Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

Các công ty thẩm định tài chính bị tố cáo gây hại cho đồng euro

Sau kinh tế Hy Lạp, đến lượt đồng Euro Âu Châu đang bị khủng hoảng vì mất niềm tin của thị trường. Nhưng nếu hoàn cảnh đầy bất trắc của Hy Lạp là điều mà người ta có thể hiểu được, việc đồng Euro bị tấn công tới tấp và mất giá nặng nhất kể từ sáu năm nay là sự kiện đáng ngại. Nhưng ai tấn công đồng Euro? Một số dư luận nêu đích danh ba công ty thẩm định tài chính là Standard & Poor's, Moody's và Fitch. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde còn tố cáo hành vi mà bà gọi là "xúi giục giết người" của các công ty này. RFI tìm hiểu về loại doanh nghiệp đặc biệt nói trên qua phần phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California. Nghe phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa Về nguyên tắc, khi có người cần tiền và đi vay và có người có tiền muốn cho vay, họ cần một cơ quan trung gian lượng định khả năng trả nợ của người đi vay. Công ty trung gian này phải có vị trí độc lập và định ra khả năng hoàn trái của khách nợ tức là cấp độ an toàn cho chủ nợ. Nếu người đi vay là một quốc gia, cấp độ an toàn và khả năng sinh lời của việc cho vay là một tiêu chuẩn được thị trường chú ý. Các công ty này đánh giá giá trị của tờ giấy nợ theo gần 20 cấp cao thấp khác nhau nên cũng được gọi là "công ty lượng cấp tín dụng", hay trái phiếu. Trên thế giới, ba công ty Standard & Poor's, Moody's và Fitch thực tế kiểm soát tới 90% thị trường trái phiếu - là giấy nợ - của thế giới nên tiếng nói của họ rất có ảnh hưởng. RFI : Họ dựa vào dữ kiện gì để đánh giá mức độ an toàn hay khả năng trả nợ của việc vay mượn đó? Nguyễn Xuân Nghĩa: - Các công ty này thường được chính quốc gia vay tiền qua phát hành công khố phiếu yêu cầu nghiên cứu và đánh giá mức an toàn tài chính hay tín dụng, tức là giá trị của tờ giấy nợ, hầu có thể thuyết phục khách hàng mua công khố phiếu, nghĩa là cho vay. Họ nghiên cứu hồ sơ kinh tế của quốc gia, thảo luận với giới chức hữu trách, tham khảo ý kiến của các nhà đầu tư, của giới ngân hàng và đưa ra nhận định họ nghĩ rằng khách quan về khả năng trả nợ, về các loại rủi ro tín dụng, ngoại hối, chính trị, v.v... có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh lời và mức độ hiểm nguy của việc cho vay. - Nguyên tắc chung là rủi ro mất nợ càng cao thì phải trả phân lời, tức là tiền cho vay lãi, càng cao để bù đắp mối nguy bị mất nợ. Loại an toàn nhất chẳng hạn thì có lời thấp nhưng là nơi đầu tư có giá trị. Loại thiếu an toàn thì không được gọi là đầu tư mà bị coi là "giấy lộn" - là "junk bond". Nghĩa là nếu muốn cho vay thì sẽ phải đòi phân lời rất cao. Xứ nào cần tiền mà đi vay và lại bị đánh giá là bị rủi ro cao thì rất khốn đốn vì phải trả phân lời cao hơn nên càng tốn tiền khi đang cần tiền. - Sau vụ khủng hoảng tại Hy Lạp, vào hạ tuần tháng Tư vừa qua, khi các công ty này hạ mức an toàn của công khố phiếu do Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha phát hành thì các xứ này thêm khốn đốn và có thể bị vạ lây từ Hy Lạp. Khi ấy, khối Euro càng thêm khó khăn và tốn kém để vừa cấp cứu Hy Lạp, vừa ngăn khủng hoảng lây lan làm đồng Euro lại càng thêm mất giá. Vì vậy, các chính quyền Âu Châu, cả Pháp và Đức lẫn các nước miền Nam đang bị nguy cơ khủng hoảng, đều trách các công ty lượng giá này là phun dầu vào lửa, gây thêm khó khăn cho việc cấp cứu và làm thị trường càng mất tin tưởng vào đồng Euro. Chúng ta hiểu lời phát biểu của Tổng trưởng Kinh tế Lagarde trong tinh thần đó. RFI: Anh nhận định ra sao về những lời chỉ trích này? Các công ty ấy có gây điên đảo và làm đồng Euro bị mất giá hay không? Nguyễn Xuân Nghĩa: - Hai công ty Standard & Poor's và Moody's là của Mỹ, còn Fitch là một liên doanh giữa các doanh nghiệp Pháp và Anh mà nhiều người ít biết nên cứ nói tới âm mưu của Mỹ và Anh nhằm khuynh đảo khối Euro. Lời chỉ trích này là sự lếu láo của truyền thông thiếu hiểu biết nên ta khỏi nói ở đây. - Thực tế thì 10 hôm trước, lãnh đạo kinh tế tài chính các nước Âu Châu cùng Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI đã công bố một kế hoạch cấp cứu Hy Lạp và ổn định tài chính trong khối Euro trị giá 750 tỷ Euro và bây giờ là tới hạn kỳ thi hành kế hoạch. Các nước đều ý thức được nhiều khó khăn chính trị lồng trong kế hoạch cấp cứu tài chính này nhưng muốn trấn an thị trường bằng ngạch số rất cao của kế hoạch vì trị giá tương đương cả ngàn tỷ đô la. - Họ chỉ mong là thị trường tin tưởng, đừng hốt hoảng mà làm vấn đề cứu giúp thêm khó khăn và tốn kém. Trong hoàn cảnh ấy, họ có ác cảm với những kẻ đứng ngoài chấm điểm và cứ nêu ra mặt tiêu cực của kế hoạch hay của các nước cần cấp cứu. Đấy là một nguyên do chính trị của lời chỉ trích. Ngoài ra, những phát biểu đầy mâu thuẫn của giới chính trị Âu Châu nhằm biện bạch với cử tri ở nhà về nhu cầu cấp cứu không chỉ chế độ bao cấp của Hy Lạp mà cả tương lai của đồng Euro cũng làm thị trường mất tin tưởng vào đồng tiền thống nhất của khối Euro. - Tuy nhiên, từ đã lâu rồi dư luận và cả Hoa Kỳ cũng đã phê phán các công ty lượng giá này. Thí dụ như hai năm trước thì đã quá lạc quan đánh giá sai giá trị của các kén nợ có bảo đảm hay các khoản tín dụng loại thứ cấp. Bây giờ thì lại quá bi quan đánh giá sai tình hình của Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha chẳng hạn. Bị chỉ trích thì nhiều lắm, còn làm sao cải thiện thì chúng ta chưa biết được là có khả thi hay không. RFI: Xin hỏi câu cuối thưa anh, tại Hoa Kỳ, các công ty này cũng bị tố cáo là ăn cánh với các ngân hàng trong cách lượng giá có ẩn ý. Thượng Viện Mỹ muốn đưa họ vào nền nếp và gia tăng việc kiểm soát, v.v.... Anh nghĩ sao về vụ việc này? Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thật ra, nghệ thuật ăn cánh với doanh nghiệp là một biệt tài của nhiều chính khách Mỹ, kể cả các chính khách đang đòi tăng cường kiểm soát doanh nghiệp. Kể cả Nghị sĩ Chris Dodd, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện và tác giả dự luật cải cách. Ông ta không dám ra tranh cử nữa bị biết là sẽ thất cử. Cho nên chúng ta nên trừ bì và đừng quá tin vào thiện chí cải tổ của họ. Ta không quên rằng năm nay là một năm tranh cử tại Mỹ và ai ai cũng tỏ ra sốt sắng bảo vệ giới tiêu thụ và tấn công vào bọn tài phiệt hay thành trì của bọn tư bản sấu xa. Vụ Hội đồng thanh tra SEC đòi kiện tập đoàn Goldman Sachs hay Biện lý Andrew Cuomo của New York đòi truy tố tám ngân hàng quốc tế cũng nằm trong chiều hướng ấy. - Trở về các doanh nghiệp lượng cấp mình đang nói thì họ bị chỉ trích gần một chục chuyện khác nhau và từ năm 2003 đã bị cơ quan thanh tra thị trường giao dịch chứng phiếu SEC điều tra và nêu ra một số đề nghị cải sửa mà họ phải chấp hành. Cụ thể là hãng Fitch phải lập riêng một bộ phận tách rời nhiệm vụ trung gian cố vấn khách đầu tư khỏi nghiệp vụ định giá trái phiếu để khỏi có mâu thuẫn về quyền lợi là vừa bán hàng vừa định giá món hàng. - Dù sao, vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng cho thấy Hoa Kỳ phải cải sửa lại luật lệ tài chính ngân hàng cho chặt chẽ hơn. Nhưng nếu chính phủ lại thi hành việc kinh doanh ấy, kể cả lượng giá trái phiếu, thì đấy sẽ là liều thuốc đổ bệnh vì người ta không thể giao cho chính khách việc quản lý tiền bạc được, nhất là các chính trị gia Mỹ mà sự gắn bó với doanh giới đã trở thành đặc tính hữu cơ! Mai Vân (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét