cũng ban cho đồng nghiệp hay hàng xóm của ngươi như thế… và có khi gấp đôi luôn”. Nghe thần phán, lòng anh thương gia chuyển từ vui mừng hân hoan qua sầu buồn lo lắng. Anh tự nhủ: “Nếu bây giờ mình xin một chiếc Lexus thì mấy đứa bạn… chúng nó sẽ được hai chiếc. Thế thì không được! Nhưng nếu mình xin cho được trúng số 5 triệu thì mấy nhà hàng xóm… họ sẽ được tới 10 triệu. Thế lại càng không được! Còn nếu xin cho có vợ đẹp con khôn thì coi chừng đồng nghiệp sẽ có vợ đẹp gấp đôi vợ mình, con khôn gấp đôi con mình… Đó là chưa nói tới chuyện chúng nó được hai vợ, trong khi mình chỉ có một… Thời buổi cạnh tranh như thế này thì phải làm sao cho hơn người chứ. Nhưng xin như thế thì làm sao mà hơn được”. Chàng thương gia nhíu mày đắn đo. Một lát sau, chợt anh reo lên như vừa tìm ra điều gì thú vị. Anh đến quì xuống và thưa với thần: ‘Lạy ngài, xin vui lòng cho tôi đui một con mắt”. Quả là một lời khẩn cầu quái lạ! Không xin cho mình được may mắn vì sợ người khác trỗi hơn. Song lại xin cho mình rủi ro để kẻ khác sẽ bị tổn hại nhiều hơn. Xin cho mình đui một con mắt để kẻ khác mù luôn. Đây quả là tiểu nhân và dã tâm. Thế nhưng, nếu thành thật rà soát lòng mình thì không chừng tính chất dã nhân và tiểu tâm kia, tức là những đố kỵ, ghen ghét, nhỏ nhen, tàn bạo lại đang ẩn nấp đâu đó trong người tôi, để nếu được thành công may mắn hơn ai thì nó sẽ nằm im bất động. Thảng hoặc, nó còn tỏ ra “quảng đại” và “thương xót” kẻ không may. Nhưng nếu ai đó trỗi vượt hơn mình thì cái chất tiểu tâm và dã nhân kia sẽ bùng lên khó lòng dập tắt. Chính tính chất đố kỵ, ghen tương, so bì kia đã là mầm mống của bao chia rẽ, bè phái, tranh chấp, phân ly, giận hờn, đui chột, mù loà trong cộng đồng nhân loại. Lắm người chẳng chịu nhường bước ai; điều gì của mình cũng đúng hơn, đẹp hơn, tốt hơn, và như thế kẻ khác tất phải sai hơn, xấu hơn, và dở hơn. Tình trạng hơn thua làm nảy sinh phe nhóm bè phái, cùng với bao tranh chấp ghét ghen, không chỉ sảy ra ngoài đời, trong các đoàn thể chính trị xã hội, nhưng phải đau lòng mà nói: có khi nó còn xuất hiện trong những tổ chức mang danh có đạo, hay thuộc về giáo hội. Và đâu phải chỉ có trong Giáo hội của thời đại hôm nay, nhưng từ thời sơ khai, hiện tượng tranh chấp, phe nhóm cũng đã xảy ra: “Tôi, tôi về phe Apollo. Tôi, tôi về phe Phaolô. Còn tôi, tôi về phe Kêpha Phêrô”. Sự phân chia phe nhóm trong cộng đoàn thế kia, một phần là do các sở thích và tình cảm cá nhân quá nặng. Một số thấy Phaolô là con người cương trực, ăn thẳng nói ngay, nên phục và mến lắm. Nhưng số khác thì không chịu nổi tính khí đó, nên đã chạy theo Phêrô, vị này vừa là thủ lãnh tông đồ lại vừa “dễ dãi, sao cũng được”. Thơ Galat có kể rằng khi vắng mặt các thành viên Do thái trong cộng đoàn Thánh Giacôbê, Phêrô đã ngồi ăn chung, uống chung với dân ngoại, nhưng khi thấy họ đến thì ông lại tránh đi. Thế nên một lần kia Phaolô đã trách Phêrô trước mặt mọi người: “Nếu ông, một người Do thái, ông còn sống như người ngoại chứ không như người Do thái, thì làm sao ông lại thúc bách người ngoại sống như Do thái được?” (Gal 2:14). Có lẽ vì Phêrô lỏng lẻo như thế nên nhiều người thích và đi theo ủng hộ. Trong khi đó một số khác lại khoái Apollo. Ông này ăn nói lưu loát, có khả năng diễn thuyết hùng hồn, bao biện luận để minh chứng Chúa Giêsu là Đức Kitô thật là sắc bén và chí lý. Thế nên họ thích nghe hơn, và rồi cái gì Apollo nói cũng đúng cũng hay, còn Phaolô thì cứng quá, và Phêrô lại mềm mỏng quá. Những khuynh hướng lưu luyến và tình cảm nặng tính riêng tư đó đã tạo nên phân rẽ trầm trọng cộng đồng Dân Chúa thời sơ khai, đến nỗi Phaolô đã kêu lên: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh em hãy lo cho được đồng tâm hiệp ý với nhau. Đừng chia rẽ, nhưng hãy đoàn kết trong cùng một thần trí và một tâm tình” (1 Cor 1:10). Thiết tưởng, lời kêu gọi đó vẫn còn vang vọng cho đến hôm nay, trong mọi cơ cấu tổ chức của giáo xứ, cộng đoàn, và gia đình. Hãy đồng tâm ý hiệp với nhau. Đừng vì khuynh hướng, sở thích, quan điểm, hay tình cảm cá nhân chi phối mà ủng hộ, hợp tác với người này người nọ hoặc chống đối, chê bai, lạnh lùng với người kia. Lời Thánh Phaolô vẫn còn đó: Đức Kitô bị phân chia rồi sao? Chân lý và Tin Mừng của Đức Kitô bị xé mảnh rồi sao? Và Tin Mừng làm sao có được trong ghen ghét, tị hiềm, đố kỵ, phân ly, xâu xé. Có chăng chỉ là tin buồn thôi. “Nhân danh Đức Kitô, tôi nài xin anh em hãy liên kết trong cùng một thần trí và một tâm tình”. Thần trí đó là thần trí yêu thương, và tâm tình đó là tâm tình khiêm hạ. Chớ ao ước những điều bất chính, khổ đau cho kẻ khác. Đừng muốn mình chột để người ta bị mù. Nhưng hãy cầu cho nhau những sự may lành. Hãy “vui với người vui”, vì điều đó đôi khi còn khó hơn “khóc với người khóc”. Hãy tạ ơn Thiên Chúa cho nhau. Và điều quan yếu, hãy hiệp nhất với nhau. Hiệp nhất chính là tinh thần và sứ mạng của Chúa Giêsu mà những ai tự xưng là môn đệ của Ngài phải tiếp nối. Bởi lẽ Chúa Giêsu đến thế gian không mục đích nào khác hơn là gieo trồng hiệp nhất: hiệp nhất con người lại với Thiên Chúa, hiệp nhất con người lại với nhau, hiệp nhất bao tan vỡ tâm hồn hầu qua đó tình thương của Thiên Chúa, bình an từ trời cao, và niềm vui ơn cứu độ được tuôn trào đến khắp trần gian. Tình thương, bình an, và niềm vui đó cũng chính là phần thưởng muôn đời cho những ai can đảm bước trên con đường mà Đức Giêsu đã đi. Mời các bạn cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét