Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Từ hạn hán Nga đến lạm phát ở Việt Nam

Nạn hạn hán và cháy rừng tại Liên bang Nga đã ảnh hưởng bất lợi đến tình hình lương thực của quốc gia này. Nhưng vấn đề không chỉ có vậy. Nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam đã đưa ra các mức lãi xuất hấp dẫn để thu hút đầu tư và nguồn vốn. Nghe bài viết trên đài RFA Thế giới đang e ngại nạn khan hiếm lương thực như đã từng xảy ra hồi đầu năm 2008. Và, dù ở rất xa nạn cháy rừng tại Nga, Việt Nam có khi lại bị họa lây. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu nguy cơ đó trong phần trao đổi sau đây cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện hầu quý vị. Khan hiếm lương thực? Việt Long: Liên bang Nga bị một vụ hạn hán và cháy rừng vô cùng nguy kịch nên đã quyết định tạm ngưng xuất khẩu lúa mì và còn dự tính mua thêm ngũ cốc từ ngoài để bảo đảm an toàn lương thực cho dân chúng. Trong khi ấy, lũ lụt tại miền Nam Pakistan cũng gây thiệt hại mùa màng rất nặng khiến xứ này có thể phải nhập một lượng lúa mì lớn hơn mọi năm. Những tin đó khiến giá lúa mì tăng gần gấp đôi từ hai tháng qua và người ta lo sợ một nạn khan hiếm lương thực như đã từng thấy vào đầu năm 2008 khiến giá cả tăng vọt. Chúng tôi đề nghị ông phân tích tình hình đáng ngại ấy với một số kết luận về trường hợp Việt Nam vì Việt Nam đã bị lạm phát trên 28% cách đây đúng hai năm. Trước hết, xin ông trình bày về tình hình Liên bang Nga. Nguyễn Xuân Nghĩa: Lenin có nói rằng mễ cốc là "tiền tệ của mọi loại tiền tệ", cho nên năm 1917, vừa cướp chính quyền là Hồng quân cướp ngay các kho gạo và từ đó chế độ hộ khẩu của họ kiểm soát an ninh bằng kiểm soát lương thực. Nhưng việc tập trung quản lý kiểu cộng sản vẫn khiến canh nông Xô viết thường xuyên bị khủng hoảng. Vì vậy, người ta mới ví von là Liên Xô trồng lúa ở Ukraine mà lại gặt bên Canada, tức là vẫn cứ phải nhập khẩu. Việt Nam sau 1975 cũng vậy cho đến ngày cải cách. Một người đàn ông Nga bước vào khu rừng đang cháy gần làng Golovanovo, vùng Ryazan, ngày 05 tháng 8 năm 2010. Ngày nay Liên bang Nga đã khá hơn về sản xuất nên từ một chục năm qua đã có thể tự túc về lúa gạo và còn dư để xuất khẩu. Từ nhiều năm qua, bình quân họ được gần 100 triệu tấn lúa mì một năm, bằng 10% sản lượng thế giới, và xuất khẩu quãng 20% sản lượng của mình cho các thị trường Âu Châu, Trung Đông và Bắc Phi. Chuyện hạn hán và hỏa hoạn thường xảy ra tại Nga, duy có điều là từ mấy chục năm nay chưa năm nào lại bị nặng như bây giờ. Cho nên Nga phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên 27 vùng, mà lại là vùng lúa gạo. Khí hậu nóng bức chưa từng thấy từ 130 năm nay lại còn có thể kéo dài qua vụ Đông Xuân, khởi sự từ cuối tháng này, cho nên sẽ còn ảnh hưởng qua năm tới. Việt Long: Với sản lượng gần trăm triệu tấn và có thể xuất khẩu 20 triệu như ông nói, tình hình năm nay của Nga có thể nguy kịch đến cỡ nào và sẽ ảnh hưởng ra sao với thế giới bên ngoài? Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi xin nói về lượng trước, về phẩm sau. Vì hạn hán và cháy rừng, hàng năm sản lượng lúa mì của Nga thường xê xích từ 75 đến 100 triệu tấn. Năm nay thì dự đoán chỉ là 65 triệu, nhưng họ còn cỡ 24-25 triệu tấn trong kho, nên thật ra Liên bang Nga không sợ đói. Nhưng nói về phẩm thì họ có vấn đề. Thiên tai hoành hành chủ yếu trong khu vực lúa gạo, khá tập trung trên lãnh thổ bát ngát bề ngang trải qua 8.000 cây số và 13 múi giờ. Nó nằm tại miền Nam ở gần Âu Châu, quanh sông Volga. Khu vực lúa mì ấy là nơi xuất phát hơn phân nửa lượng lúa mì họ bán ra ngoài mà bây giờ họ sẽ kiểm soát để khỏi thất thoát khi lúa mì tăng giá. Vấn đề thứ hai là hạn hán và hỏa hoạ có cản trở sự chuyển vận lương thực tới các vùng xa, là việc vốn dĩ đã khó vì hạ tầng cơ sở còn lạc hậu ở bên ngoài các thành phố lớn. Thứ nữa, xứ này vẫn còn xu hướng lấy lương thực làm khí cụ cai trị nên cần bảo đảm việc cung cấp cho thị trường nội địa như một ưu tiên về an ninh. Cho nên, nếu lương thực lên giá trên thế giới, nông gia của họ không được hưởng vì ưu tiên của chính quyền sẽ là hạn chế xuất khẩu, ít ra đến cuối năm. Kết quả là số lúa mì cho thế giới sẽ giảm, giá còn tăng, với ảnh hưởng lan ra ngoài nước Nga. Sau cùng, để đạt mục tiêu bành trướng thế lực, Liên bang Nga tận dụng đòn bẩy tài nguyên khoáng sản, năng lượng và lương thực cung cấp cho các nước. Từ đầu năm nay, họ còn lập ra liên minh thương mại với hai nước Trung Á cùng sản xuất lúa mì là Kazakhstan và Belarus, và còn muốn khống chế Ukraine để cùng Nga kiểm soát và điều tiết thị trường lúa mì. Lần này, cả Nga lẫn Kazakhstan đều bị hạn hán đánh vào vựa lúa nên Nga không chỉ ngưng xuất khẩu mà còn muốn các nước kia cũng không bán lúa ra ngoài để ưu tiên lo cho thị trường Nga. Vì vậy, ta cần theo dõi phản ứng của Kazakhstan, Belarus và nhất là Ukraine, một xứ không bị thiên tai. Trung Quốc mua thêm ngũ cốc Việt Long: Chúng ta nhìn sang tình hình Pakistan là nơi đang bị lũ lụt nặng tại miền Nam và nhất là ở tỉnh Punjab về miền Đông, là nơi trồng lúa mì. Cho đến tháng tám này thì tình hình ra sao? Nguyễn Xuân Nghĩa: Pakistan cũng có trồng lúa mì, sản lượng chừng 24 triệu tấn và tiêu thụ khoảng 21 triệu nên còn một số nhỏ để xuất khẩu. Khi lũ lụt xảy ra tại ba của bổn tỉnh trong nước, thì mì đã gặt xong và trữ vào kho nên họ chưa bị khủng hoảng vì thiếu lương thực. Nhưng, ngay hiện tại thì trở ngại về chuyển vận và phân phối lương thực cũng đặt ra bài toán an ninh nếu không kịp cung cấp mễ cốc cho các thành phố lớn. Lũ lụt tại Pakistan, ảnh chụp ngày 11 tháng 8 năm 2010. AFP PHOTO / Asif Hassan. Về tương lai, việc 20 triệu người bị thiệt hại, và tổn thất trên diện tích ngập nước là hơn ba triệu mẫu tây với cả vạn trâu bò bị chết đuối hay mất tích, tất nhiên ảnh hưởng đến việc canh tác và sản lượng năm sau. Vụ mùa Đông Xuân sẽ khởi sự vào tháng 10 này, mà tại Punjab là nơi cung cấp chừng 16-17 triệu tấn lúa mì, thì nước chưa rút nên chưa ai rõ năm tới sẽ ra sao. Nhiều phần Pakisan hết xuất khẩu mà phải nhập khá nhiều. Với giá cả gia tăng thì xứ này thêm khốn đốn về kinh tế vì phải trợ giá cho thị trường nội địa. Cơ quan Lương nông Quốc tế FAO của Liên hiệp quốc có báo động về tình trạng này. Nhưng đáng chú ý không kém lại là trường hợp Trung Quốc. Việt Long: Thưa ông, người ta biết rằng nạn đất chuồi và nhất là lũ lụt tại tỉnh Liêu Ninh ở miền Đông Bắc khiến mười mấy vạn người phải di tản vào cuối tuần qua. Nhưng thiên tai ảnh hưởng thế nào tới tình hình lương thực tại Trung Quốc và trên thế giới mà ông nói là cần chú ý? Nguyễn Xuân Nghĩa: Trung Quốc là trường hợp lạ vì chính quyền giấu nhẹm tin tức về thiên tai lẫn tình hình sản xuất và tiêu thụ ngũ cốc. Những ai muốn tìm hiểu về sản lượng ngũ cốc hay các nông sản khác thì có thể bị truy tố về tội danh gián điệp hoặc tiết lộ bí mật quốc gia! Vì vậy, ta không thể quên rằng xứ này vẫn có một chế độ cai trị lạc hậu. Việt Long: Nếu vậy thì sao ông vừa nói rằng trường hợp Trung Quốc cũng đáng chú ý? Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì một chuyện rất lạ đang làm nông gia của Hoa Kỳ thắc mắc! Số là trong khi thế giới hốt hoảng về nạn mễ cốc lên giá vì có thể bị khan hiếm, nông gia Mỹ lại ngạc nhiên vì Tháng Sáu vừa qua, một tàu chở ngô bắp của Mỹ đã cập bến Long Khẩu của tỉnh Sơn Đông, theo sau là ba chuyến tàu khác. Nhìn lại thì đây là một vụ mua mễ cốc lớn nhất của Trung Quốc kể từ 15 năm qua. Họ biết hàng năm Trung Quốc nhập vào khoảng 100 ngàn tấn bắp của nhiều quốc gia, riêng năm nay thì lại mua khoảng một triệu hai, tức là gấp 12 lần mọi năm, mà đó là chỉ riêng từ nước Mỹ! Nông gia Hoa Kỳ chưa rõ là Trung Quốc cần gấp ngô bắp cho người hay cho gia súc, và chỉ cần cho năm nay vì thấy ra sự khan hiếm trước mắt, hay là từ nay còn mua nữa, mà chừng bao nhiêu? Họ cần biết để trù tính đầu tư sản xuất. Lũ gây ra lở đất chết người ở Zhouqu, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc hôm 08 Tháng 08 năm 2010. AFP PHOTO CHINA OUT. Nhìn sâu hơn vào trong, ta thấy Trung Quốc có sản lượng mễ cốc lớn nhất thế giới, năm ngoái đã sản xuất ra 195 triệu tấn gạo. Vậy mà chỉ vừa đủ ăn và vẫn cần nhập: chúng ta nên hiểu chữ "đói ăn khát dầu" của Trung Quốc trong nghĩa đen. Và ngoài ngô bắp mua riêng của Mỹ, năm nay có khi Trung Quốc phải nhập thêm một triệu rưỡi tấn gạo vì nạn lũ lụt và khí hậu quá lạnh trong mấy tháng qua đã đánh sụt sản lượng gạo nội địa tới 10% so với năm ngoái. Khi ấy, ta mới nhìn qua Việt Nam vì năm nay Trung Quốc đã nhập của Việt Nam 600 ngàn tấn và có thể còn nhập nữa nên giá gạo mới tăng vọt. Ảnh hưởng Việt Nam Việt Long: Như vậy, ta trở lại chuyện Việt Nam. Thưa ông, những gì có thể xảy ra cho Việt Nam khi lương thực tăng giá như vậy? Nông gia Việt Nam sẽ có lời hay không? Nguyễn Xuân Nghĩa: Trên đại thể, Việt Nam sản xuất thừa gạo cho nhu cầu và năm nay có thể xuất cảng chừng sáu triệu rưỡi tấn, nghĩa là bán thêm hai triệu rưỡi từ nay đến cuối năm. Giá gạo Việt Nam thật ra còn quá rẻ vì phẩm chất kém và không đều, tỷ lệ trộn tấm quá cao. Nếu có bán thêm cho Trung Quốc với giá cao hơn thì nông gia tất nhiên là có lời, nhưng chẳng bao nhiêu. Vấn đề nó nằm ở chỗ khác. Hôm 18 vừa qua, Việt Nam lại vừa phá giá đồng bạc, lần thứ ba kể từ Tháng 11 năm ngoái. Mục tiêu phá giá thêm 2,1%, với biên độ giao dịch là 3% quanh giá chính thức, là để yểm trợ xuất khẩu nhờ giá rẻ hơn hầu giảm thiểu số nhập siêu nay đã lên tới hơn một tỷ đô la mỗi tháng. Nhưng mặt trái của việc phá giá lại làm tăng giá hàng nhập khẩu, trong đó có nguyên nhiên vật liệu cần thiết cho sản xuất và tái xuất khẩu. Chưa kể giày dép áo quần chỉ làm gia công từ nhập liệu mua bên ngoài vào để xuất cảng thì còn có thí dụ phân bón hay thuốc trừ sâu cho lúa gạo hoặc thực phẩm nuôi thủy sản để bán ra ngoài. Nhìn trên tổng thể thì việc phá giá ấy có lợi ít cho xuất khẩu và cho cán cân thương mại như người ta đã thấy qua hai đợt phá giá hồi Tháng 11 và Tháng Hai vừa qua. Trong khi ấy, vì nhập liệu từ nay lại lên giá, việc phá giá sẽ gây thêm bất ổn về vật giá và trở thành áp lực phụ trội về lạm phát trong nước. Bây giờ, ta mới kết hợp thêm bài toán lương thực lên giá sau vụ thiên tai lan rộng ở nhiều nơi. Sức hút về lúa gạo từ các thị trường bên ngoài đã bốc giá gạo lên cao, mà không chỉ là gạo cho xuất khẩu đang chạy qua biên giới Trung Quốc! Vì giá nhập liệu mua từ ngoài vào nay sẽ tăng, giá lương thực tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, với kết cuộc là xứ này vừa nhập khẩu lạm phát về phí tổn vừa bị lạm phát một mặt hàng nhu yếu là thực phẩm. Cho nên, ngoài việc giá cổ phiếu còn sụt và giao dịch trong khoảng 350 tới 450 của chỉ số VN Index, vào cuối năm nay nạn lạm phát tại Việt Nam sẽ lại lên hai số. Những gì đang xảy ra tại Liên bang Nga, Pakistan hay Trung Quốc có ảnh hưởng đến Việt Nam nên người ta rất cần quan tâm theo dõi. Việt Long: Xin cảm ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Theo RFA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét