Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2010

Bị áp thuế chống phá giá, ngành da giày Việt Nam vẫn xoay sở được

Năm nay, các sản phẩm da giày Việt Nam lại tiếp tục bị Liên hiệp châu Âu đánh thuế chống phá giá, và cũng không còn được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP. Tuy vậy, trả lời phỏng vấn của RFI, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam đã cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày trong 5 tháng qua vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp khai thác thêm các thị trường mới. Bên cạnh đó, ngành da giày cũng bắt đầu hướng đến việc tập trung phát triển nguồn nguyên liệu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Phỏng vấn ông Diệp Thành Kiệt Mở thêm các thị trường mới thay cho thị trường châu Âu Đến 5 tháng của năm 2010, toàn ngành da giày của VN đã xuất khẩu được 1 tỉ 784 triệu USD. Nếu so với cùng kỳ năm 2009, thì năm nay tăng được 7,7%. Chúng ta có thể thấy rằng nếu xét bối cảnh của ngành da giày VN hiện nay, thì đó là một nỗ lực rất lớn của ngành. Lý do là đầu năm nay chúng ta đã bị EU tiếp tục áp thuế chống bán phá giá giày mũ da là 10% thêm 15 tháng nữa. Và EU cũng đã cắt bỏ GSP từ năm 2009 đến nay. Như vậy xuất khẩu vào thị trường EU đang bị giảm mạnh, mức giảm này được dự báo từ 15đến 20%. Thị trường EU lại là thị trường truyền thống, thị trường chính của ngành da giày VN, năm rồi chiếm đến 55% tổng kim ngạch xuất khẩu. Rõ ràng với sự sụt giảm mạnh ở một thị trường lớn như vậy, các doanh nghiệp VN phải mở ra các thị trường khác, thí dụ Hoa Kỳ, và một số thị trường Nam Mỹ, thậm chí đang có hướng quay lại thị trường Đông Âu. Phải thấy rằng đây là một nỗ lực hết sức lớn của ngành da giày VN. Năm nay để ngành được tiếp tục phát triển, Hiệp hội ngành giày VN – chúng ta biết là ngành giày VN không có được tổng công ty hay tập đoàn như ngành may VN, do đó hoạt động chủ yếu là nỗ lực của chính các doanh nghiệp hợp tác với nhau. Năm nay ngành da giày VN có sự kiện tương đối lớn, tôi nghĩ sẽ góp phần động viên thêm các hoạt động của ngành da giày VN. Năm nay kỷ niệm 20 năm thành lập ngành, thành lập hiệp hội. Ngoài ra năm nay VN được luân phiên đứng ra tổ chức hội nghị AFJ, tức là hội nghị ngành giày quốc tế lần thứ 29, một tổ chức có một diễn đàn khá lớn với 12 nước sản xuất giày lớn trên thế giới như Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan…Chúng tôi nghĩ đây là một cơ hội giúp ngành giày VN tiếp cận thêm các nước sản xuất giày lớn trên thế giới. Và trong 10 năm qua chúng tôi đã tổ chức viết và lấy ý kiến trong toàn ngành về dự án định hướng phát triển của ngành đến năm 2020 và tầm nhìn 2015. Theo đó định hướng ngành giày đề ra là sẽ phải phát triển bằng cách tăng giá trị gia tăng của ngành, bằng các phương pháp như chuyển từ gia công sang mua bán, biến thành một ngành công nghiệp thời trang cùng với một số ngành công nghiệp khác như dệt may, kim hoàn thành công nghiệp thời trang của VN ; xây dựng một số cụm và vùng công nghiệp để tạo nguồn nguyên liệu cho ngành giày phát triển bền vững trong các năm tới. Quy mô nhỏ và tản mạn Các định hướng này hoàn toàn khó và còn khó hơn một số ngành khác như dệt may. So sánh một bài toán thế này thì chúng ta sẽ thấy. Ở ngành dệt may thì riêng tập đoàn dệt may VN đã có năng lực sản xuất và xuất khẩu chiếm trên 30% so với năng lực của toàn ngành, có một doanh nghiệp đầu đàn, và các chính sách thì thường là từ doanh nghiệp đầu đàn này tỏa ra các doanh nghiệp trong tập đoàn, và lan ra các doanh nghiệp trong ngành, nên có lợi thế. Riêng đối với ngành da giày VN không có một tập đoàn mạnh như vậy, và hầu hết các doanh nghiệp chỉ ở quy mô vừa và nhỏ, chỉ có một số ít doanh nghiệp VN có quy mô lớn như công ty giày Thái Bình, công ty giày Biti’s, Thượng Đình, An Lạc. Chính vì vậy vai trò của hiệp hội da giày VN hết sức quan trọng. Theo đánh giá của cá nhân tôi thì trong khoảng thời gian hai năm gần đây vai trò này đã được nâng lên rất cao. Chúng tôi cũng đã liên kết được với các khách hàng lớn, các doanh nghiệp nước ngoài để có thể tập họp được thành một nỗ lực. Dĩ nhiên việc thực hiện thành công một chiến lược thì ngoài nỗ lực của hiệp hội, của doanh nghiệp thì cũng cần có một cơ chế, có những sự hỗ trợ cần thiết về mặt chính sách của chính phủ, và cũng không loại trừ trường hợp phải có môi trường kinh doanh quốc tế thuận lợi. Chúng tôi thấy trong việc này thì vai trò của bốn bên đều có giá trị ngang nhau, không có bên nào nặng nhẹ. Thị trường nội địa còn bỏ ngỏ Hiện nay ngành giày VN năng lực xuất khẩu hàng năm, về sản lượng mỗi năm xuất khẩu khoảng 650 đến 680 triệu đôi giày trong những năm gần đây. Trong tương lai có thể tăng lên. Còn về thị trường nội địa hiện nay theo các chuyên gia có sức tiêu thụ khoảng trên dưới 120 triệu đôi, trong đó các doanh nghiệp VN chiếm lĩnh khoảng 30 đến 35%, và cũng chỉ ở dòng giày cấp trung mà thôi. Qua đó chúng ta thấy rõ ràng là nếu xét về tiềm lực thì hầu hết các doanh nghiệp VN vẫn đổ dồn tiềm lực vào xuất khẩu, và hầu như bỏ ngỏ thị trường nội địa trong rất nhiều năm qua. Mặc dù xuất khẩu giày VN được xếp vào hàng thứ tư, nhưng cái giá trị tạo ra được trong một đôi giày xuất khẩu vẫn còn thấp. Điều này nói lên hai mặt. Thứ nhất chúng ta hãy còn lạc hậu, còn rất xa so với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên điều đó ngược lại lại trở thành một cơ hội. Vì chúng ta không cần tăng trưởng bằng sản xuất tăng số lượng, tăng sản lượng lên, mà chỉ cần dùng những giải pháp để tăng giá trị mà chúng ta hưởng trong đó, qua việc phát triển nguồn nguyên liệu. Cần chủ động phát triển nguồn nguyên liệu Có thể nói rằng việc phát triển nguồn nguyên liệu đối với ngành giày tương đối phức tạp so với một số ngành cần nội địa hóa khác như ngành may. Nhưng ngành giày cũng có lợi thế để đẩy nhanh được giá trị, đó là chúng ta tập trung vào những nguyên liệu chủ lực, mang tính chất chiến lược. Thí dụ như da, đế, thì chỉ cần làm được những loại nguyên liệu này tốt thì giá trị chúng ta thụ hưởng được của đôi giày tăng lên rất nhanh. Về da thì hiện nay hầu hết nhập da đã thuộc sẵn về làm thành phẩm. Còn các doanh nghiệp làm từ da muối để đem về thuộc, từ đó làm da thành phẩm thì vẫn còn ít. Việc này có hạn chế là các doanh nghiệp trong nước vẫn sử dụng các công nghệ còn lạc hậu so với các nước khác, tức là phải sử dụng khá nhiều nước, nên thường bị các thành phố nghiêm cấm không cho phép thuộc. Điểm thứ hai một phần do việc thuộc da trước đây tản mạn. Ở ngoài Vinh có một nhà máy, Bình Dương vài nhà máy, TPHCM vài nhà máy, rồi Đồng Nai, Vũng Tàu. Do đó khâu xử lý nước thải cũng làm chi phí tăng rất cao. Việc này hội da giày VN đã xin chủ trương của chính phủ, và chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc là sẽ có một cụm thuộc da tập trung. Hiện nay chúng tôi đã làm việc với một số tỉnh, và cũng được một vài tỉnh thuận chủ trương. Tuy nhiên đang xem xét yếu tố về chi phí vận chuyển, giao thông. Nếu làm được việc này thì với việc xử lý nước tập trung từ nguồn vốn vay chi phí thấp, chúng tôi hy vọng chi phí xử lý nước thải của toàn khu sẽ thấp, tạo điều kiện thúc đẩy việc sản xuất da lên, như vậy giá trị sẽ tăng nhanh. Riêng vấn đề đế, hiện nay đế cao su gần như VN hoàn toàn chủ động sản xuất trong nước. Chỉ còn một số loại đế bằng các nguyên liệu tổng hợp thì chúng tôi đang trông chờ vào các phụ gia, phụ phẩm của ngành lọc dầu VN. Nếu ngành lọc dầu VN xây dựng được thành công các nhà máy hạt nhựa tổng hợp thì chúng tôi tin chắc việc sản xuất đế, đặc biệt đế bằng nguyên liệu tổng hợp như EVA, DVA thì sẽ chủ động hơn Thụy My (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét