Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Finistère, cuộc hôn nhân giữa đất liền và biển cả

Hình ảnh những bãi biển ngoằn ngoèo bất tận, điềm tĩnh trong bão tố gắn liền với vùng Bretagne. Những truyền thuyết về biển cả còn để lại nhiều vết tích trên một vài hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Finistère, như đảo Ile de Sein ngoài khơi mũi đá Pointe du Raz, hay hòn đảo mang tên Tristan, người tình của Iseult trong vịnh Douarnenez. Mũi Sizun (Nguồn : capsizun.com) Mời nghe bài viết trên đài RFI Tỉnh Finistère được mệnh danh là đứa con của một cuộc hôn nhân đầy trắc trở gữa đất liền và biển cả, nơi bãi biển thẳng đứng trải dài trên 500 km. Phần lớn còn hoang dại, với những chỏm đá mấp mô đã được con tạo gọt dũa. Dọc theo bờ biển từ Quimper đi ngược lên phía bắc đến Brest, thể nào du khách cũng phải ghé thăm khu bảo tồn thiên nhiên ở mũi Sizun : vách đá cao 70 mét nhô ra biển là nơi các loài hải âu đã chọn làm nhà. Một địa danh khác không thể bỏ qua là thị trấn Morgat, một ngôi làng từng sống về nghề chài lưới, nay là một khu nghỉ mát rất được ưa chuộng nhờ những bãi cát mịn màng, nhờ vào chuỗi động huyền bí nơi mà năm 1847, khi đi qua đây nhà văn Gustave Flaubert từng ghi lại trong nhật ký : ông đã lạc lối vào một đường hầm tuyệt diệu, vào thế giới óng ánh như được khảm xà cừ. Còn nếu từ Quimper đi xuôi về phía nam thì xin quý vị đừng quên Concarneau viên ngọc quý của miền nam Bretagne ; khu rừng Fouesnant hay Pont Aven, nơi mà nhiều họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng như Gauguin đã cùng với một vài người bạn lập ra cả "trường phái Pont Aven". Nếu đã từng được chiêm ngưỡng bức họa "Le Moulin David" ở viện bảo tàng Orsay tại Paris, quý vị sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng Paul Gauguin đã sáng tác bức họa này ngay tại Pont Aven. Concarneau, cảng giữa lòng thành phố Trước hết chúng ta hãy đến tham quan Concarneau và khu phố cổ chơi vơi trên biển như một hòn đảo nhỏ tách biệt, với chiều dài 350 mét, rộng 100 thước và được một bức tường thành kiên cố xây dựng từ thế kỷ thứ XIV bảo vệ như hòn ngọc quý của thành phố. Hải đảo tí hon này được nối vào đất liền nhờ một cây cầu. Tường thành bao bọc khu phố cổ Concarneau Thanh Hà/RFI Thả bước trên bức tường thành, khách tham quan có được tầm nhìn độc đáo về cảng Concarneau, nơi các con thuyền du ngọan thảnh thơi hóng gió ban chiều. Trái ngược hẳn với những con tàu cá vừa cập bến, dân chài hối hả đưa quà tặng của thủy thần vào bờ để còn kịp phân phối đi khắp nước Pháp. Vào đầu thế kỷ trước, nghề chài lưới và ngành công nghiệp đóng hộp cá mòi (sardine) là hai họat động kinh tế chính của thành phố. Ngày nay, Concarneau còn là một địa điểm cung cấp đồ biển quan trọng của Pháp, với hơn 100 000 tấn cá thu được đưa vào bờ mỗi năm và hơn 10. 000 tấn hải sản. Ngành đóng đồ hộp không còn tập trung vào một mặt hàng như cá sardine, mà còn khai thác nhiều thủy sản khác, như cá thu, cá maqueraux một loại như cá sòng đóng hộp, súp cá, rillette tức một loại như paté chế tạo từ cá và sò Saint Jacques mà không nơi nào có ! Vào lúc ngành đánh cá tại Pháp gặp khó khăn, bị cạnh tranh dữ dội, Concarneau đã từng bước hướng về ngành công nghiệp đóng tàu, biến cảng Concarneau thành một nơi đủ hấp dẫn để cầm chân giới du khách giàu có tham quan vùng Bretagne bằng thuyền, và qua đó phát triển mạnh tiềm năng du lịch của một thành phố, đưa trung tâm đào tạo bơi thuyền tại quần đảo Glénan thuộc về thành phố Concarneau thành trung tâm lớn nhất châu Âu. Quần đảo Glénan con được mệnh danh là quần đảo Tahiti của vùng Bretagne vì nước ở đây trong vắt màu xanh lục. Thựuc ra quần đảo này bao gồm 9 hòn đảo nhỏ. Tục truyền rằng xưa kia có một bà phù thủy giàu nứt đố đổ vách sống ở một cái ao trên nơi này. Mỗi khi có một chàng trai lai vãng đến gần, mụ đều xin được bén duyên cùng chàng. Nhưng sau lễ cưới, thì chú rể bị cô vợ phù thủy hóa phép thành một con cá chiên ròn để làm đồ nhắm ! Tử tế hơn thì bà phù phép biến các vị tân lang thành những loài con ễnh ương, cóc nhái sống quanh quẩn trong khu ao tù cạnh bên bà. Cho đến một ngày kia, Bellah, một cô gái dũng cảm giả dạng nam nhi đến thách thức bà phù thủy để cứu mạng cho vị hôn phu. Chỉ từ đó quần đảo Glénan mới được mưa thuận gió hòa. Mũi Raz giữa đất trời Pointe du Raz finistretourisme.com Chia tay với huyền thoại của quần đảo Glénan ta hãy đi theo con đường ngoằn nghoèo và vách núi sát ven biển, đến với mũi Raz. Raz trong tiếng địa phương có nghĩa là dòng nước xoáy rất mạnh và người Pháp thường gọi đây là "điểm tận cùng của trái đất". Nói như vậy thật hơi quá đáng, do mũi đá này mới chỉ là "điểm tận cùng của châu Âu" khi chúng ta bỏ lại toàn bộ châu Âu ở sau lưng (điểm ở phía tây của châu lục). Mũi Raz nổi tiếng từ thế kỷ thứ XIX nhờ ngòi bút của hai văn hào Hugo và Flaubert. Năm ngoái nơi này đã đón gần một triệu du khách có lẽ một phần do doi đất này luôn trong tư thế như phải vật lộn với thủy thần. Những ngọn sóng dồn dập ập vào bờ, khi thì như đùa cợt với những mỏm đá trơ trọi, khi như mời mọc rủ đá cùng ra khơi, khi như điên cuồng trước sự thờ ơ lặng lẽ của đá. Chẳng vậy mà người dân ở đây thường nói vùng Finistère là đứa con của một cuộc tình đầy sóng gió giữa đại dương và đất liền. Từ Pointe du Raz trông ra biển, nhìn về phía Tây có đảo Ile de Sein nơi còn có cái tên là « địa ngục » do đã không biết bao nhiêu ngư phủ bỏ mình, và tục truyền rằng ở dưới khe đa, nơi mà xác các nạn nhân dạt vào đêm đêm có tiếng rên não nuột. Đó là tiếng than của những kẻ xấu số. Trong số những chuyện thần thoại nổi tiếng của vùng Bretagne, có chuyện kể lại rằng thưở xa xưa lắm có chín nữ tu sĩ đã chọn hòn đảo Sein làm nhà. Đó là chín cô trinh nữ, họ không muốn bất kỳ một người đàn ông nào lui tới hòn đảo. Các chàng ngư phủ bén mảng đến gần đảo Sein đều gặp bão tố và đắm thuyền. Từ đó, Ile de Sein nổi tiếng là một vùng hiểm trở và tục ngữ ở đây có câu : nhìn thấy đảo Sein là trông thấy tử thần. Đủ biết đảo này nguy hiểm tới chừng nào. Bản thân vua Louis thứ XIV cũng phải công nhận không một nơi nào trên nước Pháp người dân lại phải đối diện với những cơn thịnh nộ của thủy thần như dân chài trên đảo Sein. Thực tế không hẳn là như truyền thuyết để lại. Đảo Sein ngày này là một địa điểm tham quan đầy thi vị : cả ngôi làng có khoảng hai trăm dân cư, hầu hết sống về nghề chài lưới. Nơi đây thời gian như đã đọng lại. Dân cư ở đây không có phương tiện di chuyển nào khác ngoài đôi chân. Cảnh quan còn hoang vu. Biển cả bao la, gió lộng. Trải dài trên khoảng độ hai cây số, bề rộng có nơi hẹp có 50 thước. Vào những ngày bão lớn đảo bị ngập nước, người dân phải trèo lên nóc nhà lánh nạn. Hòn đảo và hai ngọn hải đăng giữa le de Sein với mũi Raz như thể sắp bị nuốt vào lòng đại dương. Nhưng khi đến thăm đảo vào một ngày tạnh ráo, thì những ngôi nhà cất bằng đá hoa cương với những cánh cửa sổ sơn màu sặc sỡ, những tảng đá dước bàn tay của thiên nhiên tạo hóa, đã trở thành những bức tượng điêu khắc tinh hoa chắc chắn phải làm hài lòng du khách. Nếu đã có dịp thưởng thức bộ phim Elisa của đạo diễn Pháp Jean Becker thì xin thưa phần cuối của bộ phim đã được thực hiện ngay trên hòn đảo này. Douarnenez và nước mắm Nếu các bạn đã từng biết đến thiên tình sử Tristan và Iseult thời Trung cổ thì xin thưa là bạn có thể tìm đến với đảo Tristan. Đây là một hòn đảo nhỏ nằm cách thị trấn Douarnenez 50 mét và khi thủy triều xuống, ta có thể đi bộ ra tham quan hòn đảo, tìm kiếm hai ngôi mộ của đôi tình nhân Tristan và Iseult. Nghe nói đấy là nơi có hai cái cây quấn chặt lấy nhau không thể tách rời. Thế nhưng lại cũng có người bảo rằng Tristan là phần nổi còn lại của thế giới của thành Ys đã bị nhận chìm để trừng phạt con người sống sa đọa. Đảo Tristan ngoài khơi Douarnenez DR Còn nếu như không tin vào những chuyện hoang đường, thì chúng ta cũng nên đặt chân lên đảo Tristan từ đây ta có thể nhìn ngược vào đất liền để được nhìn toàn cảnh 360 độ về vịnh Douarnenez, nơi được tặng danh hiệu là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Riêng về thị trấn cùng tên vào thế kỷ trước đây là một cảng chuyên cung cấp cá mòi. Cũng từ nơi này mà những hộp cá hộp mang nhãn hiệu "Petit Navire" ra đời để chu du khắp năm châu. Thú vị hơn nữa là khi tham quan khu di chỉ khảo cổ Plomarch sát bên cạnh Douarnenez thì cô hướng dẫn viên du lịch thản nhiên kể lại với bạn rằng, tại nơi này người La Mã đời xưa đã từng làm "nước mắm" giống như nước mắm của Việt Nam ! Có nghĩa là người La Mã cũng đã muối cá, để cá ngấu thành nước, họ gọi nước chấm ấu là "garum". Như vậy "garum" không hơn không kém là một loại nước mắm giống như của người Việt chúng ta ! Thanh Hải (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét