Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2010

Phúc âm Chúa Nhật XV Q.N (11/07/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng chủ đề "Yêu trong hành động" qua Linh Mục Phêrô Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R TÔI ĐÃ ĐỂ ĐI QUA Cha Mark Link, S.J. Chủ đề: "Không phải mất công nhiều để đến với anh chị em đang đau khổ với lòng trắc ẩn, như Đức Giêsu đã làm."
Một bà đứng bên lề đường đang chờ đèn báo để sang đường. Đối diện với bà bên kia đường là một thiếu nữ khoảng 17 tuổi. Cô ta cũng đợi để sang đường. Bà không thể nào không thấy là thiếu nữ này đang khóc. Thật vậy, nỗi buồn của cô quá lớn đến nỗi cô không thèm giấu nó. Trong khoảng khắc ánh mắt hai người gặp nhau. Dù chỉ là khoảng khắc nhưng cũng đủ để bà thấy được sự đau khổ lớn lao ngập đầy đôi mắt người thiếu nữ. Cô gái xoay mặt nhìn chỗ khác. Khi đèn báo bật sáng. Mỗi người bước khỏi lề và khởi sự bước sang đường. Khi thiếu nữ gần đến, người đàn bà có thể thấy cô thật xinh xắn, ngoại trừ nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt. Ngay khi hai người sắp sửa gặp nhau, bản năng làm mẹ của bà bỗng nhiên nổi dậy. Mọi thứ trong người bà như muốn đến với cô ta để an ủi cô. Ao ước đó lại càng gia tăng vì người thiếu nữ này cũng trạc tuổi cô con gái của bà. Nhưng bà đã để cô đi qua. Ngay cả một lời thăm hỏi cũng không. Bà chỉ để cô đi qua mà không nói một lời. Nhiều giờ sau, đôi mắt ngập tràn đau khổ của cô gái vẫn tiếp tục ám ảnh bà. Bà luôn luôn tự hỏi, "Tại sao mình không quay lại hỏi thăm, 'Cưng ơi, tôi có thể giúp gì cho cô không?' Nhưng mình đã không làm vậy. Mình bước đi. Chắc chắc là cô ta có thể khước từ mình và nghĩ mình là người tò mò. Nhưng có sao đâu! "Chỉ mất có vài giây đồng hồ, nhưng vài giây đó cũng đủ cho cô ấy biết được là có ai đó quan tâm đến cô. Nhưng mình đã bỏ đi. Mình đã làm như thể cô ấy không hiện diện." Câu chuyện có thật đó là một trong các câu chuyện cho thấy điều Đức Giêsu muốn nói trong dụ ngôn thật hay của bài phúc âm hôm nay. Đó là: Không phải mất công nhiều để đến với anh chị em đang đau khổ với lòng trắc ẩn. Để hiểu rõ hơn dụ ngôn của Đức Giêsu, chúng ta cần biết chút đỉnh về hoàn cảnh thời bấy giờ. Con đường trong dụ ngôn của Đức Giêsu không phải trong tưởng tượng. Thật vậy, đó là một con đường rất nổi tiếng. Đó là con đường duy nhất thời xưa đi từ Giêrusalem đến Giêrikhô. Lúc ấy con đường ngoằn ngoèo vì các tảng đá lớn. Hậu quả là con đường trở thành sào huyệt nổi tiếng của bọn cướp. Một lá thư viết từ thời xa xưa , đã than phiền với nhà chức trách về tội ác xảy ra trên con đường này. Có những hồ sơ lịch sử ghi nhận việc người đi đường phải nộp tiền mãi lộ cho bọn cướp để được yên ổn băng qua. Chính con đường nổi tiếng này đã làm khung cảnh thực tế cho dụ ngôn của Đức Giêsu về người Samari nhân hậu. Trong dụ ngôn, Đức Giêsu vẽ ra ba loại người khác nhau: một người tư tế, một thầy Lêvi, và một người Samari. Trước hết, người tư tế. Có lẽ ông đang trên đường đến Giêrusalem để tế lễ trong Đền Thờ. Có lẽ ông nghĩ nạn nhân nằm bên vệ đường đã chết nên ông đi qua. Nếu một tư tế chạm đến xác người chết, ông bị nhiễm uế và tạm thời bị cấm không được vào Đền Thờ. Do đó, người tư tế không muốn dính dáng đến. Kế đó là người Lêvi. Ông ta cũng giống như thầy phó tế ngày nay. Không rõ lý do tại sao ông lại bỏ qua. Có lẽ lý do của ông cũng giống như của người tư tế. Hoặc có lẽ ông sợ nạn nhân này chỉ giả vờ và sẽ tấn công ông nếu ông đến giúp. Do đó, thầy Lêvi cũng không muốn dính líu tới. Sau cùng, đó là người Samari. Khi đề cao người Samari thành anh hùng trong dụ ngôn, Đức Giêsu chắc đã làm thính giả phải bàng hoàng sửng sốt, vì họ thường tránh xa người Samari như quân phản loạn không đạo đức đàng hoàng. Người Samari bị cấm không được vào Đền Thờ. Tiến lễ của họ bị từ chối, và lời chứng của họ không được chấp nhận ở tòa án. Nhưng Đức Giêsu biết việc Người làm khi đưa người Samari thành anh hùng trong câu chuyện. Người muốn dạy cho lớp thính giả Do Thái thấy rằng tình yêu thì không có biên giới. Tình yêu đến với mọi người đang có nhu cầu. Nó không bỏ qua. Nó dừng lại để giúp đỡ; nó muốn dính líu, bất kể người đó là ai. Và điều đó đưa chúng ta trở lại câu chuyện của người phụ nữ và cô gái phiền muộn. Đến với cô ta và giúp đỡ cô ta thì thật dễ. Như chính bà đã nói: "Chỉ mất có vài giây đồng hồ, nhưng vài giây đó cũng đủ để cô ta biết là có ai đó lưu tâm đến cô." Và, nhiều khi, đó là điều mà tất cả những gì một người đau buồn muốn được biết. Thường những gì họ cần thì không phải tốn nhiều sức lực của chúng ta, không phải mất nhiều thời giờ của chúng ta, không phải tốn kém nhiều tiền bạc của chúng ta. Thường tất cả những gì họ cần thì đơn giản là được thấy chúng ta lưu tâm đến họ. Và dụ ngôn hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhìn đến sự tương giao của chúng ta với người khác. Nó mời gọi chúng ta hãy tự hỏi chính mình: Chúng ta đáp ứng thế nào với nhu cầu của người khác? Chúng ta có dừng bước và sẵn sàng giúp đỡ họ không? Hay chúng ta bỏ đi, làm như họ không hiện diện? Đặc biệt, chúng ta có thi hành điều này đối với các phần tử trong gia đình chúng ta hay không? Một dữ kiện buồn thảm của đời sống là đôi khi chúng ta đối xử với người lạ còn tốt hơn với người thân, như vợ chồng, cha mẹ, hay con cái. Dụ ngôn hôm nay không mời gọi chúng ta đi ra xa, nguy hiểm đến tính mạng và trở thành anh hùng. Nó mời gọi chúng ta đến với người khác, liều mất sự tự cao tự đại của mình và trở nên nhân bản hơn. Nó mời gọi chúng ta lên tiếng hỏi, "Tôi có thể giúp gì không?" Và nếu lời ngỏ ý của chúng ta bị từ chối thì sao? Như người phụ nữ trong câu chuyện nó, "Thì có sao đâu!" Tối thiểu ai đó biết rằng chúng ta lưu tâm đến hộ. Tối thiểu ai đó biết rằng chúng ta đã ngỏ lời, "Tôi có thể giúp gì không?" Lạy Chúa, xin ban cho chúng con cặp mắt để nhìn thấy sự đau khổ trong ánh mắt của người khác, nhất là những người trong chính gia đình chúng con. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đôi tai để nghe tiếng than khóc của người khác, nhất là những người cùng dòng máu với chúng con. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng trắc ẩn để dám dính dáng đến nhu cầu của người khác, nhất là nhu cầu của những người thân yêu của chúng con. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự khiêm tốn đừng bao giờ bỏ qua vì sợ bị khước từ. Nhưng xin ban cho chúng con sự can đảm để đến với họ và hỏi họ, "Tôi có thể giúp gì không?". BÀI HỌC YÊU THƯƠNG Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R. Chủ đề : “Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10:37b). Giêricô là một thành phố nằm cách Giêrusalem 15 dặm về phía đông bắc, đường đầy đá sỏi và chật hẹp, lắm nơi quanh co khúc khuỷu, đã trở nên chốn làm ăn của bọn bất lương. Đến thế kỷ thứ 5, Giêrôm, một nhà chú giải Thánh Kinh nổi tiếng còn ghi nhận: “Đường từ Giêrusalem về Giêricô còn được gọi là Đường Máu”. W. Barclay, một nhà chú giải khác cho biết: đến thế kỷ thứ 19 những người qua lại đoạn đường này vẫn phải trả tiền mại lộ cho người Sheik địa phương để được an toàn. Và H. Morton, trong thập niên 30 của thế kỷ 20 cũng cho hay: du khách không dám đi lại trên con đường này sau lúc mặt trời lặn nếu không muốn bị bọn cướp Abu Jidah chận bắt và hành hung. Đức Giêsu đã dùng con đường gian nan trắc trở này để dẫn người ta đến với chân lý của tình thương. Số là một hôm có người luật sĩ tới thử Ngài: “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Chúa Giêsu hỏi lại ông: “Trong sách luật có viết thế nào?” Ông trả lời: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi; và yêu thương đồng loại như chính mình.” Nghe nhà thông luật nói thế, Chúa Giêsu liền chấm điểm kiến thức ông ta, kèm theo một lời khuyên: “Ông nói rất đúng. Hãy làm như vậy thì ông sẽ được sống.” Đi thử thách Đức Giêsu mà lại bị Ngài đưa vào con đường tiến thoái lưỡng nan: nếu làm như Ngài nói thì rõ ràng mình thua cuộc và công nhận Ngài đúng quá, còn phản đối lời Ngài khuyên thì sẽ bị mất mặt đối với dân chúng, không còn xứng danh là một luật sĩ nữa! Thế nên để gỡ gạt, ông hỏi lại Đức Giêsu: “Nhưng ai là đồng loại của tôi?” Và Đức Giêsu đã kể cho thính giả dụ ngôn “Người Samaritanô Nhân Hậu”: Một người phố thị Gialiêm Xuôi về cố quận là miền Giêricô Chẳng may lọt lưới côn đồ Hành trang lột hết đánh cho nhừ đòn Sống thừa chết hụt mê man Bên đường cô quạnh chiều tàn thê lương Có người giáo trưởng hành hương Đi qua trông thấy chẳng thương xót gì Một người trợ tế liền khi Thấy y cũng chẳng chút chi đoái hoài Mặt trời sắp khuất non đoài Bỗng đâu xuất hiện một người Sa-ma Cỡi lừa thốc thếch đi qua Thoạt xem cảnh tượng ông đã động tâm Vội vàng đến với nạn nhân Bó băng thương tích ân cần xuýt soa Rượu dầu trong uống ngoài thoa Lên lừa chở vội về nhà trọ ngay Thâu đêm săn sóc liền tay Sáng trao cho chủ quán hai quan tiền Rằng: “Ông thang thuốc cho em Thiếu chăng tôi sẽ trả thêm lúc về.” Lên lừa ông mới ra đi. (Xuân Ly Băng) Ba thái độ và hành động của ba con người trước tình cảnh thê lương của kẻ sa lưới bọn cướp, đang nằm dở sống dở chết bên đường đi, đã làm nổi bật giáo lý “yêu người đồng loại” của Đức Kitô. Người đầu tiên thấy kẻ bị nạn là một tư tế Do thái đang trên đường hành hương thánh đô. Chắc hẳn ông ta nhớ rất rõ luật thanh sạch do Môisen truyền lại: ai đụng đến tử thi sẽ bị mắc nhơ suốt bảy ngày (Ds 19:11). Như thế, có lẽ ông ta sợ đụng phải người chết và bị mất phiên xông hương đền thờ. Vị tư tế đã xem đền thờ và nghi lễ phụng tự quan trọng hơn nỗi đau thương của con người. Kế đó là một thầy giúp lễ thuộc chi tộc Lêvi cũng “đến nơi”. Người này có vẽ đến gần hơn để xem xét. Nhưng vì tính tình quá cẩn trọng: e rằng quân gian giả vờ nguy nan để đánh úp những khách qua sơ hở, thế nên “cẩn tắc vô ưu”, thầy ta đi thẳng. Thầy giúp lễ đã coi trọng sự an toàn cá nhân hơn nhu cầu cấp bách của người bất hạnh. “Đèn nhà ai nấy rạng”. Bất chấp tình người! Cuối cùng, khi trời tà bóng ngã, lúc mà không gian bắt đầu vắng lặng vì khách bộ hành phải tìm nơi ẩn náu qua đêm hầu tránh hiểm nguy, thì một người Samaritanô xuất hiện. Ông thấy người bị nạn và chạnh lòng thương. Người Do thái vốn có hiềm khích với dân Samari từ lâu đời lâu kiếp. Sự tiếp xúc giữa hai dân tộc là một điều tối kị. Thế nên việc người ta “không thù nhau” là một điều lạ lùng vô cùng, huống hồ lại “chạnh lòng thương”. Một thái độ không thể hiểu nỗi! Ấy thế mà không những chạnh lòng thương, người Samaritanô kia còn ra tay săn sóc nạn nhân, băng bó vết thương, và đưa về nơi an toàn. Ông đã đặt phẩm giá con người trên tự ái dân tộc, coi trọng nỗi đau của tha nhân hơn an toàn cá nhân. Nhất là ông đã biến lòng thương xót trong tim mình thành hành động cụ thể. Đây chính là giáo lý và lối sống của Đức Kitô. Ngài mời gọi người luật sĩ “hãy đi và làm như vậy” hầu được “trở nên đồng loại của người đã sa vào ổ cướp”. Nét đáng lưu ý trong câu chuyện Người Samaritanô Nhân Hậu là việc Đức Giêsu đảo nghịch câu hỏi của nhà thông luật: “Ai là đồng loại của tôi?” thành câu hỏi “Ai đã nên người đồng loại của kẻ sa vào ổ cướp?” Một tâm thức kiêu căng khi cho mình là trung tâm ban phát cho kẻ khác đặc ân làm đồng loại của mình phải được thay thế bằng thái độ cố gắng thực thi yêu thương để được trở nên anh em đồng loại của tha nhân. Đối với quan niệm trần thế, người có giá là người được kẻ khác cầu cạnh dựa hơi, nhưng đối với Đức Giêsu, phẩm giá con người sẽ nâng cao khi biết hướng về tha nhân trong yêu thương và hành động. Biết “chạnh lòng thương” những người bần cùng, khổ đau, hoạn nạn, tang thương, và biết ra tay cứu giúp, dù rằng họ không cùng chính kiến, khác biệt màu da, bất đồng ngôn ngữ, hay từng gây đau thương khốn khó cho mình, chính là lối đường đi đến “sự sống đời đời” mà Đức Kitô vạch ra và mời gọi người ta bước theo. Lời mời gọi đó không chỉ dành cho nhà luật sĩ nhưng còn cho bạn và tôi: “Hãy đi và làm như vậy”. Amen. AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI? Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb Càng đồng hành với Chúa Giêsu trên hành trình tiến về Giêrusalem, chúng ta càng hiểu rõ hơn ý nghĩa mà Chúa muốn thực hiện khi cương quyết đến nơi mà Người biết chắc sẽ chịu nhiều đau khổ, sỉ nhục và bị giết chết. Tin mừng hôm nay giúp chúng ta khám phá ra rằng con đường tiến về Giêrusalem của Chúa nhất thiết phải là con đường của tình yêu, con đường của cảm thông và chia sẻ với đồng loại. Với dụ ngôn người Samari tốt lành, hẳn Chúa Giêsu muốn mở ra cho chúng ta giới luật mới về yêu thương đồng loại ? Câu hỏi mà nhà thông luật đưa ra để thử Chúa Giêsu liên quan đến việc “phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”. Đây chính là thâm ý của viên thông luật. Ông ta muốn làm thầy dạy về đường chân lý cho Chúa Giêsu. Chúng ta biết, lối giáo dục trong xã hội Dothái cũng như Hylạp xưa theo trình tự mô phạm là thầy giáo đặt câu hỏi, trò trả lời và cuối cùng thầy đưa ra nhận định đúng sai của vấn đề. Thấy được như thế, chúng ta mới hiểu ý định thâm độc của nhà thông luật kia. Ông ta tưởng rằng, là thầy, ông có quyền hỏi Chúa Giêsu và dĩ nhiên Chúa Giêsu phải trở thành học trò trả lời điều ông muốn dạy dỗ để rồi sau đó ông sẽ đưa ra nhận định đúng sai cho vấn đề. Trả lời bằng một câu hỏi, Chúa Giêsu đã chuyển đổi vai “thầy – trò” trong cuộc đối thoại với viên thông luật. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng câu hỏi của Người đặt nhà thông luật vào một nước cờ không thể không trả lời và, thật hài hước làm sao, viên thông luật tưởng sẽ làm thầy Chúa Giêsu thì giờ đây đành cúi đầu làm trò, ngoan ngoãn làm bài thi vấn đáp về môn học luân lý tôn giáo. Câu hỏi của Chúa Giêsu với nhà thông luật quả là không khó đối với ông. Dựa vào sách Đệ nhị luật và Lêvi, ông đã trả lời vanh vách vấn đề Chúa nêu ra: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình” (x. Đnl 6,4; Lv 19,18). Nhà thông luật quả là một học trò xuất sắc. Câu trả lời của ông được Chúa Giêsu khen ngợi. Đàng sau lời nhận định theo đúng môtíp sư phạm mà Chúa Giêsu đưa ra cho nhà thông luật, chúng ta còn thấy một sự chuyển biến tâm lý đối với nhà thông luật này. Thật thế, câu hỏi tiếp theo của ông “Nhưng ai là người thân cận của tôi” làm cho chúng ta hiểu rằng nhà thông luật giờ đây không còn ý định thử Chúa nữa mà thực tâm muốn tìm hiểu vấn đề – điều không còn nằm trên bình diện lý thuyết như truyền thống đã nêu mà trên bình diện thực hành. Thế nhưng làm sao để hiểu thế nào là người thân cận của mình? Hẳn chúng ta biết, đối với người Dothái, người thân cận chỉ gồm những ai thuộc chủng tộc Dothái mà thôi. Điều này đã được nói đến trong Kinh thánh (x. Lv 19, 11.13.15.18). Dụ ngôn người Samari tốt lành sẽ giúp cho viên thông luật nhận ra cái nhìn hẹp hòi của mình, đồng thời cũng là câu trả lời cho chúng ta về điều mà nhà thông luật thắc mắc. Đoạn đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô dài khoảng 25 km đi qua nhiều đoạn đèo dốc hiểm trở. Bọn cướp thường lợi dụng địa hình hiểm trở này để ra tay cướp của giết người. Một người chẳng may bị bọn cướp trấn lột, bị đánh đập nhừ tử và đang rất cần sự trợ giúp của người khác. Cứ theo mạch văn Tin mừng, thì người lâm nạn đúng là một người Dothái. Và, cũng theo quan niệm của Dothái giáo thì con người khốn khổ này hẳn sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với bất cứ người Dothái nào gặp phải. Thế nhưng, lạ lùng thay, những bậc vị vọng trong giới thượng tế Dothái giáo là Tư tế và Lêvi lại tỏ ra ghẻ lạnh, thờ ơ đến ngay cả đồng loại của mình! Các ông trong giới thượng tế này không phải không trông thấy đồng loại mình đang quằn quại rên xiết bên vệ đường, nhưng điều gì khiến các ông tỏ ra lạnh lùng đến thế? Đơn giản là vì các ông đã quá chú trọng đến khoản luật cấm được ghi trong sách Dân số khi nói đến việc chạm tay vào xác chết, vào người bị đả thương,… thì sẽ bị ô uế trong 7 ngày (x. Ds 19, 11-13.16). Thế nhưng thưa các ông Tư tế và Lêvi, chẳng lẽ các ông lại không nhớ lời Giavê Thiên Chúa nói qua miệng ngôn sứ Hôsê ư, rằng Người chỉ “muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (x. Hs 6,6)? Các ông đã quên mất điều trọng yếu này trong phần thực hành giới luật của mình. Ngược lại với các nhà thượng tế, người Samari vốn được xem là kẻ đa nguyên về tôn giáo, lai căng về chủng tộc và được người Dothái xem là kẻ xa lạ, cần tránh xa bao có thể lại trở nên khuôn mẫu về lòng nhân từ. Có một thực tế là, điều mà mọi người cho là thân thuộc lại trở nên xa lạ và, kẻ bị xem là xa lạ lại trở thành thân thuộc. Sở dĩ có sự đảo lộn trật tự này chung quy cũng chỉ ở cách nhìn nhận vấn đề và tấm lòng yêu mến đồng loại. Gặp người hoạn nạn, người Samari đã không suy nghĩ, không lý luận xem “ai là người thân cận, là anh em tôi” rồi mới hành động. Anh chỉ nhìn ra một con người đang đau khổ, cần được cứu giúp mà không xem xét gốc gác của người ấy có đồng chủng tộc, có đồng quan điểm, chính kiến với mình hay không. Người Samari hành động ngay lập tức là cứu giúp nạn nhân và chính hành động này, anh đã trở nên người thân cận, người anh em của nạn nhân. Đối với Chúa Giêsu, khi gặp người hoạn nạn khốn khổ không phải là lúc ngồi xuống để hỏi xem họ có phải “là người thân cận của tôi” hay không, mà là xắn tay áo lên hành động với một trái tim đầy tình yêu mến. Những động tác thuần thục của người Samari khiến chúng ta thấy dường như anh không phải làm công việc này lần đầu mà là nhiều lần, rất quen thuộc như là thói quen, như là hơi thở của mình vậy. Anh đã yêu thương người bị nạn như chính mình. Anh đã hy sinh tất cả chỉ mong sao mọi điều tốt lành sẽ đến với người kém may mắn. Giáo huấn của Chúa Giêsu về lòng nhân ái thật rõ ràng, không cầu kỳ khó hiểu nhưng rất thực tế. Thiên Chúa không phải là Đấng ở trên cao để con người ngưỡng mộ tôn kính mà là Đấng đang ẩn mình ngay trong chính những người bị thương, khốn khó, nằm vất vưởng bên vệ đường. Tình yêu chân thành của chúng ta đối với Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện khi và chỉ khi chúng ta yêu thương những con người gặp khốn khó, bệnh hoạn tật nguyền. Đối với Chúa Giêsu, người thân cận là người thực thi lòng nhân ái bao dung chứ không phải người chỉ biết hưởng thụ lòng xót thương. “Hãy đi và cũng hãy làm như vậy” là lời nhắn gửi của Chúa Giêsu không chỉ cho nhà thông luật mà còn cho chính mỗi người chúng ta đang sống trong một xã hội đang mất dần lòng nhân hậu và sự bao dung. Ước gì mỗi bước chân của người Kytô sẽ vang vọng lời mời gọi của Chúa là thực thi Đức ái giữa lòng nhân loại.Amen. Ông Hoàng Hạnh Phúc Lm.Jos Tạ duy Tuyền Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: ở một thành phố nọ, có một Ông Hoàng sống một cuộc đời rất hạnh phúc. Vì thế khi ông chết, người ta đã làm một bức tượng của ông, đặt trên một cái bệ cao giữa thành phố và đặt tên là Ông Hoàng Hạnh Phúc, như là biểu tượng may mắn sẽ mang hạnh phúc đến cho mọi người dân trong thành. Một buổi chiều đầu mùa đông, một con chim én đến đậu dưới chân pho tượng. Bỗng một giọt nước rơi xuống đầu nó. Nó nhìn lên và ngạc nhiên vì đó là giọt nước mắt của Ông Hoàng. Ông đang khóc. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên đôi má của ông. Chim én ngạc nhiên và hỏi rằng: - Tại sao ông khóc? Ông là Ông Hoàng Hạnh Phúc kia mà! - Ông hoàng trả lời: Từ khi đứng trên cao nhìn thấy cảnh sống của dân thành, ta đau lòng quá và không còn hạnh phúc nữa. Ta muốn đi giúp họ lắm, nhưng đôi chân ta bị chôn chặt ở cái bệ này nên không thể nào đi được. Bạn có thể giúp ta không? - Không được, tôi phải bay đi cho kịp đàn đang bay về phương bắc. - Hãy làm ơn giúp ta đêm nay đi. - Chim én ngập ngừng giây lát rồi nói: Thôi được. Bây giờ ông muốn tôi làm gì? - Trong một túp lều đàng kia có một người mẹ đang khóc vì con bà bị bệnh mà bà không có tiền gọi bác sĩ. Bạn hãy lấy viên ngọc ở chuôi kiếm của ta đem cho bà ấy. - Chim én dùng mỏ lấy viên ngọc ra và bay đến cho bà mẹ nghèo. Nhờ có tiền, bà đã lo cho con bà khỏi bệnh. - Hôm sau Ông Hoàng lại xin chim én nán lại một đêm nữa để mang viên ngọc khác đến cho một người nghèo khác. Rồi hôm sau nữa đến giúp một người nghèo khác nữa. Cứ thế hết ngày này đến ngày khác, con chim én lấy các thứ trang sức của Ông Hoàng đem cho người nghèo. Cuối cùng trên mình Ông Hoàng không còn gì quý giá nữa. Khi đó đã là giữa mùa đông, trời đã lạnh rất nhiều. - Một buổi sáng, người ta thấy xác con chim én đã chết cóng dưới chân pho tượng Ông Hoàng trần trụi. Phía dưới thành phố, mọi người đều hạnh phúc. Họ có biết đâu hạnh phúc của họ là nhờ sự hy sinh của Ông Hoàng Hạnh Phúc và con chim én nhỏ bé kia. Đôi khi trong cuộc sống chúng ta vẫn vô tâm như vậy. Nhiều người đã được sống hạnh phúc nhưng họ đâu biết rằng hạnh phúc của họ là nhờ sự chắt chiu từng hy sinh âm thầm của biết bao nhiêu người. Có thể đó là sự hy sinh không mệt mỏi của cha, của mẹ từng ngày vất vả trên nương đồng, hay trên công trường. Có thể đó là sự hy sinh nhịn nhục của những người thân chịu thiệt thòi để họ được hạnh phúc. Có thể đó là sự hy sinh nhường nhịn của bạn bè để họ được vui hơn trong cuộc sống. Thế mà, nhiều người vẫn tưởng rằng mình lớn lên không cần ai giúp đỡ. Lối suy nghĩ đó đã dẫn đến một đời sống ích kỷ, hẹp hòi, một lối sống dửng dưng đến xa lạ với đồng loại. Thực vậy, ở trong cuộc đời này vẫn còn đó biết bao người chắt chiu từng hạt gạo, gom góp từng miếng vải để giúp kẻ cơ hàn. Cuộc đời vẫn còn đó biết bao người hy sinh cả cuộc sống mình để phục vụ các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nan y. Vẫn còn đó cả hàng triệu người đang đổ mồ hôi vật vã trên công trường, trên nương đồng để làm ra của cải và sản phẩm cho hàng tỉ người trên trái đất hưởng dùng. Vâng, cuộc đời vẫn còn đó biết bao người biết hy sinh vì tha nhân, biết kiến tạo niềm vui trong những giọt mồ hôi lao nhọc để phục vụ tha nhân. Thế nhưng, giòng đời vẫn còn đó những trái tim khô cằn, những tâm hồn lạnh nhạt đến dửng dưng với nỗi đau của đồng loại. Họ đâu biết rằng cuộc đời của họ đang bị cuốn trôi theo một giòng chảy của trần đời. Họ được đón nhận thì cũng phải biết trao ban. Vì chẳng ai có thể giữ mãi cho mình được điều gì mãi mãi. Tất cả những gì mình có rồi một mai cũng bị cuốn trôi theo thời gian. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy biết dừng lại để giúp đỡ những ai đang cần đến chúng ta, hãy biết chia sẻ với những khó khăn của tha nhân. Hình ảnh Thầy Tư tế và Lê vi đã bỏ lại đằng sau tiếng kêu cứu của đồng lại diễn tả một thế giới mà con người luôn hối hả bận rộn với giòng chảy cuộc đời. Họ bị giòng đời cuốn trôi đến nỗi đã quên rằng, cuộc sống đích thực là cuộc sống còn có khả năng chia sẻ với tha nhân. Một cuộc đời có ý nghĩa là cuộc đời biết dùng thời giờ để sống với tha nhân trong yêu thương và phục vụ. Và một cuộc đời đã mất khi không còn khả năng để giúp đỡ anh em. Ông Hoàng hạnh phúc đã không còn hạnh phúc khi ông nhận ra mình không còn khả năng để giúp đỡ đồng loại. Ông cảm thấy bất hạnh khi mình không còn khả năng để xoa dịu nỗi đau của đồng loại. Ngược lại, người Samaria nhân hậu, ông đã tìm được niềm vui của cuộc đời phục vụ. Ông đã dừng lại để xoa dịu nỗi đau của kẻ bất hạnh. Cuộc đời ông hạnh phúc biết bao khi ông băng bó nỗi đau của đồng loại. Khi ánh mắt của kẻ chịu ơn đang nhìn ông một cách trìu mến thân thương. Niềm vui của ông càng được nhân lên khi người mà ông giúp đỡ đã coi ông như anh em. Từ một người xa lạ nay trở thành kẻ thân thích. Ông đã biết dùng của cải đời này để mua bạn hữu đời này và cả đời sau. Đó chính là mẫu người mà Chúa đang mời gọi chúng ta hãy làm theo như vậy. Ước gì trong năm thánh với chủ đề Giáo hội mầu nhiệp, hiệp thông và sứ vụ sẽ là lời nhắc nhở chúng ta về Giáo hội của Chúa, do Chúa sáng lập và hiện diện thì mỗi ky-tô hữu cần phải hiệp nhất với nhau trong Chúa, cần nhìn nhận nhau là anh em và hãy biết sống đời kytô hữu bằng sự dấn thân để phục vụ tha nhân trong yêu thương chân thành. Nguyện xin Chúa là Đấng đã hết lòng yêu thương và phục vụ con người cho đến nỗi bằng lòng chịu chết vì chúng ta, giúp cho chúng ta cũng biết sống yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen. Mời cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh đáp ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét