Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Châu Á tìm lại đà tăng trưởng như trước khủng hoảng

Châu Á có khả năng thoát khỏi những khó khăn kinh tế do khủng hoảng toàn cầu 2008/2009 gây nên. Tăng trưởng dự trù đạt hơn 8%. Trọng tâm kinh tế của thế giới đang chuyển về phương Đông. Trên đây là nhận định của báo Financial Times. Một công trường xây dựng tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 14/092010 Ảnh: Reuters Mời nghe bài viết trên đài RFI Trong bài báo đề ngày 09/09 vừa qua, nhật báo tài chính Financial Times khẳng định là châu Á có khả năng thoát khỏi những khó khăn kinh tế do khủng hoảng toàn cầu 2008/2009 gây nên. Vào lúc đà phục hồi của các nước công nghiệp phát triển của phương Tây còn mong manh thì có nhiều dấu hiệu cho thấy « trọng tâm kinh tế của thế giới đang chuyển về phương Đông ». Nhìn chung, trong hai năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp Á châu có khuynh hướng phát triển tốt, chẳng hạn như ngành dược phẩm tại Ấn Độ hay thậm chí ngành ngân hàng tại Indonesia và Malaysia đã tuyển dụng thêm nhân viên bất chấp khủng hoảng. Đành rằng ở vào cao điểm của cơn bão tài chính thế giới 2008/2009 tổng kim ngạch xuất khẩu của nhiều nước Á châu sang Hoa Kỳ hay châu Âu bị khựng lại. Nhưng theo lời một chuyên gia được báo Financial Times trích dẫn, thì về lâu về dài, nhu cầu tiêu thụ của chính châu lục này gia tăng, giúp cho nhiều doanh nghiệp đối phó với khủng hoảng. Financial Times còn lạc quan hơn khi đưa ra dự báo châu Á - không kể Nhật Bản - trong 5 năm sẽ đạt kỷ lục tăng trưởng trung bình 8,6%. Đây là mức cao nhất trong hai chục năm qua. Với đà này, đến năm 2030 châu Á cung cấp đến một nửa GDP toàn cầu. Trong khi đó vào giữa thế kỷ XX tỷ lệ này mới chỉ là 1/5 và tờ báo không quên nhắc đến sự trỗi dậy thần kỳ của Trung Quốc. Trở lại với nhịp độ tăng trưởng tiền khủng hoảng Cùng quan điểm với bài báo nói trên, trong một bản dự báo về tình hình kinh tế Á châu vừa công bố vào đầu tháng 9, ngân hàng Rabobank của Hà Lan ghi nhận : Kể từ năm tới, kinh tế châu Á « tăng trưởng trở lại với nhịp độ của thời kỳ tiền khủng hoảng 2008 ». Ngoại trừ Trung Quốc và Nhật Bản, nghiên cứu của ngân hàng Rabobank tập trung vào tám nước Đông Á bao gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông, Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình của tám nước nói trên trong năm 2011 có thể đạt 5,5%. Kết quả nói trên cao hơn với con số 4,9% như mong đợi. Ngân hàng Robobank đặc biệt quan tâm đến sự phục hồi nhanh chóng của Singapore và Hồng Kông. Theo thứ tự, trong sáu tháng đầu 2010, tổng sản phẩm nội địa của hai khu vực này tăng 18 và 7% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Thành quả nói trên có được nhờ châu Á đã khống chế được một số nhược điểm, như là giới hạn thâm thủng ngân sách nhà nước. Ông Adrian Foster, kinh tế trưởng thuộc ngân hàng Rabobank nhận định : Vào lúc mà thâm thủng ngân sách liên bang Hoa Kỳ lên tới 10% GDP, thì tại châu Á chỉ số này chỉ giao động vào khoảng từ 5 đến 6%. Rabobank cũng dự trù là kể từ sang năm giá đô la sẽ tăng cao hơn so với nhiều đơn vị tiền tệ của khu vực, do vậy ngành xuất khẩu của nhiều nước Á châu có khuynh hướng đi lên. Khối OCDE đang bị các nước chậm phát triển qua mặt Nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) công bố ngày 13/9 cũng nhấn mạnh : Chỉ trong 5 năm sắp tới, đà vươn lên của các nước chậm phát triển mà đứng đầu là Trung Quốc sẽ làm nhiều nước phương Tây lo ngại. Vào năm 2004 tổng sản phẩm của các nước thành viên OCDE tương đương với hơn 77% GDP toàn cầu, đến năm 2015 tỷ lệ này chỉ còn chưa đầy 66%. Trong cùng thời kỳ, tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc nhẩy vọt từ 7 đến 11 %. Khủng hoảng tài chính mở màn từ năm 2008 cho thấy rõ châu Á ngày càng trở thành trọng tâm kinh tế của thế giới. Trung Quốc là đầu tàu kinh tế của châu Á. Ngay cả trong giai đoạn đen tối nhất của cơn bão tài chính vừa qua, Trung Quốc vẫn duy trì tỷ lệ tăng trưởng 9% trong năm 2008 và gần 10 % vào năm ngoái nhờ chính sách kích cầu quy mô 4000 tỷ nhân dân tệ và chủ trương nới lỏng tín dụng hỗ trợ tiêu thụ và đầu tư. Về phần mình GDP Đài Loan sau khi đã bị co cụm hết 1,9% trong năm 2009 do xuất khẩu các mặt hàng điện tử bị khựng lại, thì năm nay tổng sản phẩm nội địa quốc đảo này tăng vọt thêm 6,4%. Doanh nghiệp châu Á mang lại lợi nhuận cao Một dấu hiệu khác chứng minh cho đà vươn lên của các nền kinh tế châu Á đó là hiện nay, mua cổ phiếu của các doanh nghiệp châu Á bảo đảm có được lãi suất cao nhất. Theo bảng xếp hạng vừa được văn phòng tư vấn BCG Consulting thông báo đầu tháng chín này, 10 tập đoàn đang đem lại lợi nhuận cao nhất cho cổ đông trên thế giới đều là các công ty lớn của Á châu, trong số đó có 5 tập đoàn Trung Quốc và 2 có trụ sở tại Hồng Kông. Trong số 10 doanh nghiệp hàng đầu nói trên không hề có một tập đoàn nào của phương Tây. Đáng chú ý hơn nữa là trường hợp tập đoàn viễn thông Trung Quốc Tencent : Vào cao điểm của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2009, cổ phiếu của tập đoàn này vẫn mang về hơn 106% tiền lời cho cổ đông một năm. Để so sánh, trong cùng thời kỳ, nếu mua cổ phiếu của tập đoàn Apple thì lợi nhuận chỉ là 47%. Trong giai đoạn từ 2005 đến 2009, ngành công nghệ khai thác quặng mỏ, ngành hóa học hay công nghiệp xe hơi cũng là những lĩnh vực "hái ra tiền". Theo giám đốc BCG Consulting tại Paris Jérôme Hervé, điều này chứng tỏ là các doanh nghiệp ở châu Á đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trên bàn cờ kinh tế và công nghiệp của thế giới. Cho dù sự phục hồi nhanh chóng của châu Á đang khiến nhiều quốc gia công nghiệp ganh tỵ, nhưng trong nhãn quan của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, châu Á đang đứng trước một đà phục hồi "với nhiều vận tốc" và còn quá sớm để cho rằng « trọng lực kinh tế toàn cầu đang chuyển về châu Á ». Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, khái niệm Á châu như một khu vực địa dư thật ra lại đa diện vì gồm nhiều quốc gia có nhiều dị biệt. Thuần về kinh tế, tôi nghĩ nhận định của tờ Financial Times tập trung vào các nước Đông Á, hay Á châu Thái Bình Dương. Trong nhóm này, không kể Nhật Bản là nước công nghiệp hóa và thật ra chưa ra khỏi vụ khủng hoảng với nạn suy trầm kéo dài từ hai chục năm nay. Còn lại, có trường hợp Trung Quốc và các nước gồm có Nam Hàn và Đài Loan tại Đông Bắc Á và nhóm quốc gia Đông Nam Á quy tụ gần 600 triệu dân. Xác định nội dung như vậy rồi thì ta thấy quả là các nước Đông Á có bị hiệu ứng khủng hoảng tài chính từ Hoa Kỳ nhồi trong nạn suy trầm kinh tế của các năm 2008-2009, như khi tín dụng bị cạn kiệt và các thị trường xuất khẩu mạnh nhất của họ là Âu-Mỹ đều co cụm. Nhưng sau đó, họ sớm ổn định tình hình và đang đạt tốc độ tăng trưởng rất cao làm các nước Âu-Mỹ-Nhật phải "thèm thuồng". Nhưng trong nhóm Đông Á này, ta còn phải phân biệt trường hợp Trung Quốc và Việt Nam với các quốc gia còn lại. Xin nói về các quốc gia đó trước. RFI: Về các nước Đông Á ngoài Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam thì đâu là những yếu tố khuyến khích họ trỗi dậy và vươn lên còn mạnh hơn trước? Nguyễn Xuân Nghĩa: Các quốc gia này, từ Đông Bắc tới Đông Nam Á đều áp dụng chiến lược phát triển kinh tế học được từ Nhật là lấy xuất cảng làm đầu máy tăng trưởng với tỷ giá đồng bạc rất thấp. Sau này Trung Quốc và Việt Nam cũng bắt chước chiến lược ấy. Thế rồi, năm 1997-1998, các nước Đông Á bị khủng hoảng như Nhật đã bị từ năm 1990 mà nay chưa thoát khỏi. Sau vụ khủng hoảng 97-98, các nước Đông Á buộc phải triệt để cải cách. Cụ thể là chấn chỉnh cơ cấu vĩ mô để khỏi bị bội chi nặng, họ thắt lưng buộc bụng để trả nợ và tạo dựng một khối dự trữ khả quan hơn trước. Thứ hai, họ cũng thấy mối nguy từ bên ngoài vào là khi để bị lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Âu-Mỹ nên nhiều nước tìm cách nâng mức tiêu thụ của thị trường nội địa nếu có dân số đủ đông và phát triển mậu dịch với nhau để bổ xung cho nhau. Tôi nghĩ rằng đây là yếu tố quan trọng nhất giải thích hiện tượng quật khởi của Đông Á. RFI: Anh phân biệt trường hợp Trung Quốc và Việt Nam. Hai xứ này cũng có đà tăng trưởng khả quan, có lẽ còn cao hơn các nước Đông Á còn lại. Anh giải thích thế nào về chuyện ấy? Nguyễn Xuân Nghĩa: Xin nói về tốc độ tăng trưởng trước. Tăng trưởng không là phát triển vì chỉ là khái niệm về lượng, chưa hẳn đã có phẩm chất để giúp quốc gia phát triển bền vững. Khi mới theo kinh tế thị trường để kỹ nghệ hoá thì xứ nào cũng có tốc độ tăng trưởng cao, như Nhật, Đài Loan hay Hàn Quốc mấy chục năm trước, như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam ngày nay. Nhưng tăng trưởng của các nước kia có phẩm chất hơn, cụ thể là công bằng và ít gây ô nhiễm môi sinh. Rồi khi phát triển, các xứ đó cũng chuyển hoá thành dân chủ và tự do hơn, các nước Đông Nam Á cũng vậy, thí dụ điển hình là Indonésia. Thế rồi, khi tiến vào giai đoạn hậu công nghiệp thì tốc độ tăng trưởng xứ nào cũng sẽ giảm, như đã giảm tại các nước Tây phương. Cho nên ta không nên so sánh hai trạng thái phát triển khác nhau. - Thứ hai, Trung Quốc và Việt Nam chưa kịp mở cửa để lãnh trận khủng hoảng 97-98, Trung Quốc mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới từ năm 2001 và Việt Nam từ năm 2007 thôi. Vì vậy, họ chưa thấy ra giới hạn của chiến lược phát triển Đông Á và thực tế là vẫn lệ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu dù có thị trường nội địa đủ lớn để làm đầu máy tăng trưởng thay thế cho sự hao hụt tất yếu và từ nay sẽ còn kéo dài của các thị trường Tây phương. - Thứ ba, chính quyền Trung Quốc và (trong một chừng mực nào đó) Việt Nam ra sức tăng chi và ào ạt bơm tín dụng để kích thích kinh tế nên có tốc độ tăng trưởng cao mà giả tạo. Mặt trái của đà tăng trưởng huê dạng ấy là nhiều khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước hay chính quyền địa phương bị giấu kín, lại còn thổi lên bong bóng đầu tư. Có ngày bóng sẽ bể như đã bể tại Nhật từ năm 1990 và khủng hoảng kinh tế sẽ dội lên thành khủng hoảng chính trị vì hai xứ đó vẫn chưa có cơ chế dân chủ như Nhật và Đông Á. RFI: Trở lại các xứ Đông Á kia, anh có cho là trọng lực kinh tế thế giới đang dời về châu Á không? Và khu vực này có những nhược điểm gì cần khắc phục? Nguyễn Xuân Nghĩa: Thuần về mệnh giá thì với dân số gần bốn tỷ người - hay hơn ba tỷ nếu chỉ kể từ Ấn Độ tới Đông Á - của sáu tỷ rưỡi trên toàn cầu, sản lượng kinh tế Á châu mà chiếm 50% hay thậm chí 60% sản lượng thế giới trong vài chục năm tới thì cũng là bình thường. Nhưng ta nên nhìn sâu hơn bề mặt đó. Trọng lực kinh tế ấy chưa có nghĩa là sau này mọi quyết định kinh tế hay kinh doanh hệ trọng cho thế giới sẽ xuất phát từ Á châu. Vấn đề là trí tuệ, là khả năng tổ chức và sáng chế để giành phần quyết định về sản xuất với trị giá gia tăng cao hơn. Á châu có thể là vựa người rất đông để bắt chước và áp dụng sáng kiến của Tây phương, đi làm gia công rồi leo dần lên trình độ sản xuất cao hơn. Mà phải kịp lên tới trình độ ấy trước khi dân số bị lão hóa rồi cũng co cụm dần. Nếu cứ uống nước đường do Tây phương pha chế mà không làm cuộc cách mạng về tư tưởng thì Á châu sẽ gặp bẽ bàng. Chưa kể một nhược điểm sinh tử khác là Âu châu đã trải qua trăm năm chiến tranh trước khi tiến tới hình thái hợp tác ngày nay và hiện đã có cơ chế bảo vệ an ninh để duy trì được ổn định. Á Châu thì chưa, nên còn bị nguy cơ khủng hoảng và thậm chí chiến tranh trong nội bộ trước khi hát khúc khải hoàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét