Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2010

Phúc âm Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần (23/05/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net NGƯỜI TRỒNG CÂY SỒI Cha Mark Link, S.J. Chủ đề: "Lễ Hiện Xuống thách đố chúng ta phải cụ thể hóa bí tích thêm sức thành việc phục vụ của Kitô giáo." Vào năm 1983, trong khi Israel chiếm đóng Lebanon, thì tại Evanston thuộc tiểu bang Illinois, có một cậu bé 13 tuổi làm lễ Bar Mitzvah để được công nhận đã tới tuổi trưởng thành. Sau nghi lễ, cậu bé liền đọc lá thư cậu tính gởi cho Thủ Tướng đương thời của Israel là Menachem Begin. Cậu giới thiệu cho các bạn về lá thư đó như sau: "Nghi Lễ Bar Mitzvah tôi vừa lãnh nhận đánh dấu thời điểm tôi trở thành một người Do Thái trưởng thành... Tôi có bổn phận nói lên cảm nghĩ của mình... Vì vậy tôi tính viết một lá thư gởi cho Thủ Tướng Begin. Tôi xin đọc cho các bạn nghe: "Trọng kính Thủ Tướng Begin, nhân dịp cháu nhận lãnh nghi lễ Bar Mitzvah cháu cảm thấy mình có bổn phận nói lên cảm nghĩ về cuộc chiến ở Labanon..." "Cháu hiểu được lý do khiến ngài đã hành động, tuy nhiên cháu vẫn nghĩ rằng chiến tranh là một phương cách sai trái. Nếu điều này có xảy ra lần nữa, cháu khuyên ngài nên là kẻ dấn thân đầu tiên vào việc tìm kiếm hoà bình... Bằng cách đi đến từng quốc gia Ả Rập giống như ngài Sadat đã đến Israel. Nếu Israel sống hoà bình với người Ả Rập thì PLO (Mặt trận giải phóng Palestine) sẽ không còn căn cứ để gây tổn thương và giết chóc dân Do Thái ở Israel nữa." Kết thúc lá thư, cậu bé viết: "Thay vì mua những vật trang hoàng bàn ăn, cũng như kẹo và hạt dẻ để ăn tiệc mừng lễ Bar Mitzvah của cháu, cháu đã xin gia đình gởi món tiền ấy cho bệnh viện ở Netanya tại Israel, nơi những người Do Thái bị thương trong chiến tranh hiện đang điều trị. Kính thư. Peter Burgh" Trong ngày lễ Hiện Xuống hôm nay, lá thư vào dịp lễ Bar Mitzvah cũng như món tiền Peter gởi đến bệnh viện Do Thái nói lên điều gì với chúng ta đây? Nghi thức Do Thái Bar Mitzvah uỷ nhiệm cho thanh niên Do Thái một vai trò tích cực hơn trong cộng đồng Do Thái. Nghi thức ấy mời gọi họ vào việc phụng sự và trách nhiệm dành riêng cho người đã trưởng thành. Nghi thức Do Thái Bar Mitzvah khá giống với Bí Tích Thêm Sức Kitô giáo. Bí tích Thêm Sức cũng uỷ nhiệm cho thanh niên Kitô giáo vai trò tích cực hơn trong cộng đồng Kitô Giáo. Mời gọi họ vào việc phụng sự và trách nhiệm dành riêng cho người trưởng thành. Lá thư và món tiền của Peter Burgh cho thấy nỗ lực thi hành những trách nhiệm mới mẻ dành cho người trưởng thành nơi cậu ta. Chúng trình bày cho thấy nỗ lực dấn thân ngay vào dịp nhận nghi thức Bar Mitzvah của cậu. Ðây là một trong những mục đích chúng ta mừng lễ Hiện Xuống hàng năm. Lễ Hiện Xuống tác động như một lời mời gọi chúng ta phụng sự. Lễ này nhắc nhở kitô hữu trên toàn thế giới phải dấn thân ngay sau nghi thức Thêm Sức của mình. Phải chuyển nghi thức ấy thành hành động cụ thể. Ðối với một số kitô hữu, điều này có nghĩa là được mời gọi đảm nhận vai trò phụng sự thuộc cấp cao hơn, tức là làm chứng cho Phúc âm một cách rõ ràng công khai hoặc truyền giảng Phúc Âm và thi hành quyền lãnh đạo công khai trong cộng đồng Kitô giáo. Còn đối với những Kitô hữu khác, việc dấn thân này lại mang ý nghĩa việc phụng sự thuộc tầng cấp thấp hơn, tức là làm chứng cho Phúc âm một cách ít rõ ràng hơn. Chẳng hạn như cầu nguyện và hy sinh cho cộng đồng kitô giáo giống trường hợp Peter Burgh đã làm đối với cộng đồng Do Thái của cậu ta. Việc phục vụ của người kitô hữu khác biệt nhau bởi vì ân sủng thiêng liêng của người kitô hữu cũng khác nhau. Thánh Phaolô đã nêu ra điểm này trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corintô như sau: "Có nhiều loại ân sủng thiêng liêng khác nhau nhưng cũng đều do một Thần Khí ban cho. Có nhiều phương cách phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Ðức Chúa được phụng sự. Có nhiều khả năng phụng sự khác nhau nhưng chỉ có một Thiên Chúa ban cho mỗi người một khả năng phục vụ riêng" (1 cr 12: 4-6). Lễ Hiện Xuống mời gọi mỗi người chúng ta thực hành các ân sủng thiêng liêng mà chúng ta nhận lãnh vào dịp lễ Thêm Sức của chúng ta. Lễ Hiện Xuống mời gọi chúng ta hành động và bảo chúng ta phải dấn thân ngay sau nghi thức lãnh nhận bí tích Thêm Sức và chuyển biến nó thành hành động. Tôi xin minh hoạ điều ấy bằng câu chuyện sau: Vào thập niên 1930, có một du khách trẻ đi thám hiểm, dãy núi Alpes thuộc nước Pháp. Anh ta đi đến một dải đất trọc rộng mênh mông. Dải đất này vừa hoang vắng, vừa cấm lai vãng, lại vừa xấu xí nữa. Ðúng là một nơi mà qúi bạn sẽ vội vã đi ngay. Ðột nhiên người du khách trẻ dừng sững lại trên lối đi. Ngay giữa vùng đất hoang vu mênh mông là một ông già đang khom lưng mang trên túi hạt sồi, tay cầm một ống sắt dài bốn bộ (cỡ 1m2). Ông ta đang dùng ống sắt ấy đâm xuống làm thành những chiếc lỗ trong đất đoạn bốc ra từ chiếc túi những hạt sồi rồi đặt vào mỗi lỗ một hạt. Ông nói với chàng du khách: "Tôi đã trồng hơn 100 ngàn hạt sồi. Có lẽ chỉ một phần mười số hạt sẽ mọc lên". Vợ con ông đã chết cả rồi, và ông dồn những năm cuối đời để làm việc này. Ông nói: "Tôi muốn làm một điều hữu ích." Hai mươi năm sau, người du khách về lại miếng đất hoang vu dạo trước. Ðiều trông thấy trước mắt khiến chàng sửng sốt đến nỗi chàng không thể tin vào mắt mình. mảnh đất hiện được phủ rợp bởi một cánh rừng xinh đẹp rộng hai dặm và dài năm dặm. Nơi đây có chim chóc ca hát, các loài thú nô đùa và hoa rừng ngát hương. Người du khách đứng lặng ở đó vừa nhớ lại mảnh đất hoang vu trước đây bây giờ đã thành mảnh đất xinh đẹp. Tất cả là đều do có người chăm sóc nó. Lễ Hiện Xuống có một lời mời gọi hành động. Lễ này mời gọi chúng ta góp phần mở rộng Nước Chúa trên traí đất. Quí vị cũng như tôi có thể thay đổi một phần của nó như ông già đã làm. Chúng ta đã nhận lãnh túi đựng hạt sồi và khúc ống sắt khi chúng ta chịu bí tích Thêm Sức. Bây giờ chúng ta phải làm nên một cái gì với những vật dụng trên. Chỉ cần một ít can đảm -- giống như lòng can đảm của Peter Burgh biểu lộ trong việc viết thư cho Thủ tướng Begin hoặc lòng can đảm của ông già trong việc trồng hạt sồi. Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện. "Xin hãy đến! Lạy Chúa Thánh linh, xin Ngài hãy đến! Xin hãy đến làm ánh sáng hứơng dẫn chúng con. Xin hãy đến làm sức mạnh nâng đỡ chúng con. Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh linh. Xin Ngài hãy đến! Xin hãy giúp chúng con đổi mới bộ mặt trái đất.". CHÚA THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG BẢO TRỢ GIÁO HỘI Lm. Jos Tạ duy Tuyền Nhìn lại lịch sử với những thăng trầm, với những sóng gió, với những bóng tối của Giáo hội, đôi lúc người ta tưởng Giáo Hội đã tàn lụi. Người ta tưởng thế gian đã chiến thắng. Giáo hội của Chúa sẽ tan rã thê lương. Có những lúc kẻ cường quyền đã đè bẹp Giáo hội bằng những sắc chỉ cấm đạo, bằng những án tử hình ghê rợn, nhưng bạo chúa nào rồi cũng qua đi. Giáo hội vẫn tồn tại. Có những lúc Giáo hội đi vào những khúc quanh đen tối của dòng lịch sử khi mà thế quyền điều khiển Giáo hội, Giáo hội chỉ là con cờ trong tay chính quyền sai khiến, thế nhưng triều đại nào rồi cũng qua đi, bàn tay Thiên Chúa vẫn dẫn dắt Giáo hội đi theo thánh ý Chúa. Có những lúc Giáo hội tưởng như đã đổ xập xuống khi mà người điều hành Giáo hội lại sống thiếu bổn phận, thiếu trong sạch và đạo đức, nhưng Thiên Chúa vẫn giúp Giáo hội vượt qua những khủng hoảng, những mây mù đen tối để có thể tiếp tục bay cao, bay xa và đi đến tận cùng trái đất. Giáo hội vẫn trường tồn qua mọi thời đại dầu có phải đương đầu với bao khó khăn, bất trắc và hiểm nguy vì linh hồn của Giáo hội chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa mãi hằng sống. Thiên Chúa vẫn hiện hữu giữa lòng Giáo hội. Chúa Giê-su Ngài đã chiến thắng thế gian. Ngài hứa ở cùng Giáo hội mọi ngày cho đến tận thế. Ngài là sức mạnh của Giáo hội đến nỗi cửa hoả ngục cũng không thắng được. Ngài là thành luỹ chở che Giáo hội giữa những phong ba bão tố cuộc đời. Ngài còn ban cho Giáo hội Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần hằng hoạt động trong lòng Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần sẽ bù đắp lại chỗ khiếm khuyết của Giáo Hội. Chính quyền năng Chúa Thánh Thần sẽ hiển trị nơi sự yếu hèn của những phần tử trong Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần sẽ uốn nắn những tư tưởng, những đường lối lệch lạc, sai lầm của con người phải thuận theo thánh ý Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ đã từng chứng minh cho thấy: con người từng toa rập với ma quỷ để phá đổ chương trình của Chúa, nhưng Thiên Chúa đã sửa sai và làm cho tốt hơn. Điển hình là tội của Adam đã phá vỡ những điều tốt đẹp trong chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã biến thành Tội Hồng Phúc để ban Đấng Cứu Thế cho nhân trần. Giuse đã từng bị các anh bán qua Ai Cập, nhưng đó lại là cơ hội để cứu giúp cho cả dòng tộc Giacop. . . Và còn, còn rất nhiều những lần Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử để đưa lịch sử trở về với chương trình của Thiên Chúa. Hôm nay lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là dịp nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy tin vào quyền năng Chúa Thánh Thần. Hãy hân hoan bước đi trong lòng Giáo hội vì vẫn có bóng Thánh Thần che phủ trên hành trình Giáo hội. Giáo hội không thuộc về con người, nên cường quyền, thế quyền và thế lực của ma quỷ không thể làm cho Giáo hội biến chất hay hư hoại. Thế gian luôn thù ghét Giáo hội. Thế gian luôn tìm cách phân chia Giáo hội. Vì Giáo hội thuộc về Thiên Chúa nên thế gian tìm cách loại trừ. Chúa Giê-su Ngài đã biết trước những khó khăn sẽ tới với Giáo hội, Ngài đã ban Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ đến để gìn giữ, canh tân Giáo hội. Chúa Thánh Thần là Thầy dạy chân lý sẽ bảo vệ đức tin và hướng dẫn Giáo hội đi trong chân lý vẹn tuyền. Sự hiên diện của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo hội như muốn nói với chúng ta: Giáo hội không tồn tại bởi những con người cụ thể. Giáo hội càng không phát triển dựa vào tài trí một con người nào đó. Giáo hội luôn được lớn mạnh vì có sức sống thần linh của Ngôi Ba Thiên Chúa hoạt động trong Giáo hội. Thực vậy, có ai nghĩ rằng chỉ vỏn vẹn 12 tông đồ yếu kém về trình độ học thức, về nghị lực lại có thể mang tin mừng Chúa trải rộng khắp Năm Châu? Có ai nghĩ rằng Phê-rô vụng về năm nào lại có thể mang về cho Nước Chúa biết bao mẻ cá kỳ diệu là các tín hữu ky-tô? Có ai nghĩ rằng Giáo hội phát triển không nhờ tài trí con người, không nhờ những thoả hiệp với thế gian, những bổng lộc của vua quan mà Giáo hội phát triển, vươn lên mạnh mẽ qua những gian truân, những nước mắt và máu đổ, như lời Tertuniano đã từng nói: “Máu các thánh tử đạo sẽ làm trổ sinh các tín hữu”? Ở thế kỷ 20, có ai ngờ rằng biểu tượng sáng giá cho đời sống chứng nhân tin mừng lại nằm trong một con người nữ tu nhỏ bé thành Calcutta là Mẹ Tê-rê-sa? Tất cả những điều kỳ diệu đó đều là hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần có thể biến các tông đồ nhút nhát thành can trường. Chúa Thánh Thần có thể ban ơn khôn ngoan cho những con người yếu hèn để họ có thể làm việc của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cũng có thể biến đổi kẻ từng bách hại đạo thành Chúa thành một tông đồ nhiệt thành ra đi mở mang Nước Chúa. Vì thế, là người ky-tô hữu thiết tưởng chúng ta đừng nhìn Giáo hội với con mắt trần thế, chúng ta sẽ không thấy tương lai. Vì Giáo hội vẫn còn bất cập, vẫn còn những lập trường cá nhân hàm hồ, vẫn còn những khiếm khuyết nên có thể chúng ta sẽ thất vọng về những gì đang diễn ra trong Giáo hội. Hãy nhìn Giáo hội với con mắt của đức tin để dầu trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn trung thành với Giáo hội. Chúa sẽ có cách để gìn giữ Giáo Hội. Chương trình của Chúa chắc chắn sẽ cao hơn những gì chúng ta thấy, chúng ta nghĩ. Tư tưởng của Chúa luôn là sự kinh ngạc đến lạ thường mà con người mãi mãi không thể hiểu được! Hãy tín thác vào Chúa để dầu trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn đứng về phía Giáo hội để cầu nguyện, để bảo vệ, để giúp Giáo hội vượt qua những khó khăn trước mắt. Đừng ngồi đó để nguyền rửa nhau hay giận dỗi nhau, nhưng hãy cùng nắm tay nhau đi chung một con đường có tên Giê-su. Con đường của Giê-su là con đường âm thầm, mục nát để đem lại sự sống cho đời. Con đường của Giê-su đến để phục vụ chứ không tìm vinh quang cho mình. Con đường đó Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy trở nên như muối men giữa đời làm cho đời tốt hơn chứ không đảo lộn thế gian. Đừng bắt ai theo quan điểm của mình. Đừng lôi kéo ai theo phe nhóm mình. Hãy tìm lối sống hoà hợp giữa thế gian. Không hoà tan nhưng vẫn giữ được giá trị của phúc âm từ chính đời sống hiệp nhất yêu thương trong lòng Giáo hội. Ngày 28 tháng 10 năm 1958, Đức hồng y Angelo Giuseppe Rollcali lên ngôi giáo hoàng lấy tước hiệu Gioan 23. Một ông lão không tiếng tăm lên lãnh đạo Giáo hội, nhiều người nghĩ rằng sẽ chẳng có gì mới với một ông lão gần đất xa trời. Thế nhưng, ông lão này đã làm nên một kỳ diệu được coi là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống lần thứ hai khi Ngài triệu tập công đồng Vaticano II để canh tân Giáo Hội. Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm những việc kỳ diệu cho dân Người. Chúng ta hãy hân hoan bước đi trong niềm tín thác vào Chúa. Và với lòng cậy trông chúng ta cùng thưa lên cùng Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến thánh hoá chúng con trong chân lý và tình thương”. Amen NHỮNG HÌNH ẢNH BIỂU TRƯNG VỀ CHÚA THÁNH THẦN Lm Giacôbê Tạ Chúc. “Thánh Thần” là danh xưng của Đấng chúng ta phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Hội Thánh đã nhận danh xưng này từ Chúa Giêsu và tuyên xưng danh này trong bí tích rửa tội( Sách GLCG số 691). Thuật ngữ “ Thần” dịch từ Ru-ah của tiếng Hip-ri, là hơi thở, không khí, gió. Đức Giêsu dùng hình ảnh khả giác “gió” để gợi ý cho Ni-cô-đê-mô sự mới mẻ siêu việt của Đấng là Hơii Thở của Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần (Ga 3,5-8). Có nhiều hình ảnh thường dùng để chỉ về Chúa Thánh Thần, mà khi nghe nhắc đến chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận trong đức tin mà Chúa Giêsu đã Mạc Khải cho các môn đệ của Ngài. NƯỚC Trong bí tích rửa tội, nước là một biểu tượng đầy ý nghĩa về tác động của Chúa Thánh Thần, vì sau khi kêu cầu Thánh Thần, nước trở thành dấu chỉ bí tích hữu hiệu của việc tái sinh. Trong nghi thức làm phép nước để cử hành Bí tích rửa tội, chủ sự đọc: “Thiên Chúa dùng bí tích Thánh tẩy mà ban sự sống của Người cho những kẻ tin. Vì thế trong niềm tin tưởng chúng ta xin Người cho những em nhỏ này được tái sinh bởi nước và Thánh Thần”. Nước rửa tội thực sự nói lên rằng cuộc tái sinh vào đời sống Thiên Chúa được ban trong Thánh Thần. Vì đã được chịu phép rửa trong cùng một thánh Thần, nên chúng ta” đầy tràn một Thánh Thần duy nhất”(1Cr 12,13). XỨC DẦU Trong cựu ước, việc xức dầu chỉ dùng cho vua và các vị Thượng tế, trong lần gặp gỡ với Môsê, Yavê phán: “Ngươi sẽ xức dầu cho Aharon và các con nó và ngươi sẽ tác thánh chúng cho chúng sung làm tư tế của Ta” (Xh 30,30). Cựu ước nói đến những người được xức dầu, đặc biệt là vua Đavít (1Sm 16,13). Biểu tượng xức dầu cũng chỉ về Chúa Thánh Thần, đến nỗi trở thành đồng nghĩa với Ngài: “Phần anh em, anh em nhận được dầu, do tự Đấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết” (1Ga 2, 20; 2Cr 1,21). LỬA Nếu như nước nói đến việc sinh ra và sự sống được ban trong Thánh Thần, thì lửa chính là năng lực biến đổi do tác động của Thánh Thần. Ngôn sứ Êlia xuất hiện như lửa hồng và lời ông như ngọn đuốc; bằng lời cầu nguyện, ông kéo lửa từ trời xuống thiêu cháy hy tế trên núi Cát-minh( 1V 18, 38-39). Đức Giêsu Ngài cũng dùng hình ảnh lửa khi nói về Chúa Thánh Thần: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy bùng cháy lên” (Lc 12,49). Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ nhận được ơn của Thánh linh dưới hình những lưỡi lửa. Trong thư thứ nhất, gởi cho Giáo đòan Thessalônica, Thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Anh em đừng dập tắt Thánh Thần”(1 Th 5,19). ÁNG MÂY VÀ ÁNH SÁNG Trong suốt quãng đường đi trong sa mạc, cũng như lúc trên núi Sinai, trong Lều hội ngộ, hai biểu tượng này luôn đi đôi với nhau trong các cuộc Thần hiện: “Mây phủ cả núi, vinh quang Yavê đậu xuống núi Sinai và mây phủ núi sáu ngày, ngày thứ bảy, từ giữa đám mây, Người gọi Môsê” (Xh 24, 15-16). Hay lúc vua Salômon cung thánh Đền Thờ:” Khi các tư tế ra khỏi Thánh điện, thì mây xuống đầy nhà Yavê. Vì có mây nên các tư tế đã không thể đứng lại phụng sự; “vì vinh quang Yavê xuống đầy nhà Yavê”( 1V 8, 10-11). Đến thời Chúa Giêsu, hình ảnh này lại được nhắc đến một cách rõ ràng hơn, như trong việc thụ thai của Đức Maria. Chính Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Trinh Nữ Maria và “rợp bóng” trên Người, để thụ thai và hạ sinh Đức Giêsu (Lc 1,35). Trên núi Tabor, Chúa Thánh Thần cũng đến trong “đám mây bao phủ” Đức Giêsu, Môsê, Êlia, Phêrô, Giacôbê và Gioan, và “từ trong đám mây có tiếng phán rằng:” Đây là con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”(Lc 9, 34-35). ẤN TÍN Là biểu tượng gắn liền với biểu tượng xức dầu. Thật vậy chính Thiên Chúa đã đóng ấn xác nhận: “Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6,27b). Đức Kitô, Ngài đã đóng ấn Thánh Thần trên chúng ta trong Con của Người(x. 2Cr 1,22; Ép,13;4,30). Ấn tín cũng là dấu chỉ không thể xòa mờ được khi chúng ta đón nhận các Bí tích: Thánh Tẩy, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh. BÀN TAY Trong một số Bí tích, việc đặt tay cũng là dấu chỉ xin ơn Chúa Thánh Thần. Như Đức Giêsu, khi Ngài đặt tay chúc lành cho các em nhỏ (Mc 10,16). Nhân Danh Người các Tông đồ cũng làm như vậy. Chúa Thánh Thần được thông ban, nhờ vào việc đặt tay của các Tông đồ. CHIM BỒ CÂU Có lẽ đây là một trong các biểu tượng hết sức quen thuộc khi nói về Chúa Thánh Thần. Chim Bồ câu, sứ giả mang hoa bình, trong con tàu ông Noê, chú chim bồ câu, miệng ngậm cành Ôliu xanh tươi báo hiệu cho một cuộc sống an bình trở lại, sau cơn đại hồng thủy.Sau khi Đức Giêsu bước từ dòng sông Giodan lên thì Thánh Thần, dưới hình chim bồ câu, đáp xuống và đậu trên Người(Mt 3,16). Trong các ảnh tượng Kitô giáo, hình chim bồ câu là biểu tượng truyền thống chỉ về Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu về trời và Chúa Thánh Thần tiếp tục công cuộc loan bao Tin mừng của Ngài trong dòng chảy của Mạc Khải mà Đức Giêsu đã hòan tất. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mỗi người trong chúng ta luôn đón nhận được những hồng ân của Chúa Thánh Thần mà truyền thống Giáo hội vẫn xác tính bảy ơn của Chúa Thánh Thần : ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và sau cùng là ơn kính sợ Chúa, như những quà tặng của Thiên Chúa Cha trao ban cho Hội Thánh trên trần gian này. TRUYỀN THÔNG VÀ LỬA LM. Đỗ Lực (27.05.2007) Giữa cảnh rừng khuya, ngọn lửa bập bùng. Những hình ảnh huyền thoại lũ lượt kéo về vùng tâm tư hoang lạnh. Lòng người bừng lên nguồn hứng khởi vô biên. Hiện tại và quá khứ như quyện vào nhau theo ánh lửa ngày càng dâng cao. Ngọn lửa đã làm bùng dậy mạch sống con tim. Ngọn lửa nối liền lòng người. Niềm vui trào lên trong lòng tuổi trẻ. Màn đêm như ngừng trôi. Tất cả bắt đầu một nhịp sống mới, dù ngày đã tàn lụi ... Sau cảnh biệt ly trên núi Olivê tiễn Thày về trời là đêm trường thương nhớ trong lòng các môn đệ. Niềm vui không xóa nổi nỗi nhớ. Bỗng nhiên, ngọn lửa Thánh Linh thắp lên. Tất cả đã thay đổi. Một thế giới mới bắt đầu. SỨC MẠNH THẦN KHÍ Thế giới mới bắt đầu ngay lúc Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Quang cảnh vô cùng ngoạn mục : “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2:1-4) Nhiều hình ảnh cho ta cảm tưởng ngọn lửa Thánh Linh chỉ đậu trên đầu Mười Hai Tông đồ. Thực tế, mọi người hiện diện đều đón nhận ngọn lửa Thánh Thần. Cả một biển lửa bùng lên. Không phải vô tình Thánh Linh lấy hình ngọn lửa để công bố một thế giới mới. Bất cứ vật gì chạm tới lửa đều phải thay đổi. Thánh Linh muốn biến mọi tín hữu thành những ngọn lửa thiêu đốt trần gian. Miệng lưỡi các tín hữu tiên khởi đã thành những ngọn lửa biến đổi môi trường. Mọi người kinh ngạc không phải vì tài thông thạo ngoại ngữ lạ lùng của các tín hữu, nhưng vì ngôn ngữ và văn hóa của mình vẫn được tôn trọng nguyên vẹn khi đón nhận đức tin. Mọi khác biệt đều tìm được hiệp nhất trong Thần Khí. Chính ngọn lửa Thánh Linh khiến tiếng nói các tín hữu soi thấu tâm hồn và mở mắt cho các dân tộc nhận biết những kỳ công của Thiên Chúa. Kỳ công của Thiên Chúa không phải là những công việc bên ngoài, nhưng là chính sự hiệp nhất trong chân lý đức tin nơi Chúa Kitô. Ðó là công trình của Thần Chân Lý. Chính Thần Chân Lý đã mở mắt muôn dân nhìn ra sự thật về Thiên Chúa và con người. Từ đó, họ mới thấy con đường trở về với Thiên Chúa tình yêu và chấp nhận nhau như anh em. Chính nhờ sự thật, Thần Khí thánh hóa và làm cho cá nhân cũng như dân Chúa nên thánh. Chúa Thánh Linh đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Từ cuộc tạo dựng đến ngày thế mạt, Thánh Linh luôn là quyền năng Thiên Chúa làm nên lịch sử. Thần Khí thay đổi vạn vật. Thân xác tơi tả của Chúa chịu đóng đinh trở thành thân thể vinh quang của Chúa Phục Sinh. Lời loài người “chuyên chở” lời Thiên Chúa. Bánh trở thành Mình Thánh Chúa Kitô. Giáo Hội thành điềm báo Nước Trời … LỬA TRUYỀN THÔNG Ðức tin không hủy diệt, nhưng nâng cao văn hóa dân tộc. Hơn nữa, đức tin tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Thực thế, “Thiên Chúa muốn được tôn vinh và chúc tụng bằng mọi thứ ngôn ngữ, mọi nền văn hóa. Như thế mới hiển thị rõ nét sự đa dạng đa năng giữa các chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô (1 Cr 12:12-13), cũng như được hiển thị rõ nét công trình của Chúa Giêsu và Thần Khí của Người là quy tụ về một mối những con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi (Ga 11:52).” Tất cả đều do ngọn lửa Thánh Linh tác động trực tiếp đến công cuộc truyền thông của các tín hữu tiên khởi. “Tự bản chất, truyền thông là truyền giáo.” Thực vậy, các dân tộc phải thú nhận : “Chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa.” (Cv 2:11) Các tín hữu tiên khởi là khuôn mẫu cho những ai đang làm truyền thông hôm nay. Họ không có những phương tiện hiện đại, nhưng nắm rất vững các nguyên tắc truyền thông như sau : 1. Nội dung : những kỳ công của Thiên Chúa nơi cái chết và sự phục sinh của Ðức Giêsu Kitô. Chúa Kitô đã chết vì loan báo Tin Mừng cứu độ. Người là nhà truyền thông lý tưởng vì chỉ biết làm chứng và truyền thông sự thật. Tất cả cuộc đời Người là một kỳ công tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa. Các tông đồ và các Kitô hữu đã tìm mọi dịp để loan báo cho muôn dân biết Ðức Giêsu là “con đường, sự thật và sự sống.” (Ga 14:6) Họ đã lấy máu đào để minh chứng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống đến trần gian để cứu độ nhân loại. 2. Phương tiện : ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc. Các tông đồ và tín hữu tiên khởi đã xử dụng phương tiện truyền thông đơn giản nhất là ngôn ngữ của mình. Nhưng khi nghe họ giảng, các dân tộc “đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.” (Cv 2:6) Ðiều lạ lùng ấy chứng tỏ Thánh Linh muốn tách biệt Giáo Hội khỏi Do thái giáo. Muốn theo Do thái giáo, người tân tòng bắt buộc phải từ bỏ ngôn ngữ và văn hóa của mình. Ngược lại, Thánh Linh muốn phá tung mọi biên giới để Giáo Hội nhập thể vào văn hóa của các dân tộc. Bởi thế, ngay phương tiện truyền thông cũng đã cho thấy công giáo tính của Giáo Hội. 3. Mục đích : hiệp nhất muôn dân trong Ðức Giêsu Kitô. Truyền thông cũng như truyền giáo phải nêu cao mục đích hiệp nhất muôn dân như Chúa đã vạch ra. Ðây là sứ mệnh cao cả nhất Chúa đã trao phó cho Giáo Hội, nhất là cho những nhà truyền thông. Tất cả những gì gây chia rẽ Giáo Hội đều nằm ngoài mục đích này. Khi đã đánh mất mục đích, truyền thông còn có ý nghĩa và giá trị gì không ? Sự khác biệt không làm cho chúng ta phải xa cách và đối kháng nhau. Cần phải có một tinh thần cởi mở như Chúa Giêsu mới có đủ sáng suốt và kiên nhẫn tìm ra con đường đối thoại để hòa hợp và hiệp nhất. 4. Ðối tượng : muôn dân. “Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô.” (Gl 3:28) Không có ai bị gạt ra ngoài lề. Truyền thông Lời Chúa cho mọi người, dù họ là ai, ở trong tình trạng hay trình độ nào. Không có một thứ Lời Chúa dành riêng cho một đấng bậc nào. Tất cả đều bình đẳng trong việc đón nhận Lời Chúa. Toàn thể nhân loại phải là đối tượng của truyền thông Công giáo. 5. Nguyên tắc : phục vụ chân lý. Người truyền thông tiên khởi của Giáo Hội đã bước theo Ðức Kitô. Như Ðức Kitô, họ cũng là con đường để mọi người đi qua gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Họ là con đường dẫn mọi người đến sự sống và sự thật là Ðức Kitô. Tương tự Ðức Kitô, họ được kêu gọi và có sứ mệnh “làm chứng cho sự thật.” (Ga 18:37) Ðây là nguyên tắc quan trọng nhất. Giáo Hội luôn kêu gọi mọi giới truyền thông phục vụ chân lý. Các tin tức sai lạc và một chiều đã làm cho thế giới hôm nay nhiều rối loạn và làm con người mất hạnh phúc và tự do. Chỉ có chân lý mới giải thoát và đem lại sư hiệp nhất cần thiết cho Giáo Hội và xã hội. Chỉ có chân lý mới làm cho gia đình hạnh phúc và mở ra một tương lai tươi sáng. Bởi thế, nếu chỉ nhắm thỏa mãn tham vọng hay trục lợi, truyền thông không còn tuân thủ nguyên tắc tối cao và tối cần của mình nữa. Bao cuộc chiến tranh thiêu sống hàng triệu sinh linh cũng chỉ vì những thông tin sai lạc. 6. Ðộng lực : Thánh Linh. Trước khi muốn đốt sáng trần gian và biến đổi nhân loại, người làm truyền thông phải có ngọn lửa Thánh Linh trong lòng. “Thần Khí nói trong tâm hồn mỗi tín hữu, nơi Người cư ngụ, bằng cách làm cho họ nghe được ‘tiếng’ của Người. Đôi khi Người bảo họ tha thứ, phục vụ, cho đi, yêu thương. Người dạy họ đâu là sự thiện, đâu là sự ác. Người nhắc nhớ và làm cho họ thực hành Lời sống, Lời mà Tin mừng gieo nơi chúng ta. Kitô hữu phải bước đi dưới sức thúc đẩy của Thần Khí, ngõ hầu Người có thể tác động trong lòng họ với sức mạnh sáng tạo của Người, để đưa họ đến sự thánh thiện, đến chỗ được thần hoá cùng sống lại. Chúng tôi thường cho rằng cách thế tốt nhất để mến yêu Chúa Thánh Thần, tôn vinh Người, giữ Người hiện diện trong lòng chúng ta, chính là lắng nghe tiếng Người, tiếng có thể soi sáng chúng ta trong mọi giây phút của cuộc sống...” SỨ MỆNH TRUYỀN THÔNG Ngọn lửa Thánh Linh cũng đang tạo nên những sản phẩm khác nhau trong Giáo Hội và thế giới. Nhưng nếu mỗi người cứ thu tích sức nóng Thần Khí cho riêng mình, cộng đoàn sẽ không tạo được một chứng từ giá trị nào trong công cuộc truyền thông sứ điệp của Chúa cho muôn dân. Khi phục vụ, phải biết xóa bỏ chính mình, người làm truyền thông mới có thể hoàn thành sứ mệnh phục vụ chân lý. Nếu họ còn cố bám lấy cái tôi, Chúa Kitô sẽ phải nhường bước. “Truyền thông không đơn thuần là diễn đạt ý tưởng và biểu lộ tình cảm. Nhưng khi đạt tới mức độ sâu thẳm nhất, truyền thông là tận hiến chính mình vì tình yêu.” Ngành truyền thông Công giáo Việt Nam hôm nay đang phục vụ ai ? Tại sao có tình trạng “bát nháo” như hiện nay ? Truyền thông đó còn đóng nổi vai trò và hoàn thành sứ mệnh không ? Có hướng dẫn dư luận hay bị dư luận hướng dẫn ? Có theo nguyên tắc bác ái và phục vụ chân lý nữa không ? Chưa bao giờ dân Chúa hoang mang như ngày nay. Muốn đem lại bình an cho dân Chúa và hiệp nhất Giáo Hội, nên nhớ mỗi người làm truyền thông là một nhà truyền giáo. Nhà truyền giáo không thể rao giảng bằng những lời thóa mạ, kết án hay đe dọa. Những thái độ và tiếng nói tiêu cực không bao giờ trình bày được sự thật cần thiết cho sự hiệp nhất. Ðã xưa quá rồi lối truyền đạo bằng những kiểu trịch thượng như vậy. “Giáo hội coi các phương tiện truyền thông là ‘những tặng phẩm của Thiên Chúa' quan phòng dùng để hiệp nhất mọi người trong tình huynh đệ và bởi thế giúp họ cộng tác vào chương trình cứu độ của Người.” Khi góp ý với nhau , chúng ta cần cầu xin Thánh Linh ban ơn khôn ngoan. Người là Thần Chân Lý. Trong Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu hứa ban Thánh Linh không những để ở với chúng ta suốt đời, nhưng còn dạy chúng ta mọi điều. Thánh Linh hiện diện để hiệp nhất chúng ta. Thánh Linh dẫn chúng ta vào đường ngay nẻo chính. Không phải lúc nào cũng dễ dàng đón nghe sự thật. Làm chứng cho sự thật càng không dễ chút nào. Chân lý không thể giải thoát và biến đổi con người, nếu không có ơn dũng cảm từ ngọn lửa Thần Khí. Vì Thánh Linh là Ðấng Bảo Trợ, tại sao chúng ta không theo lẽ phải mà tranh đấu cho công lý ? Cần gấp rút nhìn sâu vào thực tế để cùng tìm hiểu sức mạnh và tầm mức đại chúng của các phương tiện truyền thông trong công cuộc giáo dục và truyền giáo cho muôn dân hôm nay. “Dù được trình bày cho các cá nhân, các phương tiện truyền thông xã hội, cũng đụng chạm và ảnh hưởng tới toàn thể xã hội. Các phương tiện đó giúp đại chúng nhanh chóng biết những gì đang xảy ra trên thế giới và những quan điểm đương thời. Bởi thế, để giúp xã hội hiện đại hoạt động nhịp nhàng với những nhu cầu phức tạp và luôn biến đổi, và luôn có những thảo luận liên đới khắn khít trong xã hội, chúng ta không thể bỏ qua những phương tiện truyền thông này. Ðiều này rất phù hợp quan niệm Kitô giáo về cách thức con người sống chung với nhau. Các tiến bộ kỹ thuật này có mục đích cao cả là đưa con người lại gần nhau. Khi cho nhau biết về những nỗi sợ và niềm hy vọng chung, con người giúp nhau giải quyết vấn đề. Và dựa trên tiêu chuẩn này, Kitô hữu đánh giá các phương tiện truyền thông có góp phần vào hạnh phúc nhân loại hay không.” Hơn nữa, “các thách đố giáo dục trong thế giới hiện nay thường liên hệ tới ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, đang cạnh tranh với trường học, Giáo Hội, và ngay cả với gia đình nữa. Trong bối cảnh này, việc đào tạo để sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông thật là quan trọng: cha mẹ, các giáo viên và cộng đoàn Giáo Hội được kêu gọi để hợp tác trong việc giáo dục các thiếu nhi và thanh niên biết chọn lựa và trưởng thành trong việc phê bình, biết đánh giá cái gì thực sự là đẹp đẽ và phù hợp với luân lý. Đàng khác, các phương tiện truyền thông cũng cần phải góp phần của mình trong công cuộc giáo dục, bằng cách cổ võ phẩm giá của con người, của hôn nhân và gia đình, những thành tựu của nền văn minh. Không thể nào chấp nhận được những chương trình nào gieo rắc bạo lực và những thái độ phản xã hội, hoặc hạ giá phái tính, nhất là khi trình diễn cho các vị thành niên. Vì thế tôi xin lặp lại lời kêu gọi những nhà hữu trách trong kỹ nghệ sản xuất phim ảnh, những người hoạt động trong ngành truyền thông, xin họ hãy bảo vệ ích lợi chung, tôn trọng chân lý và che chở phẩm giá của con người và của gia đình.” Cần phải chú ý tới những vấn đề lớn lao như thế trong truyền thông, thay vì tốn bao thời giờ cãi vã nhau về những vấn đề quá xưa và không thiết thực. Có người quá khích đến nỗi moi móc đời tư của nhau . Những xâm phạm như thế không phù hợp với những nguyên tắc tối thiểu trong ngành truyền thông. Cần hướng về tương lai để bắt kịp đà tiến của Giáo Hội và xã hội. Chưa bao giờ Thiên Chúa trao vào tay Giáo Hội một phương tiện rao truyền Lời Chúa lớn mạnh như ngày nay. Muốn sử dụng chính xác truyền thông dưới mọi hình thức hiện đại, theo gương các tín hữu tiên khởi, “người thông tin Công giáo trước tiên phải là người có lòng tin chân thành và đầy hứng khởi, người đã gặp Thiên Chúa và cộng tác với Giáo Hội trong việc loan báo sứ điệp. Trong đời sống hằng ngày, họ phải trung thành với sứ điệp và sáng tạo trong những hình thức để loan truyền sứ điệp này, luôn luôn với viễn tượng của chân lý, ích lợi chung và tự do.” Lạy Chúa, xin sai Thánh Linh đến hướng dẫn và hun nóng các nhà truyền thông để họ ngày càng phục vụ dân Chúa tốt đẹp và hữu hiệu hơn. Xin Chúa trả công bội hậu cho những ai đang dấn thân tích cực vào ngành truyền thông. Xin cho GHVN có đủ cơ hội và những phương tiện truyền thông hiện đại để rao truyền Danh Chúa khắp nơi.Amen. Mời cùng cầu nguyện với 3 phút bằng Thánh vịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét