Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Hai, 8 tháng 3, 2010

Phúc âm Lễ Chúa Nhật thứ III .Mùa Chay (07/03/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Bài giảng của Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R.
CƠ HỘI CUỐI CÙNG Nếu hôm nay có người đến nói với bạn: “Anh chỉ còn đúng một năm nữa để sống thôi”, bạn sẽ làm gì trong năm cuối cùng đó của cuộc đời? Bạn sẽ tự nhủ: “Ồ, ta cứ sống đi đã. Lúc nào chết tính sau”, hay bạn sẽ tính toán: “Dẫu sao thì cũng còn 365 ngày nữa. Tới ngày thứ 300, ta bắt đầu chuẩn bị cũng còn kịp chán.” Nếu đó là thái độ sống của bạn thì e rằng bạn đang sa lưới của Satan rồi. Một tinh thần lề mề và một thái độ trì hoãn sẽ mang lại biết bao tai hoạ. Để đến ngày mai những gì nên làm hôm nay là tự đánh mất tương lai của chính mình. Không có cám dỗ nào nguy hiểm cho bằng tư tưởng: “đời còn dài, ngày mai còn kịp”. Một dụ ngôn kể lại việc ba quỷ con đến chào tướng quỷ là Satan trước khi lên trần gian tập sự. Chúng trình bày cho Satan những mưu đồ của mình trong việc phá huỷ hạnh phúc con người. Quỷ con thứ nhất đến trình rằng: “Em sẽ bảo với người ta là không có Thiên Chúa đâu. Thế nên đừng lo phải đi nhà thờ nhà thánh gì cả.” Satan trả lời: “Như thế thì chẳng lừa được mấy người đâu, vì họ dư biết là có một Thượng đế, Đấng Tối cao trên muôn loài muôn vật.” Quỷ con thứ hai vội tiến lên trình bày sách lược của mình: “Em sẽ rỉ tai người ta là không có hoả ngục đâu. Thiên Chúa là Đấng yêu thương nên làm gì có chuyện Ngài dựng nên hoả ngục để hành hạ con người.” Nghe thế Satan trầm tư một chút rồi nói: “Nhưng cách này cũng chỉ lừa được một ít người thôi, vì người ta cũng dư biết Thiên Chúa là Đấng Công minh. Ngài sẽ thưởng phạt theo công phúc của họ. Thế nên mấy ai lại không hiểu là phải có hoả ngục để làm nơi chứa tội.” Quỷ con thứ ba lại gần và tâu với thủ lãnh: “Em sẽ nói với loài người rằng không có gì phải vội vã cả, còn lâu Chúa mới trở lại.” Satan suy nghĩ, đoạn gật gù và nói: “Hay lắm, bằng cách đó ngươi sẽ tiêu diệt được hàng vạn linh hồn.” Thế ra, không có sự lừa dối nào tai hại cho người ta bằng ý tưởng “thời gian còn nhiều”, để rồi cứ mãi đắm chìm trong đam mê tội lỗi, rối vợ rối chồng, hững hờ niềm tin, tôn thờ vật chất, sa lầy hưởng thụ. Và cuối cùng, như cây vả không sinh trái, bị chặt xuống và quăng vào lửa đời đời. Thánh Anphongsô từng viết: “Ai cũng biết rằng mình sẽ chết, nhưng khốn thay! Nhiều người nghĩ rằng sự chết còn rất xa. Họ cho rằng những người già cả, ốm yếu mà còn sống được ba bốn năm nữa, huống chi là mình. Nhưng con hãy biết, đã có biết bao nhiêu người chết một cách bất ưng, khi họ đang ngồi, đang đi, đang ngủ… Có ai trong họ nghĩ rằng mình sẽ chết” (xem sách Chân Lý Đời Đời của Thánh Anphongsô). Vị tông đồ dân ngoại từng nhắc nhở các cộng đoàn tiên khởi: “Khi người ta nói: Bình an và chắc chắn! Thì bấy giờ là lúc tiêu diệt thình lình ập xuống trên họ” (1 Tx 5:3). Thế nên hãy biết tỉnh thức, sám hối, và canh tân. Chính Chúa Giêsu cũng đã phán: “Nếu các ngươi không ăn năn sám hối, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt” (Lc 13:3). Sám hối không chỉ là công việc dừng chân trên con đường tội lỗi, nhưng còn là một ý thức về thời điểm hồng ân: “đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ”. Sám hối là nhận rõ thời điểm của yêu thương tràn đầy. Tình thương dạt dào đến nỗi Thiên Chúa còn tạo thêm cơ hội và kiên nhẫn đợi chờ: “Xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân, may ra nó có quả chăng” (Lc 13-8-9a). Có cảm nhận được tình Chúa yêu thương và nỗi mong chờ tha thiết của Ngài, con người sẽ có một cuộc sám hối đích thực. Sám hối là trở về trong yêu thương của Thiên Chúa, một tình yêu tự hiến và vị tha. Cảm nhận được tình yêu như thế sẽ làm phát sinh hoa trái là bao việc lành phúc đức. “Dụ Ngôn Cây Vả” không những lên án thứ cây “ăn hại và làm choáng đất”, nhưng còn nói rõ yếu tố kết thành bản án. Đó là thứ cây “không sinh trái”. Thế nên sám hối không chỉ là việc thôi không phạm tội nữa, song còn là việc tô điểm tâm hồn bằng những hoa trái thiêng liêng. Thiên Chúa không đến để nhìn một cây vả trơn tru, không gai góc, nhưng Ngài đến là để tìm hoa quả nơi cành của nó. “Xin để một năm nay nữa. Bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”. Thiên Chúa luôn cho tôi cơ hội làm lại cuộc đời. Ngài luôn mở lòng yêu thương mời gọi những ai sa ngã chỗi dậy. Thế nhưng cơ hội thì có hạn. Sẽ đến ngày chỉ còn một cơ hội cuối cùng. Nếu đời tôi còn một năm, hay một tháng, hoặc một ngày nữa thôi thì sao. Thật bất hạnh vô cùng khi tôi đánh mất cơ hội cuối cùng đó. Vì không biết đâu là cơ hội cuối, nên tôi phải xem ngày hôm nay như là “lúc thuận tiện” để nhận ơn cứu độ đời mình. Nếu ngày mai Chúa còn cho sống, thì ngày mai vẫn là một cơ hội không nên đánh mất. Thông thường, mỗi tối trước khi lên giường nghỉ đêm, chúng tôi hay đọc Kinh “Cầu Ơn Chết Lành”, xin được ghi lại dưới đây như một chia sẻ chân thành: “Lạy Chúa con, con biết thật con sẽ chết. Có khi con chỉ còn sống được ít phút nữa mà thôi. Có khi đêm nay con vào giường nghỉ mà sáng mai chẳng còn chỗi dậy nữa. Cho nên Chúa dặn bảo con: dọn mình vào giường ngủ như là vào mồ chết vậy. Lạy Chúa con, con biết thật đến giờ lâm chung, con sẽ ước ao chớ gì khi sống, con chẳng có phạm tội, lại hết lòng kính mến Chúa luôn. Lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Con ước ao sống và chết trong sự kính sợ Chúa. Ôi Chúa con, con xin phó dâng linh hồn con cho Chúa, vì Chúa đã mua nó giá rất cao. Xin chớ để nó ra vô phước mà chẳng nhờ đặng Máu Thánh Chúa đã đổ ra mà cứu chuộc nó. Lạy Mẹ Hằng Cứu Giúp. Lạy Thánh Thiên thần hộ thủ. Lạy Thánh Bổn mạng con. Lạy các Thánh Nam Nữ trên Nước Thiên đàng. Xin hãy chuyển cầu cho con được sống trong sự kính sợ Chúa, chết trong sự yêu mến Chúa, và làm tôi Chúa ở đời này, hầu ngày sau được hưởng cùng Chúa và Đức Mẹ trên Thiên đàng. Amen. Giêsu, Maria, Giuse. Con xin dâng lòng con, trí khôn con, và sự sống con trong tay ba Đấng. Giêsu, Maria, Giuse. Xin cho con được chết bằng an trong tay ba Đấng.” Thiết tưởng, nếu mỗi tối, khi màn đêm buông xuống, trong không gian tĩnh mịch, với tâm tình cầu nguyện chân thành như trên, đời ta sẽ không thể không sinh hoa trái yêu thương. Và đương nhiên, hoa trái đó sẽ tồn tại cho đến muôn đời.
Bài giảng của Pt. Giuse Trần Văn Nhật TỘI LỖI VÀ SỰ CHẾT Vào hôm thứ Bẩy tuần trước (27-2-2010), một trận động đất đã xảy ra ở Chí Lợi gây thiệt mạng cho gần 1,000 người và khoảng 2 triệu người vô gia cư. Số người bị thiệt mạng này chỉ là phần nhỏ so với khoảng 200,000 người Haiti bị chết trong trận động đất vào hôm 12 tháng Giêng, 2010, trong số đó có cả một tổng giám mục và nhiều chủng sinh của Giáo Hội Công Giáo Haiti. Riêng trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Houston, cách đây gần hai năm, hầu hết mọi người đều bàng hoàng khi nghe tin chuyến xe buýt hành hương Đại Hội Thánh Mẫu Missouri bị bể bánh xe nên lật ngang và gây thiệt mạng cho 17 người. Cả hai tin tức này cũng tương tự như hai cái chết tập thể mà Chúa Giêsu đề cập đến trong bài phúc âm hôm nay của những người Galilê bị Philatô hành quyết, và của 18 người bị chết vì tháp Sil-ô-ác vùi dập. Trước những cái chết thảm thương đó, hầu như con người đều có phản ứng giống nhau, dù là thời xa xưa hay thời nay, người ta thường cho rằng những ai bị chết một cách đột ngột, thảm thương là vì tội lỗi của họ nên bị Chúa phạt! Có đúng như vậy hay không? Hãy trở lại với trận động đất ở Haiti, nếu thực sự đó là hình phạt của Thiên Chúa thì chẳng lẽ đức tổng giám mục Haiti và hàng chục chủng sinh là những người tội lỗi hơn chúng ta đến độ bị trừng phạt hay sao? Hoặc những người Việt Nam đạo đức đã dành thời giờ đi hành hương Đại Hội Thánh Mẫu lại là những người tội lỗi hơn chúng ta nên bị chết cách thảm thương hay sao? Chắc chắn không phải như vậy. Thiên Chúa không trừng phạt như chúng ta nghĩ, và chính Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay cũng xác nhận như vậy. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc, nếu Thiên Chúa không phạt thì tại sao Chúa không cứu những người tốt lành? Và như vậy, họ lý luận rằng, vì những người tốt lành vẫn chết giống như người độc ác, do đó không có Thiên Chúa, không có đời sau, không có sự thưởng phạt, và rồi họ tự do phạm tội. Nhân bài phúc âm hôm nay, thiết tưởng chúng ta cần có một cái nhìn đúng đắn về sự chết. Trước hết, cái chết là một sự thật mà ít người muốn nghĩ đến. Có sinh thì phải có tử. Đó là một quy luật của đời sống. Ai cũng biết như thế, nhưng hầu như không ai muốn nghĩ đến, không ai muốn chuẩn bị bởi vì ai ai cũng sợ chết. Điểm thứ hai, cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào, vì tai nạn hay vì bệnh tật. Tai nạn ở đây có thể là do thiên nhiên hoặc do con người gây ra. Các thiên tai như động đất, bão lụt, xảy đến là vì vũ trụ phải tuân theo các quy tắc vật lý mà Thiên Chúa đã đặt ra. Nếu cả nước Haiti nằm trên một mảng đất khổng lồ mà mảng đất ấy bị nghiêng đi theo một góc độ nhiều ít, chắc chắn một ngày nào đó nó sẽ bị trượt đi, và khi ấy trận động đất đương nhiên sẽ xảy đến. Vũ trụ vận hành theo các quy tắc mà chính Thiên Chúa cũng tôn trọng các quy tắc ấy bởi vì Người không mâu thuẫn, bởi vì Thiên Chúa không muốn đi ngược lại chính các quy tắc mà Người đã đặt ra. Vì vậy, một khi tai nạn xảy đến thì bất ai trong cuộc đều phải chịu ảnh hưởng của nó. Tai nạn cũng có thể do con người gây ra là vì con người có thể sai lầm và có tự do để hành động. Khi một người say rượu, không còn tỉnh táo, mà nhất định muốn lái xe thì dễ xảy ra tai nạn chết người. Hoặc những người cầm quyền như Philatô, Hitler, Stalin, v.v, họ có thể tàn sát con người theo ý muốn của một người cầm quyền mà Thiên Chúa không ngăn cản, bởi vì Người tôn trọng sự tự do của họ. Chính sự tự do của con người đưa đến trách nhiệm về hành động. Ngoài tai nạn, bệnh tật cũng có thể đưa đến cái chết. Có người bị bệnh tật ngay từ bẩm sinh vì di truyền. Có người bị bệnh vì môi trường sống không lành mạnh, hoặc bị lây bệnh từ người khác. Nói tóm lại, con người có thể chết vì nhiều lý do. Và khi đối diện với sự chết, loài người hoàn toàn bất lực. Khoa học, dù tân tiến đến đâu cũng không thể đi ngược thời gian để làm cho người ta trẻ mãi không già. Đứng trước sự bất lực của con người khi đối diện với sự chết, tổng quát có hai thái độ: tuyệt vọng, hoặc hy vọng. Người tuyệt vọng thường là người không có đức tin. Chúng ta là những người theo Chúa Kitô nên chúng ta có hy vọng. Để thấy hy vọng đó, chúng ta cần có cái nhìn chính xác về sự sống con người. Qua các cảm nghiệm của những người được gọi là “chết đi sống lại” (near death experience), những người mà khoa học xác nhận là họ đã chết về phương diện thể lý, nhưng sau đó một thời gian, họ sống lại, thì chúng ta phải nhìn nhận rằng, ngoài thân xác, con người còn có linh hồn mà khoa học phải bó tay. Bởi vì linh hồn thì không thể thấy được, sờ mó được, để có thể kiểm chứng bằng các phương tiện khoa học. Để có một giải thích và hiểu biết nào đó về con người, là một thực thể gồm thể xác và linh hồn, chúng ta phải nhờ đến tôn giáo. Nói đến tôn giáo, chúng ta lại thấy rằng khả năng con người bị giới hạn trong thế giới hữu hình. Đối với thế giới vô hình, siêu nhiên, con người không thể nào biết được một cách chính xác nếu Thượng Đế không tiết lộ cho chúng ta biết. Nói cách khác, nếu Thượng Đế không tiết lộ về chính Người thì tôn giáo chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của loài người. Chúng ta thấy người thời xưa thờ sấm sét, thờ mặt trời mặt trăng, và ngay cả ngày nay, nhiều người còn thờ các thú vật chỉ vì họ bàng hoàng trước những điều kỳ lạ của thiên nhiên mà họ không thể giải thích được. Thiên Chúa đã tỏ lộ chính mình cho loài người được biết qua lời của các ngôn sứ, và sau cùng qua chính con người của Đức Giêsu Kitô, Người là Thiên Chúa nhập thể, để nói với chúng ta bằng ngôn ngữ loài người. Nhờ những tiết lộ này, chúng ta được biết ngoài sự sống đời này còn có sự sống đời sau, đó là nơi chốn của linh hồn bất diệt. Nếu thân xác có thể cảm được sự sung sướng mong manh ở đời này thì linh hồn cũng có thể cảm được hạnh phúc bất diệt ở đời sau. Đó là mục đích của đời sống. Đó là một hy vọng. Và hy vọng này không phải hão huyền, bởi vì, chính Chúa Kitô đã sống lại sau ba ngày chết nằm trong mộ. Sự sống lại của Chúa Kitô minh chứng cho chúng ta về sự sống đời sau. Và để được hưởng hạnh phúc bất diệt ở đời sau thì chúng ta phải trong sạch, thánh thiện, đó là điều mà Chúa Giêsu thường nói trong các phúc âm, và hôm nay Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối tội lỗi. Tại sao phải sám hối? Vì Thiên Chúa và tội lỗi là hai thái cực không thể gần nhau được—tương tự như ánh sáng và bóng tối. Có ánh sáng thì không có bóng tối. Có Thiên Chúa thì không thể có tội lỗi. Nếu Thiên Chúa là hạnh phúc thì tội lỗi là sự bất hạnh. Và sự bất hạnh ghê gớm nhất là chúng ta bị xa cách Thiên Chúa, xa cách Nguồn hạnh phúc đời đời, đó là cái chết thứ hai. Đây là điều mà Chúa Giêsu đã cảnh giác chúng ta trong bài phúc âm hôm nay. “Ta bảo thật các ngươi, nếu các ngươi không sám hối, tất cả các ngươi cũng sẽ chết như những người đó!” Cái chết mà Chúa Giêsu đề cập đến ở đây thì còn kinh khủng hơn cái chết ở đời này, đó là sự xa cách Thiên Chúa đời đời vì tội lỗi. Tháp Silôác sụp đổ có thể là vì thợ hồ gian dối xi măng. Thay vì pha trộn đúng phân lượng thì họ đã lấy bớt xi măng để bán đi kiếm thêm tiền. Sự tham lam là tội lỗi đưa đến cái chết. Tương tự như người chủ hãng xe buýt gây thiệt mạng cho 17 người Việt Nam đi hành hương, chỉ vì tham lam không dùng bánh xe mới theo đúng tiêu chuẩn quy định mà tai nạn đã xảy ra. Sự khác biệt giữa bánh xe mới và bánh xe cũ có lẽ chỉ một hai trăm đôla, nhưng sự đau khổ gây ra cho 17 gia đình nạn nhân thì thật vô kể. Tội lỗi, dù rất nhỏ, cũng có thể đưa đến hậu quả vô cùng lớn lao. Đó là lý do Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại đến hai lần trong đoạn phúc âm ngắn ngủi hôm nay, “Ta bảo thật các ngươi, nếu các ngươi không sám hối, tất cả các ngươi cũng sẽ chết như những người đó!” Nhiều khi chúng ta tưởng rằng một số hình thức đạo đức bên ngoài như xem lễ ngày Chúa Nhật, đọc kinh hàng ngày, dâng cúng ít tiền cho nhà xứ là đủ. Chính lối sống của chúng ta có khi đã để lại nhiều thương đau cho những người khác mà chúng ta không thấy. Ông Alfred Nobel là người đã thành lập và cung cấp giải thưởng Nôben Hoà Bình hàng năm cho các phát minh giúp xây dựng hoà bình thế giới. Trước đây, ông là một kỹ sư hoá học người Thuỵ Điển và đã tìm ra công thức để chế tạo chất nổ cực mạnh. Một ngày kia, anh của ông từ trần, nhưng các thông tín viên lại sơ sót loan tin rằng chính ông từ trần. Thế là nhiều bài cáo phó được đăng tải. Dĩ nhiên ông bối rối, nhưng điều làm ông kinh hoàng hơn cả là họ đã gọi ông là “vua chất nổ”, đã giầu có nhờ giúp cho các lực lượng quân sự có thể giết người hàng loạt! Ông kinh hoàng là vì thế giới coi ông như một tên sát nhân. Thế là ông quyết tâm phải thay đổi cái nhìn đó bằng cách dành hết tài sản của ông để tặng cho những ai có phát minh đem lại hoà bình cho thế giới. Tôi có một gia đình người quen ở bên California. Bà ta đã lớn tuổi, rất đạo đức, bà đi lễ hàng ngày vì ở gần nhà thờ. Tôi nghĩ rằng gia đình bà hạnh phúc. Nhưng khi nói chuyện với các con của bà, họ thở dài và nói, điều đau khổ của gia đình họ là mỗi khi bà đến sống với người con này thì bà lại nói xấu người con kia. Tuy gia đình bà chỉ có ba người con nhưng họ không có niềm vui chỉ vì bà mẹ không nhận ra khuyết điểm của mình. Mỗi một năm, Giáo Hội dành ra năm tuần lễ mùa Chay để chúng ta kiểm điểm lại đời sống. Nhiều khi, những công việc đạo đức bên ngoài che mờ sự thật về con người của chúng ta. Nếu muốn biết những khuyết điểm của mình, có lẽ tốt nhất chúng ta hãy thành thật hỏi những người sống chung với chúng ta. Vợ chồng hỏi nhau, con cái hỏi cha mẹ, cha mẹ hỏi con cái, họ sẽ cho chúng ta biết các tật xấu của chúng ta, và rồi vấn đề còn lại là chúng ta có can đảm nhìn nhận hay không. Thiên Chúa thật thánh thiện nhưng cũng thật nhân từ. Như dụ ngôn cây vả trong bài phúc âm hôm nay, Thiên Chúa sẽ dùng nhiều cơ hội để thức tỉnh chúng ta. Khi thấy những cái chết thảm thương, vô lý xảy ra trong đời sống, chúng ta đừng tuyệt vọng, đừng mất đức tin, nhưng hãy nghĩ đến tính cách mong manh và chóng qua của đời này để nghĩ đến hạnh phúc đời sau. Và rồi hãy kiểm điểm lại đời sống của mình. Sau đó chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta có can đảm nhìn nhận, và quyết tâm thay đổi để trở nên một con người tốt hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét