Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2011

Phúc âm Chúa Nhật 2 TN - Chiên Thiên Chúa (16/01/2011)

Nguồn : www.40giayloichua.net CHÚA GIÊSU LÀ AI? Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái 1. Ðộc hành hay đồng hành Khi phải làm một chuyến hành trình dài, người ta cần có bạn đồng hành, để có bạn đường mà chia vui xẻ buồn, nói chuyện với nhau, và giúp đỡ nhau. Hai môn đệ hành trình Emmau nhờ đi chung với nhau nên đã san sẻ cho nhau nỗi buồn nặng trĩu sau những biến cố đau thương xảy ra tại Giêrusalem. Họ lại có được một bạn đồng hành nữa là Ðức Giêsu Phục Sinh. Chính Người Bạn đồng hành này đã xóa tan mọi sầu lo của họ và làm cho niềm tin của họ sống lại. Ðời người trên dương thế là một cuộc hành trình dài thăm thẳm, không biết bao giờ mới xong, cũng không chắc sẽ đi đến đích hay không. Vậy mà có nhiều người cứ mãi độc hành: một mình tìm đường, một mình đi, một mình xoay trở trước những khó khăn... Thật là phiêu lưu! Mùa thường niên của năm Phụng vụ cũng là một cuộc hành trình, nhưng không phải độc hành, mà là đồng hành với Chúa Giêsu: chúng ta cùng với Ngài đi qua những chặng đường từ Nadarét đến Galilê để tới Giêrusalem; từ gian khổ đến vinh quang; từ chết đến sống lại. Có Ngài cùng đi với chúng ta, chúng ta không sợ lạc đường. Cùng đi với Ngài, cho dù nhiều lúc gặp khó khăn, chắc chắn chúng ta sẽ tới đích. Chúa Giêsu đồng hành với chúng ta nghĩa là Ngài sẽ vui khi chúng ta vui, Ngài sẽ buồn khi chúng ta buồn; chúng ta đồng hành với Chúa Giêsu cũng có nghĩa là ta sẽ được vui niềm vui của Ngài và buồn với nỗi buồn của Ngài. Ðời ta không cô độc, buồn tẻ... Tuy chỉ là "mùa thường niên" không có những lễ trọng, nhưng nếu chúng ta sống mùa này như một người đồng hành với Chúa, cuộc đời chúng ta chắc chắn sẽ rất có ý nghĩa. 2. Người Con và Người Tôi Tớ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu với hai nét tương phản nhau: Ngài là Người Con yêu quý của Thiên Chúa cao sang, và Ngài là Người Tôi Tớ khiêm tốn thấp hèn. Thực ra hai nét trên không đối chọi nhau mà làm nổi bật nhau và soi sáng cho nhau: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa cao sang do cách Ngài sống như một Người Tôi Tớ; và Ngài là Người Tôi Tớ tuyệt hảo bởi vì Ngài là Con Thiên Chúa cao sang. Nhìn Chúa Giêsu, chúng ta rút ra được một triết lý sống: sống cao thượng trong hoàn cảnh tầm thường; và sống hoàn cảnh tầm thường với tâm hồn cao thượng. Cùng sống với Chúa Giêsu qua những biến cố mỗi tuần trong Mùa thường niên này, chúng ta có thể thực hiện được triết lý sống tuyệt vời ấy. 3. Con Chiên gánh tội trần gian Thời Cựu Ước, trong ngày lễ Ðền tội, người Do Thái bắt một con chiên đem đến cho Tư tế. Vị Tư Tế đọc một danh sách các thứ tội của dân và kêu gọi mọi người sám hối. Sau đó Tư Tế đặt tay trên đầu con chiên, ngụ ý trút hết danh sách tội ấy lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Con chiên ấy được gọi là con chiên gánh tội. Khi Thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu Ðức Giêsu là "Con Chiên Thiên Chúa, Ðấng gánh tội trần gian", phải chăng Thánh Gioan cũng có ý rằng Ðức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi chúng ta nên từ nay loài người không còn tội gì nữa? Ðơn giản và dễ dàng thế sao? Quả thực Ðức Giêsu đã gánh lấy tội trần gian. Việc này có nghĩa là nhờ Ngài mà tội lỗi chúng ta được tha thứ. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không phải làm gì cả. Cần phân biệt rõ giữa tội và thân phận tội lỗi. Ðức Giêsu gánh lấy và tha thứ tội lỗi chúng ta, như con chiên đã mang tội lỗi dân Do Thái vào sa mạc. Nhưng thân phận tội lỗi của chúng ta vẫn còn. Và Ðức Giêsu muốn giúp chúng ta cải thiện thân phận ấy, dĩ nhiên là với sự hợp tác của chúng ta. - Ngài giúp chúng ta thế nào? Bằng cách đến với chúng ta, sống gần chúng ta, gieo vào mảnh đất tâm hồn chúng ta hạt giống sự tốt lành và thánh thiện của Ngài. - Chúng ta hợp tác thế nào? Bằng cách tiếp nhận Ngài, sống với Ngài và để cho những hạt giống ấy lớn lên trong lòng mình. Sự tha thứ của Chúa và bí tích giải tội không phải là một thứ phù phép, mà là một trợ lực, một hạt giống. 4. "Ngài cao trọng hơn tôi" Ngày xưa một vì vua bảo một ông quan: "Khanh hãy đi khắp đất nước tìm về cho trẫm một người tốt". Ông quan này tính tình hung dữ, gian dối và không có bạn. Sau một thời gian đi tìm, ông trở về triều, tâu: "Thần đã đi khắp nơi, gặp hết mọi người. Nhưng chẳng tìm được người nào tốt cả. Ai cũng hung dữ, gian dối và không có bạn". Nhà vua sai một quan khác: "Khanh hãy đi khắp đất nước tìm về cho trẫm một người xấu". Ông này có lòng nhân từ, quảng đại và được mọi người thương mến. Sau một thời gian đi tìm, ông cũng trở về triều và tâu: "Hạ thần không thể chu toàn sứ mạng mà Bệ Hạ giao phó. Hạ thần đã gặp nhiều người gian lận, trộm cắp, tham lam... Nhưng chẳng có người nào thực sự xấu cả. Dù họ đã làm những điều ấy, nhưng trong thâm tâm ai cũng tốt" Câu chuyện trên muốn nói rằng ta có khuynh hướng nhìn người khác không theo lòng họ mà theo lòng ta. Thánh Gioan Tẩy giả thì không thế. Nếu như mọi người thì Gioan sẽ coi thường Ðức Giêsu, bởi Ngài đến sau ông; chẳng những thế ông còn coi Ngài là đối thủ của ông, bởi Ngài đang lấn dần ảnh hưởng của ông. Nhưng Gioan đã nghe theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần nên đã hiểu đúng về Ðức Giêsu và đã nhiệt tình giới thiệu Ngài cho mọi người: "Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi vì Ngài cao trọng hơn tôi". 5. Ðược kêu gọi nên thánh Trong thư gởi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô định nghĩa tín hữu là "những người được kêu gọi nên thánh". Nhưng "thánh" là gì? Theo thần học, chỉ có một mình Thiên Chúa là "thánh" (Kinh Sáng Danh: "Chỉ có Chúa là Ðấng Thánh"). Theo Thánh Kinh, những ai và những gì thuộc về Thiên Chúa cũng được gọi là "thánh", chẳng hạn Ðền thánh, Luật thánh, thánh nhân...; việc dâng hiến một người hoặc một vật cho Chúa được gọi là thánh hiến. Vậy tín hữu là những người được kêu gọi nên thánh có nghĩa là tín hữu được mời gọi ngày càng thuộc về Chúa hơn, ngày càng giống Chúa hơn. Nhưng làm thế nào để được như vậy? Cách tốt nhất là thường xuyên ở bên Chúa, nhìn vào Chúa và noi gương Chúa. Ðó là điều mà phụng vụ các ngày chúa nhựt quanh năm muốn giúp chúng ta. CHIÊN THIÊN CHÚA Lm. Mark Link Trong sách Samuel quyển hai, tiên tri Nathan có kể cho Vua Ðavit nghe câu chuyện sau: Hai người nọ là công dân trong cùng một thành phố. Một người thì giàu có và thế lực, người kia thì nghèo xơ, cô thân cô thế. Gã giàu nọ có một đàn chiên đông đến nỗi gã đếm không xuể, đang khi anh nghèo nọ chỉ có một chú chiên chỏ xíu. Tuy nhiên, những đứa con của anh nghèo nọ rất thương con chiên ấy và chơi đùa với nó suốt ngày. Chúng mang nó đến cả bàn ăn và chia cho nó phần thức ân ít ỏi của mình. Nathan kể rằng lũ trẻ còn dạy cho con chiên uống nước trong tách nữa và chú chiên ta thật chả khác nào một thành viên trong gia đình. Một ngày nọ, anh chàng giàu phải tiếp đãi một vị khách quan trọng đến thăm hắn. Hắn chẳng muốn giết bất cứ con chiên nào của mình để đãi khách cả. Vì thế hắn truyền cho đám tôi tớ chạy qua nhà anh chàng nghèo nọ, bắt con chiên của anh ta đem giết để đãi khách. Câu chuyện gây xúc động về sự độc ác của gã giàu nọ đó là một trong những hình ảnh của Gioan Tẩy Giả mường tượng trong tâm trí khi ngài đưa ngón tay xương xẩu chỉ vào Chúa Giêsu và nói với các đệ tử của mình: "Ðó là Chiên Thiên Chúa" (Ga 1: 29). Câu chuyện của Nathan về con chiên cưng của anh chàng nghèo nọ chắn chắn thích hợp để áp dụng vào trường hợp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng rất được yêu thương. Và Ngài cũng bị đám người độc ác giết chết cách tàn bạo. Tuy nhiên, trong tâm trí thánh Gioan có một hình ảnh khác khi ngài đưa ngón tay chỉ vào Chúa Giêsu và nói: "Ðó là Chiên Thiên Chúa". Hình ảnh đó là hình ảnh những con chiên bị sát tế mỗi ngày trong đền thờ. Thiên Chúa đã phán với Moisê trong sách Xuất Hành như sau: "Suốt thời gian sắp tới, mỗi ngày các ngươi hãy hiến tế trên bàn thờ hai con chiên tuổi được một năm, một con hiến tế vào buổi sáng, con kia vào buổi chiều." (Xh 29: 38-39) Việc hy tế trong đền thánh được thi hành từ năm này qua năm khác, ngay cả trong thời kỳ rất đói kém, là thời thực phẩm rất hiếm hoi và nhiều người dân bị chết đói. Khi chỉ vào Chúa Giêsu và nói: "Kia là Chiên Thiên Chúa, Ðấng xoá tội trần gian", Gioan đang hình dung trong trí mình những con chiên hy tế được dâng lên mỗi sáng, mỗi đêm trong đền thờ để xoá tội cho dân. Thực ra, Gioan đang nói với các đệ tử mình: "Mỗi ngày chúng ta dâng chiên trong đền thờ vì tội lỗi chúng ta, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu chúng ta khỏi những tội lỗi này". Trước Gioan Tẩy Giả rất lâu, các tiên tri đã nói về người tôi tớ kỳ nhiệm của Chúa một ngày kia sẽ chịu đau khổ và chết như một con chiên... Isaia đã mô tả cái chết đau thương của người tôi tớ này trong chương 53: 7-8 như sau: "Người đã bị đối xử tàn tệ, nhưng vẫn khiêm tốn chịu đựng, như một con chiên sắp bị đưa tới lò sát sinh, Người không hề thốt ra một lời. Người bị bắt, bị tuyên án và bị dẫn tới chỗ chết... Người đã phải chết vì tội lỗi chúng ta". Những lời của tiên tri Giêrêmia cũng rất phù hợp với con người Chúa Giêsu. Trong chương 11 câu 19, Giêrêmia viết: "Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi". Vì thế tước hiệu "Chiên Thiên Chúa" gợi lên hai hình ảnh sống động. Thứ nhất là hình ảnh của tình yêu và lòng trìu mến như chúng ta đã thấy trong câu chuyện của Nathan kể về gã giàu có và anh chàng nghèo nọ. Thứ hai là hình ảnh sự đau đớn và hy sinh như chúng ta thấy trong việc sát tế chiên trong đền thờ và trong trường hợp người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chiên Thiên Chúa còn gợi lên một hình ảnh sau cùng. Chúng ta tìm thấy hình ảnh này trong sách Khải Huyền. Tác giả này áp dụng cho Chúa Giêsu tước hiệu "Chiên Thiên Chúa" không dưới hai mươi tám lần. Tác giả vẫn giữ lại những ghi chú về tình yêu, sự trìu mến cùng nỗi đau khổ và hy sinh, nhưng còn thêm vào đó những ghi chú về vinh quang và khải hoàn nữa. Một ví dụ rất hay về điểm này nằm nơi chương 5 của sách trong đó tác giả mô tả thị kíên của mình về con chiên ngự ở trên ngai. Con chiên được muôn dân vây quanh hát ca khen ngợi bằng bài hát sau: "Ngài đã bị giết và nhờ cái chết hy tế của Ngài, Ngài đã mua chuộc họ về cho Thiên Chúa muôn người thuộc mọi bộ lạc, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia và mọi chủng tộc. Ngài đã biến họ thành vương quốc tư tế để phụng sự Thiên Chúa chúng ta" (Kh 5: 9-10) Bấy giờ các thiên sứ cùng hợp với đám người vây quanh ngai. Tác giả sách Khải Huyền viết tiếp: "Tôi lại ngước nhìn và nghe tiếng các thiên thần, số thiên thần lên tới hàng ngàn triệu! Họ đứng chung quanh ngai và hát to lên: "Con Chiên bị giết đáng được lãnh nhận... Danh dự, vinh quang và tán tụng!... Tán tụng và danh dự, vinh quang và quyền năng đều thuộc về Ngài muôn đời muôn kiếp" (Kh 5: 11-13) và tất cả mọi người đứng quanh ngai hô to: "Amen". Tóm lại, tước hiệu "Chiên Thiên Chúa" gợi lên ba hình ảnh sống động: hình ảnh thứ nhất về lòng trìu mến và tình yêu đối với con chiên, hình ảnh thứ hai về nỗi khổ đau và hy sinh mà con chiên gánh chịu, hình ảnh thứ ba là vinh quang và tán tụng dành cho con chiên. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Chúa Giêsu có rất nhiều tước hiệu như "Ánh sáng trần gian", "Mục tử nhân lành", "Bánh hằng sống"... mà chỉ có tước hiệu "Chiên Thiên Chúa" là tước hiệu duy nhất được dùng trong Thánh lễ. Chẳng hạn, ngay trước khi rước lễ, chúng ta thường hợp ca bài "Lạy Chiên Thiên Chúa". Giây phút rất đặc biệt ấy trong Thánh lễ tiên báo giây phút chung cục của thời gian, khi tất cả muôn dân hiệp cùng các thiên sứ hát lên khúc hát này dâng lên Chúa Giêsu, là Chiên vĩnh cửu của Thiên Chúa. "Ngài đã bị giết, và nhờ cái chết hy tế của Ngài, Ngài đã chuộc về cho Chúa muôn người thuộc mọi bộ lạc, mọi ngôn ngữ, mọi quốc gia, và mọi chủng tộc. Người đã biến họ thành các vương quốc tư tế để phụng sự Thiên Chúa chúng ta... Con Chiên bị giết đáng được lãnh nhận... danh dự, vinh quang và tán tụng!... Tán tụng và danh dự, vinh quang và quyền năng đều thuộc về Ngài muôn đời muôn kiếp! Amen" MÃNH HỔ VÀ CON CHIÊN Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R. “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian”, Gioan chỉ vào Đức Giêsu và tuyên bố như thế trước mặt đoàn dân đông đảo bao quanh, ngay khi Ngài vừa xuất hiện bên bờ sông Giođan để xin thanh tẩy. Không biết phản ứng của dân chúng trước lời tuyên bố đó ra sao, ngỡ ngàng kinh ngạc hay dửng dưng hững hờ? Riêng tôi, một câu hỏi cứ mãi vang dội trong lòng: mãnh lực của ma quỉ đè nặng trên trần gian từ bao đời nay, sự tác oai tác quái của tội lỗi có khác chi “sư tử rống đang rảo quanh loài người tìm mồi cắn xé” như lời thánh Phêrô mô tả (Pr 5:8); ấy thế mà, để giải thoát mãnh lực của quỉ ma và để xoá bỏ tội lỗi cho gian trần, Gioan đã không giới thiệu một “sư tử” hùng mạnh khác hay một con vật uy dũng hơn. Đàng này, hình ảnh ông nói đến lại là “Con Chiên”. Khách quan mà nói, “Chiên” đấu với “sư tử” thì có khác gì “châu chấu đá xe”. Mất mạng, tan xác là điều khó tránh khỏi. Vậy Gioan có ý nghĩa gì khi giới thiệu Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”? Tin Mừng đầy vẻ nghịch lý này phải được lý giải làm sao? Theo nhà chú giải Thánh kinh William Barclay, khi nói “Đây Chiên Thiên Chúa”, Gioan không thể không liên tưởng đến hình ảnh của “con chiên vượt qua” mà người Do thái nô lệ bên đất Ai cập đã sát tế, sau đó dùng máu chiên bôi lên khung cửa hầu thoát nạn. Số là trong đêm cuối cùng trước hôm dân Israel rời bỏ đất Ai cập, thần chết đã băng qua lãnh thổ và tiêu diệt tất cả mọi con trai đầu lòng, từ loài người cho đến loài vật. Riêng các con của người Do thái đã thoát chết, vì họ nghe lời Giavê mà tế sát một con chiên con, dùng máu nó bôi lên khung cửa trước nhà, và khi thấy dấu máu ấy thì thần tiêu diệt đi qua. Như vậy Gioan muốn nói với dân chúng: chính máu của Đức Giêsu cũng nên dấu xoá tội nhân gian và cứu thoát con người khỏi án chết đời đời. Thánh Phaolô, trong thơ gởi tín hữu thành Côrintô, cũng có cái nhìn như Gioan khi viết: “Vì Chiên Vượt qua của ta là Đức Kitô đã chịu tế sát. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ và men gian tà ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền chân thật” (1 Cor 5:7-8). Ngoài ra, Gioan còn là con của một tư tế chuyên lo việc đền thờ. Thế nên, chắc hẳn ông không lạ gì chuyện mỗi ngày hai phiên, một vào buổi sáng và một vào buổi chiều, hai con chiên sẽ được hoả tế để dâng lên Giavê, xin ơn xá tội cho dân (Xh 29:38-42). Công việc này được cử hành thường xuyên trong đền thờ, dù lúc ấy mùa màng thất thoát hay nạn đói hoành hành. Bao lâu đền thờ còn tồn tại bấy lâu chiên vẫn chết hai con một ngày như của lễ đền tội. Như vậy Gioan muốn khẳng định Chúa Giêsu chính là hy lễ đền tội cho nhân loại. Ngài vừa là Thượng tế, vừa là Bàn thờ, lại vừa là Con Chiên chịu sát tế để xoá tội trần gian. Ngày xưa, Giêrêmia và Isaiah đã từng tiên báo về hình ảnh Đấng Cứu thế như “con chiên hiền lành bị đem tới lò sát sinh” hay như “chiên mẹ ngậm câm không hề mở miệng”. Ngày nay Gioan muốn công bố với toàn dân rằng: Đấng mà các tiên tri loan báo thì nay đang xuất hiện trước mắt các ngươi. “Đây là Chiên Thiên Chúa. Đây Đấng xoá tội trần gian”. Như “chiên con dịu dàng” và như “chiên mẹ ngậm câm”, ấy thế mà Đức Giêsu, “Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, đã biến đổi thế giới, mang lại bình an, và khơi nguồn sự sống phong phú cho con người. Sức mạnh của trần gian, uy phong của đồng tiền, quyền năng của khoa học sẽ không thể xoá bỏ và giải thoát nhân loại khỏi mãnh lực của tội lỗi. Chỉ có Đức Giêsu mới làm được chuyện đó. William Bausch có một nhận xét chí lý: trước đây, chủ nghĩa cộng sản xông vào thế giới hùng bạo như con sư tử. Nó muốn giải phóng nhân loại khỏi tội nghèo đói và bất công. Biết bao hệ thống công an chìm, nổi, và tổ chức gián điệp tinh vi được dựng lên, các cơ quan kiểm soát khổng lồ và gắt gao được lập ra, súng đạn giáo mác là những vũ khí không thể thiếu trên con đường tranh đấu. Nhưng rồi “thiên đường” không thấy đâu mà tinh thần lẫn vật chất của người dân cũng bị bòn rút thê thảm. Kết quả chủ nghĩa hung bạo kia phải sụp đổ tan tành. Bên cạnh đó, chủ nghĩa hưởng thụ và cuộc cách mạng tính dục cũng hùng hổ xông vào thế giới, muốn “giải phóng” con người khỏi sự trói buộc, gò bó, khắc kỷ. Nhưng kết quả, chúng lại đẩy con người chìm sâu hơn vào hố huỷ diệt của bệnh AIDS, phá thai, ly dị, tan nát tinh thần. Thế ra, sẽ không một chủ nghĩa nào có thể giải thoát con người nếu nó không phát xuất từ Đức Giêsu Kitô, Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Mặc dù đó là con đường của thập giá hy sinh, là chân thành không gian dối, là bác ái vị tha đối với mọi người, nhưng đó mới chính là con đường “xoá tội trần gian” và mang lại sức sống dồi dào cho cuộc đời. Tin tưởng vào Đức Kitô, bước theo lối đường Ngài mở ra là ta đang đón nhận nguồn ơn cứu độ, cho mình và cho thế giới. Mời các bạn cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét