Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Phúc âm Lễ Chúa Nhật I Mùa Vọng (28/11/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng với chủ đề "HÃY TỈNH THỨC CẦU NGUYỆN" của Linh Mục Phê Rô Bùi Quang Tuấn . CSsR HÃY SẴN SÀNG CHO MỘT TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái 1. Phải biết nuôi hy vọng Alan Platon là một nhà văn Nam Phi, tác giả một quyển sách nhan đề Cry the Beloved Country trong đó ông mô tả hoàn cảnh khốn khổ của nước Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc apartheid. Platon có một giấc mơ: ông mơ có một ngày mà mọi người dân trong đất nước của ông đều được đối xử công bình và bình đẳng. Và để thực hiện giấc mơ ấy, ông đã lao mình vào chính trị, đấu tranh suốt mấy mươi năm để xoá bỏ chế độ apartheid ấy. Nhiều người cho rằng mơ ước và việc làm của Platon là không thể nào thực hiện được. Nhưng ông vẫn kiên trì vì tin rằng ngày mơ ước ấy sẽ đến. Chỉ tiếc là ông đã chết trước khi thấy được ngày đó, nhưng lịch sử chứng minh rằng ông đã đúng. Ngôn sứ Isaia còn có một giấc mơ táo bạo hơn nữa: Ông mơ tới ngày các nước sẽ không còn tuốt gươm chém giết lẫn nhau nữa, người ta sẽ lấy gươm rèn thành lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm, và mọi người sẽ bước đi trong ánh sáng của Chúa. Thật là một giấc mơ tuyệt vời! Có người cho rằng giấc mơ ấy sẽ đến khi Ðấng Messia đến. Người khác cho rằng nó chỉ sẽ đến khi Ðấng Messia lại đến lần thứ hai. Có kẻ nói nó sẽ chẳng bao giờ đến, đó chỉ là nằm mơ giữa ban ngày. Nhưng vẫn có người tin rằng thế nào nó cũng đến nên miệt mài theo đuổi như Alan Platon trong chuyện trên. Một chuyện khác: Một người thợ săn nghe nói tới một con chim đặc biệt có đôi cánh rộng màu trắng rực rỡ. Ðó là con chim đẹp nhất trong các loài chim trên mặt đất. Vì thế người thợ săn không quản ngại đường xa, trèo đồi vượt suối đi tìm nó hết ngày này sang ngày khác, tháng này đến tháng nọ, năm này đến năm kia. Một lần anh đã may mắn thấy được bóng dáng nó ở một khoảng cách rất xa. Nhưng chỉ thoáng thấy là nó bay đi mất. Anh vẫn kiên trì đi tìm. Một ngày kia anh nhặt được một cọng lông trắng của nó. Rồi anh chết đi mà không bao giờ bắt được con chim mơ ước của mình. Cuộc săn tìm của người thợ săn là hình ảnh của loài người tìm kiếm hòa bình. Giấc mơ toàn thế giới vui hưởng thái bình của Isaia có thể không thực hiện được nhưng nó không chỉ đơn thuần là nằm mơ giữa ban ngày, mà giống như một ngọn núi mà ta mơ có ngày sẽ đứng trên đó. Dĩ nhiên muốn thế thì ta không thể cứ ngồi một chỗ mà mơ, hoặc ước chi nó từ trên trời hạ thấp xuống tận chân ta. Ta phải leo, phải có chương trình và kiên trì làm theo chương trình ấy, cho dù có chậm chạp và lâu dài. Ngay cả khi giấc mơ thái bình ấy sẽ không bao giờ được thực hiện trọn vẹn trên toàn thế giới đi nữa, thì việc theo đuổi giấc mơ ấy cũng có ảnh hưởng tốt trên đời ta. Ðiều quan trọng không phải là đạt được mục đích mà là sống có mục đích. Nhiều khi, có một mục đích tốt cho đời mình thì kể như đủ, miễn là không bao giờ ta bỏ mục đích ấy. Thế giới ngày nay nhờ khoa học kỹ thuật tiến bộ có thể làm được hầu như mọi điều, nhưng lại bất lực không tạo ra hòa bình được: bất hòa khắp nơi, trên bình diện lớn như nước này với nước nọ, dân này với dân nọ; hoặc trên bình diện nhỏ như nhóm này với nhóm kia, người này với người khác. Mỗi kitô hữu có thể góp phần mình vào việc thực hiện giấc mơ thái bình của Isaia, bằng những cố gắng xoá bỏ óc kỳ thị, sự đố kỵ, ích kỷ, chia rẻ nhau...; bằng cách gieo rắc hòa thuận, cảm thông, hợp tác... Chúng ta cũng nên biết rằng chúng ta không cô đơn trong những cố gắng ấy, mà có Chúa giúp ta: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi sai Con Một của Ngài đến ở với loài người chúng ta, thiết lập Nước Thiên Chúa ở trần gian này, và cùng đồng hành với chúng ta trong nỗ lực leo lên đỉnh núi thái bình. 2. "Ðây là lúc chúng ta phải thức dậy" Lời Thánh Phaolô trong bài đọc II làm cho chúng ta giật mình. Phải chăng chúng ta đang ngủ vùi? Ðúng vậy, dù mắt chúng ta vẫn mở nhưng thực sự chúng ta đang ngủ trong bóng tối mịt mù: - Chúng ta ngủ vì "những việc làm đen tối" - Chúng ta ngủ vì cứ "chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng" - Chúng ta ngủ vì lòng đầy "tranh chấp đố kỵ" - Chúng ta ngủ vì chỉ "lo lắng thỏa mãn những dục vọng xác thịt". Nhưng Thánh Phaolô nhắc nhở rằng: "Ðêm sắp tàn, ngày gần đến" và "Giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo", vậy "Ðây là lúc chúng ta phải thức dậy". - "Hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày" - Hãy "cầm lấy khí giới của sự sáng" để chiến đấu chống lại những sức mạnh của tối tăm tội lỗi. - Hãy cởi bỏ con người cũ thiên về những dục vọng xác thịt để "mang lấy Ðức Giêsu Kitô". 3. Hai người, hai số phận "Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi". Ðức Giêsu chỉ nói tình trạng như thế thôi chứ không nói rõ lý do tại sao. Tuy nhiên chúng ta có thể biết lý do qua câu chuyện Ngài kể về thời ông Nôe: Ông Nôe chính là người được tiếp nhận, nhờ ông đã tỉnh táo nghe được lời Chúa báo sắp có nạn Hồng thuỷ, và ông đã tích cực chuẩn bị đóng tàu. Còn mọi người khác là những kẻ bị bỏ rơi, vì họ chẳng để ý tới việc gì khác ngoài cuộc sống vật chất, "ăn uống, dựng vợ gả chồng". Những bận tâm đó đã chiếm hết tâm trí họ rồi, còn tâm trí đâu mà để ý đến lời Chúa. Giả như ông Nôe có kể lại cho họ nghe lời cảnh báo của Chúa thì họ cũng không tin và còn cho là chuyện viễn vông, không thiết thực như chuyện "ăn uống, dựng vợ gả chồng". Trong cuộc sống của chúng ta, giữa những bề bộn lo lắng về vật chất, thế tục, Lời Chúa vẫn vang lên để nhắc chúng ta phải biết quan tâm đến nhiều việc khác thuộc phương diện tinh thần, phương diện siêu nhiên, phương diện đời đời... Ai tỉnh táo thì nghe được và sẽ "được tiếp nhận", kẻ nào mãi thờ ơ thì như "đàn gãy tai trâu" và sẽ "bị bỏ lại". 4. Chúa cấm con thất vọng * Hãy cố gắng, dù yếu đuối ngã sa, con hãy xin Chúa thứ tha và tiếp tục tiến. Trên võ đài, trong vận động trường quốc tế, các lực sĩ cũng lắm lần ngã quỵ, bị nhiều cú đấm, bị thương tích, nhưng cứ vùng dậy, cứ hy vọng, họ đã đoạt giải vô địch quốc tế (ÐHV 971) Cha Charles de Foucauld có để lại mấy giòng sau đây. Ðọc kỹ, con sẽ thấy phấn khởi tâm hồn và lấy lại được niềm tin, nhất là những lúc hầu như con thất vọng: - "Dù con xấu xa, dù con tội lỗi, con cũng trông cậy vững chắc rằng con sẽ được lên trời. Chúa cấm con thất vọng về điều đó". - "Dù con bội bạc cách mấy, khô khan cách mấy, hèn nhát cách mấy, lợi dụng ơn Chúa cách mấy. Chúa cũng vẫn bắt con phải hy vọng được sống đời đời dưới chân Chúa trong tình thương và sự thánh thiện". - "Chúa cấm con ngã lòng trước sự khốn nạn của con. Chúa không cho con nói 'Tôi không thể đi tới được, đường lên trời khó khăn quá, tôi phải thụt lùi và trở xuống chỗ thấp'" - "Trước những sa ngã trở đi trở lại của con, Chúa lại cấm không cho con nói: 'Tôi không hề sửa mình được, tôi không có sức để nên thánh, tôi không xứng đáng để vào thiên đàng...'" - "Vậy Chúa muốn con phải trông cậy Chúa luôn, vì Chúa ra lệnh và vì con phải tin ở tình thương và quyền năng của Chúa" (ÐHY NVT, Trên đường lữ hành) 5. Thức dậy Ở Mêhicô, giáo phận của Ðức Cha Samuel Ruiz có tới 80% giáo dân là người da đỏ bản xứ. Bản thân ngài nổi tiếng là người bênh vực cho dân da đỏ. Nhưng không phải tự nhiên mà ngài làm được việc đó đâu. Trong một buổi nói chuyện ở Nhà thờ Chính tòa Westminster Mùa Chay 1996, ngài đã thố lộ tâm sự như sau: "Suốt 20 năm làm giám mục giáo phận này, tôi như một con cá đang ngủ, nghĩa là mắt vẫn mở nhưng chẳng thấy gì. Tôi còn hãnh diện vì giáo phận có nhiều nhà thờ và giáo dân đông đúc. Rồi một hôm tôi gặp cảnh một người da đỏ bị trói vào một thân cây và bị ông chủ dùng roi quất túi bụi vì lý do người này không chịu làm thêm 8 giờ phụ trội nữa." Chính cái biến cố đó đã làm cho Ðức Cha Samuel Ruiz "thức dậy". Từ đó trở đi, ngài hăng hái tranh đấu cho quyền lợi người da đỏ. Chuyện trên cho ta thấy hai điều: 1/ Thiên Chúa có nhiều cách để kêu gọi người ta thức dậy; 2/ Và cũng có nhiều cách thức dậy: thức dậy về thể xác (thôi ngủ), thức dậy về xã hội, thức dậy về đạo đức v.v. Lạy Chúa, vì yêu thương thế gian, Chúa đã ban Con Một xuống thế làm người, sống kiếp phàm nhân, nên giống chúng con trong mọi sự, trừ tội lỗi. Xin cho tất cả chúng con thiết tha trông chờ Con Chúa ngự đến, biết chuẩn bị xứng đáng tâm hồn, để đón mừng mầu nhiệm Giáng sinh cao cả.Amen. HÃY TỈNH THỨC Lm. Jude Siciliano, OP Ngày Lễ Tạ Ơn vừa kết thúc vào thứ Năm vừa qua. Quả là một ngày lễ tuyệt vời ! Tôi đoan chắc nhiều gia đình đã thưởng thức món súp gà tây trong những ngày qua. Chắc chắn chúng ta cũng dùng món Sandwich kẹp gà tây với nước sốt trứng cá. Rất nhiều người coi Lễ Tạ Ơn là ngày nghỉ ưa thích : thực đơn khá thú vị, mỗi gia đình mỗi khác. Những món ăn truyền thống khơi nên những kỷ niệm về thời thơ ấu – “món ăn ngon”. Có nhiều cảnh tượng quen thuộc về trái bí ngô, bài trí giản dị và ở bán cầu Bắc còn có những chiếc lá thu. Chẳng cần vội vã mua quà làm gì, vì đây là thời gian dành cho gia đình và bạn hữu. Lễ Tạ Ơn không có bầu khí rộn ràng của mùa Giáng Sinh như chúng ta thấy ngoài kia, bên ngoài nhà thờ. Sau cảm giác ấm áp của ngày Lễ Tạ Ơn, hôm nay, khi bước vào trong nhà thờ, chúng ta có thể thấy hơi sửng sốt. Ở nơi phượng tự của chúng ta, việc bố trí đã được giản thiểu đáng kể : không có những chiếc lá thu rực rỡ ánh hồng cũng chẳng thấy trưng hoa. Không phải là màu vàng và màu đỏ tươi của mùa thu, nhưng chỉ có màu xanh thẫm và màu tím. Những gì hiện ra trước mắt chúng ta là một bàn thờ hoàn toàn mộc mạc với cung thánh trống không. Ngay tại trong nhà thờ này, Lễ Tạ Ơn rõ ràng đã không còn nữa ! Những gì chúng ta nhìn thấy và nghe thấy cho chúng ta biết là mình đang ở trong một mùa khác, khắc khổ hơn và ít hào nhoáng hơn. Dường như chẳng có vẻ gì là “cảm giác hạnh phúc” phải không ? Nếu chúng ta hãy còn nghi ngờ, thì quả là không hẳn như vậy. Quí vị có nghe nói về những biểu tượng trong bài Tin Mừng hôm nay nói về lụt lội và con người mất sự cảnh giác hay không? Những người thợ trên cánh đồng đang xay lúa thì được đưa đi giữa lúc đang làm công việc thường ngày. Cùng với hình ảnh của Tin mừng, lời khuyên của thánh Phao-lô đưa ra những cảnh báo thảm khốc và ảm đạm, nhắc chúng ta luôn tỉnh thức, loại bỏ những việc làm đen tối và ăn ở ngay thẳng “như người đang sống giữa ban ngày”. Vâng, đây không phải là ngày nghỉ Lễ Tạ Ơn cuối tuần trong nhà thờ và Giáng Sinh thì chưa đến. Chúng ta hãy còn những bốn tuần trước khi nghe câu chuyện Giáng Sinh, dù chúng ta đã thấy đồ trang trí Giáng Sinh nơi các cửa hiệu và bên hông các gian hàng dược phẩm, tạp hóa bày đầy kẹo Giáng Sinh. Chúng ta đã phát chán khi nghe bài “Đêm An Bình” (Silent Night) được phát trong các thang máy của cửa hàng bách hoá hay chưa? Ngoài kia, cái gì cũng có nhưng lại thiếu “sự yên lặng”. Quả thực, âm thanh thì muốn điếc lỗ tai và tiếng ồn ngày càng tăng, càng lớn. Khi ở nhà, ở công sở hay bất cứ nơi đâu, chúng ta đã thực sự bước vào điều mà nhiều người gọi là “Mối Âu Lo Lễ Hội”. Chúng ta lo lắng vì không biết nên mời ai tới dự bữa tối Giáng Sinh và mua thứ gì để làm quà. Đâu là quà nào mới nhất mà mọi đứa trẻ “phải có” ? Đâu là vật dụng hoặc món trang sức thời trang nhất mà người bạn đời của mình đang để ý trong các chương trình quảng cáo ? Tất cả những lo âu này ngày một nhiều do sự bùng nổ của các chương trình quảng cáo – chẳng ai thoát khỏi chúng. Thật dễ hiểu tại sao mà mùa này có nhiều người tự vẫn, bạo hành gia đình tăng, nhiều người bị rối loạn tim mạch hơn bất kỳ mùa nào khác. Chúng ta còn bỏ sót điều gì, hay còn quên ai nữa không? Với tất cả những điều đang xảy ra ngoài kia, thì việc thực hiện một cuộc trốn thoát ra như không thể được. Quả là không tệ khi đến nhà thờ để nghỉ ngơi; để có cơ hội tận hưởng một không gian giản dị với những bài thánh ca êm đềm, để trấn tĩnh và nhìn sâu vào cõi lòng mình, cũng như ý nghĩa của mùa này. Chưa phải là những bài thánh ca như : “Trang trí đại sảnh bằng cây Noel” (Deck the Halls with boughs of Holly) hay một giai điệu khác như bài “Tiếng Chuông Ngân” (Jingle Bell) hay “Chú tuần lộc mũi đỏ Rudolph” (Rudolph the Red Nose Reindeer). Thật may, chúng ta đang ở trong mùa Vọng. Đây là mùa chúng ta nghỉ ngơi và trong giờ phút thờ phượng này, hãy cảm nhận tâm tình ít mãnh liệt hơn, bước chầm chậm rồi dừng lại để ngắm nhìn và lắng nghe cuộc đời của mình. Và cuối cùng sẽ thấy đây chưa phải là thời gian ảm đạm. Đây không phải là liều thuốc giảm đau, nhưng là một mùa vui. Đây là giây phút hiếm hoi giúp tinh thần sáng suốt, là dịp để thư giãn, như Lời Chúa hôm nay khuyên nhủ chúng ta: “Đây là mùa để… Tỉnh thức”. Cộng đoàn phụng vụ chúng ta có nhiều tước hiệu ưa thích dành cho Chúa Giê-su, đặc biệt là trong mùa Vọng này. Chúng ta gọi Ngài là Thái Tử Hoà bình, là Đấng Cứu Thế, là Đấng Messia, là Emmanuel – Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta… Tôi chắc rằng mỗi người cũng có những danh hiệu ưa thích của riêng mình dành cho Người: “Bạn”, “Thầy thuốc”, “Đấng an ủi”… Nhưng tôi cho rằng không ai trong chúng ta dám gọi Ngài đúng như Ngài tự gọi mình trong bài Tin Mừng hôm nay. Cách Ngài nói về mình làm mọi người sửng sốt. Ngài nói rằng khi Ngài trở lại, Ngài sẽ đến như kẻ trộm giữa đêm khuya– thình lình, không ngờ tới. Đây chẳng phải là cách rất tự tôn về chính Người đó sao? Chắc chắn là chúng ta không mở rộng vòng tay để đón những kẻ trộm. Thực tế, chúng ta bảo vệ mình khỏi bọn họ: chúng ta cài chặt then cửa, đặt những chấn song ở tầng hầm và những cửa sổ tầng trệt; gắn chuông chống trộm trong xe hơi và nhà ở; treo những thông cáo trên các cửa sổ để báo có hệ thống an toàn… Đến như kẻ trộm: quả là một hình ảnh rất lạ mà Đức Giêsu sử dụng để cảnh báo về sự trở cách bất ngờ của Người trong cuộc đời chúng ta! Trong khi hình ảnh Đức Giêsu như một kẻ trộm không phải là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong đầu chúng ta, nhưng phải chăng Người vẫn còn là kẻ trộm? Ngài muốn lẻn vào những nơi phức tạp và bước vào chốn ẩn khuất trong cuộc đời chúng ta. Ngài đúng là một tên trộm, nhưng là trộm lành. Ngài lấy đi những thứ không cần thiết mà chúng ta đem theo bên mình, những thứ đè nặng lên cuộc đời chúng ta như: tội lỗi, sự hối tiếc, hận thù, đố kỵ, hay tinh thần nguội lạnh… Nhưng Ngài để lại những thứ có giá trị – tuỳ theo nhu cầu chúng ta thực sự cần trong cuộc sống. Đâu là điều chúng ta cần trong mùa Vọng này: lòng tin tưởng sâu xa hơn trong sự đợi chờ; kiên trì làm những việc thiện; dọi ánh sáng vào nơi tăm tối; canh tân niềm tin của chúng ta; chữa lành Giáo hội; đem bình an vào những nơi ưu phiền….? Mùa Vọng là thời gian để tỉnh thức, sẵn sàng cho kẻ trộm bước vào cuộc đời ta cách mới mẻ. Ngài là kẻ trộm mà chúng ta cần phải luôn để mắt đến và lắng tai nghe để có thể nhận ra những dấu hiệu của kẻ trộm khi Ngài bước đến. Chúng ta cầu xin luôn được cảnh giác trong mùa Vọng này. Khi chúng ta nhận ra mình đang tự do tiến đến chân lý và rồi chúng ta chọn để trở nên ngày một lương thiện hơn, đó chính là những việc Ngài làm – tên trộm lành đã đến rồi đó. Kẻ trộm lành đã đến khi chúng ta vô tình hay khó chịu với người khác nhưng ta nghe lòng mình nói : “tôi xin lỗi”; Khi chúng ta nhận ra người khác không cần phải bày tỏ lòng yêu mến chúng ta trong mùa Giáng Sinh này bằng những món quà đắt đỏ; Khi những nhu cầu của người nghèo chạm đến cõi lòng chúng ta và chúng ta tìm cách đáp lại nhu cầu của họ; Khi chúng ta bị cuốn hút vào việc cầu nguyện cách say mê hơn – thì kẻ trộm lành đã đến rồi đó. Khi Lời Chúa trở nên sống động hơn trong những thánh lễ này và chúng ta có một cảm nghiệm mới mẻ về sự hiện diện của Ngài trong Bí tích Thánh Thể thì kẻ trộm lành đã đến rồi đó. Đức Giêsu đến bất ngờ trong cuộc đời của những người bình dị, những người vẫn đang ăn uống, kết hôn hay lao động. Họ không phải là những người xấu; họ là những người như chúng ta, bận tâm với những điều quan trọng, với những công việc thường ngày. Chìa khoá để khám phá ra dụ ngôn hôm nay là kẻ trộm yêu chúng ta và muốn yêu chúng ta hơn thế nữa nên Ngài đến khơi dậy nơi chúng ta, để chúng ta vượt qua những gì nhàm chán hằng ngày. Ngài muốn chúng ta lưu tâm đến mùa Vọng này và cất khỏi chúng ta tính tự mãn. Ngài là kẻ trộm đến khi chúng ta mất cảnh giác, khi những công việc thường ngày đã khiến chúng ta tê liệt, mệt nhoài. Trong Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng này chúng ta cầu xin một tinh thần tỉnh thức để nhận ra Đức Giêsu khi Ngài đến trong cuộc đời chúng ta, một cách mới mẻ và bất ngờ. Chúng ta cầu xin cho công việc thường ngày không làm chúng ta uể oải khi Ngài đến, hay khiến chúng ta chỉ nhìn vào những nơi chúng ta thường mong đợi ngài xuất hiện. NGÀY VÀ ĐÊM Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R. “Các con phải sẵn sàng” (Mt 24:44) vì “Đêm sắp tàn, ngày gần đến” (Rm 13:12). “Hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa” (Is 2:5). Đó là lời mời gọi cấp thiết khởi đầu cho một năm phụng vụ. Thế là một mùa Vọng nữa lại về. Bao tâm hồn lại nao nức chuẩn bị cho ngày lễ Giáng sinh sắp đến. Giữa tiết trời lành lạnh và không gian chùng xuống như muốn ru cho giấc ngủ dài thêm, lời mời gọi trên chắc làm cho nhiều người nuối tiếc. “Đêm sắp tàn, ngày gần tới” rồi sao? Nhưng khi nào là đêm và lúc nào là ngày? Làm sao biết được ranh giới giữa ngày và đêm? Một vị sư phụ đã nêu câu hỏi với các học trò của mình: “Chúng con có biết khi nào đêm chấm dứt và lúc nào ngày bắt đầu không?” Một anh nhanh nhảu: “Thưa thầy, ấy là lúc ta thấy một con vật từ đàng xa và phân biệt được nó là con bê hay con lừa”. Một anh khác, sau lúc suy tư cũng xin góp ý: “Thưa thầy, khi nào ta nhìn thấy người bộ hành và phân biệt được thù hay bạn”. Nhiều câu trả lời khác được đưa ra, nhưng dường như vị sư phụ không thoáng chút hài lòng. Cuối cùng cả đám nhao nhao xin thầy giải thích. Sau phút trầm ngâm như muốn thấm sâu trong giòng tư tưởng, vị sư phụ lên tiếng: “Khi nào các con nhìn vào tha nhân và nhận ra đó chính là anh chị em mình thì đêm đã tàn và ngày đã tới”. Thế ra không phải việc “phân biệt” con này con kia hay người này người nọ, song là “nhận ra” tha nhân như anh chị em của mình mới là cho bóng tối tan đi và ánh sáng toả rạng. Đêm đen sẽ mãi thống trị tâm hồn nếu đời tôi cứ đắm chìm trong hiềm khích, hận thù, bất công, chia rẻ, vô luân, lừa dối. Còn khi để cho yêu thương dẫn lối cuộc sống, ngày mới cuộc đời đã bắt đầu lên ngôi, nhờ ánh quang soi tỏ mọi lối đường. Thuở xưa, Isaiah mơ ước một ngày không còn chiến tranh. Người ta sẽ lấy gươm đao đúc thành lưỡi cày, lấy giáo mác rèn nên lưỡi liềm. Không còn ai tuốt kiếm đánh nhau. Các quốc gia không còn thao luyện để chiến đấu. Nỗi khác mong đợi cho ánh sáng tình yêu thống trị địa cầu đã bắt đầu thành sự khi Đức Giêsu là “Mặt Trời Công Chính” bừng lên và cũng là “Hoàng tử Bình an” ngự đến. Ấy thế mà dường như nỗi khát mong đợi chờ ấy vẫn không ngừng lập đi lập lại. Phải chăng vì tâm hồn nhân thế cứ bị bóng đêm của thế gian đe doạ chiếm đoạt, nên ước nguyện ánh sáng chân lý chiếu soi vẫn mãi là đặc tính của mùa Vọng hằng năm? Ngày xưa, theo truyền thuyết của dân Rôma, tối 24 tháng 12 là ngày sinh của thần mặt trời, và rồi sáng hôm sau, vị thần đó vươn mình lên mang lại ánh và sự sống cho nhân gian. Thế nên, khắp cùng đế quốc, người ta mừng lễ Natalis Solis Invicti vào ngày đông chí, tức ngày 25 tháng 12, khởi đầu thời kỳ thần ánh sáng thắng vượt tối tăm, bước qua giai đoạn ngày dài hơn đêm. Vào năm 336, Đức Giáo hoàng Jules I đã ấn định ngày đông chí như ngày mừng kỷ niệm Đức Giêsu-“Mặt Trời Công Chính”- đã giáng sinh cho nhân loại. Thế là ngày lễ ngoại giáo đã được thay bằng tính chất xác thực của biến cố Nhập Thể. Từ đó trở đi, cứ mỗi lần sắp đến 25 tháng 12, giáo dân khắp nơi nô nức chuẩn bị tâm hồn cho ngày đại lễ Giáng sinh. Họ không ngừng ăn chay hãm mình, quảng đại thứ tha, đổi mới đời sống, chờ mừng ngày Chúa ngự đến. Dần dần những việc làm đó trở thành tính chất căn bản của mùa Vọng, mùa trông mong ngày sinh nhật Đấng Cứu Thế. Đã bao mùa Giáng sinh trôi qua, nhưng có lẽ ‘tính chất căn bản’ của mùa Vọng đó đã phai mờ trong lòng nhiều người. Khi xưa, Giáo hội Kitô hoá ngày lễ ngoại giáo thành lễ Giáng sinh để hướng con người đến với nguồn sáng và nguồn sống đích thực. Còn hôm nay, không chừng tôi lại đang tục hoá ngày lễ thiêng liêng kia để rồi lòng mình cứ mãi lắng lo trong bao sự đời. Ngày xưa mùa Vọng đã trở nên lời nhắc nhở canh tân lối sống, sửa sang tâm hồn, dọn lòng mừng Chúa đến. Còn hôm nay, không chừng tôi chỉ nghĩ đến trang hoàng nhà cửa, giăng thêm đèn màu, mua sắm quà cáp chuẩn bị cho những cuộc liên hoan say sưa, cuồng loạn, có khi… tội lỗi. Một lần nữa, lời nhắn nhủ trong thơ của Thánh Phaolô lại thức tỉnh hồn tôi: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang lấy khí giới ánh sáng. Hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Kitô, và chớ lo lắng thoả mãn các dục vọng xác thịt” (Rm 13:12-14). Thực hành lời khuyên nhủ trên là khởi sự Kitô hoá cuộc đời, là sống trọn vẹn hơn ý nghĩa của mùa Vọng năm nay, và chắc chắn, là bắt đầu cảm nếm niềm vui nhiệm mầu sâu lắng trong lễ Giáng sinh sắp đến. Mời các bạn cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét