Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Cải cách ngân hàng sau khủng hoảng: Một vài tiến bộ khiêm tốn

Hai năm sau sự phá sản của ngân Mỹ Lehman Brother, công cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đã được tiến hành đến đâu ? Đến nay cơn chấn động hồi tháng 09/2008 vẫn còn để lại dư âm đối với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu : Thất nghiệp gia tăng, nhiều hoạt động kinh tế bị chựng lại. Nghe bài viết trên đài RFI Cách nay đúng hai năm ngân hàng Mỹ Lehman Brother bị phá sản. Sự "sụp đổ hoàn toàn của mô hình tài chính" thế giới, vốn đã liên tục trải qua các cuộc khủng hoảng kinh tế, dẫn đến hậu quả là một số quốc gia bị đe dọa mất khả năng thanh toán. Ngay từ mùa thu 2008, cả thế giới đồng loạt lên án những hoạt động bất cẩn của giới tài chính, ngân hàng, nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng. Hai năm sau, công cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đã được tiến hành đến đâu ? Cho đến nay, cơn chấn động đó vẫn còn để lại dư âm đối với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu : Thất nghiệp gia tăng, nhiều hoạt động kinh tế bị chựng lại. Ngày 15/9/2008, sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers đã đẩy các sàn chứng khoán của thế giới vào một cơn bão chưa từng thấy. Trong những ngày kế tiếp, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã lập tức công bố kế hoạch bơm thêm hàng trăm tỷ đô la để cứu nguy ngành ngân hàng. Chính quyền tổng thống George W. Bush ở vào những tháng cuối nhiệm kỳ phải tung ra kế hoạch 700 tỷ đô la như một con đê chặn cơn đại hồng thủy. Chưa đầy một tháng sau, nước Pháp quyết định tiếp sức cho ngành ngân hàng 360 tỷ euro. Tại Anh Quốc, chính quyền quốc hữu hóa ngân hàng Northern Rock. Ngân hàng trung ương Châu Âu hạ lãi suất chỉ đạo xuống mức tối đa hòng tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp tục cấp tín dụng cho tư nhân. Tại châu Á, Nhật Bản và Trung Quốc đương nhiên không thể đứng ngoài tâm bão. Lãnh đạo 20 quốc gia có trọng lượng kinh tế quan trọng nhất trên thế giới liên tục gặp nhau qua các hội nghị thượng đỉnh G20 ở Washington, Luân Đôn, Pittsburgh, Toronto và sắp tới đây là tại Seoul để cải tổ hệ thống tài chính thế giới, để kịch bản đen tối hồi tháng 9 cách nay hai năm sẽ không bao giờ tái diễn. Trong 24 tháng vừa qua, công cuộc cải tổ tài chính của Âu-Mỹ đã có ba bước tiến quan trọng : Thứ nhất, tại Hoa Kỳ, sau một cuộc đọ sức gay go giữa bên hành pháp và lập pháp, luật Dodd Frank đã chào đời. Văn bản nói trên buộc các ngân hàng Mỹ giới hạn hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều rủi ro mà một trong những mục tiêu sau cùng là nhằm bảo vệ thân chủ của ngân hàng, để tiền tiết kiệm của họ không bị đem đi đầu tư vào những sản phẩm tài chính có lãi cao, nhưng bị coi là nguy hiểm. Nét tiêu biểu thứ nhì của luật tài chính Dodd Frank là nhằm tăng cường vai trò của các cơ quan giám sát, phối hợp với các tổ chức trực thuộc vào chính phủ, đặt một số ngân hàng dưới sự thanh tra của Ngân hàng trung ương, các ngân hàng lớn phải hạn chế tham gia vào các quỹ đầu cơ - chỉ chiếm tối đa 3% cổ phiếu của các quỹ này. Tương tự như ở Hoa Kỳ, châu Âu cũng chủ trương thành lập và tăng cường chức năng của các cơ quan giám sát tài chính, để kiểm tra các hoạt động của ngân hàng và của các tập đoàn bảo hiểm, của các quỹ đầu cơ. Cách nay hai tuần, châu Âu lại đi thêm một bước nữa với hiệp ước Bâle III, chủ yếu đòi giới ngân hàng tăng mức vốn dự trữ để đối phó với khủng hoảng. Tiến bộ nửa vời ? Theo giới chuyên gia trong ngành, những bước tiến nói trên tuy quan trọng nhưng không đầy đủ. Về điểm này giáo sư Joseph Stiglitz, giải thưởng Nobel kinh tế 2001 nhận xét : « Cộng đồng quốc tế và kể cả Hoa Kỳ vẫn không thực sự ý thức được sai lầm của nguyên tắc ‘’too big to fail’. Hiệp ước Bâle III về quản lý ngân hàng mà châu Âu vừa cho ra đời chỉ chú trọng vào việc bắt các cơ quan tài chính nâng vốn thay vì phải giới hạn bớt một vài hoạt động phụ của các ngân hàng. Đối với Hoa Kỳ chẳng hạn, tôi thấy là luật tài chính mới ít quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi của các thân chủ ngân hàng » Nguyên tắc « too big to fail » mà giáo sư Stiglitz vừa nói đến nguy hiểm ở chỗ là một ngân hàng càng lớn chừng nào thì lại càng dễ « ỷ thế làm liều » vì họ biết rằng, trong mọi trường hợp, nhà nước cũng phải ra tay cứu giúp. Đó là điều đã xảy ra đối với ngân hàng Bearn Sterns hay với các quỹ quản lý bất động sản như Fannie Mae và Freddie Mac. Sau khủng hoảng mùa thu 2008, nhiều ngân hàng nhỏ ở Mỹ đã sáp nhập hoạt động vào với các đối tác lớn hơn để tiếp tục tồn tại. Do vậy, trọng lượng của một vài ngân hàng Mỹ giờ đây, theo giáo sư Stiglitz, còn lớn hơn so với thời kỳ tiền khủng hoảng. Vậy thì điều gì sẽ xảy tới nếu như trong tương lai một "ông khổng lồ" của ngành tài chính như JP Morgan Chase hay Goldman Sachs chẳng hạn, sa cơ lỡ bước ? Theo chuyên gia kinh tế thuộc đại học American Univerity tại Paris, giả thuyết chính phủ Mỹ bỏ rơi các tập đoàn ngân hàng này là điều không tưởng. Hoài nghi đối với ngân hàng Hai năm sau khi đã được các chính phủ trợ giúp phần lớn các ngân hàng của châu Âu và Hoa Kỳ đã bình phục. Năm 2009, các tập đoàn ngân hàng của phương Tây đã phải cầm cự trong lúc trị giá cổ phiếu tuột dốc không phanh, vì các khoản nợ xấu. Từ đầu năm tới nay, vào lúc Liên Hiệp Châu Âu phải đương đầu với khủng hoảng Hy Lạp, dư luận lo ngại các ngân hàng châu Âu khó đứng vững. Nhưng kịch bản đen tối đó đã không xảy ra. Bằng chứng rõ rệt nhất là trong cuộc trắc nghiệm về tính vững chắc của các ngân hàng châu Âu gần đây, chỉ có 7 trên tổng số 91 ngân hàng tham dự “stress test” không vượt qua được các quy định đề ra. 91 ngân hàng tham dự xét nghiệm năm nay đại diện cho 65 % các hoạt động tài chính ngân hàng của Liên Hiệp Châu Âu. Cuộc trắc nghiệm này nhằm xem xét khoản tài sản tịnh trên thực tế của các ngân hàng có đủ sức để đương đầu với một cơn bão tài chính còn nghiêm trọng hơn so với vụ phá sản của Lehman Brothers hồi tháng 09/2008 hay không. Tại châu Âu, hiện nay, hai phần ba các hoạt động kinh tế lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Ở Mỹ, tỷ lệ này là một phần ba. Trong hai năm qua, ngành ngân hàng đã tạm ổn đinh, nhưng theo giới quan sát, đây mới chỉ là một sự bình phục nửa chừng. Tại Hoa Kỳ, đến nay, vẫn còn trên 800 ngân hàng bị đe dọa phá sản. Ở châu Âu, nhiều ngân hàng của Tây Ban Nha và thậm chí của cả Đức cũng bị coi là có nguy cơ bị suy sụp. Trong bối cảnh đó, giáo sư Joseph Stiglitz khẳng định là châu Âu và Mỹ chưa thoát khỏi khủng hoảng : « Chắc chắn là chúng ta chưa ra khỏi giai đoạn suy thoái. Về mặt kỹ thuật, người ta nói tới một nền kinh tế bị suy thoái khi GDP sụt giảm trong hai quý liên tiếp. Tuy nhiên thực tế cho thấy là kinh tế đang bị chựng lại, tỷ lệ thất nghiệp còn cao. Nhìn từ góc độ này thì đúng là chúng ta chưa ra khỏi khủng hoảng. Về hậu quả của khủng hoảng : Tất cả các cơ quan dự phóng đều ghi nhận là tỷ lệ tăng trưởng sẽ ‘yếu đi hẳn so với trước khi xảy ra vụ Lehman Brothers, nhưng không ai có thể dự đoán là chỉ số đó sẽ yếu đến mức độ nào. Đối với trường hợp của Hoa Kỳ, ngay cả những người lạc quan nhất cũng nhìn nhận rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ không đủ để tạo thêm công việc làm cho những người mới gia nhập thị trường lao động ». Dư âm của Lehman Brothers Căn cứ vào vào trường họp của Pháp, tai họa Lehman Brothers vẫn còn rõ rệt và đang đè năng lên tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Pháp, thị trường lao động, cán cân chi thu của nhà nước, túi tiền của tư nhân. Giới chuyên gia nói nhiều đến một sự phục hồi kinh tế, kể từ giữa 2009. Nhưng đối với phần lớn dư luận thì khủng hỏang vẫn còn chưa đi qua : Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chỉ bằng một phần ba so với trước đợt sóng thần tài chính. Theo viện thống kê quốc gia INSEE, kim ngạch sản xuất của Pháp trong quý hai vừa qua đã đạt hơn 405 tỷ euros, giảm mất 2,1% so với quý hai 2008, thời kỳ thịnh vượng nhất trước khủng hỏang. Nhưng nếu nhìn từ góc độ « tiềm năng phát triển », tức là tỷ lệ tăng trưởng thực sự so với vốn, nhân sự, và các phương tiện đã được huy động, thì sự tụt lùi không chỉ là 2,1% như vừa nêu, mà còn tai hại hơn rất nhiều. Chênh lệch giữa thời kỳ "trước" và "sau" Lehman Brothers lên tới gần bốn điểm. Thiệt hại của khủng hoảng tài chính đối với nước Pháp ước tính lên tới 95 tỷ euros, tương đương với 5% GDP. Đối với thị trường lao động, cái giá phải trả còn cao hơn nữa khi biết rằng đến cuối tháng 8 vừa qua, số người đăng ký tìm việc làm đã tăng 35% so với hồi tháng 03/2008. Đáng lo ngại hơn nữa là so với nước Đức, một trong những quốc gia phải chịu tác hại của khủng hoảng tài chính và kinh tế nặng hơn Pháp, nhưng Đức cũng không sa thải nhiều nhân viên như Pháp. Một hậu quả khác nữa là thâm thủng ngân sách nhà nước đã gia tăng : Từ 2,7% tổng sản phẩm nội địa vào năm 2007 lên tới 7,5% vào năm 2009 thay vì 3% như tiêu chuẩn của khối Euro. Vào lúc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến khủng hoảng về khả năng thanh toán tại một số quốc gia, Liên Hiệp Châu Âu liên tục đòi các nước tham gia khối Euro trở lại với tiêu chuẩn 3% GDP thâm hụt ngân sách nhà nước. Nhưng theo quan điểm của giải Nobel kinh tế 2001 thì đòi hỏi châu Âu cân bằng hóa ngân sách, áp dụng chính sách hà khắc là một sai lầm : «GDP tại các nước áp dụng chính sách cắt giảm chi tiêu đều tuột giảm và họ gặp phải rất nhiều khó khăn. Khổ tâm hơn nữa là giải pháp này tạo nên một cái vòng luẩn quẩn, và không thể cho phép thực hiện các biện pháp cải tổ tài chính như mong đợi. Giải pháp này lại càng không thích hợp khi toàn cầu đang lâm vào tình trạng đình đốn như hiện nay (…) Theo tôi, vấn đề không phải là ‘’làm thế nào để cắt giảm chi tiêu’’ mà câu hỏi đặt ra phải là ‘làm thế nào để sử dụng một cách có hiệu quả nhất các khoản chi tiêu công cộng để nền kinh tế có thể khởi sắc trở lại, để mọi người tin tưởng vào tuơng lai và từ đó họ mạnh dạn đầu tư. Có đầu tư, thì mới có thể tạo thêm công việc làm và như vậy mới mong phát triển kinh tế. Mà kinh tế có phục hồi thì nhà nước mới mong lấy lại cân bằng trong ngân sách. Nói cách khác, tôi nghĩ là chúng ta có một cái nhìn quá thiển cận về vấn đề thâm hụt ngân sách». Kinh tế Mỹ vẫn chưa khởi sắc Trong hai năm qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ đã tăng từ 6,2% lên tới gần 10%. Nợ của chính quyền Liên bang đang từ hơn 9600 tỷ đô la tăng lên hơn 13200 tỷ trong vòng chưa đầy hai năm. Thêm vào đó, 280 ngân hàng đã bị xóa tên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét